TIN TỨC
  • Truyện
  • Khi hạt mưa ngân | Nguyễn Văn Học

Khi hạt mưa ngân | Nguyễn Văn Học

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-07-25 08:36:11
mail facebook google pos stwis
1183 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN VĂN HỌC

Cơm nước xong, vợ dọn dẹp rồi ngồi bấm điện thoại. Đứa con học online, giải lao vẫn chúi đầu vào máy tính trong phòng. An ngồi lướt mạng và thở. Tivi vẫn đang nói một mình.

- Công việc của em có gì mới không?

Anh hỏi đến lần thứ ba, vợ mới ngẩng lên hỏi lại và trả lời cho qua:

- À, vâng. Cũng như hôm qua. Và hôm qua vẫn như hôm kia.

Vợ lạnh nhạt, An hơi chạnh lòng về thái độ hờ hững ấy, anh gọi với con gái: “Vy ơi”. Nó lừng chừng đứng dậy dụi mắt: “Sao cơ ạ?”. “Gần đây con học thế nào?”. “Học online thì bố biết rồi đấy…”. Bỏ dở câu nói, nó trở lại phòng, ném lại thái độ phụng phịu. “Thì vẫn phải cố gắng con nhé”. Anh cố động viên con một câu mà cảm tưởng chính anh đang động viên mình.

Những nhọc mệt đang tràn vào tổ ấm của anh, làm nó trở nên lạnh lẽo, xơ cứng. Xơ cứng đến nỗi có thể khiến các thành viên bị cào xước. Mỗi ngày, các thành viên được một bữa cơm tối chung đã là may. Nhưng ngay cả bữa tối cũng chờ choạc. Khi thì anh về muộn. Khi thì trong lúc ăn, có cuộc gọi, nghe xong anh chẳng muốn ăn nữa. Hai đứa con ăn xong rồi tót về phòng. Vậy là, có những ngày chả được gặp con, bởi đêm anh về thì chúng đã ngủ.

An thấy cuộc sống của mình vẫn chẳng gì thay đổi sau khi nỗ lực phấn đấu từ trưởng phòng lên chức phó viện trưởng. Vẫn những công việc áp lực, khô cứng với rất nhiều văn bản, chỉ đạo mà anh luôn bị ngộp thở. Công việc của viện anh là nghiên cứu xã hội, trong đó có khía cạnh nghiên cứu những nứt vỡ về mối quan hệ trong gia đình, xã hội. Ngày còn le ve là anh chuyên viên, An có thời gian nhiều cho vợ con, bạn bè. Ngày cuối tuần vẫn tụ tập nhậu nhẹt. Thi thoảng nhóm gia đình trẻ chơi thân còn tổ chức những chuyến du lịch vài ngày. Tối về anh và vợ vẫn có thời gian xem phim, nghe nhạc. Nhăm nhe lên phó, rồi trưởng phòng, anh buộc phải chứng tỏ mình nhiều hơn. Sự chứng tỏ ấy tất nhiên vừa bằng năng lực cá nhân vừa phải quan hệ, làm hài lòng cấp trên. Mỗi nấc thang của sự thăng tiến đều phải trả giá bằng sự vươn dài của cá nhân, đôi khi mỗi bước chân phải trải êm bằng cả rừng cách ứng xử khôn khéo. Nhìn vợ con và ngẫm bản thân, anh thở dài. Mình, vợ và con cái đều đang là nô lệ của một thứ áp lực nào đó. Mỗi ngày trôi qua là mỗi cuộc đua chen, gồng mình để lo tiến độ công việc, ứng xử với người, tiền nong, chi tiêu... Rồi nhìn cấp trên ngó xuống cấp dưới mà sống. Về nhà thì mệt mỏi, thẫn thờ, chẳng muốn cất lời, chỉ mong trút mình vào giấc ngủ. Anh thấy nỗi ân hận xâm lấn trí óc. Có lúc anh ước thời gian quay ngược. Nếu cứ là chuyên viên quèn, đâu đến nỗi thời gian cùng vợ con đi xem phim, hay giây phút thảnh thơi nghe những bản nhạc bị phạc phờ tước mất.

Đầu óc chìm trong ngồn ngộn suy nghĩ, rồi bị đẩy ngược trở lại cơ quan. Mẹ kiếp! Lại cơ quan. Cơ quan hiện lên trong anh bằng hình hài méo mó, bằng những bước đi vật vờ của bác bảo vệ, chị phó phòng kế toán... Hồi chiều viện trưởng Tam vung tay, phun nước bọt nói như ra lệnh trong cuộc họp 3 người trong ban lãnh đạo. Hữu, phó viện trưởng thì răm rắp nghe lời viện trưởng Tam. Chỉ còn An lăn tăn với đề án X. mà theo anh nó không cần ngốn nhiều tiền như thế. An có định cản lại, rằng dự trù kinh phí chỉ cần 60% con số viện trưởng đưa ra cũng đủ để nó trơn tru với thời hạn 4 năm. Nhưng ông đã quyết. Lời ông Tam là mệnh lệnh. An chán ngấy những văn bản mệnh lệnh từ cấp trên. Anh có tí chức tước nhưng thấy trong ban giám đốc với nhau, những yếu nhân quyết định sự phát triển của viện, vẫn chẳng thể thoát khỏi những mệnh lệnh, sai khiến vừa hữu hình vừa vô hình. Lúc đó, anh suýt buột miệng: “Vậy cần gì phải họp!”. Nhưng với bản tính của người khá quen với sự nhẫn nại, anh đã nén kịp. An phân tích bằng tất cả lý thuyết, thực tiễn tích lũy được. Lúc đó, một mình anh không thể đấu lại được hai người đang muốn thôn tính từ đề án này. Giờ anh nhận được tin Hữu: “Anh găng với viện trưởng làm gì? Lời ông ấy là tối thượng. Cứ để ông ấy quyết”. Thì rõ. Hữu là kẻ ưa luồn cúi và trong cách làm việc luôn đặt tư lợi lên đầu. An không thích kiểu ấy. Cố gắng phấn đấu để có chút chức tước, anh cũng muốn làm việc trách nhiệm. Song có lúc, anh thấy cách làm việc trách nhiệm của mình trở nên lạc lõng giữa cơ quan và nó còn phản lại anh. Ô hay! Anh làm gì mà cái trách nhiệm nó phản? Ai thắc mắc cứ đi hỏi, hẳn sẽ nhận được câu trả lời: “Đời là như vậy”. An nhắn: “Thì tôi chỉ thấy đúng thì làm”. Hữu nhắn lại: “Viện trưởng luôn đúng anh ơi!”. An ném điện thoại vào góc, vào nhà tắm gội đầu, dù biết làm việc đó lúc này không tốt.

*

Đang căng thẳng ở cơ quan thì vợ gọi điện, bảo em bị cảnh sát giao thông bắt, anh xin cho em. An buộc phải chùng mình xuống, ấp a ấp úng. Làm sao bây giờ? Anh đâu có khả năng… ra lệnh đó? Nhưng nói với vợ mình không xin được ư? An lục trong trí nhớ xem có thể nhờ ai tác động. Không xong rồi. Anh định bảo vợ hãy nộp ít tiền cho xong đi, nhưng lại e vợ nói mình kém cỏi. Sau cùng anh bảo vợ hãy đưa điện thoại cho người chịu trách nhiệm ở chốt. Vợ anh làm theo. Anh trình bày mình làm việc ở nơi thế này, chức vụ thế kia, mong được tạo điều kiện bỏ qua lỗi không xi-nhan khi rẽ của vợ. Nhưng đầu dây bên kia bảo: “Dù anh là ai cũng không thể ra lệnh cho tôi…”. Cô kế toán cong mông thấy An đờ đẫn, hơi cúi mình, đặt tập tài liệu lên bàn cho anh rồi lui ra.

Thôi rồi. Anh toát mồ hôi vì thấy mình yếu kém. Ở cơ quan, đống giấy tờ ngập trên bàn đánh chìm tâm hồn anh, khiến nó như nghẹn ứ. Tối đó về anh nhận được sự dằn dỗi khủng khiếp từ vợ. Mặt nàng sưng lên.

- Anh cứ khoe mình là viện phó, lãnh đạo thế mà không xin nổi cho vợ một cái lỗi giao thông. Tôi đưa cho người ta 300 nghìn để được tha đấy. Số tiền nhỏ thôi nhưng tôi thấy anh chả có cái uy gì.

An giải thích:

- Ờ thì, công việc của hai ngành nó chả liên quan đến nhau, làm sao anh…

- Thôi đi! Vứt cái chức của anh đi. Đi làm sớm tối, vất vả, người quắt lại nhưng lương thưởng chả ra sao!

Trước đây, anh từng nói với vợ, anh cố gắng gây dựng sự nghiệp, mong vợ ủng hộ, rồi hướng về cuộc sống an yên. Nàng chỉ hỏi, anh làm thế có tiền không? Anh bảo, sẽ có vận tốt về sau này. Giờ thì chưa thấy vận đâu, còn anh đã nhận được sự coi thường. Sẵn trong lòng bực bội, An gắt lên. Vợ anh được thể cũng gắt lên. Vậy là nhà cửa om sòm.

- Tôi đi làm mệt mỏi, cũng chỉ để chăm lo cho gia đình, lo cho con.

Nàng đấu:

- Tôi thì đi chơi chắc?

Cái Vy chạy ra hét lên:

- Lời bố mẹ bắt vào míc, cô giáo con và nhiều bạn nghe thấy rồi. Xấu hổ!

An nháy vợ nói nhỏ, bảo con tắt míc. Vợ anh vẫn không dừng.

- Chẳng cần giữ sự đẹp mặt đâu.

An biết lúc này mình không nên đổ thêm dầu vào lửa. Lên phòng đóng cửa là thượng sách. Anh lại nhúng đầu vào nước, rồi bật nhạc rống lên. Nằm thừ ra một lúc, Hữu lại gọi, ý là chiều nay An cư xử đúng: “Không phản đối đề án X. với mức đầu tư trên giời ấy là khôn ngoan”. An thở dài: “Tôi cũng chẳng muốn mệt nữa”. Hữu cố vớt vát một câu sau khi thấy An im lặng: “Như thế, anh mới bớt mệt”.

Giờ được nghỉ phép một tuần và không phải cầm điện thoại nữa thì tốt biết mấy. Đầu anh ong ong ao ước. Nhưng việc nọ dồn việc kia, đến nỗi anh thấy mỗi văn bản, công văn là một ông sếp vừa nghiêm nghị vừa nặng nề. Tên là An mà chẳng yên. Anh thấy từ lâu mình trở thành nô lệ cho những mệnh lệnh được ban ra theo nhiều cấp bậc, cay nghiệt rót từ trên xuống. Có những cái sờ sờ bất cập nhưng không thể bất tuân. Xã hội biết bao người biến thành cỗ máy như anh? Không biết. Nhưng cứ ra đường là chạm phải những cặp mắt đờ đẫn, gương mặt bần thần dù một nửa đã bị che bởi khẩu trang. Văn bản thô cứng sai khiến những con người mà quả tim họ, vì áp lực, vì lố nhố nhiều thứ mà trở nên chai sạn, liệu rằng hiệu quả công việc có tốt? Hay chỉ là sự chấp hành hời hợt, đối phó cho qua chuyện? Không riêng gì đề án X., An đã can ngăn cấp trên vài lần chi sai mục đích, kê khống hóa đơn, vài lần cản cả viện trưởng và Hữu làm những việc không nghĩ đến cục diện chung. Gã phó phòng kế hoạch đã bị viện trưởng “đì” vì có trách nhiệm giống anh. Bản thân anh cũng bị ghét, viện trưởng Tam nhắc nhở: “Nên nhớ, cậu chỉ là người giúp việc tôi”.

*

Sở Y gửi công văn hướng dẫn, Viện D có chỉ đạo phối hợp, viện trưởng Tam đôn đốc, kế toán trưởng đưa văn bản hướng dẫn của bộ K. Nhiều anh em cấp dưới xì xèo đồn An chi nửa tỉ để “chạy” chức phó, kêu gọi anh em ủng hộ, giờ đạt được rồi không lo cho đời sống anh em. Bằng chứng là đời sống anh em không tăng. Các chuyên viên liên tục tìm gặp, vừa tâm tình vừa trách móc, đống công văn như những gương mặt người mồng mang trợn má đè lên đầu. Anh bỏ chạy nhưng không trốn khỏi bàn tay các chuyên viên. Họ lôi anh ra chất vấn. Tại sao thế này, tại sao thế kia? An hốt hoảng, gồng mình, giãy ra, bỏ chạy nhưng không được. Anh khiếp hãi tỉnh dậy. Thì ra đó chỉ là mơ.

Không ngờ, chuyện ở cơ quan đã căng thẳng nhảy bổ vào giấc ngủ anh, hành hạ, khiến anh bất an. Trời ơi! Có thứ công việc gì áp lực đến thế! Về nhà thì bị vợ con xa lánh, đến cơ quan chỉ thấy những dấu hỏi lục lọi. Dần dần anh sợ công văn, giấy tờ, sợ gặp những chỉ đạo, gặp anh em cơ quan.

Anh trở dậy rửa mặt, sợ không dám ngủ nữa. Rút bao thuốc ra hút, thả khói vào đêm. Anh thờ thẫn nghĩ đến anh em mình, với những gương mặt bành bành to và miệng rộng. Anh cả làm nghề giết mổ trâu bò. Em trai út ở quê làm nông nghiệp. Mỗi người một nghiệp mưu sinh. Anh cả ăn to nói lớn, mạnh mẽ, mỗi ngày thịt cả chục con bò, con trâu, súc miệng cũng hết nửa lít rượu. Thu nhập thì khỏi nói. Anh cả có cơ ngơi mà người làm công ăn lương như anh làm 6 đời cũng không được. Còn cậu út, dáng vâm váp, khỏe mạnh, tuy vất vả nhưng cũng có của ăn của để. Cậu út tính toán chăn nuôi, dồn điền đổi thửa đâu ra đấy, nhà cao cửa rộng. Có lần cậu út hỏi An: “Anh vất vả học hành bao năm, giờ lên được cái chức ấy, có bằng tiến sĩ, nhưng kinh tế eo hẹp quá!”. Đó là bữa nhậu tất niên năm ngoái. Nghe xong, An chạnh lòng. Đúng là… Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng cái chức, cái chữ của giới như anh, sao nó èo uột thế. Cuối buổi nhậu, cậu em út nói vòng vèo, rồi trở lại cái thu nhập của anh: “Lương của bác mấy đồng như thế làm sao mỗi năm cho các cháu du lịch được một lần!”. Anh xua tay: “Ừ thì… mỗi người mỗi phận. Chả biết ai sướng hơn ai”.

Tâm trí mưng mủ, An đã tổn thương lắm rồi. Lúc nghe em trai út so sánh, càng thấy nỗi thống khổ của phận trí thức. Uống chén rượu nào cũng đắng. Từ năm ngoái đến nay, anh bỗng ngại gặp cả cậu út. Sợ trước cậu ta anh trở nên lúng túng.

Tiến ra ban công, An nhả thêm khói vào mịt mù. Anh tự hỏi, mình khổ thật ư? Khổ đến nỗi không xin nổi cho vợ một lỗi vi phạm. Khổ đến nỗi nói mà vợ con không phục. Ở cơ quan, cấp trên luôn áp đặt, cấp dưới thất vọng khi họ đòi hỏi mà anh chưa đáp ứng được. Lại còn mang tiếng chạy chọt để có chức tước. Không. Ta không chạy. Anh nhủ. Nhưng ta còn có thể làm gì cho đời mình?

*

Viện trưởng Tam mặt bợt bạt ùa vào phòng. Ông nói với An:

- Chú cứu anh với!

An nhìn chằm chằm vào ông. Lại là đề án X. Đó là đề án ông Tam muốn thực hiện bởi khoản lợi nhuận kếch xù mà nó sẽ mang lại. Ông cũng đã bôi trơn rất nhiều đề được chấp thuận chủ trương lập và thực hiện đề án. Song sau đó, cấp trên tiếp tục có phản biện, đề án bị đưa ra đánh giá lại. Viện trưởng không muốn đề án bị mất. Người có thể bảo vệ được chính là An. Anh có thực tài, hiểu vấn đề.

- Vài lần cấp trên nghe chú nói về đề án này. Đến ngày họp nghe phản biện, chú cứ nhiệt tình bảo vệ giúp anh.

Nhìn khuôn mặt như khẩn cầu của ông Tam, anh chỉ còn nước gật đầu. Thực tâm, anh muốn đề án phải được thực hiện chi tiết hơn nữa, với mức kinh phí tiết kiệm nhất. Nhưng chính anh cũng đã bị cuốn vào vòng quay rồi. Các dự án, đề án đều phải vẽ ra rất nhiều khoản để có thể trích được tiền bôi trơn. Anh không muốn làm, chỉ còn cách văng ra khỏi guồng quay của những mối quan hệ chằng chịt, liên quan quyền lợi, với những mệnh lệnh được điều khiển bằng tiền.

- Em đã hứa sẽ ủng hộ đề án của anh rồi.

Ông Tam ra khỏi phòng, nhưng dáng hình nhợt nhạt bần tiện còn ở lại. Ông già đi nhiều quá. Có lẽ lo cho các đề án, các quan hệ. Ông ấn nút, chỉ đạo cấp dưới, thì ông cũng sẽ chịu sự chỉ đạo của những ông to bà lớn trên ông nữa. Và ông, cũng bị ấn nút bởi đồng tiền và đống áp lực bộn bề. Ông có nỗi sợ, nỗi vất vả của nghiệp chướng mình.

Khi chưa giải quyết xong chuyện đề án X. thì lại có chuyện đấu đá của hai phó phòng Kế hoạch. Ông Tam bảo vệ cô Dịu còn cậu Yên liên tục cậy nhờ An. Yên có trình độ hơn nhưng viện trưởng không chọn. Hai người buộc phải thi thố bởi, nếu bầu bán, số phiếu chắc chắn tương đương. Ngại nhất là Yên mang quà đến nhà. Ngại hơn nữa là anh không muốn nhưng vợ anh dùng dằng nhận. Hôm sau anh phải thuyết phục vợ đưa ra gói quà để anh trả lại Yên. Nàng quắc mắt: “Anh thuần túy, liêm khiết thế thì mãi nghèo, anh em nó khinh”. Anh cố giải thích: “Thì mình không giúp được chú Yên, nhận làm sao!”. “Ơ, anh là viện phó cơ mà?”.

Nghe loáng thoáng có chuyện anh ủng hộ Yên, ông Tam gọi lên chấn chỉnh ngay.

- Này chú An. Anh biết chú khó xử. Chuyện cất nhắc cô Dịu, hay cậu Yên, anh tin vào con mắt của chú. Nhưng thôi, chú tiếp tục ủng hộ anh. Cô Dịu đã theo anh nhiều năm.

Mặt An bỗng tối sầm. Thực tâm anh thấy Yên trội hơn rất nhiều. Việc cậu ta được đề bạt lên trưởng phòng rất có lợi cho viện trong những năm tới. Làm sao để thuyết phục được ông Tam? Sau một hồi nghĩ suy, An nói ra chính kiến quyết tâm bảo vệ Yên.  Cậu ta có thể thế chân người tiền nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô Dịu thì ưỡn ẹo, nói nhiều làm ít. Sau cùng, ông Tam gằn giọng: “Anh đã nhượng bộ chú rồi. Anh hỏi là cho phải phép thôi, chứ anh đã quyết”. An thấy nóng ran mặt mày, nỗi bực bõ từ áp lực bị dồn ứ giờ bật ra. Anh hét, điều mình đã nghĩ bấy lâu nay:

- Vậy thì ông làm cả đi. Tôi không cần. Tôi cũng chẳng cần cái chức phó viện trưởng này nữa. Từ mai, tôi xin làm chuyên viên.

Cửa phòng đóng rầm. Một cơn gió vừa xoẹt qua đây. Tiếng ông Tam đuổi phía sau: “Này, khối người muốn vị trí đó mà không được đấy”.

An lao qua hành lang rồi ào ra sân trước sự khó hiểu của vài nhân viên. Sân đang mưa. Những hạt mưa rắc lên anh. Mưa hơi lạnh và cô đơn. An biết, mình phải quyết định đúng đắn lúc này. An ngửa mặt lên trời. Những hạt mưa đang nói tiếng của nó. Không cần giải thích.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm