TIN TỨC
  • Truyện
  • Người khuất sau lưng | Truyện ngắn dự thi của Minh Hoàng

Người khuất sau lưng | Truyện ngắn dự thi của Minh Hoàng

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
768 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

      “Vợ chồng chú ăn thịt gà hôn?”. “Gà đâu giờ này mà ăn anh?”. “Muốn có là có hà. Vô bắc nồi nước đi, chút luộc!”.

      Anh nói xong, bước lẹ ra đường. Mưa lắc rắc. Đêm 30 đen kịt. Mặt đường nhão vì đất sét pha bùn. Gió u u thổi từ phía bên kia đường sang. Hàng cây bạch đàn uốn éo, tiếng lá xào xạc mọi bữa tự dưng tối nay nghe lạ hơn, như có tiếng trèo trẹo, nghiến răng của con nít ngủ mớ.

      Rớt quay vô nhà, nói với vợ: “Ông bắc nồi nước đi, ảnh nói có gà là có gà đó!”. Chị vợ ngập ngừng. “Nào giờ ảnh có sinh tật đâu, hông lẽ bây giờ già rồi bày đặt ăn trộm, ăn cắp?”. Sáu Rớt nhìn vợ. “Thì ông bắc nồi nước đi, ảnh dìa mà chưa có, ảnh nhằn cho coi”. Chị vợ lẩm bẩm gì đó trong miệng rồi đi vào nhà sau. Gió ngoài bờ kênh tự dưng thổi ngược lại, bay vù vù qua hàng tràm bên kia đường làm cho những tiếng rắc rắc vang lên lớn hơn. Chị vợ hạ cái rèm cửa sổ xuống rồi thổi lửa phù phù. Tự dưng có cảm giác cái cà ràng nhà mình tối nay bị nghiêng.

      Tiếng xe máy dừng lại bên kia đường. Bóng hai người sêm sêm nhau đẩy xe xuống lề - chỗ hàng bạch đàn - rồi đi sâu vào phía trong. Gió đang thổi từ sông qua hàng bạch đàn tự dưng đảo chiều thổi ngược lại, hất mạnh cái lọn tóc dài của người đi sau tung lên. Lành lạnh. Giật giật. Vù vù. U u… Sáu Rớt đóng cửa lại vì sợ gió lùa vào bởi thằng con trai anh chỉ vừa mới bớt bệnh hồi trưa. Hôm qua 3 chị em nó mê mò ốc dưới kênh, ngâm nước cả buổi chiều nên tối lại thì phát sốt. Cũng may uống thuốc, chườm nước nóng cả đêm, nên trưa nay mới ăn được chén cháo trắng. Cái điệp khúc nghèo thì nhà nào cũng như nhà nấy. Đông con.

      “Á… á…”.

      Tiếng la thất thanh từ bên kia đường vang lên. Tiếng thở hổn hển. Tiếng nổ ống pô lẹt khẹt. Tiếng đề máy xe è è. Sáu Rớt hé cửa nhìn ra thấy một người ngồi sau yên xe ôm cứng ngắt người ngồi trước. Hình như họ đang bấn loạn. “Chạy đi, chạy đi… Lẹ đi!”. Tiếng người ngồi sau cứ thúc mà người ngồi trước tra chìa khóa trật duột hoài, chiếc xe trầy trật mới nổ, bánh xe quay mòng, xoáy sâu xuống lớp đất bùn bay vèo vèo lên phía sau trên con đường loằng ngoằng, trơn trợt bởi mưa dầm rỉ rả cả ngày nay.

      Rầm!...

      Choảng!...

      Đùng!...

      Tiếng trước, tiếng sau cách nhau chưa được 1 phút ở phía đầu vàm kênh gần đó. Có tiếng nước bắn lên.

      “Hổng lẽ ảnh ăn trộm gà người ta bị phát giác? Người ta rượt chạy té khói rồi nhảy xuống sông hay sao?”. Sáu Rớt bán tín bán nghi. Chị vợ thì lí nhí bên tai chồng: “Ảnh nào giờ toàn làm việc phải, khôn dại nhất thời, người ta mà bắt được thì tiếng đời chịu sao thấu, nên phải bỏ của chạy lấy người thôi!”. Rớt quay lại nhìn vợ: “Tui thì không nghĩ như ông, chắc có vụ gì đây nè!”. Chị vợ lên tiếng: “Có chuyện gì là cũng do ông hết. Hồi nãy phải chi ông nói đừng có ăn thịt gà thì ảnh đâu có đi ăn trộm của người ta, giờ khổ thân rồi đó!”. “Thằng nhỏ bệnh, tui nghĩ có cháo gà ăn cho nó mau khỏe lại thôi. Ai biết ảnh đi ăn trộm chứ!”. Rớt tỏ vẻ bực bội khi nghe vợ mình đổ thừa lảng nhách.

      Đoành!

      Chị vợ hoảng vía khi nghe tiếng nổ bất thình lình vang lên. Một tia sét xẹt ngang trước cửa nhà. Hàng cây bạch đàn bên kia đường đang uốn éo, ngọn oằn cong, thình lình gãy một nhánh lớn rớt xuống cái ầm, nằm vắt ngang mấy cái mả. Gió vù vù thổi qua thiếu điều muốn bung cánh cửa. Đứa con gái sợ trời gầm nên khóc ré lên. Chị ôm con vào lòng trấn an: “Không sao đâu con, bác Út lăn thùng phuy thôi hà. Có mẹ đây, không sao, không sao!”.

      Sáu Rớt đứng chêm lưng vào cửa, chống lại sức mạnh của gió ngoài sân đang ràn rạc thổi, nghe cái lưng mình cũng run lắc theo từng thanh tre.

      “Cạch, cạch!”. Tiếng vỗ mạnh vào cửa hơn. Chị vợ trợn tròn mắt. Tự dưng gai ốc nổi lên cục cục, lạnh cả sống lưng khi nghe tiếng kêu bên ngoài.

      “Mở cửa coi”.

      Vợ Sáu Rớt lập bập môi, 10 ngón chân quấu xuống nền đất khi chưa nghe chồng lên tiếng. Bàn tay vỗ vào vách cửa mạnh hơn, gấp hơn. “Ai… ai vậy?”, Sáu Rớt ấp úng hỏi. “Anh nè. Vợ chồng chú bắc nồi nước sôi chưa?”. Vợ chồng Sáu Rớt thở ra cái phào, hồn vía nhập về, tay chân bớt co cứng, gân máu bớt xanh dưới từng nếp căng của da mặt.  

      Ngồi nhổ lông gà, Sáu Rớt thắc mắc. “Ủa, dao ở đâu mà anh cắt cổ nó vậy?”. “Anh có cắt đâu, vợ chồng nó cắt sẵn ở nhà đó chứ!”. Chị vợ ngước lên ngạc nhiên khi nghe anh cười khà. “Cắt sẵn?”. “Ừa, thì họ cắt sẵn, đem cho thì mình lấy thôi!”. “Nói vậy không phải anh ăn…”. Sáu Rớt liếc mắt sang khi cô vợ chưa kịp nói ra từ “trộm”. “Ông rang gạo đi, ở đó mà hỏi”. Anh hiểu ý hai vợ chồng họ nên cười xòa. “Vợ chồng chú tính nói ông anh này đi ăn trộm chứ gì?”. Anh cười rần lên một cách sảng khoái rồi bong đùa. “Làm người lương thiện hoài chán lắm, lâu lâu làm đạo chích một bữa cho vui, coi cảm giác ra sao á mà! Bộ hông được hả?”. Chị vợ lấy đũa bếp đảo đều nhúm gạo rang trong nồi, nói. “Anh có gì thì vợ chồng em vô can nghen!”. Anh bật cười. Lúc nào cũng cười kiểu “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”.

*

      Khi cả xóm còn đang đồn rùm beng chuyện “con nhỏ 16 tuổi chết linh lắm” thì sáng nay ngoài đầu kênh người ta kéo nhau ra coi rần rần vì cái xác chết trôi phình lên kẹt ở bụi tre. Người ta nhận ra ngay vì cái xác nằm ngửa là vợ thằng lé bán số đề ngoài thị trấn. Mấy bữa trước nghe nói nó không đủ tiền giao cho mấy người trúng đề, rồi tự dưng biến mất. Ai cũng nghĩ nó bể nợ trốn đi. Ai có dè nó nông nổi nghĩ quẩn chết trôi như vậy. Mà sao nó chết bất đắc kỳ tử vậy chứ? Thằng lé thì mấy bữa nay cứ như bị ai nhập, chiều nào cũng lạng xe từ thị trấn vô đây, đảo mấy vòng tới chạng vạng mới về. Là dân xăm mình nên thằng lé rú ga còn hơn tụi choai choai tụ tập ở đầu cầu đua xe kể từ khi con lộ bên phía thị trấn trải nhựa láng o. Vậy mà mỗi lần tới hàng bạch đàn trước nhà Sáu Rớt là tay lái nó lảo đảo dù chiếc xe vẫn phóng như bay.

      Người ta khám nghiệm tử thi thì biết vợ thằng lé chết do ngạt nước. Nhưng nó đi đâu vô cái xóm này mà té sông chết yểu như vậy? Câu hỏi đó ban đầu người ta còn thắc mắc bàn tán, nhưng dần dà thì mọi chuyện lắng xuống. Ai cũng lo công ăn chuyện làm, lo cuộc sống của nhà mình nên không còn ai nhắc lại. Nhưng cái vụ “con nhỏ 16 tuổi linh lắm” thì vẫn nổi lên và vẫn là đề tài rôm rả nhiều người bàn tán mỗi ngày, nhất là khi thằng lé cứ phải chung tiền trúng đề cho mấy tay mê đỏ đen, cờ bạc đến nỗi nó hốt hụi non cả chục dây của mấy chủ hụi lớn ngoài chợ rồi trốn mất. Chỉ có mỗi bà Hai mập là đánh hơi nghe mùi bể nợ của nó nên đã siết chiếc xe gắn máy của thằng lé dù bị bể bửng một bên.

      “Con nhỏ 16 tuổi linh lắm” có thêm hàng xóm nằm cạnh bên là vợ của thằng lé. Câu cửa miệng của dân bàn đề càng linh hơn khi người ta đồn với nhau rằng, ai đến cúng cái gì nó cũng ăn hết. Không biết nó ăn hay vợ thằng lé ăn mà tối khuya cúng xong là sáng ra không còn sót lại thứ gì, có bữa mất luôn cái dĩa. Nó cho số 10 người thì có 1 người trúng. Xác suất vẫn hơn 1 ăn 99 của lô đề. Thường ai đợi lúc nửa đêm đến mả nó xin số thì linh hơn. Chẳng biết nó có lòng thương thầu đề hay không mà dạo gần đây những đêm tối trời, không trăng hay cuối tháng thì nó mới thỉnh thoảng về cho số. Chẳng lẽ vợ thằng lé làm thầu đề nên bây giờ chết nằm cạnh nó rồi xúi nó không cho?

      Vợ Sáu Rớt một lần túng quẩn quá nên làm gan mò tới mả của nó vào bữa 30, trời tối đen như mực. Vừa để cái dĩa bánh xuống mô đất cao, đốt 3 cây nhang, cúi đầu lâm râm chưa kịp khấn vái thì phía sau mả, nó lú đầu lên, tóc xõa che kín mặt, tiếng khàn khàn như vịt đực, rền rền hỏi: “Xin số hả?”. Vợ Sáu Rớt điếng người, ba chân bốn cẳng chạy thụt mạng, đạp lên mấy bụi gai mắc cỡ đâm chảy máu chân mà không hề biết đau là gì. Từ hôm đó, trời vừa chạng vạng là nhà Sáu Rớt đóng cửa kín mít, chị vợ còn mua thêm tấm mủ sọc lớn về che chắn bên trong. Mỗi khi gió u u thổi là ớn lạnh khắp người.

      Nhà Sáu Rớt đối diện với cái chòm mả, chỉ cách con đường với hàng bạch đàn hay uốn éo, lắc lư, nên nỗi sợ cứ ngày một tăng lên, nhất là những đêm có tiếng chim heo kêu rợn rờn ngoài mả. Bữa nào đom đóm hay ễnh ương, nhóc nhen họp hội gì thì chị trùm mền mà tưởng tượng ra hàng trăm cái đầu lâu, hàng trăm hốc mắt sâu hoắm đỏ lòm, khoác áo trắng thùng thình dang hai tay ra nhảy tưng tưng, bay lơ lửng hết mả này qua mả kia như cương thi trong phim Tàu, rồi chị trở mình qua lại thức trắng đêm. Phải chi chị đừng nghe theo mấy bà bàn đề ngoài chợ mò vô gò mả xin số thì bây giờ đâu phải sống mà như không sống kiểu này. Mười mấy năm hai vợ chồng ở đây, chứng kiến không biết bao nhiêu lần người ta đưa người thân ra chôn ở khu gò mả này mà có làm sao đâu! Thiên hạ đồn đại đi đêm qua chỗ này là thấy ma khóc lóc này nọ, chị vẫn thản nhiên, bởi có bao giờ chị thấy con ma mặt mũi ra sao đâu? Với lại, anh bạn của vợ chồng chị thỉnh thoảng tới nhà chơi, mang theo bao gạo, bánh trái cho tụi nhỏ cũng hay nói rằng: “Nếu có thế giới người khuất sau lưng đi chăng nữa thì người ta cũng như mình, mình không chọc ghẹo người ta thì ai chọc mình mà lo, họ cũng đâu có rảnh mà đi chọc mình làm gì, hơi sức đâu mà sợ! Chỉ trừ khi thím mò vô đó cúng bánh cúng nhang thì nó mới lú đầu lên hỏi “Xin số hả?” thôi”. Anh cười khà khà trong khi vợ Sáu Rớt giật mình bởi chị chưa từng kể ai nghe chuyện mình vô chòm mả xin số đề, kể cả Sáu Rớt, chồng chị.

      Nhắc tới anh bạn tình thâm thủ túc như Trần Minh với Nhuận Điền trong tuồng cải lương “Bên cầu dệt lụa” thì lâu rồi vợ chồng Sáu Rớt không thấy anh tới nhà chơi. Gần đây nghe tin anh đi làm cho công ty lữ hành du lịch ở ngoài đảo. Thỉnh thoảng gọi điện về cho vợ chồng Sáu Rớt để hỏi thăm việc này việc kia, cả chuyện học hành của mấy đứa nhỏ. Tuần rồi anh còn gởi về cho Sáu Rớt cái điện thoại di động mới cáu để liên lạc khi cần.

      Tối hôm đó, Sáu Rớt vừa đội cái đèn đi soi nhái lên đầu thì chuông điện thoại reo. Màn hình hiện lên gương mặt anh bạn chí cốt, vẫn với tiếng cười quen thuộc, sảng khoái khi nói chuyện với nhau. Cô vợ nhìn vô cái màn hình, liền hỏi: “Ủa, anh đang ở với ai vậy?”. “Có ai đâu”. “Xạo nghen, cô nào mới đi ngang sau lưng đó?”. Anh cười. “Làm gì có, phòng này ở trên tầng cuối của khách sạn, công ty bố trí cho anh ở, vì cao quá nên khách ít ai chịu lên, mà mấy đứa tài xế cũng không đứa nào chịu ở, nên anh ở có một mình”. Sáu Rớt tháo cái đèn soi trên đầu xuống: “Giờ hết chối rồi nghen đại ca. Tui thấy cái bóng bả sau lưng ông nghen. Không khai là tui méc vợ ông à nghen”. Anh cười khà khà: “Cho méc luôn!”. Cô vợ thoáng thấy nhúm tóc dài của người con gái bay lên bởi cái quạt gió sau lưng anh bạn. Vợ Sáu Rớt nhìn cái màn hình rồi nói thiệt lớn: “Chị gì đó ơi… ông anh tui hiền và tốt bụng lắm, nhưng ảnh có vợ rồi nhen!”. Anh lại cười rần rần, lấy tay che lại cái camera màn hình, quơ quơ vài cái rồi thả tay ra nói: “Làm gì có ai ở đây, hai đứa bây trông gà hóa quốc rồi!”. Dứt câu, anh lia cái điện thoại đi khắp phòng cho vợ chồng Sáu Rớt coi: “Đó, có ai đâu”. Anh chồng nháy mắt mấy cái: “Ông kêu bả vô nhà tắm trốn thì có!”. Anh lại cười rần: “Thôi, lo đi soi ếch nhái đi chú mầy, ở đó nói tào lao. Anh đi tắm nghen! Mới lái xe đưa đoàn khách qua Cam về, hơi đuối”.

      Cái màn hình vụt tắt. Anh bước vào phòng tắm, vừa cởi áo ra thì nhìn trong gương thấy cái lưng xõa đầy tóc của cô ta đứng ngay cửa. Anh buột miệng: “Trời đất, người ta đi tắm mà vô đây mần chi vậy trời?”.

      Vợ chồng Sáu Rớt làm sao biết được mấy tháng qua đêm nào anh cũng mua về hai phần ăn, khi thì hộp cơm, khi thì cái bánh bao… một cho mình và một để trên cái bàn nơi cửa sổ. Khoảng 9 giờ tối thì hơi lạnh ùa vào, cô ta ngồi đó, im lặng, tóc che hết gương mặt, nên anh không rõ lớn nhỏ thế nào. Hỏi gì cũng không nói, kêu đi cũng không đi. Nhưng khi anh ngủ say rồi thì khoảng 12 giờ đêm là cái không khí lạnh trong phòng không còn nữa và trước đó một giờ cái bánh bao trên bàn đã có mùi thiu.

*

      Từ ngày vợ Sáu Rớt giẫm đạp gai mắc cỡ mà chạy thoát thân thì con nhỏ 16 tuổi đột nhiên hết linh, người ta đến xin số thế nào mà về bàn đề toàn trớt quớt. Bàn số ông Địa thì chiều xổ ông Thần Tài. Bàn con dê 35 thì chiều xổ ra con le le 22. Năm khi mười họa mới có người trúng một lần, nên nợ nần cứ như vòi bạch tuộc vươn ra quấn miết mấy tay mê cờ bạc, đỏ đen ở cái thị trấn này.

      Một năm trôi qua, nỗi sợ ma của vợ Sáu Rớt cũng vơi bớt đi vì không còn ai nhắc đến chuyện mò vô mả cúng vái để xin số nữa, nhất là khi mấy gã thầu đề và tay em bán số dạo bị bắt, xử lý rốt ráo. Cái chòm mả cũng nhiều hơn những mô đất mới. Vợ Sáu Rớt vui nhất là hơn tháng trước ngôi chùa nhỏ cách nhà chị một luống bạch đàn cũng đã xây dựng xong. Sớm mai, đầu hôm tiếng chuông chùa công phu cũng làm nhẹ lòng những người đang sống gần khu vực chòm mả.

      Chiều hôm nọ, anh bạn từ đảo về, tạt ngang thăm vợ chồng Sáu Rớt, lỉnh kỉnh quà bánh cho 3 đứa nhỏ. Sáu Rớt nhìn ra ngoài xe khi thấy nhiều người đang chờ. “Anh có việc gấp phải đi, mai xong việc anh ghé lại thăm vợ chồng chú!”. Anh xoa đầu 3 đứa nhỏ khi chúng mân mê mấy món đồ chơi trên tay.

      Chiếc ô tô 7 chỗ dừng phía bên đây cây cầu đúc. Anh đi trước, Thầy và vài Phật tử theo sau. Đến chỗ vết xước trên thành cầu, nơi lan can sắt bị cong vênh một đoạn ngắn, anh dừng lại: “Dạ, là chỗ này đó Thầy”. Thầy chậm rãi nhìn xung quanh, đoạn kênh rộng dần về phía cửa sông. Thầy hướng mắt về phía bụi tre de ra ở đầu kênh rồi chắp hai tay lại như một búp sen, ngón cái và ngón trỏ của Thầy bắt lại thành một cái ấn. Thầy nhắm mắt vài giây, lâm râm những câu gì đó rồi rải nhúm tàn nhang trong bát hương xuống dòng nước phù sa đang cuộn chảy dưới chân cầu: “Con về chùa nghe kinh kệ với Thầy, Thầy sám hối cho con sớm được vãng sanh”.

      Anh nhìn lại sau lưng không thấy bóng ai đi theo mình nữa. Tiếng con gà cục ta cục tác nhà ai đó vang lên khi mây đen đã rớt hột, y như đêm mưa năm ngoái lúc anh xách con gà từ chòm mả về và ngồi nhìn vợ chồng Sáu Rớt với mấy đứa nhỏ hì hụi húp rột rột mấy chén cháo gà.

M.H

Bài viết liên quan

Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm