TIN TỨC
  • Truyện
  • Năm tôi mười sáu tuổi - Truyện ngắn của Cao Chiến

Năm tôi mười sáu tuổi - Truyện ngắn của Cao Chiến

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-05-14 15:55:16
mail facebook google pos stwis
1142 lượt xem

Ba tôi gốc gác ở An Xuân nhưng rời xa từ nhỏ, mẹ thì ở Tuy Hòa. Đấy là nơi chôn nhau cắt rún của hai người. Sau năm bảy lăm (1975), một người học ở Cần Thơ, một người học ở Sài Gòn, trong một lần nghỉ hè về quê, trên chuyến tàu định mệnh, họ gặp nhau và sau này nên duyên vợ chồng, lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, như người ta vẫn nói, là hòn ngọc của Viễn Đông. Tôi được sinh ra và lớn lên ở đây. Như hầu hết đám bạn cùng lớp, tôi chả biết gì về nơi người lớn gọi là quê.

Nhà văn Cao Chiến

Năm ấy tôi 16 tuổi!

Một buổi sáng, lúc tôi ôm cặp sách, chào mẹ đi học, thì bà đột ngột nói: “Hè này con sẽ theo ba về quê!” Nghe thế, tôi chẳng có phản ứng gì. Tối cũng chẳng hỏi lại. Hôm sau nữa thì quên. Tôi nói quên, nghe phũ, nhưng sự thật là vậy. Đây không phải lần đầu mẹ bảo cho tôi đi chơi. Nhưng nói xong rồi lại để đó. Vấn đề chính, như có lần mẹ buột miệng, là khó khăn về tiền. Ba mẹ tôi làm công ăn lương, chẳng dư dả gì, còn tôi học bán trú. Mỗi năm học trò đều có ba tháng hè, một tháng không phải rờ đến sách vở đã là may lắm, thời gian còn lại phải đi học thêm, phải chuẩn bị đủ thứ cho năm học tới. Trong một tháng ngắn ngủi ấy, nếu không đi đâu hoặc làm gì, thì mọi thứ coi như chấm hết. Đám bạn ở lớp, chúng được cha mẹ cho đi Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, có đứa như cái Hiền còn đi Sing, Úc. Hết hè, gặp lại nhau, nghe chúng kể chuyện phát thèm. Tôi không có ý trách ba mẹ, bởi hoàn cảnh nhà mình như thế thì phải chấp nhận, nhưng trong thâm tâm nhiều lúc thấy buồn ghê gớm.

Ba tôi gốc gác ở An Xuân nhưng rời xa từ nhỏ, mẹ thì ở Tuy Hòa. Đấy là nơi chôn nhau cắt rún của hai người. Sau năm bảy lăm (1975), một người học ở Cần Thơ, một người học ở Sài Gòn, trong một lần nghỉ hè về quê, trên chuyến tàu định mệnh, họ gặp nhau và sau này nên duyên vợ chồng, lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, như người ta vẫn nói, là hòn ngọc của Viễn Đông. Tôi được sinh ra và lớn lên ở đây. Như hầu hết đám bạn cùng lớp, tôi chả biết gì về nơi người lớn gọi là quê. Cái Hiền, chảnh nhất lớp, ba mẹ ở miền ngoài, hỏi quê đâu, nó cũng bảo Sài Gòn. “Quê là cái gì? Người ta sanh ra ở đâu thì quê đó, thằng Ngọc nhà mình sanh ở Sài Gòn, thì nó quê Sài Gòn!” Một lần, tôi nghe mẹ nói với ba, giọng hơi gắt, rõ ràng là có ý bênh vực con. Ba cười, không cãi lại, trên gương mặt thoáng một chút ưu tư. Chẳng biết lúc ấy ba nghĩ gì.   

Vậy là, tôi được theo ba về quê. Cũng là mùa hè đầu tiên tôi có một chuyến đi xa. Người bận rộn và lo lắng nhất là mẹ. Từ vài ngày trước tôi đã thấy bà tất bật, mua thứ này thứ kia, sắp đồ cho hai cha con. Sự bận rộn và lo lắng của mẹ làm ba ái ngại. Nhiều lần ba đi công tác, tôi thấy ông tống ào ào mấy bộ đồ vào túi, kéo khóa rẹt cái là xong. Mà có phải đi ngắn đâu, vài ngày, có khi vài tuần. Những lần ấy, tôi chẳng thấy mẹ bận rộn như lần này. “Ba mày là chân chạy, đi thế quen rồi!” Có lần bà bảo tôi. Trước ngày lên đường, ba nói với mẹ, giọng chắc nịch:

-Cha con tui đi một tuần!

-Làm gì mà một tuần, ngày đi, ngày về, ngày ở chơi nữa là ba, ở quê có khi nửa ngày đã chán chứ đừng nói một tuần! – Mẹ tôi phản ứng. Nghe thế, ba chỉ cười. Vé tàu mua rồi. Bữa trước, mẹ bảo một tuần hơi ngắn. Thế mà bữa nay, vẫn là mẹ, lại bảo gì mà một tuần. Mắc cười thật đấy!    

Thật sự, tôi rất háo hức với chuyến đi. Không chỉ vì đây là lần đầu tiên tôi được đi xa, mà còn có một lý do khác, tôi không thể cho người lớn biết. Ở lớp, có nhiều cặp yêu nhau. Tôi thì chưa gì. Mặc dù, trong đám con gái, cái Hiền “chảnh” tỏ ra cảm tình với tôi. Hôm rồi, lúc cả lớp chụp hình lưu niệm, tình cờ tôi đứng ngay sau nó. Tôi nhìn đôi vành tai con gái hồng hồng và cảm thấy rất thích thú. Bất giác cái Hiền quay đầu lại. Hẳn nó đã phát hiện việc bị tôi nhìn trộm. Tôi bối rối, lúc ấy chỉ muốn độn thổ. Nhưng cái Hiền vờ như không biết. Nó cười, hai lúm đồng tiền cũng cười. “Hết hè Ngọc phải kể cho Hiền nghe đã đi những đâu nhé!” Nó bảo tôi. Tôi gật, thầm cảm ơn sự tế nhị của nó, nhưng trong bụng thì lo ghê gớm. Nhiều kỳ nghỉ hè đã trôi qua mà tôi đã đi xa bao giờ. Tôi đã quá quen với những kỳ nghỉ hè không có hè, nên lần này, dù là về quê với ba, tâm trạng tôi vẫn hết sức tốt.  

Trong khi má càm ràm với ba thì hai mắt tôi díp lại. Tôi để mặc người lớn nói chuyện còn mình thì lăn vào giường. Nhưng một điều lạ lùng, có thể là kỳ quặc nữa, đã xảy ra. Tôi không buồn ngủ nữa. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh đôi vành tai hồng hồng với cái má lúm của cái Hiền. Hè này có lẽ nó được cha mẹ cho đi Nhật hay Canada. Tôi lại nghĩ, vùng đất nơi mình sắp đến hẳn vô cùng đẹp và lạ lẫm, tôi sẽ có nhiều thứ bất ngờ dành cho cái Hiền. Tôi tưởng thấy cảnh sân trường ngập trong lá khô sau hè bỗng vỡ òa ra, không chỉ cái Hiền mà cả những đứa khác sẽ trố mắt kinh ngạc. Tôi không còn lép vế, phải hóng chuyện những đứa khác, trong khi mình chả có gì. “Ngày mai..!” Tôi lẩm bẩm như người nói mớ. “Ngọc hồi hộp phải không, mẹ cũng hồi hộp, con bảo ba về sớm sớm nhé!” Tôi nghe loáng thoáng tiếng mẹ, và trôi vào giấc ngủ.      

Cuộc hành trình bằng xe lửa diễn ra vào hôm sau. Qua Biên Hòa, Mương Mán, Phan Rang Tháp Chàm, Nha Trang, đến Tuy Hòa, từ đấy đi một chặng chừng ba chục cây số qua Chí Thạnh vào An Xuân. Suốt cuộc đi, tôi không ngớt hỏi ba về người và cảnh vật ở trong quê, nhưng đáp lại sự nôn nóng của tôi thì ba chỉ ậm ừ cho qua chuyện. “Rồi con sẽ thấy!” Ba bảo tôi. Tôi giữ nguyên tâm trạng hồi hộp và háo hức như thế cho đến khi về tới An Xuân. Quê hương, nơi chôn nhau cắt rún của ba là đây ư, thật không tin nổi. Bốn phía, đâu cũng rừng và gai góc, buồn tẻ đến mức người run lên. Tôi sẽ kể với cái Hiền về chuyến đi xa đầu đời của mình như thế nào. Bỗng nhiên tôi nhận ra mẹ có lý. Tôi muốn trở về nhà ngay lập tức. Tôi đưa mắt nhìn ba, nghĩ trong bụng chắc ba cũng thất vọng lắm. Nhưng tôi đã lầm to. Trên gương mặt người đàn ông không còn chút ưu tư nào. Ba trở nên hoạt bát và nhanh nhẹn khác thường. Những sải chân như dài hơn, đã thế còn vừa đi vừa hát vung vít. Tôi hết sức kinh ngạc. Chưa bao giờ tôi nghe ông hát. Có lần mẹ bảo ba mày hát hay lắm, nhưng vợ con rồi thì bỏ luôn không hát nữa, thế mà về đây ba lại hát. Thật không thể hiểu nổi người lớn!

Hai cha con tôi ở nhà ông Bảy, chú ruột của ba. Thời chiến tranh, ông Bảy thoát ly, tham gia đội võ trang của tỉnh. Tụi ác ôn, những kẻ có nợ máu với nhân dân, nghe tên ông Bảy là hãi. Chúng ra giá, treo đầu ông mấy triệu bạc. Mấy triệu lúc ấy lớn lắm, chẳng biết bao nhiêu cây vàng. Ông Bảy cười, bảo mọi người: “Tôi có mệnh hệ gì, anh em cứ chặt đầu đem nộp lấy thưởng, mua súng chơi tiếp với tụi nó!” Ông Ba, là anh ruột ông Bảy, ở lại quê, chỉ huy đội du kích, tụi địch cũng rao giá, treo đầu mấy triệu. Phú Yên là nơi ác liệt. Ngày, là lính quốc gia. Sau này là lính Hàn. Đêm, là du kích. Tụi địch làm đủ mọi cách vẫn không bình định được. Pháo kích bất tử. Động chút là nã pháo. Có nơi, tối dân phải ra ngủ ngoài đảo. Ban ngày, lại về làm ăn. Khoảng cuối năm sáu mươi đầu sáu mốt, ba tôi chừng năm, sáu tuổi, cũng như nhiều con em miền Nam khi đó, để rảnh tay đánh giặc, ông Ba cho ra miền Bắc, theo đường giao liên. Hai người em sau còn quá nhỏ nên ở lại, một người bị pháo chết, một người tôi gọi là cô Út, hiện ở Tuy Hòa.  

Ông Bảy ngoài sáu mươi nhưng khỏe lắm, da dẻ, tay chân vâm váp, tóc không một sợi bạc. Chả bù cho ba tôi. Mái tóc chỗ đen chỗ trắng. Vì trời đã tối, cái máy phát điện lại hỏng, nên ông Bảy đốt một cây đèn măng-xông, treo lên. Mọi người đến rất đông, ngồi đầy cái sân gạch. Ở quê, khách của nhà này cũng là khách của nhà kia. Ai cũng có nghĩa vụ chào hỏi, nếu không muốn bị mang tiếng xấu là thiếu tình làng xóm. Ba dắt tôi đi chào khắp một lượt. Tôi mệt rã rời nhưng thấy ba vui thì cũng tự cảm thấy hài lòng với mình. Chào hỏi vừa dứt thì ông Bảy lôi ba đi. Chưa bao giờ tôi thấy màn uống rùng rợn như lúc này. Ly này chưa dứt đã tiếp ngay ly khác. Tôi thoáng lo lắng, uống kiểu này chắc ba chết mất. Nhưng thật lạ lùng, ba tôi vẫn đứng vững. Cứ sau mỗi ly, không chỉ ba, mà mọi người đều vậy, lại “khà” một tiếng đầy thích thú. Thoáng chốc, can rượu chục lít đã cạn quá nửa. Tôi giật thót khi ông Bảy đưa ly cho mình.

-Đàn ông phải can trường! - Ông bảo tôi. Ở nhà, tôi chưa từng uống rượu. Tôi đưa mắt cầu cứu về phía ba.

-Không sao đâu! - Ba cười, giọng đầy khích lệ. Tôi ngửa cổ uống cạn ly rượu.

-Chui cha, đúng là cha nào con nấy! - Ông Bảy buột miệng khen. Ba tôi cười to thành tiếng. Bất giác tôi cũng cười. Lúc ấy, nếu ông Bảy rót ly nữa, chắc chắn tôi cũng sẽ uống cạn.

Mọi việc kết thúc suôn sẻ. “Mai ta đi thăm mộ ông!” Ba tôi nói líu ríu rồi lăn ra ngủ luôn. Tối nay ba đã uống quá nhiều. Tôi không ngủ được. Tự nhiên, tôi cảm thấy tâm trạng trống trải. Nếu ở nhà, lúc này tôi có thể đọc sách, hoặc làm một việc gì đấy. Nhưng ở đây thì thua. Tiếng côn trùng, tiếng gió, tiếng sương lộp độp ngoài vườn, tiếng đập cánh mơ hồ của con chim ăn đêm nào đấy, tất cả mớ âm thanh hỗn độn ấy quyện vào nhau, cùng tấu lên, dai dẳng và buồn vô cùng. Nhiều người hay nhắc đến khúc nhạc đồng quê, chẳng biết đây có phải là khúc nhạc ấy không.

Tôi thức giấc khi trời đã sáng rõ. Tôi nằm nướng thêm chút nữa. Ở nhà, vào những ngày nghỉ, tôi có thể nằm lỳ đến trưa. Có bữa, mẹ phải vào tận giường năn nỉ tôi mới chịu dậy ăn cơm. Đập vào mắt tôi lúc này là cái đồng hồ quả lắc có sợi dây xích dài lòng thòng. Tôi nhìn nó trừng trừng. Một gã tí hon bỗng đẩy bật cửa sổ phía trên con lắc vung tay nện liền tám tiếng, rồi đóng sập lại. Bất giác tôi đưa mắt nhìn sang bên cạnh. Ba tôi đã dậy từ lúc nào. Đây không phải nhà mình. Tôi định thần lại và vùng khỏi giường.

Ba tôi đang ngồi uống nước với ông Bảy. Cái bàn nhỏ đặt bên cây mít tố nữ, ôi chao, trái gì mà nhiều, như bầy heo bò lổm ngổm từ gốc lên tận ngọn. Lát sau ông Chín, vợ chồng ông Mười ở Tuy Hòa cũng vào.

-Anh Sáu không về à? - Ông Bảy hỏi ông Mười.

-Anh Sáu còn ghé Chí Thạnh! - Ông Mười đáp.

Để tôi nói thêm một chút. Ở Chí Thạnh, ông Sáu có người ân nhân, là cán bộ cơ sở. Thời kháng chiến, một tối đi công tác ông ngủ ở đấy. Địch có mật báo nên tổ chức vây ráp. Chúng rọi đèn, bắc loa gọi hàng. Tình thế vô cùng cấp bách. Ông Sáu không muốn cơ sở của mình bị liên lụy, liền bảo: “Anh để tôi đi!” Đi, là đồng nghĩa với chết. Người cán bộ cơ sở, cũng là bạn ông Sáu, biết rõ điều này. Cách mạng cần anh Sáu. Hơn nữa, mình là chủ nhà. Nghĩ thế, người cán bộ cơ sở bảo:

-Anh đang ở trong nhà tui mà! - Nói rồi lập tức chạy lao ra. Súng nồ. Người cán bộ cơ sở gục xuống. Hẳn hồn thiêng người bạn đã cứu thoát ông Sáu. Lúc tụi địch sục vô nhà, ông Sáu đứng ngay phía sau cánh cửa mà chúng chẳng thấy. Sau năm bảy lăm, năm nào ông Sáu cũng về Chí Thạnh đốt nhang cho ân nhân.

