- Truyện
- Người đàn bà phơi áo | Truyện ngắn dự thi của Đào Văn Đạt
Người đàn bà phơi áo | Truyện ngắn dự thi của Đào Văn Đạt
Trời về chiều, mây hồng ngả tím sẩm. Phía xa xa nơi vườn cao su vừa mới đốn ngã, cành lá ngổn ngang, mùi mủ tươi hăng nồng còn vương vấn đâu đó trong không gian. Tiếng xe cơ giới chạy ra chạy vào chở củi âm thanh nhộn nhịp như chưa từng có nơi miền quê hẻo lánh này. Ngôi quán nhỏ của Mười Thơm nằm bên cạnh những cuộn khói đốt lá khô, nhìn từ xa ngôi quán ẩn hiện trong làn khói trắng hệt như chốn bồng lai tiên cảnh. Nắng chiều rọi rõ gương mặt rạng rỡ của người đàn bà lỡ thì đang bưng cái rổ ra bờ thềm ngồi lặt rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Từ trước đến giờ, quán nhỏ Mười Thơm chỉ phục vụ cho những người dân thức khuya dậy sớm đi cạo mủ cao su. Họ ghé ăn tô mì gói, uống ly cà phê đen rồi vội vã mang dao đi cạo khi mặt trời chưa ló dạng. Có khi quán hết đồ ăn đột xuất thì một chén cơm nguội với dĩa muối mè trộn đậu phộng cũng làm thực khách vui lòng. Dân cạo mủ dậy sớm dễ buồn miệng nên cái gì ăn được là họ không chừa. Vả lại, bà chủ quán luôn xởi lởi, vui vẻ coi khách như người trong nhà nên ai cũng thích. Nhưng từ khi có dự án mở khu công nghiệp, giá đất vùng này tăng lên hàng ngày, các chủ vườn đua nhau cưa cao su để bán đất cho các công ty bất động sản phân lô bán nền. Mấy thanh niên trong xóm tập tành làm cò đất kiếm tiền hoa hồng sống khỏe re, khỏi phải thức khuya dậy sớm đi cạo từng lít mủ. Quán Mười Thơm bắt đầu phục vụ cho dân mua bán đất. Tụi cò đất thường mượn quán Mười Thơm làm điểm giao dịch mua bán và tiếp khách vãng lai. Ngày cũng như đêm khách đến nườm nượp. Hôm nay, gương mặt Mười Thơm vui hẳn lên, tay lặt mớ rau, nhưng mắt luôn hướng về phía con đường dài hun hút trước nhà như đang trông đợi ai. Thằng Tèo đi ngang thấy lạ, liền hỏi:
- Chị Mười chờ đợi ai mà có vẻ xót ruột vậy chị?
Mười Thơm nhìn thằng Tèo, rồi nói:
- Mày biết rồi còn hỏi!
Thằng Tèo ngạc nhiên:
- Ủa, em đâu biết gì đâu chị?!
Mười Thơm cười đỏ mặt, rồi nói:
- Chờ thằng chả chứ ai, thằng chả nói đi làm cò đất chiều nay ghé thăm tao, còn hứa cho tao số vốn làm ăn. Mà từ chiều giờ tao đợi hoài không thấy, xót ruột quá Tèo ơi!
Thằng Tèo cười, rồi nói:
- Chị xót ruột chờ anh Bảy, hay chị xót ruột chờ tiền?
Nghe thằng Tèo hỏi vậy, Mười Thơm mắng yêu:
- Thằng quỷ nhỏ, biết rồi còn la lớn. Tao chờ cả hai.
Nói vừa dứt lời, Mười Thơm cười giòn tan làm cho buổi chiều nơi vùng quê thêm rộn rã. Người ta thường nói, nơi đâu có mùi tiền là nơi đó luôn tươi vui, quả không sai.
