TIN TỨC
  • Truyện
  • Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-04-25 08:22:15
mail facebook google pos stwis
718 lượt xem

LÊ THANH HUỆ


Mẹ!

Bà giáo vùng dậy. Chưa hết bàng hoàng, bà run run đưa tay bật đèn. Khói hương trên bàn thờ vẫn bốc. Bà lập cập mở cửa. Ngọn gió đông bắc đầu mùa lùa hơi lạnh vào nhà. Bà căng mắt nhìn, vẫn không thấy ai.

Con ở đâu, Dũng?

Miệng bà bật hỏi lúc nào mà chính bà cũng không hay. Ngoài phố vắng ngắt. Chẳng còn ai đi vào lúc đêm hôm khuya khoắt. Cẩn thận, bà kéo cánh cửa gỗ đã mọt để xem nó có hay nấp ở cửa hú oà mẹ như ngày bé không. Bóng cây phượng già ven đường chập chờn lay động trên vách. Không tin vào mắt mình, bà Giáo đưa bàn tay run rẩy sờ vào tường vôi nhám, lạnh ngắt. Bần thần một lúc, bà quay ra và làm lại y hệt như cũ.  Để chắc chắn hơn, bà Giáo đóng cửa lại rồi xem xét kỹ lưỡng trong nhà. Căn nhà từ ngày ông Giáo mất cứ như rộng ra và lạnh lẽo hơn. Tuy bà đã khóc, đã ngồi xe tang đưa ông, đi đoạn đường cuối cùng, đã đứng giữa nghĩa trang Văn Điển trên khu đất mới có mấy cái huyệt vừa được đào lên, nhìn cỗ áo quan bị những xẻng đất ruộng màu đen rơi lộp bộp che khuất dần, mỗi tiếng rơi làm lòng bà Giáo quặn thắt lại, tưởng như trong mơ mơ, thực thực có ai đó đang đạp lên ngực bà, nhưng bà không tin được ông đã đi xa thật sự. Chiếc ghế ông nằm đọc sách, bộ ấm trà ông ngồi nhấp từng ngụm và lặng lẽ chìm vào dòng suy tưởng mông lung vẫn được bà để nguyên chỗ. Thường ngày đi chợ, bà vẫn mua nhúm thuốc lá Lạng Sơn và ấm trà Thái. Đến lúc bà đưa tay cầm bình trà cổ có màu men nâu bóng để súc, cái ấm nguội ngắt và ráo hoảnh làm bà sực tỉnh: ông đã đi xa vĩnh viễn! Bà bần thần ngồi xuống, hai giọt nước mắt đục nhờ lăn trên gò má nhăn nheo. Ở nơi chín suối, ông có biết con ở đâu không?  Đến ngày tôi xuống đó, có tìm được ông, có biết thằng Dũng - con trai một của ông bà - bây giờ mất còn ra sao không? Bà ngồi vậy, nghĩ ngợi mông lung cho đến lúc sực tỉnh, bà quày quả đứng lên. Càng về già, giới hạn giữa cuộc sống thực và nội tâm cứ bị xóa nhòa, lẫn lộn. Tuổi tác càng cao, bà càng khép mình vào thế giới riêng của mình nhiều hơn. Lắm bữa, nấu cơm xong, bà Giáo thơ thẩn vào ra, chờ ông về ăn cơm. Bà ngỡ ông sang nhà hàng xóm chơi cờ tướng cho đỡ buồn, ham vui quên bữa. Từ ngày thằng Dũng vào bộ đội, ông chăm đọc báo, nghe đài và cũng như bà, cứ ngong ngóng, hồi hộp, trông anh bưu điện ghé nhà trao thư báo. Tới hồi có giấy báo nó mất tích, ông hay đi tìm gặp những anh bộ đội về phép để hỏi thăm. Sau dạo ông vào Nam, tận tỉnh Long An, nơi thằng Dũng chiến đấu để tìm con mà không có tin tức về nó, ông đổi tính, lầm lỳ, ít nói, nghiện trà, nghiện thuốc và nghiện cờ tướng nặng hơn. Từ lúc đó, tuy ít  khi trò chuyện với bà, nhưng ông thương bà hơn. Trong ánh mắt của ông nhìn bà, vừa có sự đồng cảm và chứa nhiều xót xa. Bà cứ nghĩ rằng, tuổi già và sự đơn côi gắn bó người ta lại với nhau. Có ông ra vào, dù lặng lẽ như cái bóng thì vẫn là hai người. Các con gái của ông bà đã lấy chồng xa. Một đứa ở tít Quảng Ninh, còn đứa út làm ở Việt Trì nên ít dịp về với ông bà. Những lúc sinh nở, anh con rể đón bà lên. Ở với cháu được ít tháng, bà lại tất tưởi trở về vì không đành để ông ở nhà một mình. Ở với cháu lại lo cho ông, nhỡ ốm đau, một thân, một mình. Nấu bát cơm, không nhão thì khê. Ông vốn khảnh ăn, nghĩ thấy tội. Về đến nhà, lại lo  cho cháu. Cả đời chỉ thấy có lo. Từ tấm bé đã phải lo học, lo làm tròn việc nhà. Lớn lên, tất tưởi lo kiếm bát cơm, manh áo. Lập gia đình, lo cho chồng con. Làm bà, còn thêm phần lo cho cháu. Càng về già, nỗi lo càng tăng lên: đến lúc về với tổ tiên, liệu con cháu có đùm bọc, yêu thương nhau không? Thời nay, lớp trẻ xem thường ma chay, giỗ chạp lắm. Đẻ ra, nuôi được chúng lớn khôn mà suy nghĩ, những ý đồ của chúng, cha mẹ chẳng kiểm soát được. Các cụ chẳng than thở: cha mẹ sinh con, trời sinh tính, chỉ sợ… Chẳng khi nào bà được thảnh thơi. Mà thiếu công việc tất bật, thiếu lo toan, nghĩ ngợi chắc bà Giáo chết vì buồn. Đàn ông vậy mà sướng. Nhỏ tha hồ nghịch ngợm, lớn say chuyện yêu đương. Có con, để vợ lo, mình theo đường sự nghiệp. Có cháu, được sai chúng nước nôi để mình rung đùi đọc sách, đánh cờ. Đố có thấy được một lúc tất bật, một phút lo toan, hoảng hốt…

Thắp nén nhang cho chồng, bà Giáo ngồi xuống ghế. Gió hanh thổi làm cây nhang cháy đỏ rực lên nhưng bà Giáo không cảm thấy lạnh. Bà chìm vào suy nghĩ mông lung.

Hôm nhận giấy báo con mất tích, lòng bà như bị xé nát; nhưng bà không tin nó mất. Cái thằng nhanh nhẹn, thông minh, tháo vát, rất thương mẹ cha, em út, dễ gì bom đạn giết được. Bà cứ sống trong chờ đợi. Thấy anh bộ đội nào khoác ba lô đi qua hẻm, bà giật mình, tim thót lại, luýnh quýnh bước ra rồi thở dài, đi vào nhà. Sau đó, bà đứng mà không hiểu mình định làm gì, nghĩ gì. Trong ngàn vạn sắc áo, kiểu may, bà Giáo nhận ra màu xanh áo lính nhanh nhất và không bao giờ bị lẫn mặc dù mắt bà đã kém lắm. Từ khi ông mất, bà càng hay bị rơi vào trạng thái lú lẫn, lơ mơ. Con gái, con rể giục bà bán nhà về ở với chúng. Bà không chịu: “Mẹ còn sống, còn phải ở đây lo hương khói, lo phần mộ cho ông. Sống gửi nạc, thác gửi xương, không đi đâu hết!” Con, rể sợ chạm đến vết thương lòng chẳng bao giờ lành lại nên không dám nài nỉ thêm. Bà luôn tin thằng Dũng còn sống, nếu vậy, nó phải về nhà nó trước, bà ở đây để đón nó, để nó khỏi phải lần mò hỏi han. Bà sẽ ôm lấy nó mà khóc cho hả những ngày nhớ mong. Rồi bà sẽ nấu món riêu cua, làm đĩa xôi chè, cả đĩa bánh trôi mà nó rất thích ăn. Nhất định nó sẽ ở đây với bà mãi mãi. Bà sẽ hỏi vợ cho nó. Chọn đứa nào nhỉ? Cái Bích thì hiền mà chậm lắm, được cái gặp bà bao giờ nó cũng có nhời hỏi thăm, nhường bà xô nước khi phải xếp hàng ở vòi nước công cộng trên hè phố, đèo bà một đoạn từ chợ về, khỏi phải đi tàu điện, vừa mất công chờ đợi, vừa đỡ tốn hào bạc mua vé. Thế mà có bát chè, tấm bánh bà phần cho, bao giờ nó cũng từ chối: “Bác già rồi, phần bác chứ cháu thì còn sống đến gần trăm năm nữa, còn được ăn khối thứ”. Mà hình như con bé có người yêu rồi thì phải. Hay là con bé Liên vậy. Con bé nghịch quá, vô lo nữa… Thế rồi bà nhẩm tính phải mua bao nhiêu cau, mấy đứa em phải góp những gì, mời ai, làm bao nhiêu mâm để cưới vợ cho con trai… cho đến lúc bà sực tỉnh: không biết con mình còn sống nữa hay không? Tự nhiên, nước mắt của bà chảy trên khuôn mặt vừa mới rạng ngời hạnh phúc trong những tính toán say sưa… Lối phố biết bà lẩn thẩn nhưng rất nể, trọng bà. Người ta chẳng dám an ủi vì có thấy bà than thở bao giờ đâu. “Tội nghiệp bà cụ. Chỉ tại chiến tranh cả”. Người ta chép miệng như vậy sau cái gật đầu chào, nụ cười cùng ánh mắt cảm thông dành cho bà.

Ngồi được một lát, bà Giáo đem xấp vải lén mua ông Giáo để dành chờ thằng Dũng về, bà sẽ may quần áo cho nó. Bà ngửi xem có mùi mốc không. Ngày còn sống, ông hỏi, bà chối quanh: “Thấy vải tốt, màu nhã nên mua cho con rể nhưng lúc nó về tôi lại quên mất”. Bà làm sao giấu được ông, người chung sống với bà hơn nửa thế kỷ, hiểu bà từ chân tơ kẽ tóc. Tuy ông không nói, nhưng bà cũng biết, càng gần đến ngày đi xa, ông càng chăm chút tủ sách mà ông coi là thiêng liêng, không đứa cháu nào nghịch phá được. Ông muốn giữ nó cho thằng Dũng. Vì sợ bà đau lòng nên ông giấu niềm hy vọng mong manh của mình.

Bà xem lại tủ sách. Toàn những cuốn sách quý và một ngăn đựng đầy sách vở học của thằng Dũng cùng những cuốn sách nó thích đọc hồi bé như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Mặt trời quê hương” … được ông xếp gọn ghẽ.

Bà quay về giường nằm suy nghĩ miên man. Bà nhớ lại lần ông giáo vào Long An tìm con, sau lần thằng Bình, rể út, cũng là bộ đội đã lặn lội vào tận 9 tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm anh vợ của nó mà không có kết quả. Thà thất vọng hoàn toàn còn hơn sống trong phấp phỏng với niềm hy vọng mong manh. Bà khăn gói cho ông và tiễn ra tận cửa vào ga Hàng Cỏ. Ông đi có nửa tháng mà tưởng như cả chục năm trời. Bà chờ ông gọi cửa, nhìn bà tủm tỉm và sau ông là thằng Dũng. Thấy mẹ, nó chạy ào vào ôm bà…

Nửa tháng hy vọng, lo âu hồi hộp. Bà sống lơ mơ như vậy cho đến ngày thứ 14 thì phát sốt. Xóm giềng đưa bà vào viện, nhưng bà không nghe. Họ đành thay phiên nhau chăm nom bà tại nhà. Hôm sau, ông lặng lẽ đặt túi đồ xuống, mệt mỏi sờ trán bà. Bà vùng ngay dậy, nhìn ông, nhìn khắp nhà bằng đôi mắt rực lên trong cơn sốt và trong nỗi chờ mong. Chợt hiểu, bà sụp xuống giường khi ông lắc đầu và những giọt nước mắt của ông rơi xuống, hòa cùng nước mắt của bà. Chưa hết hy vọng, bà lắp bắp:

Ông… không…. tìm được con?...

Ông gật đầu xác nhận. Đợi cho bà bình tâm lại, ông bảo đã đi khắp các nghĩa trang trong tỉnh, không sót một ngôi mộ liệt sỹ nào và hỏi han nhiều người xung quanh nhưng chẳng ai biết tung tích của con.

Nó còn hay mất? Hay là ông, cả thằng Bình nữa giấu bà, không muốn bà mất niềm hy vọng mong manh trong quãng đời cuối cùng này. Là bà chỉ nghĩ thế thôi mà không dám hỏi, không dám nói ra, sợ ông buồn cũng có. Mà hồi đó, ý nghĩ ấy chỉ mới lợn cợn, vả lại ý muốn con mình còn sống giúp bà xóa rất nhanh mối ngờ vực kia.

Bà mong con mình còn sống. Giả sử nó bị mù lòa hoặc bị thương tật ở đầu nên mất trí nhớ, không tìm được đường về… Nghĩ thế, bà rùng mình, chỉ muốn tự mình đi, đi ngay để tìm con và bằng tấm lòng người mẹ, tình mẫu tử, bà sẽ làm cho nó trở lại bình thường. Bà tin chắc điều đó như ngày bà mang thai và tin chắc mình phải sinh được một thằng con trai kháu khỉnh, thông minh, giống cha nó như đúc. Hay… bà kinh hoàng khi nghĩ rằng có thể con mình đã chết không còn xác, không cả nấm mộ, như một người anh hùng vô danh. Có thể lắm chứ, chiến tranh mà. Đến cả chết, nó cũng không cho người ta chết anh hùng như khi sống mà đôi khi là cái chết tức tưởi, chết thật lãng phí, chết vô tình và có người chết anh hùng mà bị đồng đội mình tưởng là mất tích, thậm chí còn ngờ là phản bội. Bà bật khóc. Bà gắng xua suy nghĩ đó.

Hôm nay, bà nằm hồi tưởng lại và miên man suy nghĩ cho đến lúc thiu thiu đi vào giấc ngủ thì bỗng có tiếng gọi văng vẳng bên tai:

Mẹ!

Bà vùng ngay dậy. Thằng Dũng! Trời ơi! Đúng tiếng nó vừa gọi bà. Chỉ một tiếng là đủ để bà nhận ra ngay tiếng của nó hồ hởi khi ào vào nhà khoe với mẹ điều gì. Không thể nhầm; bà nghe rõ lắm, không thể nhầm được. Tiếng thằng Dũng, nó vừa gọi bà cơ mà. Nằm mơ ư? Không! Mơ phải khác chứ, mơ phải thấy bóng dáng của nó chứ. Đằng này, bà đang nằm suy nghĩ thì nó gọi.

Bà Giáo lập cập bước ra khỏi nhà, đi trong con hẻm vắng ngắt.

Dũng! Con trốn đâu vậy?

Tiếng bà giữa đêm khuya vang và rõ đến lạ lùng làm con mực nhà bên tỉnh giấc sủa vu vơ. Bà Giáo sực tỉnh. Quay vào nhà, tự nhiên bà nảy ra quyết định: phải vào Nam. Phải vào tỉnh Long An để tìm lại nó một lần nữa. Lá thư cuối cùng nó viết ở nơi đây, giấy báo mất tích cũng ghi tại đấy. “Phải đi thôi. Ở nơi chín suối ông đừng buồn, đừng trách tôi nhé! Có linh thiêng, ông phù hộ cho tôi tìm ra con. Tôi phải đi thôi. Chần chừ ngày nào, sức của tôi yếu đi ngày đó. Không tìm ra nó, không biết đích xác về nó, tôi sống không yên; chết không nhắm mắt được. Biết đâu linh cảm của người mẹ, được ông phù hộ, tôi lại chẳng may mắn hơn ông”.

Bà Giáo chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho chuyến đi. Duy có mấy bộ quần áo may sẵn mua dành cho con thì bà lưỡng lự: có nên đem theo hay không? Nhỡ mình đi mà nó về? Câu hỏi đó bùng lên làm bà mất sôi sục. Phải mất mấy giờ liền bà mới đi đến quyết định. Bà tìm cây bút Pắc ke thời Tây và lọ mực của ông Giáo, xé tờ giấy đã úa vàng trong cuốn vở học trò của đứa con gái út còn sót lại, bà ghi thư để lại cho con. Nhưng lạ thay, tay bà run, chẳng viết được. Mấy chục năm rồi bà có cầm đến bút đâu, thành ra công việc quá dễ dàng đó, bà chẳng làm nổi. Loay hoay mãi, bà đành ngồi chờ trời sáng sẽ nhờ thằng bé nhà bên viết hộ. Mới sáng, rét căm căm, không nén được lòng mình, bà Giáo sang nhà bên nhờ thằng bé hộ bà tý việc. Bà đọc, nó hý hoáy ghi:

“Dũng con của mẹ!

Mẹ vào Long An tìm con. Nếu con về lúc mẹ không ở nhà, con chờ mẹ nhé. Gạo trong hũ, chìa khóa tủ, mẹ để trong ngăn bàn. Con mở tủ lấy quần áo mới mà mặc, lấy tiền mẹ để ngăn trên ra chợ mua thức ăn…”

Viết xong những câu dặn dò tỉ mỉ, quên cả cảm ơn thằng bé, bà lấy chén uống nước trà dằn tờ giấy. Sửa lại kính, cúi nhìn, bà cẩn thận dịch cái cốc sao cho nó không đè lên mấy chữ đầu. Gián có cắn rách, chuột có lôi mất không nhỉ? Chắc không đâu. Yên tâm, bà ra ga lấy vé tàu chạy chuyến tám giờ sáng hôm sau, mà chẳng cần giấy tờ gì cả. Quay về, bà sửa soạn nhà cửa cho gọn gàng hơn, sắp đặt các thứ sao cho thằng Dũng về dễ sử dụng nhất. Bà bớt lại 5 quả trứng và chỉ luộc có năm quả mang theo. Nghĩ sao, bà chỉ luộc bốn quả. Nhỡ nó có về đêm hôm thì đã có cái ăn ngay.

Sáng sớm, trời đầy mây và những ngọn gió buốt như kim châm vào các khớp xương nhức nhối. Mấy chiếc lá khô cuộn mình ngủ yên bên hè phố bị ngọn gió đánh thức dậy, chốc chốc trở mình. Bà Giáo nhìn ra phố. Chưa đến giờ làm việc nhưng người đã đông. Bà qua nhà hàng xóm gửi chìa khóa nhà. Bà dặn nếu có ai quen về hỏi thăm thì nhờ trao hộ chìa khóa và nói giúp bà đi lâu nhất là một tháng. Lưỡng lự đến hơn phút, bà nói:

- Tôi vào Long An tìm thằng Dũng.

