TIN TỨC
  • Truyện
  • Miền ký ức | Minh Nguyệt

Miền ký ức | Minh Nguyệt

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
780 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

MINH NGUYỆT

Trang bước vào gian phòng bảo tàng cùng với các bác cựu chiến binh, tiếng cô gái thuyết minh vang lên: “Từ 9 giờ 55 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 17/10/1965, giặc Mỹ huy động 29 lần chiếc máy bay, ném 116 quả bom phá xuống cầu Gia Bảy và nhiều loạt tên lửa xuống trận địa pháp cao xạ của Trung đoàn 210 ở xóm Xuân Quang, xã Gia Sàng, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của chúng vào…”. Như có một luồng điện chạy qua người, Trang lẩm bẩm nhắc lại vô thức “1965!”, đúng là “1965!”.

Trụ sở tiếp dân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh mở cửa từ 8 giờ sáng. Lúc nào Trang cũng đến sớm 30 phút để quét dọn và sắp đặt lại bàn ghế trong phòng. Vừa đến cửa, Trang đã nhìn thấy 2 người đàn ông vẻ khắc khổ đang chờ đợi, ánh mắt họ nhìn Trang hy vọng. Một người, có lẽ là cựu binh, mặc bộ quân phục cũ kỹ, bạc màu, tuổi khoảng trên 80; còn người kia, trẻ hơn, mặc thường phục.

- Bác và anh tới sớm thế, 8 giờ cơ quan mới làm việc ạ.

- Chúng tôi ở xa cô ạ.

Trang mở cửa rồi mời hai người đàn ông vào phòng.

Cô bật điện và tranh thủ dọn dẹp.

- Cháu xin lỗi, bác và anh chờ một chút, cháu cần quét dọn tí ạ.

- Không sao, cô cứ làm đi.

Trang khẩn trương làm mọi việc rồi ngồi vào bàn tiếp dân.

Chiếc bàn làm to dài quá đỗi. Ngồi vào chiếc bàn, Trang cứ có cảm giác sao mình xa dân thế, cô không thích một chút nào.

Người cao tuổi lấy từ trong cặp ra một tập giấy tờ để lên bàn.

- Thế này cô ạ, tôi đi kháng chiến, hết chống Pháp rồi chống Mỹ, mãi đến năm 1976 mới về phục viên. Đến nhà mới biết em trai mình hy sinh, nhưng lại chưa được xác nhận liệt sĩ. Đây là hồ sơ của em tôi. Tôi đã phải mất rất nhiều công sức đi tìm kiếm đồng đội của nó để lấy xác nhận cô ạ.

- Sao tới bây giờ bác mới đi làm cho bác ấy ạ?

- Không phải bây giờ đâu, nhiều năm rồi đấy; nhưng mà, không hiểu sao, cứ mắc hết chỗ nọ lại đến chỗ kia, người thật việc thật, mà sao khó thế hả cô? Mấy lần trước, tôi đến đây, người khác tiếp chứ không phải cô.

- Cháu mới được phân công làm nhiệm vụ này ạ.

Tiếp dân là một công việc vất vả. Không cán bộ nào muốn làm nhiệm vụ này vì tính phức tạp của nó. Chỉ cần trả lời không chặt chẽ, thái độ hơi thiếu kiểm soát một tý là đã bị dân phản ứng. Vì thế, khi công việc tiếp dân được chuyển sang cho Trang, mọi người thở phào động viên “Phụ nữ tiếp dân thích hợp hơn em ạ!”.

Trang cầm tập giấy tờ, cẩn thận xem từng bản một. Người cựu chiến binh lặng lẽ quan sát Trang, dường như rất lo lắng và hồi hộp; có lẽ, ông sợ nhận lại câu trả lời như bao lần khác “không đủ điều kiện!”.

Thực ra trong toàn bộ hồ sơ, chỉ có một loại giấy tờ mà Trang cần quan tâm nhất, đó là giấy chứng nhận hy sinh của đơn vị hoặc là các giấy tờ khác có thể hiện nội dung về trường hợp hy sinh của quân nhân.

Trang xem kỹ một tờ giấy viết tay, chữ ngay ngắn, chân phương:

“Cộng hòa… Giấy xác nhận của đơn vị… Nguyễn Văn Bảy… năm sinh… quê quán…; trường hợp chết: Đi nhận xăng cho đơn vị, bị trúng bom Mỹ, chết ngày 12 tháng 7 năm 1965”; địa điểm chết: Gia Sàng, Bắc Thái; Thủ trưởng đơn vị: Ma Văn Quý; ký, đóng dấu: Ngày 7 tháng 10 năm 1965”.

- Họ cứ nói đây không phải là giấy chứng nhận hy sinh cô ạ, cứ bắt tôi phải có giấy tờ khác của đơn vị, mà đơn vị thì giải thể từ sau năm 1976 rồi, tôi biết tìm ở đâu hả cô? Đấy, cô xem đi, bao nhiêu giấy xác nhận của anh em cùng đơn vị. Thủ trưởng của nó, người Tày, mấy năm trước tôi đến, cũng viết cho một giấy xác nhận, giờ thì ông ấy chết rồi.

- Bác ạ, bây giờ đã hết hiệu lực thi hành việc giải quyết chính sách theo quy định hai người làm chứng rồi. Tuy nhiên, hồ sơ của bác Bảy còn những giấy tờ pháp lý khác, cháu sẽ xin ý kiến cấp trên về hướng giải quyết. Bộ hồ sơ này, bác cho cháu giữ lại nghiên cứu và sẽ trả lời bác bằng văn bản nhé.

- Cô cứ giữ lại đi, tôi phôtô nhiều bản lắm. Nếu tính từ ngày đi kêu chế độ cho nó, có lẽ phải đến tạ giấy rồi cô ạ. Tôi cảm ơn cô nhé. Tôi về đây.

Trang đứng lên tiễn người đàn ông ra cửa, bàn tay người cựu chiến binh nắm chặt tay cô, tin tưởng và hy vọng. Lúc này, Trang mới nhìn thấy, trong phòng đã chật kín người.

- Cô ơi, cô tiếp ông ấy lâu thế thì làm sao đến lượt chúng tôi hả cô? - Một người đàn ông đến sau cằn nhằn.

- Anh yên tâm, em sẽ tiếp đến người cuối cùng, cho dù lúc ấy là mấy giờ.

Gương mặt của những người chờ đợi giãn ra. Một người đưa cho cô tờ giấy đã ghi tên những người chờ tiếp.

*

Trang cầm cặp hồ sơ sang phòng phó phòng.

- Báo cáo anh, em đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, tổng hợp các nội dung và có ý kiến đề xuất. Em trình anh xem và cho ý kiến chỉ đạo ạ.

- Ừ, để tý anh xem.

Trang để lại cặp hồ sơ trên bàn và đi ra.

Nhiệm vụ của các trợ lý là sau khi thẩm định, phải ghi tóm tắt các giấy tờ chính của hồ sơ, làm căn cứ đề xuất giải quyết chính sách. Trên cơ sở đề xuất của trợ lý, thủ trưởng đơn vị sẽ xem xét, phê duyệt hướng giải quyết, báo cáo cấp trên quyết định. Không phải trường hợp nào cũng “xuôi chèo mát mái”, có những trường hợp phức tạp, có khi phải hội ý cả ban rồi mới đưa ra hướng giải quyết.

Phó phòng Trung là người đã được học qua các trường lớp cơ bản trong quân đội theo quy định, thuộc tuýp người tốt tính, giải quyết công việc nhiệt tình, vô tư, nhưng đôi khi cũng có những trường hợp cứng nhắc đến cực đoan. Trung cũng đã không ít lần cảm thấy ức chế, bực bội khi Trang cứ cố gắng thuyết phục anh chấp nhận giải quyết một bộ hồ sơ nào đó mà theo cô đã đủ điều kiện, trong khi anh chưa cảm thấy yên tâm.

Thực ra thì, cũng có những bộ hồ sơ khi trình thủ trưởng và đưa ra ý kiến đề xuất Trang cũng thấy trong lòng lo lắng, thấp thỏm vì sợ không được ủng hộ. Quan điểm giải quyết công việc của Trang là cố gắng vận dụng những yếu tố có lợi nhất cho đối tượng chính sách. Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm, nhưng vẫn còn những cựu quân nhân, gia đình quân nhân mòn mỏi đi đề nghị chế độ, Trang thấy rất đau lòng, nhất là khi thấy họ có thái độ như cầu xin. Trang xác định mình phải có trách nhiệm để bù đắp những thiệt thòi mà thế hệ cha anh đã cống hiến cho cuộc sống hôm nay. Trừ những trường hợp đã có kết luận rõ ràng của cơ quan an ninh là đầu hàng, phản bội thì kiên quyết không chấp nhận. Còn những trường hợp khác, nếu có ít yếu tố vận dụng thì Trang cũng cố gắng tìm hướng giải quyết trong phạm vi quy định cho phép dù việc giải quyết ấy sẽ rất phức tạp, gian nan. Theo Trang, người thật việc thật mới là quan trọng nhất.

Trang đi ra khỏi phòng thủ trưởng, trong lòng tràn đầy hy vọng vào bộ hồ sơ đã có hướng đề nghị giải quyết chế độ liệt sĩ cho quân nhân Nguyễn Văn Bảy.

Giấy xác nhận của đơn vị được ký, đóng dấu vào thời điểm người hy sinh; nội dung về trường hợp hy sinh rất rõ ràng, chứng tỏ đang làm nhiệm vụ thuộc vùng chiến sự. Không hiểu sao vào thời điểm đó, thủ trưởng đơn vị lại ghi trường hợp hy sinh như vậy, chắc có lẽ ông ấy không thấu hiểu chính sách; với lại, việc học hành đối với cán bộ lãnh đạo người dân tộc trong điều kiện chiến tranh lại càng hạn chế.

- Trang, em không hiểu gì về lịch sử à?

Trung đi sang phòng Trang, thái độ không hài lòng, dằn mạnh chiếc cặp xuống bàn. Trang có chút ngơ ngác.

- Miền Bắc đã giải phóng năm 1954 rồi, làm gì có chuyện Mỹ ném bom Thái Nguyên năm 1965?

- Khi đọc hồ sơ thì em cũng có chút phân vân, nhưng sau khi tra mạng thì thấy nhiều tài liệu nói về sự kiện ấy anh ạ.

- Tin làm sao được mạng. Mạng như cái thùng rác ấy, ai đổ gì vào đấy chẳng được. Em lại lấy thông tin mạng để thẩm định hồ sơ thì anh chịu em đấy. Không đủ điều kiện.

Trung bực bội đi về. Trang ngẩn người ra nghĩ ngợi “Anh ấy nói cũng có lý, cho dù có nhiều bài báo mạng nhắc đến thì vẫn không phải là chứng cứ pháp lý”. Trang nghĩ ngợi một lúc rồi tìm số, gọi điện đến trực ban của Viện lịch sử Quân sự.

- Báo cáo anh, tôi ở cơ quan chính sách Bộ CHQS tỉnh, tôi muốn hỏi thông tin về việc năm 1965 Mỹ có ném bom ra miền Bắc không, để làm căn cứ giải quyết chính sách anh ạ?

- Chị hỏi đúng người rồi đấy.

- Ôi, may quá, anh làm ơn cho em biết thông tin về việc ấy, rồi em sẽ làm công văn sau nhé; cụ thể, địa chỉ bị Mỹ ném bom là Gia Sàng, Bắc Thái anh ạ.

- Chị đợi khoảng 20 phút nhé.

- Vâng ạ, em cảm ơn anh... Xin lỗi, anh cho em biết quý danh được không?

- Tôi tên là Thảo.

Trang thầm cảm ơn người cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm ấy.

Một lúc sau, cô gọi lại.

- A lô... Tôi là…

- Thế này, chị ạ. Giai đoạn năm 1965 cho đến năm 1972, Mỹ nhiều lần ném bom Thái Nguyên để ngăn cản ta đưa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam bằng xe lửa.

- Anh ơi, tài liệu có nhắc đến đơn vị nào ở Thái Nguyên bị ảnh hưởng không?

- Không, chỉ vắn tắt thế thôi.

- Em cảm ơn anh nhiều ạ.

Trang đặt máy, hồ hởi đi sang phòng phó phòng để báo cáo lại thì chợt nghe thấy tiếng vọng ra:

- Chẳng thẩm định kỹ hồ sơ gì cả, cứ thế sang báo cáo. Năm 1965 thì Mỹ nào ném bom miền Bắc, mình mà xuề xòa ký, cấp trên phê bình cho thì muối mặt.

- Chết thật, làm ăn tắc trách thế là cùng. Chú rà soát kỹ giúp anh.

Trang nghe thấy tiếng trưởng phòng đế thêm. Trang liền trở lại phòng ngồi, chưa dám báo cáo ngay.

Trưởng phòng Lành là người mới tiếp cận công tác chính sách người có công, nên việc giải quyết anh thường nghe Trung tham mưu mà ít khi dám đưa ra chính kiến giải quyết.

Một lúc sau, Trang lại đi sang phòng Trung.

- Báo cáo anh, em đã nhờ anh Thảo ở Viện chiến lược Quân sự khảo cứu giúp. Anh Thảo cho biết… (Trang nói lại nội dung Thảo đã trao đổi). Em xin phép anh, thảo công văn gửi sang Viện chiến lược Quân sự để xin ý kiến trả lời bằng văn bản cho có tính pháp lý.

Dường như cảm thấy đuối lý, Trung gạt luôn:

- Không phải công văn, cứ trả lời không đủ điều kiện.

- Nhưng mà...

- Nhưng nhiếc gì, về phòng làm đi, chỉ khỏe cãi.

Trang về phòng, ngồi một lúc, rồi sang trưởng phòng:

- Em xin phép anh báo cáo hồ sơ của quân nhân Nguyễn Văn Bảy ạ.

- Phó phòng đã trao đổi với tôi rồi, cứ đúng ý kiến chỉ đạo của phó phòng mà làm.

- Nhưng mà…

- Chấp hành đi!

Trang buồn bã cầm hồ sơ về phòng. Trong đầu cô chợt nhớ đến khuôn mặt nhân hậu của trưởng phòng cũ, thầm nghĩ, nếu anh ấy còn làm việc, chắc chắn anh ấy sẽ nói “Em làm công văn đi, đưa sang anh ký cho!”. Bất giác, cô thở dài.

Trang nhìn bất động vào bộ hồ sơ. Có nghĩa là cô sẽ phải soạn thảo một công văn, nội dung đại loại là “hồ sơ của quân nhân Nguyễn Văn Bảy không đủ giấy tờ theo quy định, nên cơ quan chính sách Bộ CHQS tỉnh không có căn cứ giải quyết”. Trang đặt tay lên bàn phím mà không gõ được. Trang có cảm giác, dường như các ngón tay mình đang bị đeo đá. Trang chua chát nghĩ “không đủ điều kiện” ư? Hồ sơ không đủ hay là đạo đức của cán bộ làm chính sách không đủ?; “Hay là chờ thêm một thời gian nữa rồi báo cáo lại, biết đâu, lãnh đạo sẽ thay đổi ý kiến?!”. Tuy nhiên, đợi đến hết tuần, Trang vẫn bị phó phòng hét vào mặt: “Cô chống đối ý kiến chỉ đạo của tôi, phải không?”.

*

Trang đến phòng tiếp dân, người cựu chiến binh đang ngồi phệt ngoài cửa vội nhỏm dậy khi nhìn thấy cô. Trang nở một nụ cười buồn.

- Tôi đợi công văn trả lời nhưng chưa thấy, sốt ruột quá nên tôi đến hỏi xem kết quả thế nào?

Trang mở cửa vào phòng. Cả 3 ngồi xuống bàn.

- Cháu xin lỗi, trường hợp của bác Bảy chưa đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ bác ạ.

Người cựu chiến binh buồn hẳn.

- Lúc nãy, nhìn cô, tôi cũng đoán lờ mờ như thế.

Người đàn ông trẻ lúc này mới lên tiếng.

- Có việc này tế nhị một chút, nhưng xin cô đừng chấp. Tôi nói thật, hết bao nhiêu, cô cứ nói để gia đình chúng tôi lo. Thời buổi bây giờ, chẳng ai làm không công đâu cô ạ.

Trang thấy nóng mặt lên.

- Tại sao anh lại nói thế, em có thái độ giống như người vòi tiền hay sao?

- Không… không, chúng tôi không nói cô. Nhưng mà một mình cô cũng không quyết được.

- Tôi chưa bao giờ nhận tiền của bất cứ ai, một xu cũng không anh ạ.

Trang lấy trong cặp ra túi hồ sơ đã nhận.

- Cháu xin gửi lại bác. Gia đình giữ hết các giấy tờ còn lại nhé; chính sách còn thay đổi, biết đâu, sau này sẽ làm được.

Người cựu chiến binh sụt sịt.

- Khi mẹ tôi mất, bà dặn lại, phải “đi đòi danh dự cho em”. Có lẽ, cả đời tôi sẽ không bao giờ đòi được nữa đâu cô ạ, tôi đã hơn 80 rồi.

Trang cũng ngậm ngùi.

- Bác đừng hết hy vọng, biết đâu sau này…

- Không có sau này đâu cô ạ. Cô không làm được thì chắc người khác cũng chẳng làm cho đâu.

- Không, bác ạ. Chính sách còn nhiều thay đổi mà. Cuộc sống rồi sẽ tốt hơn, mong bác hãy tin như vậy.

Người cựu chiến binh già nặng nề đứng dậy cùng với người con đi ra cửa. Bước đi tập tễnh của người cha, bên cạnh người con cứ xa dần. Trang thấy một nỗi buồn sâu lắng tràn ngập tâm hồn cô… Và sau đó, không bao giờ Trang thấy họ trở lại nữa.

*

“Đây là ga Lưu Xá, tại nơi này đã có rất nhiều bộ đội và thanh niên xung phong hy sinh, họ đã hóa vào non sông, đất nước”.

Tiếng cô gái hướng dẫn viên vẫn ngọt ngào, xúc cảm. Trang thầm nghĩ: Đúng là họ đã hóa vào non sông đất nước. Quân nhân Nguyễn Văn Bảy và không ít người khác đã không thể tìm thấy thi thể, người thân không thể tìm thấy giấy tờ để chứng minh với cơ quan chức năng là họ đã hy sinh vì nhiệm vụ. Và cũng có trường hợp, họ không được suy tôn liệt sĩ bởi còn có đâu đó những cán bộ chức trách quan liêu, sợ trách nhiệm. Nhưng anh linh của những người đã ngã xuống sẽ sống mãi với Tổ quốc, với nhân dân, với những người thân và cả Trang nữa.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm