TIN TỨC

Giữa những mùa hoa nở - Bút ký Nguyễn Xuân Thủy

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
432 lượt xem

Từ Yên Khương, thuộc huyện Lang Chánh chúng tôi đi theo đường tuần tra biên giới lên Đồn Biên phòng Bát Mọt, thuộc huyện Thường Xuân. Đường tuần tra biên giới chập chùng uốn lượn giữa núi non, len lỏi giữa màu xanh của rừng. Càng lên hướng Cửa khẩu Khẹo càng có cảm giác đang đi về nơi thâm sơn cùng cốc. Cũng đúng, Bát Mọt là tuyến cuối của dải biên giới xứ Thanh, nơi có cột mốc 378 là nơi tiếp giáp biên giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Những nơi cuối đất cùng trời bao giờ cũng gợi cho người ta sự rưng rưng về những niềm thương nỗi nhớ.

Chiếc xe bán tải của Đồn Biên phòng Bát Mọt chở chúng tôi trên con đường tuần tra được điểm xuyết bởi vô vàn những bãi phân bò, đây đó là những quãng sạt lở, chỗ to, chỗ nhỏ, may mà xe chúng tôi vẫn lách qua được. Phải như mọi năm là đến chín giờ sáng sương mới tan đấy anh ạ, Vũ Văn Sỹ, Chính trị viên phó của Đồn nói trong lúc dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng Bát Mọt theo nguyện vọng. Vừa ngó nghiêng cảnh sắc vùng biên chúng tôi vừa tranh thủ trò chuyện, bỗng cậu lái xe tên Trào bảo, kìa có con cua đá đang bò ngang đường. Ngay lập tức chúng tôi xuống xe để mục sở thị. Một con cua đá khá to đang bò giữa đường bê tông, có lẽ nó từ khe nước bên đường đang đi dạo. Trào bảo, chỉ ba con như này là được nồi canh cua đặc. Cua đá ở đây nhiều thịt, nhiều gạch, lại chắc, nấu canh ăn rất ngọt. Thả lại con cua về hành trình của nó chúng tôi tiếp tục lên đường đến nhà ông Lang Văn Huyến, một người dân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc theo giới thiệu của đồn.

Ngồi trong căn nhà của ông Lang Văn Huyến, mới năm giờ chiều nhưng trời đã chuyển nhá nhem. Ông Huyến bật đèn để tiếp khách nhưng bóng đèn không sáng. Ông gọi cậu con trai kiểm tra, có vẻ chiếc bóng đã bị cháy. Vi Văn Huyên, con trai ông tạm tháo chiếc bóng ở vị trí dưới hiên nhà sàn lắp thay lên phòng khách tầng hai. Chúng tôi hỗ trợ đứng giữ ghế là hai đoạn cây cắt khúc chồng lên nhau để Huyên thay bóng. Ánh điện trong phòng bừng sáng át đi bóng tịch dương đang dần khuất nẻo. Tôi có chút thắc mắc khi hai bố con ông Huyến khác họ, lúc vào câu chuyện ông mới giải thích: vợ tôi mất, tôi cưới mẹ nó, nó là con của vợ tôi. Thì ra là thế! Khi ngửa cổ xem thay bóng đèn, tất cả chúng tôi đều nhìn lên lớp mái nhà bằng tôn hơi vênh so với vật liệu toàn bằng gỗ của căn nhà.

– Đây là mẫu nhà sàn nguyên bản của người Thái hay có cải biên rồi hả bác? – Tôi hỏi.

Ông Huyến phân bua:

– Mái tôn này nóng lắm, thường là chúng tôi phải lót một lớp mái gỗ bên dưới nhưng chưa có điều kiện làm, nhà này dựng mười năm rồi đấy, nhưng đã hoàn thiện được đâu…

Lí do chưa hoàn thiện được theo ông Huyến là do việc đóng cửa rừng, một cái cây mang ra dù là cây chết cũng phải được sự đồng ý của kiểm lâm, bởi thế, vật tư để làm nhà dù kề ngay rừng cũng là một việc khó khăn. Từ câu chuyện căn nhà chúng tôi tiếp tục sang những câu chuyện khác, chẳng mấy chốc đã quay về chuyện bảo vệ cột mốc, đường biên của những người dân Bát Mọt.

Chuyện những người dân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc đã thành quen thuộc với bộ đội biên phòng khắp dải biên cương. Ông Huyến vốn là bộ đội xuất ngũ. Năm 1972, vừa tròn 19 tuổi, chàng trai dân tộc Thái từ Bát Mọt nhập ngũ vào Trung đoàn 46, quân tăng cường của Bộ. Sau thời gian huấn luyện tại Hòa Bình, Lang Văn Huyến được sung vào bộ đội công binh, chuyên bắc cầu phà vào tuyến lửa trên dải đất miền Trung. Sau đó ông được cử đi học quản lí hậu cần, thuộc quân số Quân đoàn 1 và về làm việc tại Cục Hậu cần Quân đoàn. Năm 1976, Lang Văn Huyến trở về quê hương lại bắt tay xây dựng quê mình. Bố ông trước là Chủ tịch xã Bát Mọt, nhà cũ vốn ở thôn Đục, sau mới ra Khẹo. Ông được giao quản lí bảo vệ mốc 352 và 353. Trước đây thì là mốc 355. Cột mốc 355 với ông vô cùng quen thuộc, nó gắn bó với ông suốt thời tuổi trẻ cho đến khi không còn trẻ. Từ nhà lên mốc, những năm chưa có đường tuần tra biên giới tất cả chỉ trông chờ vào đôi chân luồn rừng, cả ngày đường mới tới. Cỏ cây nhiều khi mọc nhanh hơn những lần thăm mốc, bận rộn một tí, lâu một tí không lên là phải bới cỏ bới cây ra mà tìm mốc, phát quang phải phát rộng ra một tí, không thì chẳng mấy chốc cỏ cây sẽ lại mọc, lại xâm lấn che khuất mốc. Trận lũ năm 2017 làm nước suối dâng cao, một số cột mốc ven suối, ven sông Lò từ Lào chảy qua đều bị ảnh hưởng, nước suối dâng, đất đá cây cối cuốn trôi ào ạt. Linh tính về những gì đang diễn ra nên ngay sau khi lũ dứt ông Huyến đã tìm vào mốc 355. Đúng như ông dự đoán, mốc đã bị đất đá vùi lấp kín. Ông Huyến tạm thời dùng con dao mang theo bới đất tìm mốc, đang cặm cụi làm thì ông giật mình bởi tiếng động từ trên cao, một phiến đá sau sạt lở vẫn bám lại nay mới lỏng chân rùng rùng lăn xuống. Trong tích tắc ông Huyến chỉ kịp né sang một bên và may mắn thoát khỏi đường lăn của nó. Sau đó ông vội quay về đồn báo cáo tình hình để đồn cử lực lượng khắc phục sự cố. Ông Lang Văn Huyến nay tuổi đã cao, làm Hội trưởng Hội Người cao tuổi của thôn Khẹo. Thôn có 59 hộ với 252 nhân khẩu. Khẹo cũng là thôn mà Đồn Biên phòng Bát Mọt đứng chân. Thôn Khẹo kết nghĩa với bản Tà Láy, thuộc cụm Phôm Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của Lào. Hai thôn bản hai bên biên giới vẫn có những hoạt động giao lưu kết nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị. Người dân trong mỗi thôn có việc gì to nhỏ bên kia đều có mặt. Ngày ông Lang Văn Huyến dựng nhà này bà con bên Lào cũng sang giúp. Đấy là câu chuyện của mười năm trước, những năm sau này, người dân ở bản Tà Láy bên kia biên giới di cư đi đâu mất, những người mới lại đến. Mọi chuyện giao lưu kết nghĩa lại làm lại từ đầu. Quá trình tham gia bảo vệ đường biên cột mốc của ông Lang Văn Huyến cùng bộ đội biên phòng đã trải qua bốn đời đồn trưởng, từ anh Hà Sỹ Thanh, anh Trung, anh Ngọc đến bây giờ là Thượng tá Lê Đình Quý.

Ông Huyến bảo, ngày trước mùa đông ở đây kéo dài đến năm, sáu tháng, ngồi trong nhà thế này nhìn ra đường không thấy người đi. Bây giờ thì mùa đông ngắn lại, nhưng cái nắng cái gió cũng khắc nghiệt hơn, căn nhà của ông dù chưa hoàn thiện nhưng nước sơn trên gỗ nhiều chỗ xuống màu, bạc phếch, vài vết nứt nẻ trên các cột gỗ lừng lững, đường kính tới ba mươi phân. Thời tiết ở vùng biên rất khác biệt. Mới giữa tháng mười nhưng cây đào phai mé trái nhà chỉ huy Đồn Biên phòng, gần vườn rau thanh niên đã bung cánh. Điều này lạ với những vị khách từ xa đến nhưng với anh em đồn thì đó là chuyện thường ngày.

– Trên này đào một năm nở ba lần cơ các nhà báo ạ! – Chính trị viên Lê Hưng Hiếu tiết lộ.

Chúng tôi tròn mắt tưởng anh nói vui, nhưng vẻ mộc mạc nghiêm túc của người cán bộ vùng biên mang quân hàm thượng tá buộc chúng tôi phải tin vào sự thật này. Về sau tìm hiểu chúng tôi được biết đúng là những cây đào nơi đây một năm nở hoa tới ba vụ. Bởi thế, nếu cứ theo quan niệm truyền thống đào nở là tết đến xuân về thì ở đây tết quanh năm.

***

Bát Mọt, cái tên xa ngái một phần là sức hút để kéo tôi đến với vùng biên này. Địa danh ấy vẫn được giải nghĩa theo hướng diễn giải thông tục, ấy là thuở xưa những người dân nơi đây cưa những khúc nứa già đoạn gần mấu rồi đẽo làm bát ăn cơm, ăn mãi đến khi bát mọt mới thay bát khác, cùng với cái đói cái nghèo, cái ăn thiếu thốn đến bát ăn cơm còn để mọt, người ta gọi tên vùng đất này theo nghĩa ấy. Cách giải nghĩa thật thà theo kiểu chẻ chữ pha chút bi hài này không được thuyết phục cho lắm, nhưng cũng chưa có một cách giải nghĩa nào hay và có ý nghĩa hơn, ngay cả các cụ cao niên như ông Lang Văn Huyến khi chúng tôi hỏi cũng bảo, chỉ nghe ông bà truyền lại và gọi theo như thế. Trước sự ngờ vực của chúng tôi, Vũ Văn Sỹ nói rằng, anh có nghe một cách giải thích khác theo hướng Bát Mọt là biến âm của Bất Mọt, có nghĩa là vùng đất để yêu thương, nhưng cũng vẫn chờ một xác tín về điều này bởi hiện tại địa phương mới đang tổ chức biên soạn lịch sử đảng bộ xã và cũng đang đi tìm nguồn gốc tên xã để đưa vào tài liệu chính thống.

Hôm trước, chúng tôi trở về Đồn Biên phòng Bát Mọt khi trời đã tối. Giấc ngủ “ba không” trong khu nhà khách chập chờn rồi tỉnh hẳn bởi tiếng kẻng báo thức của đồn. Sau bữa sáng, tôi đề nghị với Đồn trưởng Lê Đình Quý cho lên mốc 355 thị sát. Anh ngồi trầm ngâm chưa trả lời ngay, vẻ mặt rất cân nhắc. Đang ngồi bên bộ bàn ghế đá trong khuôn viên Đồn, đúng lúc đó tôi bỗng nghe nhói buốt đột ngột ở cánh tay trái, một chú ong vàng vụt bay qua và đã kịp chích tặng tôi một nhát như để kiểm tra sức khỏe của khách xem có đủ độ kiên gan bền bỉ leo mốc hay không. Vũ Văn Sỹ vội chạy vào nhà mang tuýp kem đánh răng ra bảo tôi bóp xoa vào chỗ ong đốt theo kinh nghiệm ở đây. Nốt ong đốt buốt lan ra, cả cánh tay tôi mỏi lìa, nhưng tất nhiên là chúng tôi vẫn lên mốc sau cái gật đầu của Thượng tá Quý Đồn trưởng.

Dẫn đường lần này là Đại úy Vi Văn Chon. Vẫn chiếc xe bán tải của Trào chở chúng tôi đến điểm đi bộ rồi thả xuống. Chon chặt cho mỗi người một cây gậy và cùng chúng tôi rẽ rừng về hướng cột mốc 355. Thường thì lên mốc phải leo núi, lên trước xuống sau, nhưng đây lại theo chiều ngược lại, lượt đi là tụt dốc, lượt về mới leo lên. Là bởi mốc 355 nằm bên một con suối. Mà suối thì có ở đỉnh cao bao giờ… Đường xuống mốc độ dốc khá cao nhưng vẫn là đi luồn rừng chứ không phải lộ thiên. Rừng ở đây nhiều cây cổ thụ lâu năm. Lạ là dù dốc đến mấy thì cây vẫn có cách mọc và trụ lại để vươn cao thi gan cùng năm tháng. Tuổi của chúng nhiều hơn tuổi chúng tôi, và nhiều hơn tất cả những đời người sống lâu năm nhất. Chúng tôi lọt thỏm giữa những gốc cây xù xì rêu mốc. Đi chừng nửa tiếng thì nghe tiếng suối róc rách, tôi biết là sắp tới. Vi Văn Chon dẫn đầu, chúng tôi theo sau tiếp cận lòng suối, lội dọc đoạn đường đá cuội to nhỏ lổn nhổn một lúc, mốc 355 đã hiện ra uy nghi trước mắt tôi, trên nền rừng hoang dã và lẫm liệt. Đã đi nhiều mốc giới quốc gia ở cả miền núi phía Bắc, miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng tôi vẫn không khỏi xúc động mỗi lần chạm một cột mốc mới. Có thể nói 355 là một trong những cột mốc đẹp nhất mà tôi đừng đến. Mốc nằm bên suối, trên nền của những tán rừng già. Một vài cây cổ thụ ven suối bị chết khô trơ cành. Vi Văn Chon bảo rằng, đó là những cây ổi nước, loài cây này chỉ mọc ven các bờ suối chứ không mọc trên cao, dù đặc tính sinh trưởng ở nơi ẩm, bên bờ suối nhưng chúng lại không chịu được ngập. Hậu quả của trận lũ năm 2017 khiến nước suối dâng cao, không những làm vùi lấp cột mốc mà còn làm cho những cây ổi nước bị dầm trong nước mà chết. Trên ngọn một cây khô lắt lẻo ngang trời là một giò phong lan lơ lửng như một thách thức ngạo nghễ.

Đại uý Chon bảo, sau này một số mốc ven suối đã được làm mới, tôn nền móng lên cao đến mấy mét, đảm bảo để lũ lụt không nhấn chìm hoặc vùi lấp. Để xây dựng được các cột mốc bề thế như 355 thuộc Đồn Biên phòng Bát Mọt hay cột mốc 342 thuộc Đồn Biên phòng Tam Chung không hề đơn giản. Nguyên vật liệu đều phải băng rừng lên dốc xuống dốc, hoàn toàn dùng sức người để tập kết xuống vị trí mốc. Anh em cán bộ chiến sĩ đồn được huy động triệt để cho nhiệm vụ. Một con đường tạm cũng được mở để dùng dây cáp tời chuyển xi măng sắt thép xuống. Mà mở con đường này cũng đâu phải thích thì mở đâu, vì liên quan đến rừng phòng hộ, phải làm công văn báo cáo tỉnh và xin phép lực lượng kiểm lâm mới được làm.

***

Những cái tên vùng cao luôn lạ lùng như một bí ẩn. Trước khi lên Bát Mọt tôi khá tò mò trước tên gọi những địa danh nơi đây. Như là Cửa khẩu Khẹo, một cái tên độc, lạ và gọn lỏn. Cái tên ấy đứng một mình thì nghe rất độc đáo, nhưng nếu đặt trong tương quan địa danh 8 thôn của Bát Mọt thì cũng khá bình thường. 8 thôn ấy có tên lần lượt là: Khẹo, Cạn, Đục, Ruộng, Dưn, Phống, Vịn, Chiếng. Đồn Biên phòng Bát Mọt đóng ở thôn Khẹo, cửa khẩu cùng cột mốc 353 cũng nằm ở thôn này. Dù là cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới, được phép trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia Việt – Lào nhưng ở đây chẳng mấy người lại qua. Đứng bên cửa khẩu ở vị trí cột mốc 353 cả nửa tiếng có ý chờ đợi chúng tôi cũng chỉ gặp một người đàn ông đi xe biển số Lào làm thủ tục qua cửa khẩu để về phía nước bạn, dù hôm đó là cuối tuần.

Trong 8 thôn của Bát Mọt thì thôn Đục là xa nhất. Nơi đây có một tổ công tác của Đồn Biên phòng Bát Mọt đứng chân. Từ đồn vào thôn Đục phải vượt qua quãng đường hai chục cây số. Dọc đường đi, những thửa ruộng vùng biên đang vào mùa thu hoạch, lúa trải vàng khắp nẻo. Những đống rơm sau khi tuốt lúa được bà con đốt cháy, khói la đà bay mang mùi lúa mới thơm một góc trời. Khung cảnh bình yên và thơ mộng. Trong căn nhà sàn của ông Lang Văn Chuẩn, Thiếu tá Vũ Văn Sỹ giới thiệu với chúng tôi Tổ trưởng Tổ công tác biên phòng tại Bản Đục – Thiếu tá Vũ Xuân Vuông và người chủ nhà, cũng là một người gia đình đã nhiều năm bảo vệ cột mốc. Ông Lang Văn Chuẩn sinh năm 1964. Giống như ông Lang Văn Huyến ở bản Khẹo, ông Chuẩn cũng tham giao bảo vệ các cột mốc 356, 357, 358 từ nhiều năm nay. Khu vực bản Đục có cột mốc 358, là cột phân giới với Nghệ An, bên kia là đất Lào, khu vực giáp ranh nên các loại tội phạm thường hay lợi dụng. Bố của ông Chuẩn là ông Lang Thanh Lợi, sinh năm 1944, là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Bát Mọt, ông Lợi đã được nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, là người có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, góp phần bảo vệ khu vực biên giới. Bản Đục một trăm phần trăm là người Thái. Bộ đội và nhân dân ở đây là một, nhất cử nhất động quân và dân đều đồng lòng nhất trí. Suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm của vùng đất này không khi nào vắng bóng các chiến sĩ biên phòng. Thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, cả bộ đội và nhân dân, đến giờ là thế hệ những người như Thiếu tá Vũ Xuân Vuông và ông Lang Văn Chuẩn.

Thiếu tá Vũ Xuân Vuông được coi như người con của bản Đục. Tính ra sang năm nay là anh đã gắn bó với bản Đục tròn hai mươi năm.

 

Thiếu tá Vuông dáng người thanh mảnh, nổi bật với chiếc trán dô có phần bướng bỉnh. Khi chúng tôi đến nhà ông Lang Văn Chuẩn theo hẹn thì Vuông đang ngồi một mình bên cửa sổ tầng hai nhà sàn, điềm nhiên như chủ nhà. Anh đến trước để đón chúng tôi. Trong câu chuyện giữa chúng tôi với ông Chuẩn, một người Thái tuổi sáu mươi ít nói và kiệm lời, thi thoảng Vuông vẫn nói đỡ hoặc diễn đạt cho rõ ý ông Chuẩn muốn nói. Vuông sinh năm 1979, quê ở Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh nói rằng anh yêu màu xanh áo lính từ khi còn nhỏ. Điều này thì ai cũng có thể nói được, nhưng Vuông đã chứng minh tình yêu ấy theo cách rất khác biệt. Tuổi hai mươi, đầu tiên Vuông đã đăng kí thi vào Học viện Biên phòng. Nhưng yêu là một chuyện, đạt được hay không lại là chuyện khác. Anh thiếu 1,5 điểm, không đủ điều kiện khoác lên vai đôi quân hàm học viên màu xanh. Không đạt nguyện vọng làm sĩ quan biên phòng nhưng Vuông vẫn chứng minh tình yêu với màu xanh áo lính bằng một cách khác, vào lực lượng Biên phòng theo một cách khác. Năm ấy, người anh trai của Vuông có giấy gọi nhập ngũ, anh trai Vuông lại muốn chọn con đường đi xa lập nghiệp, trước khi giấy gọi kịp về thì anh trai Vuông đã tếch thẳng vào miền Nam tuyên bố không về. Thế là Vuông đi khám nghĩa vụ thay anh. May quá lại có một chỉ tiêu nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng. Vuông đã trình bày nguyện vọng với cán bộ tuyển quân và được toại nguyện. Vào lực lượng, Vuông được cử đi học Trung cấp Pháp Lý, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Bát Mọt. Năm 2005 Vuông cưới vợ, vợ anh ở Thị trấn Thường Xuân, và hiện tại gia đình anh ở đó. Từ Đồn Bát Mọt xuống thị trấn huyện cũng 60 cây, còn nếu tính từ bản Đục nơi anh cắm chốt thì thêm 20 cây nữa nên cái gọi là “công tác tại huyện nhà” của Thiếu tá biên phòng có khoảng cách là 80 cây số.

Ngoài việc xa xôi, bản Đục cũng là một trong ba bản nghèo của xã Bát Mọt, tuy  cuộc sống ở đây bình yên, tội phạm tại địa phương hầu như không có. Nội địa thì yên ổn nhưng vùng biên, lại ở khu vực giáp giới hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An nên không thể tránh khỏi việc lợi dụng địa bàn của tội phạm ma túy từ bên kia biên giới xâm nhập quanh khu vực mốc 358. Ngồi trên sàn nhà ghép gỗ của ông Lang Văn Chuẩn, khi trời dần buông trên những thửa ruộng trải dài vào chân núi, tôi hỏi Vuông lúc câu chuyện đã có chiều xuôi về hồi kết:

– Trong hai mươi năm gắn bó với Bát Mọt, điều gì đọng lại khiến anh ấn tượng nhất, nhớ nhất?

Từ đầu câu chuyện Vuông nói năng dứt khoát, diễn đạt khúc triết, mạnh mẽ, ngắt câu nhả chữ đúng chất nhà binh. Đến lúc này mới có vẻ hạ tông giọng một chút, nhẹ nhàng hơn, bớt đi độ cương cường. Vuông bảo:

– Chắc các anh không biết tôi là thương binh…

Thế là câu chuyện tưởng như sắp khép lại mở sang một trang mới. Khi Vuông nhắc đến chuyên án ma túy tại Bát Mọt năm 2019, tại đúng bản Đục này, chuyên án ma túy do phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa triển khai thì chúng tôi đều ồ lên vì ai nấy đều nhớ cũng như đã biết thông tin qua báo chí. Vuông là một thành viên trong chuyên án. Khi đang tiếp cận và khống chế đối tượng vận chuyển ma túy tại khu vực cột mốc 358, đồng bọn giấu mặt của chúng từ bên kia biên giới bất ngờ nổ súng bắn xối xả vào các chiến sĩ biên phòng. Tổ công tác gồm Thiếu tá Vi Văn Nhất, cán bộ thuộc phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa; Đại úy Vũ Xuân Vuông – nhân viên Đội Phòng chống ma túy và tội phạm cùng Trung úy Nguyễn Bình Minh – nhân viên Quân khí, thuộc Đồn Biên phòng Bát Mọt. Sự cố bất ngờ xảy ra, Thiếu tá Vi Văn Nhất bị thương nặng nhất, đã hi sinh trên đường đi cấp cứu. Còn lại Đại úy Vũ Xuân Vuông và Trung úy Nguyễn Bình Minh được đưa ra cấp cứu tại Bệnh viện Quân đội 108. Ngày ấy báo chí cũng đã kịp thời đưa tin, làm xôn xao dư luận, tiếc thương và cảm phục sự hy sinh của các chiến sĩ biên phòng trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy vốn nhiều khốc liệt.

Vuông bị một viên đạn xuyên qua mắt cá chân bên phải, nằm điều trị tại Bệnh viện 108 14 ngày rồi lại tiếp tục về Bệnh viện Sầm Sơn tập phục hồi chức năng. Trung tá Nguyễn Bình Minh sau đó một phần vì thương tật, một phần vì những lí do khác đã phục viên về quê sinh sống. Còn Vuông, sau khi ra viện tiếp tục về đồn công tác. Anh lại tiếp tục về với bản Đục, về với bà con vùng biên nơi góc trời biên giới. Vuông bảo rằng, ngày ấy anh phải đóng 6 chiếc đinh trong chân, cứ sáu tháng khám lại một lần, hiện vẫn còn 3 chiếc đinh chưa tháo. Anh được đánh giá thương tật mất 32% sức khỏe, là thương binh hạng 4/4. Từ ngày đóng đinh, hai chân Vuông không đều nhau, chạy bộ tầm 10 phút là đau. Trước Vuông có thể chơi thể thao, bóng chuyền hay vận động mạnh, nhưng từ ngày bị thương anh không dám chơi các môn như vậy nữa, chỉ tập nhẹ nhàng. Nhớ lại hôm xảy ra sự việc, Vuông điện về cho vợ bảo sắp xếp quần áo để chuẩn bị đi công tác. Vợ anh làm theo, sau đó thấy hết xe nọ đến xe kia chạy lên Bát Mọt, rồi xe cấp cứu chở người xuống, được đơn vị thông báo sự việc chị mới tá hỏa vội gom hành lí lên xe theo chồng ra Hà Nội. Khi nhập viện, việc đầu tiên là vợ Vuông gọi điện thông báo cho bố mẹ chồng biết tin và cũng là để nhờ bà lên trông nhà, trông các cháu. Mẹ anh lo lắng lật đật bắt xe từ Hậu Lộc ngược Thường Xuân. Từ ngày vào biên phòng, anh gắn bó với miền núi, mỗi năm đưa vợ con về thăm bố mẹ đôi lần. Xảy ra sự việc mẹ anh vô cùng lo lắng. Biết tâm lí ấy, hôm sau, trong lúc chờ phẫu thuật chân Vuông đã điện thoại về cho mẹ, nghe tiếng Vuông, thấy anh vẫn rắn rỏi, nói năng mạnh mẽ nên bà đã được trấn an một phần. Bây giờ thì cuộc sống của Vuông và gia đình đã trở lại bình thường. Anh lại ngày ngày bám bản, lâu lâu về thăm vợ con. Cậu con trai năm tới thi đại học, đang muốn lựa chọn theo nghiệp nhà binh, Vuông và vợ cũng tôn trọng  quyết định của con, dù biết lựa chọn ấy sẽ đem lại nhiều vất vả, thậm chí là ít nhiều bất trắc.

Phần “trò chuyện thêm” với Vuông đã kéo không gian vùng biên về phía chiều muộn. Thật lạ là khi chúng tôi làm việc với chỉ huy Đồn Biên phòng Bát Mọt, cả Đồn trưởng Lê Đình Quý và Chính trị viên Lê Hưng Hiếu đều không nói gì đến việc này. Việc giới thiệu chúng tôi vào bản Đục cũng chỉ là để gặp những người dân đồng hành cùng bộ đội biên phòng nơi vùng biên mà thôi. Có lẽ các anh coi việc trấn áp tội phạm, sự vất vả hy sinh là cái lẽ đương nhiên của người lính, chẳng có gì phải quan tâm hay để mà kể lể. Phía sau mỗi người lính biên phòng là một gia đình, là cha mẹ, vợ con họ. Mỗi biến cố xảy ra với bản thân họ sẽ tác động đến những người thân, và những người thân cũng sẽ tác động lại họ. Những biến cố cũng như liều thuốc thử bản lĩnh của mỗi người lính và gia đình. Câu chuyện của Vuông khiến tôi nhớ đến câu đùa vui của Thượng tá Hồ Ngọc Thu – Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa khi nói về những người lính biên phòng, rằng họ “cùng với gia đình bảo vệ biên giới”. Câu nói ấy thật thấm thía qua những trường hợp cụ thể như câu chuyện của Thiếu tá Vũ Xuân Vuông. Kể lại chuyện đã xảy ra, nói về việc tiếp tục trở về gắn bó với bản Đục, Vuông bảo:

– Tôi chọn cách tiếp tục ở đây để chứng minh rằng, dù thế nào thì lực lượng biên phòng cũng luôn đi đầu, để bà con nhìn vào họ tin vào một điều, cho dù chuyện gì xảy ra họ sẽ luôn có bộ đội biên phòng đồng hành sát cánh.

Câu nói của Vuông khiến tôi cảm động. Tôi nhận ra cái sự tin và yêu màu xanh biên phòng của chàng trai Vũ Xuân Vuông tuổi đôi mươi hôm qua vẫn vẹn nguyên trong người cán bộ biên phòng cắm bản tuổi bốn lăm hôm nay. Câu chuyện của Vuông khiến tôi quên thời gian. Chiều đã xuống rất thấp trên miền biên viễn. Ngoài khung cửa nhà sàn, những ngọn núi đang chuyển dần sang màu lam hòa với màu trời. Đã cuối thu, trời đất có dấu hiệu ngả màu sương khói. Chỉ nay mai thôi, cảnh sắc nơi đây sẽ náu vào biển sương mù dày đặc, náu vào mưa phùn gió bấc. Cũng thời gian ấy tội phạm ma túy rất hay tận dụng cho những kế hoạch đen, những mưu đồ vận chuyển cái chết trắng qua biên giới. Những người lính như Vuông và đồng đội lại tiếp tục bám bản, bám dân, như những đôi mắt thức ẩn trong ma trận sương mù.

***

Sau câu chuyện của Thiếu tá Vũ Xuân Vuông, chiều biên giới bỗng nao nao đến lạ. Lại chuẩn bị một đêm nữa trong chuyến về với vùng biên xứ Thanh chúng tôi lưu lại, như những đêm lưu lại Na Mèo, Mường Mìn, Tam Thanh, như đêm trên chốt cùng các chiến sĩ biên phòng 347 – Chốt biên phòng Suối Trăng. Trong chiều biên giới bản Đục, tôi bỗng nhớ đến những cánh hoa đào trái vụ trên khắp dải biên cương xứ Thanh. Hoa đào tượng trưng cho ngày tết, cho một mùa xuân mới, nhưng ở nơi gió sương biên ải, những cánh hoa không theo quy luật ấy. Những cây đào dọc Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân mỗi năm hoa nở tới ba lần. Giữa những mùa hoa nở những người lính vẫn lặng lẽ bám đất, bám dân. Bên những cột mốc ánh rêu trên núi cao hay kề lòng suối vẫn in dấu những bước chân của họ. Tôi bỗng hình dung mỗi bước chân người lính vùng biên nơi đây như nở ra những cánh hoa đào.

Tháng 11 năm 2023

N.X.T

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm