TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang

Thơ Phan Hoàng trong hành trình ngược lối – Tiểu luận của Mai Thị Liên Giang

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
338 lượt xem

Tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng trước đây đã từng nhận được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, sau đó tập thơ này được trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube năm 2023 của Hungary. Ngoài ra tập trường ca “Bước gió truyền kỳ” của ông cũng được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II. Để hiểu thêm về hành trình sáng tạo thi ca của nhà thơ Phan Hoàng, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà lý luận phê bình văn học Mai Thị Liên Giang.

Phan Hoàng đã từng được nhiều bạn đọc quý mến qua nhiều tác phẩm như Tượng tình (thơ – 1995), Hộp đen báo bão (thơ – 2000), Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (1996-1998, 4 tập), Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập, 1998), Phỏng vấn Người Hà Nội (2000), Dạ, thưa thầy! (2000), Chất vấn thói quen (thơ – 2012), Bước gió truyền kỳ (trường ca – 2016)…

Nhà thơ Phan Hoàng

Từ Tượng tình đến Bước gió truyền kỳ là quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê sáng tạo không ngừng của thi sĩ Phan Hoàng. Đọc những tác phẩm trước năm 2000 và gần đây là Chất vấn thói quen và Bước gió truyền kỳ, Nxb Hội Nhà văn, người đọc thấy rõ lối đi ngược sáng tạo của nhà thơ. Đi để tìm về nguồn cội, kí ức và những thăng trầm của lịch sử, để xác định một con đường riêng nhưng luôn biết cách đồng hành sáng tạo theo chiều thuận của quy luật phát triển trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ngược lối trong thơ Phan Hoàng chính là bài học về lao động sáng tạo nghệ thuật và giáo dục nhân cách.

1. Sáng tạo!

Theo lý thuyết, các tác phẩm văn học thuộc nhóm “siêu” thể loại như thần thoại, trường ca, sử thi… đã xếp vào hàng “vang bóng một thời” trong thực tiễn sáng tác hiện nay. Tuy nhiên, lối rẽ ngược từ tác phẩm của Phan Hoàng đã giúp người đọc phải suy nghĩ lại về vấn đề này. Điểm bắt đầu của thơ anh là thơ mới, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại và điểm dừng chân hiện tại là trường ca. Biết đâu từ trường ca, nhà thơ trong hành trình ngược lối lại về với lục bát, tứ tuyệt… mà vẫn không hề xưa cũ. Lối đi ngược của anh không giống ai nhưng đã giúp anh có con đường đi riêng vào lâu đài văn học. Con đường ấy vẫn còn nhiều ngã rẽ. Và mỗi lần dẫn dụ người đọc rẽ lối là mỗi lẫn nhà thơ vẫy gọi người đọc chú ý hơn trong lộ trình đi tìm bí mật ẩn giấu trong tác phẩm của anh. Đây là điều cần thiết đối với nhà thơ ở Việt Nam hiện nay một khi không muốn mình thành người nhả chữ quen thuộc, sáo mòn.

Ngược lối như chính tác giả đã viết: Đôi lúc ta gặp trên đường những chàng trai phi ngựa như bay, đôi khi ta gặp những cô gái rực rỡ yếm đào chít khăn mỏ quạ, họ ngược thời gian đi về phía giấc mơ cháy bỏng xuân thì. [Vĩ thanh – tr 79]. Hay Sau mỗi chuyến tốc hành/ta ngược đường bay tìm về ngọn gió biển tuổi thơ [Gió tiếp sức mơ – tr 32]. Hoặc Mãi theo di chúc chín lời/ chơi vơi giữa trời khuya vắng/ ta ngược bước gió tổ tiên/ lành lạnh địa đầu sương trắng/ vẫn nghe từ trong xa thẳm/núi rừng không ngừng chuyển rung [Gió dựng thành lũy biên cương – tr 70]… Ngược, ngược, ngược thời gian, ngược, ngược, ngược không gian… ngược lối trần gian xuôi theo kí ức lịch sử bi hùng nhưng là để đối thoại với hiện tại!

Nhiều lần, Phan Hoàng đã dùng kết cấu thơ hiện đại để thể hiện những quan điểm, triết lý về lẽ sống, cái chết, miếng ăn, quan niệm về cuộc đời, không thời gian sống truyền thống. Các hệ triết lý đã được vận dụng trong đối thoại với quan điểm truyền thống như tranh luận sinh tử. (Sống chết của cổ nhân: sinh ký tử quy. Hay sống của con người hiện tại: sống là để chết. Hay với hai học thuyết cơ bản là: Sống một đời sống hay sống nhiều đời sống? Sống có linh hồn hay không có linh hồn…). Phan Hoàng không tranh luận trực tiếp nhưng quan niệm sống của anh thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm. (Những ngọn gió mở đường in dấu bao linh hồn/ bộ hành xuôi về hướng tây/ gió hóa thân những chàng trại vạm vỡ lưu dân/ gánh trên vai ánh mắt kỳ vọng của người già/ giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ) – [Gió khẩn hoang, tr 48]. Đó chính là triết lý nhiều đời sống của người phương Đông được thể hiện qua hình ảnh linh hồn của con người. Phan Hoàng đối thoại với đời sống (Dường như có bóng ai lướt nhanh trong màn sương đục/ bóng của hôm qua bóng của hôm nay hay bóng của mai sau… chắp tay cúi đầu bái biệt nghĩa trang ta bỗng gặp bóng mình [Gió cõng hương qua núi đồi – tr 61], đối thoại với lịch sử, với vĩ nhân, thi nhân và với cả những con người bình thường, giản dị, thân thương đã từng hiện tồn trong những khoảnh khắc sống của anh…

Ngoài những triết lý được thể hiện qua kết cấu đối thoại mở, thơ Phan Hoàng còn thể hiện nỗi trăn trở với cuộc đời, với con người, về bản chất người. Đó là nỗi đau với thăng trầm của những khoảnh khắc lịch sử phi lý, mà trong đó con người có những lúc thăng hoa nhưng cũng có lúc như sống trong địa ngục trần gian, thậm chí còn đối xử tàn nhẫn với chính mình. Liệu có đáng sống?… (Có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió/ có những hồn thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm/ có những ngọn đồi máu xương vô tình bụi mờ cát phủ …) [Gió dựng thành lũy biên cương – tr 64] hay (ta ngẩng đầu/ nhòa nước mắt/ khóc những sinh linh chưa kịp trọn hình hài hóa những vì sao mồ côi/ khóc những gái trai chưa một ngày vợ chồng vẫn phiêu bồng khao khát/ khóc những cỏ cây vươn xanh trở lại từ núi sông cắt chia hoang phế/ khóc những cơn vượt thoát  sinh tồn vĩ đại dòng giống rồng tiên – [Vĩ thanh, tr 90]. Nhiều câu thơ như những phát ngôn mang tính đối thoại đầy chiêm nghiệm như kiểu của một triết gia, một nhà tư tưởng, và cũng gần giống với thi sĩ tâm lý (Núi cao chừng hơn bảy trăm thước, một hòn đá nhô lên trên đỉnh như mũi giáo, mũi gươm, mũi tên hùng cứ một phương và như dương vật sinh tồn khổng lồ quanh năm cường lực ôm mây trắng… Núi nghênh đón những tao nhân mặc khách và đón những gã ăn mày thất cơ lỡ vận… [Cuộc trò chuyện giữa gió và núi tr 28, 29].

Nhờ sự linh hoạt, táo bạo trong cách biến hóa kết cấu của trường ca, cách biểu đạt hình tượng bằng các kiểu ngôn từ lạ mà cấu trúc câu thơ, nhịp điệu, hình tượng biểu tượng, chi tiết nghệ thuật, nhân vật, giọng điệu trong Bước gió truyền kỳ có những đột phá lớn. Những câu thơ độc đáo, giàu triết lý đối thoại trong thơ Phan Hoàng giúp người đọc có thêm những cảm nhận mới về lịch sử của dân tộc nhìn từ các góc độ văn hóa, tôn giáo, triết học và cả mối quan hệ chính trị phức tạp của lịch sử dân tộc qua các mối quan hệ giữa con người và con người, con người và thế giới thiên nhiên. Mỗi tác phẩm của Phan Hoàng không chỉ là một triết lý sống mà còn là sự thể hiện quan điểm sáng tạo nghệ thuật của anh luôn mới trong những điều tưởng như đã yên ổn hàng ngàn năm. Các phát hiện riêng của anh về cuộc sống, về văn hóa, lịch sử và thậm chí có cả sự cản trở của biến đổi, khí hậu  kinh tế, chính trị…đã tạo nên tâm thế đối thoại thơ, tâm thế đối thoại trường ca Phan Hoàng. (Nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng/ nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương)… [Gió khẩn hoang – tr 47]. 

Đặc điểm của cấu trúc trường ca truyền thống là tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình… còn trường ca của Phan Hoàng được tạo dựng bằng một kết cấu mở, hiện đại và có sức ám gợi cực mạnh. Nhìn bên ngoài, kết cấu bản trường ca vẫn tuân thủ hình thức truyền thống với đầy đủ các phần mở đầu, phần nội dung các mục, phần vĩ thanh… Tuy nhiên bên trong cấu trúc truyền thống ấy là một tư duy thơ hiện đại được biểu đạt bằng những trải nghiệm nghệ thuật thú vị. Thơ của anh vì vậy có những chiêm nghiệm, suy tư, lãng đãng của thi sĩ nhưng vẫn luôn tỉnh táo, chắc chắn trong luồng tư duy, trong quá trình sử dụng các thủ pháp nghệ thuật thơ. Kết cấu trường ca của Phan Hoàng có xu hướng tổng hợp đa dạng các yếu tố vừa trữ tình vừa tự sự, vừa thể hiện các trạng thái tâm lý, triết lý kết hợp với những xúc cảm riêng trong mối quan hệ mật thiết với những chấn động lớn của lịch sử dân tộc. Yếu tố cốt truyện được tác giả tinh giản đến mức tối đa để nhường lời cho các đối thoại của gió, núi. Các kiểu giọng điệu thay đổi liên tục từ phần mở đầu đến kết thúc. Sự xuất hiện nhiều kiểu giọng điệu đan xen, lúc trầm tư, lúc bi tráng, lúc đầy khí phách hào sảng. Và xuyên suốt trường ca, Phan Hoàng đã sử dụng giọng chủ âm là anh hùng ca. Các thủ pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng khá đa dạng. Thủ pháp dùng câu hỏi tu từ, câu hỏi không nhằm mục đích hỏi, kiểu lặp cấu trúc câu, từ, âm tạo sức gợi mãnh liệt về các hình ảnh lịch sử (thức dậy trong ta bước chân huyền thoại/ … thức dậy trong ta khí phách cha ông…/những ngọn gió mang hương hồn đất đai…/ những ngọn gió tiên phong mở đường…) [Gió khẩn hoang, tr 46]. Và sức hút của gió trong thơ anh càng mạnh bởi mỗi khi xuất hiện trong hình hài từ “gió” quen thuộc nhưng đều được thể hiện bằng những phong thái mới lạ khác nhau qua mỗi nhiệm vụ, mỗi giai đoạn lịch sử. Từ kết cấu này, cấu trúc xã hội trong thơ Phan Hoàng được trình hiện bằng nhiều giá trị đan xen, chồng chéo nhau. Đó là nơi cán cân công lý thiên về cái ác, thiên về kẻ giàu có và quyền lực. Những người quay lưng lại với xã hội, bất lực trước sự thay đổi nghiệt ngã của thời đại mới thì bơ vơ lạc lõng mất niềm tin vào nơi mình đang sống. Trong thơ anh có sự phức hợp, có khi là những cuộc đối thoại kịch liệt giữa văn hóa xã hội hiện đại và văn hóa truyền thống.Những xung đột trong cuộc sống của chính mỗi con người trong thơ anh cũng đang đứng trước thử thách của thời đại toàn cầu hóa.

Biểu tượng gió trong thơ Phan Hoàng đã góp phần diễn đạt lịch sử thăng trầm, nhen nhóm những khát vọng, ước mơ của người Việt. (Một thời núi là vị trọng tài phân chia ranh giới hai nước Việt – Chiêm (…) Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tông mở đường đến đây lấy cây rừng làm bút, lấy đá làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng xanh)/ Con đường minh quân xây bằng máu đào soi sáng đường bay chim Việt, nối ngàn xưa cho tới ngàn sau). [Cuộc trò chuyện giữa gió và núi, tr 28- 29]. Kiểu kết cấu đối thoại trong thơ này mở ra cấu trúc không gian và khoảng trống thời gian dành cho người đọc đồng hành tìm về nguồn cội cùng nhà thơ. Khoảng trống ngầm xuất hiện quan hệ câu hỏi tu từ (Gió từ đâu mà có?…Gió có nội có ngoại? – [Gió mở đường bay, tr21], hay – Núi nhớ gì một thời trận mạc? Núi nhớ gì một thời đội sấm đội chớp mở đường? Núi nhớ gì một thời làm người lính trấn biên?/Núi lại làu làu lịch sử… [Cuộc trò chuyện giữa gió và núi, tr 28]… giúp người đọc có nhiều cơ hội ngược lối thời gian đặt mình trong vị trí cần phải đối thoại với lịch sử 4.000 năm của dân tộc. Đây là một cách sáng tạo kết cấu cần thiết mà các nhà thơ cần lưu tâm trong sáng tác tại thời điểm này. Lịch sử được khai khẩn bằng một con đường riêng trong thơ Phan Hoàng: “Gió khẩn hoang”, “Gió xuôi chín khúc sông rồng”, “Tây Nam mùa gió chướng”. Lịch sử Việt Nam với những sắc màu đa dạng của nó đã hiện hình vào gió, vào thơ Phan Hoàng, để lại cho người đọc niềm cảm kích sâu sắc (Cảm ơn người mở đường/ hóa thân bước gió truyền kỳ”. “Sông rồng chín khúc mây bay/ Sông tình chín lúc gió ngây hương nồng) [Gió khẩn hoang, Gió xuôi chín khúc sông rồng, tr 46 – 52]. Và trên mỗi con đường đầy thương đau, trên lối ngược nghệ thuật ấy, Phan Hoàng đã mở ra niềm hy vọng cho bạn đọc vào cuộc sống. Đây là điều đáng quý trọng trong thơ Phan Hoàng dành cho các thế hệ người đọc. (Mỗi con đường thương đau/ mở ra chân trời hy vọng/ tinh lọc bóng đêm quá khứ/ kết nối ánh sáng tương lai [Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại – tr 79]).

Đọc thơ Phan Hoàng vì vậy người còn đọc được đắm mình trong trong không gian sâu rộng của đất nước theo một trật tự cảm xúc lôgic, những biến đổi của gió cũng tuân theo quy luật lịch sử: Những ngọn gió vô danh/ Gió tiếp sức ước mơ/ Bước gió  truyền kỳ/Gió dựng thành lũy biên cương… và tận cùng của gió là sự đối mặt với những cơn vượt thoát sinh tồn đời người. Gió là một kí hiệu mở, đa nghĩa. Nó không chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà còn là sự biểu đạt đa dạng, sinh động của tất cả các trạng thái sống, các cung bậc hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Kết cấu mở như thế luôn có khả năng rút ngắn khoảng cách giữa người đọc và thơ Phan Hoàng để tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới.

Tập thơ Chất vấn thói quen được dịch thành nhiều thứ tiếng

2. Nhân cách

Trong lối ngược ấy luôn có hình ảnh mẹ như nguồn cội cho cảm xúc thơ Phan Hoàng. Mẹ cũng là kí hiệu biểu tượng về lịch sử, về sự sống, về quy luật sinh tử dị diệt trong thơ Phan Hoàng. Mẹ chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng, hi sinh, cam chịu. Mẹ, ngọt ngào, nồng ấm, thiêng liêng, cho con biết yêu bản thân biết yêu quê hương, yêu những khoảnh khắc sống của con người. Mẹ chỉ cho mà không mong cầu con đáp trả. Mẹ đối lập với giả tạo, lừa lọc, bon chen… để  cho con đến chốn bình yên. Đọc thơ Phan Hoàng, dù ở đâu, bận đến mấy thì con cũng muốn bỏ hết, bỏ hết để về với mẹ! Từ những tập thơ trước, Mẹ là biểu tượng có sức ám gợi khá mãnh liệt trong thơ Phan Hoàng. Dù trong bất cứ thời khắc nào trong cuộc đời thì mẹ cũng xuất hiện bên con. Quy luật này được Phan Hoàng diễn tả bằng nghệ thuật bút vấn theo kiểu cấu trúc đối thoại song hành trong thơ.

Mẹ là người gánh ước mơ cho cuộc đời con, cho con mạng sống qua mùa loạn lạc, cho đất nước có chút bình yên trên những con đường loang lổ hố đen bao phủ, trên những sông suối lềnh bềnh ngầu đỏ máu tươi, trên những giải độc vạt rừng giãy giụa da cam… (Mẹ quảy mẹ chạy/…/ Tuổi thơ tôi trên thúng gióng tản cư/ Mẹ gánh ước mơ chạy qua mùa loạn lạc. … Bước mẹ đè gió nam cồ/…Gỡ nón quạt mùi bom/bóng mẹ che tầm đạn/ âu yếm con mẹ khóc… [Mẹ gánh ước mơ – tr 14]). Những ai đã trải nghiệm cảnh chạy loạn của người dân Việt trong chiến tranh đều có thể hiểu được niềm xúc động sâu sắc của tác giả khi đọc những câu thơ này. Mẹ cũng là mặt trời thao thức từng cơn vượt cạn không ngừng phải chống chọi những trận cuồng phong… [thuở cha canh rừng mẹ đưa con về giữ biển khơi…/ từ ngọn sữa bầu ơi thương lấy bí cùng của mẹ – Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, tr 17). Mẹ vì vậy là bí mật chuyển lưu nguồn sáng chân lý kỳ lạ, là quang hợp sức mạnh rồng tiên, là di truyền bản lĩnh núi non, là hội tụ sâu thẳm của tấm lòng biển cả, là người hào phóng cho con, cho nhiều thế hệ năng lượng tái sinh giống nòi! Mẹ hiện tồn trong nỗi ám ảnh sắc sắc không không, chênh vênh trong cuộc đời ba chìm bảy nổi, trên con đường sợ hơn bão táp của ông. (Một Con Người viết hoa/đột ngột rời nhân loại… tình yêu mẹ dở dang/hành trình khai mở dở dang – [Tình yêu tiếng mẹ dở dang, tr 59]. Mẹ dự báo trước những hiểm họa khủng bố và ô nhiễm, mẹ mang thông điệp của cái chết làm nhân chứng (Tiếng khóc sơ sinh như bông hoa chớm nở cũng có nguy cơ chết trên bầu vú nhiễm độc sữa mẹ… Tại sao trắng/ Tại sao đen – [Cái chết đen và vũ khúc trắng, tr 67]. Mẹ luôn ở phía thảng thốt sau những loạt bom dội xuống xóm làng, ruộng nương. (Ở phía ấy chiều chiều/ Mẹ tôi ngồi thất thần nhìn / nén từng hơi thở dài quay mặt khóc/ những giọt nước mắt xói mòn đôi vai/ gầy guộc cô đơn/…những bí mật lóng lánh xót xa/ như nước mắt mẹ tôi lặng lẽ gầy… [Con trâu thiêng, tr 80]. Mẹ minh chứng cho những cái lưỡi robot giáo điều đạo đức giả (Gã mặt người đánh mẹ ngã/ quỵ/ chiếc gậy tre chới với chống tuổi già chới với), [Về một đoạn phim buồn, tr 83]. Mẹ luôn trong nỗi mòn mỏi vì sự trưởng thành của con. Hình ảnh mẹ đớn đau, nghiệt ngã (Lại thêm những gã mặt người vung tay đánh đuổi mẹ/…Ôi những tiến sĩ, kỹ sư, luật sư học vấn tới chân răng/ bước ra từ gánh thóc mồ côi lướt giông đôi bão…/ bước ra từ người mẹ nghèo quắt queo mù chữ động kinh/ có khi nào trong giấc mơ các ngươi rùng mình/ bao giờ con lớn giống mẹ giống mẹ giống cha [Bao giờ con lớn?, tr 84]. Mẹ thường trực trong tâm thức, kể cả khi viết về bình nguyên bay, về những ngọn đồi, về tiến sĩ giấy, về những thầy giáo quấy rối tình dục sinh viên, về những ngôi mộ không cánh vụt bay… dù không cố ý viết về mẹ  thì mẹ vẫn ẩn hiện trong giờ lên rẫy sớm khuya  (Mượt mà mông/ mủm mỉm môi/ mơ màng mắt/ tình tang ngang dọc…/chàng trai nào mạnh như con hổ con báo chợ tình đêm nay?!/ tiếng khóc trẻ thơ thơm như tiếng chích chòe/ tinh mơ mẹ lên rẫy [Bình nguyên bay, tr 86]. Kể cả khi trái tim lạc nhịp đánh vật xứ người/ trả lãi từng đồng đô la nhan sắc…thì Mẹ đã xuất hiện trước đó trong nỗi day dứt khôn nguôi (Tôi đang ở đâu mảnh vườn trĩu nặng lời ru của mẹ?/…Dòng sông bị bắn trọng thương/ bởi những viên đạn bọc đường lén lút/ Tôi đang ở đâu tái tim thôn nữ rụt rè/ bước khỏi cổng làng …Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng… [Tôi đang ở đâu? tr 91]. Cả khi bàng hoàng nhận tin nhắn của  bạn Phan Hoang oi, me toi mat luc 3h24p  thì mẹ như cánh chim đêm/ mãi mãi hóa thân vào Châu Thổ… tôi bàng hoàng lội ngược gió sông Ba [Níu lòng sông Đáy, tr 94]. Mẹ là máu thịt của con (Mỗi nụ cười của con/ một nụ tầm xuân/ từ máu thịt mẹ cha nở ra xanh biếc…tỏa hy vọng những chân trời) – [Nụ tầm xuân 231, tr 231]. Khi bộn bề công việc thì mẹ cũng là bến bờ bình yên khiến con muốn bỏ tất cả để trở về (Gục đầu lên máy vi tính/ tôi thèm đứt ruột / được làm ngọn gió không đồng phục/ không điện thoại/ không internet/ bay về mái tranh vách đất của mẹ/ cởi trần lăn lóc tắm mưa…hóa con sáo sậu bước thấp bước cao/ bập bẹ nói cười …cậc cậc cậc…) – [Thèm làm ngọn gió tự do, tr 99].

Đến trường ca Bước gió truyền kỳ, mẹ vẫn không thôi ám ảnh trong ký ức tác giả. (Người lên đầu non/ người xuôi cuối bể/ xác hóa mây bay hồn về đất mẹ…[Những ngọn gió vô danh – tr 17]. Mẹ xuất hiện khi tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi, trong xanh như mắt sương mai (Những câu hỏi ngây ngô như ngọn gió ngây ngô bay khắp nhà  bay khắp vườn bay khắp cánh đồng mênh mông đêm đông vắng mẹ – [Gió mở đường bay – 21]. Mẹ bao dung bên cạnh dáng cha hiên ngang thách thức đại dương, thách thức những cơn giông lịch sử. Mẹ gắn với thăng trầm buồn vui của lòng đại dương khó đoán (Mênh mang đôi bờ cát dài độ lượng / gió say bầu rượu dân ca, sông Ba/ bao dung tấm lòng của mẹ/ mỗi cây lúa nghĩa tình/ nuôi cả lũ kiến chòm ong… [Gió tiếp sức mơ – 21]. Mẹ mang sự sống cho những miền hoang vắng (Gió dâng lên chín khúc hóa rồng cuồn cuộn ước mơ… gió dâng lên bao xóm làng trù phú như bầu sữa mẹ mới sinh con) – [Gió khẩn hoang – tr 46]. Mẹ là hình ảnh của lịch sử vọng lại (tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt…/mừng những bà mẹ trong cơn đau hạnh phúc sinh nở không còn) [Gió dựng thành lũy biên cương – tr 59]. Mẹ như biểu tượng của sinh mệnh tổ tiên (Cỏ hoa giấu nước mắt/ những con đường giấu kín biệt ly… nỗi đau hơn biển không nước/ nỗi đau mới tượng hình bụng mẹ đã đau/ trồi lên trên thân thể hấp hối chính mình/ hoa trái nhân hậu bao dung như nếp nhăn vầng trán mẹ – [Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại – tr 81). Mẹ song hành bên cạnh những nhân vật anh hùng nổi danh, những con người vô danh. Họ đều phải gánh chịu hằng hà những hy sinh mất mát, đớn đau trong các cuộc chiến: “bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con/ bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng” …bình thản trước nỗi lòng ta/gió biển tuổi thơ dang rộng vòng tay từ mẫu [Gió tiếp sức ước mơ – tr 43]. …Mẹ như thế …cũng là chứng tích sinh động, khủng khiếp của chiến tranh để lại ngàn đời, cho con, cho hậu thế! Mẹ đã cùng hóa thân trong hành trình ngược lối thơ con!

Phan Hoàng đã làm thơ theo lối vận dụng kết hợp cách viết của kí hiệu học nghệ thuật và lịch sử, hiện tượng luận và chủ nghĩa trực giác. Mặc dù đôi lúc các tầng tầng biểu tượng kí hiệu xuất hiện quá dày đặc, thiên về tính kể, sự chuyển mạch cảm xúc, chuyển cấu trúc câu đột ngột khiến cho người đọc mệt mỏi, mất phương hướng, muốn bỏ cuộc nhưng mỗi tác phẩm của anh đều có một kết cấu sáng tạo trong từng yếu tố chi tiết nghệ thuật riêng biệt. Một số đoạn thơ lặp cấu trúc liên tục, thiên về cách liệt kê nhân vật, sự kiện và địa điểm… đã tạo ra áp lực ngôn từ cho người đọc nhưng nhiều hình ảnh lạ hóa trong thơ được diễn đạt bằng các thủ pháp nghệ thuật khá phong phú khẳng định thêm phong cách đặc trưng của thơ Phan Hoàng. Cách viết của anh khiến người đọc nhận ra anh đã viết cho họ, đã dành cho họ một sự trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật, một khoảng lặng để nghiệm lại bản thân mình. Nhiều câu thơ đột phá cấu trúc có khả năng khuyến khích người đọc tìm cách giải phóng những kìm hãm của truyền thống từng gắn bó với thơ Việt như là bộ da của thân thể con người. Thơ Phan Hoàng vì vậy như một chiếc áo mới cách tân, khá hấp dẫn đã được khoác vào đúng đối tượng. Làm thơ, với anh như là quá trình thông diễn bản thể, là cách tìm lối đi riêng của một thi sĩ có khả năng chịu đựng “nắng gió” để đóng góp sức mình vào quá trình  kiến tạo xã hội phát triển đúng nghĩa, theo cách riêng của thơ.

TS. Mai Thị Liên Giang

(Rút từ tập tiểu luận “An trú miền đọc”)

Nguồn vanvn.vn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm