TIN TỨC
  • Truyện
  • Những người vớt xác – Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm

Những người vớt xác – Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2024-09-04 05:55:07
mail facebook google pos stwis
551 lượt xem

Ánh đèn pin quét một lằn dài trên mặt sông đen ngòm, loang loáng vệt sáng lướt qua những ngõ ngách trên thành bờ đầy rẫy những bụi cây hoang, như một đám rừng ma quái, dòng nước đen ngòm, không một dấu tích, kẻ gian đã phóng xuống lòng sông trong vài giây trước trong sự truy đuổi ráo riết của lực lượng cảnh sát, dân quân, bóng gã chìm vào màn đêm giữa con sông dài như hình thù quái vật, uốn lượn giữa hai bên vạt đồng hoang.

​Những người truy bắt đã lùng sục, bố ráp nguyên đêm để bắt kẻ buôn ma túy, gã đã len qua cánh đồng rồi tháo chạy ra sông, có lẽ gã biết bơi nên mới liều mình nhảy xuống dòng sông này để bơi về phía đầu nguồn, nơi giáp ranh một địa phận thuộc tỉnh khác, ở đó có một cánh rừng, có lẽ gã nghĩ chỉ cần bơi qua đó, gã sẽ thoát được những người vây bắt.

Thế nhưng có một điều không như gã nghĩ, và khi lực lượng chức năng phong tỏa khu vực này, họ cũng đã ngấm ngầm nhìn nhau và tự hiểu một kết cuộc cho những ai rơi xuống dòng sông dữ, dù là tự trầm mình, là tai nạn hay bơi lội giỏi cũng sẽ khó êm xuôi.

***

Hai vợ chồng ông Thìn im lặng, trầm ngâm trên con xuồng nhỏ, nơi họ đã có một cuộc đời ngang dọc ở con sông này, gần một đời người. Người đàn bà vẫn cặm cụi luồn những đường dây cước để khâu lại mảnh lưới, ông Thìn, người đàn ông với nước da màu nâu đồng rắn rỏi, tay xăm trổ bặm trợn, ngồi trước mũi xuồng, ông uống một ngụm trà, phả một hơi thuốc đặc quánh, hướng ánh nhìn sắc lạnh về phía dòng sông đen ngòm khi trời còn tờ mờ sương đêm.

– Hôm nay cho xuồng chạy dọc xuống nhánh hạ, người đêm qua chắc không thoát được đâu

– Ừ! Tôi đang khâu lại mảnh lưới.

Người đàn ông với giọng khàn đặc mùi khói thuốc, cất vài lời nhắc vợ. Người vợ dường như cũng linh tính được điều gì nên đi vào bên trong mạn xuồng, chuẩn bị vài mớ đồ nghề đặc biệt, những món đồ đã đồng hành cùng với đôi vợ chồng hành nghề vớt xác trên sông.

Nói nghề chứ thật ra nó là cái duyên, cái nợ, vì không ai ngay từ lúc sơ khai lại chọn cái nghề lạnh lẽo, ám ảnh rợn người này, nghề nó đến đôi khi chỉ vì sự tình cờ rồi thì nó vận vào số phận, không thể bứt ra. Sau vài lần đi vớt xác, ông Thìn cũng đi xin việc vài nơi nhưng hầu như không nơi nào nhận vì người ta kiêng cử nên không dám nhận một người làm nghề vớt xác vào nơi làm ăn của họ, thế là từ dạo đó, ông cũng thôi không đi xin việc nữa mà chỉ đi chài lưới rồi làm nghề vớt xác trên sông.

Chiếc xuồng của đôi vợ chồng vớt xác đã trở thành phương tiện hỗ trợ cho cơ quan chức năng và nhiều gia đình khi có người thân tử nạn vì chết đuối, bởi hiếm có ai dám làm cái nghề vừa nguy hiểm vừa đầy rẫy tâm linh này.

Nghề vớt xác vốn nghe đến là thấy sợ bởi quanh năm chỉ tiếp cận với xác chết trôi, có hôm vớt xác về, mùi tử khí ám nồng vào quần áo, tắm gội mấy ngày vẫn chưa nhả hết. Nghề cũng không tạo ra tiền, bởi người vớt xác không nhận tiền, gia chủ có biết ơn thì đãi họ bữa ăn chay, hoặc mua vài bao thuốc, gói trà trả ơn cho họ, nếu ai có năn nỉ lắm thì vợ chồng ông mới nhận chút đỉnh tiền rồi cũng lấy đó để mua nhang đèn, đồ cúng cho người đã khuất.

Hôm nay, vợ chồng ông Thìn có một chuyến đi, tuy chuyến đi đã lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng lần nào ông cũng thấy trong lòng chột dạ.

Chiếc xuồng bơi chầm chậm dọc theo nhánh sông Đen, mặt nước âm u bốc lên hơi lạnh đến sởn da gà với những ai không quen miền sông nước, ông Thìn tấp xuồng vào một góc bờ, chuẩn bị mớ đồ cúng, nhang đèn để xin cho trục vớt được xác nghi phạm đêm qua, sau khi lực lượng chức năng thông báo người này nhảy xuống sông và không còn tung tích.

Lễ khấn đã thực hiện xong, ông Thìn cầm mớ nhang vái lạy, quơ lên không trung như một kiểu phong tục, nghi lễ đặc thù của người hành nghề vớt xác. Chiếc xuồng nhỏ bắt đầu rẽ dòng nước lạnh, đen ngòm trôi về phía hạ lưu của con sông chứa đầy tử khí.

Chiếc móc sắt cùng hai chiếc cần câu vuông, xung quanh có nhiều lưỡi câu sắc nhọn, được thả xuống lòng sông, mắc vào hai bên mạn xuồng, ông Thìn cho chiếc xuồng chạy chầm chậm và quan sát động tĩnh xung quanh, chiếc xuồng bắt đầu đi khi mặt đất vừa chạng vạng một vài ánh sáng đầu ngày cho đến khi trời đã ngả bóng sang trưa, mặt sông vẫn không có một dấu tích nào về nạn nhân xấu số.

Nửa ngày trôi qua, chiếc xuồng vẫn trôi vô định trên con sông trong ánh mắt đăm chiêu của ông Thìn, sự ngóng đợi của những người vây bắt. Người vợ thỉnh thoảng phải kéo chiếc câu sắt và chùm móc câu lên để gỡ mớ rác rưới, cỏ dại dưới lòng sông, bàn tay rợp lại vì nước nhưng đôi vợ chồng vẫn chăm chăm vào nhiệm vụ, không hề nản chí.

Mặt trời đã lặn đằng tây, dòng sông Đen bắt đầu phủ trùm một màu ám mị khi ánh sáng tắt dần, ông Thìn lầm thầm gì đó trong miệng và mắt vẫn nhìn đăm đăm xuống lòng sông ngòm tối, bỗng người vợ ông kéo ghịt chiếc cần câu khi nghe vật gì nằng nặng, chiếc xuồng như bị một lực cản nên dừng lại, không trôi vô định như bình thường, ông Thìn chạy về phía mạn xuồng, nơi người vợ vừa đưa mắt nhìn sang. Lúc này, một mảnh vải trồi lên vì lực nước và bị móc vào chiếc cần câu giật ngược, ông Thìn vội chụp lấy sợi dây thừng rồi nhảy ùm xuống nước, dường như với kinh nghiệm ngần ấy năm trời, đôi vợ chồng chẳng cần mở miệng nói lời nào, cũng chẳng cần hô hoán với ai, khi nhận ra có xác chết trôi là họ lập tức theo nghề mà thực hiện.

Ông Thìn chật vật quấn sợi dây thừng vào giữa bụng cái xác rồi kéo nhẹ vào bờ, sau khi đưa được người chết đuối lên bờ, ông thông báo cho cơ quan chức năng đến để bàn giao lại. Khoảng năm phút trôi qua, lực lượng công an, y tế đã có mặt tại hiện trường, vì đây là đối tượng đang bị truy bắt nên lực lượng vây bắt hầu như đã túc trực, mai phục các vùng lân cận.

– Đúng là nó rồi.

Một người trong nhóm truy bắt đối tượng lên tiếng khi nhìn thấy tử thi đang nằm trên tấm chiếu mỏng cạnh mép bờ. Vậy là tên tội phạm sau khi gieo rắc những cái chết trắng cũng không thể thoát được hậu quả do chính gã gây ra, nơi con sông đáng sợ này.

Chiếc xuồng quay đầu, rẽ làn nước đen ngòm trở về bến đậu, kết thúc một ngày vớt xác, đối với vợ chồng ông Thìn, chuyến trục vớt này xem ra cũng không quá phức tạp vì không mất nhiều ngày, nạn nhân mới chết nên thi thể cũng chưa phân hủy như nhiều ca ông đã gặp. Nhưng ông đã nhìn thấy nhân quả của tội ác nhãn tiền với một kẻ gieo rắc những mầm độc cho bao người, cuối cùng những gì nhận lại cũng thật tang thương.

***

Buổi chợ trưa vắng vẻ, ngôi chợ “Người âm” mọc lên giữa bãi đất hoang, chủ yếu bán hàng mã, những loại đồ lễ cúng cho người đến đây mua về cúng kiếng, bởi con sông này đã lấy đi sinh mạng bao người, có khi thì tai nạn tàu thuyền, bao nhiêu xác chết trôi dạt đến đây, tầm chục nạn nhân cũng có, có người thì túng quẫn, nợ nần, có người vì thất tình rồi nhảy sông tự vẫn, không ít trường hợp giận vợ, giận chồng cũng gieo mình xuống con sông này để kết liễu cuộc đời, đáng thương nhất là những học sinh bị nạn khi đi tắm sông, bơi lội, có người già bị trượt ngã ở khu vực đường rừng, xác từ khắp nơi trôi đến, thành ra con sông này, người ta vẫn gọi là “Sông Đen” bởi dòng nước đen thăm thẳm, đục ngầu từ những cơn mưa thượng nguồn đổ xuống, và những xác chết trôi, năm nào cũng không dưới chục người. Vợ chồng ông Thìn mấy chục năm hành nghề vớt xác nơi đây, đã trục vớt cả trăm thi thể với không ít lần ám ảnh.

Ngôi chợ không có lồng chợ, chẳng có bệ xây, chỉ có khoảng chục gian hàng bán buôn tạm bợ, họ đặt một cái sạp gỗ và mấy món hàng, che dựng bằng cái lều hoặc tấm bạt liêu xiêu, ai mới vào khu chợ này cũng đều rùng mình bởi nó chẳng khác nào một nơi của người âm phủ. Ngôi chợ vắng tiếng ồn ào, người bán người mua giao tiếp với nhau chẳng giống như những ngôi chợ khác, ở đây, họ mua bán bằng một giọng nói nhỏ, thì thào, có khi người mua đến lấy một món hàng rồi trả tiền cho người chủ sạp, có những món, họ muốn trả bao nhiêu thì trả, như một tục lệ không đổi chác, bởi ai cũng tự hiểu rằng món hàng này là dành để người âm.

Người đàn bà vớt xác dừng lại phía sạp hàng bán những mảnh vải bố rồi chọn mua ba tấm, bà thì thào nói vài câu qua loa với người chủ sạp, ai có đứng gần cũng không nghe rõ họ nói những gì, sau khi quấn lại mớ vải bố gọn gàng, bà Thìn ôm mớ vải bố xốc nách rời đi.

Nơi tiếp theo mà bà dừng lại là sạp hàng vàng mã để mua giấy tiền, hương nhang, một ít hoa quả trái cây, vài bộ đồ lễ, họ nhìn bà rồi hỏi chuyện như một khách quen

– Lại có người chết trôi nữa à?

Bà khẽ gật đầu, đưa vội mớ tiền lẻ còn ươn ướt cho người bán

– Này! Làm cái nghề “cướp miếng ăn hà bá” là không tốt đâu, người ta bảo có khi phải đền mạng nữa đấy. Bà xem mà cẩn thận.

Người bán hàng buông vài lời nhắc nhở như là cảnh báo, bà Thìn im lặng chẳng nói gì, chỉ lẳng lặng ôm mớ đồ rồi lầm lũi bước đi. Đi được chừng chục bước, bà nghe có ai đó khều khều từ phía sau lưng. Khi quay lại, bà nhìn thấy phía trước mặt mình là một cô gái, trông còn khá trẻ.

– Bà ơi, bà là người hay đi vớt xác phải không?

Nhìn gương mặt thoáng vẻ thất thần của cô gái, bà vội gật đầu

– Ừ, có gì không cô?

– Bà ơi, phía gần cầu Chàm, ở bụi ô-rô, có một người bị chết trôi, xác bị vướng vào đó, bà đến kéo họ về nhé!

– Ừ, cảm ơn cô nhé!

Người đàn bà và cô gái lạ kết thúc câu chuyện sau vài lời thông báo đầy lạnh lẽo. Bà Thìn vội vã rời khỏi khu chợ “Người âm”, nắng trưa nhạt dần, ngôi chợ càng trở nên u trầm vắng lặng.

***

Bữa cơm chiều trên mạn xuồng cũ kỹ của đôi vợ chồng chỉ nuốt vội, qua loa, người đàn bà bưng mâm cơm ra ngoài sau xuồng cất dọn, ông Thìn châm một điếu thuốc để lấy tinh thần tỉnh táo trước khi bắt đầu chuyến hành trình trục vớt xác chết trôi.

– Này, ở bụi ô-rô gần cầu Chàm có một xác trôi vừa tấp vào trong đấy. Đêm nay là trục hai xác đấy ông ạ!

– Ai báo cho bà thế?

– Lúc tôi vào chợ mua đồ, có một cô đến nói với tôi.

Ông im lặng vài giây rồi gật đầu

– Ừ, dọn dẹp rồi chuẩn bị đồ, chắc phải đi cả đêm nay, kẻo mai xác trôi xuống lưu vực nước xoáy, khó mà tìm được.

Điếu thuốc trên tay ông Thìn vứt xuống lòng sông, chiếc xuồng cũ lại rẽ dòng nước đen ngòm, đi về phía có người dân thông báo.

Ba tiếng đồng hồ trôi qua, trời đã bắt đầu về đêm, gió mạnh dần, hai bên bờ sông là những đám cây hoang dại, mọc như một khu rừng, tiếng gió rít, tiếng nước sông va đập vào bờ, tiếng lá cây rào rạt khi gió thổi mạnh, tạo ra những thanh âm ma quái.

Cái xác đầu tiên đã được đôi vợ chồng vớt lên, là xác một người đàn ông, đang trong tình trạng phân hủy mạnh, khi phát hiện ra cái xác, ông Thìn đã nhanh nhẹn nhào xuống dòng sông lạnh buốt đang chảy mạnh để buộc nhanh sợi dây thừng ngang bụng, cái xác trương phình, lớp da thịt trên người đã mềm nhũng, khi nắm buộc mạnh, có những mảng da thịt bị trôi tuột ra theo nước.

Lặn ngụp giữa vùng nước bốc mùi tử thi nồng nặc cùng một thi thể đã trương phình, biến dạng, gương mặt ông Thìn vẫn bình tĩnh, không gợn chút hoang mang, ông tập trung buộc chặt thi thể rồi cột vào mạn xuồng, sau khi tử thi đã cố định chắc chắn bằng sợi dây thừng và vải bố, vợ chồng ông mới cho chiếc xuồng chầm chậm chạy đi về phía mép bờ, xuồng vừa chạy, ông vừa phải dùng tay kìm lại sợi dây buộc xác, sợ xác bị nước làm trôi tuột thì buộc lại vô cùng phức tạp mà người vớt xác cũng kiêng kỵ để xác bị trôi tuột đến ba lần, đến khi đưa được xác vào bờ, vợ chồng ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi thực hiện một số nghi lễ cúng bái cho người đã khuất, ông Thìn liên hệ bàn giao lại cho cơ quan chức năng rồi lên xuồng để vượt dòng sông Đen, tìm kiếm nạn nhân còn lại.

Theo lời cô gái sáng nay, vợ chồng ông Thìn cho chiếc xuồng chạy về phía cầu Chàm, đêm tối bắt đầu bao trùm lên lòng sông một màu đen ngòm, tối đặc. Tiếng gió rít ngày một lớn hơn và lòng sông bắt đầu chảy xiết.

Sau hơn một giờ, chiếc xuồng của đôi vợ chồng cũng đã đến được cầu Chàm, ông Thìn cho xuồng bơi dọc vào bụi ô-rô rồi lấy chiếc dầm rẽ lùm cây dại, dạt mớ ô-rô đầy gai nhọn để tìm thi thể. Ánh đèn pin lia vào bụi cây, sau hơn nửa giờ tìm kiếm, họ vẫn không thấy cái xác ở đâu, lúc này, ông Thìn quay sang hỏi vợ:

– Người ta nói có đúng chỗ này không?

– Đúng, cô đó nói ở chỗ này, họ không đùa đâu.

Ông Thìn im lặng không trả lời, ông lại cho xuồng tiếp tục chạy sâu vào bên trong vạt ô-rô, chiếc dầm trên tay ông lại bới tìm từng bụi rậm, nhưng rồi thời gian trôi qua, đôi vợ chồng vẫn không tìm thấy dấu vết nào của người xấu số.

Đêm dần về khuya, đôi vợ chồng đành phải nghỉ lại ở cầu Chàm, chiếc xuồng vẫn neo lại ngay bụi ô-rô, gió đêm nay thổi mạnh, hơi lạnh từ lòng sông tỏa buốt vào tận trong xương tủy sau một ngày lặn ngụp dưới dòng nước xiết. Vừa nằm xuống, ông Thìn đã chìm vào giấc ngủ.

Đang lơ mơ, người đàn bà bỗng giật mình, kêu lên một tiếng, ông Thìn cất giọng lầu bầu:

– Gì đấy?

– Này, ông ơi!

Người vợ cất tiếng gọi, rồi lay mạnh cánh tay ông Thìn dậy

– Dậy, dậy đi, tôi thấy có người vừa gọi tôi

– Ai gọi bà?

– Tôi chẳng biết, không nhìn rõ mặt, họ đập vào tay tôi hai cái.

Ông Thìn ngồi dậy theo lời của vợ, ông im lặng chẳng hỏi gì thêm vì dường như linh tính trong ông cũng đang mách bảo điều gì. Đôi vợ chồng lại bắt đầu cho xuồng rảo quanh đầm ô-rô, ánh đèn pin trên tay ông Thìn liên tục quét những vệt sáng trên dòng sông lạnh.

0 giờ, chiếc móc sắt bỗng dưng khựng lại, cái xuồng tròng trành như có ai đó xô đẩy bằng lực mạnh, ông Thìn vội lấy chiếc sào chống sâu xuống lòng sông để giữ thăng bằng, lúc này, ông bật cả hai chiếc đèn pin về phía bên phải mạn xuồng, cặp mắt ông nhíu lại, ấn đường hằn sâu một lằn dày cộm khi bên dưới làn nước mù mờ hiện lên một thi thể nửa chìm nửa nổi…

Có lẽ đây là một đêm vớt xác đầy ám ảnh khi ông Thìn nhảy xuống dòng nước lạnh buốt với sợi dây thừng như mọi lần, lúc tiếp cận với tử thi, ông giật mình khi nhìn thấy cặp mắt mở trừng trừng và gương mặt tử thi đã co ngắn lại một cách hết cỡ, chiếc áo màu hồng đã bung hết nút vì thi thể trương phình, điều làm ông hoảng loạn nhất là khi nhìn thấy phần ổ bụng bị hở với mớ nội tạng nửa trong nửa ngoài, trôi lềnh bềnh trong nước, lúc đó trong đầu ông lóe lên suy nghĩ, đây là một vụ giết người.

Sau khi cố định được cái xác vào bờ, người ông Thìn ám đầy mùi tử khí đến nỗi những người dân đứng cạnh phải quay đi, có người nôn ói vì mùi quá nặng, trong khi ông Thìn vẫn ngồi thừ một chỗ vì đã mệt và ám ảnh bởi khuôn mặt biến dạng và thi thể không toàn vẹn của người phụ nữ thì bà Thìn vội thắp ba nén hương cắm vào phía trên đầu người đã khuất, rồi bà mang ít trái cây, đồ cúng ra đặt cạnh như một nghi lễ cúng kiếng cho người chết đuối.

Trong cuộc đời làm nghề vớt xác, vợ chồng bà đã trục vớt hàng trăm xác chết trôi, nhưng hôm nay là lần đầu tiên bà Thìn nổi lên cảm giác sợ hãi tột cùng, đó không phải vì gương mặt hay phần thân thể trông có phần man rợ mà vì một điều kỳ lạ mà bà chưa từng gặp phải.

Khi nén nhang được người đàn bà cắm phía trên đỉnh đầu của người phụ nữ chết trôi, tay bà bỗng dưng run rẩy, bà vội chạy về phía ông Thìn đang ngồi im lặng chờ đợi cơ quan chức năng sắp đến. Bà nắm lấy tay ông, ông giật mình bởi bàn tay bà lạnh toát

– Ông ơi!

– Gì đấy?

Giọng bà trầm xuống, nghe lạc đi, không biết vì lạnh hay vì sợ hãi

– Người đấy!…

– Người nào?

– Người chết trôi đấy…

– Ừ, họ làm sao?

– Tôi đã gặp rồi

Ông Thìn im lặng nhìn bà đang run lập cập rồi cất giọng từ tốn

– Bà quen họ à?

– Không!

– Thế gặp họ ở đâu?

Giọng bà Thìn vẫn chầm chậm, thì thào

– Là người tôi đã gặp hôm đi chợ.

Im lặng vài giây, bà Thìn tiếp lời trong gương mặt bần thần

– Đúng cô ấy rồi, tôi đã gặp trong chợ Người âm, cái vòng cổ, cái áo màu hồng…

Bà Thìn nói đến đó thì im lặng, không nói nữa, ông Thìn cũng không gặng hỏi gì thêm vì làm cái nghề này, ông cũng không ít lần gặp những câu chuyện tâm linh kỳ dị, đôi khi người thường không tin cũng không nhìn thấy, chỉ những ai làm cái nghề thường xuyên tiếp xúc với người đã khuất như ông bà mới tin rằng sự giao cảm giữa thế giới âm dương là có thật.

Những ngày sau đó, báo chí bắt đầu phanh phui vụ trọng án liên quan đến xác chết trôi đáng sợ, những bức ảnh được người ta đăng tải về người xấu số, đó là một cô gái chỉ vừa hai mươi lăm tuổi, bị tình nhân là kẻ thủ ác sát hại rồi ném xác xuống sông. Khi nhìn tấm ảnh, bà Thìn đã nhớ ngay gương mặt thất thần, xanh xao của người thiếu nữ, người đã báo cho bà có một xác chết trôi, vướng lại ở bụi ô-rô.

Những nén hương được bà thắp lên trong con xuồng nhỏ, có một cái bàn gỗ nơi vợ chồng bà vẫn khấn vái cầu nguyện cho vong linh những người đã khuất không về quấy phá, bên trên có một tấm ảnh Phật, bà thỉnh được từ một ngôi chùa, đêm đêm, bà vẫn thầm niệm Phật cho những người đã khuất được siêu thoát, vãng sanh. Dẫu nhiều lần người ta cảnh báo hay hù dọa là nghề của bà có nhiều rủi ro, nguy hiểm khi dành lấy vật tế của thủy thần nhưng vợ chồng bà nghĩ “giúp người xấu số được về với gia đình thì làm gì có thủy thần, hà bá nào mà quở phạt”. Có lẽ vì tấm lòng lương thiện, phát tâm tìm kiếm, cứu người bị nạn, không kể nhọc nhằn nguy hiểm mà suốt mấy chục năm qua, ông bà vẫn mạnh khỏe, không gặp bất trắc, trở ngại nào trên hành trình vớt xác.

Hơn ba mươi năm đối mặt với thủy thần, vợ chồng ông chứng kiến vô số cảnh tang thương, có hôm đang ăn cơm, người trên bến gọi báo có xác chết trôi, thế là vợ chồng ông bỏ chén cơm, cho xuồng chạy ngay ra chỗ có người bị nạn, khi tìm gặp xác, đem xác lên bờ, có xác còn tươi, có xác thì đã phân hủy nặng, ám mùi nồng nặc, đụng vào là da thịt rã ra nên ông phải bó một tấm chiếu hoặc vải bố rồi mới đưa được lên bờ. Có lúc vì mệt, vì ám mùi quá nặng, vợ chồng ông bỏ cả ăn. Ngoài vớt xác ra, đôi vợ chồng còn đi cứu người đuối nước, ông kể có lần nhảy xuống sông cứu một em bé chừng bảy tuổi, đem đứa nhỏ lên bờ, ông vội hút đờm nhớt trong mũi, miệng đứa bé để cho thông thoáng, dù là người lạ nhưng bao nhiêu đờm nhớt trong mũi họng người ta, ông đều hút ra hết mà không ghê sợ điều gì, chỉ mong sao cứu họ khỏi tay tử thần là được.

Nghề này như cái nghiệp, cái nợ mà mang vào rồi là không thể dứt ra, bởi đâu ai can đảm mà lựa chọn, nhưng nếu không ai làm thì lấy ai trục vớt người chết đuối mà đưa họ về với gia đình. Ông nghĩ, lúc sống thì người ta nghĩ quẩn, nghĩ chết là hết, là giải thoát tất cả mọi đau đớn khổ sở nhưng khi chết rồi, oan hồn nào cũng mong được về với gia đình, có nơi thờ cúng, có mồ yên mả đẹp, biết đâu khi nhảy xuống sông rồi, đối diện với cái chết rồi mới sợ hãi, mới mong được sống thì đã muộn. Người ta có câu “Nhập thổ vi an”, dù đã mất thì cũng đâu ai muốn làm một vong hồn vất vưởng nơi hoang sơ lạnh lẽo. Mà con sông này, năm nào cũng có người bỏ mạng, có người chết ở nơi đây, có xác thì trôi từ nơi khác đến rồi tấp vào mép sông, người ta bảo như một cái huông, hằng năm đều phải có mạng người dâng tế cho “hà bá”, đó là suy nghĩ của những người dân sống ở lưu vực sông này, từ bao năm qua, điều đó đã hình thành như một quan niệm dân gian kỳ bí.

Hơn ba mươi năm theo nghề, không tiền bạc, cũng chẳng có của ăn của để, vợ chồng ông Thìn vẫn lênh đênh bằng con xuồng nhỏ, chài lưới bán buôn trên dòng sông dữ, ấy vậy mà thỉnh thoảng vẫn có vài người xin theo ông làm cái nghề mà người ta gọi là “cướp miếng ăn hà bá”, nhưng ông bảo “nghề này chỉ nhận một người học việc hoặc không nhận thêm ai” mà đã có hai vợ chồng ông theo nghề rồi nên ông không thể nhận người thêm nữa. Sở dĩ có một quy luật như vậy bởi người ta biết rằng khi đã theo nghề này thì khó mà xin theo nghề khác, người theo nghề phải có tâm cứng rắn để không bị chi phối trong nỗi sợ hãi tâm linh. Nếu chỉ vì tò mò mà theo tìm hiểu, sau này cũng sẽ bỏ nghề, đi xin việc khác đôi khi người ta không nhận.

Chén cơm đêm nay, vợ chồng ông lại chỉ ăn được nửa chừng bởi trên sông có tiếng la hét, hoảng loạn thất thanh. Thảm cảnh của một gia đình, vì nợ nần, vì cờ bạc mà người đàn ông đã kết thúc sinh mạng của mình để lao xuống lòng sông dữ.

Nén hương được ông Thìn thắp ở góc xuồng, mớ đồ nghề lạnh lẽo được người đàn bà lấy vội, để sẵn trong khoang, chiếc xuồng rẽ dọc con sông, trôi nhanh trên dòng nước đen ngòm, đi về phía đầu nguồn, nơi có người thông báo.

Những đứa con gào khóc khi nhìn thấy chiếc xe và đôi dép của cha, người dân tụ tập quanh bờ, hiếu kỳ chờ đợi. Lực lượng chức năng túc trực tại hiện trường. Chiếc xuồng chầm chậm vào bờ sau hai giờ trục vớt, người đàn ông áo quần ướt sũng ngồi phía trước mũi xuồng, một tay còn níu chặt sợi dây thừng với một thi thể bấp bênh trong dòng nước.

Thi thể được đưa vào bờ, đặt trên một tấm chiếu mỏng, lạnh lẽo và trắng bệt. Tiếng gào khóc càng thảm thiết, những đứa trẻ và người thân sụp mình hụt hẫng bên một thi hài bất động, giữa sự tĩnh mịch của vạt đồng hoang, tiếng than khóc càng trở nên thê lương thống thiết. Không gian tang tóc trong sự cách trở âm dương khiến người ta trở nên ám ảnh đến lạnh người. Những nén hương được người đàn bà thắp lên, đặt phía trên đầu người đã khuất, ông Thìn ngồi ở phía đằng xa, châm một điếu thuốc cho bớt cái lạnh từ nước, từ âm khí của người chết đang bám quện trong từng thớ vải.

Lòng sông vẫn chảy xiết, gió vẫn thổi ầm ào, rít lên từng hồi hoang dại, đêm càng về khuya, nước sông càng dâng cao, hơi lạnh mỗi lúc một đậm dần. Chiếc xuồng của đôi vợ chồng chầm chậm quay đi, nhỏ dần, nhỏ dần giữa dòng sông tĩnh mịch…

                                                                                V.Đ.P.T

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm
Cha và con – Truyện ngắn của Kim Uyên
 Lão không muốn kéo dài sự cô đơn trong ngôi nhà của mình nữa. Nhưng quyết định rời khỏi căn nhà thân yêu quả là quá khó khăn. Vợ lão chết đã mấy năm nay, vài người hàng xóm khuất xa, bạn bè nhạt nhòa tin tức – lão chỉ một mình!
Xem thêm
Đêm nay anh ở đâu? | Truyện ngắn của Hoài Hương
Tác phẩm đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm