TIN TỨC

Thú vui tao nhã đậm hồn Việt

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-16 06:32:19
mail facebook google pos stwis
1904 lượt xem

HOÀI HƯƠNG

“Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” là những thú chơi tao nhã trong dịp Tết Nguyên đán theo truyền thống của người Việt từ xưa. Tranh là thú chơi đứng thứ nhì, đặc biệt, với những dòng tranh dân gian có lịch sử song hành từ thời lập quốc. Các bộ tranh Tết như một phần làm nên sắc màu Tết Việt, không chỉ mang thông điệp chúc phúc một năm mới an hòa thịnh vượng, mà còn là một phong tục, một phần tâm hồn, là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc của người Việt mỗi khi mùa xuân tới.

Thông điệp hạnh phúc - thịnh vượng

Trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt Nam, theo văn hóa truyền thống, ngoài cành đào, cành mai, bánh chưng, bánh tét, trái cây, mứt, các món ăn dân tộc, mỗi gia đình không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh Tết Việt để chưng và chơi Tết. Chơi tranh không chỉ là một thú vui tao nhã mà còn để tạo không khí vui tươi, rực rỡ cho gia đình vào những ngày đầu xuân và xua đi những điều rủi ro, xui xẻo.

Tranh Ngũ hổ - Hàng Trống

Trong nhiều tư liệu về lịch sử văn hóa Việt đều cho rằng tập quán chơi tranh Tết có nguồn gốc từ thời Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400), thực tế  không có bằng chứng xác thực nào. Nhưng trong sách sử thì có ghi, tranh Tết Việt Nam có từ thế kỷ XV và phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ chúa Trịnh Giang ra lệnh khắc bản in (năm Giáp Dần 1734), nước ta tự in sách Tứ Thư, Ngũ Kinh thay cho các loại sách trước đó phải mua từ Trung Hoa, thời kỳ nầy tranh Tết Việt Nam được in ấn phổ biến và được chấn chỉnh, bổ sung cho phù hợp thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Tranh tết thời kỳ này chân phương, thật thà qua nét bút và màu sắc, thể hiện sự to khỏe và sung mãn trong diễn đạt nội dung và bày tỏ niềm ước vọng một cuộc sống thanh bình, no ấm của mọi người.

Phong tục treo tranh trong nhà ngày Tết đã thành một truyền thống văn hóa được lưu giữ đến hôm nay và vẫn đang được phục hồi để phát triển theo thời hiện tại. Màu sắc rực rỡ trong những bức tranh Tết khơi gợi cảm giác mới mẻ, ấm cúng, rộn rã sắc Xuân trong mỗi gia đình, đồng thời tranh Tết cũng là nơi lưu giữ những giá trị tâm linh sâu sắc của người Việt và chính thế nó là một phần không thể thiếu trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa. 

Ngày trước, với các gia đình ở nông thôn, nhà tranh vách đất, ngày Tết có vài bức tranh và câu đối dán lên, xem như  ngôi nhà “lộng lẫy” hẳn lên để đón xuân, đón một năm mới với nhiều ước vọng sung túc, no ấm. Còn ở các thành phố lớn, treo tranh, chơi tranh không đơn giản chỉ là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên được một không gian sang trọng và quí phái, chứng tỏ được cái lễ giáo gia phong của gia đình.

Theo phong tục, thường ngoài cổng, dán hai bức tranh, một bên ông “Tiến Tài” - Tấn Tài, một bên ông “Tiến Lộc” - Tấn Lộc, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Đầu năm mới cũng là dịp sửa soạn lại bàn thờ, do vậy các tranh mang đề tài tín ngưỡng tâm linh thờ phụng cũng được gia chủ mang về bày biện, như tranh ông Công, ông Táo, các tranh Tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ, tranh vẽ về các ông Hoàng, bộ tranh ‘’Tam đa’’ tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu, tranh “Phúc - Thọ” với lời cầu “Phúc như Đông hải”“Thọ tỷ Nam sơn”… Tranh “Thiên hạ thái bình” - Chim công xòe cánh, tượng trưng cho phẩm chất cao quý và sự thịnh vượng, ngoài ra, tranh chim công trong nhà giúp xua đuổi tà ma. “Dạ xướng ngũ canh hòa”- Gà gáy năm canh, tiếng gà gáy xua tan âm khí, mang lại điều may mắn cho gia chủ.

Trong nhà, thường treo hay dán nhiều tranh với một số đề tài được ưa chuộng trong dịp Tết. “Vinh hoa - phú quý, nhân nghĩa - lễ trí”, gồm bốn bức, được chia thành hai cặp trai - gái: Lễ trí - bé gái ôm rùa, nhân nghĩa - bé trai ôm cóc, vinh hoa - bé trai ôm gà, phú quý - bé gái ôm vịt. ‘’Mẹ con đàn gà’’ và ‘’Mẹ con đàn lợn’’, với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, khát vọng sung túc cả năm. “Bà Nguyệt se duyên”, quan niệm người xưa, nếu kết duyên vào mùa xuân, trai gái sẽ có cuộc sống sung túc, đủ đầy, con cái khỏe mạnh. Tranh “Thất đồng” mang đến không khí rực rỡ, tươi trẻ ngày đầu xuân, gia chủ mong muốn có cuộc sống no đủ, phồn thịnh và con cháu đề huề. “Gà thư hùng” mô tả gia đình gà trống, gà mái và đàn con, gà mái ở thế uốn lượn, gà trống ưỡn ngực tạo thế trụ cột, che chở các con, tranh có dòng chữ Nôm: “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông” (Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh), gợi không khí đầm ấm, hạnh phúc trong gia đình.

Tranh ‘’Tố nữ’’ thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và thân thuộc giữa con người với thiên nhiên. Tranh ‘’Tứ quý’’ thể hiện ước vọng bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông hay Mai - Lan - Cúc - Trúc, Cầm - Kỳ - Thi - Họa, Ngư - Tiều - Canh - Mục, luôn tràn ngập âm thanh vui tươi, mang đến ý nghĩa cho sự thuận hòa, phát triển và bình an… ‘’Lý ngư vọng nguyệt’’ - cá chép vượt vũ môn hóa rồng, mong mỏi thi đỗ. Tranh “Vinh quy bái Tổ” như một lời chúc cho sự thành đạt của gia chủ, cũng là lời nhắc nhở động viên đầy ý nghĩa cho các thế hệ trẻ trong gia đình cố gắng nỗ lực học tập vươn tới thành công.

Bên cạnh loại tranh mang niềm ước vọng nêu trên còn có các tranh giáo dục luân lý như Lưu Bình - Dương Lễ, Sự tích trầu cau, Tấm Cám, Lục Vân Tiên…, tranh phong cảnh đất nước như: Chùa Hương, Chùa Một Cột, Hồ Gươm, Sông Hương núi Ngự… hoặc tranh về lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo đại thắng quân Nguyên

Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, mọi người cũng có thể dành vị trí trang trọng trong nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm. Ví dụ năm nay là năm Nhâm Dần, những bức tranh dân gian về Hổ sẽ là ưu tiên, như “Ngũ Hổ”- tranh dân gian Hàng Trống, phản ánh những thông điệp huyền bí mang tín ngưỡng dân gian.

Phong tục đẹp cần được lưu giữ và phát triển

Thú chới tranh Tết thật ra cũng đã mai một theo thời gian do những biến thiên lịch sử, nhiều cuộc chiến tranh, biến loạn, cả sau này khi hòa bình thống nhất đất nước, rồi khi các nền văn hóa ngoại du nhập, gây nhiều ảnh hưởng đến thị hiếu thưởng lãm tranh của những trào lưu văn hóa thế giới theo xu thế chung thời đại.. Những bức tranh dân gian có lúc chỉ còn trong bảo tàng hay trong một số rất ít những nhà sưu tập nghệ thuật. Ngay cả các làng nghề tranh dân gian cũng phải đồi nghề, tranh chỉ còn lại rất ít phục vụ cho mục đích hạn chế. Hơn nữa không cạnh tranh được với các loại tranh ngoại nhập hào nhoáng, giá thành thấp.

Từ khi khôi phục lại phong tục “xin chữ- cho chữ” ngày Xuân, có các cụ đồ ngồi viết chữ, thì như khôg thể thiếu, bên cạnh là những người bán tranh Tết dân gian, dần hồi phục những dòng tranh xưa, và cũng là lúc phong tục chơi tranh Tết được khôi phục. Tuy không sôi động và phổ biến như ngày xưa, song cũng đủ chứng minh nét đẹp truyền thống đã ăn sâu và trở thành một tập quán đẹp thì không dễ gì thay đổi, chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của các dòng tranh truyền thống.

Vài năm trờ lại đây, khi đời sống vật chất ngày càng ổn định, từ quan niệm ‘’ăn Tết’’ đang chuyển dần sang ‘’chơi Tết’’ thì việc “chơi” tranh ngày Tết cũng bắt đầu tạo thành một xu hướng quay về truyền thống, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, kề cả sự đầu tư kỹ lưỡng của người chơi tranh với yêu câu đòi hỏi cao hơn, tinh tế hơn, tinh xảo hơn. Song song những bức tranh dân gian theo lối vẽ và chất liệu truyền thống còn xuất hiện tranh Tết có chất liệu đa dạng như tranh gốm sứ, tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ, tranh đá quý… và vẫn dựa trên những đề tài của tranh dân gian xưa, hàm chứa các thông điệp nhân sinh quan, thế giới quan sâu sắc, có giá trị truyền đạt ý nghĩa giáo dục như rèn đức, luyện tài, tích phúc, để đức cho con cháu đời sau.

Treo tranh dân gian trong ngày Tết đã từng là thú vui tao nhã, phong tục đẹp của người Việt Nam, trước đây hầu như không có nhà nào không treo tranh trong dịp Tết. Ngày nay, tuy có ít hơn nhưng thú chơi này vẫn đang được duy trì trong những gia đình truyền thống và những người yêu cái đẹp truyền thống. Trong sự phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của các loại hình nghệ thuật mới, tranh dân gian hiện tại chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn, nhưng vẫn được sự mến mộ của những người yêu nghệ thuật dân tộc tìm đến, lưu giữ và bảo tồn. Ngày Tết, bên rất nhiều vật phẩm trong cỗ bàn, vẫn còn thấy những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Hoàng Kim. Tranh kính Nam bộ, tranh Làng Sình… được treo trong nhiều gia đình. Riêng với các nhà sưu tầm thì tranh dân gian luôn là ưu tiên hàng đầu bởi được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. 

Chơi tranh Tết, dù là tranh dân gian hay tranh hiện đại đều thể hiện sự ngưỡng vọng của con người trước cái đẹp cùng những ước vọng cho năm mới. Trong xã hội hiện đại, các nghệ sĩ Việt đang hướng tác phẩm của mình với ý nghĩa làm sống lại lĩnh vực tranh Tết. Đây cũng chính là một cách dựa vào truyền thống để đến với những mục tiêu xa hơn, lâu bền hơn cho nghệ thuật tranh Tết dân gian Việt Nam

Và nét đẹp của thú chơi tranh dân gian ngày Tết được các thế hệ người Việt lưu giữ như bảo tồn những giá trị bất biến văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nguồn Văn nghệ số 7/2022

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm