- Văn chương thế giới
- 90 năm ngày sinh nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko: ‘Trong đời tôi chỉ uống rượu là nhiều’
90 năm ngày sinh nhà thơ Nga Evgueni Evtushenko: ‘Trong đời tôi chỉ uống rượu là nhiều’
“Không đúng, không có những thời đại mà người ta lại không thể sống trung thực được!”- trong cuộc đời tương đối dài lâu của mình, Evgueni Evtushenko,bằng những bài thơ và cách hành xử ngày thường, đã cố gắng chứng minh cho lời chân ngộ đó. Ông từng thổ lộ rằng, “tôi muốn trở thành nhà thơ của đất nước và của thế giới và hình như tôi đã làm được việc này”.
Sự nghiệp huy hoàng
Evgueni Evtushenko sinh ngày 18/7/1932 tại tỉnh Yarkutsk trong gia đình có người cha là nhà địa chất, mẹ vốn là một nghệ sĩ. Ông lớn lên ở Moskva với mẹ sau khi cha mẹ ông li dị nhau.
Những thành tựu thi ca đầu đời của Evtushenko có thể làm bất cứ ai cũng ghen tị: 16 tuổi đã có thơ in trên báo Trung ương. 20 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tay (của đáng tội, về sau, chính Evtushenko đã không lấy làm tự hào về tập thơ đầu tiên “Những người thám hiểm tương lai” của mình vì cho rằng đó là những bài thơ “chưa chín chắn”!). Nhưng cũng chính nhờ tập thơ này mà Evtushenko đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô năm 1955 và là hội viên trẻ nhất ở thời điểm đó!
Từ năm 1951 tới năm 1957, Evtushenko theo học ở Trường Viết văn Gorky nhưng đã phải bỏ dở học vì những lý do hành chính (phải nửa thế kỷ sau đó, ông mới được đặc cách nhận bằng tốt nghiệp như một nghi lễ tôn vinh). Các nhà nghiên cứu văn học cho rằng, những tác phẩm thi ca đầu tay của Evtushenko phảng phất ảnh hưởng của Vladimir Mayakovsky nhưng rất nhanh chóng sau đó, ông đã tạo dựng được giọng điệu riêng không giống ai trong nền thi ca Xô Viết.
Evtushenko đã là một trong những gương mặt ấn tượng nhất trong thế hệ vàng của thi ca Xô Viết, nổi lên từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với những Andrey Voznesensky, Bella Akhamdulina, Robert Rozhdestvensky, Bulat Okudzhava… Chương trình thơ của họ trong những năm 60 – 70 của thế kỷ XX tại Viện Bảo tàng Bách khoa Moskva đã thu hút được hàng nghìn người yêu thơ mỗi buổi… Evtushenko trong bất cứ giai đoạn nào của sáng tạo đều biết cách cân bằng theo nguyên tắc đi sát mép nước nhưng không bị ướt chân nhiều. Đó là một phẩm chất mà không nhiều nhà thơ lớn có được…
Nhà thơ Evgueni Evtushenko (1932 – 2017).
Sinh thời, Evtushenko từng tự tin tuyên bố: “Khách quan mà nói, tôi là nhà thơ nổi tiếng nhất thời hiện đại”. Điều này có lẽ cũng không xa cách sự thực là mấy. Tác phẩm của ông từng được in nhiều triệu bản và được dịch ra hơn 70 thứ tiếng trên thế giới. Ông là bạn thân của hầu hết các danh nhân thế giới, từ đạo diễn điện ảnh Italia lừng danh Federico Felini đến nhà thơ Chilê thiên tài Pablo Neruda… Ông được đánh giá là một trong những Thi nhân kinh điển của nền thơ Nga hiện đại. Nhiều nhà phê bình văn học cho rằng, với sự ra đi của ông vào thế giới bên kia (1/4/2017), nước Nga đã chấm dứt cả một thời đại!
Con đường khúc khuỷu
Những tháng ngày mà Evtushenko đã sống rất không đơn giản và có nhiều mâu thuẫn. Không ngẫu nhiên ở ngay trên đỉnh cao danh vọng thời Xô Viết, ông đã viết: “Thi sĩ ở nước Nga còn hơn là thi sĩ”. Câu thơ này của Evgueni Evtushenko thường được diễn giải theo hai cách. Những ai yêu ông thì ca ngợi sự tự xác định rõ ràng về thiên chức to lớn của người làm thơ ở xứ sở hay tự gán cho mình sứ mệnh cứu nhân độ thế như nước Nga. Ai không thích ông thì lại coi đó là tham vọng của một kẻ cầm bút vì được chế độ quá ưu ái nên cứ tự nhận cho mình những trách nhiệm theo kiểu “ôm rơm rặm bụng”.
Cả hai cách hiểu trên đều không hẳn đã đánh giá được đúng Evtushenko. Là một người có tư chất sáng tạo đích thực, ông phức tạp hơn mọi cách nhìn nhận một chiều. Nhìn từ một góc độ, đó là biểu tượng của tinh thần đổi mới trí tuệ trong xã hội Xô Viết từ những năm 60 của thế kỷ trước, dám phát biểu chính kiến lắm khi không giống ai của mình,… Nhìn từ khía cạnh khác, đó lại là người viết nên không chỉ một tác phẩm ngụy tạo đạo đức, nói vậy nhưng không phải vậy, làm chính trị một cách không thực lòng mà chỉ cầu lợi, gió chiều nào che chiều ấy, đôi lúc háo danh vọng phù hoa tới mức tức cười…
Trong hai cách đánh giá tự loại trừ lẫn nhau này đối với Evtushenko có một điều không thể phủ nhận được: Ông là người cuối cùng trong số các nghệ sĩ Xô Viết thực hiện được khát vọng to lớn của nhiều thời khi xây dựng mình thành một huyền thoại về một nhà thơ thiên phú đủ tài năng để chinh phục thiên nhiên và mê hoặc lòng người bất luận sang hèn trong một thời đại đầy bất trắc như nửa cuối thế kỷ XX.
Những nhà thơ khác cùng thế hệ với ông như Andrey Voznhesensky hay Bella Akhmadulina… đã không làm được như ông. Voznhesensky chẳng hạn, sau thành công của “Trái lê hình tam giác” đã bị “chết đuối” trong vô số những hành vi ngụy nghệ thuật, tự làm phức tạp tới mức không ai – kể cả tác giả lẫn độc giả – hiểu nổi, đến mức nhà thơ Mỹ gốc Nga được giải thưởng Nobel văn học Yosif Brodsky đã phải kêu lên than trách. Còn Akhmadulina đã biến giọng thơ thánh thiện của mình thành những hình tượng quá ư xa lạ với nhân gian và vì thế cũng tự tách mình ra khỏi thời đại…
Công chúng của hai người này luôn luôn ít ỏi nhưng họ cũng không chinh phục được giới thượng lưu trí tuệ một cách xác đáng. Họ mờ dần trong sự chú ý của xã hội. Riêng Evtushenko thì khác – ông đi được xa hơn, sâu hơn và lâu hơn. Sau khi Evtushenko mất, cứ hai năm một lần ở Nga lại trao giải thưởng mang tên ông “Thi sĩ ở nước Nga còn hơn là thi sĩ” cho những tác giả kế thừa được những truyền thống thi ca và nhân văn rất giàu có trong di sản sáng tạo của ông.
Quyền năng thi sĩ
Xưa nay, huyền thoại căn bản về nhà thơ – đó là ý tưởng về một quyền năng tuyệt đối. Quyền năng trước thiên hà. Quyền năng trước con người. Evtushenko đã tận dụng được huyền thoại này theo hướng thuận chiều nhất cho mình nhờ bản chất nồng nhiệt của ông và nhờ không khí xã hội Xô Viết những năm 60 của thế kỷ trước. Không có ai trong số các nhà thơ đồng thời với ông lại hài hòa với vai trò nhà hùng biện thi ca trên diễn đàn, trước đám đông cuồng nhiệt như thế.
Ông đã viết nên được những câu thơ ấm lòng toàn dân tộc, từ những người công nhân suốt ngày phả hơi men tới những chính trị gia hàng đầu đất nước. Gặp ở ngoài đường, ngay cả những kẻ lêu lổng cũng trở nên nhã nhặn hơn khi bày tỏ lòng hâm mộ đối với ông. Tiếp ông trong Điện Kremli, đồng chí lãnh đạo nào cũng tỏ ra thích thú thơ ông, nhất là những bài thơ đã được phổ thành ca khúc. Đến mức có nhà phê bình văn học cho rằng chính ông đã lặp lại được kỳ tích của tác giả tráng ca Hy Lạp nổi tiếng Pindar, từng sang sảng cất lời trên sân vận động Olymper một thuở.
Sinh thời, Evtushenko vẫn thích kể lại một câu chuyện từng xảy ra với ông. Trong trường ca “Nhà máy thủy điện Anh em” có một chương nhan đề “Nhiusha” (tên phụ nữ), nói về những người mẹ độc thân vốn nảy nở rất nhiều trên “công trường thế kỷ”. Khi ông đọc xong chương này trước những người công nhân trên công trường thủy điện thì ngay lập tức những người phụ nữ công nhân có mặt trong tối hôm đó đã nhất loạt đứng dậy và trìu mến, thiết tha dâng lên ông những đứa con của họ. “Chuyện cực kỳ hay, đúng không nào? Giải Nobel có là gì so với một tình cảm như thế?” – ông đã tự hào khoe…
Một thi sĩ chân chính luôn là một tài năng bẩm sinh, chứ không phải do cần cù lao động mà nên. Evtushenko không bao giờ biết thế nào là khủng hoảng sáng tác – ông viết trong mọi tình huống, theo mọi cách, miễn là chứng minh được sự tồn tại của mình một cách ngời sáng nhất.
Với bản tính sôi động tới mức ngùn ngụt, Evtushenko quả thực có khả năng viết thơ dễ như chơi. Đấy cũng là trò lợi bất cập hại đối với ông: Dòng thơ tuôn chảy quá ào ạt thường vàng thau lẫn lộn, những câu thơ “hạng nhất” (luôn luôn là ít ỏi) bị đắm chìm một cách vô vọng trong bể thơ “hạng thứ bốn mốt”. Với sự tự ý thức thái quá về tài hoa lỗi lạc của mình, trong những thời điểm cực thịnh, Evtushenko đôi khi đã bộc lộ mình như một đứa trẻ háo danh, đỏng đảnh. Trong lúc được chính thức công nhận là “đệ nhất thi nhân” của quốc gia Xô Viết, hưởng đủ mọi bổng lộc của chính quyền nhưng ông vẫn thường xuyên phàn nàn rằng mình chưa được mắt xanh soi xét nên đã bị mất giải thưởng này hay vinh hạnh khác…
Trong suốt cuộc đời mình, ngay cả khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, Evtushenko luôn luôn thích hành xử không giống bất cứ ai, thậm chí hơi quá đà, dễ khiến những người khác phải kinh ngạc. Ông không thích những sự tầm tầm, nhạt nhẽo hay quá ư chừng mực. Ông muốn trào lên như sóng và cháy lên như lửa, tới lúc thành tro mới thôi. Trong một bài thơ viết từ năm 1958, Evtushenko từng chân thành thổ lộ:
“Trong đời tôi chỉ uống rượu là nhiều,
Tôi đã sống canh tân và cũ kỹ.
Tôi từng yêu chút ít thôi, có thể,
Và cũng từng được chút ít người yêu.
Tôi đã sợ những toàn phần cảm xúc,
Dẫu đắng cay khi mọi sự lưng chừng.
Tôi được khen sơ sơ và đôi lúc
Bị ăn đòn nhẹ nhõm như không.
Tôi đòi hỏi và tôi cầu khẩn,
Hồn than van và không mỏi thét gào:
Hãy yêu mãi và để tôi yêu mãi,
Nếu đánh tôi, hãy nhừ tử đi nào!”
(Bản dịch của HTQ)
Hồng Thanh Quang/VNCA