- Truyện
- Mùa xuân đi - Truyện ngắn Thúy Dung
Mùa xuân đi - Truyện ngắn Thúy Dung
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) - Mỗi người một ước mơ, một kì vọng vào tương lai. Sau sinh nhật 20, Thu đâm ra “thất tình”. Chuyện học hành bậc đại học, Thu đạt kết quả không như ý. Gia đình lại rơi vào khủng hoảng kinh tế. Cô chỉ còn cách cố gắng và cố gắng. Có những đêm buồn muốn khóc, tại sao, tại sao có được người yêu khó thế. Thu ghét tình yêu. Thu ghét những ai tìm cách tiếp cận cô chỉ vì tình cảm nam nữ. Buổi tối, Thu ghi vào sổ những gì diễn ra trong ngày rồi chìm vào giấc ngủ trên chiếc giường chật chội của ba chị em...
Nhà văn Thúy Dung
“Dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lạnh”. Nữa đêm, bà Thu tỉnh giấc. Ôi lại chiêm bao! Một thanh niên tầm thước, khuôn mặt hiền lành với nụ cười tươi xuất hiện trước mặt, hỏi thăm: Thu còn đau không. Bà mở mắt, trong tâm trí vẫn còn hình ảnh người ấy.
Trời trở lạnh. Chắc bên ngoài vài chiếc lá vàng rơi. Trong miền Nam không có bốn mùa rõ rệt như ngoài Bắc. Hồi còn trẻ Thu nghe nói “con trai miền Bắc khi yêu ít bộc lộ ra ngoài, cách thể hiện tình cảm kín đáo, con trai miền Nam khi yêu bộc lộ ra ngoài rất mạnh mẽ. Con trai miền Bắc khi yêu ai thì có phần kín kẽ hơn, cách thể hiện cũng ôn nhu từ tốn, quan tâm từ những điều nhỏ nhặt và đời thường nhất thay vì nói thẳng thừng lời yêu thương ra bên ngoài. Ngược lại, con trai miền Nam do có tính cách bộc trực của người miền trong nên rất thoải mái bày tỏ tình cảm bằng lời nói cũng như hành động kể cả ở nơi đông người, thậm chí họ còn cho đó là sự tự hào của mình”.
Nam xuất hiện trong cuộc đời Thu như một cái duyên, không có gì nổi bật. Ấy vậy, không hiểu sao, Thu thích Nam. Hai năm, đủ thời gian biến một chú bé đen nhẻm trờ thành một thanh niên đầy tình cảm, biết suy nghĩ hay do biến cố gia đình khiến cậu bé trưởng thành hơn. Có dịp gặp nhau, Nam cười luôn cười nhẹ, nói khẽ. Thành phố này nhỏ xíu chớ có to lớn gì đâu, chiều tối tụi thanh niên thay bộ đồ vía để hòa vào không khí náo nhiệt bên ngoài. Đứa nào nhà khá giả thì chạy xe cúp 50 cánh én, sang chút thì chiếc Dream II, có đứa xách luôn chiếc 67 cho ngầu. Thanh niên nhà nghèo chỉ cần chiếc xe đạp cũng có thể đi cua gái. Tụi nó chạy vòng vèo trong hẻm rồi xa đường lớn như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng… nơi tập trung đông nhất là đại lộ Hòa Bình. Hồi đó gọi “đại lộ” vì thấy nó to lớn chớ giờ còn nhỏ hơn các con đường mới. Thu và nhóm bạn chỉ chạy xe đạp, những chiếc xe cà tàng lâu lâu bị sút sên hoặc trật con chó... Đạp xe vòng vòng đại lộ một hồi thì kiếm quán sinh tố, kem chuối để ngồi giải khát.
Gia đình Nam thuộc dạng trí thức, nề nếp và Nam luôn là đứa con ngoan, có lòng tự trọng cao. Mẹ Nam dạy: không ham tiền bạc, của cải bất chính; nhặt được của rơi, trả lại cho người đã mất; lỡ va quệt xe cộ vào người đi đường thì đỡ người ta dậy, hỏi han và xin lỗi, hoặc đưa vào bệnh viện; đi xe không lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, sống gần đám lưu manh, trộm cướp, côn đồ, nghiện hút, mà không nhiễm thói xấu... Gia đình Nam không giàu về vật chất nhưng giàu về tinh thần. Cả nhà cùng giúp đỡ nhau trong tất cả mọi việc, anh em hòa thuận. Ấy vậy mà tình cảm của ba và mẹ lại không bên nhau đến cuối đời. Ba Nam rời gia đình theo cuộc sống riêng của ông ấy, mẹ Nam một mình bươn chải với nghề giáo, làm bánh các loại… để nuôi dạy các con.
Mùa thi tuyển sinh đại học, cả Thu và Nam đều thi đỗ. Tuổi mười tám thật đẹp. Mỗi đứa vừa học vừa phụ giúp kinh tế gia đình bằng những việc nhỏ nhất như: giao hàng, chăn nuôi... Thu và Nam hòa đồng với nhóm bạn mới tại hai trường Đại học nhưng vẫn thỉnh thoảng gặp nhau khi nhóm cần hội họp. Thời điểm mới biết nhau và thời điểm có tình cảm với Nam kéo dài hơn hai năm. Ngày Thu tròn 20, Nam và nhóm bạn thân của Nam đến nhà Thu. Món quà sinh nhật của nhóm là một bức tranh sơn mài có hình đôi phụng. Nam đã tế nhị cho Thu biết, anh đối với cô như một người bạn không thể vượt qua mức cao hơn dù anh luôn vui vẻ, tươi cười, hay đôi khi cố tình gạt nỗi buồn sang một bên. Nam không bao giờ tâm sự chuyện buồn của gia đình mình cho Thu biết, chỉ kể chuyện vui nào là chuyện của anh, của chị, của cháu gái… Còn Thu, cô cần tìm một người bạn trai để mình tâm sự, để mình không bị quấy nhiễu khi có khá nhiều vệ tinh bao quanh làm mất thì giờ của cô. Có những anh chàng chờ cô từ cổng thư viện, chạy xe kè kè về đến tận nhà, rồi vô nhà tiếp xúc với ba mẹ cô. Có những anh chàng ngồi quán cà phê đầu hẻm để canh cô đi học về… Những thanh niên đó, cô luôn tìm cách lánh xa vì không hợp.
Một lần cả bọn ngồi quây quần trên hai chiếc chiếu đặt dưới gốc cây “saboche” trước sân nhà Thu nhân dịp Rằm tháng Tám. Nhóm bạn học chung lớp đại học với Thu đã hòa đồng với nhóm bạn chơi chung của Nam. Em gái của Thu mượn hàng xóm một cây đàn guitar. Cả bọn vừa ăn bánh, uống trà đá và hát với nhau. Nam vừa đàn vừa hát: “Nếu như có một ngày, một ngày nào đó. Em sang ngang, một ngày nào đó. Anh sẽ chúc em được nhiều hạnh phúc. Cho em luôn luôn được gì em muốn” (“Người tình trăm năm” của nhạc sĩ Đức Huy). Cả nhóm hát với nhau một bài đang thịnh thành lúc đó “Say you will”. Những chiếc bánh trung thu được cắt làm bốn cho vừa ăn, từ từ vơi đi. Những khuôn mặt nam thanh nữ tú thật rạng ngời, đầy sức sống. Trong nhóm bạn ngồi quây quần trước sân gồm hai cặp công khai yêu nhau, rất lịch sự và tế nhị. Họ là bạn thân của Thu và họ rất quý Nam. Tuổi trẻ, nhiệt huyết, mỗi người đều vui vẻ, hòa đồng thế mà … một bức tường vô hình đã ngăn không cho Nam tiến xa hơn. “Người tình trăm năm” mà Nam hát trong đêm Trung thu là anh hát cho Thu hay hát cho mối tình của Nam với một cô bạn Nam thích nhưng không thể đi xa hơn. Cô gái Nam thích rất dễ thương, không phải là Thu. Chuyện đời là vậy.
Họ đều có lòng tự trọng. Mỗi người một ước mơ, một kì vọng vào tương lai. Sau sinh nhật 20, Thu đâm ra “thất tình”. Chuyện học hành bậc đại học, Thu đạt kết quả không như ý. Gia đình lại rơi vào khủng hoảng kinh tế. Cô chỉ còn cách cố gắng và cố gắng. Có những đêm buồn muốn khóc, tại sao, tại sao có được người yêu khó thế. Thu ghét tình yêu. Thu ghét những ai tìm cách tiếp cận cô chỉ vì tình cảm nam nữ. Buổi tối, Thu ghi vào sổ những gì diễn ra trong ngày rồi chìm vào giấc ngủ trên chiếc giường chật chội của ba chị em.
Tết. Hoa mai vàng rực nhà hàng xóm. Nụ cười trên môi vẫn tươi. Tuổi hai mươi mốt, rồi hai mươi hai, cô vẫn không nhận lời yêu ai. Cô tốt nghiệp đại học, xin việc làm. Cuộc đời sinh viên đã khép lại nhưng họ vẫn còn gặp nhau.
Tết này, Thu sang tuổi năm mươi mốt, bỏ lại sau lưng hơn ba chục mùa xuân từ khi biết Nam. Lá thu đã vàng./.
Thúy Dung