TIN TỨC
  • Truyện
  • Loang lổ những mảng màu | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trần Thanh Trúc

Loang lổ những mảng màu | Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Trần Thanh Trúc

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
623 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Đường quê lởm chởm đá. Ổ gà, ổ chó, thi thoảng có cả ổ voi, lúc nhúc mọc lên bất quy tắc: ở rìa lề, tại lòng giữa, bên mạn trái, xéo cánh phải. Hai bên lối nhỏ là dãy hàng rào xương rồng nhọn hoắt, nom cực dữ tợn.

Bà Yến ngồi bên ghế phụ, sau đôi ba cái xóc nảy, khẽ nhíu mày:

- Đã nói rồi, đi chơi thôi, ghé về làm gì cho phiền người ta!

Môi bà mím thành đường thẳng. Giọng nói lọt từ kẽ răng nghiến chặt nghe chan chát như âm thanh từ cái đài cát sét bị rỉ sắt lâu năm.

Bà Yến là dâu trưởng của tộc Nguyễn Quang. Trừ 3 ngày đầu mới cưới cùng đám tang bà cụ, thì ngót nghét gần 30 năm bà chưa về quê chồng thêm lần nào, dù hai bên chỉ cách nhau vỏn vẹn có 15 cây số. Bà bỏ ngoài tai những lời chê trách của họ hàng, và cả ánh mắt buồn thẳm của chồng. Bà sống như thế từ ngày còn son trẻ, tới lúc chồng đã thành nắm cát mịn, cũng chẳng đổi khác chút nào.

Nay thằng Biền mới tậu xe con, lại trúng đợt Tết âm lịch, bà liền bảo nó chở đi chơi xa, ai biết chở thế nào nó lại vòng ra tận quê nội. Bà tỏ vẻ bực bội khó tả, xuống không được mà ngồi cũng chẳng xong.

Cô Út Tâm đảo mắt, ngó bộ dáng của mẹ mình, khẽ nhếch miệng nói nhỏ:

- Sợ phiền người ta, mà “người ta” là ai thì còn chưa biết!

Chị Ba Hiếu đánh thót một cái, vội nhéo mạnh lên bắp tay trái của em mình, gắt giọng:

- Nói gì đấy hả? Sợ thiên hạ chưa đủ loạn có phải không?

Tâm chậc lưỡi, nghiêng đầu ra ngoài cửa sổ. Những dải xanh của biển cứ vùn vụt lướt qua. Có lẽ trong mắt Tâm, cuộc đời chỉ là những mảng màu đơn sắc thuần túy như vậy, nào có dung được chút xíu gì pha tạp như lòng người.  

                                          *

- Nhớ chỗ này chứ Út?

Anh Hai Biền đánh vô-lăng sang lối nhỏ bên trái, cạnh đìa tôm. Xe xục xịch chạy vào con đường cát biển trắng phau.

- Nhớ chứ. Này là ngõ vào nhà cô Ba nè!

Nhìn mấy vòng quay đang sục oxi cứ ùng ục chạy, cô thoáng thất thần. Dường như thời gian chả để lại chút dấu ấn nào trên mảnh đất này. Mấy mươi năm trời đi qua chỉ như cái chớp mắt thật khẽ. Có điều, cảnh thì còn, nhưng người lại mất lâu lắm rồi.

- Giờ về nhà nội hả anh? - Tâm chợt hỏi.

- Về nhà từ đường thôi - Anh Biền đáp lời - Nhà nội, giờ chắc không tiện…

Giờ nhà nội để lại cho chú Mười. Lúc nội vừa mất, chính chú bắt anh Biền kí vào giấy cam kết không tranh giành đất đai, vì sợ cháu trai đích tôn sau này lớn lên sẽ giở quẻ. Lúc ấy anh Biền mới chỉ học lớp 11, đầu đội khăn tang trắng cót. Tờ giấy viết tay đã phân rạch ròi ngôi nhà, cũng chia cách luôn tình ruột rà máu mủ.

Xe lại im lặng chạy qua những đoạn đường xấu xập xình như cũ. Tâm tư mỗi người lại quấn chặt trong những nỗi niềm riêng khó diễn tả thành lời.

                                                                     *

Tiếng chó sủa inh ỏi. Làng quê yên ả chợt xôn xao khi thấy chiếc xe hơi đậu ngoài ngõ. Không phải ở đây chưa từng thấy loại phương tiện đó, chỉ là cái xe đen sì, to đùng đoàng chắn ngang lối nhỏ khó mà làm người ta không để ý được.

- Ơ, chị Út?

Tâm ngớ người nhìn về phía khóm tre. Thình thịch mấy chục bước chân, cô gái đó đã chạy ào tới, liến thoắng:

- Đúng chị rồi! Lâu quá mới thấy. Chị về chơi hay có chuyện gì không? Đã vô thắp cho ông bà cây nhang chưa thế? - Đoạn quay sang nói với thằng nhỏ trên tay trái - Con em nè. Chào dì đi con.

Tâm nheo mắt nhìn kĩ cô gái đang bế đứa bé trai tầm 2 tuổi. Đây là…

- Hoa đó hả em? Con đã lớn thế rồi á. Ừm… Chị về thăm quê thôi.

Hoa là con gái của chú Mười. Vì xích mích trước kia, thành ra hai nhà cũng ít lui tới. Chẳng ngờ mới 20 mà cô bé đã có con gần 2 tuổi...

- Vậy vô trong ngồi uống miếng nước. Ba em cũng ở nhà đó.

- À, cái này…

Tâm chần chừ, thoáng ngoái ra phía sau.

- Để bọn anh qua nhà từ đường thắp cho ông bà nén nhang trước đã.  - Anh Biền nói vọng lại.

- Vậy để em chạy ù về lo cơm nước. Cũng trưa rồi. Mọi người nhớ phải ghé đấy!

Bà Yến nhúc nhích miệng toan từ chối. Mặt bà nặng trịch như thể ai đó nợ bà cả chục tỷ. Anh Biền khẽ níu tay mẹ mình, giật nhẹ.

*

Nhà từ đường họ Nguyễn Quang nằm trên khu đất gần đìa tôm, xung quanh toàn là cát biển trắng mịn. Nơi này được ba của Tâm, lúc còn sống, đi vận động từng hộ trong dòng họ quyên góp tài chính để xây. Ròng rã mấy năm trời mới tạm gọi là hoàn thiện. Ấy vậy mà sau đó, ông lại bị ruồng rẫy khỏi chính nơi mình đặt hết tâm huyết này.

Tâm ngồi trên chiếc giường nhỏ đặt ngoài mái hiên, nhìn vào bên trong nơi có dãy bàn thờ đang nghi ngút khói. Bà Yến lầm rầm khấn vái đã hơn 20 phút. Chả hiểu bà lại xin xỏ điều gì mà vào lâu đến vậy.

- Tâm ơi! - Chị Hiếu lững thững bước ra, ngồi thụp xuống - Chị nghe nói… cái giường này lúc trước, ba thường ngủ mỗi lần tàu cá vào bờ đấy.

Tâm đáp nhỏ, giọng chùng lại:

- Vâng, em cũng nghe anh Biền bảo thế. Thời ấy nhà mình còn khổ quá. Lúc bé em chẳng hiểu tại sao nhà nội ở sát bên cạnh mà ba không về đó ngủ cho ấm. Lớn lên, biết tình người nóng lạnh, mới hiểu được đôi phần. Kể ra, nơi này mà lại bình yên hơn nhỉ.

- Cũng có khi... Nhưng bình yên hơn nhà nội thôi, chứ cũng không đứng gió đâu em.

- Chị biết chuyện gì à?

- Ừ! - Chị Hiếu hồi tưởng - Ngày trước, chú Hai Nghiệp, quản lý nhà từ đường, thường khóa cửa chỗ này không cho ba vào. Chú ta nói, ở đây, bật đèn tốn điện, đi vệ sinh tốn nước. Nhưng sau, có lần ba từng vừa khóc, vừa kể với chị: tháng nào trăng vô ba cũng nộp tiền điện nước cho chú đủ hết.

Giây lát, tâm tình cả hai chợt phức tạp, vừa phẫn nộ, vừa xót xa, và cả tự trách bản thân nữa.

Đưa tay sờ vạt chiếu đã bung đôi chỗ, Tâm cảm giác như thể hơi ấm của ba còn đọng lại trên đầu ngón tay. Cô mường tượng ra dáng vẻ gầy còm nằm nghiêng nghiêng, đầu áp lên bàn tay bị nước biển ăn mòn bong tróc, lòng khẽ nhíu chặt.

Tâm lắc đầu thở dài. Cô biết ở đời chẳng ai có nghĩa vụ phải đối tốt với ai cả. Cô không thể, và cũng chẳng có tư cách gì để trách họ.

*

Rời nhà từ đường thì trời đã đứng bóng. Cả nhà Tâm ghé qua chỗ chú Mười, ngồi trên phản gỗ, bên cạnh là hộp mứt dừa, đôi ba cái bánh quy cùng ly trà móc câu nóng hổi.

Chú Mười châm điếu thuốc ba số, nhả khói phì phèo. Liếc bà Yến đang lụi cụi che mũi, chú dụi nó vào gạt tàn, rồi mò tay vào túi quần rút ra hai tờ polymer nhàu nhĩ:

- Cầm lấy - Chú ta ném thẳng vào tay bà Yến.

Bà Yến thoáng ngỡ ngàng:

- Đây là sao?

Chú Mười khịt mũi:

- Tui đưa chị 1 triệu coi như tiền đi xe. Để mai mốt chị còn biết đường về thắp cho ông bà nhà chồng nén nhang ngày Tết, giỗ chạp. Lần sau mà chị còn nói khó khăn chưa có tiền về là không được với tui đâu!

Nói xong chú còn khẽ hừ một tiếng.  

Không khí vốn đã lúng túng nay vì thế càng thêm xấu hổ. Anh Biền giả bộ ho khan vài tiếng, nhìn mặt mẹ mình đã trướng đỏ như màu gan heo, đành đứng ra hòa giải:

- Nay chú lì xì cho mẹ con đậm thế - Vừa nói vừa lấy trong túi ra hai cái bao lì xì đỏ đã chuẩn bị sẵn lúc ở nhà từ đường - Đây, con gửi chú ít lộc lá đầu năm để buôn may bán đắt. Bé Hoa đâu, lên đây anh mừng tuổi cho thằng cu nào. Gớm, nhìn mặt núng nính sú sữa chưa kìa!

- Đúng rồi. Thằng cu thấy ghét quá! Lên đây bà mừng tuổi nhá.

Bà Yến cũng hùa vào với anh Biền. Con trai mình đã xây cho bà cái bậc thang, cớ gì bà lại không vịn vào đó mà leo xuống. Nặng nhẹ thế nào bà vẫn còn hiểu được.

Tâm nín cười nhìn anh Biền, tay lén giơ lên ngón cái. Dân kinh doanh, dù trong bụng có nghĩ thế nào thì ngoài mặt vẫn hòa nhã. Sợ thật. Đừng tưởng là cô không biết anh Biền thực tế chẳng thích gì nhà chú Mười, và cả mẹ mình nữa.

Chú Mười liếc ngang, chẳng thèm ừ hử. Húp một ngụm trà nóng, sau giây lát trầm ngâm, chú nói tiếp, giọng có vẻ bùi ngùi hơn:

- Còn nhớ chú Hai Nghiệp của bây không? Lát qua thăm ổng đi, chắc Tết sau không còn gặp được nữa đâu.

Anh Biền ngờ ngợ:

- Chú Hai Nghiệp bị gì hả chú Mười?

- Ổng chẩn đoán ra ung thư giai đoạn cuối. Cả nhà họ sợ ổng buồn, vẫn giấu. Ổng chưa biết gì đâu. Có qua thì đừng nói hớ.

Dứt lời chú Mười liền thở dài thườn thượt.

Tâm nhìn sang chị Hiếu, thấy chị cũng đang ngỡ ngàng. Mới lúc nãy thôi hai chị em còn thổn thức trong câu chuyện có chú Hai Nghiệp góp mặt. Giờ này đột ngột nghe tin con người mà mình từng không thích vì chuyện của ba, nay sắp phải lìa xa cõi tạm mà về cõi hư vô, thú thật, hai chị em chẳng biết phải ứng xử sao cho đặng. Bối rối quá…

*

Chiều ngả bóng về tây. Mấy anh em đi bộ về phía cuối bãi ngang. Gió hiu hắt từng cơn, lòng tự nhiên trống trải.

- Ơ, là con của anh Bốn đó phải không?

Người phụ nữ đen gầy với đôi mắt buồn đùng đục, đứng cạnh hàng rào thép gai cạnh đìa tôm, hỏi khẽ.

Anh Biền rảo bước nhanh tới, đứng trước cổng dây leo, cười niềm nở nói to:

- Chào thím Hai! Có ai xông đất nhà thím chưa thế? Con chưa dám bước vô chút nào đâu nhé!

- Thằng quỷ. Nghe nói bữa nay anh làm giám đốc công ty lớn ở thành phố. Tui mong anh xông đất còn chưa kịp nữa là. Toàn chọc phá tui!

Mọi người phối hợp cười vang. Chú Hai Nghiệp nghe ồn ào cũng ló đầu ra ngó thử, giọng hơi khàn đặc:

- Đứa nào đấy bây? Vô nhà ngồi chơi, đứng ngoài cửa chi cho nắng non thế!

- Đấy, ổng kêu kìa, tụi con vô đi. Bày đặt ngại ngùng cái chi không biết.

Anh Biền gật đầu vâng dạ. Lom khom cúi xuống, vừa tháo giày, anh vừa tò mò hỏi:

- Chậu vạn thọ này đẹp ghê ấy thím. Đây là mua hay nhà trồng vậy ạ?

Thím Hai khẽ bùi ngùi, cười gượng gạo:

- Mua đó con. Năm nay chú Hai của bây không có thời gian chăm bón.

Gương mặt người đàn bà miền biển vốn đen sạm vì nắng gió, nay càng có vẻ già hơn tuổi bởi những khắc khổ hằn sâu trên từng nếp nhăn tại khóe mắt.

Trong nhà, tiếng chú Hai Nghiệp lại dồn dập:

- Vô đây, vô đây. Vô ăn con mực lá này thử. Chắc lâu lắm chưa nếm lại mùi biển quê mình đúng không?

- Dạ, nên hôm nay bọn con kéo tới ăn ké một bữa nè.

- Được, được. Để tao biểu thím bây đi nướng thêm mấy con. Ăn bao nhiêu cũng có.

Tâm với chị Hiếu lúng túng bước vào sau anh Biền. Nhìn ngôi nhà cấp 4 theo lối kiến trúc cũ nằm xéo với đường đi, trên tường chính giữa khắc thời gian xây dựng cùng với mấy mảng đá sỏi lởm chởm, làm bọn họ như sống lại những năm chín mấy. Cảm giác chẳng khác nào được xuyên thời gian về tuổi thơ nghỉ hè ở quê nội, có nắng, có biển, có cơ mang kí ức hồn nhiên.

Tâm kéo chiếc ghế đẩu gỗ ngồi gần cửa ra vào. Anh Biền thì ngồi cạnh chú Hai Nghiệp. Nom chú chẳng có gì giống bệnh tật cả. Chú vẫn đi chúc Tết, uống rượu nho tự ủ, nhấm mấy miếng mực một nắng thơm giòn, rồi thủ thỉ hỏi han tình hình hiện tại của từng đứa.

- Bé Út Tết nay có dẫn ai về không con?

Chú Hai Nghiệp đột ngột hỏi.

Tâm đờ người giây lát, rồi khẽ kéo cong khóe miệng, tếu táo:

- Ui, về mình con chứ tiền đâu mua vé cho ai khác nữa chú.

- Hừm, bây cứ giỡn. Tao hỏi thật, có thì nói cho chú mừng. Không còn ba thì có chú lo thay, đừng có sợ…

Tâm cười gượng, cụp nhẹ mi mắt. Cô vừa nói “Không ạ” vừa hướng mặt ra ngoài cửa, nơi có chậu vạn thọ màu cam xinh xắn. Tâm chẳng dám nhìn thẳng vào chú Hai Nghiệp.

Anh Hai Biền lại lần nữa pha trò:

- Ha ha, chú ơi, để con tích cóp đủ tiền đã. Nó xấu thế này, dễ con phải bù tiền cưới mới có người dám rước nó ấy.

- Thằng này. Ai lại nói em mình như vậy bao giờ! - Chú Hai Nghiệp khẽ trách - À, bà nó ơi, đi nướng thêm mực cho bọn nhỏ ăn.

Tâm khẽ ngăn:

- Ôi đừng phiền thím, Tết nhất ngồi nói chuyện là vui rồi ạ. Nhiêu mực này đủ ăn, không cần nướng thêm đâu chú.

Chị Hiếu cũng trêu:

- Đúng đấy chú. Tết là phải để thím ăn mặc xinh đẹp sạch sẽ đi chơi, ai đời lại để vợ mình lụi cúi nhóm lửa than bao giờ!

Cả phòng cười vang.

Thím Hai lom khom lấy mấy lon nước ngọt đặt lên bàn, rồi lén kéo vạt áo chùi nhẹ khóe mắt. Hình ảnh đó làm lòng Tâm chợt trào ra thứ cảm xúc khó tả… Chắc hẳn thời gian qua với thím cũng khó khăn chẳng kém gì chú Nghiệp.

- À, mẹ bây có về không? - Chú Hai chợt hỏi nhỏ.

Anh Biền gãi đầu ngượng nghịu:

- Dạ có, mẹ con cũng muốn sang thăm chú. Nhưng vì đau chân, đi bộ không nổi, nên ngồi tạm ở nhà chú Mười, cắt cử bọn con đại diện tới chúc Tết chú nè.

Tâm gượng cười, mặt khẽ nóng vì… xấu hổ. Dù không phải lần đầu thay mẹ lấy cớ, nhưng cô vẫn chưa thể tự nhiên như anh Biền được. Nếu mà chú Hai Nghiệp biết mẹ cô vì sợ tiếp xúc với người bệnh ung thư giai đoạn cuối mà nằng nặc không sang, thì...

Tất cả hóa thành tiếng thở dài khe khẽ. Tiếng thở nhẹ hẫng, trôi vào gió, như muốn cuốn theo những phiền muộn hơn thua của quá khứ cho tan biến hết.

*

Chiều muộn. Tiếng chó sủa dần vang từ mấy đìa tôm. Họ bước trên đoạn đường đất biển lún sâu, đạp trên bóng nhau trở về lối cũ. Anh Hai Biền đi trước, tay cầm di động để bàn bạc một dự án nào đó sắp khởi công sau Tết. Tâm nắm tay chị Hiếu, bàn tay cô đẫm ướt, rin rít mồ hôi. Từ nhà chú Hai Nghiệp về, tim cô cứ níu chặt, khó tả.

- Có lẽ chúng ta vừa có thêm một bài học cho sự trưởng thành - Chị Hiếu chợt nói.

Tâm nhìn sang, thấy mặt chị khẽ khuất trong bóng chiều vàng vọt.

- Ý chị là chuyện chú Hai Nghiệp?

- Là của tất cả những ai em gặp được, và tất cả những điều em cảm nhận ra trong hôm nay.

- Em chưa rõ lắm?

Chị Hiếu khẽ cười. Một tiếng cười trầm buồn, khó hiểu:

- Trước kia, chúng ta ghét chú Mười, nhưng thực ra chú không hẳn là quá xấu xa như mình tưởng. Có lẽ lúc ấy chú giận mẹ mình nên làm lẫy lên, có thể vì tính chú bộc trực không lựa lời mà nói, cũng có khi… chỉ đơn giản vì đợt đó chú khổ quá rồi. Nếu phải chọn giữa con của chú và bọn mình, dĩ nhiên chú sẽ làm hết mọi cách để giành được mái nhà cho sắp nhỏ tá túc.

- Chú Hai Nghiệp cũng thế sao chị? Nhưng em thấy thái độ hôm nay và ngày trước của chú khác nhau quá!

Chị Hiếu thoáng ngập ngừng:

- Cái này có thể vì đồng tiền đã đè cái nghèo lên mọi suy nghĩ của chú lúc ấy. Giữa bản thân và lòng tốt với ai đó không quá thân thuộc, chú lựa chọn ích kỷ, dù rằng điều đó đã vô tình làm tổn thương tới ba. Giờ, khi mọi thứ đã bớt khốn khó, khi đầu óc đã chẳng còn luẩn quẩn đè nặng áo cơm, chú mới có sức để nghĩ cho người khác.

Tâm vò đầu. Miệng cứ đóng mở, như đang cố lựa lời - những lời không quá chói tai để nói lên suy nghĩ về hiện thực khắc nghiệt.

- Chị Hiếu ơi! Em biết mình nói điều này có vẻ hơi tàn nhẫn, nhưng cũng có thể khi con người già yếu, bệnh tật, họ chợt nhận ra những hơn thua được mất rồi sẽ theo cát bụi, chẳng thể mang đi. Họ, có lẽ, chợt muốn sống thiện lành, bù đắp cho những lỗi lầm ngày trước, cho quá khứ, hiện tại và cả kiếp sau.

Chị Hiếu giật mình nhìn Tâm, giây lát, cô thở dài:

- Cũng có khi là vậy. Cuộc đời này, lúc trước chị chỉ nghĩ đơn giản, đúng hoặc sai, đen hay trắng. Nào biết thì ra chẳng có gì là tuyệt đối. Trong những mảng màu, còn có sự pha trộn, là màu xám, màu chàm.

Cả hai chìm vào im lặng.

Tâm nhìn về phía đìa tôm nơi có vòng quay đang kêu ùng ục, chợt nghĩ về những con người cả đời mải miết chạy theo bánh xe số phận. Cô nhớ tới chú Mười, người rạch ròi chia đất cát nhưng sẵn sàng đưa mẹ mình 1 triệu tiền đi xe, dù có thể chỉ vì giận dỗi. Cô nhớ tới chú Hai Nghiệp, người từng vì mấy đồng tiền điện nước mà khóa cửa nhà từ đường, nay lại bị ung thư, cứ cố nài nỉ bọn cô ăn thêm miếng mực nướng đắt đỏ. Khi cô phán xét người khác, có khi họ cũng đang không vừa lòng với gia đình cô. Lúc cô trách họ sống ích kỷ, có thể họ cũng đang chê bai lối sống cá nhân của bà Yến khi bỏ mặc trách nhiệm với tổ tiên, dòng họ nhà chồng.

Ghét rồi hiểu, hiểu rồi lại thương. Khi biết nghĩ vấn đề ở nhiều chiều thì tầm mắt sẽ rộng mở hơn trước. Có lẽ đời này chẳng ai là xấu hoàn toàn hay tốt hoàn hảo. Ở mỗi góc nhìn khác nhau sẽ có cách nhận định không giống nhau.

Nghĩ vậy Tâm chợt bật cười. Những chấp niệm dằn vặt cô từ nhỏ, trong khoảnh khắc, đều bay theo cát biển xoay tròn trên ghềnh đá của miền quê gió mặn…

Tan biến vào hư không.

N.T.T.Tr

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm