- Lý luận - Phê bình
- Hoàng Phủ Ngọc Tường – Người hái nỗi buồn trong cõi phù vân
Hoàng Phủ Ngọc Tường – Người hái nỗi buồn trong cõi phù vân
Trần Hoài Anh
Không phải ngẫu nhiên trong Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 4 – Thơ (Nxb. Trẻ ấn hành, 2002), trong lời mở đầu ông đã xác quyết: “Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn – nhà - ở - đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. (1)
Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường
- Dẫn nhập
Không phải ngẫu nhiên trong Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 4 – Thơ (Nxb. Trẻ ấn hành, 2002), trong lời mở đầu ông đã xác quyết: “Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn – nhà - ở - đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. (1)
Vậy mà, có một thời không xa, trong văn học, chủ đề viết về nỗi buồn bị “đứt gãy”, có khi còn bị “cấm kỵ”. Và nếu nói đến nỗi buồn, cũng là một nỗi buồn xa lạ với phẩm tính vốn có của trạng thái tình cảm nầy. Đó là nỗi buồn mang âm hưởng “hùng ca” như Tố Hữu đã khẳng định trong bài thơ Cảm thông năm 1941, ông viết trong nhà lao Qui Nhơn, in 1946 trong tập Từ ấy: “Buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn/ Buồn ta, ấy lửa đương nhen/ Buồn ta, ấy rượu lên men say nồng”. Suy niệm về nỗi buồn trong thơ như thế, nên dù viết về cuộc chia ly cũng là “cuộc chia ly màu đỏ” (Nguyễn Mỹ). Vì vậy, những bài thơ dù đạt đến trình “cổ điển” trong thơ ca nước nhà thời tiền chiến như: Đây mùa thu tới, Vội vàng của Xuân Diệu, Ngâm ngùi, Tràng giang, Buồn đêm mưa của Huy Cận, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Cây Đàn Muôn điệu của Thế Lữ, Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử, Lỡ Bước sang ngang của Nguyễn Bính… hay các bài thơ trong thời kháng chiến chống Pháp như Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ của Quang Dũng, Nhà tôi của Yên Thao… đều bị liệt vào loại thơ “buồn rơi, mộng rớt”, không được phổ biến trong đời sống văn học miền Bắc thời kỳ 1954-1975 cũng như trên phạm vi cả nước từ 1975 cho đến 1986. Thế mà, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại dám tuyên ngôn “Thơ cần phải trở về căn – nhà - ở - đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn”. Liệu Hoàng Phủ Ngọc Tường có “to gan” lắm không? Có “nổi loạn hiện sinh” không mà dám xác quyết như thế!?
2. Không! Hoàng Phủ Ngọc Tường không hề “to gan”, không hề “nổi loạn hiện sinh”, một triết lý mà ông và giới trí thức miền Nam, trước 1975 đã chịu ảnh hưởng sâu sắc như chính ông đã từng “thừa nhận” khi xác quyết, tinh thần dấn thấn của Sartre và “xuống thuyền” của Albert Camus, những nhà hiện sinh tiêu biểu ở thế kỷ XX của Pháp và thế giới là căn nguyên dẫn dụ ông đến với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam trong những năm 1954-1975. Không những thế với ý thức “phản tỉnh” cùng với kiến văn uyên áo và tư duy luận lý của một nhà nghiên cứu triết học (Hoàng phủ Ngọc Tường tốt nghiệp Đại học sư phạm Sài Gòn khóa 1, ban Việt – Hán -1960; Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế -1964) và sự tinh tế của một thi nhân, thì việc ông nhận ra: “Ngôi nhà hữu thể thực sự của thơ và quyền đích thực của thơ” là phải chuyên chở được nỗi buồn, một trong những trạng thái tình cảm tất yếu của con người trong cõi nhân sinh đầy đau khổ là điều không đáng ngạc nhiên. Chỉ có điều ngạc nhiên tại sao Hoàng Phủ Ngọc Tường không “ngộ” ra điều nầy sớm hơn, để thơ ông sáng tác trước 1995, khi tập thơ Người hái phù dung xuất bản, gần hơn với cuộc sống nhân sinh, thấu cảm hơn về nhân tình trước những lẽ biến dịch của cuộc đời, bớt đi những tiếng reo vui một cách hồn nhiên, thấm đẫm hơn nỗi buồn nhân thế, trước những đau khổ của phận người. Bởi, nói như Đức Phật: Đời là bể khổ nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước bể, nên Nguyễn Công Trứ, một nhà thơ đầy “cá tính và ngạo mạn” cũng phải phải thốt lên: “Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe/ trần có vui sao chẳng cười khì?/ Khi hỉ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi/ Chứa chi lắm một bầu nhân dục” (Chữ nhàn). Vậy mà, chính Hoàng Phủ Ngọc Tường trong những tháng năm cầm bút viết văn, làm thơ thời kháng chiến đã “vô tình” không “hề” nói đến nỗi buồn, vì sợ “phạm qui” chăng!?. Thế nên, cũng như thơ kháng chiến lúc bấy giờ, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “tắm mình” trong khí quyển của niềm vui và lòng tin thắng lợi như nhà thơ chia sẻ: “Xuân năm nay con vẫn xa nhà/ Nhưng đất nước vang lừng tin thắng lợi/ Biết con chưa về mẹ ngồi mẹ đợi/ Mai bên thềm trải mấy độ hoa/ Mẹ thương con ra đứng ngõ sau/ Gió xuân qua động lá vườn đào/ Bồi hồi nhớ dấu chân năm nọ/ Tưởng nghe tiếng cười trong nắng xôn xao”. (Dấu dép cao su trong vườn mẹ); Hay: “Ta đã hái một mùa xuân lộng lẫy / Mỗi người mang trên ngực một hoa hồng” (Những dấu chân qua thành phố). Ta có thể cảm thông và chia sẻ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, lúc đó ông không thể nào viết “khác” được, khi phía trước là lý tưởng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc và khát vọng thống nhất nước nhà đang là lời mời gọi thiêng liêng với bao thế hệ con cháu Lạc Hồng. Nhưng, sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật, trong đó có thơ ca lại có qui luật riêng. Thơ viết về niềm vui với những tiếng reo ca nếu chỉ để tụng ca nhất thời mà không được nâng cao bằng đôi cánh nghệ thuật, sẽ qua đi rất nhanh, khó đọng lại trong lòng người đọc. Trái lại, thơ viết về nỗi buồn, niềm đau, về sự mất mát, tan vỡ lại sống rất lâu trong tâm thức người đọc và tồn sinh trong tâm cảm họ như một thiên thể lấp lánh của mỹ cảm thi ca. Bởi, ở những thi phẩm nầy cảm xúc của thi sĩ khá thành thực, nên dễ chạm đến trái tim người tiếp nhận, nói như Edgar Poe: “Sự Đẹp bất cứ ở hình thái nào, khi đã nẩy nở đến cực độ, bao giờ cũng xúc động cho đổ lệ một con người đa cảm. Vậy thì giọng sầu thích đáng nhất trong các giọng thơ” (2). Thế nên, chúng ta không ngạc nhiên có những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn như: Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, Ngậm Ngùi của Huy Cận, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng…. dù trải qua những “thăng trầm” trong cuộc thế, dẫu bị cho là thứ văn chương “không đau mà rên” vẫn sống mãi trong tâm thức người đọc. Bởi, đây là thơ của một đời chứ không phải là thơ của một thời. Và từ những nghiệm sinh của đời mình, phải chăng, đã đến lúc Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận ra đâu là chân giá trị của thi ca, cho nên sau thời kỳ đổi mới, khi được sống trong khí quyển dân chủ của đời sống xã hội, ông đã tự chuyển đổi tư duy sáng tạo thi ca của mình, hay nói cách khác, ông trở về với phẩm tính Người đích thực của một thi nhân nhuần thấm tinh thần triết lý Đông - Tây mà tập thơ Người hái phù dung của ông là một minh chứng.
Ta hãy nghe Hoàng phủ Ngọc Tường chia sẻ sự cảm nghiệm trước những giới hạn của đời người trong kiếp phù sinh qua lẽ biến dịch của tự nhiên, khi thi nhân nhận ra mọi thứ trên cõi nhân gian chỉ là hư ảo: “Anh hái cành phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay/ màu hoa như màu ánh nắng/ Buổi chiều chợt tím không hay/ Nhìn hoa bâng khuâng anh nói: Mới thôi mà đã một ngày/ (…) Thiết tha anh nói cùng trăng/ mới thôi đã tròn một tháng/ Nhìn trời ngẫn ngơ anh nói: / mới thôi mà đã một năm/ Rồi sẽ một ngày trắng tóc/ Nhưng lòng anh vẫn khôn nguôi/ Thời gian sao mà xuẩn ngốc/ Mới thôi đã một đời người” (Dù năm dù tháng). Bài thơ là biểu hiện sự ám ảnh trong tâm thức nhà thơ với những suy niệm, ưu tư về cuộc đời, về thân phận trên tinh nhần nhân bản của chủ nghĩa hiện sinh và lẽ vô thường của triết lý Phật giáo, khi ông nhận ra cuộc đời chỉ là “nơi tôi giử bóng”. Thế nên, thi nhân đã ngậm ngùi, xa xót nhận thấy những điều vô nghĩa của đời sống “vang vọng” từ chính cuộc đời mình: “Dẫu đi hết cuộc đời/ Nơi này tôi gửi bóng/ Gửi cả tiếng khóc cười/ Của đời tôi vang vọng”. Từ cảm thức phù du, hư ảo, thi nhân đã “ngộ” ra mọi thứ trên đời chỉ là “cái bóng”, là “ảo ảnh” nên đã chối bỏ, thậm chí phủ nhận chính sự hiện hữu của mình trong “cái nhìn” của tha nhân : “… Đừng để thấy trong em/ Gương mặt tôi tan vỡ” (Nơi tôi giử bóng). Và đây chính là bi kịch của thân phận!
3. Có thể nói “cái bóng” là biểu tượng của sự ám ảnh hiện sinh trong cảm thức hư ảo về cuộc đời và thân phận ở thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là căn tố khiến ông trở thành một thi nhân “đi hái nỗi buồn trong cõi phù vân” mà ta có thể cảm nhận qua bài Dạ Khúc đầy mộng mị và huyền hoặc: “Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh/ Nửa vành môi cong hờn dỗi/ Em xỏa muộn phiền trên gối/ Rối bời như mớ tơ xanh (…) “Có nỗi buồn nào như chiều nay/ Căn phòng anh bóng tối dâng đầy/ Anh lặng thầm như là cái bóng/ Hao tàn một mình mà em không hay” (Dạ khúc). Và khi niềm cô đơn đã đẩy đến tận cùng của nỗi đau bản thể, khi con người đối diện với sự trống không trong căn phòng chỉ “bóng tối dâng đầy” thì sự hiện hữu của con người cũng trở thành vô nghĩa nên “Anh lặng thầm như là cái bóng”. Bài thơ vì thế, không chỉ chứa đựng nỗi buồn mà còn chất chứa những niềm đau !?… Có phải vì những ám ảnh của những “cái bóng” mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã cho rằng thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là thơ của “Cõi tâm linh” khi cụ thể, điều nhà văn Nguyễn Tuân trong giấc mơ đã nói với anh: Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là thơ của cõi âm” (3). Còn theo tôi, nỗi buồn và niềm đau trong Cõi phù dung của Hoàng Phủ Ngọc Tường, không chỉ biểu hiện tâm cảm thi nhân trước cuộc đời hư ảo mà còn là sự đặt để của số phận mà ông đã mặc nhiên chấp nhận như một định mệnh: “Nghìn năm trước có một người Hy Lạp/ Đứng hát tình sầu bên dòng sông/ Dòng sông mãi trôi không còn lưu bóng/ Còn một người đứng trước mênh mông” (Tình sử Hy Lạp). Vẫn là “cái bóng” đầy ám ảnh, vẫn là nỗi buồn và niềm cô đơn thân phận trước thế sự mênh mông khi “ngộ” ra con người không thể vượt qua giới hạn của chính mình, mà một trong những giới hạn mang tính tất yếu, đó là cái chết, là sự hủy diệt, là sự tàn phai mà Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn thức nhận cho chúng ta: “Cây bỗng chết giữa giờ định mệnh/ Tiên rũ buồn đã rũ nát trong cây”/ Hẹn cùng nhau ta băng qua Giới Hạn/ Có ngờ đâu em cũng vô thường”; “Chàng hóa làm phù du cánh phấn/ nhẹ thênh thênh bay tới thiên hà/ Tôi sẽ tìm em giữa mịt mờ vô tận/ Dù một ngày còn đập cánh tài hoa” (...) “Cánh phù du bay hoài không nghỉ/ Chút thời gian lay động ở trên cao/ Bụi phù du kết thành tinh thể/ Người trần gian mê mải nhìn sao” … (Tình sử Hy Lạp).
Khi luận về thơ, Voltaire, một danh nhân văn hóa của nhân loại đã cho rằng: “Loại thơ cao siêu bao giờ cũng chú trọng đến sự bất hủ hóa những thống khổ của con người”(4). Có phải suy niệm như thế không mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phủ lên thơ mình những lớp sương khói của nỗi buồn và đã huyền thoại hóa nỗi buồn qua rất nhiều trạng thái cảm xúc, xem nỗi buồn là nơi chất chứa tất cả nỗi “thống khổ” của con người. Điều nầy thể hiện qua rất nhiều bài thơ viết về nỗi buồn của ông. Đó là căn nhà tràn ngập nỗi buồn ở “phố Đạm Tiên” mang tên “Địa chỉ buồn”: “Nhà tôi ở phố Đạm Tiên/ “Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu” / Có mùi hương cỏ đêm sâu/ Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm/ Tôi về ngủ dưới vầng trăng/ Có em từ chốn vĩnh hằng nhìn tôi/ Tình xa, xa mãi trong đời/ Tóc xanh tiên nữ rối bời trên tay” (Địa chỉ buồn). Bài thơ là sự kết hợp giữa nỗi buồn và cảm thức phù du về cuộc sống và thân phận qua hình tượng thơ giàu tính biểu tượng. Đó là hình ảnh “phố Đạm Tiên”, ở đó cái tôi bản thể của thi nhân như đang trôi trong tâm thức hiện sinh để hái những nỗi buồn trong cõi hư không với những cơn mưa ảo vọng, mang dấu vô thường: “Mưa một trời hư không/ Buồn đau sao muôn trùng/ Mưa bay ngoài muôn trùng/ Lòng sao như rỗng không (…) Gõ hai đầu âm dương/ Một kinh cầu vô vọng/ Gửi hai cành hoa trắng/ Về một màu khói hương (…) Trên tài hoa nhầu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/ Mưa in dấu vô thường” (Kinh cầu trong mưa).
4. Cảm thức về nỗi buồn trong cõi phù hư có thể xem là một phẩm tính thi ca đậm chất nhân văn chi phối hành trình sáng tạo thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường sau những tháng năm ông giã từ cuộc chiến, trở về cuộc sống đời thường với bao nhiêu lo toan của kiếp người, nhất là những tháng năm khó khăn của đất nước thời hậu chiến. Điều nầy, không khỏi làm thi nhân “chạnh lòng” khi nhận ra tất cả những gì mình từng có trên đời, kể cả những điều “mơ tưởng” cao xa như “đôi cánh trên trời” cũng chỉ là ảo vọng, phù du: “Bỏ quên đôi cánh trên trời/ Em về mặt đất làm loài phù du/ Tưởng cho ta cả thiên thu/ Hóa ra một chút sương mù trên tay (…) Em dù khát vọng khôn nguôi/ Dấu ta tôi cũng mây trôi tuyệt mù/ Nửa chừng ngảnh lại thiên thu/ Người phù du – ta phù du với người” (Một chút sương mù trên bàn tay). Vì thế, khi nghĩ lại những năm tháng dấn thân trên con đường đấu tranh gian khổ, bên cạnh những niềm vui, sự phấn kích, thơ ông vẫn hằn sâu trong đó những nỗi buồn: “Hoa nào nở buổi lâm hành/ Con chim nào hát ngày anh lên đường/ Đêm đông nghe đổ mưa nguồn/ Nghe thời gian xõa sợi buồn xuống vai” (Đoản khúc ở rừng). Và không chỉ có nỗi buồn mà còn có niềm cô đơn chất ngất, khi nghĩ về những ngày ở Trường Sơn, thời kháng chiến: “Thôi em xa thẳm Trường Sơn/ Ngày xưa anh vẫn cô đơn đã thường/ Đêm qua nằm nhớ mưa nguồn/ Con chim tắt lửa kêu buồn mấy năm” (Đêm qua).
Có lẽ, đây là điều khác biệt của Hoàng Phủ Ngọc Tường với những người tham gia kháng chiến. Bởi, khi nghĩ về những ngày kháng chiến đã qua mà ông dự phần như một chứng nhân, thi nhân không nhìn cuộc sống kháng chiến với những niềm lạc quan mà còn thấy vang vọng trong ông những tiếc nuối, những xót xa trước lẽ biến dịch của thời gian và cuộc sống cùng nỗi cô đơn thân phận mà bài thơ Ta lại hát như thời trai trẻ đã thể hiện rõ điều ấy: “Mới thôi mà dòng sông thời gian/ Đưa ta về giữa hai bờ lau trắng/ Một mình ta với mùa thu im lặng/ Ta lang thang tìm lại gốc thông già/ Có ngờ đâu rừng vẫn giữ giùm ta/ Nét tên em dưới mũi dao ngày nọ/ Và những gì em cho ta năm tháng cũ/ Chìm trong cây thành một vết thương sâu” (Ta lại hát như thời trai trẻ). Để rồi, thi nhân than thở “Ngậm ngùi ta hỏi non cao/ Trần gian ơi về phương nào hoa bay?/ Cho ta tìm lại một ngày/ Một bông hồng nở trên tay một người” (Một chút sương mù trên bàn tay) và tự an ủi: “Rồi cũng qua một đời/ Chút “ngày xanh”, có vậy!/ Ai tìm lại giùm tôi/ Những ngày thương mến ấy”. (Sự tích một tia nắng). Đây là điều rất thực khi nhà thơ đã nhận ra cái lẽ vô thường của cuộc sống phù du cũng như những đổi thay của tình đời, tình người mà những va đập của thế sự không khỏi làm cho thi nhân ngẫm ngợi, ưu lo: “Niềm vui chung cho bao người/ Sầu đau dành cho riêng tôi (…) Như con gấu buồn mùa đông/ Ôm trái tim chờ mùa xuân, Em mang cho anh bông hoa/ Rằng ngày buồn sẽ trôi qua (…) Anh chết một mình đêm qua” (Không đề). Để rồi, thi nhân tự cật vấn chính mình suốt hành tình đi tìm cái tôi bản thể mà có khi, thi nhân đã “tự nguyện” đánh mất hoặc “bị” đánh cắp ở một đoạn đời trong một thời không xa, để rồi, có khi không còn nhận ra chính mình: “Có nhiều đêm tôi trở về, gặp tôi/ Người là ai? Là đóm lửa ven đời/ Ôi đóm lửa vẫn từng đêm hiu hắt/ Nhớ một người. Và mãi mãi khôn nguôi” (Nhớ một người). Và cuộc hành trình đi tìm cái tôi bản thể ấy luôn ám ảnh thi nhân như một sự đặt để của số phận, nên dù có hóa thân thành “cỏ cây”, thành “giọt sương” hay “chú dế vô tư”, hoặc một “sinh linh” nào khác cũng không sao thoát khỏi được nỗi buồn: “Hỡi con dế buồn sầu của linh hồn tôi/ Đêm nay ngươi hát ở đâu/ Đêm nay/ Ta cầu xin cho nỗi khát của ngươi/ Một giọt sương bên trời (…) Có nhiều khi tôi quá buồn/ tôi ước mong chung quanh chỗ tôi ngồi/ Mọc lên thật nhiều cây cỏ/ Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá/ Tôi gập người trên bóng tôi/ Không nghe tiếng ai nói cười/ Tôi còn ngồi chi đây một mình/ Cắn móng tay từng ký ức mong manh/ Giống như con châu chấu nọ/ Gặm hoài lá cỏ xanh” (Trên dấu rêu mờ). Vì vậy, cuộc kiếm tìm cái tôi bản thể của thi nhân không bao giờ có hồi kết vì dù hóa thân, phân thân thành cái gì đi nữa cũng không “chạy trốn” được nỗi buồn trong cuộc đời đầy những bất an nầy: “Cảm ơn người trái đào tiên/ Tôi về lãng đãng nơi miền cỏ gai/ Cỏ gai hoa thắm mặt người/ Trinh nữ ơi trinh nữ ơi – tôi buồn/ Thôi người ở lại soi gương/ Tôi đi về phía con đường cỏ lau/ Nợ người một khối u sầu/ Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi/ Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa/ Có nàng xõa tóc tiên nga/ Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa” (Về chơi với cỏ). Song, càng đi kiếm tìm, thi nhân càng rơi vào bế tắc. Bởi, tất cả cuộc kiếm tìm kể cả kiếm tìm bản thể của mình hay kiếm tìm một “thiên đường” nào đó cũng chỉ là sự kiếm tìm một điều không có, hay nói cách khác đó là sự kiếm tìm trong chốn hư không, đây là sự kiếm tìm vô vọng, vì cuộc sống vốn dĩ là vô thường: “Anh đi tìm khắp thiên đường/ Chỉ còn một đóa vô thường gửi em / Gửi em một nét sông mềm/ Con đò áo trắng đã chìm trong mưa/ Rằng sông buồn tự thuở xưa/ Vầng trăng mộng mị bây giờ là anh (…) Gửi nghìn năm cho mây trời/ Gửi cơn mê đắm cho đời phù du/ Gửi thêm một chút sương mù/ Vào trong đôi mắt hồ thu của người” (Gửi cho người). Cho nên, cuối cùng thi nhân cũng chấp nhận phận số: “Mai về ngủ dưới trăng sao/ Nằm nghiêng gối cũ chiêm bao thấy người/ (…) Em còn ngà ngọc bàn tay/ Cho ta cầm tới bên này hư không/ Chỉ cầm theo một chút lòng/ Chút tóc xanh chút môi hồng, chút thôi! / Buồn từ dạo ấy chưa nguôi/ Ngoài kia sương khói đã trời sang thu/ Ta còn một chút phù du/ Hóa thành một kiếp đền bù cho em” (Xin người chút không). Bởi, nói như A. De Vigny:“Nhà thơ khổ sở vì không có gì thay được cho y những cảnh y thấy trong mộng tưởng”. (5)
Quả vậy, thơ là thế giới của nội cảm, của tưởng tượng. Thế nên “mộng tưởng” là đặc quyền của thi nhân. Nhà thơ không có mộng tưởng sẽ không sáng tạo được thơ và điều đó đồng nghĩa với thơ sẽ chết và nếu có sống thì cũng chỉ là một thứ “xác ve” vô hồn. Điều nầy rất đúng, không chỉ với Hoàng Phủ Ngọc Tường mà với tất cả những thi sĩ đích thực. Thế nên nhà thơ Bùi Giáng mới cho rằng: “Cõi thơ là cõi bồng phiêu”; Còn với Đông Hồ, “Thơ là mộng trong mộng. Mộng đã là khó bắt gặp được huống còn là mộng trong mộng nữa, thì còn khó bắt gặp biết bao. Cuộc thế dầu là thực thể vẫn là một thực thể mị thường. Hình bóng thơ không phải là một thực thể. Như vậy, thơ còn mị thường hơn hình bóng mị thường”(6). Và với Huỳnh Phan Anh, “Thơ là mộng ước. Trong mộng ước không còn cái hữu hạn. Mộng ước là cơ hội để con người mơ màng vô hạn”(7). Vì vậy, cảm nghiệm về sự phù du của kiếp người ở thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là bức hồi ảnh của thế giới mộng tưởng trong ông, nên khi đối diện với thực tại phủ phàng, giấc mơ đổ vỡ nên nảy sinh bi kịch. Người ta gọi đó là bi kịch vỡ mộng. Đây chính là căn tố tạo nên những muộn phiền, biến thi nhân trở thành gã “tiều phu” đi nhặt nỗi buồn để sáng tạo thơ, từ đó hình thành thi pháp buồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà thơ La Fontaine đã từng nói: “Buồn bay theo cánh thời gian” (8). Có phải vì thế, mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phủ đầy nỗi buồn trong thơ mình trên mọi không - thời gian, mọi sự vật, hiện tượng của đời sống như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh nên trong thơ ông ta thấy xuất hiện một ngữ hệ với những từ “buồn” hiện hữu trong các câu thơ như: Có nỗi buồn nào như chiều nay (Dạ khúc); Tiên rũ buồn đã rũ nát trong cây (Tình sử Hy Lạp); Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm (Địa chỉ buồn); Buồn đau sao muôn trùng (Kinh cầu trong mưa); Nghe thời gian xõa sợi buồn xuống vai” (Đoản khúc ở rừng) Con chim tắt lửa kêu buồn mấy năm” (Đêm qua); Như con gấu buồn mùa đông (Không đề); Hỡi con dế buồn sầu của linh hồn tôi (…) Có nhiều khi tôi quá buồn (Trên dấu rêu mờ); Trinh nữ ơi trinh nữ ơi – tôi buồn (…) Nợ người một khối u sầu (Về chơi với cỏ); Rằng sông buồn tự thuở xưa (Gửi cho người); Buồn từ dạo ấy chưa nguôi (Xin người chút không)… Và Hoàng Phủ Ngọc Tường đi hái nỗi buồn trong cõi phù vân cũng chính là tìm đến với nỗi cô đơn bản thể, nơi ấy có thể là thiên đường cũng có thể là địa ngục. Biết đâu!? Bởi, nói như A.De Musset: “Buồn như cánh cửa đề lao” (9) Và các bài thơ, Nhớ lá; Thiền định; Hoa Thủy tiên là minh chứng sinh động cho điều ấy: “Và chiếc lá em cầm tay ngày nọ/ Đã cuốn theo ảo ảnh tân bên trời” (Nhớ lá); “Ngày ấy, tôi thường hay đến đây/ Đăm đăm soi mặt nước hồ này/ Khói sương nhả tự trên trời xuống/ Chỉ một mình tôi với bóng cây / Tôi thích về ngồi giữa lặng im/ Rừng thông thoảng nhẹ khí thu chìm/ Không ai cười nói, không ai khóc/ Chỉ một mình tôi với bóng chim (Thiền định); “Có một loài hoa không biết tên/ Vàng tươi như là nỗi buồn riêng/ Tôi e những hạt linh hồn ấy/ Rơi xuống thành hoa giữa tự nhiên” (Hoa Thủy tiên).
Là một nhà văn với những trang bút ký đặc sắc và tài hoa, ngọt ngào như nước sông Hương, dịu êm như mây trời xứ Huế nhưng cũng không kém phần dữ dội và mãnh liệt khi ông tuyên chuyến với cái xấu, cái ác. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có một vị trí xứng đáng trên văn đàn, tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường từ nhiều năm. Không những thế, bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của ông luôn trở thành ngữ liệu cho các kỳ thi Trung học phổ thông và thi vào đại học. Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong đó có thơ ca đều bắt nguồn từ một quá trình nghiệm sinh với những ngẫm ngợi về những chiều kích khác nhau trước hiện thực đời sống nên tư duy sáng tạo nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tư duy triết luận thấm đượm tinh thần duy mỹ. Vì vậy, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thiên về biểu hiện cái đẹp, trong đó có cái đẹp của nỗi buồn nên có thể gọi thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là thơ của mỹ học về nỗi buổn. Nỗi buồn trong thơ ông chính là hiện thân những cảm giác, suy tư, ưu lo của ông trước những buồn vui, được mất trong cuộc đời, nói như P. Reverdy: “Nhà thơ gần như chỉ sống bằng cảm giác, hướng lên ý tưởng, và rốt cuộc, chỉ bày tỏ những tâm tình” (10). Và, mặc dù bút ký của ông được các nhà phê bình văn học đánh giá cao nhưng tôi thích thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường hơn, vì văn xuôi của ông luận lý và tỉnh táo quá, còn thơ ông thiên về cảm xúc, suy tư nên mê đắm hơn, trăn trở hơn, buồn hơn, nhất là những bài trong tập thơ Người hái phù dung…
5. Thay lời kết
Với tâm cảm của một văn thi sĩ tài năng, cùng tư duy của một người đam mê triết học, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là thơ của một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý trí và tình cảm. Nỗi buồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ là sự kết tinh của cảm xúc mà còn là sự kết tinh những suy niệm của ông về lẽ biến dịch của phận người trong kiếp nhân sinh, nói như Friedrich Schiller: “Tiềm thức hợp với suy tưởng, tạo thành nhà thơ” (11)
Tôi chọn “định danh” cho Hoàng Phủ Ngọc Tường là người hái nỗi buồn trong cõi phù vân. Bởi, nỗi buồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là sự hóa thân của những mỹ cảm trong tư tưởng triết học Đông Tây, là sự hợp hôn giữa triết học Phật giáo, Lão giáo với chủ nghĩa hiện sinh mà khi “đốn ngộ” những tư tưởng nầy, con người sẽ bình tâm hơn, tự tin hơn để sống và thấy rõ hơn trách nhiệm đối với bản thân mình và tha nhân. Thế nên, nỗi buồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường không làm người ta bị lụy, chán chường, yếm thế với những suy nghĩ tiêu cực trước cuộc sống, ngược lại, nó giúp người ta hiểu và nhận ra những giới hạn của đời người, hiểu hơn về lẽ vô thường trong cuộc sống để biết sống nhân ái hơn, tử tế hơn, bớt đi những sân si, tị hiềm, khi mà cái ác, cái dã man vẫn còn đe dọa cuộc sống con người mỗi ngày. Bởi lẽ, con người, dù có ham muốn đến đâu, ước vọng đến đâu, cuối cùng cũng không thể vượt qua định mệnh của chính mình, cũng trở thành một gã “tiều phu” đi hái nỗi buồn của đời mình trong chốn phù vân. Nỗi buồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường là những nỗi buồn đẹp, lấp lánh sắc màu tâm cảm và tư duy triết học. Nói như Edgar Poe: “Coi sự Đẹp là thuộc lĩnh vực của tôi, tôi bằng tự hỏi xem cần theo giọng nào để phơi bày cho Đẹp rạng vẻ cao quí nhất: Song tất cả kinh nghiệm đã cho thấy giọng đó là giọng buồn” (12). Và đây, có thể xem là những giá trị làm nên tính nhân bản trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Để khép lại bài viết nầy, mời bạn đọc hãy suy ngẫm bài thơ Vẽ tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà theo tôi, có thể xem là tuyên ngôn hiện sinh về tâm thức phù du, ở đó sự cảm nhận về hư vô như một yếu tính tạo nên nỗi buồn trong thơ. Bởi, tất cả những gì hiện ra ở bài thơ là sự thiếu vắng, không hoàn thiện, sự vỡ vụn của những mảnh đời và thân phận: “Vẽ tôi một nửa mặt người/ Nửa kia mê muội của thời hoang sơ/ Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ/ Bàn tay em vỗ bên bờ hư không/ Vẽ tôi một đóa hoa hồng/ Tàn phai từ bữa em cầm trên tay/ Vẽ tôi một nét môi cười/ Một dòng nước mắt một đời phù du” (Vẽ tôi). Và đây, cũng chính là chân dung thi sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường - Người đi hái nỗi buồn ở cõi phù vân…
Xóm Đình An Nhơn Gò Vấp, 27/4/2023
T.H.A
Chú thích:
(1) Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tuyển tập, tập 4 – Thơ, Nxb. Trẻ, 2002, tr.5
(2) (4) (5) (10) (11) (12) Đoàn Thêm (trích dịch), Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế Xb., 1962, tr.210; tr.207; tr.208; tr.201; tr.189; tr.210
(3) Nguyễn Trọng Tạo, “Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường một cõi tâm linh” (Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 4 – Thơ) , Nxb. Trẻ, 2002, tr.185
(6) Đông Hồ, “Xúc cảnh thành thi”, Văn, số 86 (15/7/67), tr.14
(7) Huỳnh Phan Anh, “Tại sao những bài thơ tình đó”, Văn, số 91, (1/10/67), tr.93
(8) (9) Hoàng Xuân Việt, Danh ngôn từ điển, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1972, tr.54; tr.54