- Bút ký - Tạp văn
- Nỗi đau không hồi kết
Nỗi đau không hồi kết
BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”
ĐỖ HOÀNG TIỂN
“Ngẫm về cuộc đời mình còn một bữa cơm ngon, còn một gia đình để quây quần yêu thương đã là một hạnh phúc lớn. Để cùng học cách yêu con người hơn, yêu cuộc đời này lần nữa, cùng góp sức xây một đời sống tốt đẹp hơn”, bác sĩ Đỗ Hoàng Phong trải lòng
“Đang làm việc vui vẻ bình thường, nghe ai đó nhắc lại thời điểm lao vào chống dịch, người tôi bần thần, đầu óc không tập trung, cơ thể lành lạnh rã rời, mọi thứ ùa về như ác mộng, ám ảnh, đau thương, bất lực trước sự sống và cái chết của con người” - bác sĩ Đỗ Hoàng Phong, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1, TP HCM nói.
Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1, TP HCM- nơi bác sĩ Phong và đồng nghiệp lăn xả chống dịch
Gần tròn năm nơi tuyến đầu cứu người
Bác sĩ Phong nhớ lại: “Trong những trường hợp khẩn cấp đồng đội tôi chạy, như chưa hề biết đi là gì để kéo họ ra khỏi tay thần chết. Có những bệnh nhân chúng tôi cứu được, có những bệnh nhân chúng tôi bất lực. Đau thắt ruột, nhìn họ lịm dần lìa cõi trần. Rời xa gia đình, không có một người thân bên cạnh, chỉ có những người áo trắng của chúng tôi đưa họ về thế giới bên kia”. Ánh mắt bác sĩ nhìn xa xăm, nói như tâm sự: “Nghiệt ngã quá, tôi chứng kiến những mảnh đời chới với trong lúc lâm bệnh. Cơn đại dịch ùa qua, cuốn đi bao sinh linh trên mảnh đất thương yêu này. Mong nó đừng quay lại và cho nó đi vào quá khứ. Giờ tất cả chúng ta ngày ngày hướng về phía trước dần quen với cuộc sống bình thường mới, phấn đấu cho một cuộc sống xanh tươi, bù đắp những ngày đen tối phủ xuống loài người. Nghĩ đến đây đầu tôi bớt căng, tâm hồn có phần nhẹ đi và bắt tay vào việc trôi chảy hơn”.
Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1, TP HCM, nơi bác sĩ Phong gắn bó suốt từ tháng 7-2021 mới thành lập, cho đến ngày giải thể tháng 6- 2022. Bác sĩ Phong nhớ như in những ngày không ngủ, xe cấp cứu ra vào sân bệnh viện liên tục, các nhân viên y tế không kịp nghỉ ngơi. Các bác sĩ làm việc gấp đôi gấp ba công suất để chăm sóc các bệnh nhân không may bị nhiễm. Bệnh viện dã chiến có 300 giường bệnh và hơn 70 giường hồi sức cấp cứu, biên chế có 21 bác sĩ, 30 điều dưỡng và một số anh chị em tình nguyện khác. chỉ trong mấy ngày đã gần kín chỗ. Bệnh nhân COVID-19 chuyển đến bệnh viện ngày càng nhiều, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 2.000 lượt F0, bệnh viện quá tải.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mong manh, đôi khi chẳng kịp đếm theo kim giây. Có người ra đi ngay trong vòng tay của bác sĩ vì tình trạng bệnh diễn tiến quá nhanh. Đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng ở bệnh viện có người mới tiêm được một mũi vắc-xin, có người 2 mũi, khả năng nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. Nhưng trận chiến này không ai có thể thay thế, nên tất cả họ phải ở tuyến đầu, phải là những người trực tiếp chăm sóc và điều trị bằng hết tất cả tâm sức và chuyên môn của người thầy thuốc. Rất nhiều nhân viên y tế của bệnh viện đã nhiễm bệnh vì họ luôn tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, nhưng không vì vậy mà các đồng nghiệp chùn bước, vừa khỏi bệnh họ lại lao vào công việc ngay mà không hề do dự. Có người gần như kiệt sức trong bệnh viện bởi làm việc gần như không có ngày nghỉ, không về được với gia đình. Nếu có về cũng chỉ đứng ngoài nhìn vô và giữ khoảng cách trong giao tiếp, nén nỗi nhớ cha mẹ, chồng con, hay nhớ người yêu mà tập trung lo cho người bệnh.
Chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện dã chiến
Gửi một lời yêu thương, động viên, tiếp sức
Tháng 7-2021, bệnh dịch ùa về, lan rộng, những ca bệnh mới cứ dần tăng. TP HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “Ai ở đâu ở yên đấy”, quê nhà của nhiều y bác sĩ ở các tỉnh miền Nam cũng đang thực hiện Chỉ thị 16. Mọi người đềi động viên nhau vượt qua thời khắc khó khăn này.
Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, có khi còn bị phong tỏa, nhưng nhiều người còn có gia đình, người thân, ở trong nhà xem tivi, điện thoại lướt Facebook… Còn những người chiến sĩ ở tuyến đầu đều không có được những phút giây yên ấm như vậy. Bác sĩ Phong thường tâm sự với bạn bè, anh em, người thân: Mỗi chúng ta nếu không góp được vật chất, thì hãy góp về tinh thần cho công cuộc chống dịch bằng cách: Gửi một lời yêu thương, động viên các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch với tất cả kênh mà mình có, như Facebook, zalo…xem đây là nghĩa cử của người hậu phương. Chúng ta được sống và khỏe mạnh, xã hội bình thường mới được như vầy xin ngàn lần cám ơn đội ngũ thầy thuốc, cám ơn những người tuyến đầu chống dịch, có những người đã hy sinh vì chúng ta…
Bác sĩ Phong cho biết niềm vui lớn nhất là khi điều trị thành công và cho xuất viện cụ bà 98 tuổi, mắc COVID-19 nặng. Bệnh nhân ngụ phường Tân Kiểng, quận 7, nhập viện ngày 11-8-2021, nhiều lần tiến triển nặng, tưởng không qua khỏi, nhưng đội ngũ y bác sĩ đã xử trí kịp thời, chăm sóc tích cực, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bình phục trong niềm vui vỡ òa của cả bệnh viện và gia đình. “Anh em chúng tôi nhớ tên tuổi, nhớ gương mặt, nhớ thói quen và đồ đạc của bệnh nhân vì đã quá gần gũi ngày đêm chăm sóc, khi họ về, chúng tôi mừng đến rơi nước mắt. Ngược lại, một ca không qua khỏi thì chúng tôi buồn lắm, buồn sự bất lực của mình. Đồng nghiệp tôi đã bật khóc khi phải giải thích quá nhiều tin buồn cho người nhà những bệnh nhân không may mắn, thật sự không chịu nổi trước nỗi đau của gia đình họ mà bật khóc... Làm bác sĩ thấy sự sống cái chết là thường tình, nhưng lần đại dịch này nó chênh vênh, khủng khiếp quá. Có những ngày làm việc, tôi như đờ người ra, không biết mình nên bắt đầu từ đâu, có chục nhân viên y tế phải chăm sóc hơn 50-70 bệnh nhân nặng, công việc quấn lấy chúng tôi, đầu như căng vỡ vì một người làm nhiều việc: vừa lo điều trị, lo chăm sóc, lo ăn uống và cả chăm sóc vệ sinh cá nhân cho các bệnh nhân nặng. Có lần tôi ôm bình oxy chạy để tiếp thở cho bệnh nhân, chiếc điện thoại trong túi bị cấn bể một góc không hay, sau hồi tỉnh kiểm tra mới thấy”.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Phong (trái) nói chuyện với người yêu tại khu thu dung số 1, Thủ Đức
Người yêu cũng ở tuyến đầu chống dịch
Người yêu của bác sĩ Phong là bác sĩ Nhi làm việc ở Bệnh viện quận 7 thông báo: “Em vừa ghi tên xung phong đi phục vụ Bệnh viện dã chiến Thu dung số 1 ở Thủ Đức”. Đây là nơi tiếp nhận và điều trị F0 các nơi trong thành phố đưa về. “Lo thật, nhưng mừng là người yêu tôi mạnh mẽ, có tinh thần vì người bệnh, cũng như tôi và mọi người chúng tôi phải có trách nhiệm làm những việc này, nên tôi luôn ủng hộ. Chỉ biết nói: “Em thật bảo trọng, giữ gìn sức khỏe, làm tròn nhiệm vụ và phải an toàn”. Cả hai chúng tôi ở hai trận tuyến, em thì ở Khu thu dung, tôi thì Bệnh viện dã chiến. Ngày ngày chỉ nhắn tin động viên nhau giữ gìn sức khỏe, nói cho nhau nghe về chuyên môn, hai đứa nhớ nhau chỉ biết vậy thôi. Có một lần tôi theo xe đưa F0 quận 7 lên Trung tâm thu dung của em, nhân tiện để được gặp người yêu sau bao ngày xa cách, nhung nhớ, nhưng chỉ được gặp trong sợi dây ngăn cách, ánh mắt thay lời yêu thương, hẹn ngày gặp lại”, bác sĩ Phong kể lại trong xúc động.
Trong những ngày oằn mình chống dịch, những nhà hảo tâm gửi vào bệnh viện nhiều đồ ăn, thức uống, chăm sóc cho y bác sĩ tận tình. Các cấp lãnh đạo quận 7, lãnh đạo TP HCM động viên, khen ngợi. Ai cũng cảm nhận rõ sự nồng ấm của tình người. Và cũng từ đây nhìn lại, ai cũng thấy rõ mình đã trưởng thành, bản lĩnh hơn. Mừng và tự hào vì đã góp được một phần nhỏ công sức cho việc tạo nên một cuộc sống bình thường mới. “Đi qua những ngày khó khăn tôi thấy Đảng, Nhà nước mình thương dân vô cùng, quý dân vô cùng, quyết liệt vô cùng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đất nước mình, thành phố mình đoàn kết, nhân dân thương yêu nhau, đùm bọc, sẻ chia, đội ngũ y bác sĩ, những tình nguyện viên, bộ đội, công an…quyết tâm không lùi bước. Ta cũng thấy rõ hơn ánh sáng và bóng tối lòng dạ con người. Trong những tháng ngày đại dịch tàn nhẫn này, có những người may mắn bình an trở về, có những người mãi mãi thành làn khói bay đi. Những tháng ngày này nước mắt con người tuôn xuống nhiều lắm, khóc cho những khắc khoải, khóc cho những đau thương mất mát, ly biệt, khóc cho những bất lực của con người… Ngẫm về cuộc đời mình còn một bữa cơm ngon, còn một gia đình để quây quần yêu thương đã là một hạnh phúc lớn. Sau đêm dài thức dậy, chúng ta sẽ cùng học cách yêu con người hơn, yêu cuộc đời này lần nữa. Chúng ta sẽ luôn biết làm người tử tế, góp sức xây một đời sống tốt đẹp hơn”, bác sĩ Đỗ Hoàng Phong trải lòng.
Bác sĩ Đỗ Hoàng Phong bộc bạch: “Là một bác sĩ, phải giúp đỡ người bệnh bằng chuyên môn và lòng nhân ái. Tôi cũng như biết bao nhân viên y tế, đồng nghiệp đã luôn nhận thức đúng điều này, nên chúng tôi gặp khó khăn không bỏ cuộc, không né tránh, sẵn sàng lao vào tâm dịch cứu người. Tất cả chúng tôi luôn động viên nhau phải phục vụ bệnh nhân tới cùng. Chúng tôi từng phút, từng giờ động viên nhau bằng ánh mắt, những tín hiệu bằng giơ tay, vì trên người khoác bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi vã ra, họng thì khát nước liên tục, nhưng nào có dám uống. Mỗi một bệnh nhân xuất viện về nhà, người bệnh mừng vui một thì bản thân, tập thể chúng tôi vui mười”.