- Bút ký - Tạp văn
- Hai cựu chiến binh “vào cuộc chiến mới”
Hai cựu chiến binh “vào cuộc chiến mới”
HƯỞNG ỨNG CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"
TRẦN TRỌNG TRUNG
“Giã từ vũ khí” trở về cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh (CCB) bắt tay “vào cuộc chiến mới” là khởi nghiệp để chống lại nghèo nàn, lạc hậu. Với bản lĩnh và ý chí vững vàn của người lính Cụ Hồ, các CCB đã không ngại gian khó, vất vả mà luôn miệt mài lao động sản xuất, chăn nuôi, khởi nghiệp và đã thành công.
ĐỘC ĐÁO GẠO HUYẾT RỒNG MANG THEO “DÒNG MÁU” RỒNG TIÊN
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ, mang thương tích trong người, sức khỏe giảm súc… nhưng CCB Lê Văn Đấu, sinh năm 1947 ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã vượt lên chính mình, khởi nghiệp thành công từ nguồn tài nguyên bản địa với sản phẩm “gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng Năm Đấu”.
CCB Lê Văn Đấu
Sản phẩm “gạo huyết rồng” và “bột gạo huyết rồng” Năm Đấu đã được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp giấy chứng nhận đạt OCOP xếp hạng 3 sao. CCB Lê Văn Đấu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông tặng Giấy khen danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tại hội nghị vinh danh các nông dân tiêu biểu năm 2018 đầu tiên của huyện Tam Nông và được Chủ tịch UBND huyện Tam Nông khen thưởng thành tích xuất sắc về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Đến thăm nhà CCB Lê Văn Đấu rất nhiều lần mà lần nào cũng được gia chủ đãi cơm nấu bằng gạo huyết rồng rất thơm ngon, bổ dưỡng; có kèm thêm chai rượu đế ngâm củ đinh lăng. Chủ nhà và khách vừa ăn cơm vừa uống rượu và tâm tình rất thân mật. CCB Lê Văn Đấu cho biết: Quê ông ở vùng Cù lao Tây, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, ông đã từng tham gia hoạt động Cách mạng hợp pháp ở vùng cù lao ngũ Tân là Tân Huề, Tân Quới, Tân Long, Tân Hòa và Tân Bình, huyện Thanh Bình. Đến năm 1973, do bị lộ bí mật nên ông phải rời quê nhà sang xã Phú Thành A để lánh nạn và được cấp 4.000m2 đất ruộng để mưu sinh. Trong những năm tháng vừa làm mướn vừa làm ruộng tại đây, thanh niên Lê Văn Đấu đã gặp và kết duyên vợ chồng với cô thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Bén. Hai người chung sống hạnh phúc với nhau đến nay đã có 6 người con đều trưởng thành và lập gia đình ra sống riêng… CCB Lê Văn Đấu bày tỏ: “Sau khi lập gia đình, có con… vợ chồng tôi cùng làm ăn, chuyên tâm tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và quyết tâm làm giàu chính đáng. Đến tháng 8/1983, khi huyện Tam Nông được tái lập, tôi bắt tay khởi nghiệp bằng việc mở Hãng sản xuất thau, nồi, chảo… nhôm bán cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhờ sản phẩm làm ra có mẫu mã đẹp, đạt chất lượng cao nên Hãng sản xuất đồ nhôm của tôi bán rất chạy, chủ yếu giao sĩ sản phẩm cho các Công ty Thương nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu về cho gia đình một khoảng lợi nhuận đáng kể, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chưa đầy 10 năm hành nghề này, tôi đã có trong tay cả trăm lượng vàng! Đến sau năm 1991, Hãng sản xuất đồ nhôm của tôi không cạnh tranh nổi với các công ty, cơ sở sản xuất đồ nhôm ở thành phố Hồ Chí Minh nên tôi bán vàng đầu tư mua 4 ha đất ruộng để mần lúa… Nhờ cần mẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa nên vụ mùa nào gia đình tôi cũng có thu nhập cao. Mỗi năm, tôi đều trích lợi nhuận để mua thêm đất ruộng, mở rộng sản xuất… Hơn 10 năm nay, tôi đã có trong tay trên 100 công đất ruộng làm 2 vụ lúa/năm, trồng hoa màu, lập vườn cây ăn trái, đào ao nuôi cá, xây hồ xi măng nuôi lươn… đạt doanh thu bình quân từ 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc khoảng 300 - 500 triệu, gia đình tôi còn lãi cả nửa tỷ đồng. Nhiều năm liền tôi đều đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và cấp tỉnh”.
Trong một lần dự Đại hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Đồng Tháp, CCB Năm Đấu được tặng 3kg lúa giống huyết rồng. Ông Đấu đem về cấy thử trên 700m2 đất ruộng nhà. Sau khi thử nghiệm thành công, ông đem lúa huyết rồng xay thành gạo nấu cơm ăn thấy thơm, ngon, ngọt tự nhiên… nên CCB Lê Văn Đấu quyết định dành 13.000m2 đất làm giống lúa huyết rồng để có vùng nguyên liệu chế biến thành sản phẩm “Gạo huyết rồng nguyên hột” và “Bột gạo huyết rồng”. CCB Lê Văn Đấu vui vẻ chia sẻ: “Qua chương trình y học đó, tôi nghe được gạo lứt ăn trị bệnh tiểu đường, ổn định về tiểu đường nên tôi đi vào chương trình đó. Và may mắn có người bạn cho mấy ký giống gọi là Huyết Rồng! Tôi về cấy thử, tôi làm được 700 mét được một số, tôi ăn thì thấy đường huyết tôi tương đối ổn định nên tôi quyết định nhân giống. Và tôi mới nghĩ ra, mình phải làm sao cho nó lợi nhuận cao hơn trên cái sản phẩm của mình nên tôi mới chế biến ra bột gạo lứt huyết rồng và tôi đưa ra thị trường thì thấy thị trường chấp nhận”.
Lúa huyết rồng sau thu hoạch được kiểm tra chất lượng, đảm bảo an toàn, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới được CCB Năm Đấu đưa vào nhà máy xay xát chế biến ra gạo lứt huyết rồng và bột gạo huyết rồng thành phẩm. Lúc đầu, CCB Năm Đấu chỉ làm để ăn trong gia đình và bán lẻ cho bà con chòm xóm ăn thử… Được nhiều người khen ngon nên cuối năm 2017, ông Năm Đấu mạnh dạn sản xuất sản phẩm và đăng ký thương hiệu độc quyền mang tên “Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” và “Bột gạo huyết rồng Năm Đấu”. Sản phẩm làm ra được đóng gói mỗi loại từ 500gram đến 2kg và dán nhãn đẹp mắt... Giá bán cũng phù hợp nên được người tiêu dùng ưa chuộng, mua nhiều. Bà Phạm Thị Ngọc ở xã Phú Thành A thường mua “Gạo huyết rồng Năm Đấu” và “Bột gạo huyết rồng Năm Đấu” về sử dụng mỗi ngày cho biết: “Từ khi uống bột gạo huyết rồng Năm Đấu tới giờ tôi khỏi uống thuốc nè. Tôi thấy khỏe! Sáng tôi không ăn gì hết, tôi uống 1 ly, miễn ngán thì để vô chút sữa, còn không ngán thì quậy lạt vậy uống mà thấy tiểu đường uống cũng giảm. Chị em người ta bị tiểu đường đó, người ta nói uống cái này thấy có hiệu quả lắm. Thấy cơ sở anh 5 mần cũng sạch sẽ. Nhà gần đây nè, đi tới lui thấy cũng sạch sẽ lắm. Giá thì cũng hợp lý lắm, rẻ, có 60 ngàn 1 bịch nửa ký hà… Uống được lắm, nó thơm mà cái hậu nó như bột gạo lứt em bé hồi xưa vậy đó. Dễ uống lắm!”.
Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, các sản phẩm “Gạo lứt huyết rồng Năm Đấu” và “Bột gạo huyết rồng Năm Đấu” đạt doanh thu từ 130 - 170 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Đặc biệt, 2 sản phẩm độc đáo nêu trên của ông Năm Đấu vừa được Tỉnh chứng nhận đạt OCOP 3 sao nên sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Cựu chiến binh Năm Đấu đã đầu tư vốn mở rộng nhà xưởng, mua trang bị thiết bị máy móc, đáp ứng đủ sản phẩm cho người tiêu dùng. Cơ sở Năm Đấu vừa được Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 300 triệu đồng trong tổng số trên 600 triệu đồng lắp đặt hệ thống máy xay xát và máy tách màu gạo, với công nghệ hiện đại để tăng nhịp độ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm… phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. CCB Lê Văn Đấu phấn khởi cho biết: “Tết Nguyên đán và dịp Lễ 30/4, 1/5 vừa qua, cơ sở của tôi đã cung cấp nhiều đơn đặt hàng lên đến 5 tấn gạo lứt huyết rồng và 3 tấn bột gạo huyết rồng cho các siêu thị, đại lý trong và ngoài huyện… doanh thu cũng kha khá. Hiện tại, cơ sở đang chuẩn bị nhiều sản phẩm gạo và bột gạo huyết rồng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường…”.
Không chỉ chú tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, CCB Lê Văn Đấu rất quan tâm làm việc thiện. Hằng năm, ông đều trích cả trăm triệu đồng từ lợi nhuận để làm công tác từ thiện - xã hội. CCB Lê Văn Đấu luôn tìm hiểu những thông tin liên quan đến các học sinh đang gặp khó khăn, hộ dân, người cơ nhỡ, tật nguyền, neo đơn để chia sẻ, giúp đỡ và đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn ở địa phương. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến phức tạp, CCB Năm Đấu mang khẩu trang, chở từng bao gạo, thùng mì và các nhu yếu phẩm, tiền mặt đến từng nhà tặng tiền và quà cho các hộ khó khăn. Mỗi phần trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng. CCB Lê Văn Đấu bộc bạch: “Là một CCB và cũng là một doanh nghiệp, tôi làm ăn cũng được. Trong dịch Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, các hộ nghèo đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tôi trích một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn ấy với các hộ nghèo… Tôi mong muốn dịch Covid nhanh chóng qua đi để các hộ làm ăn bình ổn hơn”.
Không chỉ sản xuất thành công từ sản phẩm “Gạo lứt huyết rồng” và “Bột gạo huyết rồng”, CCB Lê Văn Đấu còn tự canh tác các loại đậu trên diện tích đất nhà để chế biến và bán các sản phẩm từ tài nguyên bản địa mang thương hiệu Năm Đấu như: Bột đậu đen lòng xanh và Bột của 5 loại đậu… đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tin rằng, các sản phẩm từ gạo lứt huyết rồng, Bột đậu đen lòng xanh và Bột của 5 loại đậu… của CCB Lê Văn Đấu sẽ vươn xa hơn trong thời gian tới, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
Ông Trịnh Văn Lớn - Chủ tịch Hội CCB huyện Tam Nông nhận xét: “Đồng chí Lê Văn Đấu là một CCB đầu tiên của huyện trồng lúa huyết rồng. Trong những năm qua hiệu quả từ sản xuất lúa huyết rồng bán và tạo ra sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả rất cao. Từ hiệu quả đó, thường trực Hội CCB huyện cũng nghiên cứu, trao đổi với các hội viên khác để học hỏi kinh nghiệm trồng lúa huyết rồng, tạo ra sản phẩm để nhân rộng trong hội viên toàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương đảm bảo đời sống, an sinh xã hội cho hội viên CCB và giảm nghèo bền vững…”.
TỪ TRANG TRẠI NUÔI HEO ĐẾN LẠP XƯỞNG HEO “NHẬT HẢI”
Thấm nhuần tư tưởng và tích cực học tập tấm gương đạo đức, phong cách cao quý của Bác Hồ, CCB Huỳnh Thanh Hải, sinh năm 1962, ngụ khóm 3, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã quyết tâm vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng bằng mô hình trang trại nuôi heo và cá tra.
Ông Hải phơi Lạp xưởng do cơ sở Nhật Hải chế biến.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tận dụng 11.000m2 đất sản xuất nông nghiệp, CCB Hải đã mạnh dạn đầu tư vốn đào ao 3.000m2 để nuôi 1.200kg cá tra; đất lấy từ ao tôn cao, xây 2 dãy chuồng hơn 600m2 để thả nuôi 22 con heo nái và 405 con heo thịt. Chuồng heo được CCB Hải xây bằng bê tông cốt thép vững chắc, có hệ thống xử lý phế phẩm từ việc nuôi heo và dẫn nước thải xuống ao nuôi cá đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp đàn heo và cá mau lớn, phòng ngừa được dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, CCB Hải còn tận dụng phần đất trống để trồng các loại cây ăn trái, hoa kiểng như: vú sữa hoàng kim, chuối, đu đủ, mảng cầu, mai vàng… Với phương thức chăn nuôi khoa học và khép kín nên mỗi năm, CCB Hải có thu nhập trên 2 tỷ đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, CCB Hải còn lãi hơn 600 triệu đồng. CCB Hải cho biết: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, chiếu cố gia đình tôi. Năm 2014, tôi làm trang trại này, lợi nhuận trong 3 năm liền (2014, 2015, 2016) do giá heo ổn định 1 năm lời từ 7 - 800 triệu đồng. Năm 2017, heo rớt giá còn 2 triệu 1 tạ, năm đó lỗ vài trăm triệu. Sang năm 2018 và năm 2019, giá heo từ 4,5 triệu đến trên 5 triệu đồng, thành ra lấy cái vốn từ đó tới nay làm ăn khấm khá hơn nhiều. Còn về nuôi cá thì một năm thu nhập cũng từ 170 - 200 triệu đồng... Với trang trại nuôi heo và mô hình nuôi cá, trong năm 2021, gia đình tôi thu lãi được 885 triệu đồng…”.
Sau khi đưa tôi đi tham quan một vòng trang trại nuôi heo, cá, trồng cây ăn trái khép kín… CCB Hải còn đưa tôi đến cơ sở sản xuất lạp xưởng của gia đình ông. Nhanh tay phơi trở từng dây lạp xưởng dưới ánh nắng mặt trời rồi vào tủ sấy, CCB Hải lấy những dây lạp xưởng đã khô, đem cân trọng lượng, vô bịch, dán nhãn hiệu và ép chân không thành phẩm mang thương hiệu “Nhật Hải”. Từ trang trại nuôi heo, CCB Huỳnh Thanh Hải đã mở cơ sở chế biến Lạp xưởng Nhật Hải tại thị trấn Tràm Chim. Theo CCB Hải chia sẻ: “Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, gia đình tôi nuôi hàng trăm con heo nái, heo thịt và heo hậu bị… Trong trang trại của tôi hiện đang nuôi 20 con heo nái và trên 150 con heo lứa, heo thịt các loại. Đàn heo nái đẻ heo con, tôi tiếp tục nuôi thành heo thịt. Thức ăn của heo được tôi sử dụng bằng viên công nghiệp có nhiều độ đạm. Tôi còn thường xuyên mở nhạc cho đàn heo nghe… êm lắm à”. Bình quân mỗi ngày, CCB Hải chọn từ 1 - 2 con heo từ 1 tạ trở lên để giết bán thịt tại chợ Tam Nông và chế biến sản phẩm lạp xưởng tươi, sạch cho vào bịch nilon, ép chân không, đóng gói mỗi bịch 500gram dán nhãn thương hiệu độc quyền Nhật Hải và bán ra thị trường mỗi bịch từ 100.000 - 120.000 đồng. CCB Huỳnh Thanh Hải bày tỏ: “Tôi có trang trại heo nên tôi cung cấp thịt heo an toàn vệ sinh cho bà con. Tôi còn làm thêm lạp xưởng tươi, sạch, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày thường, tôi bán vài ba ký lạp xưởng. Dịp lễ, Tết, tôi có thể bán từ 5 - 7 ký lạp xưởng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của tôi bán trên 100 ký lạp xưởng mang thương hiệu “Nhật Hải”. Lạp xưởng sản xuất ra không đủ bán...”.
Hớp miếng trà lá sen nóng, thơm lừng… CCB Huỳnh Thanh Hải nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Bởi, sản xuất nông nghiệp chi phí cao, lợi nhuận không ổn định, cuộc sống bấp bênh. Quần quật quanh năm mà không đủ ăn, không đủ mặc… Nhờ Đảng, Nhà nước và Hội Cựu chiến binh huyện, thị trấn Tràm Chim quan tâm nên gia đình tôi mới có được cuộc sống tốt đẹp như ngày nay”. CCB Huỳnh Thanh Hải hiện đang tiếp tục nuôi hàng chục con heo nái, heo thịt các loại trong trang trại và thả nuôi 17.000 con cá tai tượng chung với 230kg cá chốt sọc. Đàn heo và cá nuôi đang được CCB Hải chăm sóc cẩn thận, thường xuyên phòng dịch bệnh nên đàn heo và cá nuôi đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Tràm Chim nhận xét: “CCB Huỳnh Thanh Hải đang sinh hoạt tại khóm 3. Trong những năm qua, CCB Hải đã nổ lực vượt qua khó khăn, luôn tìm tòi, sáng tạo thực hiện thành công mô hình trang trại sản xuất, chăn nuôi khép kín. Đặc biệt, CCB Hải đã đưa con heo nuôi sạch từ trang trại chăn nuôi của mình, mổ lấy thịt đem bán ở chợ và chế biến thành sản phẩm lạp xưởng Nhật Hải tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ông Hải là một CCB sản xuất kinh doanh giỏi, có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị văn minh của thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông. Hằng năm, vào dịp Lễ 27/7 và Tết Nguyên đán, CCB Hải còn trích lợi nhuận vài chục triệu đồng làm quà tặng các gia đình thương binh - liệt sĩ, những gia đình chính sách, các đồng đội gia cảnh còn khó khăn…”.
Huỳnh Thanh Hải là một CCB tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Bí thư Huyện ủy huyện Tam Nông biểu dương, khen thưởng. Nhiều năm liền CCB Huỳnh Thanh Hải còn được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng Bằng khen về thành tích đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”, được Hội Nông dân, Hội CCB các cấp và UBND huyện Tam Nông tặng nhiều giấy khen kèm hiện vật…
Huyện Tam Nông hiện có trên 1.000 hội viên CCB và đã thành lập 1 Hội doanh nhân CCB, với 13 thành viên. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, các cấp Hội CCB trong Huyện vận động được trên 6,6 tỷ đồng, cất mới và trao tặng 147 căn nhà; trong đó, có 36 căn nhà Nghĩa tình đồng đội, do hội viên đóng góp 1 tỷ 260 triệu đồng. Vận động quỹ Hội được gần 1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 165%, giúp hơn 457 lượt hội viên có vốn sản xuất, buôn bán nhỏ, giải quyết khó khăn trong đời sống... Qua đó, đã xóa được 68 hộ hội viên nghèo. Hiện các xã, thị trấn đã hết hộ hội viên CCB nghèo... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới toàn huyện còn 4,9%, hộ cận nghèo chỉ còn 10,14%; đưa 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã Phú Cường đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…