Bà Mười dáng rất đẹp, cao ráo, nhưng mặt, tay chân, đen như bị nhuộm. Ông Chín lại trắng bất thường. Ba tôi bảo, bà Mười bị tụi địch bắt vì có người yêu, là ông Mười, đi du kích. Chúng nhốt bà vào cũi đem phơi giữa sân đồn. Cứ thế, ngày phơi nắng, đêm phơi sương, nắng miền Trung chang chang, bà Mười ngất xỉu, chúng lại giội nước cho tỉnh, phơi tiếp. Ở trên núi, ông Tám ông Mười tức ói máu, quyết một phen ăn thua đủ với chúng. Những người khác cũng quyết tử. Trước ngày hành động, giữa đêm sương lạnh, do địch sơ hở nên bà Mười trốn thoát, bằng không thì ông Mười và những người khác đã cầm chắc chết. Ông Chín không đi thoát ly, sợ bị bắt quân dịch nên đào hầm trốn dưới đất, năm bảy lăm mới chui lên.

Uống nước xong, mọi người đi thăm mộ người thân. Ông Bảy và ba tôi đi trước. Ông Chín, vợ chồng ông Mười và vài người nữa đi khúc giữa. Tôi đi cuối. Có chừng hơn chục ngôi mộ, chôn thành dãy dài. Ông Ba nằm bên ông bà cố nội, bà Bảy, ông Tám. Ông cố nội bị địch giết vì tội con đi tập kết và nhảy núi hết. Ông Tám là liệt sĩ, lẽ ra chôn ở nghĩa trang nhưng ông Bảy đưa về đây để gia đình xum họp. Bà cố nội, bà nội, bà Bảy, lúc ấy đang có bầu, một người em của ba tôi, chết cùng một ngày. Bữa ấy giặc càn, du kích rút lên núi. Một quả cối rót trúng hầm mấy bà cháu. Nửa đêm, nhận được tin dữ, ông Ba từ núi băng về, ông Bảy ở chủ lực tỉnh cũng về. Nhưng tất cả những gì còn lại chỉ là những xác chết đẫm máu. Các con ông Bảy, trong đó có chú Huy, giờ đang ở với cha, bữa ấy trú ở hầm khác không chết. Sau này, ông Ba, ông Bảy, có những người đàn bà muốn gá nghĩa nhưng cả hai quyết ở vậy. Núi rừng mênh mông bát ngát. Khu mộ lớn trông lọt thỏm. Ông Bảy đi chậm rãi, qua từng ngôi mộ. Tôi nghe ông gọi tên từng người dưới đất, giọng vô cùng trang nghiêm, thành kính. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn buồn thế nào.

Đội hình lúc rời khỏi khu mộ thay đổi chút ít. Ông Bảy vẫn đi đầu, cùng với ông Chín. Ở khúc giữa là bà Mười với mấy người. Khóa đuôi là ông Mười và cha con tôi. Tôi cố tình đi sát vào bên người ba, chẳng phải để tranh giành với ông Mười, mà vì tôi sợ. Suốt từ chiều tối qua đến giờ, tôi có một cảm giác rất lạ, như có ai theo dõi mình. Hai người, ông Mười và ba tôi, vừa đi vừa rì rầm. Ông Mười bảo ông nội muốn ba mẹ tôi về quê làm ăn nhưng hai người lại chọn Sài Gòn nên ông giận, thậm chí lúc sắp chết, không thèm nhắc tới các con. Nghe ông Mười nói thế, tôi định cãi nhưng chẳng hiểu sao, cũng như ba, lại giữ thái độ im lặng. Tôi biết ông Mười chỉ đúng một nửa, có khi chưa được một nửa. Lúc ông nội bệnh nặng cô Út ở Tuy Hòa gọi điện cho ba. Mẹ là người nghe điện và thu xếp gấp để ba về. Nhưng ba đã không về kịp. Tàu xe đâu phải lúc nào cũng chiều theo ý mình. Cô Út sau đấy gọi nữa, bảo trước khi đi, ông hỏi cô anh mày ở Sài Gòn về chưa. “Mọi thứ đều qua rồi!” - Ba tôi nói với ông Mười, giọng run run.

Hai người đi vượt lên. Tôi để mặc họ, người lớn có nhiều thứ để nói với nhau. Với tôi, điều quan tâm nhất bây giờ là mình sẽ có gì kể cho cái Hiền. Nóng khô, ran ran. Hai bên đường, cỏ cây cụp hết lá. Không một tiếng chim hót, thậm chí cả gió, cũng bị thế lực siêu nhiên nhốt lại. Có cảm giác dường như chẳng hề có bất cứ dấu hiệu nào của sự sống đang tồn tại ở nơi đây. “Nắng sớm mai nhè nhẹ in cây lá/lá non bên lá non/sương long lanh cành táo chín thơm ngon/thơm ngon/mùa xuân về em nhớ Tây Nguyên bao la..!” Giữa không gian thinh lặng bất chợt vang lên tiếng hát lảnh lót. Tôi nhìn quanh và phát hiện ra người hát. Đó là một đứa con gái trạc tuổi tôi, đang ngồi vắt vẻo trên cây mù u. Nó mặc cái áo hoa cà màu tím, ống quần bị vo lên, để lộ ra đôi bắp chân trắng hồng. Nó không hề bối rối như tôi tưởng. Bất giác tôi nhận ra gương mặt đứa con gái hao hao giống cái Hiền, có lẽ chính sự phát hiện này đã cho tôi cảm giác thân thiện. Nó buông người xuống tiến về phía tôi.

-Tớ tên Hoài, còn cậu là Ngọc, cháu ông Bảy, ở Sài Gòn mới ra đây phải hôn, tớ biết tên cậu từ hôm qua! - Đứa con gái nói rất tự nhiên. Giọng nó trong vắt, những âm cuối vút lên, nghe ríu rít như tiếng chim. Tôi thoáng ngạc nhiên, không hề cảm thấy khó chịu.

-Cậu hát hay lắm! - Tôi buột miệng, nói bâng quơ.

Bài hát Mùa xuân em nhớ Tây Nguyên ba mẹ tôi rất mê. Những khi tình cờ thấy ca sĩ hát trên ti-vi thì dù lúc ấy đang làm gì hai người cũng bỏ hết, coi xong mới thôi. Tôi cũng thích bài này, chẳng hiểu tại sao nữa. Nhưng đám ở lớp thì khác. Hầu như chẳng đứa nào biết, hoặc biết nhưng không hát. Cái Hiền, có lần thấy tôi hát, nó chê hoài cổ.

-Tớ hát lại nhé! – Cái Hoài bảo tôi, hai mắt lấp lánh.

-Ừ! - Tôi gật.

Hình như cái Hoài chỉ chờ có thế. Nó leo phứt lên cây mù u, chính là cái cây ban nãy, ngồi vắt vẻo giữa chạc ba. Tôi trố mắt, định hỏi cậu làm gì đấy nhưng chưa kịp mở miệng thì nó đã cất tiếng hát. Giọng ca lanh lảnh, ngân cao vút. Nó vừa hát vừa đung đưa chân. Tôi đan những ngón tay vào nhau cố kìm đi sự xúc động đang dâng dào dạt trong lòng.

-Sao phải trèo lên cây? Đứng dưới đất không hát được à? - Tôi hỏi cái Hoài, sau khi nó hát xong.

-Phải ngồi trên cành cây tớ mới hát được! – Cái Hoài cười. Bất giác tôi cũng cười. Có lẽ, tôi là người duy nhất trên thế gian này được nghe ca sĩ hát trên cành cây.

Chỉ sau một bài hát, tôi với cái Hoài đã thành bạn. Hoài bảo, từ bé tới giờ mới biết Tuy Hòa, nó mơ một lần được đến Sài Gòn, hòn ngọc của Viễn Đông. Tôi hơn gì cái Hoài. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời đi xa. Tôi định nói với cái Hoài điều này nhưng kịp dừng lại. Dân Sài Gòn lại mở miệng bảo chưa đi đâu bao giờ thì dở quá, ai tin! Để giấu bớt đi sự kém cỏi, tôi kể cho cái Hoài nghe về Sài Gòn. Những gì tôi biết, cả những thứ biết qua người khác, hoặc qua sách báo, tuốt tuột cứ xuất hiện trong đầu là tuôn ra luôn. Tôi cảm thấy ngạc nhiên về chính mình. Chưa bao giờ tôi thấy mình nói chuyện có duyên như lúc này. Hai mắt cái Hoài tròn xoe. Có cảm giác không phải nó đang nghe, mà là đang nuốt từng lời câu chuyện của tôi về Sài Gòn hoa lệ.

-Chẳng biết bao giờ tớ mới được đến Sài Gòn! - Cái Hoài bảo tôi, giọng buồn buồn.

-Tớ về đây! - Tôi bảo Hoài, khi hai đứa gần tới nhà ông Bảy.

-Đi chơi sông Ngân không? - Cái Hoài đột ngột hỏi.

-Sông Ngân à, tên đẹp nhỉ! - Tôi buột miệng.

-Chiều nay nhé! - Hoài hẹn.

-Ừ chiều nay! - Tôi cười, ngoéo tay nó. Tôi bỗng phát hiện ra một bí mật, bàn tay cái Hoài rất mềm và ấm.

Chú Huy và cô Út ở Tuy Hòa đã về. Ăn trưa xong, chú Huy rủ tôi đi săn. Chú có khẩu súng săn hai nòng của Mỹ, nhìn là mê ngay. Tôi cảm thấy rất háo hức, gì chứ đi săn thì tôi dám cá ở lớp chẳng đứa nào có được dịp may ấy. Nhưng tôi thoáng lưỡng lự. Tôi đã hứa đi chơi sông Ngân với cái Hoài. Tôi chưa từng lỗi hẹn với ai. Nhưng chả lẽ lại bảo chú Huy ơi cháu không đi đâu vì đã hứa với cái Hoài, nói thế chú ấy cười chết. Rốt cuộc tôi quyết định đi với chú Huy. Tôi sẽ xin lỗi cái Hoài, chắc nó chẳng giận đâu. Hai chú cháu đi săn đến chiều tối. Chuyến đi nói chung thú vị, nhưng chẳng bắn được gì. Tôi bắn vài phát vu vơ. Chú Huy cũng thế.

Ba tôi ngồi nói chuyện với cô Út. Từ ngày ông nội chết, bữa nay ba mới gặp lại cô. “Ông bảo bốn, năm tuổi anh đã xa nhà, má chết cũng không được gặp, ông muốn anh về đây để được thay má chăm sóc nhưng anh không chịu nên ông giận!” Tôi nghe loáng thoáng tiếng cô Út nói với ba. Hai anh em cùng suỵt soạt. Cô ở chơi một tối, hôm sau lại về Tuy Hòa. Cô đang đi làm nên không nghỉ được. Chú Huy xung phong đưa cô đi.

Tôi sẽ có buổi sáng, thậm chí nguyên một ngày rảnh rỗi. Tôi quyết định sẽ đi tìm cái Hoài. Tôi đi trở lại con đường ra khu mộ, khi thấy cây mù u thì dừng lại. Tôi hy vọng sẽ gặp cái Hoài ở đây. Nhưng cái Hoài đã không xuất hiện. Buổi chiều, vì chẳng biết đi đâu và làm gì, tôi lại tới chỗ cây mù u. Tôi phát hiện ra cái Hoài đang ngồi vắt vẻo ở đấy. “Hoài ơi!” - Tôi gọi, giọng run run. Cái Hoài tuột khỏi cành cây xuống đất. Nó nhìn ngơ ngác một hồi rồi quay lưng bỏ vào bên trong khu vườn. Có lẽ lúc ấy tôi đứng hơi khuất bụi cây nên cái Hoài không thấy. Tôi muốn gọi nữa, nhưng chẳng hiểu tại sao, lại thôi.

Tôi chưa bao giờ thất hứa với ai, cũng không thích người khác thất hứa với mình. Một lần, cái Hiền rủ tôi đi coi phim. Vài đứa ở lớp đã xem và khen hay. Tôi đến đúng hẹn, chờ qua suất chiếu vẫn chẳng thấy nó. Hôm sau cái Hiền gặp tôi xin lỗi. Nó bảo có người cậu ở nước ngoài về chơi nên phải ở nhà phụ nấu nướng. Tôi hết giận cái Hiền luôn. Hôm qua tôi đã thất hứa với cái Hoài. Tôi rất muốn gặp nó để xin lỗi. Người ở quê mộc mạc, thất hứa một lần coi như thất hứa cả đời. Suốt ngày hôm ấy, trong đầu tôi chỉ luẩn quẩn một ý nghĩ phải gặp bằng được cái Hoài. Tôi phải xin lỗi nó!  

Tối, chú Huy ở Tuy Hòa về. Chú huýt sáo ầm ĩ từ ngoài đường. Lát sau lại gân cổ hát. Nhà ông Bảy có cái ti-vi. Máy nổ đã hỏng mấy bữa nay, nên có thì cũng như không. Tôi lấy mấy tờ báo má bọc đồ vuốt phẳng phiu rồi đọc ngấu nghiến. Ở nhà, chưa khi nào tôi đọc hết một bài báo, thế mà ở đây, tôi đã đọc cả tờ báo, mà đọc một cách say sưa. Có cảm giác, đêm ở quê dài và sâu hơn ở thành phố. Bắt đầu là từ gió. Từ một nơi rất xa, những cơn gió ngậm đầy sương ào ạt thổi tới. Cùng với gió là khúc ca của côn trùng. Ở thành phố, khoảng lặng của khúc ca không rõ ràng lắm, nhưng ở đây, khi khúc ca lắng xuống, có thể cảm nhận được ngay lập tức sự im lặng gần như tuyệt đối, đưa sự sống về thời hồng hoang. Có lúc, khi khúc ca côn trùng rơi vào khoảng lặng, bất chợt tôi nhớ cái Hiền. Chắc nó đang vi vu ở nước ngoài. Ít ngày tới, trở lại thành phố, nhất định tôi sẽ gọi cho Hiền. Người như nó, ở vào hoàn cảnh như tôi, nửa ngày là chết chắc rồi.

Tôi dậy sớm. Khác với hôm trước, ba, ông Bảy, chú Huy vẫn ngủ tít. Hẳn hồi đêm mọi người thức khuya. Tôi đi về hướng cây mù u. Từ xa tôi đã thấy cái Hoài. Nó đang đi ngược lại về phía tôi.

-Tớ xin lỗi Hoài! - Vừa giáp mặt nó tôi nói luôn.

-Tớ xin lỗi Ngọc! - Cái Hoài bỗng ấp úng.

-Cậu sai gì mà xin lỗi? – Tôi không giấu nổi ngạc nhiên, hỏi lại.

-Hôm qua tớ biết cậu đứng sau lùm cây nhưng lại bỏ đi, giả bộ không thấy! - Cái Hoài nói, bật cười khanh khách. Tôi cũng cười vang.

Hai ngày liên tiếp, tôi với cái Hoài đi khám phá sông Ngân. Vẻ đẹp hoang dã nơi đây cuốn hút tôi. Lau sậy ngút ngàn, mỗi khi gió thổi lại ngân lên khúc ca xao xuyến. Bướm bay rợp mặt sông. Chưa bao giờ tôi thấy bướm nhiều như thế.

-Không đâu đẹp bằng sông Ngân! - Hoài nói, giọng đầy tự tin.

-Ừ, đẹp dã man luôn! –Tôi nói, rất thật lòng. Ở Sài Gòn không ai không biết Đầm Sen. Đám lớp tôi thường đến đấy. Nếu tôi không đi với cái Hoài, thực mục sở thị sông Ngân, thì có lẽ tôi đã nói Đầm Sen ở Sài Gòn là đẹp nhất.

-Cảm ơn Ngọc! - Giọng cái Hoài run run, xúc động.

Tôi với cái Hoài đi vào trong núi. Nó đi rất nhanh, đôi bắp chân loang loáng. Tôi thì thở ra lỗ tai. Đang đi ào ào, bỗng cái Hoài đứng sựng lại, đưa mắt nhìn quanh. Ánh nhìn của nó trông rất lạ.

-Ngọc gọi à? - Hoài hỏi tôi. Thấy tôi lắc, nó lại đi tiếp. Sau khi đi băng qua một trảng cỏ lớn, hai đứa nghỉ xả hơi. Hoài lùa chân vào trong cỏ. Tôi bắt chước lùa theo. Đột nhiên người cái Hoài run bắn, run đến độ tôi phải chụp tay nó nắm chặt lại.

-Cậu sao thế? - Tôi ngạc nhiên hỏi.

-Có người gọi mình! - Cái Hoài thầm thì như sợ bị nghe trộm. Nói thật, đột nhiên tôi cảm thấy sợ. Nỗi sợ vô hình trùm lên, khiến da dẻ tay chân rờn rợn. Nhưng tôi đã kịp trấn tĩnh lại. Tôi nghển cổ nhìn quanh. Chẳng có ai, cũng chẳng có gì bất thường.

-Cậu đi nhanh quá, ù tai nên tưởng vậy thôi! - Tôi bảo cái Hoài, cũng là tự trấn an mình. Cái Hoài tĩnh tâm lại. Nó cười bối rối. Rồi hối hả giục tôi về.  

Hai đứa chạy ào ào. Phía trước có một rãnh cỏ. Thay vì đi vòng, tôi với Hoài cá nhau nhảy qua. Tôi lấy đà nhảy một phát. Đến lượt Hoài, nó có vẻ hơi ngập ngừng. “Bụp!” Nó vừa nhảy, đã bay luôn xuống rãnh. Lùng bùng một lúc không rút chân lên được. Nó rối rít gọi tôi. Tôi giúp Hoài rút chân khỏi rãnh cỏ. Bỗng nó la thất thanh, tay chỉ lia lịa. Dưới đáy hố, như từ trong cổ tích, hiện ra một khẩu súng. Khẩu súng hẳn đã bị vùi ở đây lâu rồi. Cái báng gỗ nứt toác, nhưng phần kim loại vẫn tốt. Chà đi chà lại một hồi, màu thép sáng bóng trở lại. Hai đứa vác chiến lợi phẩm, thỉnh thoảng đổi cho nhau, đi rất hùng dũng.

Ông Bảy tỏ vẻ hoan hỉ khi nhận cây súng. Mấy người hàng xóm cũng chạy qua. Người lớn ở đây hầu hết đều đi qua chiến tranh. Cây súng cũ gợi lại trong họ những kỷ niệm. Ông Bảy đưa tay rờ rờ, đột nhiên “À” một tiếng, hai mắt chớp lia lịa. Mọi tiếng ồn ào bỗng im bặt. Tôi linh cảm sắp xảy ra một việc hệ trọng.

-Mày kêu ông Mười lại đây cho tao! - Ông Bảy ra lệnh cho chú Huy. Ông Mười lúc ấy đang làm gì sau nhà, nghe chú Huy gọi lập tức xuất hiện. Ông cầm khẩu súng, lật qua lật lại một hồi. Rồi ấn ngón tay vào dưới bọng súng, chỉ cho mọi người thấy một chữ “T” rất nhỏ cẩn chìm ở đó, trầm giọng:

-Súng này của anh Tám!

-Chú Tám ơi! - Ông Bảy kêu lên, bật khóc thành tiếng.

Ông Mười kể, bữa ấy có tin địch đánh vào, chỉ huy lệnh cho anh em sẵn sàng chiến đấu. Không khí rất khẩn trương. Sau khi đã ngụy trang trận địa, mọi người tranh thủ nghỉ lấy sức. Ông Tám không nghỉ, cứ hí hoáy làm gì. Ông Mười thấy lạ lại coi. Trời đất, hóa ra ông Tám đang khắc tên vào súng.

-Anh làm thế làm gì? – Ông Mười hỏi.

-Để lỡ có lạc đâu mọi người biết mà tìm! - Ông Tám cười.

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Ông Tám bị thương nặng, không chịu rời vị trí. Ông ra hiệu anh em lui về phía sau, còn mình cầm cự cản địch. Tiếng súng thưa dần. Ông Tám lăn mấy vòng rồi nằm im. Máu ra nhiều làm ông kiệt sức. Địch hò nhau xông lên. Chúng đã tới gần lắm. Có đứa vừa đi vừa cười hô hố. Bỗng, một tiếng nổ vang lên. Bụi đất bay mù trời. Máu đỏ loang đồng. Tụi địch te tua, chúng vội vã rút quân. Bên ta mất hai người, ông Tám và ông cái Hoài. Ông Mười bảo, ông Tám đáng được phong anh hùng, nhưng vì để mất súng nên chỉ được công nhận liệt sĩ. Không ai biết, trước khi giật trái nổ, ông Tám đã chôn súng xuống đất. Ông đi lúc trẻ, chưa vợ con nên rất thiêng. Ba tôi bảo, ông nội, với ông Mười, lâu lâu vẫn thấy ông Tám về. Có lần ông Mười hỏi anh cần gì cứ nói, ông Tám im lặng. Bây giờ mọi người đã hiểu ra ý ông Tám, súng tôi giấu đấy sao mấy anh không lấy về!   

Tôi với Hoài, sau vụ cây súng, có vẻ càng thân thiết. Hai đứa tiếp tục cuộc khám phá sông Ngân. Buổi chiều, sông Ngân lấp lánh ánh vàng. Trẻ con ở đây, có đứa chỉ bốn, năm tuổi, đã bơi như rái cá. Ở Sài Gòn, trẻ con đi một bước, là có người lớn đi kèm. Đám lớp tôi, cả trai và gái, nhiều đứa không biết bơi. Phụ huynh đòi nhà trường cho con họ học bơi, nhưng chả đi tới đâu. Ở thành phố, có lẽ bơi là thứ xa xỉ! Tôi bơi cũng được. Ba mẹ cho tôi đi tập bơi từ nhỏ. “Bơi là học cách để sống sót!” Có lần mẹ tôi bảo. Tôi lao xuống nước, nhưng vùng vẫy ít phút đã thấy đuối. Cái Hoài bơi ào ào, đôi cánh tay sải mạnh mẽ, vô cùng uyển chuyển. Nó bơi một lèo băng qua bờ bên kia, lát sau bơi trở lại. Áo quần nó dính bết vào da thịt. Trong một thoáng, khi nó đưa tay vuốt lại mái tóc, tôi thấy cái cổ rất cao và trắng. Sự phát hiện vô tình này chợt làm tôi bối rối.   

Sông Ngân mỗi lúc mỗi đông. Đầy ắp tiếng con gái cười lanh lảnh. Hoài bảo ở đây, nhiều nhà đã đóng giếng, nhưng người ta vẫn thích tắm sông. Đã tới lúc tôi với Hoài phải về. Ở nhà, chắc ba với ông Bảy đang trông dữ lắm. Trên đường, hai đứa vừa đi vừa nhảy cà tưng. Đang đi, bỗng cái Hoài chụp tay tôi kéo rụp xuống. Cú kéo đột ngột làm tôi suýt té.

-Gì thế? - Tôi ngạc nhiên. Cái Hoài hất đầu về phía trước, ra dấu cho tôi im lặng. Vì ở khoảng cách gần nên tôi thấy rõ. Có mấy người lố nhố trong bụi lau. Có anh nằm đè trên cỏ. Có anh đứng lom khom. Họ vạch lá nhòm xuống sông. Hành tung rất mờ ám.

-Những người này không ở đây. Họ rình con gái tắm! – Cái Hoài thầm thì. Tôi chưa có phản ứng gì thì nó bỗng đứng vụt dậy, hét toáng lên: “Ê..ê…ê…!” Bất giác, tôi cũng đứng bật dậy, gân cổ gào theo. Đám người xấu chơi giật thót, ném về phía chúng tôi những cái nhìn tức tối. “Ê..ê…ê…!” - Hai đứa càng gào tợn. Lúc này, tốp con gái dưới sông hẳn đã đoán ra chuyện gì, cũng đồng thanh hòa nhịp. Mấy anh chàng hú hồn, vội chuồn thẳng. Tôi cười đau cả ruột, ôm bụng lăn bừa xuống đám cỏ.

Tôi đã ở quê trọn tuần. Chiều cuối, hầu như mọi người tề tựu đông đủ, ông Sáu, ông Chín, vợ chồng ông Mười, cô Út. Người yêu chú Huy cũng xuất hiện. Nghe giọng biết ngay là dân Tuy Hòa. Cô gái chừng hai mươi, hai mốt tuổi, dáng cao, da trắng hồng, có nét gì giống cái Hoài. Có lần ba bảo, con gái Tuy Hòa rất đẹp, tôi nghĩ ba có ý nịnh mẹ, nhưng lúc này khi thấy bồ chú Huy thì tôi biết ba nói thật. Cái Hoài qua nhà ông Bảy phụ nấu nướng, nấu xong, bày biện đâu đấy thì nó biến mất. Ông Bảy bảo tôi đi tìm. Tôi biết tìm ở đâu, ra chỗ cây mù u không thấy. Nó đã biến mất rồi.

Khác hẳn mấy ngày trước, bữa nay chú Huy rất bảnh, sơ-mi sọc bỏ thùng đàng hoàng. Chú với bồ đi mời rượu mọi người, trông họ rất đẹp đôi. Một cách kín đáo, ông Bảy không rời mắt khỏi họ. “Ông đang theo dõi con dâu tương lai!” Ba nói vào tai tôi.

-Ông để chú ấy tự quyết! - Ba tôi lên tiếng, cắt ngang suy nghĩ của ông Bảy.

-Mày nói gì? - Ông Bảy thảng thốt, suýt làm đổ ly rượu.

-Tui nói thằng Huy lớn rồi ông để nó tự quyết lấy việc của mình! - Ba tôi nhấn lại. Nói với ai ba cũng xưng tui, có lẽ vì ba sống tập thể từ nhỏ nên thói quen không bỏ được.

-Tao có phản đối gì đâu! - Giọng ông Bảy yếu ớt. Ông cụng ly uống với ba tôi, không nhìn theo chú Huy nữa.

Ông Sáu uống rượu có vẻ chừng mực, vài ly rồi thôi, chứ không uống tới tới như ông Bảy và ba tôi. Mẹ tôi bảo, mười tám tuổi ông Sáu đã làm chủ tịch xã. Chao ôi, chừng ấy tuổi, đã làm chủ tịch xã. Đi tập kết, mấy lần ông được Bác Hồ cho gặp. Ông bà Sáu có công chăm sóc ba tôi khi sống ở Bắc. Giữa năm bảy lăm, ông bà về lại Nam. Ba tôi cũng về dịp ấy. 

Không khí rất náo nhiệt. Vẫn còn nhiều người đang tới. Ở quê, uống với nhau ly rượu là thể hiện tình cảm cố hữu, gắn kết họ với nhau trong cuộc mưu sinh khắc nghiệt. Tâm trạng chú Huy có vẻ rất tốt. Vừa đi giáp vòng, nghỉ xả hơi một chút chú lại cầm ly đi tiếp. Lần này, ba tôi đi cùng với chú.

Chợt có tiếng cái Hoài gọi tôi ở bên ngoài. Lúc này, mặt trời cũng sắp lặn. Những tia sáng hình rẻ quạt hắt ngược lên trời như đã sẵn sàng cho cuộc tự sát huy hoàng trước khi bùng cháy lần cuối. Gió từ phía Tuy Hòa ào ạt thổi qua Tháp Nhạn tràn tới, không gian bỗng chốc nhuốm đầy hơi sương. Có lẽ, chiều muộn là thời khắc đẹp nhất, không tưởng của miền Trung. Tâm trạng bức bối của ngày đột nhiên biến mất, thay vào đó là cảm giác buồn man mác. Không chỉ lúc đó tôi có ấn tượng này mà rất nhiều năm về sau, mỗi khi trở lại miền Trung, trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm xúc ấy.

-Hè năm tới Ngọc về không? - Vừa thấy tôi Hoài hỏi luôn. Ánh nhìn của nó lấp lánh hy vọng. Tôi bỗng bối rối. Đây là kỳ nghỉ hè đầu tiên tôi đi xa, hè tới sẽ thế nào. Nhưng thay vì trả lời chưa biết thì tôi lại đáp một cách dứt khoát:

-Chắc chắn hè tớ lại về!

Nghe tôi nói vậy Hoài tin ngay. Thực ra tôi cũng tin thế. Tôi nghĩ, mình có thể đi cùng với ba hoặc mẹ. Ba mẹ không đi thì đi một mình. Năm, sáu tuổi ba đã một mình sống ở đất Bắc. Mười sáu tuổi, tôi đã đủ lớn rồi!

-Chẳng biết bao giờ Hoài mới được đến Sài Gòn! - Hoài bảo tôi, giọng líu ríu. Lúc nói ra câu này trông nó rất buồn.

Có tiếng ông Bảy giục chú Huy châm dầu đèn măng-xông. Hẳn chú với ba tôi đã đi giáp vòng. Tôi biết, cuộc vui sẽ còn kéo dài. Nghe thoáng, hình như có người gọi tôi.

-Mọi người chờ Ngọc đấy! - Hoài bảo tôi.

-Hoài vô luôn đi, ông Bảy kêu tớ đi tìm Hoài không thấy! - Tôi bảo Hoài, chần chừ chưa muốn đi ngay. Cái Hoài im lặng, đứng sát vào tôi. Tôi cảm nhận rõ hơi thở nóng hổi và mùi thơm từ người nó tỏa ra. Có lần mẹ tôi bảo con gái thường hay cả tin, nhưng đàn ông chân chính thì không được lợi dụng sự cả tin ấy. Tôi không biết mình nên thế nào thì bỗng cái Hoài ghì mặt tôi vào mặt nó, hôn mạnh một cái.

-Tớ không muốn ăn! - Nó vừa hôn vừa thì thầm. Tôi như trôi giữa biển sương, tâm trí bấn loạn. Giật mình, thì cái Hoài đã biến mất.

-Mày không kêu con Hoài vô ăn? - Ông Bảy hỏi khi thấy tôi trở lại.

-Nó bảo không muốn ăn! - Tôi đáp, cảm thấy tâm trạng hơi trống trải.

-Tao thấy con Hoài có vẻ quý thằng Ngọc nhà mình! - Ông Bảy buột miệng, nói bâng quơ.

-Thằng Ngọc ai chả quý, tui là cha nó mà tui còn quý! - Ba tôi nói rất to, chống một tay lên cằm nhìn ông Bảy, nhìn hoài mà mắt chẳng thấy chớp.

-Ba mày tiêu rồi, - ông Sáu cười, bảo tôi, rồi quay sang ông Bảy, nói chậm rãi, - chồng con đều hy sinh, bà cố nội mình đủ tiêu chuẩn phong mẹ anh hùng!

-Biết, nhưng anh đâu chịu làm hồ sơ! - Giọng ông Bảy rắn rỏi, lẫn chút trách móc.

-Tại sao ông không làm? - Ba tôi đột ngột lên tiếng. Nãy giờ mọi người nghĩ ba ngủ, không ngờ ngủ mà tai vẫn nghe.

Ông Sáu yên lặng, chưa biết đối đáp lại thế nào với em và người cháu. Ông bần thần cầm cái ly, cứ lật nghiêng qua nghiêng lại. Gần đó, cách chừng vài mét, là mấy cây bơ. Cây này, ông Sáu đem từ Đà Lạt về. Ông Bảy trồng, rồi nhân giống. Cây hợp đất, sống khỏe, trái trĩu cành. Ông Sáu nhìn, bỗng buông một tiếng thở sâu. Tự trong ký ức, hình ảnh hai người đàn ông, tóc bạc, trông tiều tụy, nhưng mắt họ toát lên vẻ tinh anh, bỗng vụt hiện lên.

Một trong hai người là ông Lê Đài, Bí thư tỉnh ủy, còn người đàn ông kia, mặt rỗ, là ông Nguyễn Đình Cầm, kiểm học tỉnh Phú Yên. Sinh quán hai ông ở Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Đài vào Phú Yên dạy học, năm 1945 tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn Hòa. Năm 1950 làm chính trị viên tỉnh đội Phú Yên. Năm 1955 làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Một ngày cuối năm 1955, chính xác là ngày 29.12, ông bị địch bắt tại xã Xuân Lãng huyện Đồng Xuân cùng với một người đồng chí của mình là ông Võ Mậu. Ông Võ Mậu bị địch bắn chết. Còn Lê Đài bị chúng đưa vào nhà lao tỉnh ở Tuy Hòa, nhốt riêng. Sau đó xảy ra sự kiện ngày 20.7.1956. Nói gọn thế này: Địch tổ chức một cuộc mít tinh, đưa Lê Đài đến đứng trước cái bàn có mi-cơ-rô và loa. Chúng mở máy nghe tiếng chửi Đảng và Bác Hồ. Cuộc mít tinh vang lên tiếng hô của công an ngụy “Đả đảo Lê Đài phản bội”, dân hô theo”. Mặc nhiên, Lê Đài bị coi là kẻ phản bội. Án này, treo lơ lửng mãi.

Sau 1975, ông Sáu, lúc này làm ở tuyên giáo tỉnh ủy Phú Khánh, mới có điều kiện lật lại sự việc. Ông gặp những người đồng đội cũ của ông Lê Đài. Cũng như ông Sáu, chả ai tin Lê Đài phản bội. “Khi tôi bị bắt vào nhà lao Tuy Hòa thấy địch nhốt đồng chí Lê Đài một xà lim riêng. Chúng tra tấn rất dã man. Đồng chí Đài gầy còm đi không được, mỗi khi đi cầu phải có người dìu, quần áo lúc nào cũng đầy máu. Trước ngày 20.7.1956 độ một tuần đêm nào tôi cũng nghe chúng tra tấn anh Đài suốt đêm”. Một người tù, là chị Hông Giác kể với ông Sáu.

Cơ duyên, ông Sáu gặp ông Nguyễn Sương, một đảng viên bị tù, là người bọn địch giao liệm và mai táng ông Lê Đài. Ông Sương biết cuộc mít tinh ngày 20.7.1956 là chúng giả tiếng. Ngày 26.10.1956 chúng tiêm thuốc độc anh Đài chết trong nhà lao, ông Sương xúc động làm tám câu thơ. Ông đọc cho ông Sáu nghe:

“Anh Đài ơi!

Đỉnh núi Nhạn mây sầu lớp lớp

Con sông Đà nước lặng lờ trôi

Bóng cố nhân đã khuất đi rồi

Nơi chín suối lòng đầy uất hận

Càng thương anh, càng thêm căm giận

Càng nhớ anh uất hận không nguôi

Dẫu sóng cồn bão táp mây trôi

Hồn oan trái có ngày sáng tỏ”.

Thế nhưng, là nhà sử học, ông Sáu biết chừng ấy là vẫn chưa đủ. Một ngày, ông tìm thấy hồ sơ về ông Lê Đài địch lưu giữ ở kho Đà Lạt. Hồ sơ Lê Đài địch ghi: “Lê Đài chứa chất biết bao nhiêu sự kiện bí mật của Phú Yên trong người mà y nhất định không chịu khai báo. Y luôn luôn tỏ thái độ ngoan cố một lòng trung thành với Đảng Cộng Sản và già Hồ”. Ông Sáu run lên. “Anh Đài ơi!” Ông gọi, không khóc, mà tự nhiên nước mắt chứa chan. Ông Đài được minh oan, công nhận liệt sĩ. Lễ minh oan, truy điệu liệt sĩ được tổ chức vào một ngày cuối tháng 10.1991. Manh mối về người vợ của liệt sĩ cũng được tìm ra. Bấy lâu, bà đi ăn xin, với niềm tin sẽ có một ngày thân phận người chồng yêu dấu của bà sẽ được sáng tỏ. Tỉnh cấp cho bà một căn nhà ngói để ở thờ cúng liệt sĩ ở Sông Cầu và 5 triệu đồng gửi ngân hàng để sống. Trong hội trường, mấy trăm con người xúc động. Người đàn bà nước mắt đầm đìa ngã xỉu!

Chừng mươi ngày sau, một đêm, ông Sáu đang ngủ thì thấy ông Lê Đài cùng một người nữa, mặt rỗ, đến thăm. Hai ông cùng nói: “Chúng tôi nhớ anh đến thăm và chúc mừng!”. Ông Sáu nhìn ông Lê Đài. Rồi lại nhìn người đàn ông kia. Bất chợt nhớ ra, chính là ông Nguyễn Đình Cầm, kiểm học tỉnh Phú Yên. Hai ông, Lê Đài và Nguyễn Đình Cầm, cùng quê Cảnh Dương Quảng Trạch Quảng Bình. Kỳ thi Tiểu học yếu lược ở Sông Cầu năm 1932, ông Sáu đứng nhì, sau ông Đỗ Hòa Thái đứng thứ nhất. Khi xướng danh ông kiểm học Nguyễn Đình Cầm đến bắt tay và tặng hai trò mỗi người một cây bút máy và gô để đựng hai lọ mực.

Lại nói về ông Sáu. Tập kết ra miền Bắc, năm 1960 ông Sáu học Trường Nguyễn Ái Quốc I. Trường phân công ông Sáu đi nghiên cứu tỉnh Quảng Bình. Ông thăm quan Phong Nha và Bàu Tró thấy nấm mộ hoang, hỏi ra thì là mộ ông Nguyễn Đình Cầm. Tự khi nào ông Cầm đã hồi hương. Nghe chuyện đau lòng là ông Nguyễn Đình Cầm hồi cải cách ruộng đất quy thành phần địa chủ ông không được đến nhà ai mà cũng không ai dám đến nhà ông, hết lửa nấu cơm mà chết đói. Ông Sáu lặng người đi. Ông vào nhà ông Cầm bấy giờ đã chia cho một bà già nghèo xin đốt mấy cây nhang. Lại đến mộ ông Cầm chôn ở Bàu Tró viếng đốt mấy cây nhang. Chuyện là vậy. Hai ông, Lê Đài và Nguyễn Đình Cầm, gặp ông Sáu, rưng rưng nước mắt, nắm chặt tay nói: “Tôi Lê Đài nhớ mãi ơn anh giúp tôi được minh oan, vợ có bát cơm ăn!” “Tôi Nguyễn Đình Cầm rất cảm ơn anh đã đến thăm nhà thăm mộ tôi. Từ nay trở đi lúc gặp khó khăn giúp đỡ nhau!”. Rồi họ rời đi.

Cái ly trong tay ông Sáu đổ nghiêng nghiêng. Ông Bảy nhìn, bất giác châm rượu cho anh. Ông Sáu chẳng phản ứng gì, uống cạn.

-Mày biết gì mà nói, - ông bảo ba tôi, giọng từ tốn - nhiều gia đình hy sinh mất mát còn hơn nhà mình mà người ta có đòi hỏi gì đâu!

-Kệ người ta! - Ba tôi nói cộc lốc, lại chống tay lên cằm, thở phè phè.

Tôi trở lại Sài Gòn. Lại bắt đầu điệp khúc hè không có hè, lo bài vở cho năm tới, học thêm chóng mặt. Tôi gọi cái Hiền mấy lần. Ở đầu dây bên kia là giọng một người đàn bà xa lạ. Bà ta bảo con gái ông bà chủ đi nước ngoài chưa về. “Đành phải đợi đến hết hè thôi!” Tôi tự an ủi mình.

Mùa hè nào cái Hiền cũng có thứ khiến cho người khác ngạc nhiên. Hè trước là tập album mê hồn về Úc. Bỗng nhiên tôi cảm thấy tiếc. Kỳ nghỉ hè đi xa đầu đời của tôi, thế mà chẳng có tấm hình nào. Những ngày chuẩn bị tựu trường là thời gian tiếc nuối nhất. Với những đứa khác không biết thế nào, nhưng với tôi là vậy. Bỗng nhiên tôi thấy mùa hè quá ngắn. Mặc kệ cái Hiền với những cuốn album của nó. Tôi không muốn đi học. Tôi muốn hè mãi mãi không bao giờ chấm dứt! Buổi sáng đầu tiên của năm học mới vẫn là những thứ quen thuộc. Chào cờ. Cô hiệu trưởng phát biểu. Về lớp. Ổn định chỗ ngồi. Bầu ban cán sự mới. Sau đấy thì tùy nghi. Mấy anh lớn kiếm một góc khuất phì phèo tập hút thuốc. Đám con gái túm tụm khoe ảnh tự sướng. Túm lại chẳng có gì đột biến.  

Hiền với tôi vẫn chung lớp. Hè, nó đi Hà Lan. Khác với năm trước, chẳng có album ảnh nào. Hoặc có mà không khoe. Đứa con gái chảnh nào chả thế, chỉ khoe những thứ khiến cho người khác ngạc nhiên.

-Hè cậu đi đâu? - Hiền hỏi tôi.

-Về quê với ba! - Tôi đáp, lảng tránh ánh nhìn của nó. Trong thâm tâm tôi nghĩ cái Hiền đi Hà Lan chẳng khoe thì thôi chứ mình về quê với ba có gì mà khoe.

-Hiền có quà cho Ngọc đây! - Nó vừa nói vừa đưa cho tôi một bông hoa ép khô, màu tím.

-Đẹp! Tôi nói ngay, dù chẳng biết là hoa gì.

-Hàng xách tay lại chả đẹp! Ở Hà Lan, nghe “ôsin” bảo có người gọi tới nhà, tớ biết ngay là cậu! - Hiền cười bỡ ngỡ. Tôi nhìn nó chăm chú. Chẳng hiểu sao tôi lại nhìn như vậy. Quả thật, mới mấy tháng hè mà trông nó khác hẳn. “Cậu..!” - Tôi buột miệng, nhưng kịp kìm lại. Suýt nữa tôi đã nói mình thích hai lúm đồng tiền trên má nó! Tôi không biết ví von thế nào, như hai giọt nắng lung linh.

Tôi với cái Hiền dường như ngày càng trở nên thân thiết. Hiền bảo ba mẹ muốn cho nó qua Mỹ, hoặc Nhật gì đấy du học. Thực ra chẳng riêng ba mẹ cái Hiền, vài đứa lớp tôi đã rục rịch đi. Ám ảnh sông Ngân với những chiều lấp lánh vàng chết dần trong tôi. Tôi có cảm giác, tất cả những gì diễn ra ở đấy, giống như giấc mơ cổ tích, hình như không có thực.

Trước Noel ít ngày, cái Hiền mời cả lớp, hơn bốn chục đứa, chừng một nửa nhận lời, đi ăn nhà hàng. Tiền, ba mẹ nó bao. Vì chuyện này mà ba mẹ tôi có cuộc tranh cãi nảy lửa.

-Không đi tay không được đâu, phải có quà cho người ta! - Ba tôi bảo.

-Ngày trước đi ăn với tôi có bao giờ ông quà cáp! – Mẹ tôi cự lại.

-Vớ vẩn! - Ba bối rối.

-Con gái tuổi mười sáu trăng tròn, chỉ có ông là… vớ vẩn! – Mẹ tôi nổi cáu thực sự.

-Ừ, tui vớ vẩn! - Ba nói, như dỗi.

-Ông bảo thằng Ngọc mua quà gì? – Mẹ bỗng tựa vào vai ba, giọng âu yếm.

-Có thể là cuốn sách! - Ba ngập ngừng.

-Ông sống trên trời hay sao mà bảo con mình tặng sách! – Mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên.

Hai người thỏa thuận, mẹ lo việc quà cáp, còn ba… ở nhà! Loanh quanh nửa buổi, rốt cuộc mẹ chọn cuốn từ điển Anh-Việt. Mẹ  bảo vì tôi thích nên mẹ mua chứ chẳng phải vì ba mày nói có lý.            

Đêm trước Noel, đột nhiên tôi mơ thấy cái Hoài. Người ta bảo, mơ là tái hiện suy nghĩ trước lúc ngủ. Trước lúc ngủ tôi toàn nghĩ về cái Hiền, nhưng trong giấc mơ lại thấy cái Hoài. Nó mặc cái áo màu tím hoa cà, ngồi vắt vẻo trên cành mù u hát véo von. Gặp lại nhau, hai đứa mừng rỡ khôn tả, tay trong tay đi mãi bên sông Ngân. Tôi không cưỡng nổi cảm xúc, bất chợt ôm lấy Hoài, nó cũng cuồng nhiệt đáp lại. Hạnh phúc tột đỉnh còn chưa lắng xuống thì cái Hoài đột ngột bay đi. Nó bay giữa sông Ngân, tà áo tím phấp phới. Tôi muốn bay theo, nhưng không cách gì bay được, chân bị cuốn chặt vào cỏ. Đang bay, bỗng cái Hoài lao đầu xuống. “Hoài..!” Tôi hét lên. Trong căn phòng mờ mờ, tôi có cảm giác, hình như nó ở đâu đây.

Noel, mẹ đưa tôi đến chỗ hẹn, là một nhà hàng lớn, rồi đi việc của mình. Thật ra, sau này tôi biết, rất nhiều lần, mẹ chẳng đi việc gì mà cứ chạy xe loanh quanh, hoặc ngồi vật vã đâu đấy, chờ tôi vui chơi xong thì đón về. Tôi gặp cái Hiền, vừa tặng quà cho nó thì thấy mẹ quay lại. Mẹ bảo, ông Bảy gởi thư cho tôi. Với mẹ, rõ ràng là sự kiện lạ. Bà nhìn tôi, ánh nhìn đầy ngạc nhiên và hiếu kỳ. Ông Bảy chưa bao giờ gởi thư cho ba mẹ, mà lại gởi cho tôi. Thư bảo đảm, đến lúc sáng sớm, mẹ quên. Tôi cầm lá thư, định bụng lát nữa, lúc cái Hiền thổi nến, hoặc mọi người đang chú ý việc gì đấy, tôi sẽ đọc. Nhưng tôi đã không đủ kiên nhẫn chờ đến lúc ấy. Mẹ vừa bỏ đi tôi bóc ra luôn. Lá thư chỉ có vài hàng chữ. Ông Bảy kể, bữa ấy đám trẻ cắm trại ở sông Ngân. Trong lúc mấy đứa đang bơi thì nước lũ thượng nguồn đột ngột đổ về. Bất chấp hiểm nguy, cái Hoài lao xuống nước. Lôi được đám trẻ vào bờ thì nó kiệt sức. “Con Hoài đã theo người ông anh dũng của nó về trời rồi!” Ông Bảy viết cho tôi.

-Tớ thích quà của cậu! - Cái Hiền khoác tay mẹ nó đứng sau lưng tôi lúc nào, bất chợt lên tiếng làm tôi giật thót.

-Bố mẹ định cho cháu du học ở đâu chưa? - Người đàn bà tiếp lời con gái, hỏi trong khi tay bóc tờ giấy gói cuốn từ điển.

-Dạ chưa! - Tôi đáp. Lẽ ra tôi phải nói cháu sẽ chẳng được đi du học ở đâu cả!

-Cậu sao thế? - Cái Hiền chợt ngó sững tôi.

-Tớ… không sao! - Tôi nói rời rạc, tâm trí vẫn chưa thoát ra khỏi lá thư ông Bảy.

-Thật chứ? - Giọng cái Hiền thoáng chút hoài nghi.

-Sao không thật! - Tôi bối rối, giấu bức thư ông Bảy vào túi.  

Đám bạn réo tên cái Hiền ầm ĩ. Chừng sốt ruột, có đứa bày chơi trò bắt nắng. Những giọt nắng rọi qua vòm lá, tạo thành những chấm trắng như đồng xu nhảy nhót loạn xạ, mà chúng bày trò đuổi bắt, thật hết chỗ nói. Mẹ cái Hiền nhăn mặt, nhưng lại tươi tỉnh ngay. Hiền cười, khẽ gật về phía tôi, rồi bụm môi thổi nến. “Con Hoài đã theo người ông anh dũng của nó về trời rồi..!” Chẳng hiểu sao, lúc cái Hiền thổi nến, trong đầu tôi cứ văng vẳng lời thư ông Bảy. Trước mắt tôi vụt hiện lên rừng lau sậy trắng xóa bên sông Ngân, cái Hoài đang ngồi vắt vẻo trên cành mù u hát líu lo. Mẹ tôi bảo, con gái mười sáu là tuổi trăng tròn, con trai thì mười sáu là tuổi…vớ vẩn! Tôi mười sáu tuổi, đang ở lứa tuổi vớ vẩn! Nhưng sau lá thư của ông Bảy, có lẽ tuổi mười sáu của tôi đã không còn là mười sáu nữa. Bất giác, tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời xa thẳm. Cái Hoài đang ở đó, nó có thấy tôi ở đây không. 

 Cao Chiến

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm