- Lý luận - Phê bình
- Nguyễn Bính – nhà thơ của nhiều thời
Nguyễn Bính – nhà thơ của nhiều thời
BÙI MẠNH NHỊ
Tóm tắt: Bài viết lí giải vì sao thơ Nguyễn Bính được nhiều người, nhiều thế hệ yêu thích. Nguyên nhân trước hết là ở cách ông đến với hiện đại, gần gũi một cách khác biệt, khác biệt một cách gần gũi. Đặc biệt, nguyên nhân chính là thơ Nguyễn Bính thể hiện rất đặc sắc các cổ mẫu (archetypes) kết tinh từ những mô thức tâm lí, kinh nghiệm lặp lại nhiều lần của loài người, để những tư tưởng, cảm xúc trong thơ không chỉ ở tầm dân tộc mà còn ở tầm nhân loại. Cổ mẫu “Hành trình” và “Gia đình - không gia đình” là ví dụ tiêu biểu. Từ đó, bài viết đề xuất dịch và giới thiệu thơ Nguyễn Bính với cộng đồng quốc tế để nhân loại hiểu văn học Việt Nam hơn.
Từ khóa: Nguyễn Bính, cổ mẫu, truyền thống, hiện đại, dân tộc, nhân loại.
1. Từ khi xuất hiện trong phong trào Thơ mới cho đến nay, Nguyễn Bính đã và chắc chắn vẫn sẽ luôn thuộc các nhà thơ có lượng độc giả đông đảo nhất.Thơ Nguyễn Bính “còn sống mãi, làm việc mãi cho tương lai [18, tr. 23],“người Việt Nam còn yêu thơ Nguyễn Bính mãi, càng văn minh hiện đại lại càng trân trọng” [13, tr. 21].
Điều gì làm nên kỳ diệu ấy?
Có nhiều cách trả lời.
Rằng, thơ Nguyễn Bính có “một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước” [17, tr. 329].
Rằng, thơ Nguyễn Bính là “Thơ của đồng quê … hình tượng thơ càng ngẫm càng lấp lánh tri thức” [24, tr. 21].
Rằng, “So với các nhà thơ lãng mạn trước đây, Nguyễn Bính đứng riêng một cõi” [12, tr. 28]
Và rằng, thơ Nguyễn Bính có “cái thi pháp trời cho những bậc thiên tài có tên gọi là tự nhiên như thở” [6, tr. 30].V.v…
Xin nói thêm: Thơ Nguyễn Bính không bao giờ cũ. Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời.Vì ông luôn là khác biệt. Khác biệt một cách gần gũi. Gần gũi một cách khác biệt.Tầng sâu nhất của thơ Nguyễn Bính không chỉ là hồn dân tộc, mà còn là “giọng nói của toàn nhân loại thức dậy” qua giọng nói của một con người, một cá nhân. Thơ Nguyễn Bính “dường như nói bằng hàng nghìn giọng, mê đắm và thuyết phục, nó nâng cái mô tả từ chỗ ngắn ngủi một lần và tạm thời lên chỗ tồn tại muôn đời” [11, tr. 82].
2. Nguyễn Bính luôn là như thế, trước hết, ngay từ cách nhà thơ đến với hiện đại.
Trong thời kỳ nảy sinh và phát triển của thơ mới (từ năm 1932 đến năm 1945), “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ” [17, tr.13]. Bấy giờ, vấn đề đặt ra cho quá trình tiếp biến văn hóa với phương Tây, chủ yếu với Pháp, không còn là sự lựa chọn giữa canh tân và thủ cựu, mà là đổi mới thế nào, theo chiều hướng nào.Trong lúc Âu hóa vừa là xu thế vừa là ưu thế của đổi mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với những nhà thơ rất tiêu biểu như Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, Hàn Mặc Tử “lạ nhất trong các nhà Thơ mới”, Chế Lan Viên “không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được” (Hoài Thanh), thì “người nhà quê Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường”, thơ Nguyễn Bính vẫn là “tiếng nói vui buồn của tâm hồn dân gian muôn thuở” [22, tr. 15].
Thơ Nguyễn Bính bổ sung một minh chứng rất sâu sắc và lý thú, thuyết phục về quy luật của mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết, văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc. Trong mối quan hệ này, văn học dân gian, văn hóa dân gian luôn là nền tảng, cơ sở, là “văn học mẹ”, “văn hóa mẹ”. Điều ấy đặc biệt rõ vào giai đoạn đầu khi văn học viết hình thành và những giai đoạn, thời kỳ văn hóa, văn học dân tộc đứng trước những bước ngoặt thử thách, biến đổi lớn lao. Trong thời kỳ của Thơ mới, chính văn học dân gian, văn hóa dân gian, đất quê, hồn quê, trực tiếp nhất là ca dao, hát nói, đã dẫn Nguyễn Bính đến với hiện đại một cách đầy thuyết phục. Ca dao, hát nói, lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, luôn mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Những bài ca dao-dân ca, hát nói, mỗi lần được diễn xướng là một lần sáng tạo, “mỗi lần biểu diễn đều là một lần sáng tác” [16, tr. 74]. Vì vậy, ca dao-dân ca, hát nói luôn song hành cùng hiện đại. “Ca dao hay lưu truyền lại được vì nội dung thiết cốt đến người ta, bổ ích cho người ta; ca dao sinh ra là do thời sự, do phút giây ngày tháng hôm đó cần thiết, nhưng lại nói được chuyện lâu dài, phổ biến được trong thời gian và không gian” [4, tr. 56]. Cách Nguyễn Bính đến với hiện đại thêm một lần làm sáng tỏ luận đề triết học: “Truyền thống là người lính canh của tinh thần nhân loại… Không có tâm linh nằm ngoài truyền thống” [1, tr. 162].
Thơ Nguyễn Bính đặc rệt truyền thống, mà vẫn mới, vẫn riêng. Ông đã làm mới mê hồn thơ lục bát và thơ thất ngôn theo cách của ông. Nói về những nhà thơ tiêu biểu cho thơ lục bát, người ta sẽ, ngay lập tức, đi thẳng từ ca dao, Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, như một mặc định. Đặc biệt, cùng với các nhà Thơ Mới khác, Nguyễn Bính đã đưa cái tôi cá nhân, cũng là cái tôi của thời đại, cái tôi của nhân loại vào thơ, tự nhiên nhi nhiên. “Như một vụ big bang trong văn học, sự ra đời của cái tôi đã trở thành nhân tố cốt tử để tạo ra một thời đại trong thi ca” [7, tr. 732], góp phần quan trọng đưa văn học Việt Nam “thực hiện một chuyển dịch quan trọng: vượt khỏi phạm vi khu vực để tiến vào thế giới” [8, tr. 40]. Cái tôi ấy, vào những năm tháng đất nước dồn tất cả sức mạnh vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tất nhiên sẽ chưa phù hợp. Nhưng khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, nó lại tìm được những đồng vọng để hiểu thêm một thời và con người. “Cứ đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người” [17, tr. 39]. “Thơ Nguyễn Bính thuộc trường hợp hiếm hoi…, bởi vì trong cuộc cọ xát cũ mới ấy, đã bộc lộ những sâu sắc trong tâm hồn không chỉ của một cá nhân, mà cả một dân tộc, không chỉ của một thời, mà, có lẽ, của nhiều thời…” [20, tr. 16]. Cũng nhờ đó, Nguyễn Bính có các tập thơ hay (chẳng hạn, những tập thơ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945), những bài thơ hay (Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Lòng mẹ, Chân quê, Cô hái mơ, Mưa xuân, Hoa cỏ may, Qua nhà,Thư cho thầy mẹ, Chờ nhau, vv…) và hàng trăm câu thơ tuyệt bút như thể trời đất, quỷ thần cho. Nếu chọn một nhà thơ có nhiều câu thơ thần bút nhất trong phong trào Thơ Mới, chắc chắn Nguyễn Bính sẽ đứng hàng thứ nhất.
3. Một trong những nguyên nhân chính để Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời là thơ ông thể hiện rất đặc sắc rất nhiều cổ mẫu kết tinh từ những mô thức tâm lý, “những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người”. Từ điển văn học giải thích: “Cổ mẫu là khái niệm dùng để chỉ những mẫu của các biểu tượng, các cấu trúc tinh thần bẩm sinh, trong tưởng tượng của con người, chứa đựng trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại” [10, tr.972]. Nói cách khác, cổ mẫu là những biểu tượng bền vững, bắt nguồn từ vô thức tập thể, chất chứa chiều sâu tâm lý, cảm xúc được chiêm nghiệm qua các thời đại khác nhau của cộng đồng. “Kho báu của nhân loại nằm trong tính đa dạng sáng tạo, nhưng nguồn gốc của tính sáng tạo lại nằm trong tính thống nhất sinh thành của nhân loại” [9, tr. 103]. Người đọc văn học theo lý thuyết cổ mẫu thường dõi theo những biểu tượng, những motif lặp đi lặp lại nhiều lần, có ý nghĩa phổ quát trong các tác phẩm để thấy những ý nghĩa điển hình của nó trong văn hóa, văn chương nhân loại và dân tộc cũng như những ý nghĩa chuyển dịch, xung năng, tương tác của nó trong các tác phẩm, tác giả cụ thể [23].
Xin chỉ nói về một vài cổ mẫu.
Trước hết là cổ mẫu Hành trình, cụ thể thêm: cổ mẫu Đi và Lỡ bước.
Hành trình, theo cách nhìn của lý thuyết cổ mẫu, “là tìm kiếm, tìm chân lý, sự bất tử và phát hiện một trung tâm tinh thần”. Hành trình “trở thành dấu hiệu và biểu tượng của sự luôn luôn chối từ bản thân…, và cần kết luận rằng cuộc du hành duy nhất có giá trị là cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình” [21, tr. 387]. Nhân loại đã có bao nhiêu cuộc hành trình, đớn đau và vĩ đại: hành trình của Chúa, hành trình về đất Phật, hành trình về miền đất hứa, hành trình dời Ai Cập, hành trình của Don Quixote,vv…Nguyễn Bính đã đi đâu, về đâu? Trở lại với không khí xã hội thời Thơ mới. Trong “cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”, hành trình của Nguyễn Bính là hành trình của thi sỹ “giang hồ”, cô đơn, lỡ bước, khi dấu ấn cuối cùng “giấc mơ quan trạng”, “Ngựa bạch buông chùng áo Trạng Nguyên” (Xóm Ngự Viên) - lý tưởng của nho sỹ bình dân một thời, đã vĩnh viễn khép lại: “Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng”, “Lỡ duyên búi tóc củ hành, Trường thi Nam Định biến thành trường bay”(Con nhà nho cũ):
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm (Không đề).
Câu hỏi không lời đáp. Nhịp thơ cũng theo cánh buồm, nhỏ dần, rồi mất hút. Đến nhịp thơ cuối, không còn thấy màu nâu của cánh buồm. Nhịp thơ điệp mà không trùng. Đi mà không biết đi đâu! Về không biết về đâu. Như thân phận trên dòng sông cuộc đời mênh mang, hoang vắng: “Giang hồ ai biết đi đâu mà tìm” (Giang hồ). Dễ hiểu vì sao thơ Nguyễn Bính hay nhắc nhiều đến con đò, bến đò, “chuyến đò thân thế”, và sân ga, con tàu: “Đò sang còn một chuyến này, Khách sang còn một người đây hỡi đò!” (Người đi), “Đem thân đi với giang hồ, Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh” (Quê tôi). Ấy là con đò quê, ga là ga xép. Cũng có khi là con sông trong tâm tưởng, chảy rất mạnh, rất mênh mang trong văn hóa phương Đông: sông Tương, sông Dịch.Thời gian chủ yếu là buổi chiều và trong đêm, thời gian mà người ta sống với mình, là chính mình nhiều nhất: “Càng chiều anh thấy con đường càng xa” (Định mệnh), “Tàu biết bây giờ chạy đến đâu, Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu”(Chuyến tàu đêm). Con tàu, sân ga trong thơ Nguyễn Bính thật buồn:
- Tàu chạy hình như để chở buồn,
Chở người đi nhớ, kẻ về thương (Chuyến tàu đêm).
- Con tàu ngược, con tàu xuôi
Con tàu chẳng đợi chờ tôi bao giờ (Xa xôi).
- Những từ ga lớn, từ ga nhỏ
Đời chẳng làm cho lấy một ga (Chuyến tàu đêm).
- Ở đây…tôi ở riêng đây,
Hoa tim rớm máu rụng đầy sân ga (Rừng mai xa cách).
- Tàu đi để lại ga đơn chiếc
Đường sắt nằm chờ những chuyến qua
Có người lưu lạc bên đường sắt
Mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà (Nhớ).
Nguyễn Bính cũng là một bóng người giữa “những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc”, những bóng người đổ bóng xuống sân ga: “bóng lẻ”, “Hai bóng chung lưng thành một bóng”, “bóng liêu xiêu”, “bóng nhòa trong bóng tối”. Ông phân thân mình: “Một mình làm cả cuộc phân ly” (Những bóng người trên sân ga).
Tường vàng, mái đỏ màu son
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga (Nhà ga).
Cái “hiện đại”, rực rỡ bề ngoài của tường vàng, ngói đỏ không che được, mà còn tô đậm thêm cái quẩn quanh, đơn điệu, vu vơ, sống mòn chẳng những của cuộc đời những cụ xếp già, ông ký trẻ và thục nữ “chưa kén được người”, mà cả của những thân phận phiêu bạt, giang hồ. Nhà ga đứng ở hai đầu câu thơ nhưng chỉ là một, cô độc; còn linh hồn của nó thì ở giữa, trong chính nó, trong tâm trạng sâu thẳm của con người. Trong hai câu thơ ấy, cái không nói ra nhiều hơn và được cảm nhận mãnh liệt hơn rất nhiều cái đã nói ra.
Chẳng ngẫu nhiên, “Lỡ bước sang ngang”, tên một bài thơ lại được đặt tên cho cả một tập thơ! Không chỉ người con gái “lỡ bước sang ngang”, mà chính Nguyễn Bính và cả thế hệ những người như ông “lỡ bước sang ngang”trong hành trình ấy, trên chuyến đò và sân ga ấy:
Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò
Đò đầy sóng lớn nước sông to
Mười hai bến nước xa lăng lắc
Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ.
Trên hành trình “dan díu nợ giang hồ”, “Tự mình đắp núi khơi sông, Tự mình đày ải tấm lòng mình đi” (Đêm nay khơi tỏ tim đèn), “tâm hồn tôi”, cái tôi đang tự tìm mình của Nguyễn Bính đến với rất nhiều nơi. Địa danh thực là Lạng Sơn, Vinh, Huế, Sài Gòn, ga Kép,vv…Địa danh thực mà ảo, ảo mà thực hoặc hoàn toàn ảo thì nhiều hơn rất nhiều: Kinh thành, Xóm Ngự Viên, Mười hai bến nước, Một nghìn cửa sổ, Lầu hoa, Rừng Mơ, Rừng mai, Bến mơ,Vườn Tiên, Suối Thiên Thai,v.v…Ông phân thân thành cặp đối lập: Tráng sĩ - Thi sĩ. Con người “Tráng sĩ” của Ông, có lẽ, là “cái rớt”cuối cùng của kiểu nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam trung đại. Con người ấy vẫn có cái chất hào hoa, kiêu bạc nhưng xuất hiện đã rất lu mờ và đầy cô đơn - cái cô đơn của tráng sĩ không còn hợp thời, không bao giờ có “lúc khải hoàn thân gió bụi”(Lá thư về Bắc):
- Sông lạnh thấy đâu người gọi gió,
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm.
- Thời chưa gặp đó nằm suông mãi,
Suông cả ân tình rượu cũng suông (Xuân vẫn tha hương).
- Hỡi người đi gió cùng mưa
Có xây dựng nổi cơ đồ gì không (Nam Kỳ cùng gió cùng mưa).
- Đem theo cát bụi đường xa lại
Tráng sĩ dừng chân khẽ thở dài (Quán lạnh).
Con người “Thi sĩ” mới thực sự thể hiện “cái tôi”của Nguyễn Bính:
- Tôi say mơ thấy vì Tiên Trích[1],
Vua gọi mà không chạy xuống thuyền (Cho tôi ly nữa).
“Vua gọi mà không chạy xuống thuyền”, chỉ thi sĩ đích thực, đam mê đích thực và tột cùng mới hạ bút viết được những câu thơ như vậy! Cũng như nhiều nhà thơ khác của Thơ mới, Nguyễn Bính đến với Tình yêu - tình cảm phổ quát của con người. Nhưng khác với nhiều nhà thơ, tiếng vọng của vô thức tập thể, của cổ mẫu luôn tự nhiên dệt thành những vần thơ. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ đã cụ thể hóa được cuộc sống vô thức của toàn nhân loại trong nhiều bài thơ tình yêu. Ông lý tưởng hóa tình yêu trong những bồn chồn, nhớ thương, day dứt. Và, như Platon, nhà hiền triết vĩ đại, trong tác phẩm “Bữa tiệc hay Hội thảo về Tình yêu”, đã nói: “khi tình yêu được chuyển dịch từ một lý tưởng sang một con người bằng xương bằng thịt”, từ ý niệm vĩnh cửu đến con người cụ thể, thì thực tế điều này lại đưa tới sự “bất cân đối với những điều thiêng liêng” [21, tr. 387]. Vì thế, thơ tình của Nguyễn Bình cũng là hành trình Đi - Lỡ bước.
R. M. Rilke (1875 - 1926), một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ XX, dặn nhà thơ trẻ: “Ông đừng viết thơ tình; đầu tiên ông nên tránh những thể loại đã quá thông dụng và quen thuộc: đấy là những thể loại khó nhất, vì sức phải lớn và chín muồi mới đưa ra được một cái gì riêng giữa vô số thành công và phần nào là thành công xuất sắc của người đi trước” [14, tr.10]. Nguyễn Bính có những vần thơ tương tư nổi tiếng ngay từ hồi còn rất trẻ, vì thơ ông luôn bật lên từ cuộc hướng nội, luôn tìm tài nguyên cho thơ từ trái tim mình, luôn lui về với những chi tiết ngày thường của chính ông cung cấp:
- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người (Tương tư).
- Hồn anh như hoa cỏ may
Một ngày cả gió bám đầy áo em (Hoa cỏ may).
- Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình…với nhau (Chờ nhau).
- Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều (Qua nhà).
- Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi
Chẳng trả lời nhau lấy một lời!
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi… (Cô hái mơ).
- Hai tay người đẹp trông mềm quá
Tôi có ngờ đâu khóa được người (Chú rể là anh).
Ông vương quốc hóa, địa đàng hóa tình yêu: “Ví chăng có một nước Tình Ái, Em làm hoàng hậu, anh làm vua” (Ái khanh hành), “Với người trong giấc mơ tiên, Của chàng thi sĩ quê trên mây hồng” (Mười hai bến nước), “Hồ tiên đâu phải hồ trần, Em không thả cá mà thuần thả thơ” (Xây hồ bán nguyệt). Nỗi nhớ, sự chờ mong tình yêu trong thơ Ông được dệt bằng bao cảm xúc, bao biểu tượng, đi thẳng vào trái tim người:
- Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng?
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng? (Nhớ).
- Nhớ người nhớ cả vầng trăng
Đêm đêm trời cứ xây bằng nước mưa (Nghĩ làm gì nữa).
- Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi qua ngõ
Để mẹ em rằng: Hát tối nay? (Mưa xuân).
Nguyễn Bính đi vào chính mình, nhờ đó đã nói được và nói rất hay, rất sâu những biện chứng tâm hồn, những qui luật tình cảm, cái điều của muôn thuở, muôn người: “Mẹ cha thì nhớ thương mình, Mình đi thương nhớ người tình xa xôi” (Thư cho thầy mẹ), “Trời xanh còn khóc nữa là, Nhớ nhà ít, nhớ người ta thì nhiều” (Gặp nhau). Sống trong tâm lý tình yêu, cảm nhận về thời gian, không gian trong thơ Ông rất đặc biệt, theo cách dân gian nhưng vẫn là duy nhất của riêng Ông, độc bản: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu, Chờ em ăn dập miếng trầu, em sang” (Chờ nhau), “Chờ mong như suốt đêm qua, Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày”, “Cách một ngày ngựa với ba ngày đò” (Thư cho chị), “Nhà em cách bốn quả đồi, Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng, Nhà em xa cách quá chừng, Em van anh đấy, anh đừng yêu em” (Xa cách), “Thương như thế, nhớ làm sao, Kinh thành biết có mưa rào đêm nay” (Thương nhớ Kinh thành).
Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính phần lớn là lỡ hẹn, ly biệt. Lỡ hẹn ngay từ chờ đợi bồn chồn, xốn xang của cuộc hẹn tình yêu đầu đời. Ông nhập thân, hóa thân thành cô gái trong “Mưa xuân”. Mưa ấy, từ những bông hoa bụi “ phơi phới bay”, nhanh chóng chuyển thành “mưa nặng hạt”, những hạt mưa sầu tủi, tội nghiệp, bẽ bàng. Con đường đến với tình yêu tưởng gần, hóa ra là xa ngái:
Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với đêm khuya (Mưa xuân).
Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính rất nhiều nước mắt biệt ly. Nỗi cô đơn của Ông đủ lớn để vũ trụ hóa, vô tận hóa những nỗi đau và cô đơn của con người: “Nước mắt là cơm bữa, Hợp tan như bèo trôi” (Đề tặng ảnh), “Đêm nay hai đứa chung tình ấy, Khóc ướt trần gian để biệt nhau”(Bạc tình),“Cửa hàng nghìn khép lại, Tất cả một đêm nay, Có lòng ta rồ dại, Mở ra muôn nghìn ngày” (Một nghìn cửa sổ), “Trời xanh hãy trả lời tôi, Sao người đẹp lại là người…trời xanh”(Người con gái ấy), “Giờ này có lẽ chàng đương khóc, Cả một mùa đông khóc ở ngoài”( Nhớ thương ai), “Có lẽ ngày mai đò ngược sớm, Thôi nàng ở lại để…quên tôi”(Thôi nàng ở lại), “Người cách sông rồi…Tôi cách sông ”. Nhưng, đau khổ, cô đơn nhất của Ông, có lẽ vẫn là hành trình vô vọng đi tìm cái tôi của mình: “Tôi tìm đâu thấy mảnh trời Thần Tiên”, “Nhưng đau lòng biết bao nhiêu, Người tôi yêu chỉ biết yêu như người” (Đào Nguyên), “Thương tôi mình hiểu cho tôi nhé, Mà chỉ mình tôi mới hiểu tôi” (Mười hai bến nước). “Cái tôi là không thể chia sẻ được” [5, tr. 73]. Và thực ra, chính Ông cũng không hiểu bản thân mình, vì thế Ông luôn luôn đi tìm mình. Rõ ràng, thơ Nguyễn Bính là “cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình”. Hành trình ấy không bao giờ tới đích, bởi vì “con người luôn là câu đố trên thế gian và có lẽ là câu đố vĩ đại nhất…Trong tâm hồn con người có những chiều sâu mà chỉ nghi lễ mới xuống tới được”(2).
Nguyễn Bính là nhân vật điển hình của cặp phạm trù gia đình - không gia đình thời Thơ mới. Đây cũng là cổ mẫu rất tiêu biểu của văn hóa và văn học nhân loại. Gia đình là khái niệm, tổ ấm gần gũi, thiêng liêng, con người lớn lên từ đó và luôn hướng về nó như chỗ tựa tin cậy, an toàn, vững chắc. Bởi vậy, mỗi lần ra khỏi nhà, nhân vật truyện cổ tích thần kỳ đều gặp những tai họa hoặc phải trải qua những thử thách khó khăn. Trong văn học nước ngoài, chỉ cần nhắc tác phẩm “Không gia đình”của nhà văn Pháp Hector Malot, thế kỷ XIX, cũng đủ thấy. Trong thơ Nguyễn Bính, mẫu đề Không gia đình luôn song hành với mẫu đề Đi- Lỡ bước. Với Nguyễn Bính, mổ côi mẹ từ ba tháng tuổi, “Mẹ hiền mất sớm, giời đầy làm thơ”, sự bùng nổ của cảm xúc Không gia đình càng nhức buốt.
- Con đi mười mấy năm trời,
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm qua đường đánh rơi.
- Thầy ơi! Đừng bán vườn chè
Mẹ ơi! Đừng chặt cây lê con trồng (Thư cho Thầy Mẹ).
Những câu thơ ấy như được viết bằng cô đơn, bằng nước mắt, hờn tủi và nhớ thương nhức buốt!
Yêu gia đình, nhưng Nguyễn Bính vẫn là, nói đúng hơn, vẫn phải là “con chim lìa đàn”:
- Lạy đôi mắt mẹ đừng buồn,
Ngày mai con lại lên đường ra đi (Lại đi).
- Hỡi ôi! Những kẻ lên đường
Đang tâm để cả cô đơn lại nhà (Chia tay).
Nguyễn Bính có gần mười bài thơ gửi chị Trúc, về chị Trúc – nhân vật có bóng dáng trong đời thật nhưng cũng là nhân vật văn học (Lỡ bước sang ngang, Một chiều say, Xây hồ bán nguyệt, Xây lại cuộc đời, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân lại tha hương, Khăn hồng, Chị đã ghen). Phần vì chị Trúc đẹp, duyên dáng, gần gũi, phần nữa, và đây mới là căn nguyên chính, nhà thơ thấy từ đây hình bóng của người mẹ, của những người thân yêu, của điểm tựa tin cậy để gửi gắm, sẻ chia, tỏ bày những tâm sự, nỗi niềm khó biết nói cùng ai [3, tr. 124 – 147]. Con người luôn có những mặc cảm, ẩn ức, thiếu thốn tình cảm gia đình và luôn đẫm chất quê hương ấy làm sao không nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhất là những dịp xuân về. Ngày xuân, ngày tết - thời điểm của gặp gỡ, sum họp giản dị, thiêng liêng trong mái ấm gia đình, vậy mà Ông vẫn biền biệt: “Em đi non nước xa khơi quá, Mỗi độ xuân về bao nhớ thương!” (Xuân vẫn tha hương), “Chiều ba mươi, hết năm rồi, Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà” (Xuân về nhớ cố hương). Chính từ tầng sâu tâm thức của tiếng vọng Không gia đình, ông đã có những vần thơ tuyệt bút của thánh thần:
Từ nay khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân (Anh về quê cũ).
Mây quê hương luôn bay trên đỉnh trời tha hương. Nó ngấn lệ trong thơ Ông, hay lệ trong thơ Ông đã kết thành những đám mây trên đỉnh trời tha hương ấy? Thực mà rất ảo! Ảo mà rất thực!
Các nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính phần lớn cũng trong trạng thái tinh thần Không gia đình, cô đơn. Đó là cô sư nữ trẻ đẹp “Có cô sư nữ người mong mỏng, Buông thõng dây gầu xuống giếng thơi” (Chiều quê); cụ sư già ép thân xác đến với cô tịch, vô thường: “Sư già quét lá sau chùa, Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông” (Chùa vắng). Là tráng sĩ: “Đêm nay tráng sĩ không nơi trọ, Nằm tạm qua đêm quán dọc đường” (Quán lạnh). Đặc biệt, điển hình cho số phận, tâm trạng Không gia đình chính là người phụ nữ “Lỡ bước sang ngang”: “Mười năm gối hận bên giường, Mười năm nước mắt bữa thường thay canh”. Tiếng pháo, dây pháo đỏ trong ngày cưới của các cô gái luôn gắn với tiếng thở dài của cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. Cả đến người mẹ cũng sống trong bồn chồn, khắc khoải lo âu với trạng thái Không gia đình của người con gái khi đứa con bước chân về nhà chồng. Người mẹ gượng cứng cỏi, chủ động bao nhiêu trước mặt con, thì lại yếu mềm bấy nhiêu ngay khi bàn chân con bước khỏi nhà mình. Những câu thơ dưới đây cũng chính là “Huyền thoại mẹ”:
Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi.
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm, mình mẹ lại đưa thoi (Lòng mẹ).
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Ở cái thời ấy, Nguyễn Bính như phần đông các thi sĩ đều buồn. Nguyễn Bính không những buồn mà còn thêm vị đắng cay của kẻ lưu lạc. Nhưng thơ ông không có cái buồn tan rã, đẩy người ta tới chỗ tuyệt vọng, trong nỗi buồn ấy vẫn thấy ấm nóng, khắc khoải tình yêu sự sống” [19, tr. 22].
Chỉ dẫn một vài cổ mẫu trong thơ Nguyễn Bính, đủ thấy thơ Ông có những tầng sâu, ma lực thế nào! Càng thể hiện cái nhìn độc nhất, Nguyễn Bính càng đến gần và tôn cao vị trí danh dự của nghệ thuật. Thơ Nguyễn Bính luôn là độc đáo, của riêng Ông nhưng vì thế cũng là tâm trạng phổ quát, tiếng lòng của nhiều cá nhân không hề quen biết. Thơ Nguyễn Bính là thơ của nhiều người, nhiều nhà, nhiều thời. Những cổ mẫu thức dậy, đan dệt độc đáo trong thơ Ông đã góp phần làm cho thơ Nguyễn Bính không chỉ ở tầm dân tộc mà còn thuộc tầm nhân loại.
4. Khi chấm giải cho tập thơ “Tâm hồn tôi”của Nguyễn Bính, nhà văn Thạch Lam thay mặt Hội đồng giám khảo “Giải thưởng văn chương Tự lực văn đoàn, năm 1937”, đã nhận xét: “Ông Nguyễn Bính sẽ trở nên một văn sĩ có tương lai” [15, tr. 462]. Còn nhà phê bình Phạm Mạnh Phan, người đương thời Thơ mới, đánh giá: Nguyễn Bính đích thực là thi sĩ, có những câu thơ tuyệt diệu [15, tr. 468]. Một số nhà thơ, nhà phê bình sau này, như Nguyễn Duy, Ngô Thảo nhận thấy thơ Nguyễn Bính có những dấu hiệu, đặc điểm của thiên tài [6, tr. 30]. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đặt câu hỏi và tự Ông đã trả lời: “Cho đến tận hôm nay, có nhà thơ lục bát nào mà nhân dân thuộc nhiều như Nguyễn Bính chưa?!” [24, tr. 668].
Bây nhiêu cảm nhận, đánh giá, càng cho thấy thêm: Nguyễn Bính đã và sẽ là nhà thơ của nhiều thời! Với ý nghĩa và tầm vóc mà Nguyễn Bính đã có, việc dịch và giới thiệu rộng rãi thơ Nguyễn Bính với cộng đồng quốc tế là rất cần thiết. Để nhân loại hiểu tầm vóc Việt Nam hơn!
B.M.N.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bela Hamvas (2016): Minh triết thiêng liêng, tập 1, Nguyễn Hồng Nhung dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[2] N.A. Berdylaev (2016): Con người trong thế giới tinh thần, Nxb Tri thức, Hà Nội.
[3] Bùi Hạnh Cẩn (1999): Nguyễn Bính và tôi, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[4] Xuân Diệu (1967): “Các nhà thơ học những gì ở ca dao”, Tạp chí Văn học, số 1.
[5]Charles Van Doren (2015): Thú đọc sách (Phan Quang Định dịch), Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.
[6] Nguyễn Duy (2017): “Nguyễn Bính trong tôi”, trong Nguyễn Bính Hồng Cầu (sưu tầm, biên soan), Nguyễn Bính toàn tập, Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[7] Nguyễn Đăng Điệp (2017): “Khối tình lỡ của người chân quê”, trong Nguyễn Bính Hồng Cầu (sưu tầm, biên soan), Nguyễn Bính toàn tập, tập 2, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[8] Nguyễn Đăng Điệp (2016): “Giao thời văn học và sự trường cửu của giá trị/căn tinh dân tộc trên hành trình hiện đại: trường hợp Sergei Esenin và Nguyễn Bính”, Nghiên cứu Văn học số 4.
[9] Edgar Morin (2007): Phương pháp 5: Nhân loại về nhân loại, Bản sắc nhân loại (Lê Sơn, Lê Trọng Nghĩa và Phạm Khương biên dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội.
[10] Đỗ Đức Hiểu chủ biên (2004): Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
[11] C.G. Jung (2000): “Bí ẩn của những siêu mẫu” (Ngân Xuyên dịch) trong S. Freud- C.G.Jumg - G.Tucci - V. Dundes (Nhiều người dịch): Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
[12] Lê Đình Kỵ: “Tỳ bà truyện”, trong Nguyễn Bính toàn tập, tập 1, Sđd.
[13] Vũ Quần Phương:”Nguyễn Bính trong nền thơ Việt Nam”, trong Nguyễn Bính toàn tập, Tập 1, Sđd.
[14] R. M. Rilke (1996), Thư gửi một nhà thơ trẻ (Phạm Thị Hoài dịch), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[15] Dẫn theo Nguyễn Hữu Sơn (2017): Thơ mới-Những chuyện chưa bao giờ cũ, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.
[16] Xem Bùi Thiên Thai (2009): “Xung quanh công trình về thi pháp truyền miệng của John Miles Foley”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 4.
[17] Hoài Thanh, Hoài Chân (2008): Thi nhân Việt Nam, tái bản, Nxb Văn học, Hà Nội.
[18] Ngô Thảo (2017): “Người chân đất đi vào tương lai”, trong Nguyễn Bính toàn tập, Tập 1, Sđd.
[19] Hữu Thỉnh (2017), “Nguyễn Bính một hồn thơ dân tộc”, trong Nguyễn Bính toàn tập, tập 1, sđd.
[20] Đỗ Lai Thúy (2017): “Đường về chân quê”, trong Nguyễn Bính toàn tập, Tập 1, Sđd.
[21] Xem Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (1997), Nxb Đà Nẵng.
[22] Trần Lê Văn (2017): “Nguyễn Bính, một ngôi sao sang trên bầu trời thơ”, trong Nguyễn Bính toàn tập, Tập 1.
[23] Xem Nguyễn Thị Thanh Xuân (2010), “Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn học Việt Nam”, https://www.vanhoanghean.com.vn (Tháng 10/ 2010).
[24] Xem Triệu Xuân (2017): “Nguyễn Đình Thi nói về thơ Nguyễn Bính”, trong Nguyễn Bính toàn tập, Tập 2, Sđd.
[1] Tiên Trích: Lý Bạch