TIN TỨC

Nhà thơ Thanh Hoàng lặng lẽ chiết gieo thơ vào đất mẹ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-12-07 09:36:01
mail facebook google pos stwis
362 lượt xem

KAO SƠN

Với nhiều nhà thơ, cái gốc rễ cùng mảnh đất chôn rau cắt rốn luôn là một điều hết sức thiêng liêng. Nhiều người lấy đấy làm nguồn cảm hứng cho mình khi sáng tác. Thanh Hoàng cũng thế. Mồ côi cha mẹ từ rất sớm và rồi từ rất sớm đã phải xa quê. Chính điều đó đã làm cho Thơ Thanh Hoàng luôn tồn tại một khoảng trống đến mênh mông, đến choáng ngợp và luôn có khát khao được bù đắp, được vun đầy.


Nhà thơ Thanh Hoàng và bìa tập thơ mới.

Trong tập thơ “Vẽ nhớ” (Nhà xuất bản HNV, năm 2024) của anh, ngay bài đầu tiên Thanh Hoàng đã dành những yêu thương, kính trọng nhất để nói về mẹ. Tóc tai mắt mũi miệng... này/ Mẹ cầm đời mẹ để vay đất trời... Ta nhớ đã nằm lì trong lòng mẹ ấm/ đổ thừa trâu/ quất đuôi vào bụng mẹ lúc mẹ mang bầu. Ta đón ngày bằng đôi mắt dụi cay/ theo từng luống cày úp vùi gốc rạ/ nhìn đám bù mắt bay/ đuôi trâu đánh chéo mặt đời... Anh nói về mình như vậy. Vồng khoai xưa dáng mẹ mang bầu. - Dây khoai như dây rốn... Nhau con chôn ở đầu truông nảy chồi... Anh nói về mẹ như vậy. Ngay cả khi nói về kỉ niệm của những ngày đầu non dại thì bóng dáng của đứa trẻ quê cùng người mẹ quê cũng gợi một đụng chạm làm cho câu thơ biến thành kỉ niệm không của riêng ai: Mẹ bôi mật đắng vào núm vú mình/ dấu răng con dần lặn/ miếng cơm mẹ nhai thêm nhiều phần nước mắt/ con no miệng cười... Thật khó có thể tìm thấy ở đâu những liên tưởng gần gụi nhưng lại chính xác đến thế.

Nó hợp lí trong cách nhìn, gần gũi với cảm nhận của của đứa trẻ về mẹ. Và càng khôn lớn thêm, hình ảnh về mẹ càng đậm lại: Tảo tần xuôi ngược que nan/ Mẹ gom cơ cực ngồi đan tổ mềm. Không chỉ có thế. Thời gian mẹ mòn nhanh như lưỡi cuốc/ Mẹ soi vào vết chai sần trên tay, nhổ tuổi dư trắng xóa phận mình. Con nhận ra tiếng thời gian trôi qua đời mẹ trên từng sợi tóc trắng nhọc nhằn. Con nhận ra còn những hy sinh lớn lao khác ẩn sâu. Mẹ nợ đêm, những mùa trăng mẹ buồn là một nhận biết khác về mẹ. “Tiếng gàu khua giếng khuya cạn nước”. Tiếng thở dài ướt manh chiếu mục. Đó là hình ảnh mẹ trong những đêm cô lạnh vì góa bụa. Không cần nói rõ. Chỉ hình tượng trăng và tiếng gàu khua chạm đáy giếng cạn cùng những mùa trôi mà tạo được những “thanh âm không tiếng vọng”. Câm nín, hoàn toàn giản dị, không mĩ từ nhưng lại nói được rất nhiều.

Có thể nói thơ Thanh Hoàng có những câu hay nhất đều là thơ nói về Mẹ. Một tay mẹ níu núi rừng/ Chắn ngang gió bão để đừng lạnh con/ Một tay mẹ chẻ suối sông/ Dẫn đường tôm tép vào dòng sữa thơm. Hình ảnh người mẹ hiện lên như bà Đùng, như Nữ Oa trong cổ tích, nhưng không hề là một khoa trương. Mẹ chỉ bình dị như một cây lớn, sẵn sàng chịu mọi bão giông, che chắn và đổ bóng lên đời con dành cho con sự mát mẻ và an toàn. Và rồi Đến lúc chết cũng lén con mà chết/ Mẹ làm như con tránh được đau lòng.

Giận mẹ - bài thơ độc đáo ngay ở cách dùng cả câu chữ và hình tượng. Ngay từ Giận trong tiêu đề bài thơ đã khác biệt. Có ai trưng sự giận, nhất là Giận mẹ mình ra? Sự tò mò được giải đáp ngay sau đó. Từ “Lén” rất giỏi. Một từ ấy thôi cũng đủ hình dung ra tất cả một đời người, một hành trình sống, một hoàn cảnh và hơn hết nó nói lên được một bao trùm phủ dầy của tình cảm người mẹ dành cho con. Nó trái với thông lệ, người đời thường trước lúc chia xa luôn mong muốn có được đủ đầy con cháu vây quanh. Có người mẹ vì hoàn cảnh buộc phải giấu con để đi lấy chồng (Không mưa cũng thể phập phồng/ Lừa tôi ngõ trước, mẹ vòng lối sau - Mưa - Nguyễn ngọc Ly). Có thể hiểu được. thông cảm được. Nhưng trốn con đi chết thì quá đau. Cái lí do đưa ra càng nói lên tấm lòng mẹ vì con. Mẹ muốn con tránh được nỗi đau. Là mẹ hy vọng vậy thôi. Con làm sao tránh đau cho được. Thân xác con có được chính nhờ mẹ. Mẹ đã cầm cố cả đời mẹ vay đất trời để tạo ra con. Và món nợ đó cho đến ngày mẹ về với mây trắng con vẫn không giúp mẹ trả được.

Cha mẹ quên con, lần lượt về trời/ chiếc thuyền giấy rã dần trong mưa gió. Chiếc thuyền giấy chở tuổi thơ đắm chìm luôn khi không còn cha mẹ khiến tất cả những “phải chi - giá mà - nếu được...” bỗng không còn là ước ao nữa mà biến thành một nỗi tuyệt vọng. Những câu thơ như những nhát vồ nện vào đất cằn, như dằm cứa vào tim ta vệt nắng chiều như vết roi quất vào nỗi nhớ. “Mẹ quăng con lại dọc đường/ Rồi theo chiêng trống, khói hương lên đồi/ Mẹ chơi rứa/ Ai thèm chơi? Mẹ sống cực vậy mà khi về trời chỉ nhẹ nhàng như một đùa nghịch rong chơi, như một thoảng bay của chiếc lá vàng trong chiều gió lào thổi thốc. Mấy câu thơ cuối như một ẩn ức kiểu con trẻ làm dậy lên những rưng rưng.

Gió thốc, ngày trôi... và con vẫn loay hoay không thoát ra được cái vòng lẩn quẩn của những được thua, vay trả. Con nhổ vội phận mình giâm xứ khác/ Nhánh bụi đời chen cỏ mọc từng nơi. Một cố gắng nhằm đổi thay số phận Nhưng có vẻ như cuộc “cách mạng số phận” ấy đã không thành công: Con cầm khốn khó lang thang/ Vay thương trả nhớ trăm - ngàn - được – thua/ Tiêu dần cạn hết vốn xưa/ Bao lần đáo hạn con chưa nên người. Một cái nhìn chua chát về mình trong ngáy sinh nhật. Thất bại đến như một tất yếu. như một bắt buộc của số phận. Thanh Hoàng nhận ra việc xa quê của mình như một cây non bị bứng khỏi mảnh đất quen thuộc để chen chân tìm một chỗ đứng nơi cỏ dại quê người. Câu kết Con đã gọt sượng sùng nơi góc phố/ Sao mãi còn thương cuống rốn mình đau... đã nói lên tất cả. Hầu như những gian khó nhọc nhằn của phận người, của cả một vùng đất được khắc họa chỉ bằng mấy câu thơ như vậy. Bữa chiều nhà bên thơm khói bếp/ Đêm con mơ mút lợt ngón tay mình... Thật ấn tượng. Cái hay của thơ Thanh Hoàng nằm ở đây. Cách chọn hình tượng độc đáo và khác lạ. Cái độc, lạ được tạo nên bằng những hình tượng rất đỗi giản dị, nhặt từ cuộc sống thực, ai cũng đã chứng kiến, ai cũng từng bắt gặp. Đêm con mơ mút lợt ngón tay mình... Người đọc nhìn ra cả một tuổi thơ nghèo và nhận thấy từ những hình tượng giản dị ấy những chứa đựng ẩn sâu...

con rón rén rời làng trăng xuyên vách nát/sợ khói nhang rơi làm ba mẹ giật mình/ giống như ta đợi đến khi mẹ mất/ mới biết sông đau lỗ thủng đáy thuyền...

Có lúc cơm bụi dọc đường con mượn chiếc bàn riêng/ Cắm đũa thay nhang mời cha ghé dự. Có khuya sân ga, trên chiếu thuê con rủ/ Bạn giang hồ uống rượu cúng cha, say.

Luôn trong thơ Thanh Hoàng có những hình tượng gợi sự liên tưởng khá hay. Nó hay vì những câu chữ hình ảnh ấy được đặt đúng chỗ, đắc địa chứ không phải vì sự cầu kì biến dạng câu chữ. Thơ là thế. Có cần đâu dài dòng, vân vi dãi bày nọ kia. Chỉ một vài từ, một vài hình ảnh thế thôi cũng đủ lấy đi nước mắt bao người.

Thanh Hoàng yêu hội họa. Trong thơ anh cũng vẫn là một họa sỹ. Dùng câu chữ làm cọ, kỉ niệm làm màu. Và như một họa sỹ ngồi trước khung toan trắng nhưng hẹp, anh luôn phải ý thức tiết kiệm. Tiết kiệm màu đã đành. Phải tiết kiệm cả không gian bày biện. Anh không thể vung bút theo cảm xúc mà chỉ có thể ở mỗi chủ đề, mỗi dòng nhớ chọn ra những chi tiết hình tượng ý nghĩa, đặc trưng nhất, đắt nhất. Trong ta lắng vết bùn/ Trâu lăn sình vũng cạn/ Tiếng ruồi ve mê sảng/ Bay vù trong giấc mơ. Kỉ niệm của gã trai quê cùng tuổi yêu đầu non dại được vẽ nên bằng những hình ảnh quê kiểng. Tiếng ruồi ve, đám mây tụ bởi đám bù mắt vần vũ, mùi bùn tanh cùng lằn roi đuôi trâu quất chéo mặt... tất cả lặn vào giác mơ mê sảng.

Tháng Tư miền Trung riêng một mặt trời/ Suốt hai mươi bốn giờ đứng bóng...

Tất cả những khô khát bỏng cháy đặc thù của miền trung khô cằn bởi nắng lửa được gói gọn vào hai câu thơ vừa ảo vừa thật. Nó ảo như câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Áo em trắng quá nhìn không ra/ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh...”. Và nó thật như đất cằn dưới chân. Như đá đang tự vỡ trong gió lào khô cháy. Như giọt mồ hôi người chưa kịp rơi xuống đã bốc hơi trên mặt người đen sạm. Cái bóng luôn như bị vo tròn, phải tự lẩn trốn dưới chân người. Rất riêng. Không thể trộn lẫn.

Gặp lại mình lẫn trong rêu thẵm/ Khẳng khiu cành từ vết nứt vươn ra. Không còn là bức tường vô tri vô giác nữa. Bức tường gạch đã là một kho chứa kỉ niệm, là bức tranh về nơi anh đã từng được cưu mang. Cái xóm đứng trưa mặt trời mới ló vừa là một phát hiện vừa có sự ẩn tầng trong ý nghĩa của câu chữ. Ta hình dung ra một xóm nghèo chật chội, nhà nọ đan xen nhà kia nên chỉ đứng trưa khi mặt trời ngự đỉnh đầu ánh sáng mới có thể chiếu xuống được. Nếu chỉ là để tả về cái chật chội, chen chúc thì câu thơ như vậy đã đủ được coi là hay nhờ sự tinh nhạy trong phát hiện sự việc. Nhưng câu kết Nên láng giềng biết thắp sáng cho nhau. Lại là một lí giải cho những yêu thương đầy tình nghĩa láng giềng. Và chính ở nơi tăm tối ẩm thấp này tình người lại được soi rọi rõ nhất bằng những hành động “Tự thắp sáng cho nhau”, tự sưởi ấm cho nhau. Thật dung dị nhưng là đôi cánh nâng bổng câu thơ lên và cho câu thơ một ý nghĩa vừa mang tính phát hiện vừa triết lí. Đồng thời cũng là một lí giải cho sự ích kỉ, quay lưng với nhau kiểu đèn nhà ai nấy rạng thường thấy ở những nơi dư thừa ánh sáng, dư thừa của cải vật chất, dư thừa không khí mà cái ngột ngạt, cô lạnh vẫn ngự trị?!

Và khi biên độ thơ không còn bó hẹp trong chủ đề gia đình, mở ra tới cả kiếp nhân sinh thì cũng vẫn là ý thức chọn lọc. “Tượng đài của chị” như một câu chuyện kể. Đọc một lần rồi nhắm mắt không dám đọc lại. Có gì đó thật trong sáng mà quặn thắt. Có gì đó uất nghẹn mà rồi lại đành cười. Đồng đội điểm danh, vẫn nghe tiếng đáp “có tôi” mà sờ không thấy người. Bởi sau trận đánh, người thương binh còn sống sót nhưng Chân tay lạc mất rừng sâu/ Thân còn như dấu chấm câu giữa đời. Rồi hòa bình về gặp lại người yêu xưa... Giữ lời hẹn trước, họ vẫn thành đôi lứa nhưng không thể hưởng mật ngọt của hạnh phúc. Và ƯỚC: Giá như ngày ấy giữa rừng/ Điểm tên sau trận, anh đừng “có tôi”/ Mối đùn thành nấm mồ côi/ Thì em không phải lẻ - loi - bên - chồng... Có lẽ đây là lời ước thật nhất, mà vô lí nhất, đau nhất. Nó như không còn là tiếng của người mà là tiếng của bom rơi đạn nổ và chết chóc... Bức tranh thời hậu chiến hiện lên với gam màu chủ đạo: trầm cùng những nét vẽ đứt đoạn, rời rạc như từng nhát cuốc mòn bổ vào đất sỏi làm dậy lên những âm thanh nhiều khi nghe đến quặn thắt. Và như Tiếng Lục lạc của người cha bị chất độc da cam mua về đón con vang trong sân bệnh viện Phụ sản trong truyện Nguyễn Quang Lập. Người cha không biết đứa con của mình chỉ mới là một hài nhi dị tật. Thanh Hoàng quả đã chạm đến tận cùng nỗi đau của chiến tranh. Cái chết nhiều khi không đáng sợ bằng cái sống.

Chăm anh, em bế em bồng/ Đừng em/ Anh có làm chồng được đâu... Người thương binh mất cả tay chân được vợ bồng bế lên ngực như một tượng đài: Vợ vô tư, cứ hay đùa/ Bồng anh trước ngực, đâu thua tượng đài... Không, một ngàn lần hơn những tượng đài. Đất nước có tới hàng ngàn bức tượng mẹ bồng con. Nhưng có mấy bức tượng người thiếu phụ bồng chồng? Và có lẽ chỉ những người lính khi trở về phải lê thân kiếm ăn nơi xó chợ, phải vót đũa bán giữa một cái làng thiếu ăn mới có thể đùa được như vậy!!!

Có vẻ Thanh Hoàng rất mạnh ở chủ đề này. Điều đáng chú ý, thơ của Thanh Hoàng cũng như tranh của anh luôn có một gam chủ đạo là gam trầm. Nét cọ đưa có lúc khỏe mạnh, thanh thoát nhưng cũng không ít khi dùng dằng. Cứ như ngồi chấm cọ lên toan rồi ngập ngừng di, ngập ngừng đưa đẩy không biết tới sẽ là đâu. Rồi lặng giữa cô độc để mặc cho những giọt màu tự rịn, tự chảy xuôi. Như nước mắt. Như mồ hôi. Nhưng chính có lẽ từ những chảy xuôi ấy mà bức tranh lại nói được nhiều hơn.

Bằng sự dấn thân cùng kinh nghiệm, sự từng trải, Thanh Hoàng luôn giữ cho mình sự bình tĩnh cần thiết. Anh soi vào mỗi phận người, mỗi góc đời tăm tối. Tìm lấy sự đồng cảm và sẻ chia. Không thương vay khóc mướn. Không ban phát ân tình. Anh nhập hồn vào từng số phận và trong tâm thức của một người trong cuộc anh đã tìm ra những hình ảnh, câu chữ, những chi tiết sống động đặc trưng nhất, đắt nhất. Cũng không bi lụy, không tuyệt vọng. Lấp lánh trong những trang thơ buồn của Thanh Hoàng vẫn có chỗ cho cái đẹp, cho lòng tin và tình yêu trú ngụ. Nó như một ngọn lửa trong đêm đông giá, có thể nhỏ nhoi, có thể lúc nào đó leo lắt nhưng không tắt. Đây là một phẩm chất cần thiết và rất đáng quý đối với một người cầm bút chân chính.

“Lòng như rêu bám mộ bia...” Cũng như một đời người, không ảo tưởng, không kì vọng quá nhiều. Một đời thơ cũng vậy: Cả đời người gom lửa/ Được chút khói loang chiều. Thế thôi. Và có lẽ cũng chỉ cần được như thế. Được như thế cũng là đủ. Người giúp nhau thả thơ lên trời/ Ta lặng lẽ gieo từng vần vào đất/mực chiết riêng lòng nên thơ ta khác/ chỉ tươi xanh bên chỗ đợi ta về. Có thể coi đây là quan điểm về thơ của Thanh Hoàng. Nó làm luôn một định hướng cho hành động. Bám vào đất mẹ mà làm thơ. Lặng lẽ chiết gieo từng giọt thơ vào đất mẹ. Và khi đó Thơ trở nên tươi xanh bởi ủ mầm hy vọng.

Sài Gòn, 27 tháng 7

K.S

Bài viết liên quan

Xem thêm
6 gương mặt nữ sĩ trong nền văn học đương đại ở ‘Những người gánh sông trăng’
Nhân đọc tập Thơ – Ký chân dung Những người gánh sông trăng, Nxb Hội Nhà văn, 2024
Xem thêm
Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người …
Bài viết Nhật Quỳnh và những cơn mưa mang mặt người của nhà thơ Xuân Trường qua giọng đọc của Kim Ngọc.
Xem thêm
Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ
“Chỉ đâu mà buộc ngang trời/ Thuốc đâu mà chữa con người lẳng lơ” (Ca dao)
Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm
“Dòng sông thơ ấu” như là dòng chảy cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Tham luận đọc tại Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp”
Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm