TIN TỨC
  • Truyện
  • Vợ cả | Nguyễn Thị Bích Nhàn

Vợ cả | Nguyễn Thị Bích Nhàn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-06-02 16:11:19
mail facebook google pos stwis
716 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

1. Hất chiếc xe ngã rạp vô rào, kéo rê đôi dép nhựa lạch bạch vô sân, ngó thấy Bốn thần khí như cái… xác chết trôi, con Đẹt ngây thơ trêu:

- Cứ “ói” người ta có bản mặt giống cơm thiu nhưng cái mặt kia giờ mới giống!

Tôi mắc cười cái giọng đơn đớt của con em sảnh sẹ nhưng nghiêm mặt lại bảo hỗn, nó không hiểu ý nên vẫn tỉnh bơ trêu tới:

- Sắp phải xa nhà, buồn muốn khóc hả!?

Đáp lại là tiếng “phịch”, Bốn đổ nhào xuống chõng. Tôi nhìn nó bằng đôi mắt hình dấu hỏi. Bốn nói mà chực khóc:

- Đi chỗ khác chơi đi!

- Khóc lóc cái gì. Không làm được cô giáo thì làm nông dân. Không chết được đâu mà sợ! – Ba gắt rồi bỏ dở ly nước trà vô giường nằm. Chị em tôi nín khe, thiếu điều nín thở vì sợ, ba xưa nay hiếm khi to tiếng. Gian nhà trong chốc lát đông lại như tảng băng, cứng khừng, lạnh ngắt…

Bốn gom vở sách. Bán ve chai. Bán tất tật. Ồ không, Bốn cắt giữ lại những tờ giấy còn trắng tinh, lấy đinh đóng lỗ rồi luồn sợi nhợ cột chặt làm quyển sổ chép nhạc. Đi làm thì thôi, về là nằm trên chiếc võng móc ngoài vườn mà hát: “Lời ru buồn, nghe mênh mang mênh mang…”. Bốn chép nhiều bài hát, chép dày một quyển nhưng chỉ hát nhiêu đó. Giọng hát nghe chừng mênh mang…

Đương nhiên rồi. Không mênh mang, không thăm thẳm buồn mới lạ. Ông Tú bảo “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Tôi hoàn toàn nhất trí. Và tôi nghĩ, như chị Bốn, thi đậu mà không được đi học chắc phải buồn gấp n lần cái buồn “đệ nhất”.

Nghỉ học, Bốn đi làm, vừa phụ má làm nông, vừa làm công nhân tách vỏ hạt điều. Sáng đeo khẩu trang đạp xe đi, chiều về gỡ khẩu trang ngủ. Không bạn bè, không trò chuyện. Lặng lẽ như chiếc bóng. Chắc chỉ người trong nhà mới được thấy khuôn mặt xinh xẻo đậm buồn của chị.

Nhưng im lặng không phải lúc nào cũng là… vàng. Con gái con mắm mà mặt treo mày trễ, lúc nào cũng nặng chình chịch như đeo đá. Má la xong, chốt một câu xanh rờn: Liệu hồn mà sửa tính sửa nết đi, cứ giữ cái ngữ ấy thì ế chỏng ế chơ đấy!


Không có sự lựa chọn – HỒ MINH QUÂN.

Má tôi là vậy, luôn tâm niệm, hoa đến kì trổ bông, gái lớn phải lấy chồng. Bốn 25 tuổi, má bảo cái tuổi đã toan về già, Bốn vẫn bình chân như vại.

Mỗi lần má thúc giục chuyện chồng con, Bốn nhảy nhồng, y như người ốm sợ cơm, ngán mỡ mà đem nhét tận miệng bắt nuốt vậy. Tôi hỏi sao không muốn lấy chồng? Bốn hét: Không nghề ngỗng đàng hoàng lấy chồng chi, định cạp đất sống hả?

2. Hồi ấy ở quê tôi, ban đêm thanh niên tìm đến nhà con gái làm quen, trò chuyện, nếu thấy hợp thì hẹn hò tư tình rồi đi đến hôn nhân. Giai đoạn đến nhà làm quen, tìm hiểu người ta gọi “cưa”.

Bốn không chịu, không ưng tiết mục cưa kéo. Gã nào tới nhà chị cũng nằm im trong buồng nói vọng ra: “Má nói dùm, không có Lệ ở nhà!”. Má đời nào “nói dùm” như thế. Má thấy anh con trai nào tới nhà cũng tươi cười bảo vào nhà ngồi chờ rồi hối Bốn thay đồ thay đạc lên tiếp. Hết đường chạy. Nên dù cau có, dù thụng mặt cũng phải ngồi “cưa”.

Cưa cẩm được một dạo rồi Bốn có người yêu – anh Tiên. Tình yêu có công năng làm người ta trở nên dịu dàng và vui vẻ. Bốn như thành một người khác, nhỏ nhẹ nói cười, không tìm thấy một chút nào vùng vằng trước đây nữa. Má là người mừng nhất. Tết năm đó, anh Tiên tới nhà chơi, lễ phép chúc Tết ba mẹ, lì xì tôi và con Đẹt mỗi đứa 2 ngàn. Chị em tôi tự hào vì có anh rể mát tay. Dù ba mẹ anh chưa đem lễ lộc gì đến nhà nhưng hai đứa tôi cứ kêu tới: Anh Bốn.

- Anh Bốn tính khi nào rước nàng về dinh?

- Hai đứa lo mài răng đi. Mai anh về thưa ba mẹ rồi sang đây ở rể luôn!

Sau lời hứa chắc như đinh thì không thấy anh Bốn tới nhà nữa.

Hôm ấy, cũng chẳng nhớ rõ hôm nào, chỉ nhớ trên đường đi học, lúc đi ngang nhà anh Tiên, thấy người ta dựng rạp, mở karaoke hát hò. Trời đất, tôi tá hỏa khi nghe đứa bạn bảo, anh Tiên có vợ. Nhỏ bạn gần nhà anh Tiên nói: ảnh chuẩn bị làm trưởng công an xã mà. Nó nói rồi liếc nhanh qua tôi. Tôi nghe lớp da dưới cổ tê rân rân, máu ở các mạch chạy dồn lên đỏ mặt. Hôm đó về, tôi thấy Bốn nằm cuộn tròn trong giường. Chuyện này lộ ra thì nỗi đau của Bốn có thấm tháp gì nếu so với ba. Nghe bác Hai tôi kể, hồi đó chiến tranh loạn lạc, sống chết cận kề trong gang tấc. Đang là học sinh, ba bị bắt lính, rồi bị ghi tên vào Đảng Đại Việt gì đó chứ không phải chủ ý. Cha làm con… chịu! Những lúc có men, ba tôi rặn è è câu đó và nheo nheo, những giọt nước mắt đặc quánh rớt ra. Quá khứ trở thành nỗi đau lớn trong hiện tại. Biết ba trăn trở nhiều, chị em tôi luôn né mấy chuyện nhạy cảm có liên quan đến từ lí lịch. Bốn chắc cũng biết lí do anh Tiên không chọn mình. Chắc vì hiểu nỗi khổ của ảnh nên chị bằng lòng, không trách móc.

3. Ngày nào cũng nhiêu đó, y như một đoạn ghi âm được phát đi phát lại. Tôn chỉ của má là phải có chồng sinh con trước khi qua tuổi 35. Bốn càm ràm, lấy chồng mà khỏe như húp cháo thì lấy liền, mà nếu có là cục mỡ bầy nhầy cũng ráng nhắm mắt nuốt đại cho xong. Đằng này chuyện chồng con, má cũng biết không phải cứ muốn là được mà.

Kệ chị. Má đi tìm thầy cúng kính giải trừ đại nạn “cao số” rồi ra sức mối lái. Nhưng ông nào tới nhà Bốn cũng phán cùi sắn, cùi bắp. Má đổ bực bảo: Phải chi mười lăm mười tám thì kén cá chọn canh, đằng này đã là bà cô già. Cái thân như trâu quá lứa, như mạ quá thì, có thằng nào rước đã phước, danh giá gì nữa mà chê non chê già. Má nói, Bốn cúi gằm mặt xuống, chắc là để giấu đôi mắt ướt. Dường như Bốn chọn cách đó để bênh vực nỗi buồn, bảo vệ sự thiệt thòi và bao che tổn thương.

Tôi và con Đẹt học xong đại học, có việc làm, lấy chồng sinh con (tới thời chị em tôi thì mọi sự đã dễ dàng), Bốn vẫn ở vậy. Hai đứa lần lượt sinh con đầu lòng đều về má lót ổ, tất tật công việc buồng bếp, Bốn làm hết. Má chắc xót con gái lớn tuổi, ở vậy nuôi đẻ cho em nên nói bằng giọng siêu rầu rĩ:

- Không lấy được chồng thì coi chỗ nào kiếm đứa con về già có chỗ hủ hỉ!

Bốn lại im lặng. Má tưởng chị không nghe, nói thêm:

- Không chồng con, mai mốt chết thành cô hồn đó!

Giờ thì Bốn khóc, khóc tức tưởi…

4.Má nhắn về ăn cưới chị Bốn. Tin này đúng… sốc.

Trong khi họ hàng đang dùng cơm ở nhà trên, thím Ba Chơn sồ sồ khoe công trạng:

- Thấy con Lệ lỡ thời lỡ vận, cứ lo nuôi đẻ mấy đứa em miết mà tui thương. Bà Hai (mẹ tôi) sang bảo dòm xem có mối nào không. Cũng may, thằng Bình cháu họ xa đằng phía chồng tui, tuổi ngoài tứ tuần vẫn còn độc thân vui tính. Đẹp trai, phong độ nhưng hoàn cảnh quá rồi lỡ cỡ đủ đường. Bỏ ngang hông chuyện học, nuôi mẹ bệnh mấy năm, mãi lo cơm áo mà quên bẵng chuyện vợ con. Bữa trước về phía chồng ăn cưới, tui hỏi chuyện vợ con, nó cười hề hề bảo: Từng này tuổi, chỗ nào ưng thì cưới chứ không yêu đương tán tỉnh chi, phiền ra. Nó nói mà mình khỏe gan ruột. Vậy là tui xúc tiến liền.

Đám cưới diễn ra trong tích tắc, ngắn gọn như câu chuyện của bà mối Ba Chơn.

Má bảo đàn bà lớn tuổi phải tranh thủ đẻ chứ tắt kinh. Thế là Bốn liên tiếp cho ra lò 3 nhóc. Chồng liên tục đi làm xa. Bốn sống với 3 đứa nhỏ trong ngôi nhà xây tạm, chưa quét vôi, trước nhà nghĩa địa, sau lưng là bãi soi trồng rau dưa, sau nữa là con sông Ba nước ngày đêm chảy. Khu này đất rẻ, người sống ít hơn người chết – Bốn tự châm biếm mình. Nghĩa địa có nhiều nấm mồ tươi. Xâm xẩm tối, khói nhang vẫn còn nghi ngút. Nhà gần sông, gió tứ bề thổi lồng lộng nhưng cứ chiều về, chỉ cần một làn gió lướt qua là Bốn nghĩ nó đến từ âm ti, đưa những linh hồn mới về thăm nhà, thăm xóm. Da gà da vịt nổi lên mảng mảng. Bốn lạnh người, rờn rợn sợ. Thời đầu mới dọn về đó, xẩm tối, sập cửa chuồng gà xuống là sấp ngửa qua nhà em gái chồng ngủ ké, sau không thể một mẹ lon ton, nách 3 con đi ngủ lang, vậy là nhắm mắt ngủ liều.

Nhà anh Bốn đợt mẹ bệnh, ruộng đất bán hết. Cốt nhà nông, lúc rảnh tranh thủ làm công nhân nhưng giờ về xóm soi Bốn thảnh thơi sống đời ăn bám. Tiền nong anh rể lo. Làm gì hả, làm từ hồi mãn 12, gì cũng được, miễn ra tiền, từ nông dân, thợ mộc, đãi vàng, bốc vác, đánh bắt cá… anh cân hết. Nhưng có lẽ vé số là nghề anh theo lâu nhất, được chừng 5 năm.

Ban đầu không tính đầu quân cho đại lý vé số đâu. Nhìn tướng còn phong độ quá mà. Tính ra, anh là đàn ông trẻ nhất xóm đi bán vé số. Đã nói ngay từ đầu, không muốn nhưng anh Thận là bạn thân, năm lần bảy lượt “thuyết khách” anh Bốn đầu quân cho đại lý gia đình mới mở trong thành phố, ban đầu vì nể mà làm nhưng sau thấy ổn nên theo.

Bán vé số cũng “lắm công phu” chớ không đùa được đâu. Làm nghề này phải dẹp bỏ tự trọng tự ái. Có bao chuyện bi hài. Người ngang tuổi họ ngoắc lại, hỏi gia sự tùm lum rồi kêu không mua, chỉ muốn làm quen chút thôi. Có người mới thấy người bán vé số đã giơ tay hất, đuổi như đuổi tà. Anh Bốn bộ dạng coi được, lại thêm nước “mồm năm miệng mười”, có khiếu kể chuyện tiếu lâm làm mồi cho mấy ông ưa nhậu nhẹt, còn ma lanh đá qua phong thủy, bói toán nên “dụ” được khách. Nhờ vậy mà thu nhập của anh luôn đứng đầu danh sách 20 người bán trong đại lý anh Thận.

Nhưng cũng có chuyện nằm đêm khó ngủ. Giá chị An (vợ anh Thận) cũng có thái độ mạt sát, khinh thường như những người giàu có khác, hoặc chỉ cần chị lạnh nhạt, dửng dưng như cách chị đối xử với bao người bán ở đại lý đã đỡ khổ. Đằng này chị quan tâm, lo lắng. Rồi những tin nhắn ỡm ờ, ánh mắt đong đưa mỗi khi anh Thận vắng nhà. Chuyện đó không bao giờ giấu được. Dù ý nhị, dù khéo léo thì trước sau cũng sẽ bị nắm thóp. Cả đại lý, người nào cái đầu cũng có sạn cả rồi. Khi nghe một hai cụ trêu “sao thương thằng Bình dữ” thì anh thấy không ổn. Cuối cùng phải nói với anh Thận ở quê vợ bệnh, con khờ. Về. Nhưng đang làm ăn ngon lành mà? Không được. Phải về thôi.

Tôi nghe chuyện, nói với chị Bốn: Phải tu mấy kiếp mới lấy được người chồng như vậy, đàn ông, rất yếu lòng với phái nữ, anh Bốn là ngoại lệ.

5. Xưa giờ hông có mà nay đổ đốn. Đổi từ vé số qua thợ hồ, phát sinh thêm nghề… nhậu. Gần như chiều nào cũng nhậu. Chị Bốn nổi điên. Vợ chồng năm gặp được 3 lần. Một lần Tết, hai lần giỗ ba, giỗ mẹ ảnh. Lần nào cũng về lo xong chuyện là đi. Chỉ Tết mới nấn ná ở nhà được mươi ngày. Vậy nhưng, tới ngày thứ tám chị đã muốn tống khứ. Tôi kình (la), để ảnh ở nhà chơi Tết đã, người chớ trâu bò đâu mà cày kéo quanh năm, mà trâu bò cũng có ngày nghỉ vậy. Chị hét: Thiên hạ cũng làm đầy ra đấy chớ mình mình hả? Đem thân khố rách đi làm cu li chớ làm ông bà gì mà mỗi lần về là phè phỡn? Một buổi nhậu bằng một tuần chợ chứ ít ha?

Trước giờ, cả nhà tôi đều là đồng minh của anh Bốn. Nhưng giờ nghe kể về những chuyện thâm cung bí sử, tôi thương chị mình quá. (Nhưng cũng không nỡ giận anh Bốn)

Thời gian đầu xa nhà đi làm, anh Bốn gọi về liên tục. Hỏi cái nọ, nhắc cái kia. Mỗi lần anh về, nhà cửa ấm áp chan hòa. Nhưng sự ấy kéo dài không bao lâu. Càng về sau, mọi thứ vừa kể đảo ngược hết. Chỉ khi nào có việc cần mới điện, tiền gửi về nhưng lần nào cũng thòng một câu “Chi tiêu ít thôi, tiền kiếm không dễ như vô núi bứt lá đâu…”. Mỗi lần về ta tụ với bạn nhậu, vợ con bỏ bê trọn gói. Không chỉ nhậu. Rượu làm anh mất tỉnh táo. Từ một người hiền lành ít nói, anh biến thành một người cộc cằn, thô bạo.

Uống xong là ra sức đập phá, đập đã tay rồi nằm sóng soài trên nền nhà, miệng nham nhảm chửi. Chửi cái thứ đàn bà ăn hại, không biết phụ chồng nuôi con. Thứ đàn bà chỉ biết xách đít ngồi lê mách lẻo. Chồng mang thân đi làm mướn, vợ ở nhà lên chùa hò hẹn mà lấy cớ tụng kinh niệm Phật, mày đến chỗ thâm nghiêm đó chi, õng ẹo trai trên gái dưới làm ô uế chốn từ bi và vân vân… những câu mạt sát tồi tệ nhất được văng ra cùng men rượu.

- Nếu có cái nghề như mầy, chắc tao đã ly hôn từ sớm!

- Sống không nổi cứ ly chứ nghề nghiệp gì.

- Ly ra, rồi lấy ai nuôi con!?

- Vậy thì ráng…

Bi kịch càng nhân lên khi anh Bốn bỏ nghề thợ hồ. Khi chứng kiến cảnh anh Tẫn trong xóm rớt trên giàn giáo tầng 2 xuống đất, chết gãy xương cổ, Bốn hãi quá, ôm đồ về.

Về quê. Rảnh. Nhậu tăng ca. Vợ chồng hục hặc triền miên. Già đầu mà Bốn cứ cuộn đồ ôm con về ngoại miết. Ba má điên đầu.

Nhưng bữa nhậu hôm ấy, chị xem nó là cuộc nhậu tử tế nhất. Đấy là cuộc nhậu với mấy thằng cháu có ăn có học, có những mối quan hệ lớn. Cháu giới thiệu cậu vào làm ở một resort biển Nha Trang. Lương lậu khá bảnh. Một thời làm nghề thợ mộc nên kiến thức về gỗ cũng khá, lại thêm khéo tay, sáng dạ nên có thể đảm đương được chuyên môn thợ mộc của resort.

Nha Trang chỉ cách quê nhà cái đèo Cả. Nhưng chỉ tiền về chớ người thì không. Nhưng chị Bốn cũng bằng lòng. Sức mạnh của đồng tiền quả khủng khiếp. Khi cần nó, người ta thấy chỗ trống trong tâm hồn không còn quan trọng nữa.

Nhìn cuộc sống của chị đủ đầy hơn, tôi mừng lắm. Cũng bớt áy náy con cùng cha cùng mẹ mà mình giáo viên còn chị nội trợ chính chủ. Căn nhà cấp 4 được sửa lại khá khang trang. Sơn màu, lát men, bếp ga, ti vi phẳng và công trình phụ tự hoại. Cuộc sống mà Bốn chỉ có trong giấc mơ giờ đã thành hiện thực. Chị hay nhẫn nại nói: Ổng đi đâu kệ ổng, cứ túc tắc gửi tiền về cho mấy mẹ con là được.

Nghề đời cứ thích cho người ta ăn “bánh vẽ”. Cứ tưởng “khổ tận cam lai” nhưng không phải. Đời người ta không dài nhưng nỗi buồn thì không hề ngắn. Gần tới tuổi “hưởng thọ” mà chị tôi phải lau nước mắt đi lấy vợ bé cho chồng. Đau chưa? Tôi đã nghĩ dưới vòm trời này, chắc chỉ khổ đau mới là điều trọn vẹn nhất.

Lần đó anh Bốn về, tại thằng cu Út xuất huyết đường ruột mém chết. Đêm đã 12 giờ mà có điện thoại, anh Bốn thả giọng mềm mỏng: “Em coi nhờ ai chở đi, hay chờ mốt anh vào rồi tính, bệnh đó cũng không cần phải gấp gáp. Ngoan nè. Tui dỗ”. Chị Bốn tinh ý, chỉ nghe cuộc thoại từ một phía cũng lờ mờ hiểu chuyện.

Đàn bà như ớt, chuyện rõ như ban ngày vậy không ghen sao chịu được.

- Đêm hôm ông nói chuyện với con nào?

- Con nào là con nào? Bà chủ chỗ làm đấy.

Thấy tín hiệu khả nghi nên Bốn gọi thằng cháu về hỏi thăm. Thiệt. Té ra ổng có bồ, bà chủ resort. Tôi cãi: Nói tào lao, người ta giàu sang quyền quý, bồ chi ông thợ mộc già nua, cục mịch. Bồ chi thì đi hỏi bả chớ ai mà biết. Người trong resort kêu chồng bả giàu sang nhưng nhậu quá, liệt rồi. Người bảo bả thuộc đàn bà mê của lạ. Người bảo ông chồng cũng tằng tịu nên bả ăn nem rửa hận. Ôi chao, thành phố, người giàu, nhiễu sự hết sức. Túm lại, vì lí do gì không biết nhưng cặp với đàn ông có vợ, là thứ đàn bà lương tâm bị chó tha… – Chị Bốn nổi đóa, mắng xơi xơi, chẳng sợ khẩu nghiệp như chị thường đe lũ con cháu. Tôi chẳng biết nói sao. Thằng cháu cùng làm với anh Bốn kể thì không sai đâu. Ổng vô resort vừa làm thợ mộc, vừa coi bói. Mấy năm lên Sông Hinh đào vàng, học lỏm ai đó, tinh ý, quanh quái lại thêm dẻo mỏ, vậy là bói. Cái nghề bói ngó vậy chớ dễ dụ mấy nàng lắm. Nghe bảo có lần bả xuống kiểm tra thợ thùng, kêu anh em lại ngồi chơi thân thiện, ổng ngẫu hứng múa mép, nhận xét cái nốt ruồi tròn vo trên trán của bà í. Vậy rồi bả kêu sao đúng quá, hỏi có biết gì về phong thủy không, nói biết, bả xin số điện thoại luôn.

- Vậy giờ chị tính sao?

- Chẳng tính được gì!

Chuyện vỡ ra, anh Bốn cũng chẳng ngại nói luôn mấy năm nay tiền anh gửi về sửa nhà cửa, giỗ chạp, mồ mả ông bà, ngay cả tiền mua đôi giày, bộ đồ mới của chị cũng là tiền của người đàn bà “lương tâm bị chó tha” đó.

Lần này, tôi thấy chị Bốn hết khóc…

*
Anh Bốn vẫn tận tụy làm ở resort lộng gió. Mỗi lần về thăm nhà vẫn điện thoại anh anh em em ngọt xớt. Rồi nhà làm giỗ cha mẹ, ổng chở “bà nhỏ” về luôn, đi ô tô mới cứng.

Còn chị Bốn, ngày ngày đến chùa tụng kinh, ăn chay trường…

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 20

Bài viết liên quan

Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm
H’un - Truyện ngắn của Hồng Chiến
Buôn K’sia hôm nay họp bàn về việc xây dựng nông thôn mới. Ông Chủ tịch Phường nói rất nhiều, rất dài về Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đang thực hiện ở tỉnh nhà và thành phố của chúng ta. Ông cho biết thêm: Nhà nước đầu tư bảy mươi phần trăm kinh phí làm đường đổ bê tông, dân góp còn lại. Có đường mới, đi lại thuận tiện thì những sản vật làm ra mới có nhiều người đến mua, dân mới đỡ khổ. Cán bộ nói nhiều, toàn điều hay, cuối buổi, ông buôn Trưởng chốt lại: muốn có đường đi sạch sẽ, thoáng đãng thì dân phải… góp đất.
Xem thêm
Trăm năm hương Tết vẫn còn - Truyện ngắn Nhật Hồng
“Tết đến, già trẻ trai gái đều nô nức đón mừng, dù điều kiện kinh tế gia đình mỗi người có khác nhau, nhưng hương tết vẫn nồng nàn tha thiết, sum vầy cùng với bánh ngọt và hoa thơm”.
Xem thêm
Ngôi sao lấp lánh
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Xem thêm
Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo
Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.
Xem thêm
Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt
Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.
Xem thêm