TIN TỨC

Trình Quang Phú - tầm nhìn trong kí sự

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-09-09 06:56:48
mail facebook google pos stwis
538 lượt xem

LÊ PHONG

Nghiên cứu về đặc trưng của thể loại kí, Hoàng Ngọc Hiến chỉ ra rằng, đó là một “thể loại nằm ở giữa văn báo chí và văn học”; là “sự hợp nhất truyện và nghiên cứu” (dẫn theo M. Gorky); là “sự nhức nhối của trí tuệ”(1). Như vậy, về mặt lí luận thể loại, kí/ kí sự nổi bật lên ở tính chất tư liệu - người thật - việc thật (phi hư cấu), tính khoa học - trí tuệ và tính văn học (các bình diện được phép hư cấu). Từ góc độ này, xem xét những kí sự của Trình Quang Phú in trong tập Kí sự xứ người(2) chúng ta nhận ra những câu trả lời thỏa đáng, như là minh chứng cho mô hình thể loại. Tuy nhiên, mô hình hay diện mạo chỉ là kết quả của góc nhìn, điểm nhìn và hơn thế nữa là tầm nhìn. Bài viết này tập trung vào tầm nhìn của Trình Quang Phú trong Kí sự xứ người qua đó làm nổi bật đặc trưng thể loại cũng như cách tư duy và tầm vóc tư tưởng của tác giả.

 

1. Cơ sở của tầm nhìn hay Trình Quang Phú là ai?

Việc trưng dẫn tiểu sử, nhân thân Trình Quang Phú có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề tầm nhìn trong kí sự của ông. Bởi lẽ, sự kiện - tư liệu gắn với kinh nghiệm của người viết đòi hỏi sự xác thực từ vốn sống mà anh ta có, như là một minh chứng cho những gì được thể hiện trong tác phẩm. Nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại Phú Yên, tham gia chống Pháp và làm liên lạc từ năm 12 tuổi. Năm 1954, khi đang là thiếu sinh quân, ông tập kết ra Bắc. Cũng từ đó, cuộc đời học tập, công tác của Trình Quang Phú gắn với rất nhiều nhân vật, sự kiện của lịch sử - chính trị - văn chương nghệ thuật Việt Nam. Có lẽ, còn nhiều điều chưa được ông đề cập trong các tác phẩm kí của mình, tuy nhiên, với các tập Còn với non sông một chữ tình (tái bản 2 lần), Nhà văn và chữ tình gởi lại, Kí sự xứ người (tái bản 3 lần), người đọc sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi sự dài rộng của không gian, thời gian, sự kiện, nhân vật liên quan đến cuộc đời Trình Quang Phú. Đó là những kỉ niệm với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước - Quyền Chủ tịch nước - Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, cùng nhiều cán bộ cao cấp khác. Trên trường quốc tế, ông gặp gỡ, làm việc, giao lưu với lãnh đạo cao cấp, các nhân vật quan trọng của nhiều nước từ châu Á, châu Âu, châu Mĩ đến châu Phi. Trong giới văn nghệ Việt Nam, ông có nhiều kỉ niệm với Bảo Định Giang, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Văn Cao, Quang Dũng, Trần Hữu Thung, Sơn Tùng, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Minh Huệ, Võ An Ninh… Điều gì đã đưa cậu bé Trình Quang Phú (Trình Tư Cảnh) đến với những nhân vật ấy? Là học trò miền Nam tập kết ra Bắc, sớm được Bác Hồ và các vị lãnh đạo Nhà nước quan tâm, chăm sóc.. có lẽ là cơ duyên đầu tiên. Sau khi được Bác Hồ tặng huy hiệu “Thật thà dũng cảm”, được học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa miền Bắc, Trình Quang Phú từng bước trưởng thành và tham gia vào nhiều tổ chức - sự kiện quan trọng của đất nước. Thời chiến tranh, ông từng tham gia Ban Miền Nam, làm công tác đối ngoại của Mặt trận giải phóng miền Nam, tham dự Hội nghị Paris, sau đó là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều vị trí quan trọng khác. Đó là điều kiện để Trình Quang Phú đi nhiều, biết nhiều, thâu nạp được nhiều tư liệu - tri thức về lịch sử, địa lí, văn hóa, con người ở khắp nơi trên thế giới. Hiện ông là giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông. Có thể thấy, vị trí, trọng trách, những mối quan hệ ấy sẽ chi phối rất lớn đến điểm nhìn và tầm nhìn của ông trong các tác phẩm kí sự. Bên cạnh đó, song hành con người chính trị, nhân vật của thời cuộc, Trình Quang Phú còn là một nhà văn, một nghệ sĩ với khát vọng về các giá trị nhân văn, thẩm mĩ. Bởi thế, không phải những truyện ngắn hay tiểu luận, mà kí mới là bản mệnh của Trình Quang Phú, nơi hội tụ các sắc thái sự kiện - tư liệu - báo chí và văn học.


GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú

2. Tầm nhìn thể loại - cách tư duy về kí sự

Vấn đề tầm nhìn thể loại trong quan sát của tôi được hiểu như là cách Trình Quang Phú tư duy, xây dựng tác phẩm. Theo đó, có thể nhận ra trong Kí sự xứ người, với 21 bài, dài gần 400 trang, thực sự là những kí sự trường thiên. Với dung lượng trung bình 20 trang cho một bài kí (bài Kỉ niệm nước Pháp: 61 trang, Nước Nga - mùa thu: 36 trang), câu hỏi được đặt ra là, tại sao tác giả viết dài như vậy. Đó chính xác là hình dáng của một lối tư duy thể loại, căn cứ trên đòi hỏi cần thiết của hình thức đối với việc chuyển tải tư liệu, câu chuyện, ấn tượng và cảm quan của người viết.

Từ góc độ nhận thức, mọi vấn đề của hiện thực đều bình đẳng và có thể được đưa vào kí. Tuy nhiên, viết cái gì, lựa chọn góc nhìn nào, ý nghĩa và thông điệp từ kí cho thấy tầm vóc tư tưởng của nhà văn. Anh ta tái dựng, tạo nên một câu chuyện (có tính xác thực) trong tác phẩm, nhưng phải xuất phát từ một hiện thực có vấn đề, trong quan sát sắc sảo, tinh tế, độc đáo nhằm đem đến cho độc giả những thông tin hữu ích. Khía cạnh “văn báo chí” đã đảm đương phần lớn công việc này trong kí. Tuy vậy, khía cạnh văn học sẽ đẩy vấn đề đi xa hơn khi nó xoáy sâu vào tính chủ quan (mà bản chất là góc nhìn, tầm nhìn, cảm xúc, trí tuệ) của tác giả. Đọc Kí sự xứ người của Trình Quang Phú, độc giả ngay lập tức nhận ra một nguồn tư liệu dồi dào gắn với không gian địa lí rộng lớn, lịch sử lâu dài, văn hóa đa dạng của các xứ sở trên khắp thế giới: Singapore, Quảng Châu (Trung Quốc), Bali (Indonesia), Langkawi (Malaysia), Phuket (Thái Lan), Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Algeria, Pháp, Nga, Đức, Áo, Bulgaria, Đan Mạch, Italia, Mĩ, Úc, Luxembourg, Monaco, Vatican, Andorra…) Không phải là những ghi chép đơn giản, mỗi bài kí của Trình Quang Phú là một mô tả, khảo sát sâu, kĩ lưỡng, trên nhiều phương diện (địa lí, lịch sử, văn hóa, kinh tế - sẽ trình bày cụ thể ở các phần sau) cùng cảm xúc và suy nghĩ của người viết khi liên hệ từ xứ người đến xứ mình. Thông tin tư liệu luôn được làm mềm hóa bằng những cảm nhận mang đầy màu sắc văn chương nghệ thuật - cái nhìn của một nghệ sĩ. Kí sự xứ người như thế là một cách thực hành, cũng là một định nghĩa tự thân của Trình Quang Phú về thể loại kí sự.


Nhà văn Trình Quang Phú nhận Giải thưởng văn học quốc tế Sông Mekong năm 2022


3. Tầm nhìn địa lí

Kí sự xứ người đặt trọng tâm vào hai vấn đề: kí - thể loại, xứ người - không gian trải nghiệm, không gian sự kiện, nhân vật. Những bài kí của Trình Quang Phú khai thác tối đa các không gian mà bản thân tác giả đã trải qua, có nhiều ấn tượng, đánh động được suy nghĩ, cảm xúc của mình. Điều kiện của công việc đã cho phép tác giả đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới. Từ Á sang Âu, từ châu Mĩ đến châu Phi, từ những xứ sở rộng lớn nhất đến những đất nước nhỏ bé nhất, từ núi non đến đồng bằng, biển đảo, sông hồ… đã in đậm dấu ấn trong những kí sự trường thiên. Qua con mắt Trình Quang Phú, quốc đảo Singapore với diện tích 700km2 (54 đảo), dân số khoảng 5 triệu người, từ một đất nước nghèo nàn, dân trí thấp, sau nửa thế kỉ (năm 1965 Singapore mới tuyên bố độc lập, tách khỏi liên bang Malaysia) đã trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới, hướng đến “dân chủ, bình đẳng, phát triển, công lí và hòa bình” (Ấn tượng Singapore). Nhật Bản - xứ sở hoa anh đào - là “một huyền thoại” của thời hiện đại. Từ Phuket nghĩ đến sự phát triển của Thái Lan. Từ Seoul, Busan, Jeju nghĩ đến tư duy quảng bá du lịch của Hàn Quốc. Đài Loan - một đất nước hai phần ba là núi và các đảo - cuối những năm 1960, thu nhập bình quân đầu người chỉ ngang một nước Trung Phi (170 USD/người) nay đã đứng thứ 18 thế giới (33000 USD/người) và dự trữ ngoại hối đứng thứ 5 thế giới… Không chỉ mô tả cảnh quan, trong những bài kí rất chi tiết của Trình Quang Phú, độc giả có cơ hội trải nghiệm lại hành trình của người viết, bằng máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, ôtô, thậm chí là đi bộ… Những con đường mở ra dưới chân, xuyên qua nhiều châu lục để đến một nước Pháp đầy kỉ niệm, đến Nước Nga - mùa thu, đến Bulgaria - Xứ sở hoa hồng, đến Berlin sâu lắng (Đức), đến Venice - Verona xứ sở tình yêu (Ý) hay một Algeria trầm tĩnh giữa lòng hoang mạc Sahara (sa mạc này chiếm ¾ diện tích Algeria)… Nối kết cả tập kí, người đọc sẽ choáng ngợp bởi không gian địa lí được thu vào trong tầm nhìn của tác giả. Mỗi bài mỗi xứ sở, được thể hiện rất kĩ lưỡng. Lối quan sát địa dư này cho thấy người viết có nhãn quan khoa học, hệ thống. Không phải chỉ là lối ghi chép của người du lịch thưởng ngoạn, đến mỗi vùng đất, Trình Quang Phú luôn xác lập không gian một cách khoa học từ diện tích tự nhiên, cư dân, sông ngòi, biển đảo, núi non, động thực vật, khí hậu, tài nguyên… gắn với sự phát triển, định hình của quốc gia - vùng đất trên không gian ấy: “Những con sông của nước Pháp: sông Loire, sông Rhone, sông Garonne, sông Seine… đều bắt nguồn từ những dãy núi phía Đông và chạy dọc chạy ngang nước Pháp, đã bồi đắp phù sa màu mỡ cho những cánh đồng bát ngát và tạo nên những thành phố ven sông, với những lâu đài cổ kính nguy nga. Tôi không thể không nhắc đến thung lũng sông Loire, con sông dài 1018km chảy hoàn toàn trên nước Pháp đã tạo nên nhiều cánh đồng của 4 tỉnh Loiret, Loire-et-cher, Indre-et-Loire và Maine-et-Loire. Đây là thung lũng vàng kiều diễm của nước Pháp” (Kỉ niệm nước Pháp, tr. 179-180); “Thủ đô Bulgaria ở độ cao 500 - 600m, dựa lưng vào khối núi Vitosha. Đây vốn là nơi cư dân thời kì đồ đá mới lưu trú, hiện còn dấu vết người nguyên thủy Setdi định cư từ 1700 năm trước Công nguyên, ngày ấy còn gọi là xứ Setdia. Đến thế kỉ 14 thành phố mới mang tên Sofia (St Sofia), theo tiếng La Mã, Sofia có nghĩa là thông thái” (Xứ sở hoa hồng, tr. 285)… Tư duy khoa học đáp ứng đòi hỏi về mặt tư liệu, trên bình diện địa lí, đã được Trình Quang Phú duy trì nhất quán trong các kí sự của mình, đem đến cho người đọc cảm quan đáng tin cậy. Một khía cạnh cũng cần nhấn mạnh thêm ở đây, trong tầm nhìn địa lí về xứ người, Trình Quang Phú luôn có động thái ngoảnh lại, hướng về các điều kiện địa lí của xứ mình, từ đó có mối liên hệ về các khả năng phát triển: “Đứng trên bờ Nam nước Pháp nhìn ra biển Địa Trung Hải, tôi càng thấy giá trị tuyệt vời của biển trong xanh, cát trắng mịn màng, gió và cả nắng của bờ biển Phú Yên, bờ biển miền Trung quê tôi mà thiên nhiên đã ban tặng” (Kỉ niệm nước Pháp, tr. 179); “Ở Việt Nam mình rừng ngập mặn nhiều, như Cần Giờ sát nách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh với khu rừng Sác lịch sử nổi tiếng, nếu xây dựng thành một thành phố du lịch thì có thua gì Venice” (Venice - Verona xứ sở tình yêu, tr. 356)...


4. Tầm nhìn lịch sử

Cùng với tầm nhìn địa lí, tầm nhìn lịch sử là nét nổi bật trong kí sự của Trình Quang Phú. Không chỉ là lịch sử tự nhiên của vùng đất, lịch sử văn hóa - xã hội mà chi tiết hơn nữa là lịch sử sự kiện, nhân vật, sản vật, kiến trúc. Tư duy không gian trong tầm nhìn địa lí được khắc sâu hơn nhờ tư duy lịch sử (tư duy thời gian), xác lập tư cách nhà khoa học của Trình Quang Phú trong kí sự. Ở đó, xứ người không chỉ là những gì đang diễn ra trước mắt mà còn là dấu ấn của chiều dài lịch sử bồi tụ nên hiện tại. Chiều sâu của kí sự xuất phát từ chính tầm nhìn lịch sử này.

Kí sự xứ người là một ghi chép công phu về lịch sử. Không khó để truy xuất những dấu ấn lịch sử trong mỗi bài kí, mỗi xứ sở mà nhà văn đặt chân đến: “Theo truyền thuyết, hoàng tử Nila Utama của vương triều Johor thế kỉ XI đi săn vùng Temasek và gặp sư tử nên đặt tên vùng là Singa (theo tiếng Malaysia, Singa có nghĩa là sư tử) và gọi là Singa Pura (Pura có nghĩa là thành phố theo âm Malaysia). Mãi đến năm 1819, ông Thomas Stamford Raffles - một thành viên ban lãnh đạo công ti East India (của vương quốc Anh) đã thương thảo với vương quốc Johor và kí được thỏa thuận cho công ti ông được khai thác vùng Singapura để làm thương cảng và đặt tên là Singapore” (Ấn tượng Singapore, tr. 9). Hầu như, song hành cùng tư duy địa lí là tư duy lịch sử, Trình Quang Phú không chịu đóng khung tầm nhìn của mình trong hiện tại. Đến mỗi xứ sở, ông đều nhắc lại lịch sử hình thành, những biến cố lớn tạo nên vùng đất. Như thế, kí sự không chỉ là sự ghi chép điều mắt thấy tai nghe, người thực việc thực trước mắt, mà còn là sự “nhức nhối của trí tuệ” khi tác giả lùi về quá vãng, lần lại đường đi nước bước của địa danh, nhân vật, sự kiện, sản vật. Tiêu biểu cho lối tư duy, tầm nhìn này là Kỉ niệm nước Pháp, Nước Nga - mùa thu. Nước Pháp, nước Nga cùng các thành phố nổi tiếng, các kì quan như Khải hoàn môn, Tháp Eiffel, Lâu đài Pantheon, Nhà thờ Đức bà Paris (Pháp), Điện Kremlin, Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè (Nga)… được tác giả trình bày chi tiết, tỉ mỉ, cả về lịch sử, kiến trúc và giá trị văn hóa, du lịch, kinh tế, chính trị… Không những thế, điều đặc biệt làm nên chiều sâu của những kí sự này chính là tác giả luôn nhìn thấy trong hiện tại dấu ấn của quá khứ, và nhất là dấu ấn ấy mang đậm bóng dáng của một người Việt Nam vĩ đại: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Có thể nói, Trình Quang Phú đã lần tìm trở lại từng căn nhà, góc phố, con đường, quảng trường, bến cảng, thư viện, tòa báo, nhân chứng… nơi Nguyễn Ái Quốc từng sống, làm việc, đấu tranh cho tự do, độc lập của các dân tộc thuộc địa: “Nhiều hoạt động đầu tiên cho Tổ quốc của Bác từ căn nhà số 6 Vila des Gobelins này của quận 13. Chính từ căn gác nhỏ ở ngõ Vila des Gobelins, Bác đã viết nên yêu sách 8 điểm đòi tự do độc lập cho Đông Dương”; lâu đài Versailles, nơi in đậm dấu ấn của Bác; nhà 16 đường Sainte Severrin, nơi Bác sáng lập tờ báo Người cùng khổ; thư viện Sainte Geneviève, nơi Người thường xuyên lui tới đọc sách, nghiên cứu tư liệu; gia đình ông Aubrac tại khu Soissy-Sous-Monmorency nằm phía Bắc Paris, nơi Bác ở 6 tuần để tham dự Hội nghị Fontainebleau (1946)…


GS. TS Trình Quang Phú nhận giải nhất về ảnh của Liên Xô (1978). Ảnh: Tư liệu


5. Tầm nhìn văn hóa

Cùng với lịch sử, văn hóa là dưỡng chất mang lại chiều sâu và giá trị cốt lõi cho kí sự của Trình Quang Phú. Không tách rời địa lí và lịch sử, văn hóa trong quan sát của tác giả gắn kết các địa danh, sự kiện, nhân vật, bối cảnh từ quá khứ tới hiện tại. Đến mỗi vùng đất, Trình Quang Phú luôn cố gắng nhận ra những tầng vỉa văn hóa đã xác lập nên diện mạo của đối tượng. Kí sự của ông thực sự là những khảo sát sâu về văn hóa. Người đọc được cung cấp những thông tin hữu ích, giúp cho việc biết và hiểu về các xứ sở, con người, câu chuyện được nhắc tới: “Đêm đầu tiên, các bạn Áo tổ chức cho chúng tôi xem vở nhạc kịch của Mozart - nhạc sĩ thần đồng và thiên tài của thế giới. Ngồi trong rạp hát mang tên Mozart, giữa thủ đô nước Áo, xem vở diễn Cây sáo thần của Mozart, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Một nhà văn đã nhận xét tác phẩm của Mozart luôn bao trùm cảm xúc tươi tắn, hồn nhiên, thanh thoát, phóng khoáng và hài hòa. Mozart sống trong thế kỉ XVIII, nhưng âm nhạc của ông lại không mang nét hàn lâm viện, nghĩa là không bị gò bó khuôn khổ, mà luôn bứt phá, pha trộn rất sinh động” (Thăm thiên tài nhạc sĩ Mozart, tr. 309). Lịch sử và văn hóa trở thành khí quyển chủ đạo trong kí sự của Trình Quang Phú. Các địa danh, sự kiện, nhân vật, sự vật... mỗi khi được nhắc đến luôn hiện ra cùng bối cảnh văn hóa, lịch sử của nó. Thế nên, người đọc không có cảm giác đó chỉ là những ghi chép trực hiện, trực nhận, mà là những đào sâu nghiên cứu một cách có hệ thống. Phông văn hóa trong Kí sự xứ người khá rộng, từ văn hóa bản địa đến sự du nhập; từ quá khứ đến hiện tại; từ văn hóa ẩm thực, thời trang đến kiến trúc; từ lễ hội đến các huyền thoại, huyền sử và các giá trị khác đi cùng văn hóa. Cần phải nhấn mạnh ở đây, trong mỗi kí sự, Trình Quang Phú luôn khẳng định ý nghĩa hạt nhân cốt lõi của văn hóa trong việc kiến tạo vị thế, tầm vóc, diện mạo, giá trị của các vùng đất, nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay: “Đứng nhìn tháp bảo tàng in trên nền của dãy núi mờ xa phía sau có tòa nhà xanh của Phủ Tổng thống Hàn Quốc đang lồng lộng trên trời xanh mây trắng, tôi càng hiểu sâu sắc rằng những điều có được của mỗi quốc gia hôm nay là tầm cao có được từ nền văn hóa, từ lịch sử truyền thống của mỗi dân tộc” (Từ Seoul đến Busan, tr. 111).

6. Tầm nhìn kinh tế

Kí sự xứ người của Trình Quang Phú thể hiện nhãn quan, tầm nhìn của một nhà kinh tế. Bước chân mở ra con đường, con đường dẫn đến những thành tựu kì vĩ của mỗi xứ sở đã gây được ấn tượng cho nhà văn. Đó là bài học cho bản thân tác giả, và rộng lớn hơn là bài học cho sự phát triển của Việt Nam. Singapore đã làm thế nào mà chỉ trong hơn nửa thế kỉ đã trở thành một cường quốc về kinh tế? Hàn Quốc đã làm thế nào để đứng vào hàng những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới? Thái Lan, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức, Hoa Kì, Úc, Đan Mạch, Bulgaria… đã từng bước trở thành những trọng điểm trên bản đồ kinh tế thế giới như thế nào? Có thể thấy, mối bận tâm của tác giả là khá lớn, trong tham vọng đưa đất nước theo kịp với sự phát triển của năm châu: “Tôi miên man trên con đường Ánh Trăng với dòng suy nghĩ sự đột phá nào để đưa bờ biển Việt Nam, những thành phố biển Việt Nam có ngành công nghiệp dịch vụ và du lịch đóng góp được như Busan?” (Từ Seoul đến Busan, tr. 128). Rõ ràng trong những bài kí này, người ta thấy tầm vóc tư tưởng, tầm nhìn của Trình Quang Phú đối với các vấn đề, sự kiện, nhân vật, vùng đất mà ông ghé tới. Cuộc đời và những hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế từ quá khứ đến hiện tại đã cho Trình Quang Phú tầm nhìn vĩ mô ấy.

Kí sự xứ người là một cuốn sách thực sự “nặng kí”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong quá trình đọc của mình, tôi nhận ra, ngoài những vấn đề đã nói tới ở trên, các kí sự còn toát lên “tầm nhìn ngoại giao”, “tầm nhìn sinh thái môi trường”, “tầm nhìn về tương lai”. Rõ ràng, với cương vị của mình, những cơ hội và trách nhiệm phải thực hiện, Trình Quang Phú luôn gắng để thâu nạp và đào sâu khảo cứu, suy nghĩ trên mỗi hành trình, ở mỗi xứ sở. Bằng lối viết tỉ mỉ, công phu; văn phong hòa trộn giữa khảo cứu và ghi chép, giữa báo chí và văn chương, khi thì cẩn trọng chi li, khi thì thoáng đãng mộng mơ; với thái độ tự hào, ngưỡng mộ, khâm phục; với tư liệu dồi dào xác thực và ấn tượng cá nhân bay bổng trong tâm hồn nghệ sĩ… tất cả đã mang đến những kí sự bề thế, xứng đáng là một “cẩm nang” cho những ai đang hăm hở trên đường khám phá thế giới. Với giá trị ấy, Giải thưởng văn học quốc tế Sông Mekong (2022) dành cho Trình Quang Phú là một ghi nhận hết sức xứng đáng

L.P

--------

1. Nhiều tác giả, Nghệ thuật viết truyện ngắn và kí, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr. 220.
2. Trình Quang Phú, Kí sự xứ người, Nxb Hội Nhà văn, tái bản lần thứ 3, Hà Nội, 2023.

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Minh Châu và sự đổi mới tư duy trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh cách mạng
Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông không chỉ gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở những năm kháng chiến mà còn gắn với những tháng năm đầy ưu tư của thời hậu chiến với bước chuyển dạ diệu kỳ, chuẩn bị cho tiến trình đổi mới đất nước về mọi phương diện, trong đó có văn học.
Xem thêm
Hữu Thỉnh và chiến sĩ xe tăng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), … và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.
Xem thêm
Lê Quang Sinh và nghệ thuật phê bình thơ
Bài viết của PGS.TS Hồ Thế Hà
Xem thêm
Anh nằm đây – trẻ mãi tuổi hai mươi
Bài viết về thơ Trần Ngọc Phượng
Xem thêm
Lê Tiến Vượng và hai tập lục bát liền hơi
Bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về hai tập lục bát của Lê Tiến Vượng xuất bản cuối năm 2016 (Lục bát khóc cười) và cuối năm 2018 (Lục bát phố).
Xem thêm
“Gặp” lại nhà văn Lưu Thành Tựu với “Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5”
Nhà văn Lưu Thành Tựu hiện là phó ban điều hành phân hội văn học, hội văn học nghệ thuật Bình Dương. Truyện ngắn Hoa xương rồng trên cửa sổ tầng 5 của anh là tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ năm 2022, đã đăng trên vanvn.vn và Tạp chí Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh như một sự ra mắt sau khi tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Xem thêm
Chất Folklore trong Lục bát khóc cười và Lục bát phố
Cầm hai tập thơ thuần thể loại lục bát quen thuộc, nghĩ đọc cũng hơi ngại bởi cứ đều đều một điệu, dễ chán. Nhưng đọc một vài bài mở đầu trong tập “Lục bát khóc cười” và “Lục bát phố” của Lê Tiến Vượng thì cảm giác ấy dần mất đi và thay vào đó là cảm giác hào hứng và thú vị.
Xem thêm
Trăn trở sự tồn tại người - Gía trị nhân bản trong thơ Văn Cao
Đọc thơ Văn Cao, ở nhiều thi phẩm như: Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những người trên cửa biển, Khuôn mặt em, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Lá, Trôi, Thời gian, Cánh cửa, Thu cô liêu, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65, Linh cầm tiến… bạn đọc cũng có thể thấy sự đa dạng cung bậc cảm xúc, có xôn xao, có sâu lắng bâng khuâng… nhưng dường như chủ đạo vẫn là những thì thầm tự vấn, suy tư trăn trở, đau buồn và thậm chí nhiều khi hoang mang, kinh hãi, lo âu. Phải chăng, tất cả những thể nghiệm cảm xúc nội tâm ấy bắt nguồn sâu xa từ những “chấn thương” tinh thần của tác giả bởi tác động của hoàn cảnh sống? Và dưới tầng sâu lớp ngôn từ của mỗi thi phẩm ẩn giấu bao mỹ cảm mà chúng ta cần suy ngẫm“giải mã”?
Xem thêm
Nguyễn Trọng Tạo mà đời vẫn say, mà hồn vẫn gió
Hôm nay 12/6, Nhà lưu niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo (1947-2019) được khánh thành tại đội 6, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Xem thêm
Số phận các nhân vật nữ trong tập truyện ngắn “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là nhà văn, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2018, cô được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực. Giải thưởng được trao hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nữ đến từ châu Á, Phi, Mỹ Latin, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và vùng Caribe.
Xem thêm
Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá
Nhà thơ, nhà văn Lê Khánh Mai đến nay (năm 2024) đã ấn hành 12 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ, 1 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 1 chuyên luận văn học, 1 tập tiểu luận phê bình văn học, 1 tập tản văn và tuỳ bút. Sức sáng tạo ở một tác giả nữ như vậy là liên tục và rất mạnh mẽ. Thơ là thể loại chính của ngòi bút Lê Khánh Mai nhưng văn xuôi và lý luận, phê bình cũng đạt nhiều thành tựu. Tất cả làm nên tên tuổi của một nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của tỉnh Khánh Hoà và của văn học Việt Nam hiện đại.
Xem thêm
Trần Đàm đi tìm một bản ngã
Đã ngoài tám mươi mà mỗi lần theo ông, cánh hậu sinh chúng tôi cách ông cả giáp vẫn thấy hụt hơi. Đúng là không nói ngoa cả khi leo dốc, đường trường lẫn khi viết lách, chơi bời.
Xem thêm
Đọc Người xa lạ của Albert Camus bằng chiếc gương soi của chủ nghĩa hiện sinh
Giàu Dương Nếu triết học cổ điển đề cao bản chất và dấn thân vào việc tìm kiếm những định nghĩa về bản chất, thì trào lưu hiện sinh tập trung vào sự tồn tại của bản thể, lấy đó làm điểm khởi nguyên cho mọi sự phóng chiếu vào thực tại khách quan. Người xa lạ (L’Étranger) của Albert Camus ra đời như một dấu ấn sâu sắc của triết thuyết hiện sinh ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Là một triết gia, nhà văn tài hoa, Camus đã mở ra những cánh cửa để người đọc bước vào thế giới của “kẻ xa lạ” Meursault – một người đàn ông tự mình chọn lấy thế đứng bên lề của xã hội. Hành trình của Meursault không đi tìm một kết luận duy nhất của sự tồn tại mà chỉ trình bày sự tồn tại như nó vốn là.
Xem thêm
Một thế giới rất ‘đời’ trong sáng tác của Tản Đà
Nhà thơ, nhà báo Tản Đà (SN 1889), quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Xem thêm
Cây có cội, nước có nguồn
Nguồn: Báo Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm