- Truyện
- Và khi cỏ nảy mầm – Truyện ngắn Cao Nguyệt Nguyên
Và khi cỏ nảy mầm – Truyện ngắn Cao Nguyệt Nguyên
Đây là lần đầu tiên Sua đi khỏi bản của mình. Lần đầu tiên Sua biết cảm giác say xe là thế nào. Nó nhộn nhạo, váng vất, mệt mỏi, nhưng không bằng nỗi đau đang mỗi lúc dềnh lên trong lòng. Sua nhớ ba đứa con đến cồn cào. Nhất là thằng Thào, đứa vẫn còn bám mẹ. Nó gầy yếu nhất trong ba anh em, đêm phải rúc vào nách mẹ mới chịu ngủ. Rồi mai, những ngày tiếp theo, ai là người ru nó ngủ. Ai đốt lửa bếp cho mấy đứa con sau cái vách nứa xiêu vẹo ấy. Bằng bấy nhiêu nỗi cứ cào ruột Sua, như ai cầm hai đầu gai mây mà kéo.
Nghĩ đến chồng, nước mắt Sua bỗng rỉ ra. Cái thằng Sua chẳng yêu gì đã làm Sua rệu rã cả thời con gái. Nhưng vì có với nhau ba mặt con rồi, nên lâu dần cũng thấy thương. Sua thương bao nhiêu thì giận bấy nhiêu. Nó làm tình làm tội Sua chưa đủ, còn làm khổ ba đứa con. Nó bắt Sua phải lìa xa khúc ruột của mình.
Nhà văn trẻ Cao Nguyệt Nguyên
Hai đêm trước, nó vẫn đi nốc rượu, hứa rồi lại say, say thâu đêm suốt sáng quên hết sự đời. Nhưng hôm đó nó không vào nhà. Nó ngồi ngay mé cửa, rục xuống đấy, người rũ rượi như sắp chết. Gần sáng thằng lớn mót đái chạy ra cửa vấp phải hét toáng lên. Cơn say vẫn còn vương vất, nó kéo tay thằng con lại.
– A thằng con tao. Mày lớn rồi. Mấy ngày nữa mày phải đi theo người ta mà làm ăn chứ. Tao già rồi. Không nuôi nổi nữa.
Lúc ấy Sua chuẩn bị dậy, nghe thấy vậy nhưng bỏ ngoài tai. Tin gì cái lời thằng say rượu. Lúc nào say thằng chồng chẳng nói mấy câu xằng bậy.
Nhưng không, đến bữa, khi lũ trẻ đã ăn xong, kéo nhau ra bãi cỏ trước nhà chẻ củi, thằng chồng mới ngồi xuống uể oải nhìn bát ngô độn. Miệng đắng ngắt, nước bọt cứ muốn xểu ra bên mép.
– Mấy ngày nữa người ta đến đón thằng Thùa đi.
Sua vừa nâng bát lên vội đặt xuống.
– Đi đâu?
– Đi làm thuê cho người ta. Ở gần biên giới.
Ôi cái làng này, đã biết bao người cũng đi làm thuê ở biên giới rồi chẳng ai về. Nay lại đẩy thằng Thùa ra đó. Nó mới chỉ là đứa trẻ mười hai tuổi. Nó là nỗi đau của Sua. Là kết quả của cái đêm bị thằng Vừ, chồng Sua bây giờ, bắt về khi đứng đợi người yêu ở gốc mận. Nó trói tay Sua. Nó đè lên người Sua như một con gấu đen hôi hám, chiếm đời Sua không một lời rồi hả hê nằm nghếch mặt lên trần nhà, mặc Sua trần truồng. Sua khóc. Sua biết đời mình chết từ đây rồi.
– Tao không bao giờ để thằng Thùa đi đâu.
Sua đứng phắt dậy ném cái đũa xuống mâm. Bỗng thằng chồng quỳ xuống ôm lấy chân Sua. Nó bật khóc.
– Mày phải để nó đi. Không thì tao chết mất. Chúng nó sẽ giết tao, giết cả mày và mấy đứa con nữa.
Sua kinh ngạc nhìn Vừ.
– Phải, tao là thằng khốn nạn. Con ma rượu nó đưa lối. Nó dẫn tao đến đường chết. Nó dẫn tao đến sòng bạc. Tao vay người ta giờ tao chẳng có gì để trả.
Sua lặng lẽ đi về góc nhà lấy một chiếc vòng bạc ra đưa cho Vừ, cả ít tiền se lanh dành dụm được.
– Mày bán đi, để mà trả nợ.
Khuôn mặt Vừ cười méo mó.
– Mày vay nó bao nhiêu?
– Một trăm triệu.
Chân tay Sua như rụng rời. Cả đời này, Sua và các con, bao nhiêu năm tước lanh, se sợi, bao nhiêu mùa trăng nữa mới đủ đây? Sua không dám tin vào tai mình. Trước mặt Sua, cái nắng trước nhà đang dội vào đầu mấy đứa nhỏ. Mắt Sua hoa đi. Sua không khóc nổi. Như gà mẹ nhìn thấy con diều hâu đang sà xuống bắt con, Sua chạy ra chỗ lũ trẻ, ôm ghì lấy chúng, phóng con mắt dữ tợn về phía Vừ.
– Dù có chết, tao cũng không để mày đưa con đi.
Vừ biết, Sua không bao giờ chịu bỏ con mình. Vừ cũng biết cái công việc ở biên giới ấy chỉ là giả vờ. Chúng nó sẽ bán thằng Thùa để lấy tiền trừ nợ. Nhưng Vừ không quên được cái dao sắc kề sát bàn tay mình đêm trước. Chúng nó sẽ chặt tay Vừ.
Nhìn thằng chồng lùi lũi đi về phía đường mòn, Sua vẫn không rời tay khỏi con. Chết thì cùng chết. Sua nghĩ như thế. Cả ngày trời không một miếng bỏ bụng, nỗi lo đã khiến ruột Sua đầy lên tức tưởi. Ba mẹ con cứ ngồi ở góc nhà, trong bóng chiều chập choạng. Chúng nó rúc vào lòng Sua, đứa nằm, đứa ngồi, kể cho nhau nghe và cười khanh khách. Chẳng đứa nào để ý đến đôi mắt vô hồn của người mẹ. Sua sẽ ôm lũ con mà ngồi đây, cho đến khi trời sập xuống, cho đến khi nào phải chết thì ba mẹ con sẽ chết cùng nhau. Thằng Thùa và con Tháo đã buồn ngủ díp mắt. Nó muốn về cái góc quen thuộc để ngả lưng. Nhưng mẹ nó không cho, đành ngồi co ro dựa vào mẹ mà dỗ cơn ngủ của mình.
Đêm. Sua lặng lẽ trốn con khi chúng nó ngủ say, với cái dao phát nương đi ra cửa ngồi, giống như con chó cái ngồi canh con ngủ. Đời Sua đã thấm đòn đau. Nhưng Sua không cho người ta làm vậy với con mình.
Mắt Sua chong chong nhìn về phía con đường đặc sệt sương dưới trăng mờ. Ở miền này thật lạ. Đêm sương nhiều thì ngày nắng chói chang. Ngày mai cũng dự là một ngày như thế. Cái dáng đi chúi về phía trước của Vừ hiện lên trong sương khiến Sua rùng mình, như người ta nhìn thấy tử thần đoạt mạng.
Sua đứng dậy, thằng chồng chững lại nơi cửa. Mặt nó nhạt hơn nước. Nó nhìn Sua một lúc, con mắt sưng mọng đã gần lấp đầy cái hốc vốn dĩ tí hin.
– Tao không bán thằng Thùa đi nữa. Tao thề.
Sua như người sống lại. Nới lỏng con dao trong tay.
– Nhưng mày phải đi một chuyến, mày phải cứu cái nhà này. Sua ạ.
Ừ, dù Sua chết thay con cũng được. Đời Sua còn tiếc gì đâu. Sua gật đầu.
– Đi đâu?
Thằng chồng im lặng một lúc như do dự, nó nhìn vợ một hồi, cái thân hình đã hao mòn hơn ngày trước nhưng vẫn còn xuân sắc.
– Người ta thuê mày đẻ hộ. Trả đủ một trăm triệu. Chín tháng xong là mày về. Mày vẫn còn con mày, còn… tao.
Tiếng tao nghe thật sượng sùng. Vì với Sua, Vừ chỉ là một thằng khốn nạn.
– Bao giờ đi?
– Mai.
Sua nhìn Vừ, khẽ nhếch môi cười khinh bỉ.
– Mày phải hứa chăm con tao cẩn thận.
Vừ gật đầu.
Và xe đi… người ta đón Sua từ sớm. Trong túi vải chỉ có bộ váy bảy màu, người ta cười, mang ít thôi, dưới ấy đã lo ăn mặc cả rồi. Sua chỉ kịp hôn hít mấy đứa con đang còn ngủ một cái rồi thắt ruột quay đi. Rừng núi hun hút trôi qua. Chao ôi. Nếu Sua chưa có con, nếu Sua còn son rỗi thì sẽ bỏ chốn này mà đi. Bỏ cái mùi đàn ông như của gấu ấy. Đời Sua sẽ khác. Nhưng giờ Sua bị buộc chân lại đất này rồi.
Tranh của Hữu Ước
Người ta đưa Sua đến một căn nhà bốn tầng đẹp đẽ nằm cạnh một con sông nhỏ trong thành phố. Hai bên đường xanh rợp cây. Người đi đường thỉnh thoảng quay lại nhìn Sua. À đàn bà miền núi. Đón Sua là hai vợ chồng người chủ, người chồng cao to ăn mặc lịch sự, tóc vuốt keo mượt óng. Người vợ mặc chiếc váy voan lụa thêu hoa cầu kì ở chân chây váy. Họ nhìn Sua một lượt từ trên xuống dưới. Người vợ quay sang chồng ngầm ý nói hài lòng.
Hai vợ chồng họ lấy nhau đã lâu, cả hai cùng làm cho một công ti lớn. Tiền bạc rủng rỉnh. Nhưng đời chẳng cho ai toàn vẹn bao giờ. Người ta thường nói “giàu của khó con” câu này đúng với vợ chồng họ. Mười mấy năm nay họ mong chờ, hi vọng, đã cấy ghép nhưng không có kết quả. Cơ địa người vợ yếu, không thụ thai được. Cho đến một ngày, được người bạn góp ý thuê người mang thai hộ. Lúc đầu họ từ chối nhưng rồi cũng xuôi. Không nên cưỡng cầu quá. Tuổi ngày càng lớn rồi. Đến ngày nhận con, người đàn bà kia sẽ biến mất với nửa số tiền còn lại.
Sua được nghỉ ngơi, thư giãn và làm quen môi trường sống trong một tháng. Ngày đẹp tháng đẹp mọi việc sẽ bắt đầu. Dù chủ nhà đã mua bao nhiêu quần áo đẹp nhưng Sua vẫn chỉ nhất quyết mặc bộ váy áo mang theo. Nhìn thật lạc lõng với ngôi nhà hiện đại này. Căn phòng dành cho Sua được ưu ái hướng về phía hàng cây sấu xanh rì phía dưới càng khiến nỗi nhớ nhà, nhớ con trong lòng Sua dào lên. Đêm Sua vẫn khóc thầm, hít hà cái khăn quấn cho thằng út. Sua càng buồn, đôi mắt càng diệu vợi, xa xăm. Người đàn ông ấy vẫn thỉnh thoảng nhìn trộm Sua. Với anh ta, Sua như một bông hoa rừng đầy lạ lẫm và kích thích. Cái bắp chân trắng ngần không còn quấn xà cạp càng mê dụ. Ánh mắt ấy thầm hỏi hoàn cảnh nào mà cô ta phải đồng ý mang thai hộ? Cái nguyên tắc tuyệt đối của khách và chủ là không được quan tâm đến đời sống riêng của nhau.
Như một thói quen nhàm chán chiều thứ bảy, người đàn ông nằm xem thời sự. Một chương trình thực tế miền núi. Những đứa trẻ con mặt mũi tèm lem được khách du lịch cho kẹo. Anh ta bỗng giật mình khi thấy Sua đứng nép ở cửa từ bao giờ, mắt nhòa lệ. Khi thấy người đàn ông quay lại, Sua chạy vụt lên phòng.
Đêm sâu thế, làm sao mà ngủ được. Cảnh sắc nơi này xa lạ quá. Cái giường êm ái này không bằng góc ngủ chật chội, thô sần mà ấm hơi của lũ nhỏ. Cái lạnh của điều hòa kia cũng thật giả tạo, không bằng cái lạnh đêm cắt da cắt thịt nơi núi cao. Sua mở cửa, bên ngoài, điện cầu thang nhập nhoạng. Nửa đêm rồi nhưng ở phòng tầng dưới vẫn vọng lên tiếng sụt sịt của người vợ. Bao nhiêu thuốc và công điều trị đã không giúp cô ta có được những quả trứng đủ chất lượng. Sua giỏng tai. “Em không ghen đâu. Cô ấy vẫn nghĩ rằng, mang thai hộ nghĩa là anh ngủ với cô ấy để có thai. Cô ấy không biết thụ tinh nhân tạo là gì. Đêm mai anh hãy đến phòng cô ấy.” Những câu nói của vợ chồng họ khiến Sua váng vất. Cô rùng mình nhận ra cái âm mưu của họ. Sua định bỏ về, nhưng nếu Sua về, thằng Vừ sẽ bán con của Sua. Thế thì đời Sua còn sống làm sao được. Sua âm thầm lau giọt nước mắt.
Đêm mùa thu dịu mát. Người đàn ông đưa cho Sua cái khăn thổ cẩm. Nhìn cái khăn Sua thầm nghĩ, đường thêu này sao bằng Sua được. Sua hồi hộp nhìn người đàn ông rồi lặng lẽ nằm xuống giường. Nhìn Sua nằm trên giường, hai chân duỗi xuôi thật nhẹ nhàng, mắt nhìn lên trần nhà, nỗi thất vọng chợt dâng lên trong mắt anh ta.
– Xin lỗi, tôi… không thể. Tôi không muốn gượng ép ai cả.
Sua vùng dậy quỳ xuống ôm lấy chân anh ta.
– Đừng! Tôi muốn sớm được về với con của mình.
Một giọt nước mắt lăn dài trên má. Người đàn ông nâng khuôn mặt Sua lên. Nhìn sâu vào đáy mắt. Đôi mắt đẹp vướng vất nỗi buồn như một thứ bùa ngải. Mùi đàn ông xa lạ phả vào mặt Sua nóng ran. Người đàn ông biết cách dẫn dụ, khơi gợi những đam mê thầm kín. Dịu dàng, nâng niu Sua, những thứ mà chưa bao giờ Sua có được trong đời sống vợ chồng. Sua say. Say hơn những ngày tết ngồi bên vò rượu. Từng nhịp xoa dịu nỗi đau hằn vết trong lòng Sua…
Một thời gian sau, mầm sống bắt đầu len trong người Sua. Từng ngày, từng ngày. Người đàn ông ấy thỉnh thoảng lại lên, áp đầu vào bụng Sua mà nghe ngóng. Thật bình yên. Sua nhớ lại những ngày cay đắng. Đứa con của Sua… Ôi chao, rồi đây Sua phải để lại cho người ta. Sua phải rời xa nó. Nó được sinh ra chỉ duy nhất bởi bán mua. Sua khốn nạn quá. Sua không xứng được gọi là mẹ. Sua cũng chẳng khác gì Vừ, những loài độc địa.
Nỗi dằn vặt mỗi ngày một lớn khi Sua cảm nhận được những cái máy rất nhẹ của con. Sua cũng như bị thôi miên bởi cử chỉ ân cần và dịu dàng của người đàn ông ấy. Một cái gì gắn kết, gần gụi ngày một lớn hơn. Người đàn ông ấy đã không còn e ngại khi cầm tay Sua, lặng lẽ quan sát cái ngón tay dài mảnh nhưng bị mòn, kinh ngạc khi biết tay đàn bà miền núi ai cũng vậy. Đó là cái tay cả đời để tước lanh, se sợi, cả đời để tẽ ngô, cuốc đất. Người đàn ông ấy thỉnh thoảng lại có đêm không tài nào chợp mắt nổi. Nằm bên vợ mà đầu anh ta chỉ nghĩ về người đàn bà ở lầu trên. Không biết Sua đã ngủ chưa, có bực dọc nào trong người khiến cô khó chịu? Anh ta cố ru giấc ngủ… một, hai… mơ màng thấy đứa bé gái mặc bộ váy dân tộc, mặt nó thật giống Sua. Nó cười lanh lanh trong nắng, nó nhìn thấy anh ta và chạy ùa đến. Thậm chí có đêm, người đàn ông ấy gọi tên Sua trong cơn mơ không kiểm soát khiến vợ anh ta nhận ra chồng mình đã đi quá xa cái ràng buộc ban đầu. Sua biết, người đàn bà ấy chờ đợi, hi vọng đến lúc nhận đứa con thì Sua cũng biến mất như viên sỏi ném xuống mặt hồ. Người đàn bà ấy phải vờ như không thấy chồng mình ân cần, quan tâm và thức suốt đêm khi Sua ốm, như một cặp vợ chồng thực sự…
Cho đến một hôm, khi người đàn ông kia đi công tác dài ngày, Sua được được người đàn bà ấy thông báo sẽ ra ở một biệt thự gần biển mới thuê vì “ở đó tốt cho việc dưỡng thai”.
***
Lần đầu tiên trong đời Sua thấy biển, rộng lớn quá. Từ nơi cửa sổ này có thể ngửi thấy vị muối mặn và mùi cát nồng nồng. Không khí nơi này thật xa lạ. Sua thấy cô đơn và nhớ nhà. Nhớ ba đứa con đang ngóng mẹ từng ngày. Chín tháng. Chao ôi, thằng Thào đã lớn bằng chừng nào rồi. Chúng nó có được ăn no ngủ ấm không? Hay lại nheo nhóc cõng nhau đi đào củ măng củ mì qua bữa. Cả đứa bé trong bụng Sua nữa. Sau này nó sẽ chẳng có kí ức gì về Sua đâu, người mẹ khốn nạn này đổi nó lấy một trăm triệu cơ mà. Bụng Sua chợt máy một cái thật mạnh. Đứa trẻ như đáp lại mẹ. Sua thấy thương nó quá. Thương như ba đứa trẻ ở nhà. Đều là con Sua cả thôi. Nếu được chọn, Sua sẽ không đổi nó lấy tiền đâu. Dù Sua chết cũng được.
– Sua ơi.
Tiếng ai quen thuộc gọi. Sua quay lại thấy người đàn ông đang đứng trước cửa, tay cầm một bó tam giác mạch. Sua kinh ngạc nhìn. Làm sao mà ở đây cũng có loài hoa này. Sua còn chưa kịp thốt ra lời nào thì người đàn ông đã lao đến ôm chầm lấy cô. Siết chặt đầu Sua vào ngực mình.
– Sua ơi!
Tiếng gọi thổn thức làm lồng ngực Sua rung lên. Sua chợt nhận ra thứ tình cảm đang len lỏi trong lòng mình. Trời ơi! Sua khốn nạn quá, Sua là gái đã có chồng rồi cơ mà. Sua vùng ra. Hành động bất ngờ của Sua khiến người đàn ông hụt hẫng. Sua vừa nồng nhiệt vừa giá lạnh. Miệng người đàn ông ấy chợt nở nụ cười buồn.
– Sua muốn đi dạo không? Chiều đang đẹp lắm.
Sua gật đầu.
Hai người đi bên nhau trên bãi cát dài. Dấu chân này sẽ đi đến đâu, Sua không biết. Chỉ biết rằng lòng Sua chợt thấy bình yên.
Chín tháng trôi qua thật nhanh. Sua đang đếm từng ngày đợi tới ngày sinh thì bỗng có người bà con xa xuống tìm. Người ta nói với Sua, Vừ say rượu bị rơi xuống vực. Xác còn để ở nhà chưa chôn cất gì. Ba đứa bé bơ vơ. Sua ngất lịm. Cú sốc khiến Sua sinh con sớm hơn dự tính. Người vợ lồng lộn mắng bà giúp việc dám để cho người lạ vào nhà. Cũng may cả Sua và đứa bé đều khỏe mạnh. Sua ôm lấy con mà khóc. Khóc cho sinh mệnh bé bỏng chào đời, khóc cho mình vì đến ngày phải xa rời nó, khóc cho ba đứa con ở nhà và cả thằng chồng bị ma men dẫn lối. Đời này, Vừ đã bị ma men làm cho điêu đứng. Ma men dẫn Vừ đi rồi. Đi mà chưa nói được câu nào với vợ, chưa một lần nói thương yêu.
Người đàn bà cười tươi rói bước vào phòng mãn nguyện nhìn đứa bé trong nôi, ánh mắt cảm ơn Sua. Bao ngày chờ đợi cũng đã đến, người đàn bà muốn kết thúc mọi chuyện trước khi chồng đi nước ngoài về. Ngày xuất viện, Sua được đưa một bọc tiền, khoản tiền như đã thỏa thuận. Nhưng Sua không muốn tiền, sua chỉ muốn bế con theo mình về.
Người vú già gạt tay Sua ra.
– Giờ nó là con mợ Duyên.
Ruột gan Sua như bị cắt làm năm làm bẩy. Qua đêm nay, sẽ có người đến đón Sua ra bến xe để về rừng núi. Sua nằm đấy, nghe tiếng đứa bé khát sữa mẹ khóc vọng lên. Sua chồm dậy lao xuống nhà. Quỳ dưới chân người đàn bà kia mà năn nỉ. Hãy để Sua bế con đêm nay, ngày mai Sua đi rồi, chẳng bao giờ gặp lại. Người đàn bà mủi lòng nhìn Sua rồi trao cho cô đứa con.
Đêm, chầm chậm, những đợt gió ngày hè nồng nực len vào qua khe cửa. Sua ngồi đấy ôm con, đứa bé đã liu diu ngủ. Bàn tay nó bé xíu màu hồng, cái mặt thật giống Sua. Bây giờ Vừ chết rồi. Người chết là hết. Sua có phải trả số tiền ấy nữa không? Sua không biết. Nhưng Sua thương đứa con này hơn sinh mệnh của mình. Sua cần nó. Đêm tĩnh lặng, cả người đàn bà và vú già đã thiếp ngủ. Chỉ mình Sua thức. Đặt gói tiền lên bàn ở chỗ người từ cửa vào dễ nhìn thấy nhất, Sua len lén bước ra. Trời đêm mùa hè dưới này thật chật hẹp. Sua bước vội, mặc kệ những lớp lá khô đang xào xạc vỡ vụn dưới chân.
***
Một bãi đất trống trước nhà, cỏ đã đâm lên xanh mượt, những mầm non yếu ớt. Trên đầu, nắng như rót mật. Lũ trẻ đang xúm xít xem tổ kiến tha mồi. Sua đem phơi váy sau mùa đông dài. Con đường mòn cheo leo bên sườn núi loáng thoáng có bóng một người đàn ông miền xuôi đang ngơ ngác tìm lối vào nhà Sua.
Còn Sua, vẫn không quên rũ cái áo rồm rộp mù bụi bên hàng rào…
CAO NGUYỆT NGUYÊN/VANVN