Ông già hàng xóm sửng sốt đón chiếc chìa khóa bằng đồng dùng lâu bóng lên màu vàng. Sau mấy lời khuyên can, bà Giáo nhất quyết không nghe, ông chép miệng gọi cháu cùng mình tiễn bà ra ga. Ông tính rằng dọc đường, lúc đợi vào ga, bà sẽ thay đổi ý định. Cũng như trẻ con, người già sợ đơn côi, nhưng khác trẻ con, họ ít sẵn sàng trải rộng lòng mình tìm bè bạn mà thích bấu víu vào tình cốt nhục. Ở tuổi bà Giáo, con người ta tin rằng mình đúng. Khi nghe ông cháu khuyên can, bà chỉ gật đầu chiếu lệ, lặng lẽ ngồi trên chiếc ghế băng đã lên nước trong toa tàu điện nhìn ra phố. Bà chẳng nói cũng chẳng nghe ai nói cả. Bà mải suy nghĩ điều gì đó.

Tàu điện rung chuông chạy vào nhánh rẽ trên sân ga Hàng Cỏ. Khách xếp hàng đi tàu Thống Nhất tại cửa số 2 chờ vào ga đã thành hàng dài. Đứa cháu tất tưởi chen vào mua vé đưa tiễn rồi đi trước xách đồ đạc hộ bà Giáo, ông già đi sau tạo thành “vành đai bảo vệ”. Họ cùng đoàn người chen lấn, xô đẩy nhau vào ga.

Bà Giáo cố ý xếp tất cả hành lý vào hai cái giỏ đan bằng mây cũ lên nước đen bóng. Hai làn mây này bà vẫn dùng từ cái hồi thằng Dũng còn ở nhà. Bà hy vọng nếu nó nhìn thấy, nó sẽ nhận ra mẹ ngay. Khác với mọi ngày, bà ăn vận gọn gàng, chải mái tóc bạc phơ trước lúc ra đi. Thằng bé đã lên tàu, tìm ra ghế của bà, xếp giúp đồ đạc, vội vàng chào bà, giúi vào tay bà gói quà nhỏ “Cháu gửi bà ạ” rồi lập tức biến mất. Bà mở gói quà. Toàn tiền lẻ. Đây chắc là công trình đánh đáo ăn tiền của nó. Bà bỏ thêm vào đó tờ giấy năm mươi đồng. Ghé cửa sổ, bà nhờ ông “Tôi gửi cho cháu”. Ông già xua tay, tiếng ông bị tiếng ồn của dòng người trên sân ga át đi. Hình như ông chào bà để về thì phải. Sân ga đông nghịt, bóng ông chìm ngay vào dòng người đang đi lại hỗn loạn, chào nhau, nói, cười, dặn dò, nhắc nhở, khóc lóc… ồn ào tất bật.

***

Tiếng bánh sắt nện vào khe nối thanh ray đều đều ru bà cụ vào giấc ngủ. Đó không phải là giấc ngủ bình thường mà lẫn lộn giữa chiêm bao và suy tưởng cùng những viễn cảnh gặp gỡ con do bà Giáo vẽ ra. Hai anh bộ đội trẻ ngồi cùng ghế với bà gửi đồ cho “mẹ” và kéo nhau đi suốt. Họ đến chỗ bạn bè hay nhường ghế cho bà cụ nằm? Bà không rõ nhưng hễ tỉnh dậy là đã có sẵn nước rửa mặt đựng trong chiếc bình toong nhôm. Tuy ít hỏi chuyện nhưng rõ ràng họ dành sự quan tâm săn sóc bà. Bà Giáo cảm động và phân vân: vừa trả lời họ rằng bà đi Long An thăm con là bộ đội vừa nghĩ rằng có nên nói mục đích chuyến đi không? Hai chú còn trẻ quá, phải ngoài bốn mươi tuổi mới mong biết thằng Dũng. Nghĩ là vậy nhưng bà suýt bật hỏi mấy lần.

Tàu chạy đến ngày thứ hai, nắng bừng lên ngoài cửa sổ toa tàu. Bà Giáo cũng bừng tỉnh giấc ngủ chập chờn. Bà nhìn ra những sườn núi xanh ngát và bầu trời trong xanh tràn ánh nắng chói lòa. Ở đâu sau rặng núi xanh mờ kia là nơi in dấu chân của con bà đã cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào đến miền Tây Nam Bộ. Miền Nam ở đây ư? Miền đất mà ông bà và cả miền Bắc hướng vào đó, gửi gắm niềm thương, hy vọng, tất cả vì ngày giải phóng đấy ư? Nó đấy ư? Miền đất đã trở thành thiêng liêng trong lòng những người có lương tri của một thời đại? Bà nhìn mấy thửa ruộng bậc thang ven sườn núi. Đôi cò trắng đứng co một chân lơ đãng nhìn xuống mặt nước như mãi suy nghĩ điều gì từ ngàn năm để lại trên những đám lúa xanh rờn, chẳng thèm để ý đến đoàn tàu đang chậm rãi chạy qua đoạn đường mới sửa. Chiếc tàu là con vật quen thuộc đối với chúng. Người nông dân dừng cày để con trâu ngơ ngác nhìn đoàn tàu. Hóa ra đất nước mình ở đâu cũng xanh màu lúa, cũng hiền lành, rất đỗi thân thuộc và giống hệt nhau.

Mồ hôi rịn ra ướt đẫm áo len đưa bà Giáo ra khỏi dòng suy tưởng. Bà đi từ Bắc vào Nam, từ mùa đông ngọt ngào sang mùa hè rực rỡ trong vòng hai ngày. Bà Giáo nhớ lại bức thư con viết về cho gia đình. Nó kể: Đơn vị hành quân dọc con đường mòn Trường Sơn ròng rã tám tháng. Mấy đôi giày rách bươm mới tới được đất Kiến Tường. Xuất phát từ Hòa Bình, đi ô tô đến Vĩnh Linh. Vượt sông Bến Hải ở khúc thượng nguồn hẹp và chảy xiết, đoàn quân đi bộ, băng qua Lào. Từ đó, đơn vị đi trong rừng đại ngàn, chân dẫm lên đá tai mèo, lên thảm lá mục lưu cữu qua bao nhiêu đời, chỉ mong được ra giữa đất trời mênh mông cho tầm mắt không vướng. Sau mấy tháng trời đi và đi, đồng bằng hiện ra trước mắt. Chuẩn bị vượt cánh đồng “chó ngáp” trên đất Campuchia, người giao liên cảnh báo. Suốt từ sáng đến chiều đi trong nắng lửa, không một bụi cây, lạch nước, cỏ cũng bị thiêu cháy, khát đến bỏng cổ cho đến đêm mới đến Ba Thu, biên giới Việt Nam. Bên kia là đất Việt Nam mình mà phải chờ trời tối mới bám vào được. Quân số còn lại chưa đầy một nửa. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại dọc đường vì đạn bom, sốt rét và bệnh tật, tai nạn… Nhìn sang nước mình mà ứa nước mắt, dậy lên cảm giác xốn xang khó tả, ngỡ như đi xa hàng bao năm trời, nay đang đứng đầu phố nhà mình. Bầu trời phía Kiến Tường, máy bay lên thẳng quần đảo. Tối, chúng bật đèn pha, vừa bay, vừa soi là lúc đơn vị được lệnh hành quân. Gặp gò đất cao, được phép nghỉ chân chút xíu, đơn vị gặp một cáng thương binh đi ngược về cứ. Chị bác sỹ quân y của đơn vị, người xung phong vào Nam, mong sớm được gặp chồng nơi tiền tuyến, không biết vì linh tính hay vì lương tâm nghề nghiệp, nghe có thương binh thì ghé đến chăm sóc. Lật tấm tăng, chị bàng hoàng nhận ra mặt người chồng của mình nhợt nhạt vì mất quá nhiều máu trong ánh sáng chập chờn của pháo sáng. Anh đang cơn sốt mê man. Đơn vị được lệnh dừng chân một giờ để chị ở lại với chồng một tiếng. Một giờ trôi qua nhanh mà anh không qua được cơn sốt mê man do nhiễm trùng. Đành phải lên đường cho kịp đến “địa hình”. Ở lại thêm nữa, có thể trả giá bằng máu của bao đồng đội mình. Chị để lại thuốc men, đường sữa, những thứ là tiêu chuẩn của chị, của anh em góp vào cùng lá thư nhòe nước mắt viết vội trong ánh sáng đèn pin bằng hạt đỗ, trong cơn sốt mê man của chồng. Đoàn quân lẫn vào rừng tràm, băng về hướng Bến Lức. Những câu chuyện đó, giờ cứ như là huyền thoại, nhưng hồi đó, đọc qua thư là bà Giáo, ông Giáo, mọi người tin ngay như sự thật hiển nhiên cần phải trải qua. Tim nghẹn ngào, đồng cảm, không làm nản chí, trái lại, càng nung nấu quyết tâm góp sức mình giải phóng miền Nam.

Đoàn tàu đến Thành phố Hồ Chí Minh vào buổi sáng. Hành khách đi thẳng vào ga Hòa Hưng. Hai anh bộ đội, mặc dù phải đi tiếp qua Campuchia, họ vẫn đưa bà Giáo về tận bến xe miền Tây. Bà Giáo đã ngồi yên trên xe, họ mới về lại bến xe An Sương. Xe chạy, bà Giáo phát hiện ra chiếc võng nylon, chiếc bình toong, con dao nhỏ nằm trong làn mây. Bà ứa nước mắt, ân hận sao không hỏi đơn vị, quê quán của hai đứa. Nhưng nỗi lo lại át đi. Cơ quan nào chịu trách nhiệm tìm kiếm tung tích con bà? Ai biết được mọi chuyện trong chiến tranh? Ai là người biết thằng Dũng hồi đó? Bà sẽ tìm đến cơ quan nào trước đây? Hay tìm đến các nghĩa trang. Nếu không có mộ của con, tức là nó còn sống. Bà rùng mình, thà không tìm ra mộ con còn hơn. May ra nó còn sống. Nhưng nhỡ nắm xương của con cũng không được chôn? Bà cứ loay hoay, không biết nên mong thế nào. Cuối cùng, bà lặp lại hành trình của ông Giáo, bà quyết định đến Ty Thương binh xã hội.

***

Ty Thương binh xã hội tỉnh Long An đóng trong ngôi nhà hai tầng cạnh bờ sông Vàm Cỏ Tây. Bà Giáo đã từng nghe bài hát về sông Vàm Cỏ Đông với những chiến công nhấn chìm tàu chiến giặc Mỹ. Thư thằng Dũng viết, hồi đó nó tham gia đánh giặc ở đây: Rừng tràm bà Vụ, Bến Lức, Đức Hòa, có lần hành quân dọc sông xuống miền hạ. Nhưng đây là con sông Vàm Cỏ Tây, như anh cán bộ chính sách trả lời bà khi bà mừng rỡ nghe cụm từ sông Vàm Cỏ… Anh cán bộ lật sổ ghi họ tên, năm sinh, ngày nhập ngũ. Chẳng chút nghĩ ngợi, bà đọc rành rọt đến cả số và ngày tháng năm, người ký tên trong tờ giấy mất tích cùng với những địa danh con bà tham gia chiến đấu...

Dạ, mời má xuống nhà khách nghỉ, chút xíu nữa, chú Trưởng ty đi công tác về sẽ gặp má, giải quyết những yêu cầu của má. Giờ, con lục tìm hồ sơ của anh Dũng cho má liền.

Bà Giáo không muốn nghỉ ngơi, bà muốn trả lời ngay cho bà câu hỏi đã day dứt bà bao năm trời đằng đẵng. Bà nhìn như hút vào hàng trăm ngăn kéo tủ giống như tủ đựng phích ghi tên sách của thư viện và hồi hộp nhìn tay anh cán bộ đang lúi húi kiếm tìm. Trong đó đựng hồ sơ liệt sĩ, thương binh hay bộ đội mất tích? Bà nhận ra, chân trái của anh cán bộ làm bằng gỗ. Chắc chú ấy là thương binh, tầm tuổi con mình, biết đâu, chú cùng chiến đấu và sẽ nhớ ra thằng Dũng.

Đã hết giờ làm việc. Hoàng hôn pha màu tím lên nền trời. Cây cối xanh sẫm lại. Ngoài kia, dòng sông sẫm màu chì và dừng chảy. Bà Giáo cảm thấy thời gian, sự sống ngưng đọng lại. Ngôi nhà của Ty Thương binh xã hội nhỏ, cũ kỹ, ẩn dưới vòm lá xanh nên khi có làn gió thoảng rung cây xào xạc, bà Giáo lại có cảm giác đang sống trong lâu đài cổ giữa hoang vắng của đại ngàn. Nhưng lạ thay bà không cảm thấy buồn, chỉ thấy hồi hộp, sốt ruột đến nôn nao.

Cuối giờ chiều làm việc ngày hôm sau, bà Giáo được đồng chí Trưởng ty về tận nhà khách mời lên phòng dùng trà và trò chuyện. Đó là một ông già ngoài năm mươi tuổi, gầy gò và đi cà nhắc. “Cũng là thương binh. Hình như ở đây, mọi người đều là thương binh”. Bà Giáo vừa đi theo sau ông vừa thầm nhận xét.

Sau phút trầm ngâm, ông cho bà biết, suốt tối hôm qua, ông cùng với anh Hai (người cán bộ chính sách tiếp bà chiều qua) và anh em chia nhau lục các hồ sơ vần “D” và tất cả các vần. Suốt cả ngày hôm nay, cử cán bộ đến phòng chính sách Tỉnh đội phối hợp tìm kiếm thông tin; gọi điện về các phòng thương binh, chính sách huyện yêu cầu lục tìm danh sách; yêu cầu nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, các nghĩa trang liệt sỹ huyện, các nghĩa trang liệt sỹ xã, tìm mộ chí liệt sỹ có tên tuổi, quê quán, gốc tích của anh Dũng. Nhấp ngụm nước trà để lấy lại bình tĩnh, ông nói tiếp bằng giọng buồn rầu của người có lỗi:

-… Dạ, tôi chiến đấu ở Long An từ hồi đánh Pháp cho đến hết chiến tranh nên tôi biết: Long An là vùng ven Sài Gòn, tranh chấp ác liệt, giặc đổ quân, đổ súng đạn bom mìn giành giật với ta. Chiến công nhiều, nhưng anh em bộ đội, du kích, đồng bào hy sinh không tính nổi. Khi quy tập mộ liệt sỹ, có hàng trăm hài cốt được bà con chôn cất vội vàng, không rõ danh tính, không kịp vẽ sơ đồ, do đó không có thông tin để làm bia mộ… chỉ biết là bộ đội hy sinh trong lúc chiến đấu hoặc trong lúc làm nhiệm vụ. Giờ có nhiều ngôi mộ ghi là “Bình Hà Nội”, tức là bà con biết liệt sỹ tên Bình có nhà ở Hà Nội; thậm chí là Trung Bắc, tức là liệt sỹ tên Trung nói giọng miền Bắc. Số anh em mình mất tích lại càng khó xác định hơn. Một số hy sinh trong những trường hợp đặc biệt như phải chiến đấu một mình. Một số lạc qua đơn vị khác hay chiến đấu cùng du kích và hy sinh khi đơn vị mới chưa rõ tên. Một số bị bắt và hy sinh trong tù, đó là chưa kể một số rất ít chiêu hồi rồi di tản qua Mỹ trước ngày ba mươi tháng tư. Một số anh em hy sinh trong tình trạng không còn xác, hoặc chôn xong, lại bị bom hoặc pháo rơi trúng mộ… Thời gian xóa đi, chiến tranh xóa đi, rồi thì công việc bộn bề xóa đi nên vô cùng khó khăn trong việc xác định. Bà con trong tỉnh cùng với anh em tụi tôi đang cố gắng hết sức. Bác có đề nghị chi, xin cứ nói để Ty lo…

***

Bà Giáo không nghe đồng chí Trưởng ty nói nữa. Như vậy là vẫn không tìm thấy tung tích của thằng Dũng. Bao nhiêu hy vọng trong hơn chục năm, trong suốt chuyến đi tan thành mây khói. Bà thấy mệt mỏi quá sức. Hình như sức lực của bà đã dốc hết vào chuyến đi này và sự mỏi mệt tích tụ trong cả mấy chục năm làm kiếp con người giờ đang đè nặng lên vai bà. Bà xin phép đồng chí Trưởng ty để được về nghỉ. Bà Giáo loạng choạng đứng lên. Bà thấy mình bị mất thăng bằng. Bà bám vào mép bàn. Những ngón tay bấu vào mép bàn bị chuội ra. Mọi vật trong phòng bắt đầu quay với tốc độ nhanh dần. Đom đóm bay ra khắp phòng. Bà thấy mồ hôi lạnh toát ra dọc sống lưng, trên trán. Tiếng người lao xao như từ một cõi xa xăm vọng về. Bà đi vào giấc ngủ mà lòng nhói lên nỗi thất vọng, nỗi đau, tưởng như từng khúc ruột một đứt ra, tan chảy và ngực mình đang bị một khối đá lớn đè mỗi lúc một nặng hơn, nghẹt thở hơn. Bà nghe văng vẳng tiếng kim loại va chạm vào nhau lách cách. Một con kiến rất to bám lấy cánh tay bà, cắn đau nhói. Khát nước khô cả cổ họng. Rồi lạnh, rồi nóng, và có con gì đang cắn buốt óc. Có những tiếng nói văng vẳng của những người xa lạ. Lâu lâu, bà nhận ra tiếng của người quen. À, tiếng thằng Hai, tiếng của đồng chí Trưởng ty và cả tiếng của thằng Dũng nữa. Nó đang nói bi bô. Nó khoe với mẹ được cưỡi con ngựa gỗ sơn màu đỏ có những đốm trắng của thằng bạn nó. Nó chạy vào nhà lấy khẩu súng lục thất cửu sơn màu mận chín. Không cần lên quy lát, nó đưa cả hai tay nâng khẩu súng bóp có đánh tách một cái. Hòn bi chai nho nhỏ mà nó cho vào nòng súng tự lúc nào bật ra lăn trên nền đất. Tiếng nó cười giòn tan và đuổi theo hòn bi đang lăn. Lớn lên một tí nó lại thích trò đánh trận giả, truy lùng biệt kích, gián điệp. Không rõ học được ở đâu mà nó rành hơn bà về quân hàm quân hiệu, cấp nào lớn hơn cấp nào, súng nào bắn phát một, súng nào nổ liên thanh mà không cần phải lắp từng viên đạn… bà nhớ đến tiếng còi báo động, báo yên, những chiếc hầm tròn cá nhân có nắp, những căn hầm trú ẩn lớn, mỗi lần nghe tiếng rít của máy bay là bà đến khổ vì phải giữ thằng Dũng khỏi vùng chạy ra xem pháo bắn, xem tên lửa đuổi máy bay và xác máy bay cháy như một bó đuốc lớn đang lao xuống.

Hình như cái trách nhiệm giải phóng miền Nam, cái tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bao thế hệ cha anh đã ngấm vào máu, vào thịt và vào xương của thằng Dũng, của hàng triệu con người Việt Nam nên từ tấm bé nó không mơ thành bác học, kỹ sư, mà chỉ mơ chóng lớn để trở thành anh bộ đội… Dũng ơi, giờ con ở đâu?

Ơ lạ quá đi mất, sao có cả tiếng con Thúy, đứa con gái út của bà ở đây? Nó về thăm bà hồi nào? Nó có đem theo thằng Trung - cháu của bà - về cùng với mẹ nó không? Mà cái thằng Trung sao nó giống thằng Dũng hồi nhỏ quá đi. Hay vì nhớ con mà bà tưởng thế, và đi tìm hình bóng con mình trong đứa cháu trai. Chồng con Thúy vẫn là bộ đội, đóng ở biên giới phía Bắc. Hay là thằng Bình được nghỉ phép nên đưa cả nhà về thăm bà. Cái thằng rể út hiếu thảo quá. Bà muốn gọi thằng Trung mà không tài nào gọi được.

***

Chẳng cần phải có những lời nhắn gửi của con rể bà với láng giềng, mà cứ một bà già sống độc thân trong cùng một ngõ là đủ để cho mọi người sống trong đó có sự quan tâm đặc biệt và kín đáo rồi. Những ngày bà hăm hở chuẩn bị đi tìm con không thoát khỏi cặp mắt của người dân ở cùng ngõ phố. Những đổi thay kỳ lạ đó làm ông lão tin lời kể của đứa cháu giúp bà Giáo viết thư để lại cho con để vào Nam là có thật. Khéo không lại thành lẩn thẩn. Đường xa, thân già ốm yếu như vậy đi sao được. Nghĩ vậy nên ông lão và bà con láng giềng đã nhắn lên cho con gái của bà ở thành phố Việt Trì phải về ngay. Và ngay cái sáng đưa tiễn đó, ông lão sai thằng bé chui qua khu ga Bắc để đón chuyến tàu quay về Phú Thọ muộn, tìm gặp Thúy may ra kịp lưu giữ bà cụ lại. Rồi cũng chính vì sốt ruột mà ông cũng vội vã đi tìm.

Thật không may, ngày hôm sau Thúy mới về tới nhà. Biết mẹ vào Nam, Thúy hốt hoảng. Cô vừa khóc vừa bối rối, hết chạy ra ngõ lại vào nhà. Mãi đến khi bà con lối phố kéo đến bàn bạc cách giải quyết, Thúy mới vội vàng ra bưu điện. Chị đánh đi hai bức điện. Một gửi cho nhà máy mà chị làm việc xin nghỉ phép vào Long An tìm mẹ và nhờ chị em trông nom hộ thằng Trung, con của chị. Nó mới lên ba nên ông lão xung phong lên Việt Trì thu xếp mọi việc giúp chị. Một bức điện nữa chị gửi cho Ty Thương binh xã hội tỉnh Long An, nơi mà bà con lối xóm dự đoán bà Giáo sẽ tìm đến trước tiên. Trong bức điện chị nhờ Ty đón tiếp, chăm sóc và lưu giữ bà Giáo lại đợi chị vào đưa mẹ về. Chị nhắn thêm nếu như anh Dũng không còn nữa thì xin đừng nói rõ sự thật mà báo cho bà Giáo rằng, anh Dũng mất tích, lý do chị sẽ giải thích sau.

Hình như đã đoán được hoàn cảnh của chị nên cô nhân viên bưu điện phân vân:

Nếu điện khẩn phải mất hơn ba trăm đồng đấy ạ. Để em trao đổi với lãnh đạo xem.

Thúy khẩn khoản nhờ điện gấp mà không cần chú ý đến chuyện tiền nong. Nhìn bộ quần áo công nhân của chị, cô nhân viên chỉ lấy có một trăm đồng.

Nhờ sự giúp đỡ của bà con lối phố nên Thúy đi ngay chuyến tàu TN3 cùng ngày. Tàu xuất phát lúc hai mươi giờ, chậm hơn so với bà Giáo hơn một ngày đêm. Chao ôi, sao chị thấy tàu chạy chậm thế. Ước gì nó bay được để Thúy đuổi kịp bà Giáo. Chị lo cho mẹ, lo cho con, chị giận mình sao về chậm, lại giận mẹ lẩn thẩn quá chừng. Lòng dạ chị rối bời và nóng như có lửa đốt. Chị uống hết bao nhiêu là nước, chị cố nhắm mắt lại, lắc lắc đầu cho bật hết mọi suy nghĩ, mọi lo lắng.

Khốn thay như để đong cho đầy gánh khổ tâm, sự bứt rứt của chị, chuyến tàu ấy lại chậm nhiều, dừng nhiều và trễ mất đến một ngày đêm ròng rã.

***

Khi bà Giáo nhận ra được tiếng đứa con út là lúc trí nhớ của bà lần mò được lối về với thực tại. Lỡ thằng Dũng đã về rồi thì sao? Phải quay về để nó khỏi chờ mẹ nó, để nó được nghỉ ngơi sau chuỗi ngày vất vả, để nó khỏi bươn bả đi tìm bà.

Chỉ cái ý nghĩ đó lóe lên thôi đã làm cho bộ óc mỏi mệt lú lẫn đi vì đau khổ trở nên minh mẫn, nâng cơ thể đã suy sụp cả về sức khỏe lẫn tinh thần lên. Bà cụ qua ngay cơn sốt mê man nhanh lẹ, như lúc cơn bệnh đến với bà. Nhưng bà gầy và yếu đi như qua quãng thời gian của một thế kỷ. Tóc bà hình như bạc hơn và có màu lấp lánh. Bà ngỡ ngàng nhìn chiếc tủ con xếp đầy quà bánh và trái cây. Các cô hộ lý gọi bà là “má Hai”, ríu rít kể cho bà nghe những người đã lui tới đây thăm bà. Nhiều nhất là anh Hai và ông Trưởng ty Thương binh xã hội cùng một số anh em làm việc trong Ty. Họ muốn giấu bà chuyện Thúy có mặt ở đây. Họ muốn dành cho bà Giáo một bất ngờ nữa.

Bà Giáo mở cửa sổ tầng hai. Bà nheo mắt lại vì ánh sáng rực rỡ ùa vào. Trong nắng những lá cây xanh bóng rung rinh. Qua cơn bệnh, bà nhìn thế giới lạ đi, ngỡ ngàng, tươi mát và rực rỡ như ánh mắt trẻ thơ vậy. Đó là lúc bà cảm nhận được luồng khí trời trong lành, mát mẻ ùa vào hai lá phổi. Bà khao khát màu xanh của lá và ánh nắng chói chang. Bà thấy cần và thấy gần gũi với thiên nhiên một cách lạ lùng, điều mà ngày thường, lúc khỏe mạnh bà ít chú ý đến.

Thúy bước vào, bà Giáo ngạc nhiên và bứt ra khỏi trạng thái dễ chịu đó ngay. Đứa con gái út bằng xương bằng thịt ngồi ngay trước mặt khiến bà hoảng hốt, tưởng mình mơ, gặp ảo ảnh. Bà lặng đi ngồi nghe con gái kể lể sự tình. Bà ân hận. Hai mẹ con nước mắt rơi lã chã. Hóa ra vì bà quá nôn nóng đi tìm con mà đến nông nỗi này, làm khổ con bà, cháu bà, làm bao nhiêu người lo lắng.

Con đã nhờ các chú lãnh đạo cử người đi các Ty Thương binh xã hội ở các tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh dò tìm tung tích anh con. Anh vẫn mất tích đó mẹ.

Bà Giáo rưng rưng. Vậy là rốt cuộc bà vẫn không tìm được con. Thôi về vậy. “Biết đâu nó đã về nhà”, bà buột miệng nói ra đoạn cuối suy nghĩ của mình với con gái. Và cũng như lúc tới, bà đường đột đòi về.

***

Sau ba ngày tĩnh dưỡng, bà Giáo và đứa con gái út lên đường. Chiếc xe của Ty Thương binh xã hội tỉnh Long An đưa bà lên sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng chí Trưởng ty đã chỉ thị phải lấy bằng được hai vé máy bay đi Hà Nội cho hai mẹ con bà Giáo càng sớm càng tốt. Xe xuống khỏi chân cầu Tân An một khoảng, đồng chí Trưởng ty chỉ cho bà Giáo thấy tượng đài nghĩa trang liệt sĩ bên đường vàng lên dưới nắng ban mai rực rỡ. “Ở đó có biết bao đồng chí đã hy sinh mà chẳng để lại họ tên quê quán, gốc tích rõ ràng, như những người anh hùng vô danh vậy!”. Hình như sợ chạm vào vết thương lòng của bà Giáo, ông lúng túng ngừng lời. Và ông âm thầm tự nghĩ: những ai đó đã sớm quên đi tất cả những gì mà miền Bắc đã chắt chiu, tằn tiện và vắt cả máu mình cho miền Nam, giá như hôm nay họ gặp được bà mẹ này, thấy nghĩa trang này… Họ ít nhiều cũng phải suy nghĩ lại…Chiếc xe vẫn đi giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn, có đôi ba thửa lúa chín vàng và vài thửa ruộng đã gặt trơ ra gốc rạ. Bà Giáo nhìn đàn vịt trắng đang tung tăng trên những thửa ruộng vừa mới gặt xong. Thỉnh thoảng, giữa đàn nổi bật lên chú vịt khoang tưởng như tạo hóa đổ vội mực lên bộ lông trắng và mực chảy tràn ra lưng rồi chạy xuống hông của nó. Bà Giáo nhìn và cảm thấy có cái gì đó khang khác với những cánh đồng lúa ngoài kia mà không nghĩ ra được nó khác ở chỗ nào.

Chia tay trước cổng sân bay, cả bà Giáo, cả Thúy, cả đồng chí Trưởng ty và anh lái xe đều ngậm ngùi, rưng rưng. Biết đến bao giờ những tấm lòng chân thật, nhân hậu này mới được gặp lại nhau. Đồng chí Trưởng ty hứa có dịp đi công tác ở Hà Nội sẽ ghé thăm bà. Rồi bằng giọng của người có lỗi, đồng chí nghẹn ngào nói tiếp: “Thông cảm cho tụi tui nghen. Cũng tại chiến tranh, tại thằng Mỹ.” Bà Giáo bật khóc sụt sùi:

Chú nhớ nhé. - quay sang anh lái xe bà tiếp - Cả cháu nữa, nhớ nhé: Có dịp ra Hà Nội ghé nhà…

Và khi chiếc máy bay lướt nhẹ trên không trung, bà Giáo mới thôi những tiếng nấc sụt sùi. Nắng chói lòa hai bên cửa sổ. Bên mẹ, Thúy rủ rỉ với bà: mẹ sẽ vẫn gửi chìa khóa nhà cho xóm giềng và để lại thư cho anh Dũng. Mẹ phải lên ở với Thúy vì nhà con gái neo người. Anh Bình chiến đấu ở tận biên giới Cao Bằng.

Mẹ ạ, khi anh Dũng về anh ấy tự khắc sẽ tìm ra thư và lên đón mẹ về, phải không nào? Lúc ấy dù con có gặp khó khăn đến mấy con cũng không dám đòi hỏi mẹ phải ở với chúng con. Con nhường để mẹ ở với anh Dũng suốt đời. Được không hả mẹ?

Bà Giáo gật đầu. Hai hàng nước mắt lại lăn trên gò má. Bà khóc vì thương đứa con gái út, thương thằng Dũng, thương ông Giáo, thương thằng Bình, thằng Trung… Rồi bà lại chìm vào trong những dòng suy tưởng triền miên.

Hành khách ngồi trong khoang máy bay vẫn vô tư trò chuyện. Bởi họ nghĩ rằng đó chỉ là câu chuyện của hai mẹ con về việc giành bà về ở với gia đình mình, một câu chuyện thường hay xảy ra nhất trong những gia đình bình thường và đầy lòng nhân hậu ở đất nước Việt Nam này.

Long An, tháng 9 năm 1987

LTH.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội số 9 (1987). Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm