TIN TỨC

Trần Duy Phương - Người con gái kiên cường

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1392 lượt xem

CUỘC THI "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA"

QUẾ HÀ

Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét về cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát”: “Toàn bộ tuổi trẻ của Trần Duy Phương - Trần Thị Mai là chiến đấu và chiến thắng. Chị đã và đang chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cũng như chiến đấu và chiến thắng thương tật, bệnh tật. Sức sống kỳ lạ của một con người kỳ lạ. Đó là sự bất tử của tinh thần kiêu hãnh và kiên trung mà chỉ có tuổi trẻ và lý tưởng của tuổi trẻ Việt Nam mới có được”. 

QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH

Ký ức đong đầy về làng quê nghèo khổ và anh dũng “Xã Sơn Bình là xã có truyền thống cách mạng mạnh mẽ nhất lúc đó”, bởi những chiến sĩ cách mạng như ông Kiều, ông Cao Đình Trung, ông Đặng Xuân Sinh bị bọn địch bắt bớ, giam cầm, đày đọa và bị giết chết với những kiểu man rợ chỉ có thời trung cổ như “chôn sống”, “cắt đầu cắm cọc”...   


Trần Duy Phương (áo trắng) - người con gái kiên cường

Sinh năm 1950, Trần Duy Phương xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Quảng Nam. Cha chị là ông Trần Duy Tường. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh, là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh đầu tiên của Tổng Đa Hòa (Điện Bàn). Vài năm sau ngày giành chính quyền, ông được tổ chức điều động lên tỉnh. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, Hiệp định Genève được ký kết, ông được nhân dân tín nhiệm bầu Chủ tịch kháng chiến hành chính huyện Phước Sơn (Quảng Nam), gồm 7 xã. Đến năm 1955, ông bị bắt, chúng giam ông ở nhà lao quận Hiệp Đức, dù mẹ chị hết lời van xin để gặp chồng, nhưng chỉ có mình cô bé Trần Duy Phương được gặp, lúc ấy chị mới 5 tuổi. Mẹ chị mua 1 tô mì Quảng và 1 nải chuổi để vào gặp ba, nhưng tên lính gác quát to quá, cô bé sợ hãi làm đánh đổ hết tô mì Quảng. Qua cái ô trống nhỏ, cô bé nhìn thấy cha, chỉ qua một đêm thôi, khuôn mặt của cha “sưng vù, tím ngắt, hai con mắt đỏ ngầu đến độ không phân biệt được tròng đen và tròng trắng”.

Sau đó, chúng đưa xuống nhà lao Hội An, rồi ra Đà Nẵng, 2 năm sau, ông bị đày đi Côn Đảo. Bị giam trong hầm đá vì đã chống ly khai, chống xé cờ Đảng trong chiến dịch “khủng bố trắng” của Mai Hữu Xuân - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát ngụy thời bấy giờ. Và người chiến sĩ Cộng sản kiên cường đã hy sinh ở nhà tù Côn Đảo bởi những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, bỏ lại mẹ già, vợ trẻ và 3 đứa con thơ.

Cuộc đời của mẹ chị - bà Phạm Thị Hiền thường gọi bà Tường kêu theo tên chồng, cũng đầy bi tráng, chồng hy sinh khi mới 30 tuổi, một thân một mình nuôi 2 bà mẹ và 3 đứa con. Khi đứa con gái bị thương nặng, địch bắt giam, bà vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, năm 1969, bà và người con trai út bị địch bắt giam ở quận Hiệp Đức. Chúng dùng chiêu bài, lôi kéo người con trai đang tham gia du kích để đầu hàng, chúng sẽ thả 2 mẹ con ra, nhưng bà đành chấp nhận chốn lao tù, chúng chuyển bà đến giam cầm ở nhà lao Quảng Tín (Tam Kỳ).

Năm 1957, chị xa gia đình đến trọ học ở Hội An. Tuổi thơ của Duy Phương là những tháng ngày thiếu tình cảm gia đình, nhưng lại thừa đòn roi và những lời mắng nhiếc, cùng những công việc quá nặng nhọc so với những bạn học cùng trang lứa nhưng cô vẫn học giỏi, hát hay rồi trở thành nữ sinh trường Trần Quý Cáp - Hội An.

Ở tuổi trăng tròn, phải từ bỏ những ngày tháng tươi đẹp của tuổi học trò, từ bỏ được ra miền Bắc để được học tập, để đi làm cách mạng. Chị biết con đường mình đang đi là con đường gian khổ, bởi chị đã chứng kiến quê hương, gia đình và mẹ chị một đời lam lũ. Vì chồng, bà đã bỏ quê quán, bồng bế lên non, nơi rừng thiêng nước độc, đảm đang gánh vác việc gia đình, để chồng tận tâm, tận lực với cách mạng. Chị đã chứng kiến tất cả, cha chị bị giam cầm, bị đánh đập, bị đày đi Côn Đảo, hy sinh và mất tích ra sao. Không hiểu lý tưởng cách mạng là gì, chị chỉ biết rằng đi theo con đường cha chị đã chọn. Xem cha là thần tượng, nghĩ những người tù yêu nước, hình ảnh bất khuất của người cha, mối căm thù giặc bắt đầu nhen nhóm đã chỉ dẫn đường chị đi theo cách mạng.

Vất vả, gian lao là thế nhưng chị vẫn giàu nghị lực, luôn vì công việc và mọi người, hăng hái, nhiệt huyết với những công việc như Dạy học, Kinh tài, Tuyên huấn. Nhà văn, liệt sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong đã gặp và viết những dòng nhật ký về chị trong những ngày chị làm công tác Tuyên huấn: “… đó là cô gái hay cười, hay hát và nhiệt huyết…”. Với truyền thống gia đình và quê hương đã tạo nên tính cách sau này của một Trần Duy Phương kiên trung bất khuất, không khi nào chịu khuất phục trước kẻ thù, ngay cả khi cả cuộc đời của chị gắn liền với chiếc băng ca, xe lăn mà không thể đứng lên và đi lại được.

TRẦN THỊ MAI 

Tháng 10/1968, khi đang là cán bộ Ban Tuyên huấn Huyện ủy Quế Sơn (Quảng Nam), tổ công tác của chị bị giặc tập kích bất ngờ tại xã Sơn Long (nay là xã Quế Long, Quế Sơn). Chị bị trúng đạn, một viên trúng đùi trái, một viên xuyên ngang cột sống, qua ruột và xuyên ra phía trước bụng. Vết thương quá nặng, làm chị bất tỉnh. Bọn chúng đưa chị lên máy bay, đưa về Đà Nẵng. Một tuần sau, chúng đưa chị đến khoa giam giữ điều trị tù binh Cộng sản ở bệnh viện Duy Tân (Đà Nẵng). Hơn một năm bị giam lỏng ở đây trong điều kiện thiếu thốn, mất vệ sinh, chị cùng hơn 10 nữ tù phải ở trong một căn phòng nhỏ, không đủ chỗ để đặt lưng, mỗi ngày chỉ có một lon nước để dùng, chị bị suy kiệt và bị bệnh thận rất nặng…

Đến tháng 3/1970, từ trại giam tù binh Non Nước (Đà Nẵng) bọn chúng chuyển chị vào giam ở Phú Tài (Quy Nhơn) - nhà tù nữ lớn nhất miền Nam, khi chị tròn 20 tuổi. Thế hệ trẻ hôm nay và chính những người trong cuộc, khi đọc những dòng tự sự của chị sẽ không khỏi giật mình về những chi tiết trung thực về đòn tra tấn của kẻ thù đối với tù binh. “Hắn giơ hai bàn tay hộ pháp lên rồi giáng mạnh xuống cái bụng quấn đầy băng vẫn còn đang rỉ máu của tôi. Tôi kêu lên một tiếng thật to, mày mặt tối sầm lại, sau đó không còn biết gì nữa… Hắn đưa hai bàn tay lên như chực vồ lấy tôi rồi bất ngờ hắn quặp vào cổ tôi bóp chặt khiến tôi nghẹt thở”. “Chúng vừa đánh vừa đá, đạp vào chỗ hiểm, có tên còn nói: “Đánh cho tụi mầy tuyệt đường con cái, tuyệt nòi Cộng sản…”. “Chúng đổ nước vào lỗ tai rồi nhét cả sỏi vào, sau đó chúng dùng kiềm bẽ gãy 3 cái răng cửa cùng lúc. Chị được chị em săn sóc ngày đêm, nhưng cả tuần lễ sau vẫn còn lên cơn co giật”. Và một căn bệnh không có trong từ điển y học “Hơn một nửa chị em bị “lên cơn” tra tấn... Mỗi lần lên cơn các chị rơi vào trạng thái “ảo” và sống lại cảm giác như bị tra tấn”.

Ở tù, chị lấy tên là Trần Thị Mai - một nữ tù đặc biệt - nằm liệt trên băng-ca nhờ chị em tù nhân khiêng cáng. Dù chỉ nặng có 36 kg nhưng ở đâu chị cũng là người tạo nên một phần sức mạnh của tập thể. “Không. Tôi không được phép gục ngã. Hãy cố gắng lên tôi ơi! Đã sống thì phải sống cho ra sống, phải có cách sống của riêng mình…”.  Luôn hòa mình với nhóm tù binh bất khuất, chị và mọi người đã động viên nhau, đùm bọc lẫn nhau để tiếp tục sống và chiến đấu. Chị đấu tranh bằng cách tuyệt thực để được vào buồng giam với những người cộng sản kiên trung. Chị và đồng đội luôn kiên cường vượt qua tất cả những trò chiêu hồi, những màn tra tấn, cái chết luôn rình rập… mà giữ vững niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng Cộng sản cho dù địch chuyển từ trại giam này đến nhà tù khác. Sống trong cảnh tù đày, bị hành hạ tra tấn, nhưng chị luôn giữ được niềm lạc quan cách mạng, tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc.

Vào tù đem theo “một bụng” bài ca cách mạng, “Trong tù, chúng tôi luôn ca hát, diễn kịch và dạy học để cùng nhau đi qua những khó khăn của những tháng ngày lao tù và đấu tranh. Hát để quên đi đau đớn, hát để lấy lại tinh thần, động viên mình và động viên đồng đội”. Người phụ nữ ấy vẫn hát vang trước sự tra tấn dã man trong ngục tù của bọn Mỹ - Ngụy và hôm nay, trong từng ngày từng giờ lại phải đấu tranh với những vết thương mà chiến tranh để lại trên cơ thể, thế mà chị vẫn hát, hát cho mọi người nghe, hát chính về mình và nghe chính mình hát.

Hiệp định Paris được kí kết, ngày 15/2/1973, chị được trao trả cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở sân bay Lộc Ninh cùng nhiều nữ tù chính trị.

Chị có kỷ vật quý hiếm khi ở tù - bức tranh thêu “Đàn gà” - năm 1971, chị Trần Duy Phương đang bị giam ở nhà tù Phú Tài. Mẹ chị đến thăm, dù gặp nhau trong cảnh tù tội, đứa con gái duy nhất bị tật nguyền, nhưng bà không hề run sợ, động viên con - hãy giữ vững khí tiết của người cách mạng. Gặp được mẹ, chị tràn trề hy vọng có một ngày gia đình sẽ đoàn tụ, đất nước sẽ hòa bình. Và tự tay vẽ mẫu và thêu bức tranh “Đàn gà”. Kiểu thêu này tương đối khó, chị lại mới học thêu, lại nằm trên băng cáng, 10 đầu ngón tay tê cứng, vừa phải tìm cách lẩn tránh tai mắt bọn cai tù, nên chị thêu không đẹp lắm. Bức tranh thêu “Đàn gà” đã nói lên cuộc sống gian khổ, nhưng đầy lạc quan của người tù. Trong bức thêu, có 1 gà mái và 3 chú gà con đi về 3 hướng. Gà mẹ tượng trưng cho mẹ chị. Con gà lông đen tượng trưng cho chị - đang sống xa mẹ nhất vì giam cầm trong nhà tù Mỹ - Ngụy, bị thương 2 chân không đi lại được. Hai gà con còn lại là 2 người em của chị. Bức thêu không có gà cha vì lúc đó cha chị đã hy sinh. Bức tranh thêu ra đời cách đây đúng 50 năm, được chị giữ gìn như là báu vật và hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, được nhiều người xem trân quý.

TÔI NGHE TÔI HÁT

Trong suy nghĩ của rất nhiều bạn bè, với tình trạng chấn thương như thế chỉ có thể sống thêm vài ba năm sau khi ra tù. Thế nhưng, trải qua thêm nhiều đợt chữa trị cả trong và ngoài nước, người thương binh này đã có thể tự phục vụ cho bản thân để không phiền đến mọi người. Nhưng tháng 6/2011, vết thương cũ tái phát, chị phải phẫu thuật, vết mổ làm thủng ruột non, chị đã chết lâm sàng suốt mấy ngày đêm. Nhiều vòng hoa trắng của bạn bè đã được gửi tới. Nhưng một lần nữa chị lại vượt qua cái chết trong sự kinh ngạc của các bác sĩ. “Người chị bây giờ chẳng còn chỗ nào lành lặn, vết mổ chồng lên vết mổ, hình như đến hơn 10 lần chị phải trải qua phẫu thuật”.

Trong những lần đau đớn nhất, ký ức về những ngày tháng lao tù, về những chị em tù với nhau lại hiện lên trong tâm trí của chị. Chị cứ trăn trở lở mình chết đi rồi, thì những câu chuyện của mình, của một thời bi hùng của dân tộc sẽ theo mình xuống suối vàng, được sự động viên của nhiều người, chị đã ghi lại những năm tháng bi hùng của mình và đồng đội. Ban đầu chị dùng bút chì nằm nghiêng trên giường để viết, sau có máy tính thì đỡ hơn, dùng 2 bàn tay đã bị tê liệt đánh máy hơn 200 trang tự truyện “Tôi nghe tôi hát”.

“Đời cho tôi sống và tôi sống với đời. Tôi hiện hữu để sống chứ không phải để tồn tại. Tôi vui vì tất cả những điều đó, với ý nghĩ mình không phải là kẻ sống thừa”. “Tôi mang nặng ơn từ các chị em, các đồng đội đã cưu mang, đùm bọc và che chở cho tôi những tháng ngày trong tù. Nếu không có họ, tôi nghĩ mình đã bỏ mạng trong tù. Tôi muốn tri ân đến với những người bạn của tôi nên đã viết cuốn sách này. Và tôi muốn đền đáp với ba, mẹ. Một người là gương sáng để tôi bước theo con đường cách mạng, mà đến bây giờ, dù mang thương tật suốt đời tôi vẫn không hối hận; một người vì tôi mà khổ cực cả đời nhưng vẫn ủng hộ con đường tôi đi”, chị đã viết như thế.

Cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” xuyên suốt những ký ức của chị, với lời văn dung dị, chân thực như con người của chị. Viết về mình nhưng không hề tô vẽ, khoa trương, như lời tâm tình thủ thỉ nhưng lại toát lên từ mỗi trang viết là những triết lý sống cao đẹp. Hình ảnh chị nhắc chúng ta liên tưởng tới nhân vật Arthur bí danh “Ruồi trâu” của Ethel Lilian Voynich, bởi vì bản chất con người luôn đầy tình yêu thương tha thiết, mặc dù biết cái chết đến với mình nhưng vẫn thấy thanh thản vì đã có một cuộc sống hạnh phúc do đã được sống, chiến đấu và chết vì những lý tưởng, hoài bão cao đẹp mà cả cuộc đời chị đã theo đuổi cống hiến.

Năm 2013, “Tôi nghe tôi hát” được giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2014,  đoạt Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Đất Quảng do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Năm 2015 tiếp tục được vinh danh - Giải Đồng - Sách hay, Sách đẹp của Hội Nhà văn Việt Nam. Chị rất vui, vì không phải là giải thưởng, vui vì đứa con tinh thần ấy được nhiều người biết đến, chị được mời dự giao lưu giới thiệu sách, làm phim với công chúng, với quê hương, với những người bạn tù…

Tháng 4/2014, trong buổi giao lưu với khán giả ở thành phố Tam Kỳ và huyện Hiệp Đức, giọng chị ứ nghẹn khi kể về gia đình chị, người mẹ vĩ đại của chị, bởi bà “Như cây tùng vươn cao giữa ngàn giông bão”. Bằng tất cả sự tôn kính và thương yêu, chị đã dành số tiền từ các giải thưởng của cuốn tự truyện để tạc tượng mẹ, như lời chia sẻ: “Người đã hy sinh cả đời, thủy chung với cách mạng, với chồng để nuôi hai mẹ già và các con khôn lớn. Mặc dù ngày cha tôi bị địch bắt cầm tù, mẹ tôi chỉ mới 30 tuổi”.

Những năm trước chưa có đại dịch, hằng năm chị đều tổ chức những chuyến đi thăm đồng đội, khu di tích lịch sử, đi Côn Đảo viếng mộ cha, trở về chiến trường xưa tri ân đồng đội và đồng bào. Mặc dù, di chuyển bằng nạng và xe lăn, nhưng tự đứng ra tổ chức gặp mặt chị em cựu nữ tù binh Phú Tài ở Quảng Nam và Đà Nẵng, hỗ trợ những nạn nhân chiến tranh gặp khó khăn bằng đồng thương tật… Bởi chị cho rằng “Cuộc đời còn lại của tôi, những gì có thể làm được cho đồng đội mình tôi sẽ làm. Tôi mang ơn đồng đội tôi. Tôi muốn đền đáp cho đồng đội tôi, những người đã nhường cơm sẻ áo, đã hy sinh cho tôi, đã vì tôi mà phải chịu đòn roi của kẻ thù khi tôi bị thương nặng trong các trại giam”.

Trần Duy Phương đúng là “thương binh tàn nhưng không phế”, sống - chiến đấu trọn vẹn nghĩa tình với Quê hương, Gia đình, Đồng đội và Đất nước.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm