TIN TỨC
  • Truyện
  • Che mưa | Truyện ngắn dự thi của Cao Dung

Che mưa | Truyện ngắn dự thi của Cao Dung

Người đăng : vctphcm
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
711 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Hôm nay Sài Gòn lại mưa, những cơn mưa bất chợt kiểu này thường hay diễn ra ở nơi đây. Tôi nhìn thấy có một người lái chiếc xe máy lướt ngang qua mình, trên người anh ta là chiếc áo mưa được thiết kế hơi lạ, không cầu kì họa tiết như những loại thông thường hay thấy mà nó lại trong suốt.

Sau đó tôi cố tình đi dạo qua các nơi bán áo mưa và nhìn thấy người ta treo những cái áo trong suốt như vậy để che chắn cho những ai không muốn lỡ đường vì bị ướt. Những hình ảnh trước mặt tự nhiên khiến tôi có chút cảm xúc nhớ về thời thơ bé đã qua.

Năm đó, tôi cũng cỡ tuổi cô công chúa nhỏ của mình như hiện giờ. Còn nhớ những mảng màu kí ức lúc rõ lúc mờ về một tuổi thơ cơ cực nhưng không thiếu bao kỉ niệm hạnh phúc. Thời đó nhà tôi nghèo, nghèo đến mức không có lấy một dây mồng tơi nào cho trái để rụng. Hàng ngày tôi ăn cơm với những loại cá, tép còn thừa sau khi mẹ tôi đi chài về. Ở vùng quê miền Tây thì đi chài hay đi đóng đáy là một trong những việc dễ sống nhất, dễ kiếm ăn nhất. Mỗi khi kéo lên được mớ cá mớ tép thì mẹ tôi sẽ đem những con nào mạnh khỏe, to bự ra chợ bán, chỉ để lại những con nhỏ xíu hoặc đã ngáp ngáp chết cho nhà ăn. Rất ít khi tôi được ăn thịt, nhất là thịt heo quay thì gần như không biết mặt mũi mùi vị ấy ra sao - món mà tôi nghe người ta đồn đại là ngon lắm.

Tuy nhà nghèo khó nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bất hạnh hay tự ti về cái nghèo của gia đình. Cha mẹ luôn cố gắng để tôi không thiệt thòi với chúng bạn. Một phần may mắn là tôi không có tính đua đòi từ nhỏ, chỉ cần người ta có cây viết thì tôi cũng có một cây. Người ta có bộ sách mới đi học thì tôi cũng được ngửi mùi giấy thơm. Tôi cảm thấy hài lòng lắm về cái nghèo nhưng không quá khổ của hoàn cảnh mình lúc bấy giờ.

Vào mùa mưa tôi cũng phải đi học, chưa ngày nào tôi nghỉ học trừ khi bị bệnh quá nặng. Mưa gió hay nắng nóng cỡ nào mà nhà trường không thông báo cho nghỉ thì nhất định tôi sẽ có mặt ở lớp trước ít nhất 5 phút. Cha tôi là người đi từ chiến trường về nên lúc nào cũng nề nếp và khá nguyên tắc. Là người trụ cột của gia đình, ông luôn phải lo trước tính sau và tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể. Cha luôn dặn rằng nhà mình còn thiếu thốn nên cái gì không cần thiết thì đừng mua, đồng tiền làm ra khổ cực nên không được hoang phí vào những vật xa xỉ. Thời đó, với trí óc của một đứa trẻ chỉ vài tuổi thì tôi nào biết hai chữ “xa xỉ” nghĩa là gì đâu, gật gật đầu ra vẻ hiểu chuyện là điều tốt nhất tôi có thể làm.

Và với lập luận của cha tôi thì việc mua áo mưa cũng là một điều không cần thiết!

Vậy nên khi mùa mưa đến, cha tôi sẽ mua một tấm ni lông lớn trong suốt, sau đó cắt ra làm hai. Một tấm cho tôi mang đi học, một tấm để lại ở nhà cho mẹ tôi đi chợ. Vào những ngày mưa lớn, đường rất trơn vì ở quê thời đó chưa trải đường nhựa mà chỉ toàn là đất thịt. Sau mấy lần tôi tự đi học rồi về nhà với bộ quần áo lấm lem bùn đất khiến mẹ ngán ngẩm lắc đầu khi giặt, cha tôi đã quyết định sẽ cầm tấm ni lông kia mà đưa tôi đi cho an tâm. Vậy là cứ hôm nào trời mưa lớn thì tôi sẽ không phải đi học một mình, cha sẽ cầm tấm ni lông kia căng ra, giơ cao che đầu, hai cha con cứ vậy mà đi từng bước dưới mưa. Cha đi trước còn tôi thì nắm lấy vạt áo của cha mà bước theo sau. Lâu lâu tôi ngoáy đầu nhìn hai bên lỗ trống của tấm ni lông để nhìn đường, hoặc cũng có khi là chào hỏi chúng bạn đang đi học cùng hướng đến trường. Đương nhiên, trên đầu của tụi nó cũng là những tấm ni lông che mưa như của hai cha con tôi. Lúc đó tôi mới nhận ra hình như ở quê, che mưa bằng tấm ni lông mới là mốt, là “hot trend” ở thời ấy!

Có những mùa mưa xối xả, tầm tã đến mức tấm ni lông che mưa mới dùng có mấy ngày đã nhăn nheo thật xấu xí. Cha tôi là người rất kỹ tính và gọn gàng nên cha hay tự tay xếp tấm ni lông kia sau khi phơi khô. Mỗi lần xếp là cha lại cố gắng vuốt cho nó thẳng ra nhưng đành bất lực, bởi những giọt mưa không hề khoan nhượng mà ra sức rơi xuống tấm ni lông cha cầm mỗi ngày. Và cho dù tấm ni lông ấy luôn được bảo quản cẩn thận thì chỉ dùng được tầm hai tuần là đã rách, lại phải thay mới cho tôi đi học. Mỗi lần trời mưa lớn là tôi biết mình sắp được cha dẫn đi học bằng cách đội tấm ni lông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là dù cho cha có che chắn hay tấm ni lông kia có tốt đến cỡ nào thì hai cha con tôi vẫn bị ướt bởi mưa tạt hai bên.

Thông thường khi tôi đến lớp, hai ống quần đều có thể vắt ra nước, tôi ngồi co ro và bắt đầu tập trung học. Cứ vậy, tôi trưởng thành qua những cơn mưa cùng mấy tấm ni lông nhựa mà cha cắt ra cho mình. Cũng có khi tôi nhìn lũ bạn nhà khá giả hơn mà hơi chạnh lòng, tụi nó không bị ướt nhiều như tôi vào mùa mưa. Rồi một hôm tôi lấy hết can đảm hỏi cha mình: “Cha ơi, sao con Quỳnh nó không bị ướt? Ngày nào con cũng ướt…”.

Cha tôi cười, vỗ nhẹ đầu tôi một cái, nói: “Đầu con không ướt là được, mấy phần kia ướt cho nó mát. Không sao!”.

Tôi lúc đó nghe xong liền cười vui, ngẫm nghĩ một lát thì lại càng thấy lời cha nói đúng. Mình cũng chỉ cần giữ cho cái đầu khô ráo thôi mà, chân tay ướt rồi cũng khô, cũng vẫn học tốt được. Thế là đã thông thoáng tư tưởng, tôi tiếp tục chạy nhảy vui vẻ xung quanh nhà mà không kịp để ý nét mặt thoáng buồn của cha. Mãi sau này khi tôi lớn hơn, đã lập gia đình và có con thì bản thân mới hiểu những câu hỏi ngô nghê của trẻ nhỏ lại có thể khiến người lớn mất ăn mất ngủ thế nào.

Nếu trẻ con biết suy nghĩ như người lớn thì chắc người lớn sẽ bớt suy nghĩ hơn, cũng chính vì sự vô lo và vô tư bằng những câu hỏi không cố tình nhưng lại dễ chạm đến những nơi sâu thẳm mà người lớn luôn cố tình giấu, cố gắng kìm.

Kéttt…

“Này cô kia, trời mưa mà không chạy đi, đứng ngẩn ngơ cái gì giữa đường vậy hả?!” - Tiếng một ông chú cỡ tuổi cha tôi đang la lớn sau lưng, nhìn lại thì ra là đèn đỏ đã chuyển qua xanh từ bao giờ!

Tôi quay lại nở một nụ cười với chú ấy và bắt đầu rồ ga đi.

Về nhà, tôi thay đồ và tự pha cho mình một ly trà ấm. Bật điện thoại lên, hôm nay tôi muốn gọi về nhà. Sau 3 hồi chuông, đầu dây bên kia bắt máy: “Gì đó con? Nay về sớm vậy hả, cơm nước gì chưa?”.

Tôi hớp miếng trà rồi chậm rãi trả lời: “Cha hả, mẹ đâu cha?”.

Cha tôi la lên trong điện thoại: “Em ơi… Dung nó kiếm em nè…”.

Tôi nói tiếp trong giọng gấp gáp như sợ cha rời đi chuyền máy cho mẹ, sợ cha không kịp nghe mấy lời tôi sắp nói: “Cha… Khoan… Ở nhà mình, còn mấy cái tấm ni lông không cha?”.

Cha tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Ni lông? Là ni lông gì con? Để làm gì?”.

Tôi cảm thấy giọng mình hơi nghẹn dù đã nuốt mấy hớp trà trước đó để chuẩn bị tinh thần. Ngập ngừng tôi nói tiếp: “Dạ… Là mấy tấm mủ mà hồi nhỏ cha con mình hay trùm đầu đi lúc trời mưa đó!”.

Cha tôi cười lớn trong điện thoại, hỏi lại: “Mần chi? Mấy cái đó giờ ai mà xài. Giờ người ta mua áo mưa hết trơn rồi con ơi. Mà mấy cái đó dễ rách nữa, tao che cho mày chỗ nguyên còn khúc tao nó rách, ướt nhẹp hà con. Dở lắm, con mua áo mưa đi cho chắc!”.

Tôi vâng dạ rồi chuyển chủ đề đòi gặp mẹ. Hỏi thăm nhà mấy câu tôi tắt máy. Còn mấy hôm nữa là hết năm 2022, câu nói của cha cứ văng vẳng bên tai tôi: “Tao che cho mày chỗ nguyên, còn khúc tao nó rách…”.

Thì ra, có những việc đã diễn ra từ lâu nhưng mãi đến nhiều năm sau mình mới nhận biết được. Tôi đột nhiên cảm thấy lòng mình như ấm áp hơn giữa cái lạnh cuối mùa ở Sài thành. Có lẽ thời gian không làm mọi thứ phai nhòa, nó chỉ làm cho từng việc trở nên đậm đà hơn trong lòng của những người trưởng thành.

Tuổi nhỏ, tôi cần sự chở che còn về già tôi sẽ là người chở che.

Tấm ni lông ấy chính là minh chứng cho sự chở che của tuổi thơ mà tôi đã may mắn được nhận.

Thì ra… Che mưa đâu chỉ là che mưa.

Thì ra, che mưa còn là một sự hi sinh của người làm cha cho một đứa trẻ dù có lớn cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của đấng sinh thành.

C.D

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bến nguyện – Truyện ngắn của Ninh Giang Thu Cúc
Bước chậm chậm, Dã Quỳ để mặc cho làn mưa bụi hắt vào mặt những sợi nước li ti mát lạnh, gió xuân mơn man vuốt nhẹ từng lọn tóc thả hững hờ trên đôi vai tròn trịa, chiếc áo dài bằng lụa màu tím than ôm sít sao dáng vóc gợi cảm của người thiếu phụ.
Xem thêm
Quy cố hương - truyện ngắn Châu Đăng Khoa
Để anh nhớ xem. Mẹ vẫn gọi là loài trên cạn em à. Tín hiệu mẹ cài trong đầu mình đó, em tìm lại xem. Gọi gì cũng được, mình cứ gọi theo tổ tiên thôi.
Xem thêm
Người của buôn làng - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn GIẢI NOBEL THỨ BẢY của tác giả.
Xem thêm
Cô bé có đôi bàn tay kỳ diệu
Nguồn: Mẹ - tập truyện ngắn của Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Công an nhân dân, in năm 1997; trang 221.
Xem thêm
“Ông Ba Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
“ÔngBa Hay” – Truyện ngắn của Phan Đức Nam
Xem thêm
Những trang sách cũ
Mẹ tôi kể là trong ngày sinh nhật đầu tiên, gia đình đã bày trước mắt tôi một cây bút, một quyển sách, một tờ giấy bạc, một chiếc hàn thử biểu và một cái muổng gỗ dùng để nấu ăn. Chọn thứ nào sẽ là dự báo tương lai cho cuộc đời tôi.
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm