TIN TỨC
  • Truyện
  • Đường vòng - Truyện ngắn

Đường vòng - Truyện ngắn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-09-20 08:18:08
mail facebook google pos stwis
75 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Đã bao lần đi nghiệm thu các công trình do phòng tôi thiết kế, sao hôm nay, lòng tôi dậy lên nỗi niềm khó tả. Không hẳn vì nó là công trình do tôi đổ bao công sức thiết kế và làm chủ nhiệm đồ án. Đây cũng không phải là công trình đầu tiên mà tôi tham gia trong hội đồng nghiệm thu với tư cách là trưởng phòng thiết kế. Tôi bận rộn vì nơi này, năm xưa, tôi đã thiết kế công trình đầu tiên trong cuộc đời. Và cũng từ nơi này tôi đã hiểu mình phải bắt đầu từ đâu trước khi cầm bút tính toán và cầm cây bút chì để vẽ.

Dạo ấy, tôi còn là một chàng trai yêu đời. Mang nguyên tính trẻ con, bồng bột, thơ ngây của sinh viên, tôi say sưa bước vào đời. Ngày ra trường, tôi là người đầu tiên của lớp xung phong vào một trong chín tỉnh miền Tây để “khổ luyện thành tài”. Hành lý của tôi chủ yếu là sách vở. Đường đi qua bao vùng đất lạ, làm đẹp thêm những ước mơ và dự định của tôi. Chính chú Năm đã xin cho tôi được về phòng thiết kế. Cầm tờ quyết định, tôi vui sướng đến rưng rưng. Chú Năm ơi, cháu không ngại khó, ngại khổ. Cháu sẽ làm theo lời chú dặn: “Ráng làm việc và phải có lương tâm nghề nghiệp nữa.”

Sau thủ tục nhập phòng: Những cái bắt tay, những cử chỉ khép nép, rồi thì những câu khiêm tốn cửa miệng… mà mọi người mới thường nói, làm. Điều đáng nói ra ở đây là phòng thiết kế đang ở trong mùa bận rộn, cho nên ngay ngày đầu tiên tôi đã được giao nhiệm vụ.

- Bến phà này em phải thiết kế trong vòng một tuần - Trưởng phòng nhìn tôi nói tiếp - Chậm nhất là đến sáng 27 tây em giao hồ sơ mộc cho anh kiểm tra trước khi duyệt ở ban quản lý công trình. Mùa mưa sắp đến rồi, cần làm gấp để kịp thi công xong trước mùa mưa. Đây là công trình đơn giản để em làm quen với công việc. Nhớ đừng chủ quan nghen.

Tất nhiên là tôi nhận và không quên khiêm tốn:

- Có mắc mớ, anh chỉ bảo cho em nhé.

- Ừ em cứ làm đại đi, có gì không hiểu, đã có các anh các chị trong phòng giúp đỡ thêm.

Tôi làm việc nghiêm túc, tích cực. Niềm hạnh phúc bình thường, được một việc có ích. Có nhiều lúc tôi cứ ngỡ ngàng. Mới có mấy hôm, từ một sinh viên tôi đã được quyền thiết kế một công trình. Suốt ngày tôi cứ phải điệp khúc: “Anh Hân ơi...”, “Anh Hân à…” để hỏi trưởng phòng. Và cứ mỗi lần như thế, anh đừng bút trả lời tôi những điều anh nhớ hoặc nhắc tôi tra cứu ở quy phạm nào, định mức nào… Tôi biết mình làm phiền anh nhiều quá nên cố gắng san cái gánh nặng đó sang các anh, chị khác ở trong phòng. Chưa có một ai khó chịu khi tôi quấy rầy họ cả. Các cô gái cùng phòng hay viếng thăm tôi. Hình như họ có việc phải đi ngang qua bàn tôi. Các cô ấy muốn kiểm tra tay nghề của tôi. Họ khen tôi chăm chỉ quá mức, hỏi han vài chi tiết tôi phác thảo trên bản vẽ. Họ đi từ những vấn đề kỹ thuật qua cuộc sống. Sau khi bàn luận chán chê họ không quên tự giới thiệu rằng mình đã tốt nghiệp ở trường nào và trong phòng còn có những ai chưa có chuyên môn… Tôi cũng phải dừng bút nghe và hỏi họ đôi câu cho đúng phép lịch sự mà trong lòng dậy nỗi lo không kịp hoàn thành đồ án của mình.

Ngày thứ tư đến, tôi đã tính toán sơ bộ và thiết kế xong. Để thật chắc chắn trước khi vẽ đậm, tôi mang bản vẽ thông qua trưởng phòng. Xem được một lát, anh Hân khen một câu thật đã:

- Bố trí khá quá ta. Có điều…

Tôi nín thở. Trăm sự rắc rối thường bắt đầu từ chữ “có điều” này đây. Nhìn thẳng vào mắt tôi, anh Hân cười vui vẻ:

- Coi bộ xe tới đây rồi bay từ trên lộ xuống hay sao?

Tôi thở ra nhẹ nhõm:

- Em cứ tưởng cái này do tổ đường thiết kế?

- Trường hợp em nói là bến phà phụ thuộc vào đường định sẵn. Còn đây là đoạn đường nối phụ thuộc vào vị trí bến phà nên em phải thiết kế luôn. Tập làm đi cho quen. - Anh tủm tỉm cười rồi đùa - Bến phà khó còn làm được nữa là cái đoạn đường nối đó. Có đáng gì. Tập nối cho quen đi đặng còn nối với nhỏ Thủy nữa chớ em.

Tôi đỏ mặt, lấy giọng nghiêm trang trả lời anh:

- Dạ em sẽ làm.

Chẳng khó khăn gì, tôi vạch được ngay đoạn đường nối. Nó thẳng ro. Mỗi tội đi qua những sáu căn nhà của dân. Mất một buổi suy nghĩ loay hoay, tôi vạch được hai đoạn đường khác có thể làm được. Để dễ lựa chọn, tôi chia làm ba phương án. Phương án thứ nhất là tuyến đường thẳng. Phương án thứ hai: Tuyến đường đi cong và chỉ phải dỡ đi hai cái nhà. Phương án thứ ba là đoạn đường vòng không phải dỡ nhà của dân. Sau khi tính toán kinh tế và so sánh về mặt kỹ thuật, tôi đi đến một kết luận: làm đường thẳng là phương án tối ưu nhất cả về kinh tế lẫn kỹ thuật. Chưa vội cầm bút vẽ, tôi thả hồn mơ màng. Con lộ thẳng tắp kéo đến bến phà có đoạn đường nối lát bằng những tấm bê tông đổ tại chỗ. Những chiếc xe thắng lại rồi từ từ xuống bến. Ai đó sẽ khen: đoạn đường thẳng, rộng rãi. Hạnh phúc làm cho tôi phấn chấn hẳn lên. Tôi sẽ viết thư cho bạn bè để chúng nó biết tôi không chỉ là một học sinh giỏi mà trong vòng chưa đầy một tuần, tự tay thiết kế xong công trình đầu tiên trong đời.

Tôi hoàn thành nhiệm vụ trước hai ngày. Anh Hân bỏ hơn một giờ soát xét kỹ thiết kế bến phà. Nếu tôi là kỹ sư lâu năm, anh đâu phải mất nhiều thời gian như vậy. Anh Hân ơi, nếu đồ án này được duyệt, công ấy em phải chia làm ba: anh và cả phòng hai phần lớn, em chỉ một phần nhỏ bé thôi. Anh và cả phòng đã giúp cho đôi mắt em bắt đầu biết nối những trang sách và giảng đường với hình hài công trình trên giấy.

Anh khen tôi bước đầu làm được như vậy là tốt lắm rồi, cần phải phát huy hơn nữa. Anh đánh dấu những chỗ cần hoàn thiện thêm trong bản vẽ cho tôi. Anh nhắc đi nhắc lại khi đi duyệt phải làm sao bảo vệ được sự tối ưu của phương án làm đường thẳng.

*

Tôi thập thò ở cửa, chú Năm đang đọc báo. Quên cả chào, tôi mạnh dạn:

- Cháu đến…

Chú gỡ cặp kính xuống ngắt lời tôi:

- Biết rồi, ngồi xuống ghế đã cháu.

Chú bỏ bao thuốc Mai ra bàn, thân mật:

- Hút thuốc đi cháu.

Tôi cảm thấy mặt nóng ran. Ngượng quá, lúc đi Thủy đã có dặn rồi: “Qua đó anh nhớ mua mấy điếu Capstan, Thủy cho anh cái bao đỡ tốn năm đồng đó nghen. Chú Năm cùng xóm với nhà em đó, chú tốt lắm, nhưng lần đầu đi duyệt cũng phải biết ngoại giao chút chớ.”

Để tôi lấy lại tự nhiên, chú cười thông cảm. Chú hỏi thăm tôi về quê hương, gia đình... nhắc nhở vào đây phải yên tâm công tác, sống cho phù hợp với tập quán mới hòa hợp với địa phương.

- Người Nam bộ có tánh binh người ở xa đến lập nghiệp nếu sống thiệt tình.

Chú quay sang công việc:

- Đưa chú coi.

Tôi trải bản vẽ đầu tiên ra. Mới thoáng nhìn, chú đã hấp tấp sửa lại kính.

- Ủa! Chớ bộ khi thiết kế cháu không nắm chủ trương đầu tư?

Tôi ngạc nhiên thật sự, từ ngày vào đại học đến nay tôi chưa nghe tổ hợp từ “chủ trương đầu tư”. Chú đếm trên bình đồ:

- Một, hai ba, bốn, năm, sáu. Dỡ sáu cái nhà chớ có ít đâu. Chú ngẩng lên:

- Hổm đã bảo rồi mà, chủ trương là tuyến đường không đi vào nhà dân.

Tôi có dịp được trình bày việc so sánh các phương án, để chú thấy rõ sự cẩn thận và cách làm việc khoa học của mình. Khi tôi nói đến phương án đường thẳng là rẻ nhất mà chưa kịp kết luận, chú ngắt lời tôi:

- Hổng được. Cháu đã tính tiền bồi thường hai nhà cấp bốn, bốn nhà lầu trong đó có nhà máy chà gạo. Thêm mấy nhà ở bờ bên. Kinh phí giải tỏa cao hơn công trình, sao chú duyệt được.

- Dạ, cháu có tính rồi. - Tôi phấn khởi đáp.

- Cháu có tính nổi những khó khăn khi bà con phải dời nhà không? - Chú bỏ kính ra rồi nói tiếp - Cháu à, làm việc gì thì cháu cũng phải tính hai chiều, đó là ích nước và lợi dân. Đời sống của bà con mình khó khăn lắm, cháu còn nhỏ cháu chưa biết. Với lại kinh nghiệm xưa nay cứ dính vào chuyện dời nhà, đền bù là khó khăn đó cháu. Bến phà này làm ngay mà theo cách này thì coi chừng đến hết năm còn chưa khởi công được.

Tôi nói với chú rằng ngoài cái giá quá đắt đã nói thì làm đường vòng mà dốc, bị mấy nhà chắn tầm mắt, thật nguy hiểm cho lái xe. Đó là chưa kể…

Chú cười thoải mái: cháu lo xa quá. Cứ có biển báo, bảo đảm quy phạm là được. Bộ lái xe họ không biết lo sao.

- Dạ nhưng…

- Thôi không nhưng nữa cháu. Về làm lại rồi chú ký. - Chú còn động viên thêm - Khó mà cháu làm được, làm đúng quy phạm mới giỏi, mới có lý, có tình - Chú đổi giọng nghiêm khắc - Nè chú nhắc lại: Đất ở đó sình lầy, giá trị nông nghiệp thấp, giải tỏa dễ hơn dỡ nhà lầu, nhà máy xay. Chủ trương là không phá nhà dân. Mới ra trường cháu phải xuống khu vực lập dự án, có hình ảnh cụ thể, nắm bắt ảnh hưởng kinh tế xã hội của dự án nhất là dự kiến tác động dự án đến đời sống của người dân… Gọi là kiến thức thực tế; đưa vào thiết kế. Dự án mới phù hợp và hiệu quả cao…

Tôi bàng hoàng. Chẳng lẽ mọi cố gắng của tôi lại vô ích? Tôi không hiểu tại sao chú Năm lại kiên quyết làm đường vòng trong khi chú thừa biết phương án nào có lợi. Hay là những năm tháng nằm vùng ác liệt ngày xưa chú được bà con đùm bọc nhiều đã để lại trong lòng chú những tình cảm sâu nặng nên chú không nỡ… Không, càng không phải thế. Ở cương vị của chú, tầm nhìn còn phải xa hơn. Phải biết lo cho mọi người những lợi ích lâu dài Hay là chú còn chưa tin vào sự so sánh của tôi? Điều này vô lý đến thậm tệ, bởi vì mọi điều lợi hại nó rõ ràng quá, nó tính được cả bằng con số, cả bằng những đại lượng không có số đo. Vậy thì tại sao...

*

Cuối cùng tôi đã làm theo ý chú Năm mặc dù tôi hiểu làm như vậy là sai. Nhưng chú Năm đã xin tôi về đây, giờ tôi chống lại chú là vô ơn. Vả lại bằng ảnh hưởng của chú tác động mà tôi về được đây thì tôi cũng có thể bị điều đi nơi khác, thậm chí một huyện xa xôi hẻo lánh…

Hoàng hôn cươi tuần, mảnh trăng mười sáu như tờ giấy trắng bị thấm dầu sáng trắng lên giữa nền xanh của bầu trời. Gió chướng thổi làm bầu trời cao và xanh hơn.

- Anh không đi chơi à?

Thủy làm tôi giật mình. Tôi hỏi lại Thủy cũng chỉ để mà hỏi:

- Thủy không về nhà sao?

Thủy trả lời tôi phải ở lại để may bộ đồ. Thủy trò chuyện với tôi điều gì tôi không nhớ rõ. Chỉ biết rằng tôi giật mình khi nghe Thủy hỏi tại sao làm đường vòng trong khi có thể làm đường thẳng được. Thủy nói rằng quê Thủy ở đó và Thủy còn biết rõ là tôi thông qua phương án làm đường thẳng với anh Hân. Em phân bua rằng vì bàn em ở gần bàn anh Hân nên vô tình em nghe thấy.

- Cũng tính hỏi mấy lần nhưng ngại… Vì anh thân với chú Năm, mà nhà chú Năm cũng ở ngay chỗ quẹo đó, nhà lầu to nhất.

Tôi đã kể lại câu chuyện duyệt đồ án cho Thủy nghe.

- Anh đã làm lợi cho bên chú Năm được hai việc. Một là: Bên chú Năm là ban quản lý công trình giao thông nên được hưởng 1% tổng kinh phí xây dựng công trình; đường vòng mắc hơn nên số tiền của bên chú hưởng được nhiều hơn. Quan trọng hơn: chú Năm không phải dời nhà vô xóm.

Tôi ngạc nhiên:

- Dời nhà thì có tiền đền bù chớ mất gì.

- Ăn nhằm gì số tiền đó anh. Ở lại có nhiều cái lợi hơn chớ.

- Lợi hứng bụi, nghe tiếng ồn à? - Tôi bao biện.

- Chớ bộ nhà ở bến phà, không dựng nổi cái quán nước sao? - Thủy đổi giọng nói tiếp - Anh mới về, làm vậy là thông minh. Giao việc gì làm việc ấy, bảo sao làm vậy. Có nhiều chuyện lớn còn được người ta giải quyết ở quán rượu…

*

Ba năm sống với nghề tôi đã lớn lên nhờ thu nhặt được ít kinh nghiệm sống của trường đời. Thủy và tôi giờ đây không còn trêu ghẹo nhau, chúng tôi bàn về chuyện cưới, chuyện gia đình. Riêng cái khúc cong đầu tiên do tôi thiết kế chỉ là một kỷ niệm lu mờ do nhiều kỷ niệm mới hơn cùng những lo âu, tính toán bình thường trong cuộc sống.

Một hôm Thủy buột miệng nói với tôi:

- Khúc quẹo của anh nghiền mất tiêu mấy người rồi đó. - Như biết mình lỡ lời, em biện hộ với tôi - Hồi đó anh mới vào nghề, thời thế mà.

Vì những vụ tai nạn liên miên do vi phạm quy trình: đường cong làm khuất tầm nhìn xe lên xuống bến phà nơi có độ dốc lớn. Chú Năm, sau những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trước nhà mình, được vợ con kể lại và lên án người vẽ ra nó…. Nhận thấy khuyết điểm của mình, tự xét thấy năng lực và tuổi tác, chú tình nguyện xin về hưu. Chú đã được cấp trên chấp thuận. Cũng do lòng hào hiệp, chú nhận hết khuyết điểm về mình, nên tôi không bị kỷ luật, chỉ bị nhắc nhở. Nhưng con đường vòng thì đã làm xong và người ta chưa thể một sớm, một chiều sửa lại nó được. Nghe đâu phải chờ thời gian nữa, trong quy hoạch tổng thể về giao thông huyện.

Một sáng thứ hai, ở nhà mới lên, Thủy tìm tôi báo tin:

- Ba em tính gả em cho anh Xuân, con chú Năm đó. Ổng ham cái xe honda với mấy xị rượu.

Tôi kéo em ngồi xuống, pha cho em cốc nước chanh để làm em bình tâm lại. Tôi hỏi han em. Em hờn cả với tôi:

- Tại cả anh nữa. Nói là yêu Thủy từ mấy năm rồi mà không đưa ba mẹ vào để ổng bà gặp thông gia.

Tôi hối hận:

- Ừ, thì anh biết tội rồi, đừng giằng xé anh, tội nghiệp.

Chúng tôi bàn và thỏa thuận với nhau: Tuần này em về thu xếp ổn thỏa, còn tôi sẽ chuẩn bị mọi thứ cần thiết để về quê đưa bố mẹ vào trình diện ông bà. Thủy là con một, nên tôi thông cảm với ý định muốn gả chồng gần cho con của ba má Thủy. Nhưng tôi yêu Thủy vô cùng. Trước đây thiệt tình tôi còn chưa dám dứt khoát, tôi còn đang kén chọn, nhưng nay, sau cái tin kia của Thủy, tôi hiểu mình không thể yêu người nào khác ngoài Thủy.

*

Thứ ba đến rồi, Thủy vẫn chưa lên. Hôm đưa em ra bến, tôi gắng cười để em vui, trong lòng bao lo âu. Em có biết cho tôi không? Liệu rồi em có vượt qua được không? Liệu rồi trong nhà có…?

- Nè, cả tuần nay lo dữ phải hôn?

- Không phải đâu Thủy, anh tin ở em mà - Tôi nói để em yên lòng.

- Tin… - Thủy nguýt yêu - Nói xạo, chớ bộ không lo, không mất ngủ sao mắt sâu râu rậm vầy.

Tôi cố đùa cho Thủy yên tâm:

- Lo quá đi chớ. Đêm quên ăn ngày mất ngủ cũng chỉ vì em.

Thủy cười rưng rưng. Em dặn tôi đừng lo. Em có cái lý bắc cầu đơn giản lắm:

- Em thương anh, ổng thương em thì phải thương anh thôi.

Xe nổ máy, tôi dặn với theo:

- Em đi cẩn thận, ráng lên sớm kẻo anh lo nghen.

Thủy gật đầu và nói gì đó, tôi không nghe được vì tiếng máy ô tô. Xe đi xa rồi, tôi cứ đứng vậy để cho cảm giác trống vắng, dìu dịu dâng lên mãi.

Bầu trời xám xịt, sắp mưa…

Tiếng chuông điện thoại cắt đứt dòng hồi tưởng. Tôi uể oải đến bên máy cầm ống nghe:

- Tôi nghe đây!

Tiếng anh Long gấp gấp ở đầu dây bên kia:

- Cậu về gấp đi. Cô Thủy bị tai nạn dưới quê đó.

Tôi bóp chặt ống nghe:

- Sao? Thủy à, tai nạn hồi nào?

- Huyện vừa báo lên cho mình là tai nạn giao thông sáng hôm kia. Cụ thể cậu về dưới đó để nắm thêm.

Không kịp chào anh Long, quên cả bàn giao công việc, không nói một lời, tôi ra bến xe ngay. Xe chạy chậm quá mức. Lòng tôi rối bời. Tôi chỉ biết cầu khẩn đây là tin thất thiệt, hay một Thủy nào khác mà người ta báo nhầm. Suốt dọc đường tôi cố bám lấy hy vọng đó. Bến xe đây rồi. Bến phà mà tôi tự tay thiết kế và thiết kế luôn nỗi đau, sự mất mát không gì bù đắp được cho tôi. Tại đây người chị họ của Thủy kể lại với tôi sự việc khủng khiếp mà tôi không thể tin được.

Chuyến xe khách về đến đây, dừng lại chờ phà. Trời mưa, hành khách vào quán chú Năm để trú. Thủy định về nhà luôn vì ngại vào quán sẽ gặp anh Xuân ngồi trong đó. Rủi thay, em phải chuyển dùm đồ của người chị họ lên xe. Một chiếc xe tải chở gạo đang phóng về bến. Đường trơn lại vòng, bị mấy ngôi nhà bên đường và màn mưa che khuất, khi tài xế phanh, quá muộn. Chiếc xe tải lạng đi, đâm sầm vào xe khách. Cứ như vậy nó đẩy chiếc xe cùng chui vào quán chú Năm. Thủy của tôi, cô Út bán hàng con của chú Năm bị nghiền nát. Những người trên xe và trong quán kẻ chết người bị thương. Tiếng của chị còn pha sự kinh hoàng, tôi nghe xa xăm như từ đâu vọng tới. Thủy ơi, phải chi chiếc xe đó đè lên anh để cho em và bao người sống. Có phải anh làm cho những người khác phải chịu cảnh mất mát này mà số phận của anh cũng chẳng hơn gì. Chao ôi! Thủy ơi, mới cách đây có hai ngày, em còn ở bên anh, thế mà từ nay em xa anh mãi mãi. Anh có còn ai nữa đâu. Tất cả tình yêu thương, hy vọng anh đã gửi gắm vào cả em để rồi đến hôm nay anh và em phải chia lìa vĩnh cửu. Cả nỗi khổ này em cũng không thể biết, không cùng san sẻ với anh. Giá phải trả cho một sai lầm sao đắt quá, ác nghiệt quá…

Hai năm đã qua kể từ ngày em không còn làm việc trong phòng anh nữa. Anh không xin thêm biên chế. Công việc của em đã có anh và mọi người trong phòng san sẻ. Thủy ơi, giờ anh và mọi người đang đi sửa lại những sai lầm của mình đây. Con sông quê em vẫn như xưa ngày hai lần con nước vơi đầy. Khúc cong xưa được sửa chữa bằng nhịp cầu nơi hai bờ do anh chủ trì thiết kế lại. Giờ đường vào cầu và cây cầu vượt sông không khuất tầm nhìn em ạ. Chiếc cầu mà em và bà con mình hằng mơ ước đã nối liền hai bờ sông, cho những chuyến xe qua không còn chờ đợi. Ước gì có Thủy cùng đi hôm nay, để em thấy chiếc cầu này, mà anh đã nhiều ngày đêm miệt mài tính toán, cân nhắc cho hôm nay nó đẹp, bền và rẻ. Nhà em anh vẫn về thăm. Từ ngày em đi xa, mái tóc của ba má bạc nhanh hơn. Anh đưa ba mẹ ở quê vào thăm thông gia. Ba mẹ em không chấp nhận, chỉ cho anh làm con nuôi để còn lấy vợ.  Cũng từ dạo đó ba má thương anh lắm. Có phải trong khổ đau người ta gần nhau hơn không nhỉ, chỉ biết rằng anh đã tìm thấy ở đây những tình cảm quê hương ruột thịt. Cứ nghĩ tới em là anh luôn luôn dặn lòng phải ráng sống trung thực và làm việc hết sức mình. Ba mẹ hai bên nhắc anh lấy vợ hoài để dưới suối vàng em được vui lòng. Anh chưa lấy vợ vì không tìm được ai giống em 100%. Trong mơ, trong thực, anh muốn em sống lại để đi với anh đoạn cuối cuộc đời…

Chú Năm là người đầu tiên vận động bà con mình dời nhà trả đất cho công trường đó. Gặp anh, chú tâm sự:

- Cháu ạ, cả đời chú theo cách mạng. Cứ tưởng mình đi thẳng. Ai ngờ đến cuối đời chú lại đi vòng. Chú cũng ân hận lắm.

Anh thấy thương chú quá.

Ừ nắn thẳng lại mọi con đường, mọi nếp nghĩ và những lề lối làm việc là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều công sức và cả nhiều mất mát nữa phải không em?

Long An, ngày 15 tháng 3 năm 1984

LTH

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm