- Truyện
- Lửa chiêu hồn | Truyện ngắn dự thi của Đào Thu Hà
Lửa chiêu hồn | Truyện ngắn dự thi của Đào Thu Hà
Thậm... thịch... thậm... thịch..., tiếng chày gỗ nện vào cối đá vang lên đều đều trong gian phòng mờ tối hòa với tiếng gió xô liếp cửa rin rít tạo thành thứ âm điệu mời gọi những điều kỳ bí từ thinh không. Thi thoảng, tiếng hờ chồng, hờ con từ trong làng vọng ra, thê thiết, xoắn xuýt đớn đau. Bông gòn trắng tinh theo từng nhịp giã quyện với đất sét mang về từ đỉnh núi thiêng thành một khối đặc quánh.
Người pháp sư già cầm khối đất trên tay, nuốt ngược nỗi đau vào lồng ngực, đưa đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn nặn. Này đây da thịt, này đây hình hài, này đây xương cốt. Thân cây dâu tằm cô đơn đặt làm xương. Đất nơi con gà trống được làm phép mổ chọn ở ngã ba đường trộn với trứng gà so làm tim. Tro than đốt từ cây xoan làm gan. Chỉ tơ đặt vào làm ruột và gân. Đôi bàn tay xương xẩu run rẩy theo từng công đoạn. Này đầu, này thân, này chân, tay, này mắt, mũi, này khuôn miệng, mái tóc. Đừng để thừa một mẩu đất nào kẻo phải tội với vong linh xấu số. Này áo vàng bằng giấy khoác lên cho trọn vẹn dáng hình. Khi đêm tàn, ngày mới le lói phía đường chân trời, những hình nhân này sẽ được mang ra biển để làm lễ khai khoang nhập cốt. Đến lúc này, chừng như không thể kìm nén được nữa, từ khóe mắt già nua của người pháp sư, giọt nước mắt lăn theo những đường rãnh nhăn nheo khô ráp rơi xuống khối đất đã được nặn thành một hình hài tròn trịa. Giọt nước mắt ngấm vào thịt da đất sét, chạy dọc theo đường chỉ tơ nối lên lồng ngực, nơi đặt trái tim. Ký ức chắt lọc từ giọt nước mắt mặn sánh truyền sang hình nhân đất sét vô tri, trao cho nó một mảnh ký ức chứa đầy những nhớ nhung, hoài niệm.
Trong những tiếng lầm rầm khấn vái, “tôi” bay lên.
“Tôi” thấy cha - người pháp sư già nặn nên hình hài của mình - đứng tại mép biển, nhìn đăm đắm về phía mênh mông. “Tôi” theo hướng ánh mắt ấy, nương theo gió, theo sóng mà bay đi. Trên đầu, nắng vàng rộm se khô lớp da. Dưới chân, những mảng nước xanh thẫm vô tận kéo dài tới đường chân trời tít tắp. Một hình nộm bị sóng đánh tan hết lớp giấy xanh đỏ bọc ngoài, chỉ còn cốt nan xộc xệch lúc trồi lên, lúc sụt xuống theo từng đợt sóng. “Tôi” nhận ra một mảnh ký ức nữa của mình. Chạm tay vào những mối buộc đã lỏng lẻo, “tôi” lắng nghe dấu vết hình nộm ráng chút sức tàn cuối cùng truyền lại. Một đợt sóng kéo đến. Những mối buộc cuối cùng đứt đoạn, sóng cuốn tan tác những mảnh nan tre mục nát.
Ký ức của hình nộm như sợi dây mỏng mảnh vắt ngang tâm trí của tôi, hòa với ký ức từ giọt nước mắt của cha ngấm trong da thịt, dẫn tôi tìm đốm sáng mà cha giao phó trong lòng biển thăm thẳm vô tận. Một buổi sớm nắng vắt trong như ngọc, 5 chiếc thuyền bằng thân chuối đặt hình nộm ghi tên tuổi giả làm những người lính của hải đội được thả ra biển với mong ước sẽ chịu thay cho họ những bất trắc, hiểm nguy trên hành trình 6 tháng trời lênh đênh gữa trời mây sóng nước. Những hình nộm được sinh ra với sứ mệnh chết trước một lần thay cho đội dân binh. Đoàn ghe xuất phát trong tiếng ốc u trầm hùng át cả tiếng gió, trườn lên từng ngọn sóng bạc đầu giục đội Hùng Binh rẽ sóng thẳng hướng Hoàng Sa. Mỗi hình nộm hóa thành một đám mây ngũ sắc bay trên đầu những người dân binh trên ghe. “Tôi” đứng trên mũi ghe, nhìn lại phía bờ, thấy đám đông đi tiễn chỉ còn là một chấm nhỏ mờ nhạt. Hình dáng của cha, của mẹ và của Mai hòa lẫn vào cái chấm nhỏ nhoi ấy rồi khuất dần giữa mênh mông tít tắp của biển. Cưới nhau chưa đầy tuần trăng, vừa kịp quen hơi bén tiếng đã phải chịu những tháng ngày ngóng chờ đằng đẵng. Nhớ đến đôi bàn tay Mai len lén lau nước mắt lúc chuẩn bị hành trang cho chồng lên đường, “tôi” thấy lòng mình thắt lại. Nỗi xót xa cồn cào, xoắn xuýt trong gan ruột khi thấy Mai cố nở nụ cười để chồng không phải bận lòng. Em bình thản chấp nhận như tất cả những người đàn bà trên đảo, chỉ dành nước mắt trong những ngày một mình trước biển ngóng chờ đoàn ghe chở về chứ nhất định không rơi một giọt nước mắt yếu mềm nào trước mặt người khác. Được sinh ra từ đấy nên những người đàn ông trên đảo, kể từ khi chào đời cũng bình thản mang trong mình sứ mệnh giữ bãi cát vàng phía tiền tiêu đất nước. Một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây cùng những tiếng ốc u sâu hút, trầm hùng đồng hành cùng mình giữa thăm thẳm trời mây. Tiếng ốc u mỗi năm lại dày thêm một chút, trầm buồn và vang xa thêm một chút, chắc tại vì thấm thêm những tiếng hờ chồng, hờ con mỗi năm lại chất chồng, hiu hắt.
Cây tre đã dược dựng ở đầu làng. Mảnh vải trắng bay phần phật trên đầu như bắc cầu gọi những linh hồn vùi thân dưới biển tìm đường mà trở về đất mẹ. Tiếng ốc u ngân vọng như tiếng oan hồn, trộn lẫn vào bài văn tế của thầy pháp. Nhang cháy rần rật, đỏ rực một góc. Gió tạt tàn nhang bay lên cao tít, chạm cả vào mảnh vải trắng trên ngọn tre, bay vào mắt pháp sư già khiến mắt ông cay xè. Hai mươi lăm hình nhân nằm bên bờ biển, trong đó có hình nhân thay thế hình hài của chính con trai ông. Ông tạo ra hình hài xương thịt của con, nuôi con khôn lớn, trở thành đứa con trai làng biển vạm vỡ, dạn dày sóng gió. Rồi lại chính đôi bàn tay ông 20 năm sau run run tạo hình hài thế thân đặt vào mộ gió, chiêu hồn con trở về. Cả cuộc đời của mình, đôi tay ông đã tạo nên biết bao hình nhân, đã đắng đót bao lần khi chứng kiến những nỗi đau mất người thân của người dân trên đảo, đã từng hi vọng mình sẽ chẳng phải nặn bất cứ một hình nhân nào nữa và cũng chẳng cần phải truyền nghề lại cho ai. Vậy mà những năm tháng cuối cùng của đời người, ông nặn hình nhân chiêu hồn chính con trai mình. Biết rằng sinh ra làm trai trên đảo, từ lúc cất tiếng khóc chào đời là từ trong tâm khảm đã chuẩn bị cho ngày nằm lại với biển, đã chuẩn bị cho những cuộc chia xa, nhưng là máu thịt rứt ra từ cơ thể, có ai mà không xót, không đau.
Con dâu ông đang đứng kia, tựa vào vợ ông. Nó cứng cỏi đứng bên mẹ chồng, đăm đắm nhìn ra phía biển như thể chốc lát nữa sẽ thấy chồng nó trở về. Phía sau lưng, xa xa chỗ những ruộng tỏi lên xanh lúp xúp những ngôi mộ gió lẩn khuất, nhỏ bé. Ông như thấy những làn khói trắng bay lên từ những ngôi mộ ấy, như thấy cả những tiếng thở dài triền miên. Là tiếng thở dài từ sâu trong lòng những ngôi mộ hay là tiếng thở dài của những người đàn bà trên đảo, loang ra cùng với gió và tiếng ốc u vọng khắp đảo, tãi cả lên mặt biển. Tiếng thở dài dồn nén trong những khuôn ngực gầy, ngày qua ngày, mùa qua mùa, nối dài từ đời trước đến đời sau chẳng bao giờ dứt hệt như những nỗi ngóng trông người đi biển trở về ủ cả vào từng đợt sóng xô dạt hết lớp này đến lớp khác không ngừng nghỉ. Dẫu vậy, chẳng hề nghe một tiếng khóc. Không ai khóc! Vợ và con dâu ông chỉ im lặng tựa vào nhau. Nước mắt đã hóa thành muối biển kết tinh trắng xóa. Mới làm vợ đầy tuần trăng đã thành góa phụ. Đứa cháu trong bụng chưa chào đời đã mất bố. Ông chắp tay khấn tên con. Về đi con! Về để nhận mặt đứa con đã thành hình trước lúc con lên đường mà con chưa kịp biết. Về để người ở lại bớt day dứt. Về đi con! Gọi những dân binh cùng ra khơi với con trong buổi sớm hôm ấy cùng về. Xác đã vùi nơi lòng biển thì hồn về nhập vào những hình nhân cha đã nặn suốt đêm qua, yên nghỉ nơi mộ gió dân làng đã lập nên, quây quần bên các bậc tiền nhân đã neo mình giữ đảo.
Những thanh âm bài văn tế của thầy cúng nối vào nhau như những mắt xích móc thành sợi dây trải dài từ nơi tế lễ, theo tôi bay ra mặt biển xa tít tắp. Sợi dây ký ức từ hình nộm kéo “tôi” lướt trên mặt nước, đi mãi, đi mãi theo hướng mặt trời mọc, cho tới khi nhìn thấy một mảng xanh thẫm mờ mờ hiện ra giữa màu xanh biển cả. Choán hết trong “tôi” là quầng lửa đỏ ối đội biển nhô lên từ phía mờ xanh ấy. Ai đó khẽ bảo, đấy là quầng lửa tập hợp hồn thiêng của bao đời dân binh nằm lại trên hành trình vươn biển, giữ đảo của ông cha, tận từ thời vua Gia Long.
Đôi bàn chân “tôi” đặt chân lên đảo, nghe run rẩy như con nít lần đầu tập đi. Cát mịn dưới chân truyền hơi ấm, truyền sức mạnh khiến máu trong cơ thể rần rật sôi trào. Đội trưởng kéo lá cờ cũ đã rách nát bạc phếch màu nắng xuống, treo lá cờ mới đón gió tung bay kiêu hãnh. Cột mốc bằng gỗ lim đen nhánh cắm trên đảo từ cái năm ông Phạm Quang Ảnh phụng mệnh vua Gia Long đi cắm mốc, vững chãi như lời tuyên bố đanh thép trước kẻ thù rằng dấu chân của những chàng trai Đại Nam đã lưu dấu ở chốn này, chúng bay đừng hòng chiếm phá. “Tôi” nghe cả tiếng cột mốc kể chuyện. Này chàng trai! Ta vốn là một phần của thân cây cổ thụ trong rừng, rễ hút chặt uống nước suối nguồn trong mát, đầu xanh lá giỡn với mây trời bay, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Một ngày, vâng lệnh vua, những chàng trai trẻ đã hạ ta xuống, xẻ ta thành những cột mốc. Những anh em từ cùng một thân cây mẹ, kẻ lên rừng trông chừng biên giới, ngăn vó ngựa quân xâm lăng nhăm nhe hòng xâm phạm từng tấc đất cha ông, đứa xuống biển ra đảo canh giữ tiền tiêu, ngày đêm trừng mắt dõi ra khơi xa ngăn tàu lạ. Ta có nhớ rừng không ư? Nhớ chứ! Nhớ như cậu nhớ ngôi làng trên đảo của mình, như cậu nhớ mái nhà tranh mỗi chiều về khói tỏa thơm mùi cơm, mùi mắm cá. Nhưng ta không hối hận. Tổ tiên ta từng biến mình thành cọc nhọn cắm xuống lòng sông phá tan thuyền giặc. Còn ta, ta vươn ra biển lớn thì có gì mà hối hận. Chỉ tiếc là người đã cắm ta xuống đảo chưa một lần quay trở lại để thấy ta đã bền gan vững chí cùng nắng gió như thế nào. Có lẽ, đoàn người năm ấy đã chẳng thể trở về đất liền… Này chàng trai, cậu có thấy những nấm mồ nhỏ bé nằm cạnh nhau, khuất trong những bụi cây kia không? Ngày mai, ngày mốt và những ngày tiếp nữa, khi đi tuần tra trên các đảo khác, cậu sẽ bắt gặp thêm những nấm mồ như thế. Hãy thắp lên những nấm mồ ấy một nén nhang thơm với tất cả lòng thành kính. Họ sẽ phù hộ cho cậu và đoàn dân binh được thuận buồm xuôi gió. Họ cũng đã từng như các cậu, chẳng ngần ngại nghe lệnh vua lên đường giữ đảo. Nhưng rồi có ngày đi mà chẳng có ngày về. Mỗi nấm mồ ấy cũng là một cột mốc trên đảo, cột mốc của cõi thiêng, chẳng gió bão nào có thể bào mòn, xô ngã. “Tôi” nghe cột mốc thầm thì, chạm tay lên lớp gỗ đen nhánh, tưởng như hồn cha ông truyền lại những ký ức thiêng liêng…
Một sớm, bàn tay “tôi” đào hố, gieo những hạt mầm vào lòng đảo, lòng nảy lên mong ước về tán lá xanh râm mát che chở cho những đoàn ghe tiếp theo ra đảo. Trong túi áo, những hạt mầm nhặt trên đảo cũng nằm im chờ ngày trở về cắm rễ xuống cổng nhà, cao lớn và tỏa bóng cho đám trẻ con mỗi chiều nô đùa rộn rã. “Tôi” sắp được trở về nhà, sắp được gặp cha mẹ, gặp Mai. “Tôi” sẽ vùi đầu vào mái tóc dài của Mai, hít hà mùi cỏ vương trên tóc rồi kể cho em nghe những điều kỳ thú của biển khơi. Còn những vất vả, nhọc nhằn, “tôi” sẽ giữ lại cho riêng mình. Chỉ mong những ngày còn lại cũng sẽ bình an. Chỉ mong chuyến này, cha không phải nặn bất cứ một hình nhân nào, dân làng sẽ không phải lập bất kỳ ngôi mộ gió nào. Ngày bé, tôi hay tò mò nhìn cha nặn hình nhân chiêu hồn cho những người đi biển không may, trăm lần như một, lần nào cha cũng nuốt nước mắt ngược vào trong lòng. “Tôi” không muốn học nghề của cha dẫu rằng công việc cha làm chính là mang hi vọng cho những người mỏi mòn, đau khổ vì ngóng trông, vì chờ đợi. “Tôi” biết chứ, những nỗi đau cha chịu đựng mỗi khi cho ra đời một hình nhân theo thời gian cũng dày lên như tiếng ốc u. “Tôi” đã từng ngây thơ cho rằng, mình không có duyên với nghề cha truyền lại, chẳng còn ai làm hình nhân thì cũng sẽ chẳng ai nằm lại với biển. Tất cả sẽ bình an trở về.
Gió xoay tít trên đỉnh ngọn tre, cuốn tròn tấm vải trắng. Thầy cúng vẫn lầm rầm đọc bài khấn. Nhang rực đỏ. Gió tạt mùi nhang trầm loang khắp đảo. Một đứa trẻ bỗng reo lên khe khẽ: “Cầu vồng! Cầu vồng kìa”. Tiếng reo bất ngờ không khiến bài khấn của thầy cúng ngắt quãng mà càng dồn dập, thúc giục hơn. Từ phía xa, những tia nắng xiên xiên bắc chiếc cầu lấp lánh nối từ lòng biển lên đến bầu trời. Những ánh mắt đăm đắm nhìn lên. Chỉ chốc lát nữa thôi, có lẽ vậy, 25 người lính sẽ nắm tay nhau bước lên chiếc cầu nắng ấy mà trở về. Người ở lại sẽ yên lòng rằng linh hồn người thân của mình sẽ không phải lang thang, phiêu bạt mà đã có nơi trú ngụ, đã tìm được đường về đoàn tụ với gia đình, tổ tiên.
Đám mây ngũ sắc dẫn dắt “tôi” bay theo những đốm sáng rực rỡ tề tựu bên cột mốc. “Tôi” nghe tiếng reo vui từ tận sâu trong những tia sáng lập lòe. Chỉ hai ngày nữa thôi, đoàn ghe sẽ lại căng buồm trở về. Đêm thăm thẳm trong tiếng sóng vỗ rì rầm. “Tôi” chẳng thể nào ngủ được. Những vỏ ốc đầy màu sắc như thể cũng đang khe khẽ hát trong chiếc túi nhỏ. Đây là món quà tôi dành tặng Mai. Về nhà, “tôi’ sẽ xâu những chiếc vỏ ốc ấy thành một chuỗi vòng đeo cổ. Mai sẽ đeo chiếc vòng ấy trong những ngày hội, sẽ rạng rỡ khoe những cô bạn gái chiếc vòng được mang về tự tận ngoài khơi xa.
Tiếng ốc u đột ngột vang lên xé toạc màn đêm. Tất cả chồm dậy. Chín tiếng ốc u xoáy tròn trên mặt biển nổi dậy thành trận cuồng phong. Trước lúc lên đường, các dân binh đã được học cách thổi ốc u để biết những tình huống bất ngờ xảy đến. Sáu hồi ba tiếng là lệnh xuất quân. Sáu hồi sáu tiếng là lệnh thu quân. Chín tiếng là có giặc, chuẩn bị nghênh chiến. Bão tố ập đến rồi.
Những chiếc thuyền lạ lợi dụng đêm đen bất ngờ tập kích lên đảo cướp sản vật các ghe đã thu thập được và phá bỏ các cột mốc. Đuốc rừng rực cháy. Những bước chân làm rung chuyển đảo nhỏ. Lửa hắt lên những cặp mắt bừng bừng căm thù. Những lưỡi dao vung lên. Những viên sỏi, hòn đá suốt đời im lìm, cục mịch trên đảo cũng tham gia vào trận chiến. Chúng tôi tựa lưng vào nhau, đứng xoay quanh cột mốc. Máu thấm đỏ cả vạt cát dưới chân, ngấm vào cột mốc. Không thể để giặc nhổ bỏ cột mốc mà ông cha đã phải đổ cả máu xương để dựng lên. Chúng tôi chiến đầu bằng niềm tin thiêng liêng bao đời truyền lại. Nhưng giặc đông quá. Không nhổ được cột mốc, chúng toan chém nát. “Tôi” đưa lưng che chắn, miệng thì thầm những khẩn cầu. Hình như lưỡi dao chém sâu vào da thịt “tôi”nhưng “tôi” chẳng thấy đau. Chỉ thấy mình chạm vào quầng lửa đội biển dâng lên đỏ ối. Sóng cuống gầm gào. Gió thét ầm ĩ. Tiếng cột buồm gãy gục. Từng trận sóng nhồi dồn dập, cuốn trôi tất cả vào lòng biển. Chỉ có cột mốc vẫn sừng sững sau trận sóng tan. Xác giặc bị sóng cuốn xa, vùi vào đám rong rêu dưới lòng biển. “Tôi” cùng đồng đội được quầng sáng rực rửa ôm trọn vào lòng. Chẳng còn ai nữa nhưng vẫn văng vẳng tiếng ốc u ba hồi thê lương đưa tiễn. “Tôi” chẳng sợ cái chết. Chỉ thấy lòng mình thắt lại khi nghĩ đến bóng cha cô độc trong đêm, một mình trong căn phòng nhỏ nặn những hình nhân gọi hồn, trong số đó có hình nhân của chính con trai mình. “Tôi’ chỉ thấy lòng mình bàng hoàng, xót xa khi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến dáng Mai đứng trước biển ngóng con, ngóng chồng, nước mắt hòa vào biển. “Tôi” bước vào quầng lửa. Lửa ấm áp bao phủ như vòng tay của mẹ, che chở “tôi” trong những ngày chờ đợi vượt sóng, xuyên gió quay về nương náu trong những ngôi mộ gió nằm giữa ruộng tỏi xanh mướt.
“Tôi” đứng trước quầng lửa. Hai mươi lăm đốm sáng tách ra từ lòng lửa ấm nồng ấy, hóa thành những linh hồn trong suốt, hiền lành mà can trường. Một đốm lửa nhỏ hòa vào “tôi”, tan ra trong muôn trùng ký ức. Ký ức của cha từ ngày “tôi” còn tấm bé, ký ức của hình nộm hóa thành đám mây ngũ sắc nhận trước những hiểm nguy để đội dân binh yên tâm lên đường, ký ức của chính “tôi” trong những ngày sửa sang cột mốc tại Hoàng Sa cho đến khi đưa lưng mình chắn lưỡi dao chở che cột mốc. “Tôi” men theo cầu vồng, nắm chặt sợi dây kết bằng những lời khấn chiêu hồn, đưa đoàn dân binh quay trở về làng, gửi hồn nương náu trong những ngôi mộ gió.
Hình như “tôi” nghe một tiếng khóc trẻ thơ.
Cầu vồng mờ dần rồi khuất lấp vào trong mây trắng. Gió đột ngột ngừng lại. Mảnh vải trắng rũ im lìm. Thầy cúng ngừng bài khấn. Hồn nhập cốt. Những hình nộm được đặt vào mộ gió. Từng nắm đất phủ lên. Bây giờ mới nghe tiếng khóc. Người phụ nữ trẻ ôm bụng khuỵu xuống.
Tiếng khóc chào đời vang vọng khắp đảo. Tiếng khóc to lớn, mạnh mẽ của một đứa con trai làng biển. Gió đưa tiếng khóc trườn trên mặt sóng âm vang…
Đ.T.H