TIN TỨC
  • Truyện
  • Vết đỏ trên ngực trái | Trần Tử Văn

Vết đỏ trên ngực trái | Trần Tử Văn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
922 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

TRẦN TỬ VĂN

Trên chiếc bàn kê gần mé sông, hai người đàn ông chụm đầu hàn huyên khá sôi nổi, chốc chốc họ nâng ly, cử chỉ có vẻ thân mật, hợp ý. Tuy chỉ có hai người nhưng cuộc nhậu kéo dài đã lâu, vỏ lon bia nằm vương vãi dưới gầm bàn, thức ăn chốc chốc được mang lên, thừa mứa, nguội lạnh.

Người trạc tuổi 40 có đôi mắt thâm đen, cằm nhọn, ăn diện khá bảnh bao, là trợ lý của Chủ tịch Tập đoàn Bông Súng, một doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, có thời nổi đình nổi đám với các sự kiện “Những nhân vật kỳ quái nhất hành tinh”. Anh ta là người lanh lợi, có tài giao tiếp, hầu như những sự việc có liên quan đến pháp lý hoặc các chướng ngại trên con đường làm ăn của đơn vị đều giao cho anh ta xử trí, nên điệu bộ, cách hành xử không khác gì kẻ… có quyền lực thứ hai. Người kia, trạc tuổi 50 dáng tầm tầm, mũi lân, ăn mặc chỉnh tề, là phóng viên của một tờ báo ngành nội chính, có bút danh Sông Rồng, chuyên điều tra các vụ việc tiêu cực, khiếu kiện. Anh này viết lách thuộc loại tuềnh toàng, nhưng được cái cần cù, chịu khó, trên bảo gì cũng nghe, dưới nói gì cũng phải, nên gần 30 năm theo nghề chỉ mới được giao giữ chức tổ trưởng. Rượu bia lắm khi cũng là chất xúc tác hiệu quả gắn kết những con người xa lạ gần gũi với nhau, kích thích các thần kinh bộc lộ những điều mà lúc bình thường có khi người ta luôn giữ kín.

Anh nhà báo nhìn đồng hồ, gấp quyển sổ tay, vắt cây bút đỏ vào túi, nói chắc chắn:

- Yên tâm đi bạn, điều gì cần lưu ý mình đã ghi màu đỏ cẩn thận. Tám giờ rồi, về đi.

Viên trợ lý thắc mắc:

- Sao mấy nhà báo kia đều dùng máy ghi âm, còn anh cứ cắm cúi ghi miết vậy?

Anh phóng viên có tuổi cười khì:

- Người ta nói trăm nghe đâu bằng một thấy, bút sa là gà chết, án tại hồ sơ mà! Chẳng qua đám nhà báo trẻ bây giờ hơi lạm dụng phương tiện kỹ thuật, vừa lười vừa ra vẻ văn minh đó mà. Thôi, chia tay, hồn ai nấy giữ nhé…

Nửa giờ sau, nhà báo Sông Rồng khệnh khạng bước vào căn hộ thân quen, nhìn thấy hai đứa con ngồi chú tâm trên bàn học, còn bà vợ đang hì hục bên hai thau quần áo. Anh ta đặt chiếc cặp da vào góc phòng, cởi áo, thả phịch người lên chiếc ghế sofa, thở dốc. Một mùi hăng hắc khó ngửi lan ra khắp nhà, hai đứa trẻ lật đật lấy khẩu trang che mặt, bà vợ dừng tay, bước đến tủ lạnh rót ly nước đưa cho chồng, trách nhẹ:

- Ăn uống thứ gì mà hôi hám quá! Mấy tháng nay anh bỏ cơm nhà thường xuyên, cứ ăn nhậu riết, nề nếp gia đình bị xáo trộn hết.

Người chồng huơ tay, giọng nhừa nhựa như chiếc máy hát không còn năng lượng:

- Em thông cảm cho anh, nghề của anh phải giao du mới ra tư liệu… Việc ai nấy làm… mấy đứa nhỏ học hành là việc của tụi nó, em quán xuyến trong nhà là việc của người đàn bà… còn anh… hà hà…

Bà vợ tiếp lời:

- Còn chuyện ăn nhậu là của anh, chứ gì…?

Sông Rồng lúc lắc cái đầu:

- Bữa nay không phải ăn chơi mà đi thực thi một trọng trách do các sếp giao… Mình uy tín lắm mới được sự tin cậy đó, hiểu chưa, vợ ơi là vợ…

Thấy đôi mắt của người phụ nữ vẫn bán tín bán nghi, nhà báo Sông Rồng cố sức tóm lược nội dung cuộc tiếp xúc với tay trợ lý tập đoàn Bông Súng…

Cách Thành phố Hồ Chí Minh 100 cây số về phía đông, có một ngọn núi mang tên Sơn Tịnh, bên dưới là khu rừng hoang sơ, khí hậu ôn hòa, quang cảnh hữu tình, dân cư thưa thớt. Từ lâu, cạnh con suối mọc lên một tịnh thất, bên trong có một nữ cư sĩ già và ba cô ni nhỏ, người dân quen gọi là chùa và kính cẩn tôn vị lớn tuổi là Sư bà. Xung quanh chùa có vài hộ dân đến khai hoang lập nghiệp, họ trồng trọt, chăn nuôi trong khoảng 5.000 m2, một diện tích đất khiêm tốn so với thảo nguyên bạt ngàn xung quanh. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, Tập đoàn Bông Súng khai thác hàng trăm mẫu đất xung quanh chân núi để làm khu du lịch dã ngoại và cụm cư dân ấy bỗng trở thành một “cái gai” xóc vào sự hoàn thiện của công trình. Chủ đầu tư tìm cách “o bế” Sư bà, nâng tầm vóc tịnh thất lên hình dáng của một ngôi chùa, xây dựng vài công trình vật chất phục vụ sinh hoạt, với mong muốn sẽ được bàn giao phần đất “xung yếu” ấy. Trong lúc mọi chuyện chưa ngã ngũ thì Sư bà tạ thế. Chủ đầu tư quyết lấy 5 công đất đó vì “vị trụ trì đã hứa sẽ di dời”, các ni nhỏ không chịu ra đi, còn số cư dân thì cương quyết chống lại. Họ đập bỏ các cơ sở vật chất mà chủ đầu tư đã bỏ tiền ra xây dựng và yêu cầu giải quyết vấn đề bằng cơ sở pháp lý. Giằng co kéo dài, đơn từ gửi đi khắp nơi, bên nào cũng cho mình là “lẽ phải”…

- Quan điểm của anh trong vấn đề này thế nào? - Người vợ dịu dàng hỏi.

Anh nhà báo ngáp một hơi dài, nói kiểu phân đôi:

- Ai cũng có cái để bảo vệ mình… Bên nào cũng có cái thế mạnh… Cuộc đời rối rắm lắm chứ…

Tiếng thằng con trai nói vọng ra:

- Mẹ ơi, giúp cho con phân tích mấy chữ lòng tự trọng, nghĩa nó rộng quá…

Bà mẹ đáp:

- Đó là coi trọng và giữ gìn nhân cách, danh dự của mình, không để cho bất kỳ ai mua chuộc, xúc phạm hoặc giành giật, tham lam những thứ không thuộc về mình… đại ý như thế, con cứ viết theo suy nghĩ một lát mẹ sẽ chỉnh sửa cho… Nè, anh có nghe con hỏi gì không?

Nhà báo Sông Rồng đã ngoẻo cổ sang bên, cất tiếng ngáy…

*

Vốn tính chịu khó, anh nhà báo lại xách cặp tài liệu đến hiện trường điều nghiên lần nữa. Trời tháng sáu khá mát mẻ sau mấy cơn mưa đầu mùa rải đều trên cả khu vực rộng lớn, cảnh quang dưới chân núi Sơn Tịnh rợp một màu xanh, chim muôn rộn rã, lòng người lâng lâng. Vốn đã quen thuộc với cảnh vật nơi này sau đôi lần được viên trợ lý đưa đi thưởng ngoạn công trình, anh nhà báo ngày càng nhận thấy giá trị vật chất lẫn tinh thần của khu vực. Trên đà phát triển chung của đất nước hiện nay, có những mảnh đất, khu rừng, bờ biển xưa chỉ là nơi hoang vu, muôn loài tự sinh tự diệt, thì phút chốc đã trở nên “thiên đường”, sức sống bừng lên một cách mãnh liệt. Ở đâu có lợi nhuận, ở đó có tranh giành, ở đâu có sai trái, ở đó có xung đột, oan khiên… đời là thế! Tranh thủ thời gian để hoàn tất công việc, nhà báo Sông Rồng đi thẳng đến cụm dân cư sống xung quanh ngôi chùa. Sau những câu chào hỏi, rào đón, nhà báo không nói rõ ý định điều tra của mình, nhưng mấy người lớn thì tỏ ra “không lạ gì” trước kiểu cách bóng gió của những người lạ mặt.

Ông Sáu Quýt, người được coi là đại diện cho số cư dân, nói huỵch toẹt:

- Mấy ông lại quanh quẩn với năm công đất có con suối này nữa chứ gì? Cần gì cứ hỏi, tôi sẵn sàng trả lời.

Tuy ngượng ngùng nhưng anh nhà báo vẫn cố thản nhiên, lấy quyển sổ tay, rút cây bút đỏ ra, mở cuộc phỏng vấn:

- Nguyện vọng của cô bác về chuyện tranh chấp này như thế nào?

Ông già xua tay:

- Xin lỗi, không phải tranh chấp mà chúng tôi đang bị đe dọa cướp đoạt. Nên hiểu rõ vấn đề như vậy. Cái ví trong túi của tôi, anh đến móc, rồi lại đòi chia số tiền trong đó… Vậy, gọi là tranh chấp sao? - Ông già rút điếu thuốc gắn lên môi, nói theo làn khói trắng: “Chúng tôi là nông dân, chân lấm tay bùn, chỉ biết tự vệ bằng cách nhờ vào sự công minh của cơ quan nhà nước, chẳng lẽ lại đi đánh nhau bằng gậy gộc? Người cô thế rất cần luật pháp che chở, chúng tôi luôn hy vọng như thế”.

Nhà báo đưa tay vuốt vuốt cái mũi lân của mình:

- Tôi là người… có thể được coi là đại diện cho công lý, tạm hiểu vậy đi, bác có muốn gửi gắm điều gì?

Thái độ tỏ vẻ không tin cậy, nhưng ông già vẫn nói:

- Hồi xưa, đất khu này hoang hóa, bán 5.000 đồng một mét chẳng ai mua. Cách đây một con giáp, một mẫu chỉ 500 triệu đồng, mấy năm gần đây nó vượt lên gấp 10 lần. Bây giờ đâu có chuyện “hồi mã thương” mà tính giá theo kiểu… mớ rau muống. Mà cho dù có bồi thường theo giá gì đi nữa, chúng tôi cũng không màng đến…

- Nguyện vọng thứ hai?

Ông già đưa tay vuốt đầu con chó mực đang nhe răng khè người khách. Nhà báo chột dạ, nói khẽ:

- Ông đuổi nó vào nhà đi…

- Con chó này tinh lắm, nó thấy ai có gian ý là tỏ thái độ như vậy. Yên tâm đi, chừng nào tôi ra hiệu thì nó mới tấn công… - Giọng ông già chợt chùn xuống - Đất nước thanh bình, dù cuộc sống chưa dư dả gì, nhưng chúng tôi sống an vui. Ông thấy đó, giờ này mấy đứa trẻ đều đi đến trường, hy vọng tương lai chúng nó tươi sáng. Mảnh đất này còn mồ mả của cha ông chúng tôi, hồn thiêng của những người đã đổ xương máu cho con cháu… Tiền bạc đôi khi chẳng có ý nghĩa gì, khi cái cần thì người ta đã có đủ rồi.

- Còn nguyện vọng nào nữa không?

Ông già tỏ ra có một ít chữ nghĩa nhìn thẳng vào mắt người chất vấn:

- Xin phép, cho tôi hỏi lại: mục đích của ông đến đây để làm gì, giúp đỡ chúng tôi hay tiếp tay cho chủ đầu tư?

Nhà báo Sông Rồng lúng túng:

- Ơ… có thiện ý mà…

Con chó gầm gừ dữ dội, vất vả lắm ông già mới lôi được nó vào nhà.

*

Nhà báo Sông Rồng mở cặp táp lấy ra xấp bạc đặt lên bàn, cười xởi lởi:

- Họ tặng anh 20 triệu, anh tặng lại em để mua chiếc xe tay ga.

Đoán biết là tiền gì rồi, người vợ hỏi:

- Sao ít vậy anh, phi vụ này lớn quá mà?

Anh chồng sợ vợ nghi ngờ, huỵch toẹt:

- Họ còn chuyển cho tòa soạn 100 triệu đồng ơn nghĩa. Mấy sếp bảo đưa vào quỹ Công đoàn để chăm lo đời sống cho anh em. Anh thấy bấy nhiêu cũng được lắm rồi, vì loạt bài viết vô thưởng vô phạt chẳng chết thằng tây nào. Anh cũng biết cách để giữ gìn uy tín cho mình đó chứ!

Người vợ bước đến chiếc bàn gỗ, mở ngăn kéo lấy ra hai số báo có đăng loạt bài “Dưới chân núi Sơn Tịnh”, chậm rãi nói:

- Anh không mang báo về, em phải đi mua để xem chồng mình viết gì trong đó. Anh có thể cho em bình phẩm được không?

Anh chồng cười hể hả:

- Vợ ơi là vợ… Được, anh nghĩ là em sẽ chẳng tìm ra được sơ hở nào, viết chắc cú lắm. Nào, cứ nói thử xem?...

Người vợ vẫn ôn tồn:

- Em đọc lại cho anh nghe đoạn có làm dấu đây: “Chúng tôi được chia sẻ rằng, về lý, nhà đầu tư “dở” vì không làm các thủ tục pháp lý đăng ký biến động quyền sử dụng đất, nhưng về cái tình Tập đoàn Bông Súng “thắng”, bởi nhiều người biết việc ông chủ tịch tập đoàn ân đức với các sư cô. Theo đó, việc này, rất cần hai bên cư xử sao cho có lý, có tình để “tốt đời đẹp đạo”, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, không gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương”, anh nhớ rõ các chi tiết này chớ?

Nhà báo Sông Rồng vỗ đùi cái phạch:

- Đó! Chỗ khôn ngoan của anh là ở chỗ đó. Không bên nào thua mà cũng chẳng bên nào thắng, miễn sao mình được cả hai bên là “tốt đạo, đẹp đời” rồi.

Người vợ nhếch môi, cười khinh khỉnh:

- Ở đây, anh sử dụng cặp từ trái nghĩa quá sai lệch, dở đối với hay, thắng đối với thua, chớ không ai xài chữ trật chìa như vậy. Chữ “dở” này cố ý che đậy sự thật, lập lờ, lừa dối người đọc. Cả bài viết loằng ngoằng, quanh co, cuối cùng nói cái tình “thắng”. Cái “tình” nào thắng khi không chứng minh được cái “lý” minh bạch, rõ ràng? Không có người làm ăn lớn nào ngây ngô đến mức bỏ qua các thủ tục pháp lý về tài sản cả, chẳng qua đó là thủ thuật “bỏ con săn sắt bắt con cá rô” mà thôi! Em xin thưa với anh, vụ việc này kéo dài suốt hàng chục năm, nhiều tờ báo đã lên tiếng, phân tích đủ lý lẽ, không ai cho nhà đầu tư ấy là “tình ngay, lý gian” hết. Em còn nhớ năm, bảy năm trước, cũng vụ việc này, anh đã viết bài “lên án” hành vi tìm cách thâu tóm đất đai của Tập đoàn Bông Súng, thì nay, anh lại quay phắt ủng hộ hành động của họ. Cái gì đã làm thay đổi bụng dạ anh như thế? Tiền ư? Rượu ư? Mưu cầu lợi lộc cá nhân ư?...

Gương mặt Sông Rồng sững sờ, đỏ lên:

- Em nặng lời rồi đó!

Người vợ vẫn sẵng giọng:

- Thà em nặng lời với anh còn hơn để thiên hạ phỉ nhổ vào cả gia đình mình. Báo chí phải thông tin đúng sự thật, giữa một cuộc tranh chấp, người có quyền ngôn luận đứng bên nào, chính hay tà, phục vụ cho ai, tôn chỉ là gì?...

Nhà báo vẫn cố chống đỡ:

- Em ơi, ở đời có những cái bất thành văn nhưng phải chấp nhận sự hiện hữu của nó… Cuộc sống không cho phép ta đứng hiên ngang một mình trước vòng quay cuồn cuộn, nghiệt ngã của nó… Xã hội này em tìm được bao nhiêu người sống cao thượng?

Người vợ cười nhạt:

- Như thế có nghĩa phải chấp nhận hành vi “đâm thuê, chém mướn”, lừa lọc, vô liêm trong nghề cầm bút chứ gì? Anh ơi, con chim còn biết chọn hạt mà ăn, lẽ nào con người không biết cái gì sạch dơ, tốt xấu? Không ít người cầm bút thường lên tiếng rao giảng đạo đức, bảo người ta phải thượng tôn luật pháp, phải giữ gìn nhân cách, phải biết sống vì cộng đồng… nhưng bản thân họ thì làm ngược lại tất cả, cũng đấu đá giành quyền chức, cũng ăn chơi bê tha, cũng đi lừa lọc, tống tiền và cũng… vào nhà giam, gia đình tan nát. Anh có dám biện minh những điều này không?

Nhà báo Sông Rồng bước đến cửa sổ nhìn dòng người xe đang cuồn cuộn bên dưới, như muốn xua đi bầu không khí ngột ngạt đang phủ trùm gian phòng có diện tích khá khiêm tốn. Anh ta không ngờ, người vợ vốn hiền lành, đảm đang, luôn dịu dàng, tinh tế với chồng con lúc này bỗng nhiên giận dữ, dùng những ngôn từ sắc bén như những “nhát dao công lý” chém vào nhận thức và hành động của người mà trước giờ cô ấy luôn luôn nể trọng. Phải chăng đó là thái độ “giọt nước tràn ly” sau bao ngày người phụ nữ dồn nén tâm tư trước sự thờ ơ, sống buông thả của người cùng chăn gối? Điều tai hại trong suy nghĩ của người chồng sống bàng quan, là không việc gì của anh ta qua được đôi mắt người vợ thông minh, có học thức, kể cả những diễn biến của xã hội, những thủ đoạn, giẫm đạp, cư xử tàn ác của người với người. Rõ ràng, loạt bài ấy được viết bằng “cái lưỡi” lươn lẹo, lấp liếm chứ không bằng cái đầu trong sáng, không khác nào giương họng súng trấn áp tinh thần người thế cô, chân chất. Kẻ cầm bút quá xem thường người đọc, xem thường ngay cả lương tâm chức nghiệp của mình…

Mấy phút nặng trĩu trôi qua, người vợ lấy xấp bạc bỏ vào chiếc cặp táp, đưa cho chồng:

- Anh có quyền sử dụng số tiền này, lần sau thì đừng mang những thứ dơ bẩn này vào nhà nữa. Em chỉ là một giáo viên bình thường nhưng em đủ sức xoay xở cho con cái ăn học, chúng nó phải lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của những đôi tay trong sạch, những tâm hồn thuần khiết. Còn chuyện cơ quan, nếu anh có dũng khí thì bảo họ trả lại số tiền ấy đi. Đơn vị có 130 người, nếu tính đơn giản như bà bán rau, thì mỗi người chỉ được khoảng 700.000 đồng, số tiền ấy “chăm lo” cho mọi người đến đâu, sống được bao nhiêu ngày? Các anh đã bán danh dự con người, phẩm giá nghề nghiệp với cái giá… rẻ, quá rẻ đến mức tự cúi đầu mình xuống cho người khác sai khiến.

Nhà báo Sông Rồng bỗng thở dài:

- Tờ báo bây giờ sa sút thảm hại lắm, thu nhập còn thua mấy ông chạy xe ôm, chán nản không gì bằng.

Người vợ cười mỉa:

- Độc giả làm sao mà ủng hộ cái cách thông tin vụn vặt, đu đưa như bài viết của anh? Nghề báo cao quý lắm, vấn đề người làm nghề có “sạch”, có xứng đáng với tôn chỉ của nó hay không?!...

*

Trời đang quang đãng, cơn mưa bỗng ập xuống như muốn đánh phủ đầu cái nóng đang hoành hành, làm nhiều người trên phố không kịp xoay trở. Xe về đã gần đến nhà, nhà báo Sông Rồng cố chạy nốt, mặc cho quần áo ướt. Cửa vừa mở, người vợ khá bất ngờ trước hình ảnh lem luốc của chồng, sau đó đôi mắt chị thảng thốt nhìn một vệt màu đỏ đang loang trên ngực trái của chiếc sơ mi trắng có in biểu tượng của tờ báo. Sông Rồng vội cởi áo thì trên làn da ở ngay chỗ trái tim, cái vệt đỏ chạy ngoằn ngoèo như một vết thương đang rỉ máu. Anh ta cười giải thích:

- Cây bút bị hỏng đầu bi đó mà!...

Nói thế nhưng gương mặt Sông Rồng sa sầm xuống bởi anh ta liên tưởng đến lá đơn thỉnh cầu của ông Sáu Quýt vừa gửi đến tòa soạn, sau 3 ngày bài báo phát hành:

“Các ông ơi, sau khi đọc bài báo, vợ tôi uất nghẹn đến thổ huyết, phải đưa đi cấp cứu. Chúng tôi đâu có tội tình gì mà sao cứ đe dọa, trấn áp mãi? Phải có lòng nhân chứ, con người với nhau cả mà! Ngòi bút của các ông vấy máu rồi đó… Oan khiên lắm! Tội nghiệp lắm! Các ông hãy nhìn thẳng vào lương tri mình đi, nhìn cho thấu đi!...”.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm