- Lý luận - Phê bình
- Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh
Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ 27-7:
Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao ngời con đã ngã xuống cho Độc lập- Tự do của dân tộc mà nay vẫn còn nằm lại với cỏ cây rừng già nơi chiến trường xưa dãi dầu mưa nắng. Hình như có một nhịp cầu linh cảm khi tôi đọc những bài thơ về đề tài này. Và tôi muốn mượn bài thơ “Gió đất” của cố nhà thơ quân đội Lê Đình Cánh làm một nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Nhà văn Lê Xuân
GIÓ ĐẤT
Lê Đình Cánh
Người còn tên. Người mất tên…
Giãi dầu mưa nắng nằm bên giãi dầu
Gió sương cỏ dại phai màu
Nấm mồ liệt sĩ như nhau nấm mồ…
Vợ nghèo nước mắt chưa khô
Nẻo đường rơm rạ tìm vô thăm chồng
Quê nhà mấy bận bão, giông
Vỡ đê nước ngập trắng đồng lúa xanh
Mãi lo cơm đủ áo lành
Còn đâu lúc rỗi để thành Vọng Phu.
Khói hương như thể mây mù
Trắng trời lớp lớp lau gù đội tang
Xạc xào gió lá nguỵ trang
Gió từ cõi đất gió sang cõi người !
(Tạp chí VNQĐ số T6 - 1998)
Nhà thơ Lê Đình Cánh
Lời bình của Lê Xuân :
LỜI ĐỒNG VỌNG GIỮA HAI CÕI TÂM LINH
Người ta thường nói nhiều tới gió núi, gió biển, gió mùa, gió heo may, gió Lào, gió chướng… còn Lê Đình Cánh, nhà thơ đã một thời khoác áo lính đã có lời đồng vọng gửi qua Gió đất làm bức thông điệp giữa hai cõi tâm linh.
Nhân vật trữ tình của bài thơ là người vợ quê nghèo đang lặng đi như một Vọng Phu trước nấm mồ của chồng giữa muôn vàn nấm mồ trong nghĩa trang liệt sĩ. Câu mở đầu như một tiếng nấc nghẹn:
Người còn tên. Người mất tên…
Dấu chấm giữa câu lục, chia câu thơ ra làm hai vế như một dấu lặng đen trong bản nhạc làm người đọc lịm đi, cùng với dấu chấm lửng cuối câu, tạo cảm giác của một tiếng thở dài. Chị đang lẩm nhẩm và thầm khấn với cõi hư vô, và chị đã gặp lại người chồng qua thần giao cách cảm của sự đồng điệu giữa hai cõi âm dương để giãi bày tâm sự như ngày nào bên nhau.
Nhưng sự thật phũ phàng, anh đã nằm đó giữa bao đồng đội chưa biết tên:
Giãi dầu mưa nắng nằm bên giãi dầu?
Gió sương cỏ dại phai màu
Nấm mồ liệt sĩ như nhau nấm mồ.
Lối kết cấu thủ vĩ tương đồng (đầu, cuối giống nhau) của câu hai Giãi dầu mưa nắng nằm bên giãi dầu? và Nấm mồ liệt sĩ như nhau nấm mồ vẽ nên một không gian đa chiều. Người vợ khóc chồng và cũng khóc cho bao liệt sĩ khác. Chị quay mặt về bốn phương tám hướng ở đâu cũng chỉ thấy giãi dầu, ở đâu cũng chỉ thấy những nấm mồ như nhau.
Người chồng như cảm nhận và thấu hiểu nỗi lòng người vợ:
Vợ nghèo nước mắt chưa khô
Nẻo đường rơm rạ tìm vô thăm chồng.
Vợ anh nghèo đấy nhưng không nghèo nước mắt. Không biết bao giờ nước mắt chị mới khô? Chị cũng như bao người vợ khác ở những miền quê nghèo Bắc Bộ Nẻo đường rơm rạ tìm vô thăm chồng ở một nghĩa trang nào đó ở miền Trung hay miền Nam… nơi chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Ý thơ đối nhau rất kín, phải giải mã hai lần mới bắt được tín hiệu: người vợ tuy nghèo về vật chất nhưng rất giàu về tình nghĩa. Nước mắt khóc chồng ngày đêm đẫm ướt. Nhà thơ đã hoá thân vào vai người chồng và người vợ nên mới viết được câu thơ mang ý tình ý nặng sâu như thế! Anh hiện về như đang lắng nghe lời vợ kể:
Quê nhà mấy bận bão giông
Vỡ đê nước ngập trắng đồng lúa xanh
Mãi lo cơm đủ áo lành
Còn đâu lúc rỗi để thành Vọng Phu.
Chị kể chuyện quê nhà nào là bão giông, nào chuyện vỡ đê nước ngập, nào chuyện lo toan cơm đủ áo lành… Và điều quý hơn ở chị, khác với những nàng Vọng Phu xưa là không hoá đá. Công việc và nỗi đau cứ đan chéo vào nhau, chị vẫn lặng lẽ khóc chồng biết bao đêm không ngủ? Chị như đang kể và pha chút hờn rỗi chân thành với anh: Còn đâu lúc rỗi để thành Vọng Phu. Chị vẫn ba đảm đang, vẫn lạc quan đợi ngày anh về. Nhưng mãi mãi anh ở lại với rừng già Trường Sơn hay sông nước Cửu Long ?
Cuộc trò chuyện giữa hai cõi âm dương vụt tắt và ta chỉ thấy khắp trời khói hương nghi ngút, trắng một trời màu tang của ngàn lau xào xạc, những lớp lau rạp xuống theo chiều gió như muôn người đang cúi xuống tưởng niệm các liệt sĩ nơi nghĩa trang:
Khói hương như thể mây mù
Trắng trời lớp lớp lau gù đội đang.
Cách đảo ngữ kết hợp với nhân hoá làm câu thơ mở ra những tầng liên tưởng mới. Giấc mơ hồi tưởng niệm khép lại, cánh cửa của hai cõi tâm linh đã đóng. Lời cầu nguyện của chị như đã thấu trời đất và như có một luồng gió giao cảm đã ứng nghiệm:
Gió từ cõi đất gió sang cõi người.
Cõi đất cõi người. Hai cõi âm dương cách biệt mà vẫn gần gũi, vẫn đồng vọng.
Tục ngữ có câu: Người là hoa của đất và theo Thánh kinh thì: Thân cát bụi lại trở về cát bụi. Đất mẹ bao dung luôn dang rộng vòng tay ôm ấp chở che cho người sống và cả những người đã khuất. Nhà thơ Trương Hữu Thiêm trong bài: Thái bình đã có từ lâu cũng nói về một người vợ tới viếng chồng tại nghĩa trang Trường Sơn, và chị đã ao ước dù chỉ gặp chồng mấy giây trong cõi tâm linh:
Thấy đây mà chẳng gặp đây
Ước gì được thấy mấy giây vợ chồng.
Nhà thơ Lê Đình Cánh đã hiện thực hoá niềm ước ao của người vợ, đã nhờ Gió đất mang thông điệp tới cõi tâm linh. Bài thơ là lời tưởng niệm, là nỗi đau lắng lại, dồn nén trong tim người vợ liệt sĩ, là lời cầu nguyện thành kính dâng lên hương hồn các liệt sĩ đã vì nước quên thân, vì dân phục vụ (Bác Hồ). Bài thơ như một áng văn tế trữ tình mà không lụy. Ý thơ sâu kín ẩn trong những câu lục bát tự nhiên, không cần đến sự cách tân cầu kỳ, chứng tỏ một tài hoa về thơ lục bát đã định hình. Lê Đình Cánh đã tạo được một cuộc trò chuyện thật cảm động của người vợ liệt sĩ với người chồng đã khuất. Đó là lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh./.
LÊ XUÂN