TIN TỨC

Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi!

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-08-03 11:01:44
mail facebook google pos stwis
2173 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

NGUYỄN THÀNH ÚC

Nhiên động viên mọi người đừng nản chí: “Lúc này mà nản chí, buông xuôi sẽ đánh đổi bằng tính mạng người bệnh nhiều hơn nữa. Các bạn hãy cố lên, đồng tâm hiệp lực vì bệnh nhân”

Chiều thứ sáu, ngày 16-7-2021 lúc 16 giờ 13 phút, đang sắp xếp chuẩn bị ra về thì bác sĩ CKI Trần Mai Nhiên, Phó Trưởng khoa Nội B, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, nhận được một cú điện thoại của Phòng Tổ chức bệnh viện phân công bác sĩ Nhiên phụ trách phòng Hồi sức bệnh viện dã chiến số 2 Tiền Giang.


Bác sĩ Trần Mai Nhiên

Nhận lệnh là đi

Dù biết trước là mình sẽ đi chống dịch như các bạn đồng nghiệp, nếu tình hình dịch bùng phát, nhưng trong lòng Nhiên cũng nhiều nỗi lo lắng.

Lo đủ thứ.

Lo nhất là các con còn nhỏ ở nhà, tụi nó thường đòi má chứ ít chịu gần ba. Rồi lo chuyện học hành chuyên khoa 2 của mình khi còn bốn tháng nữa là thi tốt nghiệp. Lo phòng mạch là nguồn thu nhập chính của gia đình phải tạm dừng. Toàn là những lo lắng riêng tư, có lẽ người vợ, người mẹ nào cũng phải suy nghĩ điều đó trước khi phải rời gia đình lo cho cái chung. Nhiên điện thoại cho bác sĩ Bình, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số hai, xin phép thứ hai mới lên nhận nhiệm vụ. Bác sĩ Bình gật đầu.

17 giờ, bác sĩ Hoàng Vân ở khu khám yêu cầu điện thoại nói: “Chị được phân công hỗ trợ em trên bệnh viện dã chiến, chỉ nửa tháng thôi à nha!”. Nhiên đáp: “Nhiêu đó là quý lắm rồi. Có chị là em yên tâm”.

Sáng thứ bảy làm phòng mạch xong, Nhiên quyết định đi ngay đến bệnh viện dã chiến sau một đêm suy nghĩ đắn đo thật nhiều. Nhiên nói với ông xã: “ Anh ơi, bệnh nhân đang cần, em phải đi”. Chưa kịp nghe ông xã trả lời, Nhiên dặn: “Em đi bệnh viện dã chiến luôn. Em không về. Anh và má ở nhà lo cho mấy nhỏ. Anh đóng cửa phòng mạch giùm em”. Nói xong, Nhiên leo lên xe máy phóng thẳng. Nhiên nghĩ bụng nếu chờ nghe ông xã trả lời sẽ làm Nhiên chùn bước, vì Nhiên biết ông xã chắc chắn sẽ ngăn cản, biểu thứ hai mới đi, lãnh đạo đã cho phép rồi mà.

Bác sĩ Nhiên bị cuốn hút vào công việc ngày cũng như đêm. Những tưởng đi chống dịch một vài tháng thôi, ai ngờ gần nửa năm. Bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng, nhất là bệnh nhân nặng nhiều đến chóng mặt, phần lớn là người già. Ngành y tế tỉnh cho triển khai gấp Trung tâm hồi sức cấp cứu COVID-19, bác sĩ Trần Mai Nhiên một lần nữa được điều động về làm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Trung tâm Hồi sức Covid-19.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho bác sĩ Trần Mai Nhiên

Khó khăn vất vả trăm bề

Ngày 28-7- 2021 về Trung tâm Hồi sức Covid-19, Nhiên và một số bạn đã có mặt sớm nhất, chạy đôn chạy đáo lãnh dụng cụ, lãnh dịch truyền, lãnh thuốc, mượn băng ca, mượn xe tiêm, mượn trang thiết bị.

Chiều 29-7-2021 trời mưa rất to. 14 giờ, trung tâm bắt đầu khai trương nhận bệnh. Những ngày đầu Nhiên phải đối mặt trăm công nghìn việc, nhiều bệnh nhân nặng ào ạt nhập viện. Các em điều dưỡng liên tục báo: “Chị Nhiên ơi, lầu một chật kín bệnh nhân rồi”. Hôm sau “lầu hai cũng chật kín bệnh nhân nữa”. Rồi đến lầu ba cuối cùng cũng không còn giường trống. Nhân lực chỉ có 10 người, chăm sóc hàng trăm bệnh nhân nặng không phải dễ. Mà Covid-19 diễn biến rất nhanh, mới vừa nói chuyện tươi tỉnh với bác sĩ, chút xíu là thở không nổi, toàn thân xụi lơ! Mọi người chích thuốc, truyền nước biển cho bệnh nhân lầu một vừa xong, phải chạy lên lầu ba làm tiếp, cấp cứu xong bệnh nặng lầu ba, vội chạy xuống lầu một nhận bệnh. Ai cũng ráng. Bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt đẫm, không kịp thay.

Rồi đồng đội bị F0. Nghỉ.

Bắt đầu lo.

Đồng đội khác bị F1. Nghỉ.

Thế là thiếu nhân lực.

Bệnh viện bổ sung thêm vài điều dưỡng, cũng đỡ đần một phần công việc. Rồi đồng đội lại tiếp tục bị F0. F1. Nghỉ. Lại thiếu nhân lực. Trong một buổi sáng giao ban kíp trực, Nhiên nghe các em báo cáo tử vong trong đêm có hơn một chục ca! Không khí nặng nề bao trùm cuộc họp. Ai cũng im lặng, nhìn nhau với đôi mắt mệt mỏi, phờ phạc vì mất ngủ và cũng vì thất vọng. Làm sao cứu được người bệnh? Làm sao giảm tỉ lệ tử vong? Trái tim người thầy thuốc đau thắt vì lực bất tòng tâm. Nhiên động viên mọi người đừng nản chí: “Lúc này mà nản chí, buông xuôi sẽ đánh đổi bằng tính mạng người bệnh nhiều hơn nữa. Các bạn hãy cố lên, đồng tâm hiệp lực vì bệnh nhân”. Lúc đó phác đồ điều trị bệnh nhân nặng của Bộ y tế chưa có, Nhiên mạnh dạn vận dụng tất cả kiến thức đã học trong và ngoài nước, kể cả kinh nghiệm từ thực tế, nên viết quy trình xử trí cấp cứu tại Trung tâm hồi sức, trình Sở Y tế phê duyệt để việc điều trị hiệu quả hơn.

Nhiên lo nhất là tinh thần của các anh chị em điều dưỡng. Họ làm việc trực tiếp với bệnh nhân, nên nguy cơ lây nhiễm cao nhất, có nhiều cái thiệt thòi nhất. Nhiên chú ý quan tâm từng người, có gì khó khăn là Nhiên giải quyết liền. Một hôm điều dưỡng Luông trực xong đến 7 giờ sáng ra trực. Bỗng Luông nhận được tin ba Luông vừa mất. Lúc đó Luông không biết tính gì, nghĩ gì, chỉ biết ngồi khóc, nước mắt dàn dụa. Luông cũng chẳng thể nào về chịu tang ba trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này. Bác sĩ Nhiên đến bên cạnh Luông, động viên an ủi, rồi sắp xếp để Luông được về nhà. Lúc đó Luông nản chí lắm. Luông nói với Nhiên là em không còn động lực để tiếp tục làm ở đây nữa, chịu tang ba em xong, em sẽ về bệnh viện cũ luôn. Vậy mà không ngờ Luông quay lại Trung tâm hồi sức sau khi làm an táng ba xong. Luông nói mình cảm nhận được sự thương yêu chân thành của các bạn đồng nghiệp dành cho mình, nghĩ đến bệnh nhân, nghĩ đến tấm lòng của bác sĩ Nhiên, nên quyết định trở lại “chiến đấu” tiếp.

Được sinh ra lần thứ hai

Tôi gặp anh Nguyễn Hữu D., nhà ở Tân Hiệp, huyện Châu Thành, bệnh nhân rất nặng được cứu sống tại Trung tâm hồi sức COVID-19 Tiền Giang. Anh đã khỏi bệnh được bốn tháng rồi mà cũng còn yếu. Giọng nói đứt quãng vì hụt hơi, hai chân đi từng bước chậm chạp, không còn như xưa. Anh kể cho tôi nghe anh bị sốt, ho 7 ngày, tới chừng thở không nổi thì gia đình chở thẳng vô Trung tâm hồi sức. Bác sĩ Nhiên lúc đó đã khám và nhận anh D. vào viện. Thấy anh D. thở hước, hai mắt trợn ngược trắng dã, môi tím tái, ngay lập tức bác sĩ Nhiên ra y lệnh cho anh được đặt nội khí quản, thở máy. Trong quá trình thở máy, tình trạng anh D., diễn biến thất thường, có hai lần ngưng tim hoàn toàn. Lần đầu Nhiên phải xoa bóp tim bằng tay để giúp tim đập lại. Lần thứ hai tim đột ngột ngừng đập, bác sĩ Nhiên chạy đến đứng bên giường bóp tim cho bệnh nhân, rồi ra y lệnh cho điều dưỡng chích thuốc hồi sức cấp cứu khẩn cấp vào tĩnh mạch. Chưa có ca nào mà dùng thuốc hồi sức nhiều như thế, hàng trăm ống được bẻ ra, bơm liên tục cho anh D. Trên màn hình Monitor theo dõi, sóng điện tim đang nằm ngang như một định mệnh đã an bài, chợt xuất hiện một cơn sóng nẩy lên một nhịp, rồi hai nhịp. Cô điều dưỡng la lên “Có tim rồi! Tim đập lại rồi bác sĩ ơi”. Mọi người thở phào. Sức mạnh sinh tồn của anh D.thật kỳ diệu, anh ấy ổn dần và khỏe mạnh luôn. Trước khi chia tay để xuất viện, anh D. nói: “Tôi trở về từ cõi chết. Không có các bác sĩ thì tôi theo ông theo bà rồi. Bây giờ dù còn yếu chút xíu, nhưng sống được là một phép mầu. Các bác sĩ và điều dưỡng ở đây đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

Rồi trận dịch cũng qua đi, Nhiên được trở về với chồng con, tiếp tục công việc như xưa. Chỉ có một thay đổi nhỏ mà ai cũng tiếc, nhưng Nhiên thì không tiếc. Đó là Nhiên bị lưu ban một năm lớp chuyên khoa 2, vì không kịp làm luận văn tốt nghiệp trong lúc đi chống dịch. Bác sĩ Nhiên nói: “Năm nay không học thì năm sau học lại, chứ nếu không tham gia cứu chữa bệnh nhân thì mãi mãi không bao giờ giành lại được tính mạng của người bệnh Covid-19 như vừa qua”.

Ngày 27-2- 2022 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt 150 đại biểu thầy thuốc, cán bộ, công chức ngành y tế tiêu biểu cả nước, trong đó có bác sĩ Trần Mai Nhiên. Cầm món quà của Chủ tịch nước trao tặng, Nhiên chợt nhớ và mang ơn với tất cả các bạn đồng nghiệp, tất cả các bệnh nhân đã cùng Nhiên trải qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, những giây phút căng thẳng giành lấy cuộc sống của từng người bệnh, để hôm nay mọi người có được cuộc sống bình thường mới và an lành gần giống như trước đại dịch covid-19.


Công việc cứu người ở Trung tâm Hồi sức Covid-19 Tiền Giang những ngày cao điểm chống dịch

Cứu được cả mẹ lẫn con
Chị Hồng Q, nhà ở Mỹ Tho, có thai được hơn 8 tháng, bị mắc Covid-19, nằm theo dõi tại khu cách ly Sở Y tế. Vô viện được vài ngày thì chị Q. bị thở mệt, oxy trong máu giảm còn 90%. Bác sĩ Nhiên được mời đến hội chẩn. Nhiên biết là những sản phụ bị Covid mà suy hô hấp như Q. thì rất nặng, nếu không can thiệp sớm có thể mất cả mẹ lẫn con. Nhiên đề nghị mổ cấp cứu bắt con. Ca mổ thành công. Con trai chị được đưa sang khoa nhi, còn chị Q thì đưa sang Trung tâm hồi sức và được bác sĩ Nhiên trực tiếp chăm sóc và điều trị. Khi vào Trung tâm hồi sức, Q. lo lắng quá mức, sợ mình không sống được nên tỏ ra buồn chán, không nói chuyện với ai, kể cả những người thân yêu như chồng của mình. Các cô điều dưỡng đến đo huyết áp, nhiệt độ cho Q., mà Q không trả lời các câu hỏi của điều dưỡng. Nhiên khám cho Q., Q. cũng trả lời nhát gừng bằng gật hoặc lắc đầu, chứ không nói. Nhiên hiểu được tâm lý của bệnh nhân, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sự suy sụp tinh thần lẫn sức khỏe, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Nhiên gọi điện thoại bàn với chồng của Q. là hãy động viên vợ. Nhưng Q. đang nằm viện, không thể gặp chồng, lại không có điện thoại trong người. Lúc đó Nhiên đã bỏ tiền túi ra nhờ người mua tặng điện thoại cho Q., rồi kêu chồng Q. gọi vô. Nghe giọng nói của chồng, Q. có vẻ khá hơn và từ từ chịu tiếp xúc với mọi người. Ai cũng nói nhờ bác sĩ Nhiên chịu khó và biết cách xử lý khéo léo nên đã giúp chị Q lấy lại được tinh thần lẫn sức khỏe. Sau đó cả hai mẹ con đều khỏe mạnh và xuất viện.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Vu vơ ngày cuối tháng Ba – tản văn của Võ Thị Như Mai
Cuộc đời tôi, dẫu có những ngày lặng lẽ bước qua những con đường cũ, vẫn là một khu vườn đầy ắp màu sắc - có cả xanh tươi của hy vọng, cả vàng úa của hoài niệm, nhưng quan trọng nhất, vẫn còn đó những chồi non kiên trì vươn lên sau mỗi lần đổi thay.
Xem thêm
Hélène – con gái ông Tây Việt Minh
Bài của nhà văn Nguyễn Thanh
Xem thêm
Cô bé và đóa hoa hồng – Tạp bút của Võ Đào Phương Trâm
Chiếc xe đạp lộc cộc băng qua con đường đông đúc, lách qua những làn xe liên tục của Sài Gòn, cái dáng mỏng manh, độ chừng mười hai tuổi, bé nhỏ liêu xiêu trên chiếc xe đạp cà tàng, nghe cót két, hình như chiếc xe bị hư gì đó nên thấy nó đạp một cách cực nhọc hơn bình thường.
Xem thêm
Thành phố của lòng nhân ái - Ký của Nguyên Hùng
Ký dự thi “Thành phố tôi yêu, thành phố nghĩa tình” của Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Về Tiên Động nhớ Ngư Phong – Nguyễn Quang Bích
Ngư Phong là tên hiệu của thủ lĩnh miền Thao - Đà trong thời Cần Vương chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông tên thật là Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890). Đương thời ông được nhân dân miền Tây Bắc xưng tụng là “phật sống” và hết lòng yêu quý, ngưỡng mộ.
Xem thêm
Lỗi tại Sài Gòn…
Tản văn của La Mai Thi Gia
Xem thêm
Phù Điêu tại đền thờ liệt sĩ Phú Yên
Phù điêu là dạng di sản văn hoá của nhân loại. Đó là hình thức nghệ thuật khắc (chạm) nổi mô tả không gian rộng lớn của một sự kiện lịch sử hoặc chuỗi sự kiện lịch sử. Từ xa xưa, trên thế giới đã xuất hiện những phù điêu nổi tiếng như: La Sơn đại phật (Trung Quốc), Tag- Bostan (I Ran), Tôronat - Sanchi (Ấn Độ), Ăng kor Wat (CPC)… Ở nước ta, nhiều nơi đã có phù điêu gắn với sự kiện lịch sử nổi bật với hình thức thể hiện đa dạng, hoành tráng. Có thể kể tên vài địa danh như phù điêu về “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ); Phù điêu ở Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên); Phù điêu ở Bảo tàng Quân khu 4; ở Quảng Ninh, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) …
Xem thêm
Đi tìm hiểu vì sao nước uống Fujiwa lại có lợi cho sức khỏe?
Bài viết giải thích công dụng của nước ion kiềm Fujiwa dựa trên cơ sở khoa học
Xem thêm
Một gia đình phi công
Bài viết của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Đoàn nhà văn TP. HCM tham quan Nhà máy nước Fujiwa Củ Chi
Bài viết về người phụ nữ năng động năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên
Xem thêm
Sức mạnh hoà bình
Khi chiếc F5-E tách khỏi đội hình/ Dưới cánh bay vẫn đường băng của địch
Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm