TIN TỨC

Có một miền quê như thế trong văn thơ

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1717 lượt xem

Đào Tuấn Ảnh 

Hầu như tất cả các nhà thơ trên đời đều có một miền quê ruột thịt để yêu thương, ca ngợi. Quê hương luôn là hồn cốt, là trục chính trong sáng tác của họ, mọi thứ khác đều là những hành tinh xoay xung quanh nó. Làng Thiện Vinh –Vụ Bản với trống chèo vào hội, xoan tím mưa phùn tháng ba trong thơ Nguyễn Bính; Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng… nơi Hoàng cầm… Esenin, nhà thơ Nga nổi tiếng với những bài thơ viết về làng Konstantinovo quê mình, từng chê thơ Maiakovski, người cùng thời, “không có quê hương” và xem đó là lời chê bai nặng nề nhất đối với một nhà thơ…

Huế là quê “thật” của Văn Công Hùng, hiểu theo nghĩa “chôn nhau cắt rốn”. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học anh đã vác ba lô xung phong lên Tây Nguyên công tác, nghĩ chí trai bôn ba đó đây cho thỏa, dăm ba năm sẽ trở về. Nhưng không hiểu Tây Nguyên có ma lực gì mà níu giữ được một người (giống đa phần người Huế, vốn rất gắn với quê) ở với mình cho đến hôm nay đã hơn 40 năm. Và thế là Tây Nguyên đã thành “nơi đất ở”, là nơi lập nghiệp, lập gia, thành quê hương thứ 2 của anh – một miền quê ngay từ đầu đã coi anh là “người đằng mình” và luôn  tự hào vì anh – đứa con – nhà thơ thành danh. Không chỉ thế, tự hào vì anh còn là nhà… “Tây Nguyên học”, người tự trang bị cho mình những kiến thức đa dạng khả dĩ hiểu được ngọn ngành sinh quyển phong phú của Tây Nguyên – vùng đất già nhất nước, các địa tầng, không gian văn hóa bản địa, văn học – văn nghệ dân gian độc đáo có một không hai của mảnh đất này, để từ đó xâm nhập vào tâm hồn, tính cách con người Tây Nguyên, mối gắn kết hữu cơ của cộng đồng Tây Nguyên với  sinh thái tự nhiên ngàn năm mà tách khỏi nó sẽ là một thảm trạng không thể đo đếm. Chính cái phông nền văn hóa vật thể và phi vật thể mang tên Tây Nguyên giàu có này, cái tình yêu say đắm với vẻ đẹp của tự nhiên và con người nảy sinh từ ý thức tìm hiểu bền bỉ này, là nền tảng, nguồn cội cảm hứng, nguồn thức ăn tinh thần nuôi dưỡng thơ anh, tạo cho anh một sự nghiệp đủ đầy. Nói “đất hóa tâm hồ” là vậy.


Nhà thơ Văn Công Hùng.

Xuất phát từ đây, giữa bộ ba cuốn sách Văn Công Hùng vừa xuất bản đầu 2022 bao gồm tập thơ mang tên Chợt với những bài thơ sáng tác từ năm 2019; tập tản văn và ghi chép có tên Từ Tây Nguyên và tập chân dung các nhà văn, nhà thơ mang tên Nhặt chuyện văn nhân, có sự đan bện chặt chẽ, dẫn dựa vào nhau, giải thích cho nhau. Sẽ khó có thể cảm nhận được thơ Văn Công Hùng nặng tính suy tư trong Chợt, nếu không đọc hai cuốn sách còn lại. Là bởi mỗi cuốn sách là một không gian – không gian văn hóa Tây Nguyên; không gian văn học, trong đó có văn học Tây Nguyên; không gian cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật – nhà thơ.  Những không gian tạo nên chỉnh thể nghệ thuật Văn Công Hùng.

Ở bài viết về Trung Trung Đỉnh, một nhà văn xuôi “bản địa hóa tới mức thành… bản địa”, tức nhà văn Tây Nguyên “thứ thiệt”, Văn Công Hùng cho biết theo lời khuyên của nhà văn đàn anh, đã bỏ truyện ngắn, chuyển sang sáng tác thơ và đã thành công ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, văn xuôi – mối tình đầu, tuy bị “ruồng rãy”, nhưng không dứt áo ra đi hoàn toàn, mà tinh thần của nó vẫn ở lại, hòa trộn vào thơ làm nên những tản văn xuất sắc định rõ phong cách Văn Công Hùng. Nhất là những tản văn về Tây Nguyên.

Nhiều người đánh giá thấp thể loại văn học này, mà không biết rằng tản văn vẫn có thể viết hay và nếu hay nó mang giá trị nghệ thuật không thua kém bất cứ tác phẩm hay nào thuộc các thể loại văn học khác. Bởi nó là một thể văn mang tính tổng hợp hữu cơ tất cả các thể loại văn học khác nhau. Trong nó có truyện, có chính luận và có… thơ, nếu người viết là nhà thơ hay có tâm hồn thi sĩ. Nói một cách khái quát, người viết tản văn luôn phải là “nhiều trong một”. Chính vì lẽ đó tôi sẽ xuất phát từ tập tản văn – Từ Tây nguyên, dựa vào Nhặt chuyện văn nhân, để bàn về thơ Văn Công Hùng giai đoạn Chợt.

Tản văn của Văn Công Hùng trong tập Từ Tây Nguyên chủ yếu là những câu chuyện xoay xung quanh cuộc đối đầu giữa Tự nhiên và Văn minh – cuộc đối đầu muôn thủa diễn ra mọi lúc mọi nơi trên trái đất và độ tàn khốc của nó tỉ lệ với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và sự tham lam vô độ của loài người. Với các nước đang phát triển vấn đề này từ lâu trở thành vấn nạn, không loại trừ Việt Nam mà Tây Nguyên là một trong những điểm nóng.

Phải nói rằng ở lĩnh vực này Văn Công Hùng đã tiếp thu được những kinh nghiệm và thành công của các bậc đàn anh “nằm vùng” ở Tây Nguyên coi đây là quê hương thứ hai của mình, từ “già làng” Nguyên Ngọc, tới Trung Trung Đỉnh,   tạo một kênh mới dựa trên tri thức về địa tầng sinh quyển tự nhiên và sinh quyển văn hóa, con người, xã hội Tây Nguyên thời bình, từ đó đi tới vấn đề cơ bản, cốt tử  của thời hiện tại và là đề tài chủ yếu trong sáng tác của anh: vận mệnh của Tây Nguyên trong cuộc tàn phá bạo liệt nhân danh văn minh và phát triển.

Vấn đề này chi phối kết cấu cuốn sách và từng bài viết mà người đọc luôn cảm nhận được trong tản văn của Văn Công Hùng, đó là sự đam mê từng bộ phận làm nên thế giới kì vĩ, bí ẩn Tây Nguyên; là sự bầy tỏ thái độ của một người con Tây Nguyên trước sự bức hại ngày càng gia tăng cái thế giới tuyệt vời đó.

Tập tản văn hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối bởi những trang viết thấm đẫm chất thơ về vẻ đẹp của rừng núi Tây Nguyên, về văn hóa, tập tục lâu đời của cộng đồng các tộc người nơi này. Ở đây tác giả đã cung cấp cho người đọc những thông tin chính xác, phong phú bằng giọng kể hóm hỉnh, duyên dáng. Như một nhà cổ sinh “thứ thiệt”, qua những hóa thạch cúc đá tối cổ, anh cho biết vùng đất cao nguyên này vài triệu năm trước là biển; rằng chiêng, ché không phải người Tây Nguyên làm ra, nhưng qua sử dụng họ đã thổi hồn vào những đồ vật này, biến chúng thành “bản địa” và vì vậy mang giá trị văn hóa của riêng mình. Kiến trúc nhà rông Tây Nguyên có mái hình lưỡi búa ngược nổi tiếng được mô tả tỉ mỉ, cặn kẽ, với bếp lửa lớn bập bùng giữa nhà sàn khiến người đọc tưởng tượng tới những cuộc trình diễn hát kể H’mon – trường ca – sử thi Tây Nguyên cổ xưa của nghệ nhân Đinh Gang tài năng, người Bahnar, giữa những tiếng ô a thích thú, thán phục của dân làng vây xung quanh. Điều này cho thấy tác giả đã xâm nhập vào di sản văn hóa Tây Nguyên ở thời hiện đại sâu như thế nào.  Cũng như vậy là những bài viết về các lễ hội cổ truyền với tiếng cồng chiêng rộn rã cùng rượu cần lai láng, nơi không phân biệt chủ khách, tất cả hòa nhập làm một với thiên nhiên; hay những mô tả về cách làm tượng mồ Tây Nguyên mà theo tác giả, những nghệ nhân dân gian “không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mà phải chọn (và biết cách làm cho) cảm xúc thăng hoa nhất, nói nôm na là… Giàng nhập”. Hóa ra đây cũng là một nghệ thuật, hệt như nghệ thuật thi ca, Giàng không nhập, không ra thơ. Và còn nhiều, rất nhiều thứ tạo nên văn hóa Tây Nguyên bản địa đặc sắc và giàu sức sống được nghiên cứu, mô tả, dẫn truyền trong những tản văn của Văn Công Hùng. Tất cả được vẽ thành bức tranh rộng lớn bằng thứ ngôn ngữ văn xuôi mềm mại đầy hình ảnh, đôi khi gắn kết nhuần nhuyễn với những câu thơ tạo sức cuốn hút của tập sách và làm nên phong cách  riêng biệt của Văn Công Hùng ở thể loại tản văn.

Nhưng bức tranh tuyệt đẹp ấy đã và đang bị tàn phá dữ dội bởi nhiều lí do mà chủ yếu là lí do chủ quan, tức xuất phát từ con người. Ở đây văn chính luận pha chất “nghiên cứu” được huy động vào cuộc để trình ra cái thực trạng của “những nơi ngày xưa là rừng”, nơi cái nghèo nhất bây giờ là mất đi chiều sâu văn hóa rừng, mất đi sự gắn kết hữu cơ giữa người dân với rừng. Di hại của phá rừng Tây Nguyên không chỉ là nạn lũ lụt khủng khiếp cả miền Trung phải hứng chịu, phá rừng còn phá đi cái thực thể, cái không gian chung khiến văn hóa cồng chiêng, văn hóa buôn làng bị mai một, có nguy cơ làm mất đi vĩnh viễn phần hồn của Tây Nguyên. Hồn cốt mất đi chỉ còn lại cái thân xác bị chia cắt, băm nát, bị bóp méo, làm giả, và con người giờ đây chỉ biết hùng hục kiếm sống, hùng hục bon chen để tồn tại… Ngòi bút tản văn ở đây làm công việc của điều tra truy vấn, phanh phui, trình ra những thảm trạng và đặt ra những câu hỏi nhức nhối: vì sao? Sẽ đi đến đâu? Làm thế nào để cứu lấy những đàn voi, những đồi cỏ hồng và những rừng thông tuyệt mĩ? Làm thế nào để có điện cho các buôn làng mà không bị thủy điện manh mún làm nát rừng, sập núi? Làm thế nào để giải bài toán về sự đối đầu giữa Tự nhiên và Văn minh, biến đối đầu thành sự phát triển thuận theo tự nhiên, tức không phá vỡ cái quy luật sinh tồn ngàn đời của rừng núi? Văn Công Hùng đặt và trả lời những vấn đề lớn ấy một cách rốt ráo, và luôn cố khẳng định, rằng con người, nếu còn biết lo sợ cho tương lai, vẫn có thể biết cách làm cho tự nhiên sống theo quy luật của … tự nhiên. Để Tây Nguyên không chỉ còn là một cái tên.

Tinh thần Tây Nguyên ấy ở tản văn đã lan tỏa và trở thành linh hồn của tập thơ mang tên Chợt, làm nên sự độc đáo, khác biệt của nó. Dù nhà thơ có nói về điều gì, về ai, có đi đâu, về đâu, thì cuối cùng vẫn bị hút vào cái trường tinh thần ấy. Bốn mươi năm đủ để nhân vật trữ tình trải nghiệm sự đồng hành, cùng biến đổi với thời gian của bản thân và của cái không gian quen thuộc mang tên Tây Nguyên. Thế giới thi ca luôn mở ra bên ngoài khi người ta còn trẻ, giờ đây đã ẩn vào bên trong, thế giới của trải nghiệm và suy ngẫm.

Không gian Tây Nguyên, một thực tại tuy chưa bị mất, nhưng sự thay đổi khiến người biết nó gần nửa thế kỉ không khỏi xót xa và cái cảm giác luyến tiếc – mới đấy mà đã xa, ngập tràn, khiến ngơ ngác: Tây Nguyên mới đấy còn xanh, giờ “chỉ còn những đồi cỏ tranh rạp mãi/ Con đường bầm đỏ một vệt máu mờ”. Mới đấy là rừng, giờ “những vệt dao chém những cánh rừng khô/Những đôi mắt buồn những ngày u lặng”. Dã quỳ sắc vàng Van Goth ám ảnh, điểm sáng rực rỡ trong những bài thơ xưa; hoa café trắng màu tinh khiết, ngửi thôi cũng nghiện, nay “vẫn là dã quỳ mùa khô vàng bụi/mặt đất vênh vao rợn hoa cà phê”. Trước cảnh hoang tàn buồn bã đến cáu giận, đến tuyệt vọng, đến bất cần: “những vòng tròn kiến chật cả bàn chân/ cứ đi cứ đi tới đâu thì tới”.

Mạch thơ này dẫn tới tính trữ tình – chính luận, thường là đặc điểm sáng tác của những nhà thơ hoạt động xã hội tích cực. Nói tản văn và thơ Văn Công Hùng đan bện nhau là thế. Thơ dường như bổ sung và làm sâu hơn những gì còn nói chưa hết trong văn. Hậu quả khủng khiếp của nạn phá rừng bạt núi Tây Nguyên, của những công trình thủy điện manh mún xây dựng vô tội vạ được khắc họa rõ nét bằng những hình ảnh gợi ám ảnh khuôn nguôi, từ xót xa cụ thể – “bão đến bão đi lũ lụt chờn vờn/những thân xác rữa trong lòng nước lạnh/ những gói mì tôm ngơ ngác nấm mồ”, đến khái quát mang chính luận về một thời hoang tưởng và thấm đẫm bi thương về thực tại: “Ôi đất nước ưỡn mình biển bạc/Ôi non sông lưng tựa rừng vàng/ giờ lẫn lộn giữa ngổn ngang gầm rú/ òa lên một thân xác ngập bùn”.

Nếu để ý ta sẽ thấy những gì phân tích ở tản văn của Văn Công Hùng phía trên được dồn nén trong những bài thơ  Ngơ ngác Tây Nguyên, Sóng đồng, Những thuộc mạch thơ này. Mới biết cái quy luật tiết chế năng lượng nghệ thuật tối đa vận hành trong thơ lớn biết chừng nào.

Trong thơ Văn Công Hùng “những kinh hoàng tuyệt vọng lỗ đen” trước sự tàn phá tự nhiên, trước thiên tai lũ lụt, đại dịch, sự sống vẫn gắng gỏi: “có một thời phải nhớ/để biết mình là ai/ có một thời quyết sống/ triệu năm rồi, thế thôi”.

Tình yêu, một bộ phận của tự nhiên, của sự sống, triệu năm rồi, cũng vậy. Tưởng như nó chết cùng năm tháng theo quy luật tự nhiên, vậy mà không, nó vẫn sống. Sống trong ta, trong kí ức lọc qua phễu thời gian nhỏ những giọt như café đậm đặc. Với Chợt, nhân vật trữ tình bắt đầu bước vào cuộc tìm kiếm “thời gian đã mất” trong thế giới tình cảm của mình.

Ở đây, âm điệu “chợt” gợi thời gian như một “khoảnh khắc”. Nó láy đi láy lại như một mô típ tạo kí hiệu đa nghĩa: chợt nhớ về, chợt hiểu, chợt buồn và… chợt tôi (“Pleiku chợt tôi vừa ngơ ngác”). Motip “chợt” diễn tả sự “đoản mạch” của thời gian, nó có thể gây khó chịu cho những ai quen với tính liền mạch, không ngắt quãng trong thơ, ở đó mọi hình tượng, cảm xúc đều rõ ràng, chuyển động theo thời gian tuyến tính cụ thể, chặt chẽ, truyền thống. Trong Chợt chủ yếu là thời gian bên trong, thời gian của kí ức, ẩn ức, khó nắm bắt. Dường như chủ thể trữ tình cố xâu chuỗi những kỉ niệm để suy ngẫm về cuộc đời đã qua. Nhưng, như chiếc vòng hạt bị đứt, những hạt kí ức rơi vãi tung tóe và mỗi lần nhặt được một hạt là mỗi lần kỉ niệm xưa trong khoảnh khắc dội về. Sự “nhặt được” này chính là sự lựa chọn của con tim bởi những trải nghiệm nhắc đi nhắc lại nhiều lần đã trở thành vô thức. Đọc những “đề từ” chia các nhóm thơ theo thời gian:  TƯỞNG, MÙA, THỜI, KHẮC… trong tập thơ, không khó để có thể cảm nhận được điều này.

Trong những khoảnh khắc nào đó nó, cái tình yêu ấy, được đánh thức bởi “nghe một tiếng người nhẹ hơn tiếng chiêng”, bởi “dáng ngồi chợt nghiêng” của ai đó, bởi một câu hát tìm trong kẽ đá, một vết chân nhặt từ cát vụn, một “chiếc nơ hồng treo giữa lặng im”… Không hình hài, không khuôn mặt, bởi “Gương mặt em thương nhớ lấy đi rồi”, chỉ còn âm điệu một bài hát quen, hương thơm của hoa xoan, hoa sữa gợi nhớ về, chi còn ảo ảnh “chật đêm/chật những giấc mơ/ chật khoảng cách những lờ mờ bện nhau…”,  tức chỉ còn lại cái tình mà vì nó “bàn tay ngửa, xin nhau đừng xưa cũ/để mỏi mòn câu hát vợi tên nhau…”. Thiên nhiên “dẫu phải vượt lên từ những khối bê tông/lách ra từ vỉa hè lát đá/thì vẫn còn những tán lá xanh cho ta trú ngụ/vẫn những cành cây cho chim hót mỗi ngày”. Tình yêu “cũng là một bóng xanh như thế” vẫn lách ra khỏi những khối bê tông thời gian, sống cùng ta trong tâm tưởng, để “có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi” (thơ Nguyễn Trọng Tạo).

Trong thế giới tình cảm của thi nhân, tình yêu quê hương luôn bao trùm lên tất cả. Và Nguyễn Trọng tạo đã rất tinh khi nhận xét rằng, thật may mắn cho Văn Công Hùng, một nhà thơ, có cả hai quê – Huế và Tây Nguyên, quê mới để thương, quê cũ để nhớ. Là nói một cách khái quát nghệ thuật thế thôi, chứ cái sự thương và nhớ nó không rạch ròi, gọn ghẽ vậy. Ở Thế Chí Tây tôi và bóng nhập nhòe – một trong những bài thơ hay nhất của tập Chợt, âm vực, sắc thái của tình cảm nhớ thương thật rộng, thật sâu, hòa lẫn trong nhau. Ở bốn khổ đầu, người con – nhân vật trữ tình kể về nơi chôn rau cắt rốn của mình, “nơi ba mẹ tan hòa vào cát trắng”, nơi “mỗi lần về quê luôn như thể lần đầu”, nơi giờ đây “em xa lạ em như là cổ tích”, chỉ còn “một mình tôi một bóng một chiều”. Những điệp từ “em” và “một” láy đi láy lại tạo cảm giác đơn côi đến nao lòng. Và có cái gì đó như là tủi thân, như là có lỗi với quê hương – mối tình đầu: “Thế Chí Tây tôi như người ở trọ/lang bạt tứ bề quê chỉ thoáng qua”. Vẫn biết quê hương, lòng mẹ luôn rộng mở bao dung, luôn chào đón – “tôi vong bản nhưng quê không ruồng bỏ/ mỗi khi về xương rồng nở hoa”, nhưng cái âm điệu buồn bã từ bức tranh “Thế Chí Tây một chiều tôi ngồi khóc/trước ba mẹ mình và trước chính tôi”… vẫn làm day dứt con tim những ai đọc bài thơ này.

Khác với truyền thuyết những người con trai theo cha xuống biển, người trai hiện đại một mình bỏ biển lên rừng. Khác với truyền thuyết, những người con trai bỏ rừng – quê gốc của mình, người trai hiện đại sống hai quê. Có hai quê, người trai hiện đại – thi nhân, thật giầu có. Và sự giàu có trong sáng tác của anh chúng tôi đã cố gắng thể hiện trong bài viết nhỏ này.

Hà Nội ngày 24/4/2022

 

Đ.T.Ả

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm