- Lý luận - Phê bình
- Thơ Huy Tưởng, bay về lối thu không
Thơ Huy Tưởng, bay về lối thu không
HUỲNH VĂN HOA
Chân dung Huy Tưởng qua nét vẽ Bùi Giáng
Huy Tưởng tên thật Nguyễn Ðức Hiệp, sinh năm 1942, tại Ðức Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hiện cư ngụ tại Australia. Khởi viết từ những năm 60 của thế kỷ XX. Thơ đăng thơ trên các tạp chí tại Sài Gòn như Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Tuổi Ngọc, Thời Tập, ...
Giữ mục Sách mới - Phim mới và trình bày trên Tuần báo Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh.
Tác phẩm đã xuất bản:
1. Mưa trong vườn chiêm bao, thơ
2. Một mùa tóc mộ, thơ
3. Áo nguyệt ca, thơ
4. Hỏi đường cùng mây trắng, thơ
5. Trăng kêu xanh trong đá, thơ
6. Người nuôi lửa tịch mịch, thơ
7. Chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay, sách dịch
8. Tuyết trên ngọn Kilimanjaro, sách dịch
Huy Tưởng là một khuôn mặt thơ có nhiều sáng tạo về tư duy và ngôn ngữ của thơ ca miền Nam giai đoạn 1954-1975. Thơ vượt ra ngoài các khuôn khổ và là một trong những nhà thơ có thơ hay của xứ Quảng trước 1975. Huy Tưởng luôn đi tìm cảm xúc mới, những cách sử dụng hình ảnh, cấu tứ, diễn đạt khác với các nhà thơ cùng thời. Ngôn ngữ thơ Huy Tưởng đậm chất thiền, thơ luôn phá vỡ logique, đẩy hữu thức sang tiềm thức. Cái thực và cái lãng mạn. Cái phi lý đứng bên cạnh cái hữu lý. Tất cả như bùng vỡ:"Tôi đến bên kệ sách. Tôi châm lửa và đốt sạch những bài thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn. Tôi đốt Nguyễn Du, tôi đốt Lý Bạch, Rimbaud, tôi đốt Tô Đông Pha, Milarepa... Tôi đốt hết và trả tất cả về cho khói, cho mây. Tôi chỉ giữ lại một giấc mộng. Một giấc mộng vĩnh cửu và phong phú hơn cả trái đất, hơn cả mặt trời" (Đêm xuân của đôm đốm, tạp chí Văn, số 198, ngày 15-3-1972).
Huy Tưởng là một giọng thơ đầy ám ảnh. Một chân dung tự họa bằng những sắc màu, thanh âm, hình khối riêng biệt, thăng hoa, gây ngạc nhiên bao người.
Một kiểu viết ẩn dụ, lạ hóa ngôn ngữ. Chữ bên chữ. Bức tường tuyến tính của ngôn ngữ bị phá vỡ, chấp nhận siêu thực, do vậy, chữ nghĩa xuất hiện bất ngờ, mới mẻ. Thơ Huy Tưởng sáng tạo, ngay trong chọn tiêu đề cho bài thơ, tập thơ, không quen thuộc theo lối văn chương cũ, nhòa đi những quan hệ ngữ pháp, vì thế, trường liên tưởng luôn được huy động và phát sáng. Đây là cách chọn tên cho tác phẩm của Huy Tương: Mưa trong vườn chiêm bao - Một mùa tóc mộ - Áo nguyệt ca - Hỏi đường cùng mây trắng - Trăng kêu xanh trong đá - Người nuôi lửa tịch mịch … Người đọc thơ, về mặt ngữ nghĩa có thể chưa hiểu, thậm chí khó hiểu, song, vẫn thấy hay, thấy đẹp, thấy hấp dẫn và lôi cuốn. Vườn chiêm bao đã lạ. Mưa trong vườn chiêm bao lại càng lạ thêm. Trăng kêu xanh trong đá: Ánh sáng của trăng ngập tràn trên cây cỏ, làm nên màu xanh chăng? Nhưng, trăng cất tiếng kêu trong đá, không giải thích được trong thực tiễn, khi đó, đá là một tập hợp tự nhiên của các khoáng vật, rắn, cứng, một thể địa chất có lịch sử hình thành riêng. Lối diễn đạt kết hợp giữa một tinh thể rắn (đá) với vệ tinh mềm mại (trăng), như cách nói của người phương đông: nguyệt, tạo nên ngữ nghĩa mới, đa thanh.
Huy Tưởng thường nói về đồi núi, vách núi, khe lạnh, rừng thu, sương lạnh, sa mù... những hình ảnh ấy luôn ấm tình đời, như một bài thơ viết năm 1966, bài Một phút trên đèo, đăng trên Tuần báo Nghệ thuật, số 35, năm 1966:
Về đây đồi núi Blao
Cây nghiêng quán đợi tay chào lãng du
Biển xưa buồn đổ sa mù
Đèo cao hút gió lưng vù tiếng chim
Tay ôm giấc ngủ đi tìm
Hỏi Tam Kỳ có ưu phiền dáng xa?
Trên đồi núi Blao, nghĩ về quê quán Tam Kỳ của miền trung, giữa đó là cây nghiêng, quán đợi, sa mù, đèo cao, tiếng chim và nỗi ưu phiền, … Những hình ảnh và tâm tình đó có quan hệ gì về một phút nhớ nhung trên đèo với một dáng xa?
Chỗ khác, một bài thơ lục bát đẹp, một con đường dẫn về "ít nhiều hoang vu", "mù mịt sương", "con đường hư không", thời gian như chậm lại, lặng im, chiếc bóng rơi xuống chân đèo, về ngủ dưới rừng thu, lãng quên phố thị, bài Con đường:
Này em ta dắt nhau về
Vang vang dưới núi
Chiều tê lạnh rồi
Con ong cái kiến
Qua đồi
Và trăng xanh nữa im lời nước mây
Bước chầm chậm dưới hàng cây
Đừng rung em nhé
Sợ ngày rụng theo
Bóng ta rớt dưới chân đèo
Em ơi có thấy ít nhiều hoang vu
Thôi nằm ngủ dưới rừng thu
Mai ta thức dậy thân mù mịt sương ...
Mai ta bỏ phố quên phường
Dìu nhau đi suốt con đường hư không…
Đà Lạt 1971
(Trăm năm thơ Đất Quảng, NXB Hội Nhà văn, 2005)
Huy Tưởng đã tạo nên một ngôi nhà thơ ca biệt lập, lấp lánh những ánh màu của cảm xúc, hình ảnh, ngôn ngữ, diễn đạt. Huy Tưởng không giống ai và cũng không ai giống mình trong thơ ca xứ Quảng và miền Nam trước 1975. Thế giới nghệ thuật đó, như cách nói của danh họa Dương Bích Liên: “Trong cuộc đời và trong cả hội họa, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao xa hơn anh, chính là đời anh: Quyền năng sáng tạo”. Huy Tưởng đã tạo nên một quyền năng cho mình trong sáng tạo thơ ca.
Bài thơ Thủa trăng kêu xanh trong đá, có 171 từ. Tác ghi về địa điểm và thời gian sáng tác, đó là: Núi rừng Trung Việt, những năm sáu mươi. Cấu trúc các dòng thơ, ngắt dòng, chấm câu không theo trật tự ngữ pháp bình thường, đưa lại những cảm xúc riêng:
Khi tôi nép mình dưới chân tượng
Beethoven. Cha tôi khóc vì một lần
sinh khó của Mẹ. những bông hoa
vẫn lặng lẽ tím bên đồi chiều. phơi
ngực trần sương muối…
Khi tôi nép
mình dưới chân tượng Beethoven,
cả nhân thế ngập chìm trong mầu
trăng thơ dại. Cha tôi khẽ rùng mình
lay động một vì sao khi Mẹ tôi nhoài
người ra khỏi cái chết !…
Khi tôi nép
mình dưới chân tượng Beethoven. thảo
mộc trên đồi réo khản lời nhựa trắng và
mưa trâm anh lơi lả hồn cầm thủa rêu mờ
những nấc thang phố núi ngậm bóng tình nhân…
Khi tôi nép mình dưới chân tượng
Beethoven. tiếng mèo khuya gào rú làm
trầy xước cõi lòng hiu quạnh. và cha tôi
phóng một mũi dao ngập sâu vào
vách đêm thăm thẳm… Khai ngộ
con đường bát ngát trên
cánh đồng
hư
không…
Khi
tôi nép mình
dưới chân tượng Beethoven
Trăng đã kêu xanh nghìn đời trong đá !…
Tên bài thơ được chọn cho tên tập thơ Trăng kêu xanh trong đá. Năm lần nép mình dưới chân tượng Beethoven. Tượng Beethoven có quan hệ gì với nhà thơ? Chúng ta biết, Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 - 26 tháng 3 năm 1827), nhà soạn nhạc cổ điển Đức, giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn, nổi tiếng bởi nhiều bản giao hưởng. Cuộc sống của nhạc sĩ thiên tài không dài, chỉ 57 năm, tật bệnh, buồn đau, tận hiến. Phải chăng, các hình ảnh "cha", "mẹ", sự sống và cái chết, sinh thành và hủy diệt xoắn quyện vào nhau ám ảnh từ thời niên thiếu:
Cha tôi khóc vì mẹ sinh khó / Cha tôi khẽ rùng mình / lay động một vì sao / khi Mẹ tôi nhoài người ra khỏi cái chết!…, / thảo mộc trên đồi réo khản lời nhựa trắng và mưa trâm anh lơi lả hồn cầm thủa rêu mờ những nấc thang phố núi ngậm bóng tình nhân… / tiếng mèo khuya gào rú làm trầy xước cõi lòng hiu quạnh / và cha tôi phóng một mũi dao ngập sâu vào vách đêm thăm thẳm… / Khai ngộ con đường bát ngát trên cánh đồng hư không… / Trăng đã kêu xanh nghìn đời trong đá!…
Cách sắp xếp các dòng thơ. Cách dùng từ ngữ, hình ảnh không theo trật tự bình thường khiến cho người đọc vừa tri giác ngôn ngữ vừa thôi thúc sự hoạt động của trí tưởng tượng. Những ẩn dụ về sự chia cách, tách rời giữa cảm xúc và ngôn từ, giữa tím ngát thời gian với trùng vợi không gian. Trong sự cô đơn của con người, nhiều chỗ, có cảm giác nhà thơ cô độc, trống vắng trong căn nhà ngôn ngữ của mình (unhoused in the language). Điều này hơn một lần ta bắt gặp trong mạch suy tưởng của Franz Kafka.
Trên tạp chí Văn, số 96, 15-12-1967, có ba bài lục bát: Ngã đề - Của vườn khuya và ngọc thoan - Kể từ vạn đại, ở đây, ta gặp Nguyễn Du qua Hồng Lĩnh, Thanh Hiên, gặp "cõi tịch bồi hồi", gặp "Kinh vô cùng đổ ngân nga / Hồn tiên tịch lặng chui qua mộ người / Sầu tan trong nửa cánh dơi / Nghìn bông tuyết rụng đỏ trời chiêm bao", thấy "Rằng trong tột đỉnh càn khôn / Tôi nguyên hình Chúa của hôn phối trùng / Tạc hình mây đựng trung dung / Ca từ Cựu ước đến vùng Kim cang". Và ở đó, ta gặp lại nhiều nguồn tư tưởng, nhiều cảm hứng tôn giáo. Và đây:
Múc hai gàu nước chưa đầy
Tự nhiên trăng sáng mái Tây dội vào
Quay nhìn lại mấy hàng rau
Ô hay ngọn lá ướt màu hư linh.
(Múc nước tưới rau)
- nằm trong nghìn ngọn tịch liêu
ồ ta cháy rực mây xiêu mất rồi
- em theo chân biếc non mù
quên con nước lũ hoang vu giữa dòng
- cỏ cây đau yếu trăng tà
nửa đêm bừng nở cụm hoa lạc loài
(Trên ngàn, Tuần báo Tuổi Ngọc, số 129, ngày 26-04-1974)
Huy Tưởng với không gian thiêng (espace sacré) và thời gian thiêng (temps sacré), thứ không gian và thời gian có yếu tố tôn giáo, cắt nghĩa không khí, môi trường, biểu tượng, cảm xúc, gợi nên những băn khoăn, khắc khoải về lẽ sống, cõi nhân sinh, "màu hư linh", ứng xử của con người trước cái bao la của vũ trụ. Trong đời sống tâm linh của người Việt, không gian tĩnh mịch của tôn giáo, màu sắc u huyền của chốn thờ cúng, các lễ nghi để bước vào thế giới khác dương thế, luôn đậm chất trầm tư, ... khiến / giúp con người đi về cõi giới khác, thanh sạch hơn, cao đẹp hơn nhưng hoang sơ, hư vô:
- Bỏ thêm cọng cỏ khô này
Hơ cho đỡ lạnh bàn tay sương mù
Ngồi bên ngọn lửa hoang sơ
Hốt nhiên tôi sợ hư vô cháy bùng
(Đốt cỏ trên đồi)
- Và đi mãi giữa màu nguyệt lạc
Xô đời xiêu dạt xuống mông mênh
Đêm nằm thơ nhỏ đau từng tiếng
Chép thả đầy trời xanh quá xanh …
Cũng hết phải không người yêu dấu
Chim mùa xuân bay về lối thu không
Em đâu đó xin đừng bật khóc
Giọt lệ vàng đủ nhức nhối trăm năm
(Chim mùa xuân bay về lối thu không)
Giữa mùa xuân mà thấy nẻo về "lối thu không", giống như Basho trong một bài haiku nổi tiếng, bài Nguyên Đán:
Ngày đầu năm
Tư duy về cô tịch
Chiều thu.
Huy Tưởng cũng vậy. Bài thơ viết về mùa xuân nhưng hoài vọng về "cõi bao la", "màu nguyệt lạc", "giọt lệ vàng", "nhân gian điên đảo", "bay về lối thu không" ... bàng bạc trong các dòng thơ. Sự tan hòa giữa nỗi cô đơn của con người và sự tịch liêu của đất trời, thẳm sâu giữa ánh sáng và cát bụi, giữa mênh mông, hùng vĩ của thiên nhiên và giá buốt tâm hồn của một hành giả đi tìm chân lý. Trên tạp chí Ý thức, số 1, ngày 1-10-1970, bài Mưa trên đồi khuya Đà Lạt, viết về cơn mưa đầu Thu mô tả cơn gió muộn, cái chết của nửa chùm trắc bá, của mây cuốn, nhất là những hạt mưa âm u, rơi trên áo người trong một đêm khuya trên những ngọn đồi cô đơn của Đà Lạt, với tôi đi về nát tan, run rẩy:
Mưa nát tan tôi đi về gió muộn
Nửa chùm trắc bá chết đầu Thu
Mưa tan nát tôi đi về mây cuốn
Trong áo người run rẩy hạt âm u ...
Một bài thơ khác, bài Nghe kinh:
Ướt hai tà áo nâu rồi
Bên chùa mục giọng kinh hồi lệnh sang
Giọng chuông rơi thấm cỏ vàng
Nghe kìa sư nữ vừa choàng áo tu
Tôi nằm ấp lá thiên thu
Mai sau nở trái sa mù pháp không.
Thơ Huy Tưởng nhuốm màu sắc tôn giáo. Điều này dễ thấy trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh. Xa hơn một chút, với cảm nhận cuộc sống trần thế, Huy Tưởng lấy niềm vui tinh thần làm chính, lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên, đất trời. Cả một thời niên thiếu gắn bó với khung cảnh của cỏ cây, núi đồi vùngTrung Việt, vì thế, không có gì lạ khi thấy những dấu vết của thi ảnh:
- Hỡi bãi cỏ và dấu tịch liêu
Hỡi trái mận hồng tươi ngập dấu răng ngà
Hỡi rừng cao huyền nhiệm như mắt các em
Hỡi biển ngàn quằn quại và bao dung như đời người mẹ …
(Trên chuyến tàu niên thiếu, tháng 8/67)
- Cõi không cùng lồng lộng
Trăng mưa xuân đêm này
Anh nằm yên bên cỏ
Mộ đời nghìn nước mây.
(Trăng mùa xuân đêm nay)
- Đã nồng hương mây trắng ngát ...
Của đêm nào đồi vắng ngậm hương
(Tường Vi trăng huyết dụ)
Trong thơ Huy Tưởng, ta thường bắt gặp thời khắc về đêm như: đêm khuya, đêm mưa, nửa đêm, đêm trăng, ánh trăng, đêm xuân, ...Biểu tượng thời gian này, xét về phương diện thẩm mỹ, đó là thời gian nghệ thuật, một thứ thời gian của tịch nhiên, vắng lặng, phản ánh sự thụ cảm riêng của người nghệ sĩ. Nó là cấu trúc bên trong của hình tượng văn học, làm nên nét tư duy của Huy Tưởng:
- Chim vườn cây cây vườn chim
Nửa đêm đá tảng bỗng chìm theo hoa ...
Dầm dề mộng ướt là sao
Vườn khuya bướm gáy làm sâu vườn người.
(Của vườn khuya và ngọc thoan)
- Đêm là máu của mặt trời
Theo huyền lâm dẫn xuống đồi thiền môn
(Kể từ vạn đại)
- Chợt nghe xuôi ngược là gì
Nửa đêm mùa dậy, xuân đi lên đồi
(Đêm trăng nằm nghe sung rụng ngoài sân)
- Mười năm quằn quại đêm mưa nhỏ
Trút xuống hồn Người vỡ cơn giông
(Mười năm)
- Gió thổi xanh màu trăng đang rơi
Đêm xuân ai giũ mộng bên trời
(Chim mùa xuân bay về lối thu không)
- Và đêm nọ cỏ cây hồn tinh khiết
Trên đồi cao em đứng với riêng ta
- Ta viết mãi lên mầu trăng huyết dụ
Của đêm nào đồi vắng ngậm hương mơ
- Em có thấy, chao ôi rừng đêm đó
Ngậm đầy trăng tê buốt ở trong sương
(Tường Vy trăng huyết dụ)
Thời gian nghệ thuật này, ngay từ giữa những năm 60 đã thể hiện rõ. Trên Tuần báo Nghệ thuật, số 52, năm 1966, bài Những đêm, điệp ngữ "một đêm" lặp lại đến 4 lần:
- Một đêm tôi đi thật cô đơn trong thành phố
Nỗi cô đơn diễm tuyệt làm sao
- Một đêm tôi đứng khóc bên hè chợ
nỗi khốn khổ huy hoàng như nước mắt long lanh
- Một đêm tôi ngồi bưng đầu vì bịnh nhức tim
nỗi đau êm đềm như hoa nở
- Một đêm nằm quay quắt trên vết thương
nỗi nhức nhối bổ dưỡng như làn môi ướt ...
Từ đây, có thể nói rằng, đằng sau không gian, thời gian, như nêu trên, ẩn tàng những cách tân, những đổi mới về tư duy, về ngôn ngữ. Một điều làm người ta nhớ thơ Huy Tưởng cũng ở điểm này.
Tạp chí Văn, số 158, ngày 15-7-1970, tại trang 77, giới thiệu MỘT MÙA TÓC MỘ, thơ Huy Tưởng, như sau:
"Tiếng nói biệt mù nhưng sấm dậy của câm lặng, bài tụng ca ngậm ngùi của tâm hồn cóng buốt và cô đơn đến cùng cực, nhưng, cũng là ngọn gió thơ mộng thổi vào nghìn đêm tối mịt mùng của trần gian u hiểm ... "
Chỉ 46 từ, khái quát được thế giới thơ ca của Huy Tưởng. Thế giới đó là tiếng nói biệt mù, là bài tụng ca ngậm ngùi, là ngọn gió thơ mộng thổi qua cõi trần gian u hiểm này.
Trên Giai phẩm Quảng Đà, Xuân Nhâm Tý, 1972, bài Trăng mưa xuân đêm nay, những hình ảnh về một đêm trăng xuân, có âm hưởng thơ thiền của một người về thăm quê, giữa ngày chưa tan nắng xế, ngôi nhà hoang, bóng gãy, lối trăng dầm cỏ ướt, tâm trạng:
Ôm mây và vói mộng
Gọi mãi lời vô thanh
Cõi hồn vừa khuya khoắt
Vắng lặng rền trong anh
Cửa hoang sơ hé mở
Anh bước vào cô liêu
Xin cô nương hãy khép
Cho hồn xanh rong rêu ...
Một bài ngũ ngôn khác, bài Một đêm cây cỏ, đăng trên tạp chí Thời Tập, tháng 4-1975 về "cung đàn trăng lạnh", "chiều dang dở sau đồi", "cháy ngút ác tà", "thảng thốt đỏ màu hoa", "trăng kêu lừng đá xanh", "trăng bát ngát ngoài hiên", "rừng ớn lạnh vô biên", ... và kết thúc bài thơ:
... Phải em ngoài gió lớn
Thầm thì rặng vi lô
Chẻ hai tờ lục diệp
Viết đời xuân không ngờ ? ...
Huy Tưởng tạo ra nhịp điệu riêng trong thơ. Yếu tố làm nên nhịp điệu đó không chỉ là chỗ ngừng của tiết tấu, của dòng thơ mà ở đó, chính là cảm xúc, suy tưởng đặt trong sự diễn xuất, sự hài hòa trong chuỗi biểu đạt của thi sĩ. Ví dụ như, bài Một hồn tang hải chon von:
Gió lên
thì
gió cứ lên
đợi
tôi
xuống núi
hái
liềm trăng non
Đây là bài thơ lục bát, chỉ hai câu, với ba nhân vật: Gió - Trăng - Tôi (thi si). Gió là sự dịch chuyển của không khí, chỉ cảm nhận qua các giác quan. Trăng lưỡi liềm, tức trăng non, trăng đầu tháng. Núi rừng im ắng, tịch nhiên. Không gian như rộng ra. Tôi - thi sĩ - xuống núi. Ngược phía đó, gió và trăng, đang lên. Cái thơ mộng là thi sĩ xuống núi, "hái liềm trăng non". Đêm lặng nhưng không cô đơn, không lạnh lẽo. Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên làm nên bức tranh đẹp. Giá như có thêm tiếng chim rừng, vanglên. Cảnh đêm sẽ huyền ảo hơn !
Huy Tưởng có nhiều câu thơ lục bát đẹp, bát ngát của "cỏ sương biêng biếc", của "trăng tàn ngập đỏ": Chợt quên xuôi ngược là gì / Nửa đêm mùa dậy, xuân đi lên đồi / Cỏ sương biêng biếc bên người / Âm vang trái rụng xuống đời ta xưa / Trăng tàn ngập đỏ cơn mơ / Lại qua khe cửa như mưa xô hồng / Ta nằm nghìn nhánh chia sông / Trôi mù mịt cõi hư không mất rồi … (Đêm nằm nghe sung rụng ngoài sân).
Hay những câu trong Giấc ngủ mây vàng:
Nằm nghe giấc ngủ mây vàng / Trôi qua ngày xế, vượt ngàn tử sinh / Thăm nhau trong cuộc vong tình / Ngậm ngùi chim hót như kinh triệu hồn / Trăng cầm lệ xuống càn khôn / Ngàn đêm máu chảy vỡ hồn hoa xưa.
Bài thơ Mãn khai, đăng trên tạp chí Vấn Đề, số 29, tháng 12- 1969:
Đâu rồi, áo mộng chưa tan
Em đi bỏ lạnh trăng ngàn dưới khe
Chim chao cánh hiện tôi về
Tâm đầy sắc tượng bên lề nhân gian
Vàng thu bay trắng mênh mang
Lòng xanh để lộ bụi vàng vô minh
Chiều trong nắng nhớ lời kinh
Rủ con bướm lạ động tình trên mây...
Thơ Huy Tưởng thể hiện dưới nhiều thể loại, có bài ngắn bài dài, nhiều chỗ ngắt dòng bất ngờ, sáng tạo. Ngôn ngữ thơ Huy Tưởng lạ, tạo nên một phong cách, một chân dung rất riêng, không lẫn với bất cứ ai.
Viên Mai (1716-1797) trong Tùy Viên thi thoại, có nói: "Làm người thì không nên có cái tôi nhưng làm thơ thì không thể không có cái tôi". Ở góc độ thi pháp, Huy Tưởng đã tạo nên một cái tôi trong thế giới nghệ thuật của mình. Tiếng nói nghệ thuật của Huy Tưởng mang lại nhiều mới mẻ trong văn chương của miền Nam trước 1975.