TIN TỨC
  • Truyện
  • Bến Mồ Côi | Nguyễn Quế

Bến Mồ Côi | Nguyễn Quế

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-12 15:57:42
mail facebook google pos stwis
2274 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

NGUYỄN QUẾ

Nhân đợt đi công tác, tôi có ý định ghé thăm trang trại chú Tư mà không báo trước nhằm tạo cho chú sự bất ngờ. Biết đâu sự xuất hiện đường đột của tôi ở nơi xa xôi hẻo lánh ấy sẽ làm cho ông cảm thấy vui hơn. Thực tình tôi hiểu và rất thương chú, nhất là khi nhiều người xung quanh cứ bảo chú hơi bị gàn, đang yên đang lành lại bỏ phố về rừng, sống vất vả, cô đơn một mình, bởi qua tình thâm giao giữa chú với gia đình mình, tôi biết được những tâm sự thầm kín của ông.

Chú Tư và ba tôi vốn người cùng quê. Chú ít hơn ba tôi vài tuổi nhưng thân thiết với nhau từ nhỏ. Kẻ trước người sau, hai ông đều đi tham gia kháng chiến trở về, giờ lại sống cùng một dãy phố và có quan điểm, lối sống giống nhau. Vì vậy, dù không phải bà con họ hàng nhưng chú và ba tôi xem nhau như anh em ruột. Thím Tư mất cách nay đã 5 năm vì một căn bệnh kỳ lạ và hiểm nghèo. Thím vốn là đồng đội của chú. Chú thím không có con nhưng sống rất hạnh phúc. Nói đúng ra, thím 3 lần sinh nở nhưng không được làm mẹ bởi cả 3 lần đều bị quái thai, chết yểu. Có người nói di chứng của chất độc da cam và sốt rét rừng mãn tính. Chú bảo: “Kệ nó, nhằm nhò gì!”. Không máu mủ ruột rà, chú thím dành hết tình cảm cho những người xung quanh. Khác với bề ngoài trầm ngâm ít nói, chú Tư là người nặng tình nặng nghĩa, luôn sẵn lòng hy sinh vì người khác. Việc chú bỏ phố về rừng lần này cũng không phải ngoại lệ.

Một buổi tối mùa hè, chú Tư ghé nhà tôi. Vừa ngồi xuống ghế đối diện với ba tôi, chú mở lời:

- Em có điều này muốn thưa với anh.

Ba tôi rót nước mời chú và bảo:

- Có gì chú cứ nói đi.

Sau khi nhấp ngụm trà ba tôi đưa, chú Tư bảo rằng suốt thời gian qua hầu như chưa đêm nào chú ngủ ngon giấc. Nhiều khi vừa chợp mắt đã thấy hình ảnh các đồng đội như lạ, như quen đang băng rừng lội suối hay đang lao vào trận đánh trong cảnh khói lửa ngút trời. Họ trách chú sao đã vội quên một thời chia ngọt sẻ bùi, sống chết có nhau. Vì vậy, chú quyết định trở lại chiến trường xưa gây dựng cuộc sống mới để được sống lại những kỷ niệm của một thời đã qua. Nghe những lời tâm sự của chú, ba tôi thân mật hỏi:

- Chú tính đi đâu?

- Em lên Bến Mồ Côi. Đó là nơi em đã gắn bó cả thời thanh xuân, bỏ lại một phần thân thể của mình và chứng kiến bao đồng đội ngã xuống. Em mới lên trển khảo sát lại tình hình, anh à.

- Chà! Gian nan đấy!… Vậy bao giờ chú đi?

- Dạ, ít bữa nữa em đi.

Ba hôm sau, chú khoác ba lô, mang theo tấm hình thím Tư trước ngực, lên đường. Trước khi chú về nguồn, tôi xin phép ba tôi qua ngủ với chú một đêm để chú ấm lòng.

Không biết từ bao giờ và ai là người đã đặt tên cho nơi ấy là Bến Mồ Côi? Qua lời kể của chú Tư, tôi được biết, đó vốn là vùng rừng chiến khu với những ngọn đồi trập trùng xen kẽ các dải đất bằng phẳng nằm bên cạnh một con sông nổi tiếng, có vị trí rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến. Là một chàng trai mới 15 tuổi mồ côi cha mẹ theo người anh họ đi tham gia cách mạng, chú được đưa tới đây bổ sung vào đội tăng gia sản xuất. Sau đó được điều động về đơn vị huấn luyện chiến đấu trực tiếp bảo vệ bệnh viện dã chiến của phân khu rồi chuyển sang đơn vị bảo vệ kho vũ khí – đạn và sẵn sàng chi viện cho các trận đánh nơi tuyến đầu.

Bệnh viện dã chiến nằm giữa khu rừng bằng lăng mé thung lũng nhỏ, cách chỗ ở của đội tăng gia khoảng hơn cây số, phía dưới có mọi nước trong vắt chảy ra phía bờ sông. Những lúc rảnh rỗi, chú Tư thường xin phép chỉ huy đơn vị tới hỗ trợ y, bác sỹ chăm sóc thương, bệnh binh. Chính tại nơi đây, qua nhiều lần chứng kiến lòng quả cảm trước làn ranh mong manh giữa sự sống, cái chết cùng nỗi đau thương mất mát của bao đồng đội đã để lại cho chú những ấn tượng sâu sắc và những bài học đầu tiên của đời quân ngũ. Thương nhất là phái nữ. Chú nhớ mãi hình ảnh một nữ chiến sỹ trẻ tuổi và xinh đẹp. Dù bị thương phải cưa mất một chân trong điều kiện thiếu thuốc giảm đau, chị đã cắn răng chịu đựng, không một tiếng rên la. Tuy vậy, khi vết thương đã lành sẹo, mỗi lần nhìn xuống cái chân cụt của mình, chị lại lặng lẽ lau những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt.

Suốt thời gian ở Bến Mồ Côi, chú Tư đã tham gia hàng chục trận đánh, trong đó có những trận cam go ác liệt, hai lần bị thương nặng. Chú đã chứng kiến bao tấm gương vượt qua gian lao thử thách, chiến đấu dũng cảm, hy sinh oanh liệt của đồng đội cùng những thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù. Chỉ riêng Bến Mồ Côi đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của địch. Kẻ thù cũng đã nhiều lần sử dụng chất độc da cam hòng tận diệt mọi sự sống trên vùng đất này mà hậu quả thảm khốc của nó là những khu rừng trụi lá, cây cối chết trơ cành và những di chứng mà con người từng sống nơi đây phải gánh chịu. Nhưng nỗi đau lớn nhất trong lòng chú Tư là hài cốt của bao chiến sỹ, trong đó có những người do chính tay chú và các đồng đội của mình chôn cất chưa tìm lại được. Đó là một trong những lý do thôi thúc chú trở về với Bến Mồ Côi…


Nợ nhân sinh – tranh tổng hợp – Trần Vinh.

Theo chỉ dẫn của ba tôi, tôi đi xe khách đến ngã tư T rồi thuê xe ôm vào chỗ chú Tư. Sau khi chú rời phố về đó một thời gian ngắn, tôi lên đường nhập ngũ rồi đi học riết, nay mới có điều kiện lên thăm chú nên hơi bỡ ngỡ. Nghe tôi nói nơi mình cần đến, anh chạy xe ôm hỏi:

- Vô chỗ ông Tư Tình Nghĩa phải hôn?

- Dà… Chú Tư… Ủa, anh cũng biết chú Tư tui? Mà sao lại gọi là ông Tư Tình Nghĩa? – Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

Anh xe ôm thủng thẳng:

- Ở đây ai lại không biết ổng. Bởi ổng thấy người nào khó khăn thì giúp đỡ. Dân mến, gọi riết thành danh.

Anh xe ôm hỏi tôi có quan hệ thế nào với chú Tư rồi xuýt xoa:

- Can trường lắm mới làm được như vầy đó nghen! Mà đâu phải làm cho mình. Ổng làm vì cộng đồng, làm để lập quỹ giúp đỡ con em gia đình chính sách và những người khó khăn. Đó mới là điều đáng phục.

Đường vào Bến Mồ Côi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Hai bên là những khu rừng chồi tạp xen kẽ những vạt đất trống. Thỉnh thoảng những ngọn gió mồ côi ùa tới, thổi tung cát bụi trên đường rồi chạy ràn rạt vào trốn sau những lùm cây xa tít. Vừa lạng lách né ổ gà, rễ cây chìa ra hai bên đường một cách sành điệu, anh xe ôm vừa kể cho tôi nghe những gian nan vất vả và nguy hiểm mà chú Tư đã trải qua. Anh bảo, trước đây có vào làm cho chú Tư một thời gian nên anh biết rõ, công sức, vốn liếng bỏ ra để tạo nên một cơ ngơi ở nơi rừng sâu như vậy rất lớn. Nào chuyện làm nhà làm cửa. Nào phải cải tạo cả một khu rừng hoang. Nào đi tìm mua và chuyên chở giống cây ở khắp nơi… Cây trồng lên rồi, không chăm sóc kỹ sẽ thành công toi, vốn liếng đổ sông đổ biển. Riêng việc giữ cho rừng cây đừng chịu cảnh chết khô đã là một vấn đề nan giải. Cả một thời gian dài, ban ngày lao động cật lực, đêm đêm chú Tư còn phải thức trắng để phăn nước từ giếng lên gánh đi tưới cho từng gốc cây một. Đất rừng hút nước dữ lắm. Vừa trút cả thùng nước xuống đã thấy khô rang… Cũng hên, có lần đang đêm chú bị sốt nặng, tình cờ có hai anh thợ rừng đi ngang qua khát nước vào xin nước uống. Thấy cửa chỉ khép hờ mà gọi mãi không ai trả lời, họ ghé tai nghe, phát hiện có tiếng rên. Biết chuyện chẳng lành, họ đẩy cửa vào xem thấy chú trùm hai cái mền mà người run cầm cập, mồ hôi nhễ nhãi. Họ lật đật ẵm chú ra xe máy, chở gấp tới bệnh viện nông trường cao su ngoài ngã tư T cấp cứu. Bác sỹ bảo, nếu chậm trễ một hai tiếng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vừa cắt sốt chú đã đòi ra viện, trở về với vườn cây.

Thực ra, chuyện gian nan vất vả của chú Tư tôi đã nhiều lần được nghe ba tôi kể lại. Ba tôi thương chú, lâu lâu lại đánh đường lên thăm, đôi khi còn ở lại vài ngày hỗ trợ chú trồng, chăm sóc vườn cây và đi tìm hài cốt liệt sỹ. Thỉnh thoảng chú cũng tranh thủ chạy về thăm ba má tôi. Thương chú sống một mình, thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, má tôi thường nấu những món ăn ngon, mua thêm vài bộ quần áo để ba tôi mang lên cho chú. Lần này cũng vậy. Trước khi tôi lên đường thăm chú, má tôi chuẩn bị đủ thứ đồ “tiếp tế”. Dù cách xa nhưng mối liên hệ giữa chú với gia đình tôi vẫn luôn nối liền nên ba tôi hiểu rõ niềm đam mê và nỗi gian truân của chú. Tuy vậy, những câu chuyện anh xe ôm vừa kể cho tôi biết thêm về những năm tháng chú Tư đã trải qua.

Chợt một mảng xanh lớn, đậm màu hiện lên trước mặt. “Sắp tới chỗ chú Tư rồi đây!”, tôi nhủ thầm. Xe quẹo vào con đường thẳng tắp và khá rộng giữa vườn cây ăn trái. Phía trước là ngôi nhà nhỏ xinh xắn. Chú Tư mặc bộ quân phục tiệp với màu xanh cây lá đứng ở góc sân bên phải, trông oai vệ và trang nghiêm như một vị chỉ huy đang đứng trước hàng quân, chăm chú nhìn chiếc xe máy đang chạy tới. Xe vừa dừng, chú vội chạy tới thân mật vỗ vào vai anh xe ôm và nắm tay tôi, hỏi:

- Chà! Bất ngờ dữ heng! Đi đường vất vả lắm hông?

- Dạ, con chào chú! Dạ, hổng sao chú – Tôi trả lời.

Cất đồ đạc xong, tôi hăm hở đi thăm vườn cây. Chú Tư dẫn tôi ra giữa sân, đưa tay chỉ một vòng xung quanh rồi bảo:

- Đây chính là khu vực trung tâm của Bến Mồ Côi, nơi từng hứng chịu nhiều nhất bom đạn và chất độc da cam của địch. Vì vậy, khi lên đây, chú chọn “đóng đô” tại nơi này.

Tôi buột miệng hỏi:

- Lúc đầu xa dân, xa đường, xa chợ, lại một mình, chắc gian nan dữ heng chú?

- Ôi, có vất vả thiệt, nhưng hổng sao! Nhằm nhò gì! Vốn là lính, chú quen rồi!… Trước khi tiến hành làm, chú có trình bày kỹ với lãnh đạo địa phương và được họ đồng tình ủng hộ nên mọi việc cũng thuận lợi. Hơn nữa, khu vực này giờ chủ yếu là cỏ Mỹ và mắc cỡ tây nên làm cũng mau.

Tôi thầm nghĩ, chú thường hay nói về những thuận lợi và sự giúp đỡ của người khác, ít khi nói đến những khó khăn, gian khổ của mình.

Theo chân chú Tư, tôi bước vào kính cẩn dâng nén nhang thơm lên hương hồn các liệt sỹ trong ngôi nhà thờ rồi đi xem vườn. Chỉ tay về những hàng cây phía trước, chú Tư nói vui rằng đó là đơn vị “quân, binh chủng hợp thành”, đủ các loại cây trái, dành để hái cúng anh em chiến sỹ và tặng khách đến thăm. Kế tiếp là các “đơn vị” bưởi, cam, mít, ổi, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, vải, nhãn… Bưởi thì có bưởi da xanh, bưởi Năm Roi; có cả giống bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh, bưởi Diễn Hà Nội, bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ… Mít có giống mít Thái, mít tố nữ Lái Thiêu… Đặc sản mọi miền, đủ cả. Đi một đoạn lại gặp vết tích của những hố bom lớn. Chú Tư bảo, lúc mới lên thường gặp bom đạn thời chiến tranh còn sót lại, phải nhờ anh em ngoài huyện đội vào tháo gỡ, thu gom giùm. Bất chợt có tiếng gà gáy vang lên. Ở đâu đó trong khu vườn và xa hơn nữa nhiều tiếng gáy tiếp ứng râm ran. Nhìn rừng cây trước mặt, tôi đường đột hỏi:

- Gần chục héc-ta chỉ trồng rặt cây ăn trái ha chú?

Chú Tư bảo:

- Cũng có người bàn trồng cây này cây kia nhưng chú trả lời, bên cạnh mong muốn góp phần mang lại sự sống mới cho chiến trường xưa, mục đích chú lên đây là tạo nơi tụ họp cho vong limh những đồng đội đã nằm xuống trên mảnh đất này. Nơi tụ họp ấy, chú nghĩ chẳng gì bằng vườn cây hoa thơm trái ngọt.

Nghe những lời chú nói, tôi chợt liên tưởng tới ngôi nhà thờ to, đẹp và chắc chắn giữa vườn, có hành lang xung quanh và khoảng sân rộng phía trước mình vừa vào dâng hương lúc nãy.

Hai chú cháu đang chuyện trò vui vẻ thì một người đàn ông lớn tuổi, dáng cao và hơi ốm đi tới. Người đàn ông vừa cười vừa nói, giọng rôm rả:

- Nghe bảo có khách ở thành phố lên, qua nhậu với ông anh vài ly đây!

Chú Tư vẻ mặt tươi cười giới thiệu tôi với người đàn ông rồi quay qua tôi, bảo:

- Đây là chú Sáu Ngô, lên sau chú chừng dăm tháng.

Bắt tay tôi một cách thân mật, chú Sáu tiếp lời chú Tư, giọng tếu táo:

- Là chú sợ ông anh một mình buồn nên lên bù khú với ổng đó cháu!… Chú vốn là lính truyền tin của chế độ cũ. Sau 75, gia đình chú đi kinh tế mới. Một thời gian sau, do đông con, đời sống khó khăn, chú để cô con gái lớn và cậu con trai út ở lại “hậu cứ” rồi đưa cả nhà gồm chú thím cùng 5 người con trai, 2 người con gái lên đây lập nghiệp.

- Dạ, chú ở gần đây không ạ? Bước đầu chắc gian truân lắm phải không chú ? – Tôi hỏi thăm chú Sáu.

Chú trả lời, giọng xởi lởi:

- Cách đây chỉ hơn cây số. Còn chuyện vất vả thì khỏi nói. Nhiều lúc nhìn đám con quần áo tơi tả, làm quần quật như lao động khổ sai, ăn uống thì đạm bạc, chú xót xa lắm, nhưng nhờ ông bà thương, khó khăn từ từ cũng qua… Lên đây, chú chọn khu sản xuất năm xưa của chú Tư làm “đại bản doanh”, sau đó tập trung nhân lực cải tạo vùng đất trũng ven mọi nước gần bệnh viện cũ làm nơi trồng lúa và rau quả. Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, hiện gia đình chú có 7 héc-ta cao su sắp cạo mủ và 3 héc-ta điều đang thu hoạch vụ đầu. Vậy là cuộc sống đã dần ổn định. Cứ chiều chiều, chú lại cuốc bộ tới đây uống trà, chơi cờ tướng và nói chuyện với chú Tư cho vui. Lâu lâu có mồi ngon, anh em làm vài ly rượu đế cho thông máu huyết.

Ngừng giây lát, chú nói tiếp, giọng hơi chùng xuống:

- Chú biết nơi này nhờ đi tìm mộ anh chú trước là bộ đội cùng đơn vị với anh Tư đây rồi gặp anh Tư và nhờ ảnh hướng dẫn. Khi loạn lạc, chiến tranh, mỗi người một chiến tuyến. Hòa bình gặp nhau té ra cùng người nhà cả.

Chú Sáu vừa dứt lời thì vợ chồng người con trai lớn của chú tới, mang theo các thứ mà chú bảo là “đặc sản” của Bến Mồ Côi: nào mình cá lăng nướng muối ớt, đầu cá lăng nấu canh chua ăn với bún, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng với trái điều chín và rau rừng; nào rượu nếp nhà nấu thơm phức… Tôi phụ chú Sáu chọn những thứ ngon nhất bưng ra nhà thờ cúng hương hồn những người đã khuất. Chú Tư cầm điện thoại gọi ai đó. Lát sau, hai người đàn ông còn khá trẻ bước tới, chú giới thiệu là các thành viên mới của Bến Mồ Côi. Bày các thứ má tôi gởi lên bên cạnh những món chế biến tại chỗ, chú bảo:

- Đây! “Đặc sản” của phố kết hợp với “đặc sản” của rừng nhen!

Mồi, rượu đã sẵn sàng. Chú Sáu hô hào:

- Bến Mồ Côi hổng còn “mồ côi” nữa rồi! Sẽ ngày càng có thêm những thành viên mới. Thôi, dô nào!… Mừng ngày hội ngộ nhen!

Mới uống một, hai ly rượu nhỏ, tôi đã cảm nhận được hơi nóng và hương vị của rượu nếp lan tỏa khắp cơ thể. Sợ tôi say, chú Sáu bảo:

- Chủ yếu ăn cho no, rượu tùy khả năng từng người nhen cháu. Còn ai uống được thì vô tư. Nào!… Dô!…

Cuộc vui rồi cũng sắp đến hồi kết thúc. Từ tiệc rượu chuyển sang tiệc trà. Chợt chú Sáu hất hàm về phía chú Tư, nháy mắt với tôi rồi nói:

- Gian truân lúc nào hổng biết chớ giờ sướng nhất là cái ông Tư Tình Nghĩa đây! Một mình một động. Đồ ăn, thức nhậu mênh mông. Khoản thu từ rừng trái cây này và mười mấy triệu tiền lương hưu hàng tháng coi như hổng thèm mó tới.

Chú Tư chẳng chịu thua, liền tấn công lại:

- Chứ đâu như ai làm tiểu đội phó hoài, suốt ngày bị tiểu đội trưởng ăn hiếp, sai vặt.

Chú Sáu giả bộ không nghe, nhìn xéo qua chú Tư rồi vỗ vào vai tôi, nói tiếp:

- Đánh đấm, làm lụng các thứ thì giỏi nhưng vụ ấy dở ẹc Năm ơi! Hổng học được chú Sáu chút nào…

- Nè! Đừng có xỉa dô chuyện của người khác nghe chưa… Chuyện nhỏ. Nhằm nhò gì!

- Ha… ha… ha !… – Chú Sáu ngửa đầu cười khoái chí. Đoạn, ông ghé vào tai tôi giả bộ thì thầm:

- Vậy chớ nay tiến bộ nhiều rồi nghe mậy! Lên Zalo lập nhóm Cựu chiến sỹ Bến Mồ Côi, mới mấy bữa mà tập hợp được hơn trăm thành viên rồi đó. Chú lén vô coi, thấy nhiều cô hiện sống độc thân còn bén lắm! Đang lên kế hoạch tổ chức họp mặt tại đây nữa đó. Phen này thì chết chắc! Ha… ha… ha!…

Tôi và các vị thành viên mới của Bến Mồ Côi bị giọng cười chú Sáu lôi cuốn, cười nghiêng ngả. Cả chú Tư nữa cũng phải nhăn mặt cười theo. Tiếng cười vang vọng cả một vùng bạt ngàn cây trái.

Nguồn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 21

Bài viết liên quan

Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm