TIN TỨC
  • Truyện
  • Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ hai)

Trưng Nữ Vương - Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Hồi thứ hai)

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1385 lượt xem

Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973 tại ại Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Anh hiện đang công tác Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cấp bậc thượng tá, chức danh Phó Tổng Biên tập, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2007), Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam Nhiệm kỳ (2020 - 2025). Phùng Văn Khai được biết đến là một tác giả viết nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử nhất gồm 6 bộ gồm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Và sắp tới đây anh sẽ ra mắt bộ tiểu thuyết thứ 7 “Trưng Nữ Vương”. Trong những tiểu thuyết lịch sử của anh, bạn đọc đặc biệt chú ý đến các bộ tiểu thuyết; Phùng Vương, Ngô Vương, Triệu Vương phục quốc, trong đó bộ tiểu thuyết Ngô Vương nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thời kỳ 2016 - 2019. Qua trao đổi trước khi bộ Trưng Nữ Vương sắp được ra mắt, anh cho biết, bộ tiểu thuyết lịch sử này sẽ có nhiều nét mới trong lối hành văn nên văn phong cũng khác hẳn. Và tiểu thuyết Trưng Nữ Vương là tiểu thuyết đầu tiên của anh có nhiều tình tiết hư cấu, có nhiều giai thoại lẫn thần thoại xoay quanh các nhân vật chính, nó thể hiện sự khác lạ so với các tiểu thuyết trước đây. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Hồi thứ hai của Bộ tiểu thuyết lịch sử này.

Phùng Hiệu giới thiệu

Nhà văn Phùng Văn Khai

 

HỒI THỨ HAI (PHẦN 1)

 

Thành Luy Lâu, Tích Quang nhận chiếu lệnh

Rừng Khe Cấm, Thi Sách trổ oai hùm

 

Đại điện thành Luy Lâu buổi sáng.

Đang dịp đầu xuân, vẫn theo tập tục từ trước, Thái thú Tích Quang năm nay đã trên sáu mươi tuổi trên ba mươi năm trị nhậm đất Giao Chỉ chừng đã quá thuộc vùng đất phương Nam. Nhớ ngày mới xuống Luy Lâu hãy còn đầu xanh tuổi trẻ mà nay râu tóc đã bạc tới quá nửa. Trong số hơn tám mươi quan viên, gia tướng, mưu thần theo ngài đến Giao Chỉ, tới nay đã quá nửa nằm lại vùng đất xa xôi. Bốn vị trí tướng quân trấn Tây doanh, trấn Đông doanh, trấn Nam doanh, trấn Bắc doanh đã ba lần luân đổi và lần gần nhất hai năm trước do đích thân Hán Vũ đế giao xuống theo đường biển còn tăng thêm mỗi doanh sáu trăm quân. Ngày các tướng Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch vốn là các đô tướng trẻ từng theo Phục Ba đại tướng quân Mã Viện bình định Hung Nô đột nhiên được Hán Vũ đế chỉ định gọi về cho xuống Giao Chỉ cũng là ý ngầm của thiên tử soi chiếu vùng đất phương Nam. Luôn mười mấy năm giao tranh với các quần hùng Trung Nguyên, Hán Vũ đế muốn tìm nguồn tài lực, đồng sắt, thóc gạo nơi xưa kia Triệu Đà từng đóng quan tuyệt giao với phương Bắc để xưng hùng xưng bá. Hôm bốn tướng Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch tới các doanh nhậm chức, đích thân Thái thú Tích Quang đã phải giao cho Châu mục Đặng Nhượng đem rượu ngon dê béo tới khao thưởng còn hướng về phía Bắc lạy vọng tạ ơn Hán Vũ đế. Thái thú họ Tích ngầm hiểu rằng, sớm muộn gì, Hán Vũ đế cũng cho người xuống thay, bèn cùng Đặng Nhượng làm tờ biểu dâng về triều kể lể mình bệnh tật già lão xin trở về mẫu quốc. Kể từ lúc ấy, Thái thú Tích Quang, Châu mục Đặc Nhượng không còn thiết tha gì tới việc trị nhậm nữa, càng buông bỏ cho đám huyện lệnh được tự đắc ý.

Trong ngôi đại điện buổi nghị sự đầu xuân, hai hàng văn võ lục tục tiến vào bên trong chia theo thứ tự. Chính giữa điện đặt chiếc ngai bọc da hổ đã có từ hai đời Thái thú tiền nhiệm. Nghe đồn, chiếc ngai cũng là một vật thiêng từng xảy ra chuyện mấy tên lính khác điện đời Thái thú trước, nhân lúc vắng vẻ đã ngồi bừa lên lập tức tối tăm mặt mũi ngã vật xuống bán thân bất toại. Câu chuyện hư thực chưa biết ra sao xong đến đời Tích Quang đã cho đóng một hộp gỗ niêm phong, chỉ những lúc nghị sự đông đủ văn võ bá quan ngài mới cho mở ra và trang nghiêm ngồi trên đó.

Hai hàng văn võ đã đông đủ bên dưới, Thái thú Tích Quang từ hậu điện thong thả bước ra. Hôm nay ngài vẫn bộ đại trường bào màu tía thêu hổ phù, lưng thắt đai ngọc xanh, đầu đội mũ Thái Công mười múi màu đen khía đỏ tượng trưng cho mười huyện của đất Giao Chỉ được phân quản hạt. Chân ngài đi giày vải đỏ thêu kỳ lân phong thái ung dung tiến thẳng ra chiếc ngai Thái thú đã được kê vững vàng nơi chính điện. Cùng lúc đó, hai hàng văn võ nhất loạt hô lớn:

- Cung chúc Thái thú đại nhân an khang!

Thong thả ngồi vững trên ngai nơi chính điện, đưa tay chỉnh bộ trang phục nhìn khắp một lượt xuống phía dưới, vị Thái thú Giao Chỉ cất giọng phủ dụ:

- Các vị đại nhân, các vị tướng quân hãy bình thân! Ngày xuân năm mới, lão phu đây chân thành chúc các vị đầu xuân thêm tuổi, tăng lộc phát tài, cùng lão phu hết lòng hết sức hầu hạ hoàng thượng mới không phụ ơn đức mưa móc của Hán triều.

Hai bên văn thần võ tướng chia nhau lục tục ngồi xuống.

Mọi người đã trang nghiêm đâu đấy, ngài Thái thú thong thả cất tiếng:

- Các vị đại nhân, các tướng quân. Trong buổi nghị sự hôm nay, trước tiên lão phu thông báo với mọi người, chiếu chỉ của hoàng thượng đang trên đường tới Luy Lâu. Thám mã đi trước sớm thông đạt với lão phu, hoàng thượng đã dẹp tan bọn quần hùng nổi loạn, đang chọn ngày lành tháng tốt để yên định đế vị, đại xá thiên hạ, luận công ban thưởng, phong vương tước, đất đai cho các vương hầu tướng lĩnh khắp trong ngoài cõi Trung Nguyên. Hoàng thượng huân công võ đức quả là không kém gì Cao tổ ngày trước, là bậc thánh đế để chúng ta cúc cung hầu hạ. Nay, ta tuy ở xa không thể phút chốc đến lạy mừng, nhưng không giây phút nào không hướng về phương Bắc cầu chúc Vũ đế thiên thu vạn đại, thống thuộc bốn cõi, xứng ngôi thiên tử Đại Hán. Các vị văn thần võ tướng hẳn đều đã hiểu thấu lòng ta. Ta nay đã ngoài sáu mươi, già cả lú lẫn, đã dâng biểu xin hoàng thượng cho thôi chức về quê, chỉ nay mai chiếu lệnh sẽ tới. Chỉ tiếc rằng ta không phụng sự Hán triều nhiều hơn được nữa. Đó cũng là nỗi khổ trong lòng từ bấy lâu nay.

Văn thần võ tướng trên điện thấy lão Thái thú nói luôn một mạch, từ việc chuẩn bị đón chiếu lệnh của hoàng đế tới tâm sự riêng trong lòng ai nấy đều xúc động. Hơn ba mươi năm kiêm quản chức Thái thú Giao Chỉ, kỳ thực không ít lúc, Tích Quang đã phải ngồi trên hố gai miệng vực của miệng lưỡi thế gian. Cũng may xung quanh ngài còn có Châu mục Đặng Nhượng và nhất là Thái thú Nhâm Diên đất Cửu Chân, những bậc trí giả thức thời đã mềm mại uyển chuyển vừa dẫn dắt chúng dân Giao Chỉ, Cửu Chân, vừa gom góp tài vật dâng cúng về phương Bắc. Bốn năm trước, Hán triều trong lúc bốn bề thọ địch đã cho gọi Nhâm Diên về Bắc giữ chức trọng thần trong triều. Khi trở về tới Luy Lâu ghé thăm Tích Quang cũng là bậc sư huynh từng tiến cử họ Nhâm đã cùng nhau hàn huyên luôn sáu bảy ngày. Họ Nhâm kiến nghị Thái thú Giao Chỉ, Cửu Chân bất luận là ai đều phải lấy yên ổn của chúng dân làm gốc, tuyệt không tham tàn, hiếu sát, nhất là việc động binh càng phải tránh xa mới chính là gốc đức giáo hóa cũng là giúp các hoàng đế phương Bắc tạo ân uy xuống phương Nam. Thái thú Tích Quang trước sau vẫn coi Nhâm Diên là bậc hiền tài và việc họ Nhâm hơn hai mươi năm cai quản Cửu Chân đã được dân chúng lập đền thờ sống chính là tấm gương thanh liêm của vị quan phương Bắc ở phương Nam vậy. Các văn thần võ tướng ở Luy Lâu ai cũng thầm khâm phục tài đức Nhâm Diên đồng thời cũng hiểu thấu tâm tư của Thái thú đại nhân Tích Quang. Đối với vùng đất phương Nam, nếu phương cách trị nhậm hà khắc bạo tàn tức là sai một li đi một dặm sẽ lửa cháy máu chảy đầu rơi miên man không dứt. Đây cũng là nguyên tắc, đại kế mà mỗi vị Thái thú, Thứ sử, Châu mục người phương Bắc thường xuyên ngầm căn dặn lẫn nhau.

Trong không khí trang nghiêm ắng lặng, bỗng nơi hàng đầu sát ngai Thái thú, một vị đại quan thong thả đứng dậy chắp tay thi lễ khắp bốn phía. Người đó mặt vuông trán rộng, vóc người cao to vạm vỡ, chòm râu xoăn tít rậm rạp đã bạc tới ba bốn phần càng thêm vẻ quắc thước tinh anh. Đó chính là Châu mục Đăng Nhượng, vị quan Tổng trấn thành Luy Lâu kiêm quản bốn doanh: trấn Đông doanh, trấn Nam doanh, trấn Tây doanh, trấn Bắc doanh cũng là đứng đầu bọn Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch. Khi ấy, Giao chỉ vẫn đặt chức Châu mục riêng với Luy Lâu đất kinh thành, còn các nơi khác như Mê Linh, Chu Diên, Câu Lậu, Bắc Đái, Khúc Dương, An Định, Kê Từ, Tây Vu, Long Uyên đều chỉ đặt chức huyện lệnh thấp hơn một cấp. Trong khoảng thời gian ấy, cũng chỉ có Luy Lâu mới đặt các doanh quân, còn các vị huyện lệnh trong cõi Giao Chỉ mỗi nơi chỉ cho phép sắp đặt một trại lính không quá năm trăm quân, còn phải chịu sự tiết chế giám sát chặt chẽ của Châu mục Đặng Nhượng.

Châu mục Đặng Nhượng thi lễ khắp bốn phía xong cất giọng nói:

- Bẩm Thái thú đại nhân! Thưa các vị tướng quân cùng các vị đồng liêu. Bản tướng vâng mệnh Hán triều xuống Giao Chỉ giúp rập việc binh lương thuế khóa cho Thái thú đại nhân cũng đã gần ba mươi năm chưa về mẫu quốc. Ở nơi xa xôi vạn dặm, tại hạ cũng như Thái thú đại nhân chưa lúc nào nguôi hướng về phương Bắc, nơi có phần mả tổ tông Đặng thị. Ngay đến hai đứa con của tại hạ sung quân vào tứ doanh đã không chịu nổi cảnh rừng thiêng nước độc mà mất sớm cũng là phục vụ Hán triều. Nay bốn tướng Sầm Lân, Sầm Bá, Độc Cô Tần, Lữ Thạch mới sang kiêm quản tứ doanh, đây cũng là cao ý của hoàng thượng chuẩn bị nền tảng để vị Thái thú đại nhân mới siết chặt lại quy củ đất Giao Chỉ, Cửu Chân, thâu gom tài lực, khai mỏ đồng sắt, gom binh trữ lương, vận chuyển về Trung Nguyên cũng là thuận lẽ trời. Bản tướng trước đã liên danh cùng Thái thú đại nhân gửi bản tấu về triều đình, xin hoàng thượng miễn nhiệm chức Châu mục để được yên hưởng tuổi già. Nhân đây có đông đủ các vị tướng quân, các vị đồng liêu, lão phu bộc bạch đôi lời, cũng là gửi lời chào tới các vị. Mong các vị hãy cảm thông cho!

Châu mục Đặng Nhượng nói tới đâu, ai nấy đều xúc động. Trong hàng ngũ quan văn đã có vị sụt sịt rơm rớm nước mắt. Quả thực họ Đặng luôn mấy chục năm cúc cung tận tụy, không kể công việc rèn binh ở bốn doanh, mà ngay các việc đôn đốc thuế khóa, ứng phó thiên tai dịch bệnh, trưng tập lương thảo, vận chuyển gỗ đá, sửa sang thành trì đều không từ nan, rất được binh tướng bốn doanh và các vị huyện lệnh trong nước tin phục. Chỉ riêng việc khi có tin báo huyện lệnh Chu Diên họ Dương cho phép con trai lập đội thương thuyền cũng là những hải thuyền lớn rong ruổi bốn biển đã tiềm ẩn mầm loạn, song Đặng Châu mục khi được Thái thú hỏi đến đã cho rằng đó cũng là việc tốt, là điềm báo thịnh trị của đất Giao Chỉ. Nếu khe khắt trừ bỏ, ngăn sông cấm chợ cấm, tuyệt đường thủy bộ giao thương chỉ là tự đóng cửa chết mòn và đói nghèo mãi mà thôi. Tích Quang trong bụng thầm khen Đặng Châu mục là bậc hiền thần nhìn xa trông rộng, dám bỏ đi sự hà khắc hủ lậu không cần thiết của Hán thất mà phóng khoáng cảm hóa người phương Nam bằng cách thức riêng. Chỉ riêng chuyện ấy, khi đám huyện lệnh trong cõi Giao Chỉ biết được đã vô cùng khâm phục Đặng Nhượng.

Trong đám quan văn tại vị, mười bảy người thì có tới sáu bảy vị xuất thân người bản địa ở các vùng Câu Lậu, Long Uyên, nhất là đám nha lại trong thành Luy Lâu có khoảng thời gian dài làm việc sổ sách văn tự với Châu mục Đặng Nhượng đều phục họ Đặng không chỉ bụng dạ rộng rãi mà còn có trí nhớ kỳ tài. Có những trận bão lụt phải cứu tế, tới khi trở về sổ sách ngấm nước đều mục nát cả, vậy mà họ Đặng đã đọc vanh vách từng khoản để đám quan văn biên chép lại khiến các văn thần rất cảm động. Thấy hai vị đại nhân Thái thú, châu mục, kẻ trước người sau giữa đại điện Luy Lâu đều khẳng khái xin từ nhiệm, ai nấy đều trong dạ bâng khuâng.

Bên hàng quan võ, dường như có phần bộc trực thẳng thắn hơn, đô Thiên tổng đứng đầu trấn Tây doanh là Độc Cô Tần khẳng khái đứng ra tâu:

- Bẩm Thái thú đại nhân! Châu mục đại nhân! Tiểu tướng mới quản lĩnh Tây doanh được hai năm, đều thấy trong quân rất nghiêm, uy danh của Châu mục đại nhân khiến anh em binh lính cảm phục mà theo, bởi vì thế quân lệnh đưa ra đều thông suốt, trên dưới một lòng. Nay nhất loạt hai vị đại nhân đều xin từ nhiệm, dẫu còn chưa biết hoàng thượng có ân chuẩn hay không, song trong quân ắt sẽ chống chếnh nhiều phần, mong Châu mục đại nhân hãy lán lại thêm vài năm chỉ bảo cho các tướng mới đến cũng là vì sự vững mạnh của Hán triều ta vậy.

Trấn Tây doanh Độc Cô Tần vừa nói xong, trấn Đông doanh Sầm Lân cũng lập tức khẳng khái đứng ra nói:

- Bẩm Thái thú đại nhân! Châu mục đại nhân! Tiểu tướng từ bé ở trong quân ngũ dưới trướng của Phục Ba tướng quân, cứ tưởng dưới gầm trời này chỉ có ngài ấy mới quân lệnh như sơn, quân tâm đồng quy một hướng, tướng sĩ trên dưới như anh em ruột thịt, thật không ngờ khi được xuống đây quản lĩnh trấn Đông doanh, mới biết Châu mục đại nhân không chỉ có tài làm tướng mà đức hạnh rất cao, khiến binh lính sẵn sàng vào nơi nước lửa không tiếc xương máu của mình. Chính bởi uy phong thực lực tứ doanh Đông, Tây, Nam, Bắc, mà sĩ lâm thị tộc Giao Chỉ, dẫu dòng dõi Lạc hầu, Lạc tướng muốn vọng động khôi phục quốc thống của mình, đều phải tạm nằm im thúc thủ. Nay đại nhân ngài bất đồ xin hoàng thượng từ nhiệm trở về quê cũ, hỏi còn ai dẫn dắt tứ doanh làm nanh vuốt cho người phương Bắc chúng ta?

Vừa nói tới đó, trong hàng võ tướng, vị Thiên tổng trấn Bắc doanh toan đứng ra, song bên hàng ngũ quan văn, một vị thừa thị người bản xứ đã mau mắn bước lên một bước. Thấy vậy, trên chính điện, Thái thú Tích Quang bèn ra hiều viên quan võ lùi xuống để vị thừa thị nói trước.

Vị thừa thị dáng người thanh thoát, râu ba chòm mới chỉ điểm vài sợi bạc, cặp mắt tinh anh tiến ra thong thả nói:

- Bẩm Thái thú đại nhân, Châu mục đại nhân, các vị tướng quân cùng các vị đồng liêu. Bị chức hơn mười năm giúp việc văn bút thư từ sổ sách cho Châu mục đại nhân, có thể nói là phần nào đã thuộc phong cách làm việc của ngài ấy. Châu mục đại nhân đây, bên ngoài mềm dẻo mà bên trong cứng cỏi khác thường. Còn nhớ khi đưa binh tiễu trừ giặc biển, chính ngài ấy đã điền tên hai con trai mình sung quân giáp chiến. Khi biết tin hai con ngài tử chiến sa trường, bị chức đã không dám vội dâng lên. Vậy mà, ngài vẫn không trách mắng, còn cẩn thận tìm hiểu ngọn ngành việc tử trận là do quân uy không nghiêm, mệnh lệnh đầu đuôi đứt đoạn mới bị giặc biển lạm giết còn đáng trị tội. Kể từ đó, đội thủy quân mới được tách riêng luyện tập, bây giờ đã hùng trấn cửa biển khiến giặc cướp không dám bén mảng tới nữa. Còn như, trong hai mươi năm bảy lần lụt lớn, biển nước nhấn chìm nhiều làng xóm, bãi chợ, nương dâu các vùng Câu Lậu, Long Uyên, Chu Diên, đều đích thân Đặng Châu mục dẫn đầu đoàn cứu trợ vuông tròn công việc. Ngài từ lâu được Thái thú đại nhân tin dùng, quân chúng tin tưởng nghe theo, nay tuổi tác đã cao quyết một lòng xin về dưỡng lão cũng là thuận theo đạo lý quan trường. Sự kính trọng của các tướng, quân chúng dành cho hai vị đại nhân sau này càng như tấm gương soi cho người tiền nhiệm cũng là hồng phúc của Giao Chỉ vậy.

Đợi cho vị quan văn nói hết, Thái thú Tích Quang nhìn xuống thấy còn nhiều người muốn tỏ tấm lòng với Châu mục song ngài thầm nghĩ, nếu để bọn chúng nói ra cũng đều muôn người một ý mà thôi. Việc này nay mai truyền tới thiên triều chưa chắc đã là điềm tốt và con đường yên ổn tuổi già biết đâu lại sóng gió không chừng bèn đứng dậy ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi đĩnh đạc nói:

- Các vị văn thần võ tướng! Tấm lòng của các vị đối với châu mục đại nhân, đối với lão phu thật không thể vài lời nói hết. Âu cũng là phúc phận của bọn ta. May nhờ vào uy đức của Hán triều, sự dốc sức của các vị mà Giao Chỉ mới tạm thời yên ổn. Lão phu hơn ba mươi năm thực hành công vụ đều tâm niệm trong lòng: Mọi việc công đều theo luật pháp mà thực hành chính sự. Mọi phong tục đều theo nếp cũ mà thi hành. Miếng cơm manh áo của đám quan lại chúng ta đều là mồ hôi nước mắt của bách tính thị tộc. Chúng ta không chỉ phải làm gương mà cái chính là biết dẫn dắt người Giao Chỉ theo đúng tâm tư nguyện vọng của họ mới không phải dùng tới binh đao. Nhân có bốn vị tướng quân đây, sau này ta và châu mục hồi triều, các ngươi hãy nhớ cho kỹ, chớ có cậy giáp dày gươm bén mà chém giết bừa sẽ mang họa sát thân. Nước xa không cứu được lửa gần. Bốn doanh quân tuy uy dũng cũng không thể đẩy chúng dân vào thế đối đầu mà giết hết họ được đâu. Vạn bất đắc dĩ đã dùng hết đạo lý mà không chế phục được người Giao Chỉ, các ngươi hãy đóng chặt cổng thành mà bẩm tấu về Hán triều đợi lệnh hoàng thượng mới được. Chớ nhìn thấy bề ngoài bình lặng mà nghĩ người Giao Chỉ đã thuần phục phương Bắc đâu. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta.

Thái thú Tích Quang vừa nói tới đó bỗng bên ngoài có tiếng ồn ào. Mọi người nhìn ra chính là đoàn đặc sứ của triều đình đã tới đại điện. Tích Quang vội rời chỗ ngồi đứng dậy, toàn bộ văn thần võ tướng nhất loạt đứng dậy theo cũng là lúc vị quan đặc sứ hai tay bưng chiếu lệnh tiến thẳng vào chính điện dõng dạc nói:

- Thái thú Tích Quang tiếp chỉ!

Tích Quang cùng các văn thần võ tướng nhất loạt phủ phục xuống.

Giọng vị đặc sứ đĩnh đạc vang lên:

 

- … Thuận thiên thừa vận; hoàng đế chiếu lệnh…

… Nay xét công lao khó nhọc của Tích Quang, Đặng Nhượng, hai khanh đã vì trẫm, vì Hán triều không quản vạn dặm xa xôi, lam sơn chướng khí, dẫn dắt chúng dân Giao Chỉ quy thuận hoàng đế phương Bắc thực đã lập nhiều công lao!

Các khanh trị nhậm đã trên ba mươi năm, công cao tuổi cao, đều đáng được cho an hưởng tuổi già!

Trẫm đã xem xét kỹ biểu tấu của hai khanh xin về quê dưỡng lão thờ cúng tổ tiên thực là thuận lẽ trời!

Nay trẫm ân chuẩn biểu tấu của hai khanh! Trong hai tháng nữa, khi tân Thái thú xuống lãnh nhiệm, các khanh mới được rời thành!

Khâm thử!

 

Vị đặc sứ đọc xong, nhất loạt tiếng hô vang lên:

- Hoàng thượng thánh minh! Hán triều thịnh thế!

*

Bãi săn Cam Lâm vùng truông rậm nối thông khu rừng Cấm.

Đoàn người ngựa nai nịt gọn ghẽ từ mờ sáng đã rời Cổ Lôi sơn trang.

Tối hôm trước, huyện lệnh Trưng Định cùng các vị bô lão trong Cổ Lôi sơn trang đã tổ chức buổi tiệc thiết đãi khách quý rất chu đáo. Sau khi xem xét, trao thưởng cho bọn đứng đầu hội vật, hội đu, thi kéo co, thi đánh cờ và nhất là đồng giải nhất cặp trâu chọi kinh thiên động địa đến chết không rời hàng chục năm mới có, huyện lệnh Trưng Định cho giết thịt cúng tế xong đâu đấy buổi chiều đích thân ngài cùng bảy vị lão trượng mời cha con huyện lệnh Chu Diên thăm thú khắp một vùng trong ngoài Cổ Lôi sơn trang.

Nổi bật trong đoàn chính là đôi trai tài gái sắc đích trưởng đích nữ của nhị vị huyện lệnh. Thần lực của Dương công tử đã mau chóng lan truyền khắp trong sơn trang. Khi cặp ngựa một sắc trắng như tuyết, một sắc đen như mun được dắt đến lập tức được đôi trai gái nhảy phắt lên như có ý dẫn đường gia phụ và các vị bô lão. Trưng huyện lệnh mời Dương công cùng bảy vị lão trượng lên chiếc xe mui trần bốn ngựa kéo trên có cắm cờ lệnh Lạc tướng đất Mê Linh. Đã có lần, lời sàm tấu huyện lệnh Mê Linh vẫn ngang nhiên dùng cờ lọng Lạc tướng truyền về phủ Thái thú ở Luy Lâu song châu mục Đặng Nhượng đã phải gạt đi còn cho rằng ngay cả tôn thất đế hiệu của Triệu Đà còn quy thuận phương Bắc thì những tôn hiệu nhỏ của các thủ lĩnh, tộc trưởng, đầu mục được phân phong hiện diện trên vùng đất bản địa cũng là lẽ thường, không cần phải chấp nhất làm gì. Thái thú Tích Quang cũng thuận theo đó mà lờ đi cho.

Khi đã yên ổn trên xe ngựa, huyện lệnh Trưng Định hướng về phía Dương công ân cần nói:

- Dương huynh! Nghe nói Chu Diên đất vuông trăm dặm, đầm lớn ngàn mẫu, cửa sông nối thông cửa biển sâu dài vô tận, thuyền lớn hai mươi trượng trăm mái chèo lướt sóng vững như đi trên đất bằng. Lại mấy chục năm nay, sĩ lâm thị tộc Chu Diên chỉ biết tới Dương công mà thôi, tại hạ thật là khâm phục. Kỳ này nhất định phải mời Dương công ở lại vài ngày chỉ giáo cho tại hạ.

Vị huyện lệnh đất Chu Diên thong thả vuốt chòm râu muối tiêu nhìn đôi trẻ trên lưng ngựa đang lướt nhanh phía trước nét mặt tươi nhuần mỉm cười đáp:

- Đa tạ Trưng huyện lệnh quá khen! Theo ý của lão phu, Dương thị hay Trưng thị chúng ta, trước tiên đều là con cháu hậu sinh nòi giống Hồng Bàng, đều là hậu duệ các cận thần bộ tướng của Hùng Vương như cây liền một gốc rễ cội cành. Đất Chu Diên xưa kia cũng là các đức vua Hùng Vương phân phong cho họ Dương ta, Dương thị quyết không dám một ngày bê trễ. Hôm nay đây, lão phu cũng được mở rộng tầm mắt khi tường tận thấy được tấm lòng của dân chúng trong vùng hướng về Lạc tướng ngài. Mê Linh là vùng đất cổ thuộc quốc đô Phong Châu ngày trước, linh khí ẩn tàng, chúng dân chăm chỉ, lại là nơi thế núi châu tuần trang nghiêm kỳ vĩ, các sông lớn nhỏ đồng quy tụ hợp trên bến dưới thuyền thực là mạch đất sang quý vô cùng. Nếu Trưng huyện lệnh không chê, nhất định nay mai ta sẽ sai tiểu tử đem tới tặng ngài một đội khinh thuyền, để ngài tiện đi lại các nơi.

Huyện lệnh Trưng Định trong lòng vô cùng xúc động. Ngày trước còn chưa gặp mặt, ngài đã nghe tiếng còn thầm mến mộ vị huyện lệnh Chu Diên lúc nào cũng môn khách đầy nhà, thợ thuyền đông đúc, thương nhân, kẻ sĩ lui tới bất kể ngày đêm đều được tiếp đón trọng thị. Nay thấy Dương công lời nào cũng chân thành thẳng thắn, chừng mực ân cần lại vô cùng khoáng đạt trong lòng càng tín phục bèn trang nghiêm nói:

- Đa tạ Dương huynh tri ân còn chỉ bảo điều hơn lẽ thiệt cho ta. Ta vẫn biết chí lớn của Dương thị xưa nay chưa bao giờ nguôi hướng về quốc thống, chẳng qua là còn chờ đợi thời cơ đó thôi. Ta cho rằng sớm muộn gì người Giao Chỉ chúng ta cũng phải tự chủ đất mình. Nay dẫu các vị Thái thú Tích Quang, châu mục Đặng Nhượng mềm mại khoan hòa, tạm để cho bọn huyện lệnh người bản địa chúng ta có chút quyền hành dân chúng mới khỏi lầm than. Mai kia, các vị tân quan mới đến lòng dạ chưa biết thế nào. Khi đó e rằng, ngay cả việc thăm thú giao lưu giữa chúng ta đây cũng không dễ gì thực hiện.

Nói tới đó, cũng là lúc chiếc xe bốn ngựa kéo đỗ trước một tòa miếu thờ khá lớn, bên ngoài được bao bọc bằng dãy tường đá cao tới hơn đầu người. Trước sau sân miếu đều có những cây lim xanh cổ thụ cao vút rợp bóng xuống tòa cổ miếu.

Đoàn người thong thả rời xe. Bên trong, Dương công tử cùng vị thanh nữ con gái huyện lệnh Mê Linh tới từ trước đó đã sửa soạn hương hoa bày biện cẩn thận rồi.

Bảy vị bô lão cùng nhị vị huyện lệnh lục tục kéo vào bên trong sân tòa miếu cổ.

Ái nữ huyện lệnh đất Mê Linh trang phục gọn ghẽ, đầu đội chiếc khăn gấm đỏ thêu phượng hoàng trắng, lưng thắt đai ngọc xanh biếc, chân đi giày nhung đỏ, tướng mạo thanh thoát hướng cặp mắt tươi sáng như hoa cung kính thi lễ nói:

- Bẩm phụ thân, Dương đại nhân cùng các vị bô lão! Hương hoa đèn nến, thức vật thờ cúng nhi nữ cùng thủ đền đã sửa soạn xong. Kính thỉnh phụ thân cùng các trưởng lão dâng hương.

Lời vị ái nữ thánh thót như chuông, âm sắc rõ rang, ấm áp. Dương công nhìn thẳng vào ái nữ thấy khuôn trăng đầy đặn, mắt phụng mày tằm, cổ cao thanh thoát điểm chiếc vòng bạc lấp lóa, gương mặt như có thần khí rất sinh động, vẻ bên ngoài rạng rỡ mà ẩn tàng bên trong nét trầm hậu ung dung, thật sang quý không sao kể xiết. Nhìn bên trong miếu lại thấy đèn nến đã châm thắp sắp hàng tề chỉnh, hương hoa oản quả các ban sạch sẽ tinh tươm trong bụng vui lắm.

Còn đang ngẫm ngợi, đã thấy Thi Sách bước tới dâng chiếc mâm đồng bên trên để sẵn vài chục nén hương nghi ngút khói.

Nhị vị huyện lệnh cùng bảy bô lão thong thả nhấc từng nén hương thơm theo thứ tự lần lượt dâng lên.

Dương công cắm nén hương vào chính miếu vái lạy xong ngước nhìn bên trong không khỏi thoáng sững sờ. Trong màn khói hương nghi ngút mờ mờ ảo ảo, bức tượng vị thần chủ tòa cổ miếu bằng đồng uy nghi trên chiếc long ngai đầu đội long mão, hai tay nghiêm trang đặt phía trước, long bào chạm rồng đã sạm màu hương khói nổi lên rất rõ giữa ngực dòng chữ khắc chìm Hùng Vương Quốc Chủ. Trong người Dương công như có luồng khí huyết đột ngột chạy suốt từ dưới lên. Bên cạnh, Trưng huyện lệnh và bảy vị lão trượng vẫn trang nghiêm khấn khứa.

Sau khoảnh khắc dâng hương, đoàn người quay trở lại sân cổ miếu. Bấy giờ, huyện lệnh đất Mê Linh mới thong thả bảo với Dương công:

- Dương huynh! Tòa miếu cổ này là nơi thờ tự vị Thái tổ thứ bảy Hùng triều ngày các quốc chủ Hùng Vương còn tại vị. Tổ ta sau này thoái vị, đến đời thứ chín đổi sang họ Trưng cũng là di mệnh của tân quốc chủ. Từ bấy đến nay cũng đã mấy trăm năm, Trưng thị không lúc nào quên mình mang huyết thống họ Hùng. Các thị tộc khác trong vùng đều đã từ lâu hiểu rõ điều này. Đã mấy lần châu mục Đặng Nhượng hồ nghi, có ý muốn tới đây tra xét ta đều phải tìm cớ thoái thác. Hôm nay nhân tiết đầu xuân mát mẻ, lại biết Dương huynh không quản đường xa tới dâng hương đức Tản Viên Sơn Thánh trên đỉnh núi tổ Ba Vì, ta mới mời Dương huynh cùng công tử tới đây. Âu cũng là để lớp trẻ sau này hiểu biết thêm về tổ tông gốc rễ.

Trưng huyện lệnh vừa nói dứt lời, Dương công bèn vẫy Thi Sách và ái nữ họ Trưng tới bên các vị bô lão nghiêm trang nói:

- Các vị lão trượng! Lời Trưng huyện lệnh hôm nay quả đã khai tâm khai thị thêm cho Dương gia chúng ta. Vẫn nghe truyền kỳ Lạc tướng Mê Linh chính là hậu duệ cành nhánh của quốc chủ Hùng Vương, nay thực mục sở thị không còn phải hồ nghi gì nữa. Đền miếu dẫu trăm năm phong hóa vẫn còn vững vàng uy nghiêm trên đất tổ xưa. Sách nhi con! Con hãy ghi nhớ trong lòng, Dương thị đất Chu Diên mãi mãi là thần tử của Hùng triều, dẫu còn ba hộ đều phải hướng về quốc thống. Cha con ta tới đây dâng hương cũng là hưởng ân uy tổ tông nguồn cội. Lúc trước, ta đã hứa với ngài huyện lệnh tặng Cổ Lôi sơn trang một đội khinh thuyền. Nay mai trở về, con hãy thay ta đem tới. Từ nay, hễ Cổ Lôi sơn trang cần thức vật gì, con hãy thay ta giao tặng đầy đủ. Tất thảy từ thợ giỏi gỗ quý, đồ đồng đồ sắt tới phương cách chế tác khinh thuyền, bí thuật rèn đúc khí cụ, hễ Chu Diên thông hiểu đến đâu, nhất loạt đều giao lưu truyền thụ cho các thị tộc Mê Linh đến đó. Trước anh linh thần chủ cổ miếu Hùng triều, con hãy ghi nhớ lời giao ước.

Thi Sách nghiêm cẩn lắng nghe, khắc ghi rõ rừng điều trong tâm khảm. Đợi phụ thân nói xong bèn khảng khái đáp:

- Con xin vâng theo lời giao ước của phụ thân!

Các vị lão trượng lắng nghe cuộc đàm đạo giao ước của nhị vị huyện lệnh, lại thấy đôi trẻ hậu sinh kẻ phong thái hùng dũng vững vàng, người sắc nước hương trời thanh thoát quả là hiếm thấy, ai nấy đều thầm mừng rỡ trong lòng.

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, huyện lệnh Mê Linh còn đích thân dẫn cha con Dương công đi thăm thú luôn ba bốn danh thắng khác trong Cổ Lôi sơn trang.

*

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm