- Bút ký - Tạp văn
- Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng
Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng
BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”
HOÀI HƯƠNG
Đêm 24-7-2021, khi các bản nhạc "Quê hương", "Về quê"… vừa cất lên qua tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, không chỉ mấy chục ngàn người nghe ở Bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 đang điều trị F0, mà ngay cả những người sau đó xem qua clip cũng rưng rưng trong niềm xúc động
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Trong thời khắc cả thành phố đang phải trải qua “đỉnh” dịch đầy thương khó, tiếng kèn của ông như một tia nắng ấm lan tỏa niềm tin mang đến hy vọng cho sự chiến thắng dịch bệnh…
Đêm diễn đặc biệt
Trần Mạnh Tuấn sinh năm 1970 trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha mẹ và chị gái là nghệ sĩ cải lương. Năm 1996 ông được đi du học nhạc ở Boston, Mỹ với một quyết tâm phải học thành tài, không chỉ là đam mê mà sẽ sử dụng âm nhạc như một cách cống hiến cho công đồng, cho cuộc đời.
Ông là nhạc công chơi saxophone duy nhất được đề cử 5 lần tại giải Cống hiến, từng thành lập Câu lạc bộ Jazz Sax n' Art; hiện nay ông mở trung tâm dạy nhạc TMT Saxophone Center tại TP Hồ Chí Minh. Ông cũng đã làm giám khảo cuộc thi Vietnam Idol 2008. Ông phát hành hàng chục album cá nhân, tiêu biểu như Độc tấu Saxophone Trần Mạnh Tuấn (1997), Lời ru mắt em - chung với Vũ Quang Trung, Trần Thu Hà và Bằng Kiều (2000), Biển khát (2001), Hạ trắng (2002), Về quê (2003), Ru ta ngậm ngùi (2009)...
Nhiều năm làm công dân TP Hồ Chí Minh, song có lẽ một trong những kỷ niệm sâu sắc và đầy cảm xúc, mãi không thể quên, có lẽ chính là đêm biểu diễn đặc biệt nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của ông, một đêm cuối tháng 7-2021, trình diễn trên sân Bệnh viện dã chiến số 3 và 6 cho hàng chục ngàn bệnh nhân F0 cách ly trong mấy tòa nhà cao tầng…
Tiếng kèn của ông đêm ấy đã lay động, lan tỏa, trờ thành biểu tượng của niềm tin chiến thắng dịch bệnh của thành phố, mang lại niềm hy vọng ấm áp những cuộc trở về nhà bình yên sau cơn hoạn nạn chia ly…
Đêm diễn đặc biệt của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Truyền lửa lạc quan cho các em
Đại dịch COVID-19 tràn vào Việt Nam, vào TP Hồ Chí Minh, ngăn trở bằng bức tường vô hình biết bao giao tiếp của thế giới loài người. Nhưng riêng với giới nghệ sĩ Việt Nam nói chung, đặc biệt nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh, xem ra không gì ngăn cản được sức mạnh tâm hồn thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật, sẵn sàng vượt qua trở ngại để kết nối những trái tim vượt qua khó khăn và thách thức….
Đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, rồi 16+ của Chính phủ với TP Hồ Chí Minh không còn gây bất ngờ hay chút gì lúng túng, vì gần như được dự liệu trước và cũng đã được “tập luyện”, trải nghiệm, nên mọi việc vẫn không quá xáo trộn. Với giới nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh, hình như giãn cách xã hội là một dịp để họ lắng lại tâm hồn, để có nhiều hơn cơ hội thực hiện những dự án nghệ thuật của mình với cộng đồng.
Và với nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, ông không bỏ phí thời gian chút nào. Ngay lập tức, cùng với trung tâm của ông mở ra trước đó dạy kèn “TMT Saxophone Center”, mục đích muốn thổi sự yêu thích loại nhạc cụ này đến lớp trẻ, ông tổ chức ngay những lớp học online với nhiều em nhỏ theo học. Thú vị nhất là trước giờ học, bao giờ ông cũng dành phần đầu thổi vài khúc nhạc mà các em yêu cầu, hay kể câu chuyện vui liên quan đến âm nhạc, đến sự vượt khó của các thiên tài âm nhạc thế giới, đôi khi là câu chuyện về những tác động tích cực mở ra chân trời rực rỡ của âm nhạc đến cuộc sống…
Giờ học online của ông với các học trò nhỏ trở nên hào hứng. Không là tiếng kèn lặp đi lặp lại một đoạn nhạc khô khốc, không là tiếng kèn ré lên chói tai khi lỡ buông hơi quá sâu, không là những khúc nhạc rời rạc vô hồn ồn ào… Mà là những khoảnh khắc vui vẻ thầy trò cùng học, cùng vui, cùng “nghiên cứu” cách trình diễn đoạn nhạc sao cho vừa kỹ thuật vừa có tình cảm nhất… Cái cách ông truyền cảm hứng đến học trò biến lớp học online như một show biểu diễn ngẫu hứng sinh động, vui vẻ.
Không chỉ dạy học trò, đôi lúc ông trò chuyện với các em, nói về dịch bệnh cho các em hiểu hơn về cách đối diện nghịch cảnh, truyền đến những thông điệp lạc quan. Cảm giác âu lo dịch bệnh không hiện diện trong lớp học. Thầy trò như cùng nắm tay nhau đồng hành vượt qua. Ông trở thành một nguồn năng lượng tiếp sức cho các em trong những ngày dịch bệnh cam go, giúp thời gian giãn cách trở thành những khoảnh khắc ý nghĩa hơn. Qua câu chuyện các em kể lại với ông từ những buổi học online, các em cũng trở thành những “sứ giả” vui tươi cho gia đình bớt đi nhiều lo lắng…
Ngoài thời gian dạy online, trong những ngày giãn cách ông còn biểu diễn tại nhà, quay lại, như một cách giúp mọi người giải trí, cũng là một hình thức khích lệ động viên mọi người sống lạc quan.
Lớp học Online trong những ngày giãn cách phòng chống dịch của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn
Đã nhận yêu thương thì không thể chối từ
Có lẽ những công dân TP Hồ Chí Minh, những người sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh không thể quên được những ngày cả thành phố gồng mình trong thảm họa đại dịch COVID-19. Là 123 ngày, từ 31-5 đến 30-9-2021, là ám ảnh những tiếng còi xe cứu thương, tiếng xịt khuẩn những khu phố bị cách ly và những ngậm ngùi của cuộc chia ly đắng đót đưa người vào bệnh viện dã chiến cách ly …
Khó mà quên những ngày tháng 7 ấy của thành phố, trời cứ mưa tầm tã, trút nước xuống phố thênh thang buồn, lạnh lẽo. Các bệnh viện dã chiến tăng lên đến gần con số 20, chưa kể bao nhiêu bệnh viện thu dung khác để chiến đấu với COVID-19.
Đã có lúc lòng người muốn chùng xuống, đã có lúc cảm giác sự sinh tử không còn kiểm soát được…Nhưng không thể cứ ngồi đó để buông trôi. Có lẽ tinh thần chưa bao giờ chịu khuất phục trước nghịch cảnh của TP Hồ Chí Minh từ thời lập phố, qua bao thăng trầm lịch sử, qua các cuộc chiến tranh… Giới văn nghệ sĩ thành phố, là những người mang tinh thần của “Thành phố rực rỡ tên vàng”, như một thôi thúc, đã “lên đường”, mang tinh thần của “Tiếng hát những đêm không ngủ”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” một thời, để xốc dậy tinh thần mọi người, để cùng nắm tay nhau kiên cường vượt qua thảm họa, để cùng chiến thắng dịch bệnh. Không chỉ là các nhóm tình nguyện viên làm công tác trong các bệnh viện dã chiến, các nghệ sĩ cũng tổ chức nhiều nhóm nghệ sĩ tỏa ra các bệnh viện, mang lời ca tiếng hát, điệu nhạc, khích lệ mọi người…
“Khi nhận lời mời của các tình nguyện viên TP Hồ Chí Minh, thoạt tiên tôi hơi ái ngại vì bản thân có bệnh nền rất nặng và đang phải uống thuốc chống thải ghép. Nhưng tôi nghĩ, đây là một phần trách nhiệm của nghệ sĩ, nhất là người đã nhận rất nhiều yêu thương của khán thính giả như mình nên quyết định tham gia trong một tâm trạng khá thoải mái dù có chút lo lắng”- nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn tâm sự.
Để chuẩn bị cho cuộc biểu diễn một cách chu toàn, bảo đảm an toàn phòng chống đúng quy định 5K của Bộ Y tế, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, với sự động viên và chăm chút của vợ và cô con gái, họ đã tự nghiên cứu, thiết kế và may chiếc khẩu trang rất đặc biệt để hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm trong khi thổi kèn ở khu bệnh viện dã chiến.
Đêm 24-7 đó đã đi vào “lịch sử” biểu diễn không chỉ của riêng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn mà còn là của các văn nghệ sĩ thành phố. Một cuộc biểu diễn mà các diễn viên- nghệ sĩ trong bộ đồ bảo hộ bít bùng như của phi công vũ trụ, miệng bịt khẩu trang, che kính chống giọt bắn. Tất cả các thiết bị kỹ thuật đều được khử khuẩn. Tâm thế nửa hồi hộp nửa lo lắng chưa biết hiệu quả ra sao. Còn khán giả, là hơn 10.000 bệnh nhân F0, trong tâm lý đầy bất an và đa số trầm cảm, ở mấy tòa nhà cao tầng. Khi màn đêm buông xuống…
Và khi tiếng kèn saxophone cất lên với giai điệu các ca khúc quen thuộc: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày…”, “Theo anh em thì về/… Thăm lại miền quê…”, không gian trước đó im lặng, sự im lặng khá nặng nề bao trùm, thì cảm xúc bỗng nhiên vỡ òa, một cảnh tượng đầy cảm xúc, hàng chục ngàn đốm sáng lung linh như sao từ các ánh đèn điện thoại di động từ các tầng cao trong mấy tòa nhà hướng về phía sân… Tiếng kèn vang lên, lan tỏa, lay động, thức tỉnh, người nghe giọt ngắn giọt dài, những nghệ sĩ xung quanh đó cũng giọt dài giọt ngắn vì quá xúc động… Một tình cảm ấm áp, ngọt ngào, dịu dàng và tràn đầy yêu thương lan tỏa…, để những trái tim xích lại gần nhau, để trân trọng hơn từng giây phút sống, để tin vào sự chiến thắng sẽ đi qua bệnh dịch mà an bình trở về nhà sum họp gia đình…
Lan tỏa niềm tin
Mặc dù ông mang trong mình trọng bệnh, một ca ghép thận cùng những lần bệnh tai biến…, nhưng việc ông xuất hiện trong đêm biểu diễn ở Bệnh viện dã chiến số 3 và 6 với một cuộc biểu diễn hết mình, như rút ruột, gửi gắm tâm tư, tình cảm đến khán giả, đã làm lay động không chỉ khán giả của đêm diễn, mà còn lan tỏa đến đông đảo công chúng xem clip sau đó niềm tin ấm áp, hy vọng vào ngày mai sẽ thắng dịch bệnh.
Những hình ảnh ông thổi điệu kèn trước những quầng sáng rực rỡ, long lanh ở sân bệnh viện trong đêm ấy, đã được cộng đồng mạng chế thành tranh, ghép hình được gửi tặng cho ông với lòng ngưỡng mộ, cũng như gửi gắm đến ông sự chia sẻ vào niềm tin, để lạc quan sống, tràn ngập các trang mạng xã hội và truyền thông.
Đặc biệt sau đó, chính những lan tỏa này, đã tạo cảm hứng để Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chi Minh vận động cuộc sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật đề cao tinh thần quyết tâm thắng dịch của TP. Sau đó là một tổng tập các tác phẩm mang tên “Cây kèn và chiếc khẩu trang”, với trang bìa chính từ bức ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trong dáng đứng đầy sức sống thổi điệu kèn truyền năng lượng và niềm tin đến mọi người…
Khi nói với ông về sự lan tỏa sau buổi biểu diễn, ông tâm tình: “Tôi thấy mình luôn là người hạnh phúc, luôn được yêu thương, từ khán thính giả đến gia đình đầm ấm… Chính ở cuộc sống này, mình đã đón nhận quá nhiều sự chia sẻ hạnh phúc thì lúc có điều kiện, nên chia sẻ điều đó với người khác, để cảm thấy an nhiên, đẹp đẽ hơn...”.
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn- cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng. Tôi viết về ông với sự trân trọng và ngưỡng mộ.
“Với kinh nghiệm hơn 40 năm biểu diễn kèn, có lẽ đây là lần tôi phải kìm nén cảm xúc trong sự cố gắng tột cùng, tôi phải gắng hít sâu, đè nén cảm xúc để biểu diễn cho trọn vẹn… Tôi là người từng trải song khi thấy sự đón nhận đặc biệt của các khán giả đặc biệt, mắt tôi cũng cay cay. Có lẽ đây là cuộc biểu diễn cảm xúc nhất trong đời tôi”- nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã chia sẻ với truyền thông cảm xúc của mình.
- Sau cuộc biểu diễn, khi về, ông có cảm thấy sợ?
- Là một người đi qua hơn nửa đời với nhiều thăng trầm, bệnh tật, tôi “ngộ” được những quý giá cuộc sống, nhưng không sợ nhiễm bệnh, sợ chết. Tốt nhất cứ sống sao cho vui, cho mọi người xung quanh vui. Tôi nghĩ, tại sao mình không chia sẻ những điều tích cực cho bạn bè và những người xung quanh. Và đó là cách sống của tôi.