- Bút ký - Tạp văn
- Ngày đau thương đó
Ngày đau thương đó
BÀI HƯỞNG ỨNG CUỘC THI CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"
Ông cậu vai vác chiếc máy đánh chữ, lưng đeo cây guitar, hai tay xách hai thùng luộc đựng dụng cụ và tài liệu của cơ quan, rảo nhanh phía trước. Vai tôi đeo ba lô đựng mấy bộ quần áo và sách giảng dạy cho học trò, chạy lúp xúp theo sau.
Con đầm già chúi xuống, tiếng ì i chợt tắt ngấm, có tiếng nổ lụp bụp rồi trái điểm bung khói màu cam tỏa ra mù mịt một vùng rộng lớn, tanh tửi mùi thuốc đạn khiến hai cậu cháu không thấy đường đi. Tiếng cậu tôi la lên:
Chạy nhanh lên! Nắm tay cậu đi cho lẹ, nó bỏ trái điểm bên vườn chuối của ông Ngoại rồi đó... Nhanh lên con…
Hai cậu cháu vừa chạy, vừa quan sát máy bay phía trên đầu. Rocket bắt đầu bắn xối xả, cậu ấn tôi nằm xuống rồi ngóc đầu lên chạy tiếp. Chạy ra khỏi vườn chuối, tới bờ trâm bầu, cậu thì thào dặn tôi:
Mày ngồi núp trong bụi trâm bầu này, miệng hầm BM (bí mật) nằm ở đây, miệng nó trổ ra mé kinh, nếu tụi bộ binh tới thì con cứ giỡ nắp hầm chun xuống, mùa này nước hơi cao, chịu lạnh chút xíu, nó qua rồi mình lên, cậu chạy lại chỗ gốc mù u giấu mấy dụng cụ này rồi trở lại ngay. Mày phải bình tĩnh, nhanh gọn, không để lại dấu vết gì hết nghe. Con có kinh nghiệm trốn hầm rồi chớ gì?
Dạ. Cậu đi… nhanh đi... rồi trở lại...
Giọng tôi hụp hửi vì hụt hơi và vì sợ. Cậu tôi chạy biến đi vì lo bộ binh tràn tới. Tôi đã chun hầm BM mấy lần rồi nên có chút kinh nghiệm. Sợ khi lính tới làm không kịp nên tôi vội mở nắp hầm chun xuống. Nước lạnh cóng, mùi ẩm mốc khăm khắm lâu ngày tràn lên tới ngực làm tôi rùng mình. Tôi muốn nghẹt thở vì ám khí bao quanh.
Trực thăng rà thấp trên đầu, tiếng mấy thằng Mỹ oang oang trên máy bộ đàm, hàng loạt súng trường, carbin nã xuống khu vực bờ kinh có lục bình và cây mù u. Đất quăng lịch bịch khắp nơi, tiếng cây ngã rào rào, tiếng gót giày đinh dậm trên nóc hầm rầm rầm nhưng tôi không lo, tôi chỉ hoang mang lo cho cậu tôi. Không biết làm gì hơn, tôi lầm rầm khấn vái Trời Phật phò hộ cho cậu cháu tôi tai qua nạn khỏi. Trong lúc quá sợ hãi, tôi khóc òa lên như đứa trẻ. Tiếng khóc của tôi âm âm trong lòng đất như từ cõi âm ty vọng về.
Bắn nát khúc bờ kinh hồi lâu, máy bay quần đảo một lúc nữa rồi đánh vòng ra xa, đám bộ binh la hét vang động cả khu vực mé kinh. Chúng chửi thề ỏm tỏi:
Đ.M, VC chính cống rồi. Kéo nó lên coi!
Lấy hết đồ đạc của nó rồi tập kết ra điểm nhanh lên. Tụi bây lạng quạng ở đây chết chùm cả đám bây giờ.
Tôi choáng váng, nghẹt thở như người sắp chết. Đúng là cậu tôi rồi. Tôi biết làm gì đây để giúp cậu tôi. “Cậu ơi....”. Tiếng tôi kêu nghẹn trong ngực như có ai lấy đá chẹn vào đó.
Trời đã sang chiều. Tiếng máy bay gầm rú từng hồi rồi tạnh hẳn. Tôi mở nắp hầm, ló đầu lên, quan sát chung quanh rồi vọt ra, chạy về hướng bờ kinh. Xác cậu tôi nằm phơi trên bờ, máu đỏ đã trở màu đen trên nền đất. Vết thương ở bụng tang hoác thấy cả ruột gan, đôi mắt mở trừng nhìn lên bầu trời xanh trong. Đôi mắt như núm níu tôi và những người thân thuộc trong gia đình. Tôi cầm đôi bàn tay to bè còn hơi ấm, nước mắt lã chã: “Cậu ơi… Cậu của con ơi…”. Tiếng khóc của tôi chìm trong gió chiều lạnh lẽo, nơi miền quê heo hút…
*
Xác cậu tôi được đem về khu vườn chuối, trong ngôi nhà nhỏ bé của ông bà tôi. Ông bà ngoại đã trên 60 nhưng vẫn còn tham gia cách mạng. Ông tôi là thủ trưởng của cơ quan Quân y tỉnh, bà tôi Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Cái Bè, cậu Ba tôi là Phó ban Tuyên huấn huyện Cái Bè.
Cậu tôi nằm đó, máu vẫn còn ri rỉ chảy. Đôi mắt khép kín theo bàn tay của bà tôi. Bà tôi tuy đã quen chuyện thương tật chết chóc nhưng khi tai họa ập xuống mái nhà lá nhỏ bé của bà thì nỗi đau khôn cùng của người mẹ mất con khiến bà hoảng loạn, đớn đau. Bà cầm bàn tay giá lạnh của cậu tôi áp vào ngực mình, bà khóc không thành tiếng, gương mặt buồn rầu, đôi mắt mệt mỏi, vô hồn nhìn xác đứa con trai thân yêu. Ông tôi cùng với mấy cán bộ xã lo việc chôn cất đứa con mà ông thương quí nhất đời. Nước mắt khổ đau rịn ra trong đôi mắt hỏm sâu. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ông tôi khóc, những giọt nước mắt chắt ra từ những đau đớn tột cùng.
Đám tang cậu chôn cất vội vàng vì có tin Sư đoàn 7 cùng với lính Mỹ sẽ càn vào làng trong vài ngày tới.
Cậu tôi mất rồi nhưng tôi vẫn nghĩ cậu còn quanh quất đâu đó. Tôi tiếc thương người cậu có tánh tình hiền lành và rất nghệ sĩ, hợp với tánh tôi. Năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân, tôi nghe lời cậu và gia đình về đây dạy học, mở mang mạng lưới trường lớp để xóa mù và nâng cao trình độ cho quân dân cùng thanh thiếu niên ở làng này.
Cậu tôi có vợ và 4 con, cậu vừa hoạt động cách mạng vừa lo phụ gia đình. Những lúc mùa màng tới ngày gặt hái, cậu nghỉ phép về phụ với vợ con. Chuyện nhà nông, cậu tôi giỏi giang cần cù, chuyện cách mạng cậu cũng lo tròn, tay súng tay cày lúc nào cũng oằn nặng đôi vai. Nhưng không vì thế mà cậu bớt đi cái tánh nghệ sĩ bẩm sinh của mình. Cậu hát rất hay những bài hát cách mạng, nhạc tiền chiến cậu cũng thuộc khá nhiều, những khi có đoàn Văn công tỉnh về, cậu đều được mời kết hợp hát hò cho chương trình thêm phong phú. Học vấn mới tới lớp Đệ lục (lớp 8) mà văn chương thơ phú cũng võ vẽ thuộc đôi bài. Cậu thích tôi ngâm bài thơ “Nghe em vào Đại học” của nhà thơ Giang Nam, còn cậu những lúc hứng khởi cũng ngâm nga bài “Núi Đôi” hay bài thơ “Đêm sao sáng” của nhà thơ Nguyễn Bính… “Sao đặc trời cao sáng suốt đêm. Sao đêm chung sáng chẳng chia miền. Trời còn có bữa sao quên mọc. Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em”. Giọng hát của cậu trầm ấm, chân chất đã lưu vào lòng tôi những âm điệu khó quên. Những buổi chiều vắng tạnh tiếng máy bay hay tiếng pháo từ dàn pháo Cái Bè bắn về, hai cậu cháu tôi thường ra bờ sông ngồi hứng gió rồi ca hát để quên đi những giây phút căng thẳng, gian nguy của chiến tranh.
Từ ngày cậu mất, mợ tôi như cánh chim lẻ bạn, bơ vơ dưới trời đạn bom, một mình bươn chải nuôi con. Mợ đi làm cỏ, cấy thuê cho cô bác trong làng, có hôm đang cấy lúa trên đồng, mợ bị trực thăng phát hiện, nó hạ thấp xuống định bắt mợ nhưng mợ cố mỉm cười, đưa cao tấm giấy căn cước cho nó xem. Nó nhìn mợ trâng tráo như mèo đang vờn chuột, nhưng có lẽ nhìn thấy nụ cười hiền lành của mợ, nó không nỡ xả súng, bèn cất cánh lên cao rồi bay mất.
Bốn đứa con Hà, Hải, Loan, Phượng sống trong ngôi nhà lá cạnh bờ kinh. Chiếc trảng xê chiếm nửa ngôi nhà, chị em hui húc lo cho nhau. Mấy lúc trời yên biển lặng, Hà đi giăng câu, bắt ốc bắt cua, hái rau đồng về nấu cơm cho mấy em ăn, có hôm mấy chị em đói rã ruột vì hết gạo, Hà, Hải xuống cây cầu dừa dưới mé kinh quăng chày kiếm cá, có khi được chén tép hay một nắm cá lòng tong, có khi không được gì hết thì hai đứa nhìn kiếm trên dòng nước đục ngầu kia có trái bình bát hay trái mận, trái xoài nào chín rụng, còn ăn được thì chúng vớt lên ăn cho đỡ đói.
Đói no gì ngày nào Hải cũng ôm tập, bơi xuồng qua bên lớp học của tôi dạy để học lớp 1. Hải sáng dạ, ham học nên nó thường đứng đầu lớp. Có hôm, nó đói quá gục trên bàn, gương mặt xanh mét khiến tôi hoảng hốt. Tôi xoa dầu lên cổ lên ngực nhưng nó không tỉnh lại được. Biết bệnh thằng em, tôi dìu nó qua nhà ông bà tôi, bới chén cơm nguội, chan miếng nước tương rồi đút cho nó. Hải ăn không kịp nuốt, ăn xong nó tỉnh như sáo, cùng tôi vội chạy qua lớp học. Tôi mừng lắm vì thằng em không bị bệnh tật gì.
Hà là chị Hai nhưng không được đi học vì nó phải trông coi hai đứa em còn nhỏ, nó phải lo cơm nước cho các em và canh phòng pháo hoặc B52 bỏ bom thì nó lùa đám em vào trảng xê. Mợ tôi bận bịu quanh năm với công việc ruộng đồng đâu có thời gian chăm chút cho các con.
Có bữa mấy chị em nằm ngủ nướng trên bộ ván trước nhà, pháo bắn cấp tập khiến mấy chị em bò lê bò càng chun vào trảng xê, quên mất đứa em út đang nằm trên võng. Ba chị em sợ xanh mặt, đùn đẩy nhau, không dám ra ngoài. Trong tiếng nổ rền trời, Hà bậm môi phóng ra lôi Phượng vào, mấy chị em ôm nhau khóc vì mừng. Có hôm, chiếc cá lẹp đi đâu về ngang, chúng đảo vòng vòng trên mái nhà làm tốc mái lá rồi thằng Mỹ da đen cầm cây carbin xâm xâm bước vào, nó rọi đèn vô miệng trảng xê, thấy có mấy đứa nhỏ đang khóc ré, nó nhe răng cười hềnh hệch rồi leo lên máy bay, bay thẳng.
*
Hải học hết lớp 2 thì được mợ tôi đưa ra chợ Mỹ Đức Tây học tiếp cùng với hai em Loan, Phượng. Mợ tôi và Hà chắt chiu từng con cá, củ khoai, từng mớ rau, lon gạo để nuôi đám con đi học. Mợ tôi luôn nhớ lời cậu dặn dò là dù hoàn cảnh nào, cũng cho mấy em tôi học hành tới nơi tới chốn để sau này chúng nó giúp ích cho đời, cho xã hội vì cuộc đời của cậu tôi biết sống chết ra sao mà lo cho gia đình, làng xóm. Ngoài việc đồng áng, lo cho con đi học, mợ tôi còn theo bà ngoại tôi tham gia công tác phụ nữ xã. Có hôm đi thăm thương bệnh binh, có lúc dự đám cưới của mấy cô cậu du kích, có khi đi vận động em cháu đi nhập ngũ, tòng quân…
Mợ tôi thân hình mảnh mai như cây sậy cây trúc, nhiều lúc nhìn mợ, tôi ứa nước mắt, thầm nghĩ không biết mợ tôi lấy sức vả ở đâu, lấy nghị lực nơi nào mà gánh những gánh nặng tưởng chừng như không thể vượt qua nỗi. Chắc thế nào nơi chốn linh thiêng kia, cậu tôi đã phụ mợ gánh gồng để nuôi nấng những đứa con. “Cậu ơi! Cậu hãy phù hộ cho mợ khỏe mạnh để lo cho các em nghe cậu...”. Tôi thường lầm thầm vái van mỗi khi đứng trước bàn thờ của cậu, nhìn vào đôi mắt sáng và nụ cười tươi mà thương nhớ cậu đến quặn lòng.
Cơm nước bữa đói bữa no nhưng mấy anh em Hải vẫn ngày ngày cố gắng chăm chỉ học hành, năm học nào chị em nó cũng được giấy ban khen của trường. Đó là niềm vui to lớn của mợ và Hà. Hai mẹ con cùng lao động và công tác ở địa phương khiến xóm làng ai cũng quí mến thương yêu.
*
Ngày đất nước thanh bình thì Hải học gần xong cấp 3. Mấy năm sau, nó thi đậu vào trường Đại học Y, Loan, Phượng cũng học xong cấp 2. Hà lấy chồng là du kích của xã. Hai vợ chồng nó cải tạo miếng vườn của ông bà ngoại để lại. Bom đạn còn ẩn dưới những lớp cỏ hoang vu khiến cho vợ chồng nó nhiều lúc suýt chết vì những trái lựu đạn, bom bi, miểng bom B52... còn dày đặt dưới lớp đất khô cằn.
Nhưng dù thế nào, mợ và hai vợ chồng em tôi cũng phải lo chăm sóc miếng vườn để nuôi Hải và mấy em đi học. Mấy chị em nó dù nghèo khổ nhưng luôn thương yêu đùm bọc nhau. Còn Hải, nó được vào trường Y là đã tròn ước mơ của nó và của cậu tôi dặn dò ngày xưa.
Buổi sáng, Hải thường đi học bụng trống không, để chống lại cơn đói, nó nhai vài hạt muối rồi uống nước cho no bụng để đi học. Quần áo thì chỉ một bộ độc nhất đã bạc màu, đạp chiếc xe cà tàng vào lớp học nhưng nó không hề sợ bạn cười chê hay khinh rẻ, vì ai cũng biết hoàn cảnh nó nên bạn bè đôi lúc cũng mua cho nó gói xôi hay trái bắp ăn đỡ lòng. Có lúc đang ngồi học, hai mắt nó hoa lên, đầu chếnh choáng. Mấy lúc như vậy, nó nhớ lời cậu tôi rồi gắng sức tỉnh táo, lắng nghe lời thầy giảng dạy.
Sau này nó được vào ký túc xá của trường đại học, tình trạng đói khát có đỡ đi phần nào. Đã có cơm ăn, canh “toàn quốc” (canh chỉ có nước và rau), khô chiên… Dù sao thì nó cũng no bụng hơn trước, quyết tâm quyết chí vào việc học hành, nhưng chất bổ dưỡng không đủ sức của một thanh niên đang sức lớn khiến nó đôi lúc bị choáng vì thiếu máu.
Ông bà ngoại tôi được cấp căn nhà nho nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông tôi đã 75, còn bà tôi 70, hai người sống nhờ lương hưu, thời kỳ đó lương hưu cũng không có bao nhiêu nên hai người rất tằn tiện trong việc chi tiêu, nhưng ông bà tôi quyết đem Hải về nhà để lo cho nó học hành, má tôi cũng phụ giúp phần nào.
Từ đây, như cánh chim non bay lên bầu trời cao rộng, Hải chú tâm học hành, năm nào nó cũng có giấy khen của trường. Hải ở nhà ông bà ngoại, mợ tôi rất yên tâm.
*
Sự nhẫn nại, lòng hiếu học và mong muốn thực hiện ước mơ của người cha, Hải lấy được bằng bác sĩ với thứ hạng cao. Sau ngày tốt nghiệp, nó vội cầm tấm bằng về đưa cho mợ tôi. Nằm trên giường bệnh, mợ tôi cười héo hắt, nước mắt tuôn tràn. Hồi lâu, mợ tôi nói giọng nghèn nghẹn: “Ông ơi… Ông về đây chứng kiến… Thằng con của ông nó… là bác sĩ rồi…”. Mợ tôi nắm bàn tay to lớn của con áp vào ngực với bao nỗi vui mừng khôn xiết.
Hải đặt tấm bằng lên bàn thờ ba, những giọt nước mắt của bao ngày gian truân khốn khổ của bản thân và gia đình đã chôn chặt tận đáy lòng, giờ đây được dịp tuôn tràn. Nó khóc nức nở như đứa trẻ, khóc cho vơi nỗi đau và mừng cho mình đã trọn lời hứa với ba. Cay đắng và vinh quang, nỗi buồn và niềm vui đan xen nhau làm rối bời lòng nó.
Bà tôi nấu mấy món ăn mừng thằng cháu nội. Má tôi nhìn thằng cháu mãn nguyện, bà nói: “Hồi đó ai cũng chê thằng Hải bụng ỏng đít beo, bây giờ nó đậu bác sĩ rồi đó, lời con gái tao nói có linh không?”.
*
Bác sĩ Trần Văn Hải (bìa trái) - Phó Giám đốc Bệnh viện An Bình, con trai của liệt sĩ Trần Văn Dần.
Liệt sĩ Trần Văn Dần thời trẻ cùng vợ là bà Hoa Thị Thuận (bìa trái).
Tôi bước vào Bệnh viện An Bình, lên phòng Phó Giám đốc để nhờ thằng em khám hậu Covid. Ngồi trong phòng, chờ nó họp giao ban, tôi nhìn hàng loạt những bằng khen, giấy khen của Sở và Bộ Y tế về công tác phòng, chống đại dịch Covid vừa qua, nhiều giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua, Bằng khen hoàn thành xuất sắc công tác trong nhiều năm liền, Giấy khen công tác từ thiện, khám chữa bệnh cho dân nghèo vùng sâu… Tấm ảnh nó chụp chung với các bác sĩ của bệnh viện nở nụ cười giống hệt cậu tôi.
Chắc nơi suối vàng, cậu tôi đã mãn nguyện. Cậu mợ tôi đã để lại cho đời một vị bác sĩ trẻ, có chuyên môn giỏi, trong sạch thanh liêm, tận tụy với nghề và hết lòng thương yêu gia đình, làng xóm.
Qua rồi cơn bỉ cực. Còn niềm vui nào lớn hơn nữa cậu ơi!
TP. Hồ Chí Minh, 5/6/2022.