TIN TỨC

Tình đầu thơ dại - Bút ký Lại Văn Long

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
920 lượt xem

Tôi phá phách, lì lợm, ngày nào cũng đánh nhau với bạn, với cả các anh lớp trên, ngày nào cũng bầm dập, đau nhức mình mẩy.

Nhà văn Lại Văn Long

Tôi 11 tuổi, đang học lớp 5 Trường tiểu học Cộng đồng Đa Nghĩa (nay là Trường tiểu học Lê Lợi, P6, TP.Đà Lạt) thì Đà Lạt được giải phóng (ngày 03-4-1975). Nhà tôi từ đường Hai Bà Trưng chuyển về đường Nguyễn Công Trứ nên mỗi trưa tan học, tôi thường ôm cặp đi bộ về cùng các bạn nữ như: Hằng, Hải, Hạnh và bạn nam là Trí (nhân vật này đã được đổi tên). Trường ở trên đồi, chúng tôi xuống cầu thang cổng phụ băng qua đường Hai Bà Trưng vào con hẻm đất gồ ghề trước nhà cô Huệ bán bánh kẹo, sách vở…, qua một cây cầu gỗ không có lan can bắc qua con suối, rồi đi bộ một đoạn qua những vườn dâu, rau củ lúc nào cũng bốc mùi phân cá với thuốc sâu, để ra đường Phan Đình Phùng. Ở ngã ba đó chúng tôi chia tay nhau, Hằng với Trí rẽ phải, tôi với Hải, Hạnh rẽ trái… Ngày nào cũng vậy nên 5 đứa dần dần thân nhau.

Sau khi nghỉ học khoảng 2 tuần, trường đón học sinh trở lại. Chúng tôi được thầy cô dạy những bài hát cách mạng… Cứ tới giờ học hát, tôi lại nhớ những bài hát đã thuộc lòng trước đó ở trường, hay những bài tôi nghe trên radio, máy hát dĩa: Xuân này con không về, Em nghe gì không hỡi em, Em ước mơ gì tuổi 12 tuổi 13… Giờ nghe, học hát nhạc cách mạng với giai điệu, nội dung hoàn toàn mới, tôi thấy bị kích thích dữ dội, từ ngỡ ngàng sang rung động mãnh liệt với những câu hằn in vào tâm não, như: “Bác chúng em thề cương quyết trả thù nhà…” hay “… Anh Kim Đồng ơi… khi anh xa rồi, gương anh sáng ngời đàn em cố noi theo…” hoặc “… Lòng mở cờ, tim gióng trống quyết trả thù nhà, đền nợ nước… ta đi lên chiến đấu đến cùng”!

Tôi yêu nhạc mới qua hình ảnh người cán bộ cách mạng cùng hai du kích mang súng đến khu nhà trọ tuyên bố: “Những người ở nhà thuê không phải trả tiền nhà nữa. Cách mạng cấm chủ nhà bóc lột dân nghèo!”. Bà chủ nhà hay chửi mắng đám con nít thuê trọ vì chúng ồn ào và bị bà nghi hái trộm bơ với đào, giờ run rẩy, không còn chống nạnh xỉ vả bố mẹ chúng nó mỗi đợt thu tiền nhà. Điều này làm đứa trẻ nghèo ở nhà thuê như tôi hả dạ và xúc động mỗi khi hát những câu ca cách mạng thúc giục “lên đường”. Tôi ước mình lớn hơn tuổi 11 để… “đi lên chiến đấu đến cùng!” như lời bài hát đã thuộc.

Tôi với Hằng học giỏi nên được cử thi “Đố vui để học” trong khối lớp 5. 47 năm rồi tôi vẫn nhớ những câu hỏi mà mình đã trả lời được, như “Đi từ Bắc vô Nam bằng đường bộ, ngoài Quốc lộ 1, còn đường nào?” – đáp án là đường mòn Hồ Chí Minh. “Con cá lặn xuống, trồi lên nhờ cái gì” – đáp án: bong bóng trong bụng cá. “1 tạ bông gòn với 1 tạ sắt, cái nào nặng hơn?” – đáp án: bằng nhau…

Tôi ấm ức, còn Hằng đã khóc vì hai đứa cùng được 25 điểm bằng đôi bạn mà vẫn bị loại, không hiểu tại sao? Lần đầu thấy Hằng khóc, tôi thương bạn vô cùng. Cũng từ đó tôi bỗng phát hiện Hằng xinh đẹp nhất lớp. Tôi thích được nói chuyện với Hằng và ước ao con đường tan trường quen thuộc cứ dài mãi để tôi được sánh bước cùng Hằng. Nhưng sự thật đáng ghét hơn ước mơ. Hằng chỉ đi với tôi hai trăm mét trên đoạn đường tắt, khi ra tới ngã ba Phan Đình Phùng thì nàng rẻ phải theo thằng Trí, bỏ lại tôi hụt hẫng trên từng bước nặng trĩu trở về nhà.

Hải với Hạnh thong thả đi sau, thỉnh thoảng lại cười ré lên như trêu chọc làm tôi càng bực bội. Tôi bỗng ghét thằng Trí – ngày nào nó cũng được đi chung đường với Hằng nhiều hơn, được Hằng tỏ ra thân thiết hơn. Tại sao bất công như vậy khi tôi cao lớn hơn Trí, học giỏi hơn Trí, bắn bi hay nhất lớp, đánh nhau xếp hạng ba và lúc nào cũng muốn nói chuyện, giúp đỡ Hằng!

Càng nghĩ càng ấm ức nên tôi càng ghét Trí. Hai đứa ngồi cùng bàn, tôi tìm cách thúc cùi chỏ, đá chân, giật tập vở, làm tòe ngòi bút lá tre của nó. Giờ ra chơi thì tôi gây sự để gạt chân cho nó té dơ quần áo, cốc trên đầu hay đấm nó thật đau. Trí tức và đau, nhưng hiền lành nên không phản kháng. Tôi được thể leo thang, hôm nào tan trường về cũng cố tình đập rơi cặp của Trí, đá đít, nhéo tai nó. Mỗi khi Trí nhăn nhó vì đau hoặc năn nỉ xin đừng giỡn vậy nữa, tôi càng đắc ý vì nghĩ chắc ba bạn nữ, nhất là Hằng đang “nể” tôi như thằng Trí vậy. Thế là ngày nào tôi cùng diễn trò đó với Trí…

Nhưng hôm đó, tự nhiên Trí phản ứng, chửi và đánh lại tôi. Tôi kinh ngạc và không muốn “mất mặt” với ba bạn nữ nên vất cặp, lao vào vật, đè Trí xuống sàn cầu bắc qua suối. Ba bạn nữ lâu nay rất ác cảm vì tôi cầm đầu nhóm bạn trai quậy phá và hay ức hiếp các bạn khác. Mỗi ngày họ lại chứng kiến tôi hành hạ Trí nên… “tức nước vỡ bờ”. Cả ba cùng buông cặp lao vào phụ Trí lật ngược tình thế rồi giữ tay chân tôi cho Trí “trả thù”. Tôi đã khóc vì trận đòn hội đồng đó. Không phải vì thua, vì đau, vì nhục mà vì… Hằng đã bênh Trí, đánh tôi!

Tôi phá phách, lì lợm, ngày nào cũng đánh nhau với bạn, với cả các anh lớp trên, ngày nào cũng bầm dập, đau nhức mình mẩy. Nhưng chưa bao giờ đau kiểu lạ lùng, tan rã hết ý chí như lần nhận ra Hằng thù ghét, khinh khi tôi. Tôi đứng lên lau nước mắt, phủi bụi, tìm lại cặp rồi thất thiểu, cô đơn, ê chề lê bước trở về. Bốn “kẻ thù” của tôi đi trước một đoạn và vui vẻ bàn tán về chiến thắng toàn diện họ vừa thực hiện với tôi!

Tôi trở lại lớp vào hôm sau với nỗi buồn sâu xa, thấy mình lẻ loi, xấu hổ với cả lớp. Tôi rời nhóm nghịch phá, Trí cũng xin cô đổi chỗ ngồi. Hôm đó cô Thủy chủ nhiệm (nhà cô trên đường Thi Sách gần trường) tập cho cả lớp hát bài “Mùa xuân đến rồi, bản làng ơi…”. Các bạn sôi nổi hát theo cô, chỉ mình tôi ngồi gục đầu, câm lặng. Khi cả lớp đã về, cô giữ tôi lại để tập riêng, nhưng cổ họng tôi cứng đơ không hát nổi như những giờ tập hát trước. Cô dọa mãi không được, đành cho tôi về…

Mùa hè năm đó tôi rời Đà Lạt theo gia đình đi kinh tế mới ở RChai – cách Đà Lạt khoảng 40 cây số. Trên vùng đất mới, tôi và bạn bè hàng ngày vào rừng chặt củi, bắt tổ chim, hái trái dại hoặc đi câu, tát cá. Cuộc sống sôi động như vậy không hiểu sao tôi vẫn không quên được Hằng. Cứ mỗi lần nghe tiếng chim hót, tôi lại nhớ lúc Hằng khóc vì không được vào chung kết “Đố vui để học”. Nếu gặp một con chim màu sắc thật đẹp, không hiểu sao tôi lại tưởng tượng đó là Hằng hóa thân bay đi tìm tôi. Thường thì tôi buồn và thương Hằng khi nghĩ như vậy!

Năm 20 tuổi, tôi quay lại Đà Lạt tìm Hằng. Tôi leo con dốc nhỏ là nhánh hẻm của đường Phan Đình Phùng. Tôi đã từng tới nhà Hằng để mượn tập chép bài và lần ấy Hằng đã cho tôi một củ khoai còn nóng ấm. Căn nhà giản dị vẫn vậy, tôi đứng ở hàng rào gỗ thấp gọi cửa. Một phụ nữ trẻ bước ra và chị ta hoàn toàn không biết Phạm Thị Tuyết Hằng là ai. Chị an ủi tôi rằng: “Chắc nhà ấy về Sài Gòn…”. Tôi đi theo hướng dẫn ấy, lại làm báo nên cơ hội tìm kiếm rộng hơn. Tôi đã gặp vô số cô Hằng ở Sài Gòn và nhiều tỉnh, thành khác, nhưng Hằng làm tôi đau, nhớ và thay đổi năm 11 tuổi vẫn biền biệt. Tôi cũng mong gặp lại các bạn chung lớp, chung đường hồi đó như: Hạnh, Hải, Trí… Giờ này chắc họ cũng đã thành ông, bà ở tuổi xấp xỉ 60 rồi. Có ai nhớ câu chuyện này không nhỉ?

01-7-2022

Theo Lại Văn Long/Công an TPHCM

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm