- Lý luận - Phê bình
- Trường ca hiện đại cần những gì?
Trường ca hiện đại cần những gì?
NGUYỄN TRƯỜNG
(Đọc trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân 2022)
Khác với trào lưu trường ca hiện đại đang thịnh hành, trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển vẫn phát huy thế mạnh của tính hiện đại, dạt dào cảm xúc… nhưng trường ca của ông lại có cốt truyện, được xây dựng trên vật liệu của các sự kiện có chọn lọc, mô tả sinh động một thời hào hùng của dân tộc, bởi vậy nó còn mang hồn của sử thi truyền thống. Cốt truyện trong trường ca vô cùng quan trọng, nó như bản kiến trúc hoàn chỉnh, chi tiết để người thợ xây dựng nên tòa nhà. Tòa nhà to, đẹp, hay nhỏ bé, xấu xí, trước hết nằm ở bản vẽ của kiến trúc sư. Trong trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển được tác giả chia làm 5 chương và phần kết Vĩ thanh.
Chương 1: Là nỗi nhớ, nỗi chờ đợi mòn mõi mong con trở về của người mẹ có hai đứa con vào chiến trường miền Nam chống Mỹ:
“Mẹ không tin vào đôi mắt
Cuối đường làng có người lính bước nhanh
Từ khi kết thúc chiến tranh
Đã có bao nhiêu hình ảnh ấy
Hình ảnh thân thương
Người bận quân phục màu cỏ cháy”…
Thời trẻ, hồi kháng chiến chống Pháp, mẹ đã từng đào hầm nuôi giấu cán bộ, anh tên Yên, quê Bắc Ninh:
Đánh bót Văn Đàn, Đông Biên
Mẹ đã đào hầm giấu anh cán bộ tên Yên
Quê hương anh nơi miền Quan họ
Những đêm trăng giặc không ruồng bố
Anh hát dân ca dọc bờ sông
Anh chẳng hát riêng cho mẹ đâu
Mà từng lời vành vạnh, đêm đông
Cứa vào lòng mẹ…”
Mẹ chứng kiến cảnh giặc càn, anh Yên và bao nhiêu đồng đội các miền khác nhau hy sinh. Bây giờ mẹ tiễn hai con ra đi mà lòng thương nhớ, vẫn biết rằng, con mẹ ra đi vì đất nước. Hòa bình, thằng con lớn của mẹ trở về, thằng thứ hai đã nằm lại ở chiến trường xa.
Chương 2:
“Mẹ về thăm quê
Sau hai mươi năm xa cách
Sông Hỗ Đông, vẫn đôi bờ lau lách
Thuyền nan như chiếc lá chơi vơi…”
Thời thiếu nữ mẹ chạy vào Thanh Hóa lánh nạn chiến tranh do quân Pháp càn quét. Mẹ sinh ra trong gia đình quan lại, “bát ngát đất cày” nhưng do cha từ quan, mẹ chưa một ngày được “đóng vai ái nữ”. Mẹ vào Thanh Hóa, làm con nuôi nhà người, chẳng nói cũng biết mẹ phải vượt qua cuộc đời vất vã như thế nào.
Chương 3: Mẹ nhận làm dâu dù chẳng biết người đó mặt mũi ra sao, giàu hay nghèo, sang hay hèn. Chỉ biết đó là một du kích, được nhiều người quý mến, nghe thế mẹ bằng lòng, vì anh cùng lý tưởng với mình. Thân phận mẹ khi làm dâu:
“Túp lều vách đất gió thênh
Lá chuối khô, gối nệm rơm
Thêm đứa con riêng của người chồng ba tuổi…”
Mẹ có đến 6 đứa con, tảo tần nuôi con ăn học, mẹ như thân cò lặn lội sớm khuya.
Hòa bình lập lại, rồi đến chiến tranh chống Mỹ. Máy bay Mỹ kéo đến ném bom bắn phá. Quê hương mẹ trai gái lại lên đường. Thằng Ớt, đứa con đầu lòng học hết lớp 10, đang ôn thi đại học làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi vào chiến trường miền Nam. Thằng con thứ hai là Cay lại theo anh lên đường ra trận.
Chương 4: Cảnh quê hương mẹ với gốc đa bến nước sân đình, những biểu tượng văn hóa làng quê gắn bó. Mẹ nhớ bến sông, nơi anh Yên đã hát dân ca quan họ, đã anh dũng hy sinh, nới in dấu chân các con mẹ đi mò cua bắt ốc, nơi cánh đồng lúa bát ngát mênh mông la lã cánh cò. Nơi làng quê gắn bó với nhau khi:
“Một nhà có thư, suốt cả canh thâu
Mọi người đến hỏi thăm, chia sẻ
Một nhà nhận tin xót đau
Cả làng khăn tang, dâu bể..”
Đất nước có hậu phương như thế, kẻ thù nào có thể đè bẹp được?
Chương 5: Thằng Cay con của mẹ nằm xuống nơi chiến trường phía Nam, nhưng mộ nơi đâu? Mẹ lại lăn lội vào chiến trường tìm con. Miền Đông, miền Tây, nơi nào là mồ con của mẹ? Mẹ gặp bà má miền Nam cũng có con hy sinh nơi địa đầu Tổ quốc, chống quân Trung Quốc xâm lược:
“Không chỉ thế, bao bà mẹ héo hon
Gửi những đứa con
Từ miền Nam ra, gửi thân nơi đất Bắc
Trên mảnh đất thân thương hình chữ S
Nơi nào cũng có liệt sĩ như chú Yên, thằng Cay...”
Đất nước mấy nghìn năm, chưa bao giờ nguôi tắt ngọn lửa chiến tranh, quân dân vẫn kiên cường chống ngoại xâm giữ gìn bờ cõi. Nơi nào không có xương máu những người như con mẹ, ngã xuống để giữ gìn sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ.
Sở dĩ tôi phải tóm tắt từng chương của trường ca MẸ để minh chứng rằng, trường ca này có cốt truyện, có sự kiện, có số phận nhân vật của một anh hùng ca. Còn trường ca theo trào lưu thời thượng hiếm có cốt truyện, tác giả chỉ đưa ra sự kiện rồi phổ vào đó những cảm xúc, những suy tư về thời thế, thậm chí chẳng có triết lý gì. Bởi thế rất nhiều trường ca xuất hiện ồn ào một dạo rồi rơi vào quên lãng. Trường ca của Trần Thế Tuyển viết về mẹ, về số phận của một người mẹ chịu nhiều gian khổ từ thơ bé đến tuổi già. Mẹ tần tảo nuôi con, giúp bộ đội đánh giặc, lại tiễn con vào chiến trường bảo vệ đất nước. Qua người mẹ cụ thể ấy hiện lên bao bà mẹ của quê hương đất nước. Thấy cả hậu phương bao hùng vĩ. Mẹ không bi lụy, dù con mẹ đã ngã xuống nơi trận tiền. Khi gặp bà mẹ miền Nam cũng có con hy sinh nơi biên giới phía Bắc, mẹ càng hiểu về tầm vóc dân tộc ta. Trái tim mẹ trở nên vĩ đại hơn. Mẹ trong trường ca Trần Thế Tuyển đã trở thành biểu tượng của lòng hy sinh vì đất nước.
Nếu cốt truyện như khung sườn của ngôi nhà thì những câu thơ hay được ví như vật liệu cất lên ngôi nhà ấy. Một trường ca hay phải kết dính bởi nhiều câu thơ hay, nó xây đắp nên mỹ cảm vạm vỡ trong tâm trí người thưởng thức. Truyện Kiều của Nguyễn Du kì vĩ ở đâu? Phải chăng đó là bởi trùng điệp những câu thơ hay:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng…”
Trường ca thường có dung lượng lớn, bởi vậy các tác giả dễ nhiều lời, mà thơ hay yêu cầu phải kiệm lời, phải đa nghĩa, sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh, “vẽ mây nẩy trăng”... bởi thế, lẩy ra những câu thơ hay trong trường ca càng khó. May thay trong trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển có nhiều câu thơ hay. Anh Yên hay hát dân ca cho dân làng nghe; chắc là mẹ cũng rất cảm tình và thương nhớ anh: Câu thơ da diết trong làn điệu quan họ:
“Câu dân ca bay theo ngọn gió
Người ở đừng về, người ơi có nhớ...”
Những người con đã ngã xuống quê mẹ, nơi miền chân sóng:
“Để dòng sông quê mãi mãi ngân nga
Những con sóng như nỗi lòng nhức nhối”…
Và những câu thơ hay khác:
“Tiếng còi tàu thổn thức mỗi đêm
Bao câu hỏi như con thuyền rời bến
Chở mẹ đi trong hạnh phúc, khổ đau”…
“Người thiên hạ uống nước sông nào đây
Mà vồng ngực như trái chín”…
“Các anh không về
Hoa gạo như máu người nhuộm đất”…
“Mảnh vườn và ánh trăng như trời và đất
Như con trai, con gái làng ta”…
Đôi khi cũng cần có những câu thơ nghe trái ngược, như “phi lý hình thức trong hợp lý nội dung”:
“Tiếng khóc trẻ thơ như báo hiệu xuân về…”
Trường ca cần lắm nhưng câu thơ có tính khái quát, khái quát từng đoạn, từng chương, thậm chí khái quát cả trường ca để đúc kết nên một vấn đề, một triết lý thời đại. Những kiểu khái quát sâu sắc như:
“Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…”
(Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm).
“Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn...”
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế Lan Viên)
Trong trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển cũng có những câu thơ khái quát hay như:
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”…
“Bao người vợ đêm đêm trông ngóng
Nỗi đợi chờ thành cổ tích, dân ca”...
Trường ca MẸ của Trần Thế Tuyển lôi cuốn người đọc bởi cảm xúc dạt dào của tác giả trước người mẹ hy sinh trọn đời cho quê hương đất nước. Cảm tưởng như tác giả xuất thần bật lên những câu thơ hay, làm trường ca lung linh, mang hơi thở của cuộc sống, của thời đại. Những khái quát phần cuối của Trường ca MẸ khá sâu sắc, rất ấn tượng, nâng tầm cho toàn bộ tác phẩm vượt lên.
Nguồn: Văn nghệ số 32 (ngày 6/8/22)