- Lý luận - Phê bình
- Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
Nguyễn Công Thanh
Vũ Trọng Phụng không chỉ là “ông vua phóng sự của đất Bắc” mà còn là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Nhiều tiểu thuyết của ông như Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ được xếp vào hàng kiệt tác của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vô cùng phong phú, đa dạng. Nhân vật “tha hóa” là một trong những đóng góp nổi trội của ông cho dòng văn học hiện thực Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945 nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích thế giới nhân vật “tha hóa” trong một số tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng nhằm làm sáng tỏ những đóng góp nổi bật của nhà văn cho nền tiểu thuyết Việt Nam trên phương diện xây dựng nhân vật, phản ánh hiện thực, phơi bày bộ mặt xã hội thực dân phong kiến thối nát làm tha hóa nhân phẩm con người.
1. Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng
Nhân vật “tha hóa” là nhân vật văn học, do nhà văn hư cấu, tưởng tượng xây dựng nên nhằm phản ánh hiện thực xã hội mục ruỗng, xấu xa đã làm biến đổi bản chất con người.
Nhân vật “tha hóa” là sản phẩm của chủ nghĩa hiện thực. Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực tạo ra một bước ngoặt trong việc khám phá con người. Chủ nghĩa hiện thực luôn gắn với con người, hoàn cảnh, môi trường. Tính cách nhân vật bị qui định bởi hoàn cảnh và biến đổi theo hoàn cảnh. Do đó, tất cả các loại người trong xã hội, đặc biệt là loại người xấu xa, kệch cỡm, biến chất đều được nhà văn quan tâm phản ánh vào tác phẩm.
Vũ Trọng Phụng không đưa ra những quan niệm về nhân vật “tha hóa” mà thể hiện bằng hình tượng sinh động trong sáng tác. Thế giới nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của ông rất đa dạng, phong phú, nhưng có thể chia thành hai loại là nhân vật “tha hóa” do bản chất và nhân vật “tha hóa” là nạn nhân của hoàn cảnh.
1.1. Nhân vật “tha hóa” do bản chất
Nhân vật “tha hoá” do bản chất là những nhân vật “tính cách căn bản đã cố định từ đầu, nhân vật không thay đổi môi trường sống của mình” (Xuân Tóc Đỏ chỉ chuyển từ môi trường lưu manh này sang môi trường lưu manh khác) [5, tr. 141]. Đó là những kẻ tham lam tiền bạc, vật chất, đam mê lối sống sa đoạ, tham vọng quyền lực đỉnh cao như Nghị Hách trong Giông Tố, Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan trong Số đỏ, thầu khoán Khoát trong Vỡ đê,…
Nghị Hách trong Giông tố là một điển hình nghệ thuật bất hủ về tầng lớp tư sản, đại địa chủ bản xứ trong quá trình làm giàu và thăng tiến đầy tội ác. Hắn có lối sống xa hoa, "hoang dâm vô độ". Xuất thân từ một tay thợ nề, sống cùng Hải Vân trong một túp lều tồi tàn ở Hải Phòng. Nhờ “lừa thầy phản bạn” và mánh khóe mà trở nên giàu có. Ngoài cái danh “địa chủ”, hắn còn là một nhà đại tư sản, một nhà đại công nghiệp có mỏ than ở Quảng Yên, năm trăm mẫu đồn điền ở tỉnh, ba chục nóc nhà Tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nữa ở Hải Phòng. Cách ăn chơi của hắn thì y như các vị công hầu khanh tướng thời trung cổ phương Đông, có mười một nàng hầu đặt dưới quyền một mụ quản gia.
Hình ảnh đầu tiên chúng ta bắt gặp trong Giông tố là một vụ lừa đảo, “cưỡng dâm có tổ chức”, một hình ảnh không mấy tốt đẹp mà kẻ cầm đầu, gây tội ác này là Nghị Hách. Nhân lúc xe bị hỏng, hắn đã dùng những lời đường mật, đầy mánh khóe gian xảo kết hợp với sử dụng sức mạnh đồng tiền để phỉnh nịnh, mua chuộc cô thôn nữ ngây thơ, trong trắng.
Với bản chất của một kẻ nham hiểm, hoang dâm, đi đến đâu hắn cũng gieo rắc tội ác, dùng tiền bạc để dụ dỗ, lừa con gái nhà lành về làm nàng hầu nhằm thỏa mãn những cơn cuồng dâm của mình. Hắn trả giá “năm đồng” cho cái “tân” quý giá của người con gái. Hành động được coi là “ăn bánh trả tiền” của hắn là hành động trái với luân thường đạo lý, đi ngược truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Hắn không những đang tâm “cưỡng dâm” con gái nhà lành mà còn “khép” cả nhà, cả làng người ta vào tội vu khống. Một xã hội lắm thị phi, đổi trắng thay đen, công lý nhường chỗ cho quyền lực và tiền bạc. Vũ Trọng Phụng tập trung tô đậm thói dâm đãng, xa hoa của những kẻ có tiền và thói quen dùng tiền để giải quyết mọi việc, kể cả bẻ cong công lý, lẽ phải.
Tất cả những kẻ “đại gia” trong cái xã hội “Âu hóa” nửa mùa này đã coi đồng tiền là vô địch, có tiền là có tất cả. Tiền và quyền là hai thứ vũ khí để Nghị Hách tiến thân và cũng là công cụ để gã che lấp những tội ác xấu xa, bỉ ổi của mình. Hắn hối lộ quan huyện không thành đâm ra căm ghét và dùng đủ mọi mánh khóe để hạ bệ quan huyện thanh liêm. Hắn lại dùng tiền để gia đình người bị hắn cưỡng dâm phải quỳ lạy trước hắn. Nghị Hách ỷ vào đồng tiền, ỷ vào sự giàu có của mình mà xem thường công lí. Thái độ ngạo mạn của hắn bộc lộ rõ nét trong cuộc trò chuyện với quan huyện Cúc Lâm: “Bẩm quan lớn, nếu việc xảy ra to thì tôi sẽ chống án lên thượng thẩm, mà bên nguyên đơn thì không thể có tiền chạy thầy kiện như tôi. Bẩm quan lớn, nén bạc đâm toạc tờ giấy, ngài nên bảo nguyên đơn giải hòa”.
Thói dâm đãng của Nghị Hách dường như đã ngấm vào máu thịt và trở thành một phần cơ thể hắn. Khi cưới Thị Mịch về làm vợ lẽ, trong lúc Mịch đang bụng mang dạ chửa nhưng cái tính hoang dâm của gã vẫn không bỏ được: “Nghị Hách cười một cách đa dâm mà rằng: “Ông … Ông lại … hiếp cho chuyến nữa bây giờ”.
Đến chính đứa con trai của Nghị Hách là Vạn Tóc Mai cũng phán xét cha mình: “Cái thằng cha ấy nó đẻ ra moa, chính là vì một phút điên rồ của xác thịt đấy!...”.
Một kẻ không có tính người, một hình mẫu “lý tưởng” của xã hội đảo điên, Nghị Hách là một trường hợp đặc biệt của tội ác: hiếp dâm, giết người, vu oan giá họa, cướp đoạt tài sản… miễn sao đạt được mục đích thỏa mãn tính dâm dục và làm giàu tiến thân. Khi Hải Vân - nhà địa lý, bạn thân của Nghị Hách cũng là cha đẻ của Tú Anh - trở về đã vạch trần bộ mặt ghê tởm và những tội ác trong quá khứ của hắn: từ tội lừa thầy phản bạn, cướp vợ bạn; tội cưỡng bức cô Mịch trong một đêm trăng ở làng quê đến tội giết người, lừa đảo để làm giàu. Tưởng như hắn phải trả giá cho những việc làm nhơ bẩn bằng việc đối mặt với những sự thật khủng khiếp: Long, con rể của hắn, người yêu của Mịch lại chính là con hắn, do hắn cưỡng bức vợ Hải Vân sinh ra. Tú Anh, người con trai hắn yêu thương bao nhiêu năm nay, bỗng nhiên trở thành con của Hải Vân. Thế nhưng, Nghị Hách không cảm thấy ân hận, chua chát, xót xa mà tìm cách tháo gỡ bằng việc cho hai đứa con đẻ chính thức lấy nhau và mượn luôn tình huống loạn luân ấy để đọc một bài diễn văn “đầy xúc động” về tấm lòng “thương xót” đối với bình dân.
Một lần nữa bộ mặt ghê tởm của hắn lại được phơi bày khi tiếp tục tranh cử vào Nghị viện và vờ phát chẩn cho dân nghèo để được thưởng Bắc đẩu bội tinh. Những lời lẽ lừa mình dối người lại tiếp tục được hắn sử dụng như một thứ vũ khí hiệu nghiệm. Bài diễn văn giả dối của hắn thỉnh thoảng phải dừng lại để diễn giả lau nước mắt: “Tôi muốn đem tài trí ra làm việc công ích nên tôi tranh cử nghị viện. Họ cho tôi là hiếu danh! Tôi muốn tranh cử ghế nghị trưởng để làm việc ích lợi hơn cho đồng bào, họ công kích tôi là tham lam, và vô lương tâm, và còn gì nữa? Tôi thấy đồng bào lầm than đau khổ tôi phát chẩn, cũng lại có một tờ báo tiếng Pháp kia kêu tôi là nịnh dân, là hoặc dân là buôn dân".
Trên nền tảng của cái xã hội Tây chả ra Tây, Ta chả ra Ta ấy, Vũ Trọng Phụng đã ném một quả bom vào một xã hội chó đểu khi xây dựng thành công một hình mẫu điển hình về mọi mặt, mọi phương diện là Nghị Hách-một con quỷ dâm ô, độc ác, đểu giả, trắng trợn cỡ bạo chúa. Mặt khác, qua nhân vật Nghị Hách, Vũ Trọng Phụng muốn lên tiếng cảnh báo về sự phát triển của cái ác đang âm thầm làm biến đổi xã hội, biến đổi bản chất tốt đẹp của con người. Gấp trang sách lại dường như người đọc vẫn thấy nhân vật này đi lại, ăn nói, tính toán, hành động một cách tai quái, ác hiểm. Nhân vật Nghị Hách trở thành biểu tượng của cái xấu, cái ác trong xã hội thực dân phong kiến nước ta trước Cách mạng tháng Tám.
Bên cạnh nhân vật Nghị Hách trong Giông tố, chúng ta bắt gặp một loạt nhân vật “tự tha hóa” đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già, từ trí thức đến bình dân, từ ông chủ đến cả những người thi hành pháp luật trong Số đỏ. Một thế giới nhân vật đông đúc, phức tạp, đủ các hạng người, kiểu người được đặt vào một bối cảnh xã hội bát nháo, điên đảo, Âu Hóa nửa mùa mà Vũ Trọng Phụng gọi là “xã hội chó đểu” với những con người “chó đểu” [2].
Đại diện tiểu biểu cho loại nhân vật “tha hóa” là ông chủ, bà chủ thuộc tầng lớp thượng lưu trong tiểu thuyết Số đỏ là cụ cố Hồng, bà Phó Đoan. Bà Phó Đoan gây được ấn tượng mạnh bởi bản chất “dâm”, lẳng lơ chính hiệu. Bà chẳng những trải qua hai đời chồng mà còn vô cùng hứng thú khi nghe kể chuyện hiếp dâm, chuyện trăng gió thế mà được người đời phong tặng “tiết hạnh khả phong” và ca tụng “thủ tiết hai đời chồng”.
Cụ cố Hồng là một người cổ hủ mà cứ tỏ ra mình là người có học. Câu nói cửa miệng “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi” luôn được cụ lặp lại trong mọi ngữ cảnh, trong mọi tình huống. Chỉ trong mấy ngày tang mà thằng bồi đếm được 1872 lần cụ đã thốt lên câu ấy. Hơn thế, cụ lại nghiện thuốc phiện nặng, luôn mơ đến lúc mặc đồ xô gai, chống gậy lụ khụ rồi ho, khạc, mếu để người ta khen: “Con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”.
Điển hình cho loại nhân vật “tha hóa” trí thức là Văn Minh. Anh ta là con trai cả của cụ cố Hồng, một thời du học bên trời Tây, chả có bằng cấp gì, nhưng luôn tỏ ra là nhà trí thức, bày trò “cải cách xã hội”. Bộ mặt giả dối, bịp bợm ẩn sau lớp vỏ trí thức, luôn hô hào người khác tập thể thao để nâng cao sức khỏe trong khi bản thân chưa tập bao giờ. Hắn tự đặt cho mình cái tên coi như hành động mở màn cho cuộc “cải cách”: Văn + Minh = Văn Minh (Minh là tên của hắn, Văn là tên vợ hắn) - một cái tên giàu sự sáng tạo chỉ có hắn mới nghĩ ra. Một cặp vợ chồng cùng “cải cách xã hội” khi cho ra đời tiệm may Âu Hóa nhằm tạo ra cuộc cải cách cả bên ngoài lẫn bên trong.
Ông Phán (biệt danh Phán mọc sừng) là kẻ thích thú với danh hiệu mà cô vợ lẳng lơ, đa dâm “gắn” cho. Gã biết bị “cắm sừng” nhưng vẫn dửng dưng, thậm chí lấy làm tự hào về đôi sừng hươu cắm trên đầu. Hơn thế, gã còn dùng tiền thuê Xuân Tóc Đỏ nói câu: “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!” trước mặt mọi người trong nhà cụ Cố Hồng để kiếm lợi.
Hoàng Hôn-vợ ông Phán mọc sừng-là một người sùng Âu Hóa, xem việc ngoại tình là món ăn tinh thần, là “cái mốt” của những cô gái tân thời. Có chồng mà không ngoại tình thì trở nên cổ hủ, đâu còn là một phụ nữ tân thời sống giữa thời đại Âu Hóa văn minh?
Vũ Trọng Phụng xây dựng nhân vật Tuyết như một dẫn chứng rõ nét về sự thoái hóa toàn diện của thế hệ trẻ, là một hồi chuông cảnh báo, thức tỉnh những người đang đắm chìm trong cuộc Âu Hóa nửa mùa. Cô Tuyết một “trang bán sử nữ”-còn nửa chữ trinh-có chồng chưa cưới nhưng vẫn cố tình gian díu với Xuân để chồng chưa cưới hủy hôn. Trong ngày tang lễ ông nội, cô vận trang phục “ngây thơ” với cái áo dài voan mỏng, hở cả nách và nửa vú, đội một cái mũ mấn xinh xinh, đúng mốt của nhà có tang để chứng tỏ cho thiên hạ thấy mình chưa đánh mất cả chữ trinh.
Cậu Tú Tân-con trai út cụ cố Hồng-vui mừng có ngày tang để trổ tài chụp ảnh. Cậu cùng các bạn trèo lên mộ phần người ta để chụp hình cho cảnh không giống nhau, chỉ đạo quát mắng mọi người tạo dáng chụp hình như một nhà nhiếp ảnh thực thụ.
Còn Típ Phờ Nờ-nhà thiết kế trang phục Âu Hóa-luôn miệng hô hào cải cách xã hội, cải cách trang phục và tạo ra những mốt quần áo Âu Hóa hở hang nhất, quyến rũ nhất nhưng lại cấm vợ không được mặc trang phục ấy vì sợ mất thể diện, sợ thiên hạ cho là đĩ thõa. TYPN cái tên đầy ý nghĩa và rất Tây. Hắn đã cắt nghĩa cái biệt danh TYPN một cách đầy kiêu hãnh: Tôi-yêu-phụ-nữ, nhưng người đời lại đọc theo kiểu nửa Tây nửa Ta là Típ Phờ Nờ. Vũ Trọng Phụng làm cho người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Yếu tố độc đáo và bất ngờ như một thứ gia vị đặc biệt trong các tác phẩm của ông.
Đến cả nhà sư mà người ta luôn cho là nhân đức mẫu mực, không tranh chấp với đời nay cũng chạy đua theo Âu Hóa. Sư Tăng Phú-người sáng lập ra báo Gõ Mõ-luôn miệng nói chả tranh giành với đời nhưng ai đụng vào sư thì y như rằng bị kiện cho thua trợn mắt. Sư vào hùa với Xuân, tạo nên cảnh kệch cỡm trong đám tang. Sư mượn tay Xuân để hạ bệ uy tín của Giáo hội Phật giáo.
1.2. Nhân vật “tha hóa” là nạn nhân của hoàn cảnh
Nhân vật “tha hóa” là nạn nhân của hoàn cảnh là loại nhân vật tha hóa do hoàn cảnh xã hội chi phối, nằm ngoài ý muốn chủ quan của bản thân. “Loại nhân vật nạn nhân tha hóa của Vũ Trọng Phụng lại thường thay đổi môi trường, hoàn cảnh sống và kéo theo nó là những biến động dữ dội trong tính cách” [5, tr. 141]. Đối tượng của nhân vật “tha hóa” này thuộc đủ các thành phần trong xã hội, từ người nông dân cho đến người trí thức như Mịch, Long trong Giông tố, Huyền trong Làm đĩ,… Mỗi nhân vật có một quá trình bị tha hóa riêng nhưng cùng chung một quy luật nghiệt ngã: Quy luật của sự tha hóa. Đó là tình trạng con người bị bóp nghẹt bởi hoàn cảnh xã hội thối nát, con người không thể sống như mình mong muốn và dần đánh mất chất người của mình.
Mịch (trong Giông tố) là một cô gái hiền lành, chân chất, có đôi nét ngây thơ, khờ dại của những cô thôn nữ quanh năm sống dưới lũy tre làng. Mịch cũng có chút nhan sắc:“Hai má lúc nào cũng đỏ ửng như say trầu, hàm răng đen lay láy hạt huyền” và đặc biệt là đôi mắt hút hồn: “Cái cặp mắt ấy người ngoài trông thấy thì ai cũng phải khen là ngây thơ, hay là dễ hư, hay là dễ bụng nghe, là lạc quan, là dễ tin đời”. Cô yêu Long-người anh họ xa bên ngoại-làm thư kí cho Giám đốc Đại Việt Học Hiệu, một người trọng danh dự, tình nghĩa và có học thức. Nhưng số phận lại không cho cô và Long sống yên ổn sau lũy tre xanh. Cuộc sống của Mịch thay đổi chỉ sau một đêm. Cái đêm “Giông tố” mà Nghị Hách đã gây ra cho cô khi đi ngang qua làng Quỳnh Thôn. Hắn nhẫn tâm tước đoạt sự trong trắng của cô gái trẻ chỉ đáng tuổi con hắn, hắn đổ tai họa xuống gia đình cô khiến cô từ người bị hại trở thành kẻ vu khống bị cả làng xa lánh.
Mịch ban đầu là nhân vật tiêu biểu cho những người nghèo ở nông thôn bị ức hiếp, bị xâm phạm nhân phẩm bởi những kẻ có tiền và có địa vị. Mịch là một cô gái giàu lòng tự trọng, biết ý thức về nhân phẩm của mình. Khi nghĩ đến “cảnh ấy” Mịch “đỏ bừng mặt lên, tự mình thẹn với mình” định chọn cái chết để giữ thanh danh và tấm lòng trong sạch với người yêu.
Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công những nhân vật vừa đáng thương, vừa đáng ghét. Chúng được lồng ghép vào nhau để làm nổi bật đặc điểm của từng nhân vật. Khi bị Nghị Hách cưỡng dâm và gia đình bị đổ vạ, những suy nghĩ chân tình có phần non nớt của Mịch làm độc giả thương xót: “Thị Mịch thổn thức hằng giờ. Chung quanh, những bệnh nhân toàn là bà ký, bà thông, chẳng ai thèm hỏi đến Mịch…
Nghĩ đến cái nghèo của bố mẹ, cái ý muốn bán gánh rạ để mẹ đỡ đầu tắt, mặt tối, nó gây ra việc bị hiếp, Mịch tủi thân giận đời, chỉ muốn chết. Cô tưởng rằng ở đời, cứ việc ăn ở cho hiếu thuận, làm ăn cho chăm chỉ, thấy ai túng thiếu thì không dè dặt, cởi ngay hầu bao đưa vài đồng bạc đã để dành trong mười ngày, và không ngồi lê bắt chấy, kháo chuyện nhà người, thế là đủ lắm. Bị hiếp! Chưa bao giờ Mịch ngờ lại có khi... Trong cơn đau khổ, cô thấy mình hồng nhan bạc mệnh, thấy đời là độc ác vô cùng, thấy chị em bạn gái trong làng là tồi tệ, thấy bố mẹ không đủ sức chống chọi, thấy Trời và Phật là những đồ thong manh. Mịch không còn hy vọng gì nữa, không còn tín ngưỡng gì nữa”.
Mịch tự trách mình: “Trời đất ơi, thì ra vì mình dại dột và tham lam”.
Mịch chỉ muốn chết đi cho xong nhưng Long đã níu giữ cô lại, khiến cô vừa cảm thấy ấm áp vừa cảm thấy day dứt trong lòng. Nhưng cuối cùng vì gia đình cô đành phải cắn răng chấp nhận làm vợ lẽ của Nghị Hách.
Từ sau đêm“Giông tố”, Mịch đã biến thành một người đàn bà rắc rối, phức tạp và dâm đãng. Cô cư xử vô duyên, đáng ghét. Cô hách dịch, thẳng tay trách mắng kẻ ăn người ở theo kiểu bà lớn. Mịch từ một cô gái chân quê, mộc mạc đã dần dần trở thành một kẻ lì lợm, ngang ngạnh, táo bạo bất chấp mọi sự trên đời.
Nhân vật Mịch được Vũ Trọng Phụng khắc họa hết sức chân thực trong phần đầu nhưng càng về sau sự hoài nghi về phẩm chất con người của Vũ Trọng Phụng trỗi dậy đã dần đưa nhân vật Mịch ra khỏi tính chân thực vốn có, biến cô gái hiền lành ngày nào trở thành thiếu phụ dâm đãng, vô duyên, tự mãn về sự giàu có của mình, ngay đến cả Long cũng không còn nhận ra Mịch-cô gái mà anh từng yêu ngày nào nữa: “Mịch đã đi từ một cô thôn nữ ngây thơ, hiền lành, chất phác, đến một thiếu phụ gian dâm, lãng mạn, xảo quyệt, đáng sợ. Mỗi khi đem cái cảnh Mịch còn là cô gái quê lúi húi vớt bèo, mà so với cảnh Mịch đã là vợ lẽ một anh trọc phú, quần là áo lượt bệ vệ ngồi trên cái sập gụ khảm, mà cất cao giọng đài các xỉ vả đầy tớ, thì Long không biết rằng cuộc đời có còn là cuộc đời không, hay là Long đã ngủ mê... Mỗi khi nhớ lại cái cảnh Mịch vừa tự tử hụt xong mà khóc sướt mướt với Long trong nhà thương, rồi đem cảnh ấy ra so với trận cuồng dâm mà Long đã bị Mịch lôi kéo vào, thì Long lại phải lẩm bẩm một cách kinh hoàng: Thật là không thể tưởng tượng được!”.
Phải chăng hoàn cảnh đã làm thay đổi bản chất tốt đẹp vốn có của con người? Vũ Trọng phụng đã để Mịch trở thành vợ lẽ của Nghị Hách rồi mới cho cô bộc lộ “bản tính dâm đãng” của mình. Dù tác giả đã đưa ra vô số những lý do minh chứng cho sự thoái hóa biến chất của Mịch nhưng các lí lẽ ấy không đủ sức biện minh cho những hành động ham muốn nhục dục vô độ của cô. Từ cô gái dễ đỏ mặt thẹn thùng trước những vấn đề nhạy cảm bỗng trở nên đắm chìm trong nhục cảm và luôn hồi tưởng đến cảnh bị cưỡng hiếp như một kẻ bệnh hoạn: “Mịch chợt nhớ đến lúc từ con gái mà trở nên đàn bà, trên chiếc xe hơi. Cái lúc ấy thật là gớm ghiếc, thật là bẩn thỉu, thật là đau đớn, nhưng trong cơn đau đớn không phải là không có một thứ khoái lạc trong xác thịt nó làm cho đỡ thấy đau... Xưa kia, cũng đôi khi chợt Mịch hơi nhớ lúc ấy, song sự hổ thẹn xua đuổi ý nghĩ ấy đi ngay. Nhưng mà từ nay trở đi người kia sẽ là chồng của Mịch, thì Mịch hẳn là có quyền nhớ lại những phút có cái cảm giác mới lạ nhất đời mà không là phạm tội lỗi gì cả. Trong lúc này, con vật đã nổi dậy trong lòng cô gái quê mập mạp, trẻ trung, đương thì... Mịch nhớ lại lúc ấy một cách say sưa như người háu đói vậy”.
Kinh khủng nhất là hành động “ngoại tình bằng tư tưởng” của Mịch làm người đọc cảm thấy ghê tởm. Chính những chi tiết này đã làm lu mờ đi những ấn tượng tốt đẹp mà Vũ Trọng Phụng đã dày công xây dựng cho nhân vật Mịch trước đó. Tác giả đã khắc hoạ rõ nét đời sống nội tâm bằng những dằn vặt trong lương tâm và những độc thoại nội tâm của nhân vật để thấy được sự biến chất, tha hoá trong con người Mịch.
Cũng giống như Mịch, nhân vật Long (trong Giông tố) đã để lại trong lòng người đọc nhiều trăn trở. Long là người vừa đáng thương vừa đáng ghét. Thương cho chàng trai có tình yêu trong trắng nhưng không thành. Ghét vì chàng sau khi đã quyết định tha thứ cho Mịch nhưng luôn tự vấn, dằn vặt bản thân về sự "mất tân" của người yêu. Và đáng lên án nhất là những hành động trái với luân thường đạo lý, trái với lương tâm.
Long, một người có tư tưởng tiến bộ, xuất hiện với tư cách là chồng chưa cưới của Mịch. Khi biết tin Mịch bị cưỡng hiếp đã không ruồng bỏ mà an ủi, động viên người yêu khi cô rối trí, muốn quyên sinh. Nhưng tình yêu và lòng vị tha của chàng không vượt qua được định kiến và sự cám dỗ của đồng tiền, của danh vọng. Chỉ cần Tú Anh-con trai cả của Nghị Hách cũng là ông chủ của Long-khuyên nhủ vài câu và hứa hẹn sẽ gả em gái cho, Long đã từ bỏ ngay người vợ chưa cưới của mình, gián tiếp đẩy Mịch vào con đường tha hóa.
Long và Mịch là hai con người có chung một số phận, chung hoàn cảnh và là nạn nhân của cái xã hội “chó đểu” Tây chả ra Tây, Ta chả ra Ta. Vũ Trọng Phụng xây dựng hình tượng nhân vật Long trở thành nhân vật “đa tính cách”. Một người đàn ông chung thủy, sắt son, có học thức nhưng chỉ vì một bước lầm lỡ tin vào kẻ đạo đức giả mà nhẫn tâm đẩy người mình yêu vào tay một kẻ hoang dâm vô độ. Tuy sống trong giàu sang nhưng luôn bị dằn vặt, không quên được người yêu cũ nên Long thường xuyên tìm cách gian díu với Mịch. Đến khi phát hiện ra sự thật cay đắng bố vợ của mình, chồng của Mịch lại chính là bố đẻ của mình, Long gào thét như hóa điên: “Tôi? Tôi mà lại là con ông Nghị Hách! Ồ! Thế thì quá lắm! Thế thì quá lắm! Thế thì ra bố hiếp vợ của con, con thông dâm vợ của bố... rồi thì anh em ruột... anh em ruột...”.
Vũ Trọng Phụng đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một “vòng loạn luân thu nhỏ” dần hé mở, sự thật giấu kín được phơi bày. Những tình tiết độc đáo và bất ngờ làm câu chuyện thêm lôi cuốn, hấp dẫn. Long tự đưa mình đến với con đường sa đọa, đắm chìm trong “nàng tiên nâu”, “động bàn tơ” của các nhà chứa để rồi trái tim càng ngày càng đau đớn. Và cái chết trong vòng tay của cô gái làng chơi phải chăng là cái kết có hậu cho cuộc đời đầy bế tắc của Long?
Vượt lên xu hướng ngợi ca tình yêu lý tưởng của văn học lãng mạn đương thời, Vũ Trọng Phụng đã đi thẳng vào vấn đề thực tế của đời sống xã hội, quan tâm đặc biệt đến những số phận con người nhỏ bé, trực tiếp đề cập đến những đòi hỏi của đời sống tình dục-một vấn đề rất tế nhị, dường như bị cấm kỵ lúc bấy giờ. Làm đĩ là một cuốn tiểu thuyết như vậy, cũng chính là cuốn tiểu thuyết gây ra nhiều tranh cãi trong hơn tám mươi năm qua. Thậm chí nó còn bị kết án là “dâm thư”, làm tổn hại đến vấn đề đạo đức và luân lý đối với thế hệ trẻ.
Tiểu thuyết Làm đĩ là câu chuyện xoay quanh cuộc đời đầy gian truân của Huyền. Nhà văn để nhân vật tự kể về cuộc đời mình như một lời than vãn, khuyên nhủ con người. Nỗi đau khổ của người phụ nữ gắn liền với khao khát tình dục và những cảnh ân ái trần tục khiến cuộc đời Huyền thêm phần chua chát, đắng cay trong mắt độc giả. Tuy sống trong cảnh ô nhục nhưng Huyền không chôn vùi tâm hồn mình trong vũng bùn ấy. Cô vẫn ngày ngày viết lại nhật ký về cuộc đời và muốn lưu lại như một thứ “bằng chứng xác thực” để cảnh tỉnh những cô gái đang tuổi trăng tròn nhằm giúp họ không lặp lại vết xe đổ đó. Vũ Trọng Phụng để Huyền làm như vậy phải chăng ông cũng muốn làm điều gì đó có ích cho đời, cứu vãn những con người đang trên bờ vực sa ngã? Đằng sau cái lớp vỏ phê phán, mỉa mai, phải chăng là một niềm đau xót, cảm thông, xót thương cho kiếp “hồng nhan bạc mệnh” của Huyền nói riêng, của những người phụ nữ lầm lỡ nói chung.
Huyền là một cô gái thông minh, xinh đẹp, sinh trưởng trong một gia đình danh giá và được thừa hưởng nền giáo dục phong kiến hà khắc, khuôn mẫu. Như bao cô gái trẻ khác, Huyền luôn tò mò, khao khát tìm hiểu về vấn đề giới tính nhưng không được cha mẹ, người thân đáp ứng. Vì thế, những thắc mắc không có lời giải ấy ngày càng lớn dần trong cô. Bởi vậy, cái tính dâm đãng vô tình đã ngấm vào máu cô khi nào không biết. Rồi cô bị chính cha đẻ của mình chửi thẳng vào mặt là “đồ đĩ” chỉ vì mặc cái quần vải trắng tân thời. Một câu nói phũ phàng gây tổn thương tâm hồn ngây thơ, trong trắng của cô gái mới lớn.
Trong lúc Huyền đang say đắm trong thế giới riêng về những vấn đề nam nữ thì Nguyễn Lưu, người anh họ xa của cô xuất hiện. Vì tò mò, vì muốn khám phá sự bí ẩn của tình dục nên cô đã thông dâm với anh ta. Mối tình vừa chớm nở đã bị chôn vùi bởi cha mẹ cô tìm cách gả cô cho một người có học giàu có. Nguyễn Lưu tìm đủ mọi cách để hai người được bên nhau nhưng không thành. Nguyễn Lưu phải tìm đến cái chết còn Huyền phải lấy chồng.
Đêm tân hôn, khi Huyền vô cùng lo sợ về chuyện “mất tân” thì chồng cô lại tự thú là mình mắc bệnh giang mai đang chữa trị và cầu xin cô tha thứ. Được chồng nuông chiều, Huyền đâm ra sa đọa, đắm chìm trong cuộc sống thượng lưu, luôn khao khát ái ân. Chính những khao khát không được thỏa mãn đó là nguyên nhân dẫn đến tấn bi kịch trong cuộc đời Huyền. Cô gặp Tân-bạn của chồng-một người giàu có, phong tình, sành sõi. Bản năng trong Huyền trỗi dậy. Cô đắm chìm trong cuộc tình vụng trộm với Tân và bị chồng phát hiện đuổi ra khỏi nhà. Cũng lúc ấy, cô nhận ra bộ mặt đểu giả, lừa đảo của Tân. Cô sụp đổ hoàn toàn, mọi thứ trước mắt cô chỉ toàn màu đen. Cô tìm Tân khắp nơi nhưng tất cả đều vô vọng. Một cuộc rượt đuổi, tìm kiếm tia hy vọng nhưng bất thành. Mọi cánh cửa đã khép lại với cô. Huyền buộc phải dấn thân vào con đường “bán thân nuôi miệng”.
Môi trường gia đình và xã hội đã góp phần tạo lập nên “tính cách con đĩ” của Huyền nhưng cũng chính Huyền đã tạo cho xã hội một cánh nhìn mới về cái nghề mà mọi người xem là thấp hèn nhất trong xã hội. Đó là cả một quá trình tha hóa và quá trình tìm lại nhân cách, tìm lại chữ “người” của Huyền. Nhân vật Huyền mà Vũ Trọng Phụng xây dựng nên đã đạp tung bức tường giả dối, đả kích chế độ phong kiến kìm hãm bản năng của con người, nhất là của người phụ nữ.
Vũ Trọng Phụng cho rằng môi trường, hoàn cảnh xã hội và gia đình quyết định tính cách của Huyền, nhưng cũng chính môi trường đó đã biến Huyền thành “con đĩ’ trong lớp vỏ là cô gái con nhà danh giá, có giáo dục. Huyền đã “lội ngược dòng” để khẳng định quyền sống, quyền làm người bởi tình dục là một phần của tình yêu, là một nhu cầu tất yếu của con người cần được xã hội thừa nhận. Đó cũng chính là khát vọng giải phóng con người của nghệ sỹ Vũ Trọng Phụng.
2. Xuân Tóc Đỏ điển hình cho hình mẫu nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng phụng
Xuân Tóc Đỏ (trong Số đỏ) đúng như cái tên, bắt đầu bước vào câu chuyện cho đến khi kết thúc chuyện toàn gặp những chuyện may mắn. Hắn bịp người chỉ bằng một bài quảng cáo thuốc lậu. Hắn sử dụng câu học mót của TYPN: “Chúng tôi rất được hân hạnh” mỗi khi tiếp khách hàng nữ. Hắn đưa ra những lời khoe mẽ khi giới thiệu về bản thân: “Me sừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ”. Những “phẩm chất” ấy đã tạo nên cái tên Xuân Tóc Đỏ. Hắn được Vũ Trọng Phụng xây dựng trên cơ sở tổng hợp những nét “đặc trưng” nhất của các hạng người trong xã hội, tạo thành nhân vật điển hình nhất trong những nhân vật điển hình. Vũ Trọng Phụng đã vận dụng khéo léo nghệ thuật trào phúng, bút pháp phóng đại trong môi trường xã hội “chó đểu” với những con người “chó đểu”, tạo tiếng cười cho độc giả xuyên suốt tiểu thuyết.
Sinh ra thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, mồ côi cả cha lẫn mẹ, Xuân đi ở cho nhà bác họ. Nhưng mới chín, mười tuổi, Xuân đã có hành động bỉ ổi, bị bác đánh và đuổi đi. Không nhà, không cửa, không người thân thích, hắn sống lang thang bằng đủ mọi nghề mạt hạng. “Xuân lấy đầu hè xó cửa làm nhà, lấy sấu ở các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đan hoàn tán trên xe lửa, và vài ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục, tuy nó tinh quái lắm, thạo đời lắm”.
Tóc Đỏ như một dấu hiệu nhận biết, như một đặc điểm nhận dạng mà Vũ Trọng Phụng gán cho Xuân Tóc Đỏ. Nó là sản phẩm của xã hội đường phố, của môi trường vô giáo dục, không ai dạy dỗ, kèm cặp, phải lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp nên sớm trở thành một kẻ lưu manh, tha hóa thực thụ. Bản chất lưu manh của hắn được thể hiện từ cách ăn nói tục tĩu “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì” đến hành động nhìn trộm con gái tắm, nhìn trộm bà đầm thay đồ,… Thế nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt, hắn được nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, những con người đang ôm ấp mộng Âu hóa và cải cách xã hội như bà Phó Đoan, ông bà Văn Minh, ông Típ-phờ-nờ...
Bà Phó Đoan sau lần đầu gặp và tỏ thái độ khinh bỉ, đã thông cảm và thương xót cho Xuân: “Trẻ trung ai chả có khi dại dột? Tha thứ là phải, chấp làm gì thiếu niên? Rõ khổ, rõ tội nghiệp! Đuổi người ta như thế mà đành lòng!”. Hơn thế, bà đã dang tay cứu vớt, đưa hắn từ môi trường hạ lưu lên địa vị thượng lưu, chuyên trách quảng cáo ở tiệm Âu Hóa, cái cửa tiệm mà hắn vừa bước chân vào cửa đã văng ra những câu tục tĩu: “Mẹ kiếp! Chữ với chả nghĩa!, “Mẹ kiếp! Quần với chả áo”.
Bằng miệng lưỡi, thủ đoạn, mánh lới của một gã chuyên rao bán thuốc lậu, Xuân Tóc Đỏ có đủ khả năng để tạo dựng chỗ đứng, lôi kéo khách hàng cho vợ chồng Văn Minh. Hắn tận dụng triệt để những gì hắn học mót được, những gì cuộc đời dạy hắn kết hợp với cái “Số đỏ” của mình để chứng minh cho người khác thấy gã là bậc tri thức, sinh viên trường thuốc. Chỉ bằng một đoạn trong bài quảng cáo thuốc lậu mà hắn đã khiến cụ cố Hồng bái phục.
“Xuân Tóc Đỏ không ngờ rằng khi xưa, lúc nó ngồi đọc quảng cáo cho một hiệu thuốc vào phóng thanh, và ngồi trên mũi ô tô với bộ quần áo Charlot và cái mặt nạ thổi loa khắp phố phường cho một "ông vua thuốc lậu" Nam Kỳ, thì chính là nó tập đi đến khoa học và do thế đến sự phú quý”. Tiếng cười trào phúng vang lên, chỉ có Vũ Trọng Phụng mới có thể phóng đại đến mức này và cũng chỉ có cụ cố Hồng mới tin vào những lí lẽ che đậy sự ngu dốt của Xuân. Các nhân vật xoay quanh Xuân Tóc Đỏ như làm nền để tôn hình tượng nhân vật Xuân nổi bật lên. Nhờ thế, một kẻ vô học, ngu dốt bỗng chốc trở thành nhà tri thức, nhà cải cách xã hội… có thể lừa được cả một ông già trên người đầy huy chương minh chứng cho một bậc học giả.
Khi được một người đàn ông nghiêm trang tự giới thiệu mình là một người chồng mọc sừng và thuê hắn chục đồng bạc để mỗi lần trước mặt gia đình cụ cố Hồng chào gã một câu: “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!”, hắn đã chọn đúng thời điểm thốt lên câu ấy để kiếm lời về tiền bạc và uy thế cho bản thân. Câu chào ấy tuy làm cụ cố tổ qua đời nhưng cả nhà cụ cố Hồng ai cũng vui sướng và coi Xuân là người có công, là ân nhân cho gia đình họ.
Sau khi cụ cố tổ mất, hắn trốn biệt cho cả nhà, nhất là cô Tuyết, chờ đợi, mong mỏi. Đùng một cái, lúc đám tang theo cả lối Ta, Tầu, Tây, “có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc soảng và bú dích, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cậu Tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ… có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng” thì Xuân Tóc Đỏ xuất hiện, “góp vui” một đoàn xe tang: “Xe nào cũng che lọng, từ một ngả len vào chiếm chỗ sau năm lá cờ đen. Hai vòng hoa đồ sộ, một của báo Gõ Mõ, một của Xuân len vào hàng đầu” giúp cái chết của cụ cố tổ thêm phần long trọng, vui vẻ, xứng đáng là “hạnh phúc của một tang gia”.
Xuân nghiễm nhiên trở thành “ân nhân” gia đình cụ cố Hồng như lời nói của Văn Minh: “Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cáo cái tội trạng hoang dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đáng chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn lớn”. Cái ơn lớn ấy xóa nhòa, làm tan biến hai cái tội nhỏ kia. Phải công nhận Xuân Tóc Đỏ có tài đổi trắng thay đen như những kẻ lừa đảo, bịp bợm chuyên nghiệp. Gián tiếp giết người nhưng không bị trừng phạt mà lại được tôn vinh, được thân nhân của người chết cảm ơn, xem là ân nhân. Qua đó, chúng ta thấy Vũ Trọng Phụng đã vạch trần bộ mặt xấu xa, vô nhân tính của lũ con cháu trong gia đình cụ cố Hồng.
Từ một kẻ vô lại, vô học bỗng chốc Xuân Tóc Đỏ trở thành đốc tờ, triết gia, thi sĩ, nhà cái cách xã hội, anh hùng cứu quốc,…Nghịch lý này được Vũ Trọng Phụng vẽ ra bằng những nét nguệch ngoạc, tùy tiện tạo thành một bức chân dung biếm họa.
Thoạt đầu, khi được tung hô và gắn cho những cái mác to tát, “hắn sợ lắm, nghĩ ngay đến Sở Cẩm, sở Mật thám, Tòa án mà chủ cũ nó có thể nhờ Nhà nước tra tấn kìm cặp nó về tội quyến rũ con gái nhà tử tế”. Một nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng, hắn hối hận về lời nói, việc làm của mình mà thú thật với Văn Minh: “Thưa ông, cái hôm ông gọi đùa tôi là sinh viên trường thuốc trước mặt cụ cố thì ông đã làm cho Tuyết phải đem lòng yêu tôi. Nếu Tuyết lấy tôi thì Tuyết nhầm vô cùng, và tôi mà lấy Tuyết thì tôi lại đánh lừa một người con gái tử tế!”. Nhưng dần dần sống gần gũi với tầng lớp thượng lưu, Xuân đã phát hiện và tiêm nhiễm bản chất bịp bợm, dối trá, thích phô trương của bọn chúng nên hắn đã “quên” cái lí lịch không mấy trong sạch trước đây của mình. Lúc này, Xuân nghiễm nhiên tự coi mình là trí thức, là nhà thơ, là thầy thuốc, là chuyên gia quần vợt,… ngang hàng với những bậc thức giả, những anh hùng cứu quốc.
Trong trận đấu giao hữu với tay vợt hàng đầu nước Xiêm La, Xuân “quên” mình được thi đấu là nhờ thủ đoạn để loại hai quán quân quần vợt Bắc Kỳ. Hắn vô cùng hả hê, sung sướng khi được coi là “anh hùng cứu quốc”, là “một vĩ nhân” được người đời tung hô: “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế”. Hơn thế, hắn còn dùng những lời lẽ huênh hoang, kênh kiệu, xấc xược để ngụy biện cho thất bại của mình trước công chúng:
“- Hỡi công chúng! Mi chưa hiểu rõ những lẽ cực kỳ to tát nó khiến ta phải đành nhường giải cho nhà vô địch Xiêm La! Quần chúng nông nổi ơi! Mi đã biết đâu cái lòng hy sinh cao thượng vô cùng, (nó vỗ vào ngực) nó khiến ta phải từ chối danh vọng riêng của ta đi, để góp một phần vào việc tiến bộ trong trật tự và hoà bình của tổ quốc! Giữa cái giờ rất nghiêm trọng này, điều cốt yếu của người xả thân cứu nước không phải là chỉ nghĩ đến mình, nghĩa là không phải là cốt được một ván đánh quần, nhưng mà là cốt giữ cái mối thiện cảm của một nước lân bang (nó đấm tay xuống không khí)… Cho nên ngày hôm nay, ta tỉ thí không phải tranh nhau cái thua, được ở một quả quần. Ta chỉ phụng sự công cuộc ngoại giao của Chính phủ mà thôi! Ta (nó giơ cao tay lên) không muốn cho hàng vạn mạng người làm mồi cho binh đao, mắc lừa bọn buôn súng! (nó đập tay xuống). Hỡi quần chúng! Mi không hiểu gì, mi oán ta! Ta vẫn yêu quý mi mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta!... Thôi giải tán đi, và cứ việc an cư lạc nghiệp trong hoà bình và trật tư! Ta không dám tự phụ là bậc anh hùng cứu quốc, nhưng ta phải tránh cho mi nạn chiến tranh rồi! Hoà bình vạn tuế! Hội Quốc liên vạn tuế!”.
Có thể nói, Xuân Tóc Đỏ bước từ thế giới hạ lưu sang thế giới thượng lưu chỉ là bước từ môi trường tha hóa này sang môi trường tha hóa khác. Bản chất của hai tầng lớp này có nhiều điểm chung: dâm đãng, bịp bợm, lừa lọc, đểu giả, chuyên hợm người và hợm mình. Chính vì thế mà Xuân không bỡ ngỡ, không khó hòa đồng khi “sẩy chân” vào giới thượng lưu.
Xuân chẳng những “đỏ” danh, “đỏ” tiền mà còn “đỏ” cả tình. Hắn được Tuyết yêu bởi cái danh “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ”; được bà Phó Đoan nâng đỡ bởi cái dâm, cái đểu và nhiều thủ đoạn, mánh khóe. Hai nhân vật một già một trẻ, một góa phụ một thanh xuân đã làm Xuân bộc lộ hết hai nét tính cách khác nhau. Hắn gàn dở khi thông dâm với Phó Đoan và lấy làm vinh hạnh khi quen Tuyết, được làm chồng Tuyết.
Càng về sau thủ đoạn, mánh khóe của Xuân càng tinh vi. Hắn vô tình phát hiện ra âm mưu hãm hại mình từ người chồng hụt của Tuyết. Hắn đã “bắn một mũi tên trúng ba đích” vừa thoát khỏi cái bẫy, vừa tìm được kẻ thế thân và bản thân nghiễm nhiên trở thành tay vợt thay thế: “Lúc trông thấy người tay sai của kẻ tình địch, nó bèn khoanh tay đứng im. Ðến lúc người ấy quả thật có lén bỏ cái gì vào túi quần nó, nó cũng tảng lờ như không biết. Khi người ấy sau cái việc bất chính, bỏ chạy ngay ra chỗ khác, nó từ tốn cho tay về phía sau, móc túi quần, lôi cái tập giấy mà nó chẳng buồn nhìn nữa, chia ra làm hai nắm mà nhét vào túi quần của hai bạn nó như người ta trả lại mùi soa. Vô tình, lại còn mãi nghếch mắt nhìn những bông hoa biết nói ở bên kia vệ hè, hai nhà quán quân Hải và Thụ chẳng ngờ gì cả”.
Từ đâu mà Xuân Tóc Đỏ lại “đỏ” thế? Được “quí nhân” phù trợ nhiều đến thế? Trong cuộc sống, chẳng ai muốn kết nạp một kẻ ma cà bông, vô lại, vô học, sống đầu đường xó chợ, làm đủ mọi nghề mạt hạng, có “sở thích” nhìn trộm phụ nữ thay đồ vào cái xã hội thương lưu cả. Chẳng qua, do bản chất bịp bợm dối trá, Văn Minh đã lỡ tâng bốc hắn trước mặt cụ cố tổ là “sinh viên trường thuốc”, “Đốc tờ Xuân” khi bảo hắn xem bệnh cho cụ. Cứ thế, các danh hiệu “trí thức”, “chuyên gia quần vợt”, “nhà cải cách xã hội”, “anh hùng cứu quốc”… lần lượt được Văn Minh và giới thượng lưu “gắn” dần cho hắn để lăng xê cho tiệm Âu Hóa và phong trào cải cách xã hội của mình. Khi đã đưa Xuân lên mây, Văn Minh phải tự ép bản thân chấp nhận một thằng em rể vô lại dưới cái lốt đẹp đẽ, hào nhoáng do hắn tạo ra. Sau đó Văn Minh lại trát thêm một lớp vỏ nữa để che giấu bản chất đê tiện của kẻ vô học, vô lại cho Xuân khi tạo điều kiện cho hắn thi quần vợt, trở thành “anh hùng cứu quốc” được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh.
Vũ Trọng Phụng rất thành công khi xây dựng nhân vật điển hình Xuân Tóc Đỏ - một nhân vật có một không hai của thời đại. Một hình mẫu điển hình cho mẫu nhân vật “tha hóa”; tha hóa từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ cho đến hành động. Ở hắn quy tụ đủ các yếu tố: dâm, đểu, dối trá, thủ đoạn,… Những yếu tố xấu xa vốn nẩy mầm trong con người hắn, sau đó học được nơi đầu đường xó chợ và tiêm nhiễm từ giới thượng lưu trong xã hội “chó đểu” của thời Âu Hóa trong xã hội nước ta những năm 30 thế kỷ XX.
3. Kết luận
Thế giới nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng vô cùng phong phú, đa dạng. Nhà văn đặc biệt thành công khi khắc họa nhân vật phản diện. Ngòi bút trào phúng của ông đã tạo nên một loạt chân dung những Nghị Hách, Vạn Tóc Mai, Phó Đoan, cậu Phước, Xuân Tóc Đỏ, cụ cố Hồng,… Những lúc đó ngòi bút Vũ Trọng Phụng sắc sảo “như roi quất”, “như dao chém”, “như đóng đinh chúng nó lên… cho thiên hạ muôn đời nguyền rủa” [5, tr. 136]. Dưới ngòi bút của văn nhân các nhân vật có mối quan hệ ràng buộc, ảnh hưởng lẫn nhau. Người này là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tha hóa của người kia.
Số đỏ là tiểu thuyết thành công nhất trong sự nghiệp cầm bút của Vũ Trọng Phụng. Nhà văn đã dựng nên nhiều bức chân dung biếm họa về nhân vật “tha hóa” mà điển hình cho hình mẫu của loại nhân vật này là Xuân Tóc Đỏ. Ở Xuân có sự kết hợp giữa cái ma mãnh, xấc xược, hỗn hào theo kiểu du côn của những kẻ đầu đường xó chợ với thói đểu giả, bịp bợm, dối trá, hợm hĩnh của tầng lớp thượng lưu đang chạy theo trào lưu Âu Hóa trong xã hội đương thời. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ không chỉ điển hình cho loại người cơ hội, tha hóa trong xã hội thực dân phong kiến nước ta thời kỳ 1930-1945 mà ít nhiều có giá trị trong mọi thời đại.
N.C.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Trí Dũng, Nhân vật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội-2004.
[2] Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn Việt Nam hiện đại CHÂN DUNG & PHONG CÁCH, NXB Văn học, Hà Nội-2003.
[3] Lê Bích Ngọc, Nhân vật “tha hóa” trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Khóa luận tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn, Trường CĐSP Đắk Lắk-2015.
[4] Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội-2004.
[5] Nhiều tác giả, Vũ Trọng phụng tác phẩm & lời bình, NXB Văn học, Hà Nội-2014.
[6] Vũ Trọng Phụng, Số đỏ, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội-2010.
[7] Vũ Trọng Phụng, Giông tố, NXB Văn học, Hà Nội-2013.
[8] Vũ Trọng Phụng, Làm đĩ, NXB Văn học, Hà Nội-2013.