Cả xóm ai cũng biết Bảy Nù mê Mười Thơm từ lâu lắm rồi. Nhưng có lẽ trước đây Bảy Nù chỉ là tay lái trâu, tiền kiếm đâu có nhiều, nên dù có muốn đến 9 xe 10 vàng thì Mười Thơm cũng ngó lơ. Nay làm cò đất, trúng một miếng có khi kiếm trăm triệu như chơi nên thấy Mười Thơm hay cười cười, nói nói trong quán mỗi khi có Bảy Nù ghé. Bảy Nù tướng tá bặm trợn, vai u thịt bắp, nước da bánh ít đường hạ, mở miệng ra là chửi thề, ăn nói lỗ mãng. Duy có cái tính thật thà, ăn ngay nói thẳng nên anh em bạn bè ai cũng quý. Lần nào Bảy Nù trúng mánh lớn về ngang cũng ghé quán Mười Thơm hú hí chút lát rồi mới đi. Mười Thơm tuy là gái lỡ thì nhưng sắc nước hương trời thuộc hàng bậc nhất nơi này. Cuộc đời lái trâu rày đây mai đó của Bảy Nù được Mười Thơm để mắt tới là vui lắm rồi. Hôm nay nghe đâu Bảy Nù vừa “cò lái” bán được miếng đất lớn nơi xóm trên, và hứa sẽ ghé Mười Thơm chơi. Hèn gì, từ chiều đến giờ thấy Mười Thơm cứ tủm tỉm cười hoài. Bảy Nù mà bán được đất có tiền, thế nào tối nay căn quán nhỏ của Mười Thơm cũng có tiếng động lạ cho coi. Thằng Tèo biết chắc là vậy. Mấy lần trước nó từng chứng kiến Bảy Nù mặt đỏ ké vì mới ăn mừng trúng mánh lớn, vừa đi vừa hát nghêu ngao. Ghé quán Mười Thơm, hắn tự tin ném lên bàn cọc tiền rồi dúi đầu vào bộ ngực trắng nõn của Mười Thơm trong tiếng cười hí hửng. Rồi cả hai dìu nhau vào phòng hú hí đến khuya. Báo hại tụi nhóc đi soi ếch về ngang định ghé vào quán ăn tô mì gói thì nghe có tiếng gì đó rất khủng khiếp, tụi nhỏ tưởng ma, chạy vắt giò lên cổ. Về đến nhà, tụi nhỏ vừa thở vừa kể cho thằng Tèo nghe. Nghe xong, thằng Tèo cười thầm và biết ngay đó là tiếng động gì. Nhưng trước một đám nhóc hỉ mũi chưa sạch thì biết gì chuyện người lớn, nên thằng Tèo vội quay mặt ra sau tằng hắng vài tiếng rồi nói: “Ừ, tụi bây đi soi ếch khuya quá, nên có thể tiếng động lạ đó là của ma, mai mốt đi khuya, có đói bụng ráng về nhà ăn nghe chưa?”. Mấy đứa nhỏ nghe Tèo nói vậy, dạ vâng râm rấp.
*
Chiều muộn, Bảy Nù ghé quán Mười Thơm mang theo một cái túi bự chà bá. Không biết bên trong túi đựng những gì, nhưng chắc một điều là sẽ có tiền. Vì thấy Mười Thơm vui hẳn lên. Nàng ta lăng xăng chạy lên, chạy xuống bưng cà phê, mồi nhậu lo tới tấp cho Bảy Nù. Cùng đi với Bảy Nù còn có hai người nữa, có lẽ là làm ăn chung. Họ là dân xe ôm, hoặc phụ hồ ở xóm trên, nghe vùng này đất đang sốt nên theo Bảy Nù về đây làm ăn. Bỗng dưng Bảy Nù trở thành thủ lĩnh trong nhóm cò đất này. Chia chát tiền hoa hồng, thằng nào muốn làm ăn lâu dài cũng phải biết điều, nếu không Bảy Nù cho de sớm, thậm chí còn bị nện cho một trận dằn mặt. Xưa nay Bảy Nù luôn sống sòng phẳng và quan niệm rằng “Bạn bè là chỗ nghĩa ân/ Bạc tiền là để nuôi thân qua ngày”. Ăn uống no say ai về nhà nấy, riêng Bảy Nù ở lại quán với Mười Thơm. Màn đêm đã bao trùm ngôi quán nhỏ, Mười Thơm vừa dọn bàn nhậu vừa nói:
- Coi đi tắm rồi nghỉ sớm cho khỏe, mai còn lên xóm trên chạy lo bán giùm miếng đất cho chú Tư!
Nói dứt lời, Mười Thơm đi vào trong lấy cái áo thun màu nâu đưa cho Bảy Nù, rồi nói:
- Hôm qua đi chợ, thấy người ta bán đồ hạ giá tui mua cho vài bộ nè.
Đưa áo cho Bảy Nù xong, Mười Thơm bưng mâm cơm có vài con khô đù chiên vàng ươm với tô canh mồng tơi bày ra bàn, rồi nói:
- Tắm lẹ đi rồi ăn cơm!
Trong không gian yên tĩnh của buổi tối miền quê, có một người đàn bà chăm sóc cho mình từng bữa ăn đến cái quần cái áo, cuộc đời lãng tử của Bảy Nù cảm thấy ấm áp biết chừng nào. Bao năm xuôi ngược đó đây lấy đất làm chiếu, lấy trời làm màn, có lẽ đây là lần đầu tiên Bảy Nù cảm nhận được trọn vẹn hai từ gia đình. Cơm nước xong, cánh cửa quán từ từ khép lại. Đêm nay bên trong quán của Mười Thơm ngoài tiếng động lạ ra nhất định sẽ có thêm tiếng cười của hạnh phúc.
*
Giá đất lên, người dân quê vùng này cũng sang chảnh không kém gì người thị thành. Con Mén hàng ngày đạp xe đi trút mủ chén, nay ba nó bán được miếng vườn nên chiều chiều thấy nó lượn xe Cub bóng loáng vòng quanh khắp xóm, móng tay sơn đủ màu. Nụ cười của nó lấp lánh những dây chuyền, bông tai, cà rá… Lần nào ghé quán Mười Thơm nó cũng khoe là mới quen được một anh ở dưới thành phố lên đây mua đất. Nhà anh ấy giàu lắm, có xe hơi chở Mén đi chơi hoài luôn. Nghe Mén nói thế Mười Thơm chợt nhớ lại thằng Tèo nhà ở xóm trên, hôm bữa không biết vụ gì mà đến quán nhậu say bí tỉ đến tận khuya mới về. Hỏi ra mới biết thằng Tèo bị con Mén phụ tình. Đầu dây mối nhợ cũng tại cái xóm này tự nhiên giàu lên từ đất. Đất phân lô bán nền, tình người cũng phân chia đôi ngã… Người ta thường nói “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” quả không sai!
Thời thế đổi thay, Mười Thơm cũng bị cuốn theo cơ chế thị trường. Nàng bỏ cái quán nhỏ trong vườn cao su ra phía ngoài đầu xóm dựng cái quán lớn có đầy đủ thức ăn sang dành cho dân cò đất và đại gia. Tô mì gói, chén cơm nguội trong quán ngày nào giờ nằm đâu đó nơi góc bếp buồn hiu nhớ một thời ngang dọc… Thằng Tí mới 6 tuổi đầu thấy anh làm cò đất có tiền rủng rỉnh túi, nó ra vườn sau đào một bao đất, khệ nệ vác ra quán Mười Thơm, giọng ngọng nghịu nói:
- Cô Mười kêu chú Bảy bán giùm con bao đất này!
Mười Thơm cười ngất, rồi nói:
- Ừ, để đó đi, chiều ổng về tao kêu ổng bán cho!
Nói rồi, Mười Thơm bước vào trong. Nắng chiều xuyên qua bóng cây phong du rọi xuống khoảng sân trước nhà những bóng nắng tròn vo, óng ánh như những đồng tiền vàng lấp lánh. Buổi chiều ở quê không còn bình yên với từng đàn chim rủ nhau bay về tổ. Mà đâu đó trong không gian yên ả của chiều quê, tiếng điện thoại di động reo tới tấp hỏi giá đất miếng này bao nhiêu? Miếng kia diện tích thế nào? Thổ cư bao nhiêu mét…? Gió chiều mang hơi hướm giàu sang thổi qua những bếp nhà mùi cao lương mỹ vị…
*
Chiếc siêu xe dừng trước quán Mười Thơm, một người đàn bà tay đeo đầy vàng bước xuống xe hỏi thăm đường đến nhà Bảy Nù lái trâu. Mười Thơm vui mừng ra mặt. Thế nào cũng có khách sộp hỏi mua đất đây. Nghĩ vậy, nàng vội vã mời người đàn bà vào nhà, vui cười nói:
- Mời quý khách ngồi uống ly cà phê, rồi tôi chỉ đường cho. Ông Bảy đâu có nhà, chỉ có cái chòi nhỏ ở ngã ba đằng kia, nhưng thằng chả ở đây nhiều hơn ở đẳng. Hôm nay ổng đi với khách mua đất ở xóm trên.
Người đàn bà đeo vàng có vẻ xót ruột hỏi:
- Xóm trên là đoạn nào? Tôi cần muốn gặp ổng ngay bây giờ!
Sốt đất, mà nghe khách giục như vậy Mười Thơm mừng trong bụng. Phen này là vô mánh lớn rồi ông Bảy ơi. Nghĩ vậy, Mười Thơm niềm nở chỉ đường:
- Quý khách đi thẳng đường này, tới ngã tư rẽ phải đi một đoạn nữa hỏi người ta gò Bằng Lăng ở đâu là ổng ở đó, số điện thoại của ổng đây.
Người đàn bà đeo vàng vội vã lên chiếc siêu xe chạy thẳng theo hướng chỉ tay của Mười Thơm. Khách đi rồi, Mười Thơm vội vào trong lo bữa cơm trưa cho Bảy Nù. Vừa làm, vừa hát nghêu ngao: “… Tiền là tiền nhiều khi không mà có, tiền là tiền nhiều lúc có như không…”.
Trưa đứng bóng, Mươi Thơm ngồi trước mâm cơm chờ Bảy Nù hoài mà sao không thấy về. Chắc có lẽ gặp người khách sộp bàn chuyện lớn nên về trễ. Nghĩ vậy, Mười Thơm kiên nhẫn ngồi chờ. Mãi đến gần xế chiều mà không thấy Bảy Nù đâu. Xót ruột, Mười Thơm gọi điện thì máy báo không liên lạc được. Nàng vội đóng cửa quán, chạy lên xóm trên nhờ thằng Tèo lấy xe chở đến gò Bằng Lăng tìm Bảy Nù. Thằng Tèo ngày trước ngoan hiền bao nhiêu thì bây giờ rượu chè hư đốn bấy nhiêu. Thấy nó bước thấp bước cao trên đường quê giọng lè nhè: “… Tôi đi trong gió mưa, xin trời giúp chút duyên thừa, cuộc tình người thắng ta thua…”(*). Mười Thơm gọi hai ba lần nó mới nghe. Thằng Tèo chở Mười Thơm đi tìm Bảy Nù, còn ai chở nó đi tìm con Mén đây? Đồng tiền đã cướp con Mén của nó mất tiêu rồi. Khốn nạn thật mà! Nghĩ vậy nó buông ra tiếng chửi thề rồi nhấn ga chở Mười Thơm chạy thẳng đến gò Bằng Lăng. Đến nơi chỉ thấy mênh mông đồng vắng, xa xa những cái cột mốc phân lô bán nền sơn xanh, sơn đỏ cắm thẳng tắp im lìm trong nắng chiều hệt như đôi bàn tay đầy vàng của người đàn bà xa lạ lúc sáng muốn túm lấy hết vùng đất bé nhỏ này... Hỏi thăm người qua đường có thấy Bảy Nù lái trâu đâu không? Trả lời là những cái lắc đầu vô vọng. Trên đường về, ngang qua nhà của Tư Mân, tay này ngày trước có làm ăn chung với Bảy Nù, Mười Thơm hỏi thì mới hay hồi chiều thấy Bảy Nù lên chiếc siêu xe của người đàn bà tay đeo đầy vàng đi về hướng thị trấn.
Vậy là Bảy Nù đã bỏ Mười Thơm không quay về nữa. Nhưng đi đến đâu, và làm gì không ai biết? Chỉ biết giờ đây nơi xóm nhỏ, có một người đàn bà lỡ thời hàng ngày thui thủi ra vào nơi khoảng sân nắng phơi cái áo màu nâu của Bảy Nù nhiều lần, mặc dù cái áo kia đã khô queo khô quắt từ lâu. Buổi chiều ở đây dù bận rộn với giá đất, với nhiều thứ của cuộc sống mưu sinh, nhưng mà sao gió vẫn thổi buồn tênh trên ngọn bằng lăng làm rụng rơi những cánh hoa tím ngắt bay tả tơi trong nắng chiều hiu hắt...
Thật ra ngày trước không phải Bảy Nù là tay lái trâu rày đây mai đó, không tiền bạc mà Mười Thơm không ưa. Tại lúc đó Bảy Nù hay có tính bao đồng, làm được bao nhiêu tiền là bạn với bè, là huynh với đệ. Cuộc đời lãng tử của Bảy Nù chỉ biết sống vì anh em, hết mình với chiến hữu. Mười Thơm nói hoài mà có nghe đâu. Bây giờ, không phải vì tiền mà Mười Thơm quan tâm chăm sóc cho Bảy Nù. Nàng cảm thấy mình là người đàn bà lỡ thời, sống cô độc nơi vùng quê hẻo lánh, ngày đêm làm bạn với những vườn cao su ngút ngàn vắng lặng. Đêm đêm nghe tiếng lá rơi cũng giật mình cảm thấy nỗi cô đơn chảy dài trong từng mạch máu. Từ ngày có Bảy Nù tới lui làm bè bạn, Mười Thơm cảm thấy đời mình được an ủi. Cảm xúc của tình yêu đôi khi đâu thể dễ mua bằng tiền. Mười Thơm đem lòng yêu Bảy Nù không so đo tính toán, không cần biết hắn là ai, từ đâu đến, chỉ biết khi đã yêu thì nguyện suốt đời nâng khăn sửa túi cho Bảy Nù. Trước ngày Bảy Nù rời khỏi nhà, Mười Thơm đã tin tưởng gom góp hết số tiền dành dụm bấy lâu nay đưa cho Bảy Nù, rồi dặn dò:
- Đi làm ăn với người ta cũng cần có chút vốn.
Bảy Nù gạt tay nhất quyết không lấy, nhưng Mười Thơm nói nếu không lấy thì đừng về đây nhìn mặt nhau nữa, sống với nhau chừng ấy thời gian thì phải biết vui cùng hưởng, khổ cùng chia. Cuối cùng Bảy Nù nhận số tiền từ tay Mười Thơm thề sống thề chết là thành công mới quay về. Vậy mà Bảy Nù ôm tiền đi theo người đàn bà đeo vàng kia biền biệt mấy năm nay bỏ một mình Mười Thơm cô đơn vò võ đợi chờ.
Sáng nay, có một nhóm người lạ đến xóm này hỏi mua đất. Điểm dừng chân cũng tại quán của Mười Thơm. Trong lúc chờ làm món nhậu, Mười Thơm vô tình nghe họ nói về người đàn bà đeo vàng. Thì ra người đàn bà kia là một doanh nghiệp nổi tiếng về lĩnh vực bất động sản. Hèn gì, Bảy Nù ham giàu nên theo ả bỏ cái làng quê nắng cháy này, bỏ luôn cả người đàn bà mà hắn thề non hẹn nước. Mười Thơm cắn môi nén nghẹn ngào đang dâng lên trong lòng. Dọn đồ nhậu ra cho khách xong, nàng bước ra sau nhà ngồi khóc rấm rứt. Bên trong xóm ai đó ca vọng cổ xuống xề có câu: “Thật thà như thể lái trâu/ Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”. Kéo chiếc khăn quấn trên đầu xuống lau vội hai dòng nước mắt, nàng nghĩ thầm. Tin thằng lái trâu chi để giờ ôm hận. Mười Thơm lặng lẽ bước ra ngoài trong cái nắng chiều vàng nhạt buồn hiu…
Tàn sòng nhậu, khách đi rồi quán Mười Thơm trở lại vắng vẻ buồn tênh. Bước ra ngoài sân, lấy chiếc áo màu nâu của Bảy Nù vào. Có lẽ đây là lần cuối cùng Mười Thơm không đem áo ra phơi nữa. Trong lúc đang lúi húi xếp cái áo bỏ vào tủ thì có tiếng còi xe hơi thật lớn phía ngoài. Từ trong chiếc xe bóng lộn, dáng một người đàn ông vai u thịt bắp tay xách va li sang trọng bước xuống cúi đầu thật thấp từ từ tiến đến gần Mười Thơm. Người thì to như voi, vậy mà sao tiếng nói phát ra nghe nhỏ nhẹ làm sao:
- Mình ơi, cho tôi xin tạ lỗi!
Đ.V.Đ
(*)Lời bài hát “Hương tình cũ” của NS Thanh Sơn.