TIN TỨC

Lửa Cát Bi, ngọn trao truyền khí chất Hải Phòng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
467 lượt xem

“Ơi Hải Phòng cửa biển quê hương/ Tổ quốc đang ghi những trang lịch sử/ Của Hải Phòng viết trên sóng bão Thái Bình Dương”. Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn là miền đất tiền tiêu quan trọng, cửa ngõ chiến lược. Bởi kẻ thù thường tiến hành xâm lược Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long – Hà Nội. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là một trong những tuyến đường rút chạy cuối cùng. Hải Phòng là địa phương luôn “đi trước về sau”, có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng như các cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng”.

Ảnh chiến thắng Cát Bi


Ngày ấy, khi Đảng ta ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về lãnh đạo cách mạng nước ta dưới ánh bình minh của cách mạng, một giai cấp xốc tới soi hồn nước, chuyển thế nước và xoay vận nước. Những người cộng sản kiên trung, những người công nhân từ bến cảng, phố thợ Hải Phòng đã dấn thân, hi sinh mạng sống của mình vì lý tưởng thời đại, vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì nụ cười cho muôn kiếp cần lao, cùng cả nước kiến tạo nên một kỷ nguyên độc lập, tự chủ, tự cường. Cách mạng Tháng 8 thành công đã mang lại cho dân tộc ta một cái tết mới đầy tự hào: Tết Độc lập! Sau đó không lâu, để bảo vệ nền độc lập còn non trẻ trước âm mưu tái chiếm của thực dân Pháp, Đảng ta và Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Đáp lời sông núi, hàng vạn thanh niên lên đường vệ quốc. Những ngày tháng đó: “Một Hải Phòng sừng sững lớn lên/ Hải Phòng ghê gớm/ Hải Phòng nảy lửa trong lòng Nhà hát Lớn/ Mười ba quyết tử quân cười hơn hớn/ Còn viên đạn cuối cùng/ Nhà hát rung… Cong véo cầu Ca rông/ Ga An Dương bẹp dí/ Máy rú gầm không khí/ Bom rơi đầy đồng… (trích thơ “Hải Phòng 19-11-1946” của nhà thơ Trần Huyền Trân). Chín năm toàn dân tộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, từ mọi nếp nhà, mọi xóm thôn, những người trai nao nức lên đường giữ nước.


Những người lính ra đi từ những ngôi làng biển bình dị nơi đầu sóng, từ những xóm thợ thân yêu vang tiếng máy, tiếng còi tầm. Trên chiến khu Việt Bắc, những trung đoàn, tiểu đoàn gồm những con em Hải Phòng chiến đấu ngoan cường, đảm lược, được toàn quân yêu thương đặt cho danh hiệu “Bộ đội Hải Kiến”. Nơi quê nhà, các đơn vị vũ trang bí mật, các đội tự vệ, dân quân du kích khiến giặc Pháp kinh hoàng, làm nên truyền thống “Tiên Lãng phá càn”, “Đường 5 anh dũng”, “Đường 10 quật khởi”, “Sở Dầu – Cát Bi rực lửa”…


Ngày ấy, sân bay Cát Bi những năm kháng chiến được giặc Pháp tuyên bố là pháo đài “bất khả xâm phạm” với hệ thống phòng thủ liên hoàn với 78 đồn bốt, pháo phòng không cùng hàng rào thép gai, mìn dày đăc. Nhưng “Những viên đạn của Hải Phòng/ Đã bắn/ Để giữ lấy trời trong”, năm 1954, nhằm chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Hải Phòng – Kiến An phối hợp các đòn tấn công của bộ đội chủ lực, mở rộng chiến tranh du kích. Đêm ngày mùng 7 tháng 3, 32 dũng sĩ do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy đã bất ngờ tập kích, phá hủy 59 máy bay cùng nhiều trang bị, khí tài khác của địch.


Chiến thắng Cát Bi là trận tập kích chiến lớn nhất, tiêu biểu nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Hải Phòng, có sức công phá lớn, làm bàng hoàng cả châu Á. Góp phần phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp, chặt đứt một con đường tiếp viện quan trọng của địch cho chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần cùng toàn quân làm nên chiến thắng “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”. Những chiến sĩ đã làm nên ngọn lửa Cát Bi ấy đã được Bác Hồ tặng danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi”.


Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Hải Phòng lại đi trước về sau, trở thành khu vực tập kết chuyển quân 300 ngày của Pháp. Trong khi các địa phương khác của miền Bắc được hưởng hoà bình, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng – Kiến An lại bước vào một cuộc chiến thầm lặng. Sau 300 ngày đấu tranh không ngừng nghỉ, sáng sớm ngày 13 tháng 5, các cánh quân tiến về giải phóng Hải Phòng. Những chiến sĩ giải phóng quân đi đến đâu, cổng chào, biển người, cờ hoa bừng lên chào đón những người con sau bao xông pha trận mạc về với biển quê hương. Theo dõi sát sao quá trình tiếp quản Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trải qua tủi nhục hơn 80 năm, hôm nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu đã kết quả vẻ vang. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Hải Phòng đã giải phóng hoàn toàn”.


“Con người ở đây ngực kề biển lớn/ Nên ước mơ nào cũng rộng bay xa”. 70 năm sau chiến thắng Cát Bi, khí chất Hải Phòng, ý chí quật cường của người miền biển trong đấu tranh cách mạng vẫn bừng sáng trong giai đoạn hội nhập hôm nay. Hải Phòng như con tàu băng ra biển lớn, mang sức mạnh của một vùng địa linh, nhân kiệt để khẳng định vị thế chiến lược về quốc phòng, an ninh, trung tâm kinh tế biển hiện đại hàng đầu Đông Nam Á với đà tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Thành phố cũng luôn là trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế.
Trong vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng cả nước làm nên kỳ tích trong xây dựng, bảo vệ cơ đồ Việt Nam rạng rỡ, hùng cường.



Phạm Vân Anh

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm