- Truyện
- “Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Nhà văn Phan Đức Nam là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Quê gốc của anh là Tiền Hải, Thái Bình, nhưng anh chủ yếu sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều năm gắn bó với vùng đất Bình Dương. Với gần 35 năm cầm bút, nhà văn Phan Đức Nam có số lượng tác phẩm khá đồ sộ, gồm 12 tập truyện, 8 tiểu thuyết, 2 truyện thiếu nhi và 2 truyện tranh. Anh đã đạt nhiều giải thưởng có giá trị, tiêu biểu là Giải thưởng Truyện ngắn hay Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh 1991 - 1992; Giải B Văn học Thiếu nhi 1993, 1995 của NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Việt Nam; Giải A truyện ngắn báo Tuổi trẻ 1999; Giải B Truyện ngắn 50 năm Bộ đội Biên phòng (2008); Giải B (không có giải A) Truyện ngắn Đông Nam Bộ 2001; Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương các giai đoạn 2001 - 2005, 2005 - 2010, 2010 - 2015… Phan Đức Nam cũng đã 3 lần vào top ten truyện ngắn hay báo Văn Nghệ (2001, 2007, 2015).
Truyện ngắn Ông Ba Hay là một trong những tác phẩm tiêu biểu của anh trong thời gian gần đây. Tác phẩm phản ảnh những quãng đời đau thương, oanh liệt, những quyết định táo bạo, đầy tính nhân văn và cái kết có hậu của một chiến sỹ đặc công nước. Câu chuyện xảy ra trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và sau ngày chiến tranh kết thúc tại khu vực con sông Long Chúc chảy từ Campuchia vào Việt Nam, bên cạnh ngọn Ngọa Long Sơn hùng vĩ, cùng với những ký ức hào hùng thời chống Mỹ của người trong cuộc.
Mở đầu tác phẩm, ông Ba Hay - người chiến sỹ đặc công nước năm xưa và là nhân vật chính của truyện ngắn - xuất hiện qua lời kể của người cháu gọi ông bằng dượng, tên Long, với người bạn tên Minh khi anh rủ bạn về quê mình chơi với những tình tiết mang màu sắc huyền thoại: “Ông tinh lắm! Siêu lắm! Nhiều người gọi ổng là ông Hay Thần Sầu”. Ông thứ ba. “Ông Hai trốn lính, bị bắt tóng đi lao công đào binh, dính bom chết rồi. Ông Ba vô du kích để trả thù cho anh, trở thành tay súng bắn tỉa thần sầu. Bọn ác ôn sợ Ba Hay hơn sợ cọp”. “Ông khỏe như trâu, bơi lặn như rái và táo bạo cực kỳ! Lập nhiều chiến công độc đáo”. Không chỉ đánh giặc giỏi, ông còn rành rẽ chuyện làm ăn, biết cách dạy bảo con cháu. Long tự hào nói với Minh: “Ba tao mất sớm, nhờ dượng, tao mới được như ngày hôm nay”.
Cũng qua lời Long, được biết, sau giải phóng, ông Ba làm trưởng công an xã, có vợ là hoa khôi trường Dân tộc Nội trú. Cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp, nào ngờ Pôn Pốt tràn sang tàn sát dân mình. Cả cha mẹ, vợ con ông bị giặc giết, trong đó con trai đầu của ông mới 3 tuổi, đứa thứ hai đang nằm trong bụng mẹ. Đang học tại thành phố Hồ Chí Minh, quá uất hận, ông tức tốc về cùng bộ đội đánh giặc. Khi giặc Pôn Pốt tan, ông bất ngờ xin nghỉ việc. Nhà nước khuyên nhủ cỡ nào ông cũng nghỉ. Ông không lấy vợ lần hai, chỉ nhận người con nuôi, sống gần như tu, lên lưng núi Dài Lớn, gần chiến khu ngày xưa làm rẫy.
Từ những thông tin ban đầu trên đây, với sự dẫn dắt của tác giả, người đọc được tiếp cận dòng ký ức và lời tâm sự bình dị, chân chất của nhân vật chính, qua đó càng thấy rõ những phẩm chất cao đẹp bên trong con người ông.
Khác với vẻ ngoài cường tráng, khẻo mạnh và táo bạo, từng “lập nhiều chiến công độc đáo”, ông Ba Hay là người có tâm hồn nhạy cảm, phong phú và quan niệm đúng đắn về các mối quan hệ trong cuộc sống.
Ông Ba yêu biết mấy quê hương, đất nước và cuộc đời này. Ta hãy lắng nghe những trang văn tác giả nói về dòng ký ức của ông: Hôm ấy, “mưa không lớn nhưng dai dẳng, ông Ba ngồi trên chòi tre được cột chắc giữa chạng ba cây xoài, đưa mắt nhìn quanh vườn và trang trại mình. Ông khoái ngồi trên cao này, gió vi vu, lá cây xào xạc.” Những hôm trời quang, không cần ống dòm, ông cũng có thể phóng tầm mắt nhìn thấy những cảnh vật từ xa, nơi con sông Long Chúc hòa vào dòng kinh Vĩnh Tế mang một vẻ đẹp hiền hòa; nơi có ngọn Ngọa Long Sơn mà phía trên đỉnh có dáng đầu rồng, phía dưới có nhiều hang động kiên cố, địa thế công thủ đắc lợi, ngày xưa hai ông Thiên Hộ Dương và Thủ Khoa Huân từng họp bàn đánh Pháp, rồi thời chống Mỹ trở thành căn cứ Ô Tà Sóc. Ông trân quý cuộc sống tươi vui, hạnh phúc bên gia đình trong cảnh đất nước thanh bình. Ký ức những ngày đẹp đẽ ấy hiện lên trước mắt ông thật bình dị nhưng cũng thật đậm nét, không thể phai mờ: “Cha ông ngày xưa mê cây cảnh, ông cũng mê… Mẹ và vợ ông trồng hoa màu. Mẹ cặm cụi làm cỏ, con dâu chăm chỉ gánh tưới, mùa nào cũng dư rau ăn… Vui nhất dạo gần Tết, gia đình tập trung lặt mai, cha ông thủng thẳng tỉa lá những cành mai dưới thấp. Vợ ông phụ cha mẹ chồng, giữ thang cho ông leo lên lặt lá những cành cao… Mỗi khi ông xuống thang uống nước, thằng Bi chạy sà vào lòng ông, nũng nịu đòi cha hái ổi hái cam. Ông bồng con nhấc bổng lên cho nó tự tay hái. Bi khoái quá cười vang. Ông xẻ ổi, xẻ cam rồi biểu con bê mời ông bà, mời mẹ. Bi ngoan ngoãn vâng lời, nó đi tới đâu niềm vui tới đó”…
Cùng với tình yêu tha thiết đối với gia đình, quê hương, đất nước và cuộc sống tươi đẹp trong cảnh đất nước thanh bình, ông Ba luôn trân quý điều thiện, ghét cái xấu xa, độc ác, muốn mọi điều tốt đẹp sẽ đến với con người.
Từ đầu tác phẩm, Phan Đức Nam đã trích hai câu thơ của Huy Cận: “…Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau…”. Câu hỏi lớn ấy, theo ngụ ý của tác giả là sao thế giới hết nơi này đến nơi khác cứ chiến tranh và con người cứ mãi gây hận thù, bắn giết lẫn nhau? Nỗi dằn vặt, băn khoăn ấy cũng đã ngấm vào máu thịt ông Ba Hay, chi phối suy nghĩ, hành động của ông.
Sau những năm tháng lăn xả ở chiến trường, ông Ba Hay bồi hồi nhớ lại, “mình đã trăn trở suy nghĩ rất nhiều: Chiến tranh, tranh giành, giết chóc, hận thù… Rồi trả thù, trả hận… Cứ vậy thì tới bao giờ mới hết chiến tranh, mới hết hận thù…”. Khi thấy Thạch - người con nuôi - một tay lủng lẳng con hổ chúa đã bị chặt đầu, một tay cầm con ếch bự xuôi xị rồi lấy mũi rựa rạch bụng ếch, lòi ra con cua nhỏ, ông lắc đầu: “Đúng là mạnh được yếu thua”, và trách anh: “Con giết rắn làm chi”. Minh đứng kế bên, rụt rè hỏi: “Thưa dượng, nãy con nghe dượng nói mạnh được yếu thua. Con mạnh ăn con yếu… Con người mạnh nhứt… Vậy?...”. Ông Ba nhìn Minh, gục gặc đầu: “…Mày muốn hỏi ai ăn con người chứ gì? Tao cũng đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Suy nghĩ rất nhiều. Hà! Từ chuyện của tao mà ra thôi. Tao nghĩ ngoài ông trời, thì con người tranh giành hủy diệt nhau, người ăn người đó”.
Nhưng, hơn ai hết, ông Ba hiểu rằng, trước tội ác của kẻ thù, không thể khoanh tay đứng nhìn. Muốn chấm dứt chiến tranh, muốn cho con người sống bình yên, hạnh phúc bên nhau, không có con đường nào khác ngoài việc phải đứng lên diệt ác trừ tà. Chính vì lẽ đó, cũng như bao người dân Việt Nam khác, khi đất nước bị kẻ thù ngoại bang xâm lăng, ông đã cầm chắc tay súng, băng mình vào cuộc chiến đấu chống giặc. Ngay trên dòng kinh Vĩnh Tế vốn tươi đẹp, hiền hòa của quê hương mình, một đêm ông đã lặn hụp gài mìn nam châm hẹn giờ đánh chìm hai chiếc giang thuyền của giặc. Gần chục năm trời hoạt động ở vùng căn cứ Ô Tà Sóc, ông đã có biết bao kỷ niệm sinh tử, được núi rừng thiêng của đất Mẹ che chở. Có lần theo dấu con heo rừng tới Trảng Voi, ông sém lọt vô ổ biệt kích địch. Kẻ thù tưởng chỉ có con heo nên hè nhau đuổi bắn. Ông mưu trí nằm im chờ địch qua, rồi rút xuống trảng. Bất ngờ thấy chiếc trực thăng hai đầu khổng lồ, loại máy bay chuyên đổ bộ lính biệt kích của địch, ông nghĩ lẹ: “Một mình cũng chơi, phải nổ súng báo động cho đồng đội trên núi”. Ông áp sát, “hạ thằng xạ thủ súng máy, chơi thêm trái lựu đạn, may trúng thùng xăng nên trực thăng nổ banh”. Có hành động quả cảm và lập được chiến công oanh liệt như thế, nhưng ông rất khiêm tốn. Khi được cánh báo chí khen hay, ông nói: “Tui hên thôi. Không có con heo rừng thì tui tiêu rồi”.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, cũng như bao người khác, ông được hưởng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc bên gia đình và những người thân. Nhưng rồi những ngày tươi đẹp ấy diễn ra chưa được bao lâu thì xảy ra thảm họa lớn: cha mẹ, vợ con ông bị kẻ thù giết trong hầm chùa Phi Lai, sư sãi ở đó cũng bị giết sạch. Nỗi đau thương ấy tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, tình cảm của ông, để một lần nữa, ông lại phải đứng lên cầm súng giết giặc: “Nghe tin mình khóc hết nước mắt – Đau khổ tột cùng! Căm hận tột cùng! Mình điên cuồng lao ra chiến trường giết giặc trả thù cho dân lành bị Pôn Pốt sát hại”.
Trong một đêm tham gia thực hiện nhiệm vụ trinh sát địch bên kia sông cùng hai đồng đội của tổ đặc công nước, khi phát hiện dấu hiệu địch đang vượt sông, máu ông Ba Hay sôi lên. “Tụi nó qua giết dân mình nữa đây!”. Ông nghĩ và ghé tai chỉ huy: “Tụi nó chắc đông. Anh để em lặn ra trinh sát, chúng ít em sẽ xử, đông thì hai anh cứ xả súng báo động cho quân mình hay”. Được tổ trưởng đồng ý, “kình ngư Ba Hay dắt lưỡi lê vô thắt lưng, cuộn súng vô bao nylon, rồi nhẹ nhàng bơi ra…”. Phát hiện khoảng chục cái đầu lô nhô, với lòng dũng cảm và mưu trí của mình, ông chờ cho tên địch cuối cùng bơi qua chỗ mình rồi bám theo, xử gọn từng tên địch một cách nhẹ nhàng, đồng bọn của chúng không hề hay biết. Đến tên cuối bơi đầu, ông kề dao vô cổ hắn kéo lên bờ.
Căm thù giặc như vậy, mưu trí, dũng cảm như vậy, nhưng ông Ba Hay là người luôn có lòng nhân nghĩa, vị tha, nhất là đối với những người yếu thế. Lần này cũng vậy. Sau khi cùng đồng đội thẩm vấn tên địch để nắm tình hình, ông được chỉ huy ra hiệu đưa hắn vô rừng. Là người vừa mới “giết một hơi cả chục thàng Pôn Pốt không ghê tay, vì căm thù, vì chúng sang sông giết dân mình”, nhưng khi thấy tên địch có gương mặt trẻ măng đầy nước mắt, khóc rống lên, quỳ xuống chân ông kêu lên: “Cha ơi! Cha ơi!”, ông đã không xuống tay mà quyết định tha bổng hắn, dẫn hắn lên đồi bảo trốn rồi quay về bờ sông nói với chỉ huy “phải chôn nó nên hơi lâu”.
Hành động của ông Ba Hay quá là táo bạo, quyết đoán. Nếu như ở trong hoàn cảnh bình thường, quyết định ấy sẽ được xem là hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt, bởi kẻ thù của nhân dân ta là những tên khát máu đã gây ra tội diệt chủng đối với người dân vô tội ở phía bên kia, và chúng đang vượt qua biên giới, sang nước ta để tiếp tục gieo rắc tội ác, còn đứa trẻ kia vô tội. Hành vi tham gia xâm phạm cương giới Việt Nam của nó chắc chắn do bị ép buộc. Việc nó bơi ở vị trí đầu tiên cũng là do lũ giặc nham hiểm kia áp đặt nhằm lấy nó làm bia đỡ đạn cho chúng nếu bị ta phát hiện. Tuy vậy, trong điều kiện đang chiến đấu ở chiến trường, hành động trái lệnh chỉ huy dễ bị quy là sai phạm. Cảm nhận được điều đó, với ý thức trách nhiệm của người chiến sỹ, ông “đã trăn trở hoài, đã mấy lần tính thú thiệt xin lỗi ông An”, tổ trưởng tổ đặc công, không ngờ ông An hy sinh với đồng đội đêm ấy. Ông đau buồn khóc lóc trước di ảnh ông An: “Đêm đó em đã trái lệnh anh, lại còn dối anh. Xin anh tha tội…”. Dù cảm nhận được “ánh mắt chỉ huy hiền lành nhìn mình như tha thứ, thông cảm”, đồng thời thừa hiểu không ai biết việc mình làm, nhưng ông cảm thấy hổ thẹn, cho rằng mình không xứng đáng. Vì vậy, sau khi thắng Pôn Pốt, ông tự xin nghỉ việc, lên chiến khu xưa làm rẫy. Đó quá là cách ứng xử của một con người chân chính, trung thực, dám làm dám tự chịu trách nhiệm, rất đáng được trân trọng.
Nhưng chính quyết định ấy đã đưa ông tới một tình huống bất ngờ: gặp lại “kẻ địch” năm nào ông đã tha chết. “Kẻ địch” ấy chạy tới ôm chân ông, khóc kêu “Cha ơi!!!”…
Ông Ba Hay bồi hồi kể lại với Minh và Long: “Lúc đó tao mới nhận ra nó. Tao hỏi sao mày không về với gia đình? Nó nói cha mẹ và chị đã chết trong đợt diệt chủng. Nó trở lại đồi nơi tao đã chỉ cho trốn, kiếm ăn qua ngày. Nó trụ đó làm rẫy và kiếm tao suốt hai năm trời”. Từ đó, hai người vốn từ hai phía chiến tuyến, có cùng nỗi đau mất hết người thân do bàn tay hung bạo của kẻ thù chung, chính thức nhận nhau làm cha con nuôi, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
Cảm động biết bao khi ta đọc những câu văn tác giả kể lại giây phút đầy hạnh phúc của gia đình đặc biệt ấy: “Vừa lúc ấy có tiếng trẻ khóc. Thạch ẵm con lên nói với cha: “Nó đòi ngủ với ông nội đây nè.” Ông Ba quay ra, cười, rồi ôm chặt thằng nhỏ, nó rúc đầu vô ngực ông. Ông chợt thấy thằng Tèo sao giống hệt con trai mình ngày xưa quá! Ông rơi nước mắt, lẹ tay quẹt ngang, Minh và Long kịp trông thấy, ông lúng túng nói nhỏ: “Tao tưởng mình không khóc được nữa!”.
Đó là cái kết rất hậu, diễn ra đúng với quy luật của mối liên hệ nhân quả. Nó vừa làm vơi bớt nỗi trăn trở, băn khoăn của người chiến sỹ vì nặng nghĩa nhân (và cả lẽ phải) mà làm trái lệnh cấp trên; vừa góp phần khẳng định giá trị của cuộc sống khi mối quan hệ giữa con người với con người, rộng lớn hơn là giữa các quốc gia, dân tộc, được giải quyết một cách đúng đắn; vừa là sự tưởng thưởng xứng đáng cho quá trình chiến đấu, hy sinh của người chiến sỹ đã cống hiến những quãng đời đẹp nhất của mình cho lẽ sống cao đẹp.
Đọc truyện ngắn Ông Ba Hay của Phan Đức Nam, bên cạnh những tình tiết bất ngờ và cái kết đẹp đẽ, ta bắt gặp hình ảnh người chiến sỹ có tâm hồn, tính cách độc đáo và đáng kính. Người chiến sỹ ấy, từ cách nghĩ, cách làm, lời nói và những hành động quả cảm trong chiến đấu, vừa mang phong cách một “anh hùng hảo hán” của đất phương Nam được truy rèn trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng của thời đại mới, vừa thấm nhuần truyền thống cao đẹp của dân tộc, lại vừa mang tâm hồn lộng gió trước thiên nhiên, trước cuộc sống thanh bình.
Bên cạnh những vấn đề đã nói ở trên, việc ông Ba Hay, và sau đó là những đồng đội của ông, sau hòa bình trở về vùng chiến khu xưa lập nghiệp cũng mang một ý nghĩa cao đẹp. Sự “trở về” ấy vừa góp phần gây dựng cuộc sống mới cho vùng đất xa xôi hẻo lánh một thời nặng ân tình với cách mạng, vừa tạo sự kết nối giữa quá khứ hào hùng với hiện tại và tương lai của quê hương, đất nước.
Với truyện ngắn Ông Ba Hay, Phan Đức Nam tiếp tục ghi dấu ấn về cách kể chuyện ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ Nam bộ giản dị, chân chất mà chuyển tải được hồn cốt câu chuyện, gây được sự hấp dẫn đối với người đọc. Cách sắp xếp, bố cục nội dung tác phẩm của anh cũng có sự sáng tạo. Ví dụ, mở đầu tác phẩm, qua lời kể bình dị mà hào sảng của Long, hình ảnh nhân vật chính - ông Ba Hay - hiện lên khá độc đáo, làm cho Minh, bạn Long háo hức được gặp mặt ông Ba, người đọc cũng bị cuốn hút theo. Từ những dòng ký ức của ông Ba đến các tình tiết trong câu chuyện ông kể và thái độ của những người xung quanh cũng được lồng ghép, đan xen một cách hợp lý, làm tăng thêm sức hấp dẫn của tác phẩm.
Nguyễn Quế