- Truyện
- Đông chí | Lệ Hằng
Đông chí | Lệ Hằng
LỆ HẰNG
“Này, cậu… có muốn nuôi chó không?”.
Ông Tứ ngập ngừng, mặc dù đã cố nói thật trôi chảy và chắc nịch ba tiếng “nuôi chó không” nhưng sự rụt rè vẫn lồ lộ ra khiến cậu sinh viên nhìn ông như đề phòng. Ông Tứ cười xởi lởi, rút bàn tay đang đút trong chiếc áo khoác màu da bò lem luốc đang chuyển dần sang màu lông chuột ra xoa vào bàn tay bên kia, một cử chỉ gần như tự động mỗi khi ông cảm thấy có điều khó nói. Hai bàn tay miết vào nhau, tiếng hai lớp da sần ráp va vào nhau nghe khô khốc. Mùa đông năm nay dài và hanh hơn những năm trước. Cậu sinh viên vẫn nhìn ông, nhìn từ trên đỉnh đầu nơi đám tóc muối tiêu bung ra trong gió xuống tận bàn chân nơi ngón chân cái bị khoằm đang bấm bấm để bám vào đôi dép tổ ong đã sứt mất một miếng.
“Con Tô của tôi ấy, cậu có thể không tin nhưng mà nó biết đi vệ sinh đúng chỗ đúng giờ đấy. Này nhé, cứ năm rưỡi sáng là tôi dắt nó đi dạo, khu này chỉ còn đúng một lô đất trống thôi đó. Cậu đừng tưởng lầm, nó chẳng ị bậy ra lô đất ấy đâu. Tôi á, tôi mang theo một cái túi ni lông nó đi vào đó rồi tôi dọn, dễ ợt à. Nó ăn uống sạch sẽ, cái thứ nó đi ra cũng dễ chịu. Nó là con chó khôn nhất, cả khu phố này chẳng kiếm ra đâu…”.
“Vậy sao ông không giữ lại nuôi?”.
Cậu sinh viên cắt ngang lời ông Tứ, sự nghi ngờ có vẻ đang tăng lên. Giả sử cậu không cắt lời, hẳn là ông sẽ còn hùng biện về con chó tên Tô thông minh nhất khu phố.
“À, ông muốn bán nó chứ gì?”. Cậu sinh viên cười đắc chí.
“Không, không. Tôi đời nào bán nó. Làm sao tôi có thể bán con Tô của tôi được chứ, không đời nào. Nhưng mà cậu sẽ nuôi nó chứ?”.
“Cháu là sinh viên không có điều kiện nuôi chó đâu ông ơi! Mà con chó đó, ông không bán cũng không nuôi, nó lại thông minh vậy chắc là nó có bệnh”.
Cậu sinh viên đứng lên khỏi ghế đá, xốc lại ba lô rồi quay đi. Ông Tứ gọi với theo đầy nuối tiếc. “Chẳng qua là tôi…”.
Cậu sinh viên bước lẹ, có lẽ để tránh một mối phiền phức.
Ông Tứ xoa hai bàn tay vào nhau rồi chụm tay vào miệng hà hơi cho ấm. Ông rầu rĩ nhìn xa xăm vào khoảng không xám ngoét trước mặt, nhìn đăm đăm và ngồi im phắt như tượng. Trên chiếc áo khoác màu da bò ngả dần sang màu lông chuột, ngay dưới cổ áo, một chiếc lá điệp vàng bị sâu gặm gần nửa vừa rớt xuống và nằm im đó. Một lúc sau, cơn gió tạt qua cuốn theo chiếc lá. Ông Tứ vẫn ngồi im.
Đến gần trưa, bầu trời cao hơn một chút, ông Tứ đứng dậy đi về, vừa đi vừa bực dọc lầu bầu. “Chẳng qua là nhỡ mai chết không ai lo cho nó chứ đời nào, đời nào…”.
Dù đã dành gần cả buổi trên ghế đá để nghĩ về cái chết nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn. Cái chết thôi thúc cuồn cuộn trong đầu. Ông muốn nó phải có trật tự. Ông lại bắt đầu sắp xếp các ý nghĩ của mình, điểm khởi đầu của cái chết ông mong là trong lúc ông ngủ. Chắc chắn sẽ rất đau. Mà cũng có thể là ông sẽ mất hết cảm giác về sự đau, ông đơn giản là đi ngủ và rồi không biết gì nữa cả. Ông không biết căn phòng của ông và con Tô đang bật điện hay tắt điện. Liệu ông có ăn cơm hay bánh mỳ hay thứ gì đó vào hôm trước, liệu ông có cho con Tô ăn hay là không. Liệu lúc đó con Tô đang ngủ dưới gầm giường hay là nó mắc đi vệ sinh và đang cào chân vào cửa. Liệu nó có tè bậy trong phòng hay nó nhịn nếu ông không dậy mở cửa cho nó. Liệu có ai biết để phá cửa cho con Tô…
Ông nghĩ hết, nghĩ hết, nghĩ mọi nẻo. Ông đã sẵn sàng cho cái chết từ lâu lắm rồi, từ cái năm bác sỹ bảo ông có bệnh. Cuộc đời ông, ông chỉ khám bệnh duy nhất một lần đó và rồi ông về chuẩn bị cho cái chết. Ông thậm chí đã không khóa cửa khi đi ngủ vào ban đêm, và trước khi lên giường ông còn sắp xếp vài thứ để… ngày mai không dậy nữa cho đến khi từ một tình huống éo le mà ông đèo bòng thêm con Tô. Đột nhiên ông nuôi chó. Đột nhiên ông thích chó. À không, ông không hẳn là thích chó, ông thích con Tô. Và đột nhiên cái chết mới phiền toái làm sao! Gần đây, khi mùa đông kéo dài, ý niệm về cái chết trở thành con đỉa đói bám lấy tâm trí ông, hút hết mọi ý nghĩ về sự sống, chỉ còn cái chết là thường trực trong đầu. Thường trực đến mức lắm lúc ông tưởng mình đã chết thật cho đến khi con Tô liếm vào chân ông hay nhay cái ống quần. Những lúc như thế, ông quyết sẽ tìm chủ mới cho nó. Một người chủ đáng tin và tử tế. Quyết mãi, quyết mãi thì đến hôm nay ông hành động.
Tội nghiệp con chó, nó không biết là ông đang chết.
*
“Cô… có muốn nuôi chó không?”.
Vẫn như lúc sáng, sự đường đột cộng với cái rụt rè của ông Tứ gieo nỗi hoài nghi trong lòng bà chủ quán. Đó là một cái quán tạp hóa nhỏ, trong diện tích 7 m2 đổ lại, thân hình phì nhiêu của bà chủ quán lấn lướt hẳn mấy món hàng treo lỉnh kỉnh chung quanh. Bà choàng người ra đằng trước thao láo nhìn ông. “Bộ… ông có chó con hả?”.
Ông Tứ hớn hở, có vẻ ông đã tìm đúng người. Mà sai sao được, ông đã đứng im quan sát bà chủ quán từ lúc bà vuốt ve con chó nhỏ, thân hình phì nhiêu của bà đong đưa còn gương mặt thì giãn ra xuề xòa vui vẻ chứ không đanh như lúc này. Ông Tứ từ tốn tiến gần hơn một chút. Sự chậm rãi phần nào giúp ông lấy lại được vẻ bình thản. “Không phải chó con nhưng cô nuôi nó còn khỏe hơn cả chó con đấy. Này nhé, cô không tin nổi đâu, nó sạch sẽ gọn gàng cỡ này nè…”.
Lần này ông cô đọng bài hùng biện hết cỡ. Bà chủ quán gật gù. Ông Tứ chốt lại: “Nó là con chó khỏe mạnh. Hoàn toàn khỏe mạnh đấy nhé. Tôi không bán nó, tôi tìm chủ mới cho nó vì tôi sắp đi xa chứ không thì đời nào tôi cho”.
“Vậy chừng nào ông đi? Chừng nào ông mang nó sang cho tôi?”.
“Ngay chiều nay nhé”. Ông Tứ quay ra, nở một nụ cười méo xệch.
Bà chủ quán nhảy xuống khỏi sạp, gọi với theo. “Mà này ông ơi, con Tô của ông đực hay cái?”.
“Cái”. Ông Tứ trả lời mà không quay mặt lại. Chân ông vẫn bước.
Bà chủ quán hốt hoảng. “Thôi, thôi, tôi không nuôi được đâu. Ông đừng mang sang nhé”.
Giọng bà chủ quán đanh như sét đánh bên tai, ông Tứ sững người một giây rồi quay lại. “Cô không tìm đâu ra con chó khôn như con này đâu. Tôi cam đoan đấy. Tôi sẽ bày cho cô, cô nói nó làm gì nó làm theo liền à. Tôi nói rồi, vì tôi phải đi… tới cái nơi mà không mang nó theo được chứ đời nào”.
“Thì đấy, tôi biết nó khôn thiếu gì người nuôi, ông tìm người khác nhé. Tôi không nuôi chó cái được đâu, nó đẻ chữa phiền lắm”.
Mặt ông Tứ co rúm lại, ông nhìn bà chủ quán đăm đăm, đôi mắt van vỉ.
“Tôi bán quán không chứa chó cái được, ông hiểu không? Có mà khách họ bỏ quán tôi hết. Mà ông đi đâu đến nỗi không mang chó theo được thế?”.
Ông Tứ im phăng phắc. Bà chủ quán lắc đầu bước vào trong.
Trời nhá nhem, ngày Đông chí, chỉ mới quá chiều đã sầm sập tối. Cái lạnh khiến con phố co ro. Kéo lại chiếc áo khoác màu da bò lem luốc, ông Tứ lếch thếch đi về nhà. Sương như mưa hay mưa như sương lất phất dưới ánh sáng vàng của đèn đường vừa bật. Chợt, ông dừng lại ngay góc ngã ba. Ông đang nhìn chằm chằm vào một chiếc xe máy đang chầm chậm lướt qua. Chính xác là ông nhìn con chó trắng lông xù đứng trên sàn xe. Cạnh đó, có thằng nhóc bán bánh mỳ dạo, nó cũng đang nhìn theo con chó như ông. Con chó mất hút, ông tiến đến chỗ thằng nhóc. Thấy ông tới gần, thằng nhóc niềm nở. Nó lấy bánh mỳ nóng từ một siêu thị gần đó rồi bán cho khách qua đường. Hôm nay là cuối tuần người ta đi siêu thị nhiều nên nó đang ế. Ông Tứ thò tay vào túi áo lấy ra tờ tiền đưa cho nó. Vừa đủ một ổ mỳ cỡ lớn.
“Con chó trắng lúc nãy cháu có thấy chứ? Nó đẹp quá nhỉ?”.
“Nhưng giống đó lông xù và dài không dễ nuôi đâu ông”.
“Vậy cháu cũng thích nuôi chó nhỉ?”.
“Rồi cháu sẽ có một con, sớm thôi. Cháu vẫn chưa nghĩ ra sẽ đặt tên gì cho nó nhưng mà cháu chọn được chỗ làm nhà cho nó rồi đấy. Nội cháu bảo là sẽ giúp cháu làm nhà cho nó nữa đấy. Ba cháu sẽ làm có tiền gửi về cho cháu, lúc ấy cháu sẽ mua một con, lông ngắn thôi. Lúc ấy nội cháu sẽ đỡ bệnh và đi lại được, lúc ấy à, nội cháu sẽ giúp cháu làm nhà cho nó”.
“Ờ ờ, phải phải. Phải làm nhà cho nó chứ. Đặt nó tên Tô đi. Một con chó tên Tô cháu có thích không?”.
“Tô. Tô Tô. Tên hay ông ạ. Mà tên này thì hợp đực hay cái ông nhỉ?”.
“Cái. Một con chó cái tên Tô, cháu có nuôi nó không?”.
“Có chứ. Nhưng mà giờ cháu vẫn chưa có tiền mua chó đâu”.
“Không cần phải có tiền, không cần phải mua đâu. Ông sẽ mang nó ra đây cho cháu ngay bây giờ. Phải rồi, ngay bây giờ. Một con chó cái tên Tô”.
*
Thằng nhóc mừng rỡ run run đón lấy con Tô. Trong lớp áo dày xùng xình con Tô ngoan ngoãn nằm im, thi thoảng kêu lên mấy tiếng ư hử trong cổ họng. Con Tô có vẻ hơi nặng trên tay thằng nhóc.
“Ông cho thiệt hả?”.
“Ừ”.
“Không cần đưa tiền?”.
“Không”.
“Không lấy bánh mỳ luôn?”.
“Không”.
“Vậy cháu về nhé. Nội cháu sẽ thích nó lắm đấy. Nội sẽ sờ xem cái tai của nó, và cả cái đuôi, cả cái chân này nữa nè. Rồi cháu sẽ nói thật tỉ mỉ màu lông của nó”.
Thằng nhóc vừa liến thoắng vừa quay lưng đi. Ông Tứ cũng đi theo. “Cho ta về cho biết nhà nhé”. Ông Tứ rưng rưng liếc nhìn con Tô.
“Nhỡ ta nhớ nó, ta tới thăm. Nhé”.
“Được chứ. Nhưng chẳng phải mai là ông đi xa rồi sao? Ông không về đây nữa”.
Ông Tứ không nói gì cứ lẳng lặng đi theo thằng nhóc. Phần thằng nhóc, nó chẳng bận tâm sự hiện diện của ông sau lưng nó, nó mải trò chuyện với con Tô. Ông Tứ không nhớ là đi qua bao khúc quanh, bao kiệt, hẻm, ngóc ngách mới tới căn nhà đó. Chỗ này, có lẽ nên gọi là căn lều. Cũng không hẳn cho lắm, thật khó để gọi cho chính xác. Trên mảnh đất ẩm ướt nằm thấp hơn mặt đường gần 1 mét ấy có 4 bức vách xây bằng bờ-lô và vôi vữa nhưng đã quá xập xệ. Ông Tứ buồn, nơi ở mới của con Tô tệ hơn căn phòng mà ông và nó đã sống rất nhiều. Thằng nhóc ôm con Tô lần mò trong bóng tối để bật điện lên, chân nó đá phải xoong nồi kêu loảng xoảng. Một tiếng ho hù hụ phát ra trong góc phòng, tiếp theo đó là một giọng khàn đục yếu ớt. “Con về rồi đó à? Trời tối rồi hả?”.
“Tối một chặp rồi nội ơi. Nội, nội dậy đi con cho nội xem một thứ bất ngờ, nội không tin được đâu”.
Thằng nhóc ôm con Tô đến bên giường. “Đây này, đây này…”. Nó cầm lấy bàn tay run rẩy hom hem chỉ còn da với xương đặt lên mình con Tô.
“Mèo? Chó?”.
“Nội cứ xem tiếp đi, nội không tin được đâu”.
“Ô, chó?”.
“Nội không tin được đâu”.
“Ở đâu ra vậy con? Có thật không con?”.
“Thật chứ! Con chó của con, từ giờ con sẽ nuôi nó. Con là chủ đấy nhé. Nội cũng là chủ. Chúng ta sẽ làm nhà cho nó ở góc bên kia”.
Thằng nhóc chỉ tay vào một góc nhà. “Cái góc bên trái đó nội, cái chỗ mà bữa trước con nói đó. Nội đã nói là nội sẽ giúp con làm nhà cho nó, nội hứa đó nhé”.
“Ừ, mình phải kiếm ít ván nữa nhỉ. Và ít áo quần cũ nữa. Mùa này phải lót ổ cho nó. Tới mùa hè thì cho nó nằm đất cho mát. Phải tắm cho nó nữa đấy”.
Cụ lại hù hụ ho. Bàn tay gân guốc run rẩy vuốt lấy vuốt để con Tô.
“Đến khi đó nội sẽ khỏe lại, ta sẽ làm cho nó cái vòng đeo cổ, đúng không nội? Mà nội phải gọi nó là Tô nhé. Nó sẽ làm mẹ đấy”.
“Ồ, vậy là chúng ta sẽ có thêm lũ chó con. Chà, cu Bin nè, con phải chọn sẵn vài cái tên đi nhé. Nhưng nếu lũ chó con đông quá thì tính làm sao nhỉ?”.
“Thì cho tôi xin một con”. Ông Tứ sốt sắng. Một sự sốt sắng hay là một sức sống vừa bật ra khỏi cuống họng của người đàn ông đang sửa soạn cho cái chết của mình. Bằng cách nào đó, ông Tứ phá vỡ sự vô hình mà ông đã có kể từ lúc đi theo thằng nhóc.
“Cho tôi một con. Nhất định thế nhé. Năm tới là nó đẻ được rồi đấy. Phải phần tôi một con nhé, tôi sẽ nuôi. Tôi sẽ không chết. Tôi sống và nuôi chó. Nhất định thế”.
*
“Nhất định thế”.
“Nhất định thế”.
Đêm Đông chí lạnh cứa thịt da. Bóng ông Tứ đổ dài hẻm nhỏ. Mưa đọng trên chiếc áo khoác màu da bò đang ngả dần sang màu lông chuột một lớp dày, màu lông chuột càng trội thêm. Ông Tứ bước liêu xiêu, lưng lom khom, vừa đi vừa nói, tay nom như đang ôm thứ gì đó vào lòng, quý lắm. Có lẽ là con Tô. Cũng có lẽ là con của con Tô.
Ông về phòng, khóa cửa, lên giường đi ngủ.