TIN TỨC
  • Truyện
  • Nhà có khách – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Nhà có khách – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2023-03-25 23:59:14
mail facebook google pos stwis
589 lượt xem

Mi băn khoăn, cảm giác có ánh mắt nhìn mình trong khu vườn vào buổi sáng hai mươi tám Tết. Cánh cổng sắt khóa chắc chắn.

 

Hàng rào trúc Nhật khít chặt tựa vào những khung sắt B40 như bức tường dày ngăn cô với thế giới bên ngoài. Sót lại dưới sân những cánh hoa ngọc lan trắng, loang loang thơm. Chỉ có Mi với cây cối và ngôi nhà thuê được hai năm. Ngoài đường, nhà rửa ô-tô, xe máy đang “Tết tết tết đến rồi. Tết tết tết đến rồi”.

Đi quanh khu vườn. Những chiếc bàn gỗ nhỏ đã xếp gọn vào góc sân. Hai chục chiếc ghế nhỏ chồng lên nhau. Hằng ngày, Mi bán cà-phê, đồ ăn sáng đến một giờ chiều rồi nghỉ. Từ 14 giờ, cô làm ở nhà sách tư nhân đến 22 giờ. Hai mươi lăm tuổi, tốt nghiệp đại học Văn hóa khoa Thư viện nhưng Mi chọn cách đi làm khiến mình vui. Vui mỗi buổi sáng khi hương cà-phê bay loang trong gió. Mùi bánh nướng quyến rũ và những người khách quen lặng lẽ đọc sách dưới tán cây muồng vàng hay ngọc lan. Mi mê đọc sách. Cô mua sách các loại về bày kín hai giá gỗ. Khách đến uống cà-phê thoải mái chọn, đọc tại chỗ, mượn về hay mua lại thoải mái.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Ánh mắt vô hình vẫn dõi theo Mi trong không gian từ ngôi nhà một tầng một bếp lớn, một phòng ngủ, một phòng làm việc và khoảng sân khoảng sáu mươi mét. Giá thuê mỗi tháng tám triệu vì ông bà chủ nếu không cho Mi thuê cũng khóa cửa, họ cần người yêu ngôi nhà và khu vườn hơn cần tiền.

“Em chuẩn bị đồ xong chưa, nhớ ghi ra giấy những gì cần mua không lại quên. Nhất là thuốc và lọ xịt chống côn trùng đốt. Mình sẽ đi rừng nguyên ngày đấy”. “Anh ơi, lạ lắm, em thấy có ai nhìn em từ lúc em ra sân tới giờ, mà cửa vẫn khóa, tìm khắp không thấy chàng tám múi nào đột nhập”. “Ôi thế à. Đêm qua về, liệu có ai lẻn sau lưng em vào nhà không? Em nói làm anh lo đấy”. “Có bác hàng xóm đặt hai chục chiếc bánh sừng bò, giao xong em về, khóa cửa luôn anh ạ”. “Đợi anh đến xem sao. Chắc phải trèo lên mái nhà”. Mi vội nhìn lên nóc nhà. Nhà mái ngói kiểu ba gian. Nắng tưng bừng trên mầu đỏ lem nhem vỡ của những viên ngói cũ lẫn trong đám rêu xanh và cây vẩy nến.

Mi và Văn yêu nhau hơn hai năm. Văn làm luật sư cho một văn phòng luật. Họ chuẩn bị đi Phú Quốc mười ngày Tết, chuyến đi xa dài ngày đầu tiên trước khi làm đám cưới vào cuối mùa xuân năm mới.

“Ngoao”. Một tiếng kêu thất thanh vang lên làm Mi loạng choạng suýt ngã. Một con mèo đen tuyền to dài nhảy ra khi Mi đi sát bụi hồng leo.

Hoảng hốt quay lại. Con mèo ngồi ngay ngắn sau cú nhảy từ những gốc hồng ra, nhìn Mi đăm đăm. Có lẽ, ánh mắt này là của nó từ sáng tới giờ nhìn cô từ góc không thể kín hơn. Mi đứng im vài phút, rồi đến gần nó. Nó cũng tiến về phía Mi, thay vì bỏ chạy. Con mèo đen đang chửa, bụng nó phành ra hai bên trĩu nặng sát đất. Đến bên chân Mi, nó dụi đầu như quen thân nhau từ lâu. Mi vừa ngồi xuống, mèo đen liền đứng bằng hai chân sau, hai chân trước đặt lên đùi Mi. Nó giấu đi những móng sắc, chỉ dùng phần thịt mềm giữa những ngón chân để giữ lấy Mi. Mi ôm nó lên, nặng trĩu. Tay cô luống cuống vì cảm nhận những con mèo con đang cựa quậy.

Đặt mèo đen xuống đất nhẹ nhàng, Mi thì thầm “Mày sắp đẻ rồi, để tao kiếm cho cái gì nằm cho êm nhé”. Nó lặng lẽ đi theo Mi vào nhà. Có giỏ mây đựng trái cây, cô bỏ hết ra, mang ra gốc cây muồng đặt xuống. Mèo đen nhảy vào nằm luôn như một lời cảm ơn. Mặt nó tròn như quay bằng compa, lông mượt, mắt một xanh một xám. Một con mèo không thể đẹp hơn, Mi nghĩ thế khi đi lấy sữa pha cho nó.

“Mình còn hai ngày để đưa con mèo này về với chủ của nó”. Văn nói khi nhìn mèo đen nằm ngủ mệt mỏi, cái bụng phập phồng. “Phải tìm ngay bây giờ, em sợ nó sắp đẻ. Mèo thì em nuôi được, mèo đẻ thì không biết phải làm sao”. Mi thở hắt. “Có nhiều đồ mình chưa mua cho chuyến đi”. Văn nói. “Em đi bên phải, anh bên trái, hỏi từng nhà, chắc quanh đây thôi”. Văn quay đi. Với họ, thời gian bây giờ tính từng tiếng. Sáng ba mươi cả đoàn bay đi Phú Quốc, một chuyến đi được lên lịch chi tiết từ đầu năm cho cả nhóm bạn thân, cũng là để chia vui với Mi, Văn trước đám cưới.

Mấy nhà hàng xóm gần hai bên không nuôi mèo. Đầu ngõ, có vài nhà nuôi chó. Sáng sớm hoặc đêm khuya, họ hay thả ra ngõ cho chúng tự do vệ sinh xong gọi về. Nhà bác Túc nuôi một con chó cảnh, thỉnh thoảng ôm theo đến uống cà-phê của Mi. Nghĩ mãi, hình như không ai nuôi mèo ở hẻm này. “Mèo thường quanh quẩn trong nhà, mình cứ hỏi cho chắc ăn em ạ’’. Văn nói, ngồi lên xe đạp, đạp chậm chậm dọc ngõ. Đến các cửa nhà, Văn dừng lại, cười cầu tài “Nhà bác có mất con mèo đen tuyền, mặt xinh đang chửa to không, nó đang lạc sang nhà cháu?”. Những nụ cười lịch sự kèm cái lắc đầu, hoặc câu trả lời gọn gàng “Bác không nuôi mèo. Nếu nuôi mà nó đi mất, bác sẽ đi tìm ngay”.

Mi đi bộ. Trước khi đi, cô ôm con mèo đặt lên cái ghế thấp, trong ánh nắng rực rỡ cuối đông hanh hao, dùng chế độ chân dung, cô bấm liền mấy kiểu, không quên chụp toàn thân nó. Đến các nhà, Mi ngó vào “Cô ơi, cháu Mi Cà-phê Mi đây ạ. Nhà cô có bị mất con mèo đen không, nó đang ở nhà cháu”. “Không Mi ơi. Cô dị ứng lông mèo, mà cũng ghét mèo, nó hay cào bậy lắm”. “Chú ơi, nhà chú có mất con mèo đen không, nó đang lạc sang nhà cháu”. Một con chó béc-giê phi từ trong ra, hừng hực ôm hai chân trước vào cánh cổng sắt như muốn phá tung để ngoạm Mi. Cô giật mình lùi lại. Bên trong, một chú béo ú cười tươi đi ra “Cả nhà chú tuổi chó. Chó mèo không ở cùng nhau được cô gái ạ”.

Cứ thế, Văn một hướng. Mi một hướng. Mấy tiếng sau, khát nước và đói, họ cùng về. Cả hẻm này lẫn hai ngõ bên cạnh, không ai bị mất con mèo.

Văn nướng bánh pha trà. Mi đưa ảnh mèo xinh lên Facebook hỏi xem ai mất em mèo đen mặt rất xinh và bụng mang bầu này không. Trong vòng ba mươi phút gần hai trăm người khen mèo mắt đẹp, hỏi thăm mèo chửa khó tính không, những kinh nghiệm nuôi mèo đẻ, đặc tính của mèo ta khác mèo Tây, giờ chuột nhiều, nhà nào cũng cần có một con mèo.

Hôm sau, số người quan tâm, thả tim tăng gấp ba, nhưng không có ai nhắn mèo của tôi đấy, tôi đến đón nó đây, cảm ơn cô đã chăm sóc.

Còn duy nhất ngày 29 Tết để giải quyết số phận mèo đen.

Mèo được uống sữa, ăn cơm pa-tê nên khỏe hơn, nhảy ra khỏi cái giỏ mây, đi theo Mi khắp nơi. Nó dụi đầu vào chân cô đầy biết ơn. Mi để đồ ăn trên bàn. Mèo đen ngồi nhìn như lính canh, không ăn vụng. Mi nói gì, mèo đen hiểu như thể cô nuôi nó từ rất lâu. Mới hai hôm có mèo ở cùng, cô tự nhiên nói chuyện luôn mồm “Tao đang đun nước sôi, cấm nhảy vào bỏng đấy”. “Bánh này nướng cho khách, mày đừng thò vào, mất mẻ bánh tao không còn thời gian làm lại đâu”. “Mày bụng chửa thế kia, tao chắc có bốn con, trèo leo vừa thôi, nhảy như con điên ấy”.

Các bạn gọi hỏi thăm tìm được chủ con mèo chưa? Mi nói chưa. Mà nó có vẻ đau đẻ, thấy hay lăn ra đất quằn quại, dụi lưng xuống mảnh đất gốc cây muồng. Mọi người lo lắng, phải giải quyết con mèo sớm, mà bay vào Phú Quốc chứ, không vì chuyện này mà bỏ đâu đấy, mày là người khởi xướng vụ này. Mi tần ngần, tay cầm điện thoại nói chuyện, mắt nhìn mèo đen khoan thai đi lại ngó nghiêng các góc nhà.

Thời gian như đếm từng giờ với Mi. Quần áo, đồ bơi, giày thể thao đã chuẩn bị. Đúng theo kế hoạch, đến giờ khóa cửa là ra sân bay.

Văn căng thẳng khi thấy không ai nhận con mèo.

Tổ trưởng dân phố, công an phường đều khẳng định, chúng tôi thuộc từng nhà khu này, nhà nào nuôi chó, mèo, chim, cá, gà tre chúng tôi biết hết. Nhà bà Tuất cuối ngõ có đôi gà toàn ba giờ sáng gáy bị dân chung quanh kiện, rình bắt. Tôi phải hòa giải suốt. Rồi ông Đoàn hay thả chó đái vào cửa nhà bà Khuyên, cũng tôi xử lý. Tôi khẳng định, khu dân cư tôi quản lý không nhà nào nuôi con mèo đen này. Vậy thì nó đi từ đâu đến khi con hẻm này có hơn một trăm hộ dân? Văn hỏi trong tuyệt vọng. Mèo có thể đi rất xa, có khi nó là con mèo hoang, tôi lạ gì giống này. Tổ trưởng phẩy tay, bỏ đi.

Văn băng qua con đường lớn, sang bên kia, cầm điện thoại có hình con mèo chụp chế độ chân dung, mặt xinh đẹp mượt mà hai mắt xanh ngắt tròn vo, hỏi từng nhà. Tất cả đều lắc.

“Gửi các trung tâm nuôi chó mèo tạm mười ngày đi, về tính tiếp”. Một cô bạn hiến kế. Mi tần ngần “Nó sắp đẻ đến nơi, gửi chắc gì người ta nhận”. “Họ nhận hết, cứ Tết là các gia đình gửi chó mèo để đi du lịch mà”…

Văn đi hết các nhà bên kia đường, lại gặp tổ trưởng, công an phường, các ông bà bán quán chè cóc, ai ở đây nuôi chó, mèo, chim, gà, cá cảnh, chúng tôi biết hết, có nhà nuôi cả đàn mèo, nhưng là mèo Tây, mèo Anh, để kinh doanh chứ không nuôi con mèo ta này.

“Em có địa chỉ hai trung tâm nuôi chó mèo rồi, mình đến luôn đi anh”. Văn gật. Hai người chở nhau phóng vù vù chạy đua cùng thời gian. Trung tâm thứ nhất có tên “Những thiên thần nhỏ” là khu nhà hai tầng có nhiều phòng. Bên ngoài, trời se lạnh, trong lành. Vừa bước qua cánh cửa gỗ, xộc lên mùi chó mèo chua khai đặc quánh. Phòng nào cũng kín những chuồng nhốt chó mèo theo từng giống khác nhau.

Duy nhất một con chó con mắt cười hóm hỉnh không ra già không ra trẻ thuộc giống poodle, bé bằng chai nước nửa lít, đuôi vểnh lên hớn hở đón khách như trực lễ tân. Nó lon ton chạy trước dẫn đường, đến phòng đầu tiên cửa mở thì dừng lại. Bên trong, một cô gái mập mạp phúc hậu cũng cười tươi đi ra. “Chào cô. Cô phụ trách trung tâm này đúng không”. “Vâng, mời anh chị vào đây ạ”. Hai người ngồi xuống ghế, trước chiếc bàn mây có bình nước trà xanh và vài cái cốc. Cô chủ định rót nước thì Văn gạt đi “Cảm ơn cô, chúng tôi vừa uống rồi. Chúng tôi có một con mèo ta, đang chửa. Mai chúng tôi đi Phú Quốc mười ngày, nên muốn gửi ở trung tâm của cô. Khi về, chúng tôi sẽ đón nó”.

Con poodle lễ tân cười cười nhìn Mi. Mi giơ tay, nó tiến đến liếm nhẹ, vẫy đuôi thay câu chào. Chung quanh họ, tiếng chó mèo ran ran. Dù phòng khách được đốt tinh dầu chanh sả mù mịt nhưng mùi chó vẫn quẩn quanh. “Nếu anh chị không uống nước, mời anh chị đi thăm qua cơ sở của nhà em”. Họ đứng lên. Lễ tân poodle lon ton chạy trước. Những chiếc chuồng được xếp cách nhau khoảng một mét. Có bát ăn bát đựng nước buộc vào thành chuồng. Họ đi đến đâu, tiếng chó sủa rào rào vang lên. Chúng mừng như gặp người quen. Cô chủ đập nhẹ vào các chuồng, nói to “Trật tự.

Trật tự. Nhà có khách nhé”. Một số con cụp đuôi quay vào trong, nằm xuống. Một số con vẫn cố chui ra. Bên phòng mèo, phần lớn là giống mèo Anh, Nga. Những con mèo lông dày mượt, xinh đẹp sạch sẽ nhìn mọi người khá dửng dưng, không cuồng nhiệt như bên nhốt chó. “Nhà em kín hai tầng anh chị ạ. Dịp Tết, các gia đình về quê, đi du lịch đăng ký gửi trước hai, ba tháng. Họ báo rõ chó hay mèo ăn loại đồ ăn gì, một tuần tắm hay spa mấy lần… Hôm nay 29 Tết anh chị mới đến, em không nhận được ạ. Nhất là mèo của anh chị lại sắp đẻ, nhân viên bên em cũng về quê bớt nên không có người chăm.

Em mong anh chị thông cảm”. Văn và Mi cùng dừng ở một chuồng mèo. Con mèo mầu trắng có đôi mắt xanh ngắt lần đầu tiên họ thấy. Nó đứng lên, ra cào cào chân trước vào thành chuồng, kêu nhỏ như tiếng trẻ con khóc. Nó nhìn Mi đăm đăm như xin cô cứu. Cô chủ liền nói “Con này khôn như người chị ạ. Chủ đi nước ngoài, gửi em được bốn hôm mà nó tuyệt thực. Đồ ăn họ gửi đắt tiền lắm, toàn pa-tê Pháp, hạt tổng hợp óc chó, hạnh nhân. Thế mà nó không ăn một miếng nào, em đang gọi gia đình nhận lại nhưng họ không thể, vì ngày Tết không ai nuôi hộ nhau mèo.

Con này bảy mươi triệu đấy chị”. Mi thương quá, lại gần con mèo, nó thò luôn một tay ra nắm tay Mi. Cô chủ liền nói: “Em phiền chị mấy phút được không?”. “Em nói đi”, Mi bảo. “Chị thử cho nó ăn xem có được không? Nó mà không ăn thêm ngày nữa là phải truyền nước thì phức tạp lắm”. Mi gật đầu. Cô chủ vội chạy đi lấy hộp pa-tê, xúc hai thìa ra cái bát rất xinh, đưa cho Mi. Cô mở cửa chuồng, con mèo lao thẳng vào Mi, nằm gọn trong lòng. Mi nhẹ nhàng: “Em xinh ăn đi, đói quá rồi”. Con mèo nhìn Mi đăm đăm, rồi cúi xuống, một chân kéo bát pa-tê vào, ăn nhẹ nhẹ. Cô chủ nhìn Mi, mừng cuống: “May quá, nó theo chị. Em cảm ơn chị nhiều lắm”.

Mi thở một hơi thật dài, vuốt ve con mèo bắt đầu ăn nhanh hơn, thấy rõ sự đói khát. Mi đứng lên. Lập tức con mèo dừng ăn, ra ôm lấy chân Mi níu giữ, miệng kêu như tiếng khóc. Mọi người nhìn nhau, ái ngại. Văn nhìn đồng hồ. Chiều 29 Tết, thời gian chạy nhanh gấp mười ngày thường. Văn nói nhanh: “Về thôi em. Muộn rồi”. Mi ngập ngừng rồi cũng quay đi. Con mèo lao theo Mi. Cô chủ vội ôm lấy nó, nó cào cho một phát khiến cô ré lên. Động tác đầy kinh nghiệm, cô chủ ôm gọn con mèo dù nó vẫy vùng chống lại, mặt rất ác không như lúc nó nhìn Mi. Tống con mèo vào chuồng, chốt lại. Con mèo điên cuồng gào thét như muốn phá tung chuồng.

Mi đi như chạy khỏi “Những thiên thần nhỏ”. Ra đến đường, rút kinh nghiệm chuyện vừa rồi, Mi nói “Mình gọi điện đến “Ngôi nhà hạnh phúc” trước, họ mà từ chối thì không phải đến. Nhìn ánh mắt cầu cứu của bọn chó mèo vừa xong, em không chịu được anh ạ”. Văn hiền lành: “Anh cũng xót chúng nó. Ở đây họ chăm sóc chuyên nghiệp, sạch sẽ, đứa nào cũng đầy đủ nhưng chúng nó không vui”. “Phải ở nhờ, sao vui được”, Mi thở dài. “Thế mới biết, con vật quá sâu sắc em ạ”. “Em thấy mấy chục con chó mèo, mỗi con poodle là vui tươi, vì nó được ở nhà mình”.

Hai người đứng hít thở không khí trong lành sau khi thoát khỏi mùi chó mèo đậm đặc. Mi bấm điện thoại gọi “Ngôi nhà hạnh phúc”. Chuông dài gần chục lần, không ai bắt máy. Văn ôm vai cô, vỗ nhẹ nhẹ. Mi quay đi, mắt ngân ngấn nước.

Còn mười sáu tiếng là máy bay cất cánh.

Mi bảo: “Anh và em nghĩ xem trong số người quen có ai nhận trông giúp con mèo này, đi Phú Quốc về mình nhận lại. Giờ mình gọi điện cho bạn bè, người thân nhờ anh ạ”. Văn ngập ngừng “Anh lo năm mới, chả ai nhận nuôi mèo hộ đâu, lại sắp đẻ nữa”. “Còn nước còn tát, biết đâu có nhà yêu mèo sẽ giúp mình”. Mi kiên trì gọi những người quen để nhờ. Tất cả từ chối. Nhiều người còn kêu lên, sao cho nó vào nhà? Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Mèo hoang chứa làm gì. Thả nó đi, coi như không biết.

Thả nó đi. Coi như không biết. Nghe đơn giản, nhưng đã biết rồi, sao coi như không được. Mèo đen quẩn quanh theo chân Mi từ sáng đến tối. Mi đi có việc, nó nằm trong cái giỏ ngóng ra cửa, bụng to phập phồng thở nặng nhọc. Mặt nó xinh đẹp, ngây thơ như không liên quan đến cái bụng to kềnh.

Hai va-li để sẵn. Nhà lau sạch để đón năm mới khi họ từ Phú Quốc về. Chuyến đi mong đợi đầu tiên sau mấy năm yêu nhau. Thời gian tính từng phút để ra sân bay.

Mèo đen trong veo nhìn Mi. Hai bên nhìn nhau.

“Giờ tao phải làm thế nào với mày”. “Ngoao”, mèo đen kêu nhẹ rồi dụi đầu vào đùi Mi. Văn từ ngoài đi vào, lặng lẽ ngồi xuống ghế. “Nhà anh ngày xưa nuôi nhiều mèo. Mẹ anh rất thích mèo. Mẹ bảo, mèo rất tình cảm lúc nó cần mình, nhưng khi nó có niềm vui khác, kiểu theo giai theo gái nó quên mình luôn. Mèo bạc lắm, không như chó em ạ. Chó không bao giờ chê chủ nghèo, không bỏ chủ mà đi như mèo”.

Mi nhìn Văn: “Ý anh là con này rồi cũng bạc. Nó đã bỏ nhà nó đi được, sau sẽ bỏ mình đúng không”. “Đúng thế, từ kinh nghiệm nhà anh. Mẹ anh có lúc nuôi mười sáu con, do chúng nó đẻ ra, mẹ anh giữ hết. Nhưng rồi một hai năm sau, chả còn con nào. Bà lại tự an ủi, thôi nó có niềm vui, đi cũng được. Thỉnh thoảng, bà bảo vẫn nghe tiếng con đen, con vàng, con tam thể kêu đâu đấy”. Anh nói: “Mẹ lại tưởng tượng rồi, chúng nó kêu nhưng có con nào về với mẹ đâu”. Xong mẹ vẫn hằng ngày trộn cơm với gan phổi xay, chia các phần nhỏ để ở cái mâm ngoài sân, chỗ chúng nó hay ăn lúc chưa bỏ đi. Sâm sẩm tối, toàn thấy chuột lén lút đến cướp.

Mi thở dài, đi ra sân. Mèo đen lút cút đi theo, nằm gọn dưới chân như canh Mi. Nắng cuối đông vàng suộm bừng lên trong khu vườn nhỏ. Tiếng các nhà gọi nhau, rửa lá gói bánh chưng. Tiếng ông bố nhắc con mang xe máy ra rửa đón Tết. Có nhà đầu hẻm đã luộc bánh được vài tiếng, khói củi và mùi thơm lá bánh bay trong gió. Tiếng gà kêu quang quác. Tiếng băm chặt xương. Có vẻ nhà nào cũng vội đón một vị khách đặc biệt quan trọng, tên là Tết.

“Hay mình đi tàu?”. Mi vớt vát. Văn nhìn đồng hồ ngẫm nghĩ: “Để anh xem có vé không? Nhưng đi tàu dịp này, vào đến nơi cũng hai ngày”. Rồi Văn giật mình “Ý là em mang con mèo này theo?”. Mi nhìn Văn, gật đầu, bế con mèo lên lòng, che chở.

Văn nhìn ra ngoài, rồi quay lại, mắt mở to.

Chỗ Mi ngồi, nắng bừng lên. Tóc cô dày chảy óng ánh vàng. Khuôn mặt thanh tú với đôi mắt to, khóe miệng lúc nào cũng như hơi cười khiến người đối diện luôn thấy yên tâm. Mèo đen nằm gọn trong lòng. Tất cả như một bức tranh không thể hoàn hảo hơn. Văn vội ngồi xuống, chụp lia lịa, mắt sáng lên: “Đẹp quá. Đúng lúc nắng chiếu, em đẹp kinh khủng”. “Mèo đen cũng đẹp”. “Đúng rồi, mặt nó xinh quá, mắt lại một bên xanh, một bên ghi”. Hai người chợt quên chuyến đi chơi chuẩn bị kỹ lưỡng cả năm. Quên còn hơn một ngày sang năm mới với đầy dự định của một gia đình nhỏ bắt đầu bước vào một đời sống khác.

Phút giây này thật bình yên. Văn, Mi và con mèo đều cảm thấy thế, dưới nắng lạnh ngày đông và những bức ảnh đẹp chưa từng có trong đời.

Mèo đen được ôm ấp, mềm oặt thả lỏng trong lòng Mi. Rồi ngủ ngon lành. Văn nhìn Mi. Mi nhìn mèo đen ngủ một cách tin cậy. Họ cùng nhìn đồng hồ.

“Thôi, hủy đi em nhé. Mình ở nhà mười ngày bên nhau cũng hay mà. Phú Quốc đi lúc nào chả được”. Mi như chỉ đợi Văn nói câu đó, thả con mèo xuống nhảy bổ ôm lấy Văn. “Em cảm ơn anh. Em cũng muốn ở nhà”.

Chiều ba mươi.

Mèo đen đẻ sáu con. Trắng vàng lung tung. Khi nó bắt đầu đẻ, Mi cho nó nằm trong thùng carton. Xót ruột, luống cuống không biết giúp nó bằng cách nào, Mi lấy cái chổi cho nó cắn. Nó nhá cán chổi điên cuồng và đẻ dần từng đứa…

Văn lôi quần áo ra xếp lại vào tủ, chạy đi chợ chuẩn bị Tết. Nghĩ sẽ đi vắng mười ngày, một bông hoa, bánh chưng hay bất cứ thứ gì cũng không. Giờ mua từ đầu. Mi thì loay hoay với mèo đen và lũ con của nó.

Thấy Văn đi đi về về mua sắm, hàng xóm trong ngõ hỏi cô chú chưa đi Phú Quốc à. Văn nói bọn cháu ở nhà vì không gửi được con mèo. Ai cũng ngạc nhiên, nói mèo lạ, cứ thả lại ra đường nó tự đi về nhà nó sao mình phải nuôi. Người lại nói, cô chú đang làm phúc, mèo nó cũng là người nào đấy kiếp trước quen biết cô chú, kiếp này mò đến, không tự nhiên đâu.

Biết Mi và Văn không chuẩn bị Tết, hàng xóm người biếu cặp bánh chưng vừa vớt, người gọi cô Mi ơi ngoài phố cành mận cành mơ nhiều lắm, ra mua đi cho người bán còn về quê.

Sau vài giờ, nhà Mi đã đầy ắp không khí Tết.

Giao thừa.

Văn ôm Mi, nói nhỏ: “Em vặn bé tiếng ti-vi, tiếng pháo hoa làm bọn nhóc giật mình đấy”.

Hai người ngồi bên nhau, chai vang hồng bật sẵn. Góc phòng. Mèo đen yên ấm bên lũ con hai vàng, ba tam thể, một trắng, tuyệt nhiên chả có con nào đen kít như mẹ. Nó thò cái mặt xinh đẹp như chưa hề có chuyện từ đâu đến đây, cũng chẳng có vẻ đã làm một bà mẹ sáu con, nhìn Mi đăm đăm.

Mi dụi đầu vào cổ Văn, mềm như một con mèo: “Em yêu cảm giác này, không gian này quá”.

Họ cùng xem pháo hoa bắn đủ sắc mầu trong im lặng. Có bông nở tung và rụng xuống như những bông muồng vàng giống cái cây ngoài sân.

Hai người cứ ngồi mãi. Chai rượu hết.

Lũ mèo ngủ yên trong cái hộp giấy to.

Ngoài sân. Gió lùa những tán cây rung nhẹ trong làn mưa bụi và khói hương trầm hàng xóm cúng thần linh dọc trong ngõ.

Mi thì thầm: “Em thích nhà mình luôn đông thế này”.

Văn cười: “Chắc chắn rồi. Anh hứa”.

Mi đứng lên. Đến bên mấy mẹ con mèo đen, vuốt nhẹ lên đầu con mẹ đang ôm trọn lũ con ngủ ngon lành, thì thầm: “Năm mới đến rồi, các nhóc! Ăn no chóng lớn, đuổi hết chuột khu này cho mẹ nhé!”

NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm