TIN TỨC
  • Truyện
  • Giá có một con ma! – Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Giá có một con ma! – Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
509 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

- Chúng tôi còn một biên chế nhưng chỉ sợ em không dám nhận. Đài có một trạm đo mưa trên sườn núi lớn, nhà dân gần nhất cách xa khoảng 5 km. Nhân viên trực ở đấy mới nghỉ việc. Nếu em trụ được công việc trên đó một năm, chúng tôi ký hợp đồng chính thức. Chậm nhất 2 năm, hay nếu em lập gia đình, chúng tôi sẽ chuyển về làm việc tại Đài khí tượng.

- Có mấy người trực ạ?

- Chỉ được phép bố trí một trung cấp. Nhận việc, em phải chấp nhận ăn lương trung cấp và trực 24/24 ở đấy. Nếu bỏ việc giữa chừng thì hợp đồng lao động coi như kết thúc.

- Điều kiện ngặt quá!

- Đúng vậy. Ngặt. Nên mới còn chỗ ấy. Đài hàng tháng có trăm người vào xin việc…

  Tôi im lặng. Tôi vốn nhát, sợ ma, chưa một lần dám đi đêm một thân một mình ngoài đường vắng, chưa bao giờ dám ngủ một mình. Nay phải qua đêm ở ngôi nhà trên sườn núi. Nghĩ đến đó mồ hôi đã túa ra hai bên thái dương, đầu óc tê cứng, lạnh cả lưng và gáy…

   Ông trưởng phòng tổ chức, gõ gõ cái bút bi xuống bàn:

- Thôi nhé!

- Là sao anh?

- Là việc này em không nhận được!

- Không. Em nhận. Em nhận!...

   Tôi giật nẩy mình. Ngạc nhiên với hai tiếng “Em nhận” vừa thốt ra từ miệng như một cái máy. Cứ như ai đang nói thay tôi vậy.

    Thực ra, tôi cũng không còn lựa chọn nào khác. Đã một tháng nay tôi quần nát bao công sở trong thành phố phương Nam này để xin việc và nơi nào cũng từ chối. Khoản tiền trại trẻ mồ côi hỗ trợ mang đi đã tiêu gần hết. Tôi vẫn nhớ lời ba nuôi “Nếu có khó khăn cứ quay về đây. Ba và trại trẻ luôn chào đón con”. Không lẽ, tôi lại trở về mái ấm, làm phiền ba thêm nữa…

*

     Người nhân viên trực điểm đo mưa bỏ việc chứ không phải nghỉ như ông trưởng phòng tổ chức nói. Anh ta nghỉ ngang sau gần một năm bám trụ và không dám qua Đài nhận tháng lương cuối cùng. Trước người nhân viên bỏ việc, trực điểm đo mưa này, cầm cự luôn 10 năm,  là một phế binh già không vợ, không con. Ông ấy rời khỏi trạm vào thẳng bệnh viện, rồi từ đó đi một mạch về quê, đi luôn khỏi biên chế, nhận sổ hưu.

      Khi được dẫn đến bàn giao công việc, tôi hiểu tại sao người nhân viên trước tôi lại bỏ việc, chấp nhận bị bị hủy hợp đồng.

     Điểm đo mưa như một căn nhà hoang, được xây dựng từ thời Pháp, mái ngói, trần rất cao, cửa sổ cuốn vòm bằng gạch. Chỉ có mấy cái máy đo mưa tiêu chuẩn là được thay mới đâu 2-3 năm trước để đảm bảo độ chính xác. Còn lại, có lẽ trăm năm qua, mọi thứ hình như không được một lần tu bổ: mái ngói bám đầy rễ cây dại, tường phủ rêu xanh, lớp vỡ bong tróc, nền gạch đất nung mòn vẹt... Cái giường sắt, bó vào thêm một chân bị sét mục bằng thanh gỗ kê sát góc. Một bàn gỗ mọt gặm và cái bếp nấu bằng củi khô lượm quanh nhà kê bằng mấy cục gạch và hai thanh sắt. May mắn người đồng nghiệp khi bỏ việc vẫn để lại nồi nhôm, nồi đất và mấy cái chén sứ, cái thau nhựa cho đồng nghiệp…

    Chiều, hoàng hôn nhập nhòa bao phủ sườn núi, không gian thâm u như chốn rừng hoang. Đêm xuống thì thấu tận tim sự trơ trọi, cô đơn và nỗi sợ hãi khi một mình giữa ngọn núi hoang vắng này. Tôi bật sáng tất cả các bóng đèn, mang cây dao bếp vào để ngay cạnh mình, đóng hết các cửa, cài chốt… nhưng không sao ngủ được. Luôn nơm nớp có một con ma nào đó bước vào cửa với mái tóc dài rũ rượi, hay đôi mắt thô lố… Cũng có thể một cánh tay rất dài thọc qua ô cửa sổ vươn tới túm lấy tôi kéo về phía nó. Những câu chuyện ma nghe hồi nhỏ cứ trở về trong tâm trí rối mù. Tôi quyết định, ngay khi mờ sáng, sẽ đi một mạch xuống núi…

   Nhưng sáng hôm sau, tôi không xuống núi, những đồng tiền cuối cùng còn trong túi,  buổi chiều qua, tôi đã mua mùng, mền, mấy ký gạo, trứng… Bây giờ, không thể mang xuống núi đổi lại tiền để mua một vé xe trở về với trại mồ côi.

   Buổi sáng đó, thay vì xuống núi tôi đi ra điểm đo mưa vào lúc 6 giờ. Theo quy định mỗi ngày tôi phải đo mưa 4 lần vào lúc 0 giờ, 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ. Đêm hôm sau, tôi bớt sợ ma hơn. Đêm sau nữa, đã dám mở mấy cánh của sổ để lấy gió…

   Khoảng một tuần, tôi không còn nỗi sợ về ma nữa.

*

    Thời gian sau, tâm trạng cô đơn ập xuống.

    Nhất là vào những buổi chiều tà, nhập nhoạng, có tiếng vượn hú từ sau núi vọng tới. Hàng ngày thui thủi một mình. Biển thì ngay trước mặt, dốc thẳng từ trạm khí tượng xuống, nhìn rất gần, chỉ hơn trăm mét chim bay nhưng không có lối đi, muốn đến bãi biển phải vòng vèo hơn chục kilômét. Tôi chỉ còn biết loanh quanh trong cái nhà trạm trăm tuổi. Khi nhớ tiếng người thì xuống chợ, hay chạy qua rẫy của một người dân cách đấy 5km. Người làm vườn ở đấy hình như sống cô đơn quên mất luôn tiếng nói, rất lâu mới thốt lên được vài câu cụt ngủn.

   Nhiều khi tôi hát to một bài hát không có đầu đuôi xua tan sự vắng lặng đến rợn người. Nhiều khi ngồi một mình trước sân, chìm trong sự tĩnh lặng, tôi bất ngờ thốt lên: “Giá có một con ma!”. Kỳ lạ, một kẻ sợ ma đến đái cả ra quần khi nghe tiếng động quanh nhà, nay hết hẳn sợ ma. Bây giờ, nếu có một con ma tóc dài miên man, miệng răng nhơn nhởn xuất hiện, tôi cũng không hề run rẩy, sẵn sàng mời con ma ngồi xuống bên cạnh để trò chuyện.

    Có hôm, một mình uống cạn xị rượu đế, say, tôi đi loạng quạng đi loanh quanh khu rừng bên cạnh, vừa đi, vừa gào lên: “Ma ơi! Ma!”.

  “Giá có một con ma!”. Nhưng chẳng có con ma nào xuất hiện. Trong tâm trạng gần như suy sụp, với chút tiền lương dành dụm được của một năm trên núi, tôi quyết định cuối tháng, nhận được lương, sẽ bỏ việc. Sẽ đi tìm một việc mới… Dù như vậy, tôi bị hủy hợp đồng và không còn có cơ hội để tiếp tục công việc với nghề kỹ sư khí tượng đã học.

*

     Quanh trạm đo mưa, có rất nhiều cây sứ trắng cổ thụ trăm tuổi. Có lẽ, có từ thời người Pháp xây dựng cái trạm trên núi này. Bốn mùa trắng một màu hoa trên cây và rụng phủ đầy trên mặt đất.

Một chiều, nhìn ra, hết sức bất ngờ, tôi thấy một cụ già đang lúi húi nhặt hoa. Cổng đóng, không biết cụ đi vào bằng lối nào. Thấy tôi, cụ lên tiếng: “Anh cho già nhặt ít hoa sứ”. Tôi nói như reo: “Cụ cứ nhặt thoải mái đi! Con chỉ mong có người nhặt đỡ phải dọn vườn!”. Thực ra, chưa bao giờ tôi dọn vườn, hoa lá rơi cứ thế phủ dày từng lớp.

   Cụ già ngoài 70, lưng hơi còng, tóc bạc trắng, cắt tỉa ngang vai cho gọn. Chân tay gầy, mảnh khảnh như em bé. Tôi hỏi cụ nhặt hoa sứ làm gì? Cụ cười trơ cả lợi vì mấy cái răng cửa đã rụng mất: “À, già nhặt phơi khô bán cho các tiệm thuốc. Họ bảo hoa sứ khô chữa được rất nhiều bệnh: tiêu đàm, trừ ho, hạ huyết áp… À, cả bong gân, trật khớp, mụn nhọt…”. Rồi lại cười trơ lợi, hiền từ: “Cũng kiếm được chút tiền phụ con cháu lo cơm nước heng!”.

    Từ đấy, ngày nào cũng thấy cụ ngoài vườn, dưới mấy gốc cây sứ, với cái giỏ tre… Tôi để mở cổng cho cụ ra vào bất cứ lúc nào. Cứ nhìn thấy tôi là cụ bắt chuyện. Có lần cụ bước đến bên cửa sổ hỏi xin tôi nước đun sôi để nguội: “Già vẫn mang theo một bình nhưng xế chiều thì uống hết. Phơi thân dưới nắng, nên mau khát. Nhiều lần, tính hỏi anh nhưng ngại làm phiền”. Tôi lấy cho cụ ly nước. Và, từ hôm đó, tôi đặt một bình nước dưới gốc cây sứ cổ thụ  gần đấy, để cụ tiện dùng: “Chỉ là nước đun sôi để nguội, cụ cứ tự nhiên nhé!”. Cụ lại cười, trơ cả lợi: “Phiền anh quá hỉ!”.

  Có lần, cụ mang cho tôi mấy trái xoài đã chín vàng.

- Cụ đừng tốn tiến mua trái cây cho con, cụ qua nhặt hoa là vui rồi.

Cụ cười, chỉ tay vào ngôi nhà cách đó khoảng 500m, cũng ở trên lừng chừng quả núi bên kia:

- Không mất tiền mua. Xoài nhà. Vườn có những mấy cây xoài!

   Cái ý định rời bỏ công việc tôi lần chần sau khi gặp cụ già. Rồi tan biến mất lúc nào không hay. Thấm thoắt, tôi ở trên núi đã hơn hai năm, vượt thời gian quy định. Tôi nhắc ông trưởng phòng tổ chức thực hiện cam kết, kiếm người thay, đưa tôi về Đài khí tượng dưới thành phố làm công việc kỹ sư. Ở trên núi lúc này, tôi không cảm thấy buồn nữa, nhưng tôi muốn được xuống núi để đi học tiếng Anh buổi tối và học thêm nghiệp vụ.

   Mấy tháng đã qua, vẫn không thấy phòng tổ chức bố trí người. Tôi gọi điện thoại gặp ông trưởng phòng, ông nói đang tìm nhân sự mới, nhưng chưa có ai chịu lên núi. Ông ấy còn nói thêm: Tôi đã thuyết phục giám đốc rút ngắn thời gian trực trên trạm xuống 12 tháng, vậy mà vẫn không tìm được người. Tôi tâm sự với cụ già nhặt hoa chuyện bực bội ấy. Cụ cười trơ cả lợi: “Việc gì cũng phải kiên nhẫn, không việc gì đúng được như ý mình đâu!”.

*

      Tự nhiên tôi phát bệnh, khắp người nổi ban đỏ, mặt đỏ lựng sần sùi như một trái cam sành. Cụ già nhặt hoa ghé thăm với hộp sữa, sờ trán, bắt mạch cho tôi rồi phán như một bác sỹ: “Bị dị ứng phấn hoa. Anh báo ngay cơ quan và bác sỹ cấp cứu cho rời khỏi nơi đây không bị nặng sẽ không thở được”. Cụ mang gạo mới lên, nấu cho tôi một nồi cháo cá thơm lựng, gia vị có đủ hành, ngò và mấy lát gừng.

     Tôi báo cơ quan, chưa kịp gọi bệnh viện, nhưng ngày hôm sau đã có xe cấp cứu dừng ở đường lộ ngoài xa, y tá mang cáng vào tận trạm đưa tôi lên xe. Tất nhiên, tôi vào viện, bắt buộc Đài khí tượng phải kiếm người lên núi thay vì không thể thiếu người trực ở trạm một ngày nào. Nghe nói cậu kỹ sư mới, đưa yêu sách Đài phải trả đúng lương kỹ sư dù chỉ làm việc của một trung cấp và Đài chấp nhận.

     Suốt thời gian tôi điều trị, bệnh viện không tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, họ ghi tên bệnh theo chính lời tôi: Dị ứng phấn hoa, và đó chính là lời cụ già nhặt hoa nói với tôi. Chăm sóc tôi là một cô y tá trẻ, xinh đẹp mới ra trường. Giọng nhẹ và êm ngọt như mía lùi. Qua ngày thứ ba, thấy không có ai đến thăm tôi ngoài ông trưởng phòng tổ chức bên Đài khí tượng, cô ấy hỏi tôi một cách thân tình:

- Anh có người nhà gần đây không để em báo cho họ biết?

   Tôi kể với cô ấy: Tôi sinh ra trong một trại trẻ mồ côi, thân thích của tôi là người bố nuôi, chủ trại trẻ ở mãi ngoài miền Trung.

- Vậy bạn bè?

   Tôi lại phải kể với cô ấy: Tôi mới vào thì nhận việc trực trạm đo mưa trên núi, trong cơ quan chỉ tiếp xúc với ông trưởng phòng tổ chức, chưa kip quen ai làm việc cùng Đài khi tượng, bên ngoài càng không quen.

   Cô y tá buồn rầu kết luận: “Vậy anh là kẻ tứ cố vô thân giống em rồi”. Hóa ra, y tá nữ là trẻ mồ côi, một ngôi chùa dưới chân núi nhận nuôi cô ấy khi mới 7 tháng tuổi, lớn lên đi học trường y rồi về đây làm việc. Không có người thân nên cô ấy hầu như ở lại luôn trong bệnh viện.

- Nếu anh cần gì thì gọi em lúc nào cũng được. Muốn nhờ gì em giúp. Coi như em là người nhà ha! - Y tá Thúy nhìn tôi với một nụ cười thân thiện, gần gũi. Hình như chưa có ai cười với tôi như vậy.

    Tôi nằm viện. Cứ mỗi lần sắp rời bệnh viện thì cả người lại phát ban đỏ rực đến cả bác sỹ cũng kinh ngạc không hiểu sao bị vậy, lại phải điều trị tiếp. Vì vậy, hơn hai tháng, tôi mới được ra viện. Lúc ấy, tôi và Thúy đã như người nhà. Ra viện, Đài bố trí tôi làm việc ngay thành phố và phân cho một căn phòng nhỏ.

*

    Tôi cưới vợ, chính là cô gái y tá Thúy. Khi Thúy chuẩn bị sinh bé trai, tôi biết phải kiếm một người chăm sóc vợ và con trai ít nhất trong mấy tháng đầu. Tôi nghĩ ngay đến cụ già nhặt hoa sứ. Tôi quyết định sẽ gặp điều đình với cụ, trả tiền công cho cụ cao hơn khoản thu nhập kiếm được từ hoa sứ. Tôi lên trạm đo mưa vào buổi chiều, thời gian mà cụ thường có mặt ở đấy. Tôi nói chuyện vui với người nhân viên mới, kể lại nhiều kỷ niệm ngày tôi trực ở đây rồi đi ra sân, loanh quanh dưới mấy gốc sứ cổ thụ. Nhưng xế chiều vẫn không thấy cụ xuất hiện.

   Tôi quay vào hỏi nhân viên trạm đo mưa:

- Lâu nay, em có gặp cụ già nhặt hoa sứ ở đây không?

 Cậu nhân viên ngơ ngác:

 - Cụ già nào?

- Một cụ khoảng 70 tuổi. Ngày nào cũng qua đây nhặt hoa sứ về phơi khô bán cho tiệm thuốc.

Cậu nhân viên lắc đầu:

- Không. Chưa khi nào em gặp cụ. Kể từ ngày em về đây!

  Tôi hối hận vì từ khi xuống núi, tôi gần như quên mất cụ, không một lần ghé thăm. Tôi mua ít hoa quả rồi tìm đường đến ngôi nhà um tùm cây trái, ở lưng chừng ngọn núi bên kia mà cụ từng chỉ qua và nói nhà cụ ở đấy. Đi vòng vèo cũng hơn chục cây số. Mở cổng đón tôi là một người phụ nữ trẻ. Sau khi nghe tôi nói, người phụ nữ hết sức ngạc nhiên:

- Gia đình tôi ở đây đã 10 năm. Căn nhà này tôi mua, khi chồng tôi chuyển công tác vào đây trông ngọn Hải Đăng. Chúng tôi chỉ có hai vợ chồng và ba đứa con. Bên nội, bên ngoại đều ở ngoài Bắc!

- Cụ nói  nhà mình có nhiều xoài.

- Vậy à, anh nhìn ra khắp vườn xem. Nhà tôi không có cây xoài nào. Chỉ có sầu riêng, măng cụt, nhiều gốc mít thôi.

- Hay tôi nhầm. Có nhà ai trong khu này có cụ già không?

- Tôi không thấy ai có mẹ già. Mẹ già đi nhặt hoa sứ càng không. Và anh nhìn quanh đi, mấy nhà bên cạnh, nhà nào có xoài đâu!

   Đúng vậy, những khu vườn um tùm nhãn, sầu riêng, mít… nhưng không có xoài!

   Tôi hết sức thất vọng. Lặng lẽ rời đi. Bước chầm chậm xuống núi khi chiều đang buông. Hóa ra, cụ già cũng không nói thật khi biếu tôi mấy quả xoài cát…

*

   Con trai chúng tôi tròn 1 tuổi. Một hôm đi làm về, nó gọi toáng lên:

- Pa Pa cụ bà ngoại đến chơi!

  Trong nhà, một phụ nữ khoảng 50 tuổi bước ra, Thúy chạy theo: “Anh ơi, đây là mẹ ruột em!”.

  Câu chuyện quay về 20 năm trước. Chồng mất, khi mẹ mới sinh Thúy được một tháng. Năm 1975, người bà hồi đó 50 tuổi, quyết định gửi đứa cháu 7 tháng tuổi cho một ngôi chùa, hẹn sau này sẽ về nhận lại, rồi đưa mẹ Thúy lên một con thuyền cá ra đi. Thuyền cá nhỏ nhưng chất đến hơn 100 người. Ra đến cửa biển thì chìm. Mẹ Thúy được một con tàu khác cứu, nhưng người bà cùng mấy chục người khác thì chìm theo con thuyền hoặc bị sóng cuốn xác vào bờ.

   Mẹ qua Úc định cư, tìm được việc làm rồi cưới chồng mới, sinh hai con trai... Nay, mẹ mới có thể quay về được. Gặp lại nhà chùa, họ cho mẹ địa chỉ của Thúy và tôi.

    Đó là những ngày tháng vui bất tận của chúng tôi, nhất là Thúy, khi em được biết về gốc gác của mình, khi em được gặp lại người mẹ. Những câu chuyện về quá khứ của chúng tôi không bao giờ dứt. Mẹ và Thúy cũng tin rằng: Tôi không phải là đứa bé mồ côi, tôi chắc chắn cũng có một gia đình. Sẽ có một ngày, cha mẹ ruột, đến tìm tôi… Nỗi buồn lớn nhất của mẹ: Không tìm được một thông tin nào về ngoại, dù đã dò tin tất cả thầy chùa quanh vùng biển và đến tất cả những nơi cần đến.

   Gặp chúng tôi rồi, mẹ suốt ngày ngồi chơi với cháu ngoại. Chỉ đôi khi ra ngoài để đến thắp hương viếng chùa, hay tìm gặp bạn bè.

   Trước hôm quay trở về Úc, mẹ bảo chúng tôi mặc quần áo, mẹ đưa đến thăm một người quen. Cả nhà chúng tôi đi theo, mẹ dẫn đến một ngôi nhà nhỏ, cửa sơn trắng, trong khuôn viên cũng có mấy gốc sứ cổ thụ.

   Tôi rất ngạc nhiên khi thấy mẹ không bấm chuông mà lấy từ trong giỏ chùm chìa khóa, tự mở cổng dẫn chúng tôi vào. Mẹ nói trước sự ngỡ ngàng của hai vợ chồng tôi: Mẹ mua ngôi này cho hai con. Đây không phải là quà của mẹ, mà là quà của ngoại. Khi ra đi, khi gửi Thúy cho chùa ngoại đưa cho sư thầy 25 cây vàng nhờ cất giúp. Chỉ khi bà, hoặc mẹ trở về mới giao lại. Trong trường hợp, bà và mẹ không trở về. Khi Thúy trên 25 tuổi, đã có gia đình riêng, thì giao cho Thúy… Mẹ đã nhận lại số vàng trên, mẹ cúng 10 cây để các sư tu bổ lại ngôi chùa, còn 15 cây, mẹ mua cho các con ngôi nhà này. Mấy ngày qua khi mẹ vắng nhà là mẹ đi tìm mua nhà và lo chỗ ở cho các con…

    Mẹ đã mua đầy đủ cho chúng tôi các vật dụng trong nhà. Mẹ mua cả một cái tủ thờ, cánh tủ khảm ngọc trai, đầy đủ đồ thờ, trên đó mẹ treo ảnh ông, bà ngoại và ảnh cha Thúy, ảnh mẹ, gia đình mới của mẹ, phóng to, lồng trong khung kính.

   Khi bước đến, thắp hương trước di ảnh ngoại, tôi đứng sững lại.

   Người bà trong ảnh nhìn tôi đôi mắt hấp háy cười… chính là bà cụ nhặt hoa sứ trên núi ngày nào: khuôn mặt ấy, từng nếp nhăn, tôi luôn nhớ rõ, đôi mắt ấy, vầng trán ấy, hai cái tai to với dái tai tròn, chỉ khác: cái miệng hai hàm răng trắng đều chưa có răng cửa nào bị rụng…

Đ.C.N

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm