- Lý luận - Phê bình
- Sức hấp dẫn và chiều sâu văn chương Nguyễn Quang Sáng
Sức hấp dẫn và chiều sâu văn chương Nguyễn Quang Sáng
(Bài viết tham luận cho Hội thảo "Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp")
Trong các nhà văn thuộc đội ngũ văn nghệ giải phóng miền Nam, Nguyễn Quang Sáng có lẽ là nhà văn có phong cách Nam Bộ nhất. Giọng văn của ông hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên như cảnh sắc thiên nhiên của Nam Bộ, nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nhận xét là “nó sục lên mùi vị của sông nước Tháp Mười, cả cái chất đậm đặc không thể trộn lẫn” (Khôi Vũ, 2014). Tính cách Nam Bộ thể hiện ngay trong bút danh của ông. Trong khi các nhà văn khác lúc vào miền Nam phải đổi bút danh để giữ bí mật, như Nguyễn Văn Bổng đổi thành Trần Hiếu Minh, Lê Khâm đổi thành Phan Tứ, Bùi Đức Ái đổi thành Anh Đức, Nguyên Ngọc đổi thành Nguyễn Trung Thành, Ca Lê Hiến đổi thành Lê Anh Xuân, Bùi Minh Quốc đổi thành Dương Hương Ly… thì Nguyễn Quang Sáng chỉ đơn giản lược bỏ chữ lót trong tên mình để thành Nguyễn Sáng.
PGS.TS Võ Văn Nhơn đọc tham luận tại Hội thảo, sáng 6/12/2024.
Sức hấp dẫn của truyện Nguyễn Quang Sáng trước hết là ở tài kể chuyện, câu chuyện của ông bao giờ cũng tạo nên một không khí đầy kịch tính với nhiều chi tiết sinh động, đắt giá. Nhà văn Khôi Vũ kể trong một lần nói chuyện với lớp bồi dưỡng viết văn trẻ năm 1982, Nguyễn Quang Sáng đã cho biết: “Viết cái truyện mà không có không khí thì “giục” đi cho rồi. Còn cái truyện mà không có chi tiết nào đặc biệt thì người ta sẽ không nhớ lâu đâu!” (Khôi Vũ, 2014). Truyện của ông thường có những kết thúc bất ngờ, thú vị, như Quán rượu người câm, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch chẳng hạn. Các chi tiết trong truyện của ông cũng rất gây ấn tượng. Chúng ta hẳn không quên chi tiết thằng bé mới mấy tháng tuổi được ba mẹ bọc vào túi ni lông dìm xuống nước để tránh trực thăng địch đi càn trong phim Cánh đồng hoang, bộ phim được Huy chương vàng ở liên hoan phim quốc tế Moskva do nghệ sĩ Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn và Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản.
Nhưng hồn nhiên, mộc mạc, tự nhiên không có nghĩa là truyện Nguyễn Quang Sáng không có chiều sâu. Khi viết về đề tài chiến tranh, một trong những thử thách lớn cho các nhà văn miền Nam là bên cạnh việc xây dựng những chân dung anh hùng cách mạng, những người nông dân Nam Bộ trượng nghĩa, những hình tượng rất đẹp về người phụ nữ miền Nam trong chiến đấu, đó là làm thế nào khắc họa được chân dung của kẻ thù một cách sâu sắc, thuyết phục. Thường thì người đọc sẽ thấy “thằng ngụy”, thằng Mỹ nào cũng gian xảo, độc ác, không có tình người, ăn gan uống máu người không một chút ghê tởm. Và đặc biệt là lính Mỹ luôn có một mùi hôi đặc trưng, khiến chúng dù nằm phục kích cách cả cây số nhưng chúng ta vẫn nghe được mùi hôi đó. Phạm Văn Sĩ trong công trình Văn học giải phóng miền Nam có nói đến thử thách này đối với các nhà văn: “nhà văn miền Nam đã có ý thức tìm hiểu kẻ thù để mô tả chúng với những âm mưu khác nhau của chúng, những biểu hiện nhiều vẻ khác nhau của chúng cũng như hình dáng của chúng. Đó là thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, tìm hiểu kẻ thù và và mô tả chúng cho được chân thật và sâu sắc là một việc lâu dài, khó khăn. Nhà văn chúng ta nói chung chưa có hoàn cảnh thuận lợi để hiểu kẻ thù thật sâu. Vì vậy, ngoài một số nhân vật phản diện được mô tả có tìm tòi với một số nét tạo hình, một số nét tâm lý có chiều sâu, phần lớn nhân vật phản diện trong tiểu thuyết miền Nam hoặc chưa đạt được trình độ tính cách văn học hoặc còn là những nét phác thảo châm biếm” (Phạm Văn Sĩ, tr. 101).
Nguyễn Quang Sáng cũng rất ý thức về vấn đề này: “Đọc của anh em và tự nghĩ những sáng tác của mình, tôi có một băn khoăn. Viết về cán bộ, bộ độ, du kích và nhân dân, các tác giả miền Nam - mỗi người theo một phong cách riêng, đều đạt đến những đỉnh cao. Những con người, những nhân vật chính diện trong các tác phẩm ấy, đã trở thành những điển hình sống, phong phú, đa dạng, có sức chinh phục và thuyết phục lòng người, đã trở thành những tấm gương sống cho người đọc.
Ngược lại những con người, những nhân vật đầy kính yêu ấy, thằng Mỹ, thằng ngụy – nhân vật phản diện trong tác phẩm thì hãy còn mờ nhạt. Nó tàn bạo đó, nó giết người đó, nó ăn cả thịt người nữa – nó lố lăng nó lưu manh, nhưng đọc rồi, ta cứ vẫn thấy nó méo mó. Bởi vì ta chỉ thấy cái bên ngoài hơn là cuộc sống bên trong của nó… Tôi cũng cố gắng khắc phục bằng cách tìm hiểu đối tượng đó trong công tác binh vận. Một đôi lần, tôi tìm cách gặp gỡ một số binh sĩ quân đội Sài Gòn trong những dịp đình chiến, tôi đã tìm nắm những bà mẹ vừa có con “đi giải phóng” vừa có con vì lẽ này lẽ nọ đang cầm súng cho giặc. Qua đó tôi thấy, nói riêng về thằng ngụy, nó còn có cái riêng của nó cần phải được khai thác thêm” (Nhiều tác giả, tr. 29).
Từ suy nghĩ này, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng những hình tượng về “thằng ngụy” sâu sắc, đa dạng và đời hơn, hiện thực hơn, như thiếu úy Khanh, đại úy Long chẳng hạn. Đại úy Long trong tiểu thuyết Mùa gió chướng là một tên ác ôn nhưng lại yêu nhạc Trịnh Công Sơn và rất yêu đứa con chưa đầy tuổi tôi của mình. Chính vì vậy mà hắn cam tâm để cho đội du kích của cô Sáu Linh bắt sống khi đang bồng con trên tay. Nếu khắc họa một tên đại úy ngụy ác ôn không nhân tính theo kiểu cũ thì nhà văn hẳn đã cho hắn ta tàn nhẫn quăng đứa con nhỏ để tìm đường thoát thân cho riêng mình.
Chiều sâu trong sáng tác của Nguyễn Quang Sáng còn thể hiện ở chỗ ông rất quan tâm đến những tình cảm sâu lắng, giàu giá trị nhân bản như tình cha con, tình mẹ con, tình vợ chồng. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của ông, nếu xử lý non tay sẽ dễ trở thành một tác phẩm minh họa đơn giản cho nhũng bi kịch của chiến tranh, nhưng qua tay ông, tác phẩm đã đạt đến một chiều sâu nhân văn cao cả, vì thế đã lay động bao trái tim bạn đọc. Quán rượu người câm cũng nói lên được những thay đổi không ngờ tới của con người khi trải qua sự thử thách ác liệt của chiến tranh.
Không chỉ có thế, Nguyễn Quang Sáng còn đem đến cho người đọc nhiều bất ngờ thú vị. Văn chương ông mộc mạc, tự nhiên, có lúc lại rất hóm hỉnh như với Tôi thích làm vua chẳng hạn. Đó cũng là truyền thống của văn chương Nam Bộ xưa nay, từ Phi Vân ở đầu thế kỷ XX cho đến Sơn Nam của giai đoạn 1954 – 1975. Nhưng cũng có lúc ông làm ta ngạc nhiên như với truyện Con mèo của Foujita chẳng hạn, một truyện ngắn rất hiện đại với thủ pháp đồng hiện, với những hiểu biết về hội họa đương đại. Có lẽ vì thế mà Trần Đăng Khoa khi nói về Nguyễn Quang Sáng đã có những kết luận rất xác đáng: “Đọc Nguyễn Quang Sáng, không hiểu sao, tôi cứ hình dung nhà văn có nét gì đó của một người nông dân Nam Bộ ngang tàng, coi những chuyện nguy hiểm chết người cũng bông phèng như trò chơi con trẻ, có thể chống xuồng lao ve vé giữa lúc bom đạn đang vây bủa mù mịt, cũng có thể ngồi thì lì trong một cái quán rượu tạm bợ, dựng tồng tềnh bên vệ cỏ, ngoảnh ra phía sông nước mà nhậu lai rai, nhậu tối ngày. Con người ấy hình như vừa đơn giản, lại vừa phức tạp đến bí hiểm. Hình như đó là một phần của thiên nhiên Nam Bộ, do thiên nhiên chắt ra, bởi thế có lúc hồn nhiên như cỏ dại, có lúc ương ngạnh như vách đá”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Khôi Vũ (2014), Nguyễn Quang Sáng - Một người thầy truyện ngắn của tôi
- https://baodongnai.com.vn/vanhoa/201402/nguyen-quang-sang-mot-nguoi-thay-truyen-ngan-cua-toi-2293945/
- https://nxbkimdong.com.vn/products/con-meo-cua-foujita
- Nhiều tác giả (1982), Chiến trường sống và viết, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
- Phạm Văn Sĩ (1976), Văn học giải phóng miền Nam, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.