- Truyện
- Lá thư tay từ căn phòng giam số 9 | Truyện ngắn của Trang ý
Lá thư tay từ căn phòng giam số 9 | Truyện ngắn của Trang ý
- Sao mày vô đây, nhãi con? Bao nhiêu tuổi rồi mà chung thân luôn vậy, coi như mày chết già trong này rồi thằng nhóc - Tiếng ông Tư Mập oang oang khắp phòng giam số 9 - Căn phòng chỉ nhốt tù chung thân. Những tội nhân vào đây thì chẳng ai trông mong được ngày về.
Ông Tư Mập là tù nhân ở lâu nhất, gần 25 năm và hầu như ai cũng phải nể sợ. Ông Tư có thể đánh đấm hoặc “chào phòng” bất kỳ ai là “ma mới”. Và hôm nay người bị “đại ca” Tư Mập cho ăn vài cú đánh là Tín, một tù nhân mới vào trại.
Nghe câu hỏi thị uy và nhận những cú đấm mạnh quả tạ của trưởng phòng, Tín gào lên: “Tôi giết người được chưa? Vừa lòng chưa mấy cha nội?”.
- Mày láo với tao hả? Trả lời thách thức thằng Tư này sao con, mày tới số mày rồi! - Tư Mập thụi thêm vài phát vào bụng và lưng của Tín khi nghe xong câu trả lời không đầu không đuôi của anh.
- Thôi đủ rồi Tư ơi, mày vừa vừa thôi. Cán bộ tới là chết cả lũ bây giờ! - Chú Bảy Điếu lên tiếng can ngăn khi thấy Tư Mập có vẻ càng kích động hơn với thằng nhãi mới vào.
- Ngày đầu nha con, tha cho mày à, biết điều chứ không no đòn với tao - Tư Mập chỉ thẳng mặt Tín đe dọa.
Vừa dứt trận đòn “chào phòng” của Tư Mập, Tín ôm bụng ngồi phịch xuống đất thở không ra hơi. Thấy thằng tù mới có vẻ bất cần, chú Bảy hất mặt về phía Tín: “Mời chú Tư ly nước đi là êm xui chứ gì, cái thằng!”.
Nghe chú Bảy Điếu mở lời nhưng Tín cũng chẳng buồn cựa quậy. Anh nằm sõng soài ra sàn và thở gấp từng cơn. Vốn dĩ cậu là sinh viên năm nhất yêu cô bạn cùng lớp. Cứ ngỡ đâu chuyện tình tuổi học trò sẽ đẹp như mơ nhưng Tín đã không thể kiềm nén cơn giận khi biết cô bạn gái qua lại với một thằng bạn khóa trên. Chính sự ghen tuông mù quáng đã khiến anh ra tay làm nhân tình lẫn bạn gái trọng thương và mất khả năng lao động vĩnh viễn. Cậu bị kết án chung thân ở tuổi 18 và với Tín đây là dấu chấm hết của cuộc đời anh.
Chẳng ai có thể ngờ một cậu học trò ngoan ngoãn và có thành tích học tập nổi bật lại trở thành tội nhân chẳng hẹn ngày về. Ngày tòa kết án, mẹ Tín khóc ngất phải nhập viện. Từ thằng con út được mẹ thương yêu nhất nay khóa chặt tương lai sau song sắt nên Tín chẳng thiết tha gì đến cuộc sống này nữa. Cậu mặc kệ đời trôi và bất cần những đàn anh trong phòng giam.
Buổi lao động đầu tiên của Tín cùng các tù nhân diễn ra chẳng mấy suôn sẻ. Anh phải làm tất cả những việc nặng để các “đàn anh” được nhẹ nhàng hơn. Cậu ra sức vác những tảng đá lớn thay cho các tù nhân khác nhằm tránh sự quấy rối của nhóm Tư Mập.
- Tư ơi Tư! Thằng Tín… Thằng Tín nó té ngất xỉu rồi mày ơi! Cán bộ ơi có tù bất tỉnh nè… - Chú Bảy chạy hớt hải trình báo cán bộ giám sát.
Chỉ mới ngày đầu đi lao động mà Tín xỉu và sốt mê man khiến các anh em tù khác ngán ngẩm với vẻ “công tử bột” của cậu.
- Ba ơi! Ba… Ba đừng bỏ con mà ba ơi! Ba đừng đi mà. Con sợ lắm, người ta đánh con ba ơi… - Trong cơn mê sảng cậu sinh viên đã hét gọi ba inh ỏi khắp phòng khiến chẳng ai chợp mắt được. Tư Mập bèn đến đứng cạnh giường lay Tín dậy: “Thằng nhãi, dậy đi! La um à!”.
Tư Mập nói chưa hết câu thì bỗng ông giật bắn người khi thằng Tín ghì chặt tay và gọi ba trong cơn mê man. Khác với suy nghĩ của những bạn tù còn lại, Tư Mập chẳng những không đẩy thằng nhóc ra mà ông đứng yên như trời trồng. Ông bất giác cúi đầu nhìn kỹ Tín hơn nhưng dường như Tư Mập sực nhớ vai trò đại ca của mình không được yếu lòng nên ông vùng tay và quát lớn trước những bạn tù còn lại: “Đứa nào làm câm cái họng nó lại đi, chứ ai ngủ cho được! Còn chịu không nổi kêu cán bộ cho nó đi y tế đi”.
- Ông Tư ổng có thằng con trai, nó nay cũng được gần 35 tuổi rồi. Lúc ổng lãnh án nó tầm độ lên 10 hà, vậy mà nó nhớ mãi hận ổng tới giờ. Thằng cha Tư Mập có cái tật ăn nhậu vô là mất hết lý trí, hay mắng chửi vợ con. Kì đó vợ chồng cự cãi sao mà ổng lấy cây đánh vợ trúng đầu và không qua khỏi sau đó - Chú Bảy Điếu ngồi bần thần kể chuyện cho Tín nghe sau khi cậu hồi tỉnh - Có lẽ vì lý do đó mà khi mày gọi tiếng ba với thằng cha Tư, ổng đứng như trời trồng luôn - Chú Bảy tiếp lời sau tràng cười giòn tan.
- Ủa mà rồi ba mày đâu? - Bất giác chú Bảy hỏi ngược lại thằng Tín. Cậu nhìn sang người tù lớn tuổi ốm cao đang lau vội mồ hôi trong giờ nghỉ lao động. “Ba con qua đời lúc con lên 8 rồi. Con là thằng con trai duy nhất mà út nữa nên ba thương lắm. Ổng bị phổi nặng quá cứu không được chú ơi! Mà con không hiểu vì sao cứ mệt hay bệnh vô là nằm mơ thấy ổng về. Bữa đó sốt quá là y như rằng”.
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi của chú Bảy Điếu và Tín chỉ đơn sơ là những câu chuyện đời vậy mà điều ấy khiến không khí đỡ ngột ngạt hơn với cậu. Mọi người không còn quá ghét vẻ ngoài bất cần đến độ hỗn láo của một đứa nhỏ nhất như Tín.
- Cũng nhân đây con cám ơn chú đã báo cán bộ lúc con ngất nha! - Tín gật đầu cười nhẹ với chú Bảy. Nhưng chưa kịp nói thêm gì thì chú Bảy đã chen ngang: “Mày khách sáo quá đó thằng nhãi. Mà ông Tư hình như cũng chẳng thù hằn gì mày nữa đâu. Coi bộ ổng không ghét mày dữ thần đâu Tín”.
Để cám ơn cho đủ lễ với các đàn anh, trưa hôm sau lúc giờ nghỉ Tín đến gần Tư Mập nói cám ơn lí nhí trong miệng. “Mày làm gì sợ tao như cọp vậy thằng kia? Cám ơn như mày thành ý chỗ nào? Cha Bảy kêu mày lấy lòng tao đúng không? Khỏi mày!” - Đại ca Tư Mập cắt lời Tín nhưng coi bộ ông ta cũng mở cờ trong bụng.
Sau khi câu cám ơn lí nhí của Tín được gửi đến “anh lớn” Tư Mập thì cậu hoàn toàn tháo bỏ những hiểu lầm trước đây với cả phòng giam số 9. Càng ngày Tín cũng dần quen với công việc lao động nặng và anh cũng bớt bất cần hơn trước.
- Nguyễn Văn Sang có người nhà tới thăm - Giọng cán bộ phòng giam vang lên khiến ông Tư giật nảy người khi nghe đến tên mình.
- Ai thăm tôi vậy cán bộ? - Vừa chỉnh quần áo tóc tai, đại ca Tư vẫn không quên hỏi với ra ngoài. Trái với vẻ sốt sắng của ông Tư, cán bộ chỉ lạnh lùng mở cửa dẫn ông ra ngoài.
- Ai thăm ông vậy Tư? Có phải… - Chú Bảy Điếu chưa dứt câu hỏi thì anh đại của phòng đã cắt ngang: “Ai đâu. Lại là thằng em tôi chứ ai. Nó có chịu đến thăm tôi đâu mà ông hỏi. 25 năm rồi chứ ít ỏi gì. Biết bao nhiêu bức thư cũng không trả lời ở đó mà nói đến chuyện thăm”.
- Chú Tư chờ con trai hả chú Bảy? - Tín tò mò chen ngang.
- Ừ! Mà mày tò mò nhỏ thôi, ổng chửi mày bây giờ đó. Cũng tội, dù biết nó chẳng đời nào đến thăm nhưng ổng cứ nuôi hy vọng hoài. Cái thằng hơn 30 tuổi, già rồi mà hận ba nó dai quá. Tệ thiệt! - Chú Bảy lắc đầu ngao ngán.
Vài ngày sau khi ông Tư có người nhà đến thăm nuôi thì mẹ của Tín cũng mang quà lên cho cậu lần đầu tiên. Vừa trở lại phòng giam sau khi gặp được mẹ, Tín lôi ra hai hũ mắm đưa đến “đại ca” Tư Mập. “Chú với mấy anh ăn lấy thảo, có mắm lóc với khô cá sặc ngon lắm”. Và thế là cả phòng hôm đó có quà ăn và rôm rả những tiếng kể chuyện.
- Tui được ân xá Bảy ơi! Tụi bây ơi, tao sắp về nhà rồi. Thằng Năm có báo con trai tôi sắp cưới vợ vào cuối năm nay cũng đúng với dịp tôi mãn hạn về sớm. Mừng quá ông Bảy ơi! - “Đại ca” Tư Mập thông báo tin ân xá với cả phòng trong giọng điệu hân hoan nhất từ trước đến nay. Niềm vui của ông tràn ngập sang những buổi lao động và gặp cán bộ nào ông cũng cười chào cám ơn rối rít.
Nhưng chỉ còn vỏn vẹn một tháng nữa “anh đại” của phòng sẽ được tại ngoại thì lại một biến cố nữa xảy đến. Đang lao động thì tiếng quản giáo tìm ông Tư: “Nguyễn Văn Sáng có người thăm nuôi”. Cũng như bao lần trước ông cũng vội chỉnh lại quần áo, tóc tai rồi bước vội theo cán bộ. Ông Bảy Điếu quay sang thằng Tín: “Sao thằng Năm mới đi thăm ông Tư tháng trước nay lên thăm nữa, không biết có chuyện gì nữa đây?”.
Lần này khác hẳn những lần còn lại, Tư Mập quay trở lại phòng giam ngồi phịch xuống không ngước mặt nhìn bất cứ ai. Thấy biểu hiện lạ của bạn tù, ông Bảy đến gần lay ông Tư hỏi han: “Sao? Chuyện gì vậy Tư, mày có sao không? Trúng gió hay gì cha? Sao người nhà lên thăm mà mày như mất hồn vậy?”.
Trước một tràng câu hỏi của ông Bảy Điếu, “đại ca” Tư Mập vang danh ngày nào bỗng dưng mặt xị xuống và ôm mặt oà khóc như một đứa trẻ. Ông khóc lớn đến mức cả phòng giam đứng lặng nhìn chẳng hiểu lý do gì và mọi người chỉ càng thêm lo. Vừa khóc, ông Tư vừa lấy tay đập vào ngực vào đầu thật mạnh như chẳng còn thiết tha thân thể này là bao. Ông gào lên rồi ngồi co ro xuống sàn nhà: “Hết rồi, hết thật rồi! Cho tôi ở lại trong tù, tôi không muốn về nhà nữa cán bộ ơi! Giúp tôi được chết trong cái nhà giam này đi cán bộ”.
Khóc nấc một hồi ông Tư cũng thấm mệt, ngồi thút thít giữa phòng giam trước ánh nhìn từ bất ngờ đến đau xót của anh em bạn tù. Chẳng ai nói với ai câu nào chỉ nhìn ngẩn ngơ vào một khoảng không mênh mông vô định. Thằng Tín cũng định đến trấn an ông Tư nhiều lần nhưng đều bị chú Bảy ngăn lại. “Để ổng yên đi. Mày không giúp được gì mà mang hoạ đó con”.
Sau trận khóc như mưa đó, tối hôm ấy ông Tư chẳng buồn ăn chút gì đến độ ông Bảy ngồi cạnh quát lớn: “Mày chết ở đây không được đâu. Số mày vẫn còn may phước được ra ngoài. Cuộc đời của mày ở ngoài kia kìa chứ không phải chết già chết mòn trong cái nhà giam này. Mày thích đi tù lắm hả Tư, nhục nhã lắm Tư ơi!”.
Nghe thấy tiếng ông Bảy quát lớn, ông Tư vụt đứng dậy nắm cổ áo ông Bảy hét: “Mày biết cái gì mà nói? Mày, thằng Tín, thằng Sáu rồi thằng Hai Lem còn gia đình, còn có người chờ chúng mày một khi tụi bây được ân xá, cải tạo tốt. Còn tao, đời tao chẳng còn ai chờ ai đợi. Ước mơ 25 năm trời của tao cũng chẳng còn nữa đâu Bảy ơi!”. Tín thấy tình hình càng lúc càng căng thẳng, anh vội liều mạng đến đẩy ông Tư ra khỏi người chú Bảy.
- Ở đây chú Tư có uy nhất nhưng thật sự chú Bảy mới là người lớn nhất. Chẳng anh em nào muốn ở trong này đến chết cả. Sao chú Tư lại độc miệng đến thế? Chú thấy đó, chú gặp chuyện anh em ai ai cũng lo cho chú mà. Hà cớ gì? - Tín gắt giọng.
Ông Tư buông tay khỏi Bảy Điếu và Tín, ngồi phịch xuống đất lí nhí kể: “Nãy gặp thằng con trai tao. Nó nói cuối tháng này cưới nhưng không muốn tao có mặt. Nếu tao có về sớm hơn hạn thì tìm chỗ nhà chú Năm mà ở chứ đừng gặp nó hay nhận lại cha con gì hết. Nó không có người cha tù tội như tao. Nó còn gằn giọng, lần này gặp coi như lần cuối, tao mà có chết nó cũng chẳng muốn về…”.
Vừa kể Tư Mập vừa rưng rức lấy tay đập mạnh vào lồng ngực. Ông cứ mãi lặp đi lặp lại câu nói: “Dù tao có chết nó cũng không nhìn!”, mà cả phòng giam đứng lặng người xót xa. Màn đêm bao trùm khu trại giam, ở nơi đó có nỗi tuyệt vọng đến cùng cực nhưng cũng có những tia hy vọng đẹp đến nao lòng nhưng tiếc là tia sáng cuối đường hầm ấy cũng mau chóng vụt tắt.
- Tín ơi, ông Tư đâu? Sao nãy giờ vác đá tao không thấy ổng? Tao mới đi hỏi thằng Hai Lem với Sáu Mủ cũng lắc đầu không thấy? Cán bộ đang đi kiếm đó. Ổng mà làm biếng tự ý trốn nghỉ là mệt nữa à nghen, sắp mãn hạn rồi - Chú Bảy Điếu lo lắng dáo dác kiếm “đại ca” Tư Mập.
Một lúc sau rất lâu cán bộ thông báo đã tìm thấy Tư Mập ở cạnh bờ suối. Ông bất tỉnh khi đang vác đá và được đưa đến y tế trại giam. Mấy ngày liền đau buồn chuyện con trai hất hủi, ông chẳng ăn uống được là bao thậm chí có hôm cũng không nuốt nổi vài muỗng cơm vậy nên mới ra cớ sự.
Tối hôm ấy Tư Mập được đưa trở lại buồng giam số 9 với những tiếng thở phào nhẹ nhõm của anh em bạn tù. Ông Tư nhanh chóng về chỗ nằm đắp chăn kín đầu. Tưởng “đại ca” đi ngủ rồi nên mọi người cũng an tâm lặng lẽ đi ngủ nối theo sau. Chỉ riêng mỗi Tín, anh chuyển chỗ nằm gần Tư Mập đêm nay.
- Nếu chú không ngại thằng tù chung thân này, chú nhận con làm con đi. Con mất cha từ nhỏ nên ao ước được gọi tiếng cha nó xa vời đâu đâu. Chỉ gặp mỗi ổng khi ngủ mớ hay sốt cao thôi. Người thì có không giữ, người cả đời lần không ra. Chú ra tù rồi, chú sống cho an nhiên tự tại. Con sẽ nhớ mãi một người cha từng cứu mạng con mà chú Tư. Chú làm gì bộ con không biết sao chú Tư? - Thằng Tín nằm phía sau ông Tư thì thầm.
Thấy ông Tư Mập vẫn im ru, anh tiếp lời: “Cái hôm con bất tỉnh không phải do con thư sinh làm việc nặng không nổi mà đúng ra con chết từ hôm đó rồi. Chú thừa biết có người trong trại giam này muốn đánh con để thị uy nên chú đưa người ra cản nên mới đổ máu đầu hả chú? Con thấy đầu chú bê bết máu nên sợ quá mà ngất đi. Chuyện này đâu ai biết ngoài chúng ta, đúng không chú?”.
Nghe đến đây, ông Tư quay sang nhìn thằng Tín vừa cười vừa đấm vào bụng nó một cái rõ mạnh: “Mụ nội mày, tao nói chuyện này không được kể ai nghe mà thằng nhãi”. Dứt câu nói đó, Tư Mập và thằng Tín phá lên cười thật giòn.
Cái ngày tại ngoại cũng đến. Ông Tư dọn đồ và chào tạm biệt các bạn tù còn lại để về với tự do. Ông cũng không quên xoa đầu thằng Tín căn dặn: “Mày ở lại cải tạo tốt, rồi cũng có ngày chúng ta gặp nhau với một màu áo khác, một tư cách khác. Chung thân không có nghĩa là kết thúc, cố lên thằng nhãi. Còn việc làm ba mày, tao không dám”.
Ông Tư Mập vừa quay lưng đi về phía cửa nhà giam, Tín gọi với theo sau: “Ba ơi, chờ con nha ba!”. Dĩ nhiên một “đại ca” như Tư Mập sẽ chẳng đáp lời, ông giơ cao tay vẫy tổng chào mọi người rồi xách vội túi đồ ra cổng. Rất lâu sau đó, ông Tư Mập cũng ái ngại như ngày nào chẳng dám xưng ba với Tín khi đối mặt dù tháng nào ông cũng đến thăm cậu và ông Bảy.
“Ngày tháng năm,
Gửi con trai của ba,
Ba về nhà được hơn tháng rồi, ba ở nhà chú Năm. Tao lụm ve chai, làm hồ, nói chung có việc gì tao cũng làm. Tao sống được, Tín ạ. Con ở trong đó nhớ lời ba dặn, cải tạo tốt rồi còn về. Tao đợi mày mãn hạn nấu nồi cháo gà. Mày thích cháo gà lắm mà đúng không? Tuần sau ba lên thăm con mang mắm kho cho ông Bảy, thằng Hai Lem và Sáu Mủ nghen!
Ba Tư”.
Tr.Y