TIN TỨC

Nguyễn Bính Hồng Cầu - Thức với miền xưa

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-08-18 14:03:23
mail facebook google pos stwis
896 lượt xem

TRÚC LINH LAN
(Về tập thơ “Thức với miền xưa”, NXB Hội Nhà văn)  

“Tôi không nghĩ mình làm thơ để tiếp nối con đường của cha mình. Mình là kẻ hậu sinh, chắc chắn không thể vượt qua bao nhiêu chữ nghĩa của người đi trước. Tôi đến với thơ như một cứu cánh để giãi bày những điều tưởng như mình không thể chịu đựng nổi. Rất may tôi đã được giải tỏa bằng thơ và tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ. Bạn tôi nói Hồng Cầu làm thơ như… ma nhập. Khi đó, tôi không thể không viết. Phải viết thì mới yên lòng” (tác giả tự bạch).


Nhà thơ Trúc Linh Lan (trái) và nhà thơ
Nguyễn Bính Hồng Cầu

Trong cái bóng quá lớn của người cha tài hoa, Nguyễn Bính Hồng Cầu đôi lúc cũng cảm thấy bị áp lực, nhưng chị không thể rời bỏ thơ vì đó không chỉ là cảm xúc của chị mà còn mang yếu tố di truyền. Cầm trên tay tập thơ “Thức với miền xưa” với 38 bài thơ khi đọc qua một lần, tôi vẫn chưa nhận biết được nốt trầm của trái tim nhà thơ nữ này ngân lên ở cung bậc nào. Tôi mãi miết đi tìm một Hồng Cầu ngày xưa thiếu nữ “… Đời xanh nõn giăng tơ/ nắng vàng ươm mật ngọt/ vành vạnh vầng trăng…sóng sánh tiếng cười/ trong vắt pha lê…”. Một cô gái mới lớn xinh đẹp, tràn đầy sức sống, hồn nhiên trong veo ánh mắt mang trong lồng ngực thanh tân:

                      “…một giấc mơ hồng

                      Mùa đương chin

                      Thơm mùi thiếu nữ

                      …vành vạnh vầng trăng

                                                                          (Bán cái không thể - tr.39)

Cái thời “Tuổi mười lăm/ Nghiêng mình soi bóng nước/ Ngỡ ngàng quen lạ thời thiếu nử/ Mắt huyền mơ má lúm đồng tiền/ Môi chúm chím sắc ô môi bừng nở/ Khẽ ngượng ngùng thoáng bóng con trai…”. Hình như bạn yêu thơ đang bắt gặp một nàng thơ Hồng Cầu rất duyên dáng, hồn nhiên trong trẻo quá, cả khi bước vào tình yêu đầu đời cũng đẹp: “…Tôi rạo rực bước qua miền thiếu nữ/ Nụ hôn đầu cong vành môi ký tự/ Chạm khắc đời nhau muối mặn gừng cay...” (Liên khúc ngày xưa - tr.68).  Nhưng dòng đời nghiệt ngã lắm, nó níu kéo số phận người phụ nữ qua bao đời từ người bà bên ô trầu canh khuya, người mẹ trên bậc cửa lõm mòn, người con gái quá lứa lỡ thì đau đáu ước mơ bên vầng trăng khuyết và rồi chị cũng tin vào số phận, yếu tố tâm linh cứu cánh của nỗi buồn: “Ai tính được vòng quay định số/ Thân phận khóc cười sấp ngữa bàn chân/ Cõng nẻo đời băng qua miền cát bụi/ Nhọc nhằn tay trắng phận người trôi…” (Khao khát mặt trời - tr.27), trái tim thơ giàu cảm xúc đành phải:

               “…Ta cất giấu hồn nhiên vào đáy mắt

                Ủ mặt trời trong lòng ngực thanh tân…”

Từ “ta” ở đây tác giả như nói với chính mình và cũng như thì thầm cùng bạn yêu thơ những câu thơ trăn trở, ray rức, đau đáu số phận con người, sân khấu ngôn từ thơ nhiều sắc màu nhiều tầng nghĩa chồng chất lên nhau có chút nào đó mạnh mẽ, hào sảng như một bậc nữ lưu hào kiệt đầy nhiệt huyết với quê hương, ghét cái ác, cái giả trá, lọc lừa… Nhưng tôi lại thích một Hồng Cầu đầy nữ tính, đầy yêu thương day dứt:

                 “Chiều nghiêng xuống

                 Chạm mùa đang cuối

                 Người đàn bà gắng giữ chút ngày

                 Phập phù rút mái thời gian nhóm lửa

                 Thả lên trời những vòng mộng tưởng…

Không gian thơ của Hồng Cầu quá nhiều tầng nghĩa: “chiều nghiêng” kết hợp với “mùa đang cuối”. Sao nghe thương cảm quá khi hình ảnh “Người đàn bà gắng giữ chút ngày” để rồi thả lên trời “…những vòng mộng tưởng”. Tôi bắt gặp được hồn thơ của chị cũng mềm yếu, cũng thương cảm và cũng rơi nước mắt:

                 “…Giọt nước mắt

                 Loay hoay không bến đổ

                 Ngày cạn”.

                              (Ngày cạn - tr.7)

Không có hình bóng con thuyền, không có dòng sông nhưng đầy ắp nỗi cảm thông số phận con người và là một người phụ nữ đa đoan giữa dòng đời đen bạc, giữa cuộc sống phù du đầy mệt mỏi này. Sao tình yêu là một cái gì đó xa vời vậy? Trái tim yếu đuối, dễ đau, dễ vỡ, mà luôn đón nhận bao đắng cay. Thương quá một Hồng Cầu với trái tim ấm áp, nhân hậu, dịu dàng đằm thắm ước mơ có một tình yêu tươi đẹp:

               “…Giấc mơ anh êm mượt

                    Thịt da bung nở

                    Giọt nước mắt thăng hoa

                    Đỉnh tình e ấp gọi…”

 

                    …..miền anh xoáy lốc

                    ta tan vào nhau

                    ….ảo ảnh vỡ òa

                    sóng khóc….”

“ta tan vào nhau” câu thơ đẹp. Chỉ là mơ thôi, một chút của xao động nồng nàn, một chút của rung cảm mãnh liệt, cháy bỏng. Nhưng giấc mơ đó đẹp quá, bất cứ người phụ nữ nào cũng có những giấc mơ như thế, mơ một tình yêu: “Khát cháy men tình/ giấc mơ buông thả/ vũ trụ quay cuồng/ miền anh rực lửa…”  sao tôi thích những câu thơ này của chị quá, rất phụ nữ, rất đàn bà… Với Hồng Cầu chỉ một chút thôi, rồi trả lại trang thơ một trái tim yếu đuối: “Ta trốn vào ta/ giấu biệt/ giấc mơ trần tục…/ ta giấu vào ta/ chôn giấc mơ trần thế”. Bạn yêu thơ bất gặp một tâm trạng thảng thốt, vừa thất vọng vừa hy vọng:

                         “…  Ngày nhú mộng

                          ta rơi chiều thẳng đứng

                          Trốn vào khát khao

                          Nuôi giấc mơ tình”.

                                                            (Trốn vào khát khao - tr.15)

Theo tôi giấc mơ đó rất đẹp, rất đời thường mà sao lại là “trần tục”? Chị lại  đưa ta đến một ngạc nhiên khác khi kết bài thơ với từ “nhú” mộng, “nuôi”  giấc mơ tình nghĩa là chị vẫn còn muốn chăm chút, giữ gìn một giấc mơ trần thế, dù chỉ lóe lên một ánh nắng ấm áp, một đóa hoa xuân đang rộ nở trong thực tại cõi người, dù trong cảm giác mệt mỏi, vẫn kiên trì: “…Tôi mệt nhoài/ cắt từng lát đêm/ ủ vào ngực áo/ nắng ngày lên/ chiêm bao” thương quá một trái tim luôn rực cháy yêu thương nhưng lại còn e dè cất giấu. Nghe đau đáu một nỗi niềm mòn mỏi: “Bóng dáng nào ta quên/ hình hài nào ta nhớ/ ai bây giờ/ ai ngày mai/ ai người năm cũ...” Ai, ai, ai… được lặp đi lặp lại, người đàn ông nào đó đi qua cuộc tình thời xuân sắc, thời yêu thương để bây giờ: “…nỗi nhớ không lối về/ nghe chừng…đêm đau”, Hồng Cầu ơi đêm đau hay người đau? Sao nghe nhói buốt trong lòng vậy!

Trong thơ chị chạm khắc số phận người phụ nữ “dâu bể” trong tình yêu, trái tim quá trĩu nặng nỗi buồn quá khứ, người đàn bà trong thơ luôn đi qua những cơn mơ dài, đi qua trận bão giông cuộc đời, giông bão tàn phá ngôi nhà, xé nát một cảnh đầm ấm ngọt mật, đổi lại những oán hơn, trách cứ: “…Yêu thương bốc hơi/ hóa kiếp căm thù/ những lằn roi ngôn từ/ quất vào nhau rát rạt…” một bức tranh đầy gam màu lạnh rất sống động: “Lũ nhỏ lóp ngóp bò/ qua cơn hồng thùy/ chới với ánh mặt trời/ tật nguyền tâm thế...”. Là phụ nữ, là một nhà thơ Hồng Cầu nhận ra rất rõ số phận những đứa trẻ sau cơn bão, không gian buồn của người thiếu phụ lẻ loi, trống vắng khi cơn bão cuộc đời đi qua để lại bao hậu quả bi thương. Hình ảnh người đàn bà ngồi bên cửa sổ đón hoàng hôn thật lạnh lẽo, hoảng hốt gom chút nắng với chút hy vọng nhỏ nhoi:

                “…tự làm ấm mình

               Trong ngôi nhà trống”

                                              (Ghi sau cơn bão - tr.23)

Hình như có tiếng thở dài trong cái nhập nhoạng của chiều, sự bất lực trước không gian trống trãi quạnh hiu: “…Còn ta/ nước mắt tràn trang giấy/ giọt mồ hôi mãi miết kiếm tìm/ không thấy tứ/ con chữ vô hồn/ phơi trắng câu thơ” (Còn ta - tr.35). Và rồi cũng chính nỗi đau đã làm nên câu thơ hay bởi sự dồn nén, sự đau xót, cô đơn, Nguyễn Bính Hồng Cầu đã thăng hoa cảm xúc viết nên những câu thơ rực sáng từ trái tim thơ nhạy cảm và tinh tế:

                   “…thời gian gõ nhịp nỗi đau

                   thoát thai nhập hồn ký tự

                   cảm xúc thăng hoa

                   pháo bông xòe con chữ

                   ngôn ngữ lấp lánh nỗi mình

                   thơ mọc cánh

                   Bay.”

                                             (Sân khấu ngôn từ - tr.25)

Ta cũng bắt gặp một Hồng Cầu thật tỉnh táo tự hỏi mình: “Lẽ nào mãi theo nhau/ đuổi hình bắt bóng/ kiêu hãnh nhân danh ngụy tạo/ giả dối đua chen/ bước lên cầu ảo ảnh.” (Lẽ nào - tr.37), đi tìm một hình bóng ngày xýa cách ðây bốn mýõi nãm trýớc: “…cũng hoa cười/ sóng sánh trăng rằm”, bây giờ trong lòng ngổn ngang bao sợi ưu tư thế cuộc, ưu tư những số phận da cam, những chàng trai đối mặt với sóng gió biển Đông, ưu tư cả phận mình: “…Hay là tôi con sóng ở trong lòng?…Chỉ trong tôi khuyết một bóng người”.

Sông thơ Hồng Cầu chảy qua cuộc chiến, chảy qua miền ký ức, chảy qua bao dòng đời người nghiệt ngã, vui, buồn, đau khổ, xót xa nhưng lại tràn đầy niềm tin, cấu trúc thơ chị với nhiều câu mang khoảng không gian thơ khoáng đạt, mạnh mẽ với sân khấu ngôn từ nhiều tầng nghĩa, đa sắc màu, biến hóa lấp lánh thông điệp nhà thơ muốn bày tỏ, muốn tâm sự với bạn yêu thơ sức chiêm nghiệm cuốc sống:

           “Ta cố nhặt

           Chút niềm tin rơi rụng

           Hy vọng mùa sau.”

                                             (Hy vọng mùa sau - tr.41)

Khép lại trang thơ cuối cùng tôi muốn mượn lời nhận xét của nhà thơ Ngọc Bái về nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu để kết thúc bài viết của mình: “Dễ nhận ra vẻ thuần hậu nữ tính trong một trái tim thơ chân phác và nhân ái. Những bài lục bát nhuần nhị như cố níu giữ bóng dáng của bậc sinh thành khả kính. Những bài thơ tự do nuôi dưỡng những ý tưởng mới mẻ. Những suy tư luôn muốn bứt phá khỏi cái vỏ hình thức thơ muôn thuở. Đấy là chút phóng khoáng của sông nước cỏ cây, của bình dị đồng quê miệt vườn. Tự tạo chân dung thơ bằng chính những điều giản dị như cuộc sống vốn có. Đấy là duyên thơ ân nghĩa được thừa hưởng của sự pha trộn huyết thống Bắc Nam. Đấy là chút phiêu du của người mê đắm tự do. Đấy còn là nỗi cực nhọc trần gian chỉ có ở người đa cảm hồn nhiên. Chừng ấy đủ để ta quý mến nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu (Nhà thơ Ngọc Bái).

Vâng chừng ấy cũng đủ để người ta yêu quý chị và cũng bởi trong câu thơ chị chúng ta cũng bắt gặp được chính mình hôm nay hoặc ngày mai.    

              “Ta bây giờ

               ngày mai

               tờ lịch rơi

              đầu thêm sợi trắng

              đêm bao la

              nỗi nhớ không màu.

                                              (Nỗi nhớ không màu - tr.21)

Cần Thơ, ngày 11 tháng 8 năm 2015

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người trẻ thử sức với phê bình
Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.
Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm
Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang
Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.
Xem thêm
Những giải mã thú vị, khoa học của một người đọc tri âm
Với kiến văn sâu rộng, sự nghiên cứu cẩn trọng mang tính học thuật cao, khai thác nhiều vấn đề tri thức lý luận mới mẻ; Trần Hoài Anh đã đem đến những trang viết tinh tế, khai mở nhiều điều lý thú và bổ ích.
Xem thêm
Hồn xuân trong thơ Hồ Chí Minh
Nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng đã nhận định sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn, một tâm hồn lớn”.
Xem thêm
“Trung thực và quả cảm” trong sáng tác và phê bình văn học, nghệ thuật
Bài viết của nhà thơ Mai Nam Thắng trên Văn nghệ số 4/2024
Xem thêm
Nguyễn Quang Thiều với ‘Nhật ký người xem đồng hồ’
Bài viết của Nguyễn Văn Hòa về tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều
Xem thêm
Nửa lo giá chợ nửa ngây vì trời
Nguồn: Báo Văn nghệ số 4, ra ngày 27/1/2024.
Xem thêm
Dòng kinh yêu thương
Tháng 8 năm 1969, chương trình Thi văn Về Nguồn góp tiếng trên Đài phát thanh Cần Thơ vừa tròn một tuổi. Nhân dịp nầy, cơ sở xuất bản về Nguồn ấn hành đặc san kỷ niệm. Đặc san tập họp sáng tác của bằng hữu khắp nơi, với các thể loại như thơ, truyện, kịch… và phần ghi nhận sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Tây trong một năm qua. Trong đặc san này, chúng tôi in một sáng tác của nhà thơ Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) viết ngày 24/8/1969, gởi về từ Vị Thanh (Chương Thiện), có tựa đề “Đưa em xuôi thuyền trên kinh Xà No” Hơn nửa thế kỷ trôi qua với bao nhiêu biến động, ngay cả tác giả bài thơ chắc cũng không còn nhớ. Xin được chép lại trọn bài thơ của anh đã đăng trong Đặc san kỷ niệm Đệ nhất chu niên Chương trình Thi văn Về Nguồn, phát hành vào tháng 8 năm 1969.
Xem thêm