TIN TỨC
  • Truyện
  • Đồi Ông Tri | Hoàng Minh Đức

Đồi Ông Tri | Hoàng Minh Đức

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
994 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

HOÀNG MINH ĐỨC

Giữa chiều hè, một chiếc thuyền máy chạy dọc theo con sông Gianh từ dưới làng Thanh Khê lên cầu Minh Lệ. Chiếc thuyền áp sát vào nhịp cầu gãy nằm giữa dòng sông. Người ngồi đằng trước chống sào cho con thuyền đứng lại. Người đàn ông mặc bộ vét-tông màu đen phía sau lái với tay vịn vào thành cầu rồi đu người lên. Ông ta cầm cái que gõ cành cạch vào từng thanh sắt, đoạn quay lại nói gì đó với mấy người đi theo. Có lẽ họ định cắt nhịp cầu cũ đem đi bán. Đây là cây cầu của Pháp xây dựng trước thế chiến thứ II. Năm 1945, máy bay đồng minh ném bom cản bước tiến quân của Nhật. Mấy chục năm sau nhịp cầu đã bị bùn đất lũ lụt đẩy xê dịch đi đôi chút. Nhiều người thèm khát cái đống sắt khổng lồ này lắm nhưng không có phương tiện gì để cắt. Thời gian này trong làng tôi người ta đua nhau đi thu mua sắt thép phế liệu đổi cho Nhật để lấy hàng hóa vải vóc, mì chính. Họ đi đào những quả bom nổ chậm, tháo ngòi nổ lấy thuốc súng và sắt thép.

Tò mò, tôi đặt gánh củi xuống bờ sông đứng xem họ sẽ làm gì.  

Một người gọi với vào bờ:

- Anh gì ơi! Anh có biết cái động Ông Tri(1) là ở đâu không?

- Thì ở đây chứ đâu nữa. Tôi quay người lại chỉ về phía bạt ngàn hoa mua đang nở tím ngát cả một vùng đồi.

Đồi ông Tri nằm phía Nam cầu Minh Lệ. Nó chạy dọc theo tuyến đường sắt Bắc Nam, sát với làng Đồng Đưng dài hơn 3 cây số. Mùa này hoa mua nở một màu tím biếc như mâm xôi gấc khổng lồ. Ông áo đen hỏi tôi:

 - Chú có biết trên đồi này có một cái hầm pháo không?

 - Răng mà bác biết có cái hầm pháo. Cháu hái củi tươi ở đây nhiều lần nhưng không thấy hầm hố nào bác ạ. Nghe các cụ nói sau trận đánh trên đồi này, có một người dân Đồng Đưng đã lên chôn cất 7 liệt sĩ hy sinh dưới cái hầm pháo. Nay người đó cũng đã chết lâu rồi.

 - Không! Chỉ 6 du kích thôi. Có một thằng Tây đen, người Ma-rốc. Còn bọn Tây trắng chết, chúng đưa xuống ca-nô hết. Có một người du kích nữa, bị thương vào nép trong hang đá.

 - Vâng! Đó là hang Đá Đứng. Trong thời Pháp thuộc, người ta vào đây để đánh bạc. Nay trở thành cái chuồng dê của ông cu Han.

 Tôi dẫn đoàn khách lạ đi theo sườn đồi đến cái trại dê của ông Han. Ông cu Han ở làng Minh Lệ, gần nhà tôi, bên bờ Bắc sông Rào Nan. Ông sang đây xây một ngôi nhà nhỏ bên hòn Đá Đứng để trông coi dê. Ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn núi bên cái khe nước chảy xuống hói Ngã Năm. Thấy chúng tôi đến, ông Han hết nhìn tôi lại nhìn đoàn khách lạ:

-  Chào các bác. Mời các bác vào xơi nước.

Vừa nói, ông vừa cầm cái ấm tích rót ra những bát nước chè vàng óng.

- Nước vừa mới nấu đấy các bác ạ. Chè Đá Đứng trồng trên đất đá cằn cỗi nhưng được cái thơm và được nước lắm. Nhà chẳng có ai đến nên chỉ được mấy cái bát, các bác uống tạm.

Ông áo đen trình bày:

- Dạ chẳng giấu gì bác, bọn tôi muốn xác định lại vị trí của cái hầm pháo Nhật. Năm xưa có những người bạn của tôi đã hy sinh trên quả đồi này.

Ông Han ra chiều ngẫm ngợi:

- Cái đó tui cũng loáng thoáng nghe qua. Năm đó tui mới chín, mười tuổi chi đó, là lớp hậu sinh nên nghe người ta kể lại thôi chứ không được chứng kiến. Bọn Nhật đóng trên cái đồi này để bảo vệ cầu Minh Lệ. Thằng pháo thủ đứng dưới hầm, chân bị xích vào càng pháo để cho khỏi chạy. Rứa mà cầu bị đánh sập rồi hắn mới bắn vuốt đuôi.

Người khách giới thiệu tên ông là Riên, Nguyễn Văn Riên người làng bên. Ông đang định cư ở Argentina. Nói đến đó ông bảo một người trong đoàn lấy ra một hộp bánh có in chữ latinh mời chúng tôi.

*  

Năm đó Riên 17 tuổi. Cậu đang đi bẫy thú ở khu rừng Cu Bận thì nghe tiếng máy bay bà già vè vè trên đầu. Chúng thả bom khói vào một số khu rừng cho đại bác câu từ dưới đồn Thanh Khê lên. Có lẽ địch bắn dọn đường chuẩn bị đi càn. Lòng như lửa đốt, cậu chạy về rừng Eo Cá, nơi dân làng cậu đang tản cư. Chẳng còn ai ở lại cả. Cả dãy lán trống huơ trống hoác. Mùi khói súng khét lẹt. Gió Lào quất từng hồi vào những mái tranh nghe xao xác. Có một ngôi lều trúng đạn pháo đang âm ỉ cháy. Tìm khắp các lán chẳng còn gì ăn được. Dân tản cư cuốn gói đi từ bao giờ. Bụng réo òng ọc. Bươn cả một ngày trời mệt lử mà chẳng bắt được một con thú nào. Bây giờ biết đi về phía nào đây. Đi vào rừng sâu thì càng mông lung, hun hút. Nếu ở lại sẽ làm mồi cho cọp đói. Trời tối om. Cậu quyết định chạy ra phía làng. Cậu cắt rừng đi xuyên xuống đường tàu. Cậu mò mẫm đi mặc cho đá nhọn, gai cào rách bươm quần áo. Đường tàu đây rồi. Cậu mệt nhọc lê từng bước theo các thanh tà vẹt.

Bỗng uỵch. Một cú đấm như trời giáng làm cậu bé choáng váng ngã sấp xuống đường tàu. Tối tăm mặt mũi, cậu ngất đi. Một anh du kích đứng gác tưởng Việt gian sục vào dò la tin tức nên hạ gục bằng một nắm đấm từ phía đằng sau. Mấy hôm trước có 2 người cầm dây thừng đi tìm trâu vào khu vực tản cư của dân làng đã bị du kích bắt.

Riên vừa tỉnh lại, một người đưa đến bát cháo nóng hổi. Đói quá, cậu vừa thổi vừa húp xoàn xoạt. Cháo đi đến đâu cậu biết ngay đến đấy. Như cái cây khô héo được tưới nước đang tươi dần. Lúc đó cậu mới biết gia đình và bà con đi sâu vào rừng Phong Nha sát với biên giới Việt - Lào.

 Ngày 15/6/1947, địch bắt đầu càn lên vùng Nam của huyện. Súng lớn, súng nhỏ rộ lên khắp nơi. Bốn chiếc ca-nô từ dưới đồn Thanh Khê tiến thẳng lên theo dòng Rào Nan. Tiếng kẻng trên Động Lòi báo động thúc giục liên hồi. Có 3 chiếc đã ghé vào bờ Bắc, đổ bộ lên bến chợ Mới, làng Minh Lệ. Một chiếc bẻ lái sang bờ Nam, làng Đồng Đưng. Với mác Lào, đại đao, súng trường và lựu đạn, ta không thể dàn quân mà chọi nhau với đội quân nhà nghề của Pháp được. Phải nhữ địch vào rừng sâu để lợi dụng địa hình địa vật đánh giáp lá cà. Ông Trương Sô ném một quả lựu đạn mù vào giữa toán đi đầu rồi chạy biến vào rừng. Bọn địch đuổi theo bắn như mưa. Tên chỉ huy huơ huơ khẩu súng lục và hét: Se précipiter pour attraper le Viet Minh(Nhanh lên bắt lấy Việt Minh). Vốn đã học ở trường École Pratique (Kỹ nghệ thực hành) ở Huế, biết tiếng Pháp nên Riên hiểu chúng đang nói gì với nhau. Thế là trúng kế của ta. Chờ cho cả bọn lọt vào đồi Ông Tri, trong các lùm cây, bụi rậm, bên những hốc đá du kích xông lên. Hai bên lao vào nhau đánh giáp lá cà. Những thằng Tây cao to lông lá xồm xoàm, hùng hục như những con trâu điên. Bên du kích ta, người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn. Những người nông dân đã từng quen rừng rú nên thoắt ẩn thoắt hiện. Đánh nhau giữa rừng cây thì lợi thế vũ khí của địch không còn nữa. Chúng khó mà ngắm bắn trúng du kích. Ngồi dưới hầm pháo, Riên nghe thằng mang điện đài gọi vào máy bộ đàm: “Nous avons rencontré le Viet Minh. Nous étions encerclés sur la colline” (Chúng tôi đã gặp Việt Minh, chúng tôi đã bị bao vây trên đồi). Riên nói với ông Sô: “Bọn địch đang viện binh. Phải rút nhanh chứ không các cánh quân của chúng đang đến”.

 Chỉ mấy phút sau, cánh quân Pháp bên làng Minh Lệ tràn sang. Ta vừa đánh vừa rút lui xuống chân đồi. Bọn địch ở trên đồi lấy lại thế thượng phong. Súng đại liên bắn xối xả chặn đường rút lui của quân ta. Du kích rút theo đường tàu để vào vùng rừng Phú Hữu bên kia dãy núi Ba U. Không kịp nữa rồi. Cánh quân Pháp theo ca nô dưới Thanh Khê lên, chúng đổ bộ ở cầu Ngân Sơn theo đường sắt tiến ra bọc hậu. Một cánh quân trên làng Cao Mại được ca-nô chở xuống chặn đường ta lên chiến khu Hói Gió. Ông Trương Sô ra lệnh bằng mọi cách phải vượt qua hói Ngã Năm để về chiến khu.

Quân địch tập trung một đại đội càn quét ở đồi Ông Tri. Chúng dàn hàng ngang đi lùng sục từng bụi sim, bụi hoa mua tím. Máu của địch và ta đỏ loang cả mặt đồi. Chúng cáng những tên bị thương và xác của những tên đã chết xuống ca-nô. Lúc này Riên bị mắc kẹt lại không kịp rút theo du kích được. Cậu dìu một anh du kích bị thương vào trong hang Đá Đứng. Có một người lính da đen bị thương kêu la thảm thiết. Một người lính đến báo cáo với tên chỉ huy: “Il y a un Marocain vivant” (Có một người Maroc đang sống). Tên chỉ huy bước đến rút khẩu súng lục ra ngắm giữa ngực người lính da đen nổ một phát đòm. Hắn nói: “Laisser vivre ces nègres ne coûtera que plus d'argent” (Để những người này sống chỉ thêm tốn cơm).

Đến tối, quân Pháp rút khỏi đồi Ông Tri. Chúng về đóng đồn Minh Lệ trên Động Lòi. Hàng ngày những toán quân Pháp vẫn đi tuần tiễu trên đường sắt. Chúng bao vây đồi Ông Tri để xem còn ai sót lại nữa không. Riên không thể nào lọt được ra ngoài. Anh du kích bị thương mất nhiều máu lại thêm 3 ngày không ăn uống gì nên người mềm oặt như tàu môn héo. Nếu kéo thêm ngày nữa chắc là anh chết vì đói mất. Sang ngày thứ tư, Riên đi dọc theo hói Ngã Năm tìm thấy một rẫy sắn của người Đồng Đưng. Đất ở đây cằn cỗi nên những củ sắn dài ngoằng chứ không được to. Cậu cởi chiếc áo đùm một đống sắn đem về hang. Chờ đêm tối cậu mới dám nhóm lửa để nướng. Nước thì sẵn có dưới khe, chỉ tội không có cái gì để nấu. Đến ngày thứ 7 thì vết thương của người du kích bị nhiễm trùng, sưng tấy. Phải tìm cách báo với đơn vị du kích đem anh đi cứu chữa. Cậu xuống làng Đồng Đưng nhưng chẳng gặp ai. Mọi người cũng đã đi tản cư cả. Khi trở về thì một toán lính Pháp phát hiện. Chúng trói nghiến Riên lại, giải về đồn Minh Lệ. Cậu khai là vào rừng bẫy thú, khi trở lại thì họ đã tản cư mất rồi. Cậu nói với chúng là đói quá nên đi tìm các quan lớn xin một bát cơm.

Mọi người đang chăm chú nghe ông Riên kể thì tôi buột miệng hỏi:

-  Rứa bọn Pháp có bắt bác đi càn với chúng không?

Ông Riên xua tay:

-  Nô! Nô! Không! Không đâu! Thấy tôi nói được tiếng Pháp lại biết sửa chữa bật lửa, máy hát, ra-đi-ô nên chúng cho làm đầu bếp. Tôi sửa chữa điện đài, lau chùi bàn ghế, quét phòng cho viên chỉ huy ở trên đồn.

 Đến lượt ông Han lên tiếng:

 - Rứa tính mạng người du kích trong hang về sau bác có biết thế nào không?

Tôi cũng nóng lòng muốn biết ông Hoàng Đạnh, chồng của bà Kiếng, em ruột ông ngoại tôi. Không biết người du kích đó có phải là ông Đạnh của tôi không? Vì ông Đạnh là người làng tôi nên mới biết cái hang trong hòn Đá Đứng. Chúng tôi nhìn ông Riên chờ đợi câu trả lời. Giọng ông Riên chùng xuống, buồn buồn:

 - Tôi cũng có ý dò hỏi nhưng ở trong đồn chẳng biết hỏi ai. Với lại nếu hỏi là chúng sẽ biết tôi đã từng đi theo du kích. Giữa năm 1948, Pháp rút khỏi đồn Minh Lệ lần thứ nhất, tôi vào làm bồi quét rác ở sân bay Bờ Hơ (Đồng Hới) nên cũng không có dịp tìm hiểu một cách tường tận. Thấy tôi nhanh nhẹn, lại làm việc chu đáo nên được ông cai Label tin dùng. La bel là nhân viên của hãng Air France phụ trách sân bay. Ông không có con nên nhận tôi làm con nuôi. Đến 1950 thì Label được lệnh về Pháp. Ông bảo lãnh cho tôi theo ông sang Pháp. Tôi vào học khoa Hóa, Trường Cao đẳng Bách khoa Paris. Nhận bằng kỹ sư, tôi về Sài Gòn. Ông Riên đã kể lại cuộc đời ông đã xây dựng công ty THAI HOA ở Sài Gòn.

 - Làm sao mà bác dễ dàng lọt được vào công ty có dự án lớn đầu tư sang tận Argentina? - Tôi hỏi.

- Có nói chắc chú và bác đây cũng không hiểu hết. Vì tôi học tiếng Pháp, tiếng Anh rất nhanh. Kể cả tiếng Hoa, tiếng Thái và tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ nào tôi cũng thông thạo. Có chìa khóa ngoại ngữ đa năng, tôi đi sâu vào thế giới khoa học tiếp thu các kiến thức tinh hoa về Sinh, Hóa và áp dụng ngay. Công ty tôi mở rộng ra thị trường châu Á, châu Phi và cả châu Mỹ. Đó là lĩnh vực sản xuất thuốc trừ sâu và phân bón nông nghiệp. Tôi rất quan tâm đến vệc sản xuất lương thực. Chính vì không có lương thực mà năm Ất Dậu cả nước ta có 2 triệu người chết đói.

*

Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 1987, người ta thấy trên tivi có hình ảnh ông Phạm Văn Hữu thay mặt bà con Việt kiều chúc Tết. Ông là một Việt kiều yêu nước về Việt Nam ăn cái Tết đầu tiên sau gần 40 năm xa quê. Tôi thấy sao mà giống với ông Riên đã gặp chúng tôi trên đồi Ông Tri đến thế! Mấy năm sau, ông Hữu về xây dựng Công ty phân bón vi sinh Thiên Nông. Trên cồn cát hoang sơ chang chang gió Lào cát trắng của Quảng Bình đã mọc lên Nhà máy phân bón sông Gianh nổi tiếng mà nguyên vật liệu lại là than bùn khai thác tại chỗ. Công ty phân bón sông Gianh vươn dài ra các tỉnh phía Bắc, lên Tây Nguyên, vào tới miền Nam. Đây là công ty được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Không biết ông Phạm Văn Hữu có phải là ông Riên hay không?  

Năm 2012, nhân đọc cuốn hồi ký Trọn một con đường(2) của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết về những trận chống càn năm 1947. (Lúc bấy giờ ông là Bí thư Huyện ủy, kiêm Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch). Trong chương 5: Trưởng thành trong chiến tranh du kíchông viết: “Ngày 15 tháng 6, Pháp cho một đại đội, trang bị đủ đại liên, súng cối, chia thành hai mũi tiến đánh Minh Lệ; một trung đội ngược sông Gianh, vừa càn quét, đốt phá làng Minh Lệ, vừa có nhiệm vụ đón cánh quân ở Cao Mại về. ... Du kích các xã ven sông Gianh và sông Rào Nan đã chủ động chặn đánh, nhưng vì không có súng nên ca nô địch cứ đàng hoàng tiến theo kế hoạch của chúng. Sau đó, anh em du kích các xã gặp tôi có nói: “Ca-nô của địch chạy ngon ăn quá mà đành bấm bụng chịu, để chúng đi”. Lúc đó đại đội đi cùng tôi lại bố trí phục kích ở hướng Hòa Ninh lên, nên không gặp địch. Ở Minh Lệ, một trung đội du kích bám địa bàn chiến đấu chống càn, nhưng do thiếu kiến thức quân sự, bố trí trận địa phục kích dưới chân đồi, địch phát hiện được, chúng lại có đại liên đặt trên cao khống chế, nên du kích bị thương vong khá nặng, rất đáng tiếc”.  

 Một lần, đội xây dựng đường dây tải điện 35 KV đi qua trên đồi Ông Tri, cứ dựng lên cột nào là bị đổ cột đó. Người dân Đồng Đưng nói vì các anh chưa thắp hương cho các liệt sĩ. Họ còn cho biết đêm đêm vẫn nghe tiếng chuyện trò, có khi cả tiếng hát của các bác trong các ngày lễ trọng đại của đất nước. Thế là anh em công nhân đặt lễ thắp hương mong các bác phù hộ. Quả nhiên lần sau dựng cột nào cũng không bị đổ! 

*

  Những vết tích của thời gian đã phủ lấp lên cái hầm pháo chôn cất các liệt sĩ năm xưa. Dù không biết ở vị trí nào nhưng các bác cũng đã nằm trong lòng đất mẹ. Xã tôi đã cho xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ 7 người ở trên sườn đồi. Hội Cựu chiến binh của xã đã phát động hội viên trồng lên một rừng thông xanh tốt. Quanh năm rừng thông gió reo vi vút. Vừa rồi tại Đại hội Cựu chiến binh của xã, một hội viên làng Đồng Đưng cho tôi biết, có một du kích năm xưa đã nằm chết trong rẫy sắn. Có lẽ bị chết đói. Hiện nay gia đình anh ấy vẫn thắp hương thờ phụng. Anh đã báo cáo việc này lên Ủy ban Nhân dân xã. Tôi nghĩ không biết có phải là người du kích ở trong hang với ông Riên không? Phải tìm cách báo cho ông ấy biết mới được.

 Tôi gặp một giáo viên làng bên về dạy ở trường tôi. Cậu ấy là người bà con với ông Phạm Văn Hữu. Tôi hỏi có phải ông Phạm Văn Hữu chính là ông Nguyễn Văn Riên hay không? Hãy cho tôi số điện thoại! Cậu giáo viên ấy trả lời: “Có lẽ đúng đó thầy ạ. Bố em nói nhờ có bác Hữu mà Argentina phát triển mạnh về nông nghiệp. Những năm 80, nhờ có lương thực Argentina xuất khẩu sang Liên Xô, rồi Liên Xô viện trợ lại cho Việt Nam mình mới vượt qua sự bao vây cấm vận. Hồi em còn nhỏ, vợ chồng bác Hữu có chụp chung một tấm hình với bố mẹ em. Nay bác Hữu đã chết rồi, tại Argentina, năm 1995. Bác ấy thọ 65 tuổi”.

(1) Đồi Ông Tri hay còn gọi là động Ông Tri, thuộc xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.
(2) “Trọn một con đường”, tập hồi ký của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nxb. Quân đội Nhân dân, năm 2012.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm