TIN TỨC

Có người | Bích Ngân

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-12 19:21:09
mail facebook google pos stwis
788 lượt xem

BÍCH NGÂN

Không như con người, cỏ cây mỗi ngày mỗi tươi mới. Ý nghĩ này quanh quẩn trong tâm trí ông Tâm ngay cả những ngày ông cũng như mọi người phải cách ly tại nhà trong đợt dịch bùng phát kéo dài.

Ở nhà, ông vẫn thấy từng con đường, những con đường uốn cong mềm mại nép mình dưới tán cây xanh. Ở nhà, ông Tâm vẫn có thể đếm được từng gốc cây đầu tiên được trồng khi dẫn được nguồn nước ngọt từ cái hồ nhân tạo khổng lồ giữa lưng chừng vùng đồi nằm giữa núi và biển. Ở nhà, ông vẫn nghe được tiếng bìm bịp kêu mỗi sớm mỗi chiều từ rặng cây rậm rạp gần khu biệt thự đỏ au mái ngói giữa ngút ngàn xanh. Ở nhà, ông vẫn thấy đàn cò trắng hàng trăm con khi bay, khi đậu, khi lúi húi tìm mồi, khi thong dong dạo bước trên thảm cỏ xanh. Ở nhà, ông vẫn có thể thấy vô số những chồi non vươn về nắng sớm… Dù chỉ là một người làm công được trả lương, ông Tâm luôn cảm thấy thơ thới khi ngắm nhìn sức sống bừng dậy một cách diệu kỳ từ một vùng đất chết. Khu du lịch sinh thái trở thành nơi cưu mang cuộc sống nhiều người, nhiều gia đình, trong đó có hai cha con ông.


Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông Tâm vẫn nhớ như in, ngày tìm được nước cho ngọn đồi khô cằn, ông chủ của khu nghỉ dưỡng sinh thái tương lai đã không kìm được nước mắt. Ông ấy đã phải gỡ cặp kính ra khỏi mắt. Nắng như lửa. Đôi tròng kính lóa nắng. Những giọt nước mắt lăn trên má ông ấy lóng lánh như những giọt ngọc dưới ánh mặt trời. Những giọt nước mắt đàn ông, thật khó quên. Chính ông, cũng có lần đã khóc, khóc trong hạnh phúc. Nước mắt cũng ràn rụa như ông chủ khu nghỉ dưỡng khi tìm được nguồn nước ngọt cho vùng đất khô cằn.

Lần đó, ông Tâm vẫn còn nhớ như in dù đã 21 năm.

21 năm, chừng ấy thời gian, ông Tâm không thể nhớ hết những chuỗi ngày trầy trật trèo lên tuột xuống con dốc chông gai đời mình. Nhưng lần đó, những giọt nước mắt như vắt từ buồng tim, nóng hổi. Lần đó, đến chết ông cũng không thể quên. Ông nôn nao lóng ngóng cách vợ một tấm vách ngăn bằng lá dừa nước được ông bện từng nuột lạt. Khi nghe tiếng khóc chào đời của nó tim ông như ngừng đập. Rồi lúc bà mụ vườn đặt sinh linh còn đỏ hỏn vào tay ông bố trẻ, Tâm luống cuống. Sau phút giây ngượng ngập, đôi tay run run, Tâm đưa nó ra trước ngực. Đôi mắt nó nhắm nghiền. Hình như nó vẫn còn ngủ, giấc ngủ kéo dài từ lúc nằm co trong tử cung mẹ cho đến khi được cha bế trên tay. Nhìn đôi môi chúm chím hé mở, Tâm như nghe được tiếng nó: "Con nè, ba!". Nước mắt Tâm chảy thành giọt nhỏ xuống ngực con. Tâm ấp con vào ngực, thầm thì: "Ba mẹ sẽ làm tất cả vì con!".

Phải nhiều năm sau, Tâm mới ngộ được, giữa ước muốn và thực hiện được ước muốn đó cũng gian nan chẳng khác việc chủ nhân khu nghỉ dưỡng sinh thái đã nhọc nhằn huy động nguồn lực dò tìm nguồn nước tưới tiêu cho khu đồi từng không còn dấu hiệu của sự sống. Phải đủ tài, đủ lực, đủ tâm và có một nghị lực phi thường mới có thể biến vùng đất chết trở thành một thiên đường xanh trên mặt đất. Còn ông, ngày làm ông bố trẻ cho tới tóc đổi màu sương muối, vẫn chỉ là một kẻ mải miết làm thuê và là một gã đàn ông mang mặc cảm tủi hổ, nhiều lúc không dám ngước mặt lên cao xanh. Bởi, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp cũng chính ông đã đẩy mẹ của con gái mình vào cảnh éo le.

Điện thoại rung. Ông Tâm móc điện thoại ra khỏi túi quần, áp vào tai. Tiếng con gái: "Có cách nào ngăn không cho tụi trùn đất bò vào phòng tắm không, ba?". "Ờ… ờ…để ba nghĩ… chắc… chắc khi có người ở…". "Ba nói to lên một chút giùm con, con nghe không rõ!". Khu nghỉ dưỡng sinh thái này, chỉ có muông thú mới được làm chủ âm lượng theo trạng thái cảm xúc. Họa mi, sơn ca, chích chòe, cò, diệc, bìm bịp, gà rừng… mặc sức khoe tiếng hót, tiếng kêu, tiếng gáy của mình. Con người hít thở dưới những tán cây xanh ở đây lúc nào cũng thu nhỏ mình lại và âm lượng phát ra từ buồng phổi, từ thanh quản luôn được tiết chế ở mức thấp nhất. Đi nhẹ, nói khẽ đã thành thói quen. "Ờ… ờ… để ba nghĩ coi có cách nào không". "Ba nói sao? Con nghe không rõ…".

Nó tắt điện thoại. Chắc nó bận bịu với lũ trùn đất đang loi nhoi dưới sàn gạch. Ông biết, khó mà ngăn sự xâm nhập cũng như sự sinh sôi của chúng. Mặt đất ẩm ướt. Cây cỏ um tùm. Vắng bóng người. Hơn bốn tháng liền, hàng trăm ngôi nhà của khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao đều đóng cửa. Ngay cả lúc khách tấp nập, lũ trùn đất vẫn len lỏi khắp nơi. Không ít lần chúng không chịu quanh quẩn trên nền gạch phòng tắm. Có lần chúng còn bò vào phòng khách, ngọ nguậy trên tấm thảm xứ Ba Tư và được camera của khách ghi lại. Tấm ảnh con trùn đất đen đen bằng nửa cây đũa cựa quậy trên tấm thảm có màu sắc ấm sáng đã buộc khu nghỉ dưỡng phải biếu không 80% chi phí cho đôi vợ chồng một thương gia tránh mùa đông khắc nghiệt bên Nga. Ông Tâm muốn gọi lại cho con gái. Bảo nó mở hết các cửa sổ, đón nắng.

Nắng tràn khắp khu rừng. Nắng làm bờ cây hồng lộc như thắp lửa. Vô số ngọn lửa hồng rực rỡ làm bừng sáng không gian biếc xanh, tĩnh lặng. Ông vừa móc điện thoại ra thì nghe tiếng động. Rất khẽ. Loạt xoạt. Ông Tâm quay về phía tiếng động. Loạt xoạt. Tiếng động nghe như tiếng rơi của trái mận non rụng xuống đám lá khô. Loạt xoạt, loạt xoạt. Nhác thấy những lốm đốm trắng trên bộ da màu vàng nâu, ông Tâm sững lại. Nhịp tim đập dồn. Con hươu sao thoắt cái đã lẫn vào bờ cỏ dẫn về phía triền đồi xanh. Ông nhận ra đó là con hươu cái trong một gia đình hươu có chồng, vợ và con nhỏ.

Ông Tâm nhớ, khi di chuyển cả bầy thú nuôi đến nơi nào đó ngay khi đại dịch bùng phát, ông chủ khu du lịch sinh thái như trở thành một người khác. Dáng vẻ, bước đi, gương mặt nghiêm nghị của ông chủ khiến ông Tâm e ngại. Mấy lần, ông định hỏi ông chủ, là số phận của đám thú được thuần dưỡng sẽ ra sao? Chúng có tiếp tục được nuôi hay làm mồi trên bàn nhậu? Nhưng rồi, ông Tâm không dám mở miệng. Trước khi ông chủ hướng dẫn ông và một người làm vườn, lùa đám thú ra khỏi chuồng nuôi, ông ấy lấy tay chỉnh chiếc khẩu trang màu xanh da trời cho ngay ngắn trên mũi miệng, rồi bất ngờ bước tới chuồng nuôi gia đình hươu, mở cửa. Thoạt tiên, gia đình hươu giật mình, vươn cao cổ, cất lên mấy tiếng kêu rồi vội nép vào một góc. Cho đến khi bầy thú được đưa lên chiếc xe tải phủ tấm bạc màu lá, ông chủ cũng không hé nửa lời. Sau khi chiếc xe tải nổ máy rời đi trong âm thanh hỗn loạn của bầy thú, con hươu đực sau vài giây ngơ ngác nghểnh cổ vươn cao đôi sừng, rồi thong dong bước ra khỏi cổng chuồng, men theo con đường rợp bóng cây và bất ngờ chạy nhanh về phía mảng rừng rậm trải dài trước mặt. Con hươu cái dẫn con chạy theo chồng. Con hươu con với những đốm trắng bắt nắng trên thân cùng những cái chân mảnh khảnh luýnh quýnh chạy theo bố mẹ.

Hình ảnh gia đình hươu luôn khiến ông Tâm liên tưởng đến cái gia đình đã tan đàn xẻ nghé của mình.

Khi con gái vừa tròn tuổi thôi nôi, vợ Tâm theo một người quen vào Sài Gòn làm người giúp việc cho một gia đình có cơ ngơi bề thế. Ngày đó, vợ Tâm rứt ruột ra đi vì chồng con. Hai vợ chồng nghĩ chỉ sẽ xa nhau một thời gian cho đến khi Tâm tìm được một việc làm ổn định. Nhưng rồi, việc làm của Tâm cứ bấp bênh. Còn việc làm của vợ thì càng ổn định, mỗi tháng Tâm đều nhận được tiền kha khá từ công việc làm thuê của vợ. Con gái cũng được chăm sóc đầy đủ, chỉ trừ việc thiếu mẹ bên cạnh. Bù lại sự thiếu vắng của mình, vợ Tâm gọi cho chồng con mỗi ngày, dù một phút hay nhiều phút. Nhưng rồi, những cuộc gọi cứ thưa dần. Linh cảm bất an. Vợ trấn an: "Em bận, em đang cố làm để kiếm được thêm nhiều tiền". Tiền hằng tháng cha con Tâm nhận được cũng nhiều hơn. Rồi những cuộc gọi líu lo trò chuyện không còn nữa. Thay vào đó chỉ còn là thông tin vắn tắt, hỏi nhiều hơn lắng nghe: "Anh với con có khỏe không?", "Anh xây cái toa-lét xong chưa?", "Con thích mấy bộ đồ mới không?"… Những thông tin gấp gáp khô khan cũng dần cạn kiệt. Tra hỏi, rồi hạch hỏi, chỉ làm những cuộc gọi nhanh chóng bị cắt ngang. Lòng như lửa đốt. Tâm nhắn tin, cho biết hai cha con đã mua vé tàu. Ít phút sau, Tâm nhận được hồi âm: "Anh có vào đây cũng vô ích. Em đã không còn là của riêng anh…". Tâm xé vé tàu. Tim anh cũng xé ra làm trăm mảnh. Lúc đó Tâm muốn đập phá, muốn đốt nhà, muốn ôm con nhảy vào lửa. Nhưng rồi, Tâm bừng tỉnh khi thấy con gái từ ngoài sân lúp xúp chạy vào, kéo tay cha, chỉ ra góc sân, đòi cha bẻ trái mít vô ăn. Gốc mít ken đầy trái. Có mấy trái cỡ con heo con mập mạp sà bụng trên mặt đất.

 

Tâm không nỡ để con gái bé bỏng phải hứng chịu giông bão nơi cha. Anh cắn răng chôn chặt nỗi đau. Anh van xin vợ hãy quay trở về mái nhà có khóm hoa vàng và cây mít sây trái trước sân, về với thương nhớ không nguôi. Hơn nữa, anh cũng đã có việc làm ổn định ở khu nghỉ dưỡng sinh thái này. Tâm có thể xin một việc làm tại đây cho vợ. Vợ chồng có thể sinh thêm con, cho con bé có chị có em.

Tâm không thể quên được cái cú đánh hiểm hóc từ người đàn bà từng đầu ấp tay gối: "Em không thể quay về với anh và con, em xin lỗi…". "Em không phải nghĩ ngợi gì nữa. Anh mới là người có lỗi. Làm thằng đàn ông mà anh đã không bảo bọc được gia đình. Làm chồng mà anh đã đẩy vợ mình đi làm…". Tâm kịp giữ lại cái từ, cái từ… không chỉ ám ảnh mà còn gợi lên hình ảnh. Những hình ảnh khiến máu anh sôi sùng sục trong huyết quản. Mà suy cho cùng, giá như khu nghỉ dưỡng sinh thái này có sớm hơn năm ba năm, giá như Tâm có việc làm và có được đồng lương đủ nuôi vợ con thì người đàn bà có thân hình quyến rũ đó, mãi mãi thuộc về Tâm. "Muộn rồi, anh!". Tâm cố nài: "Mình sẽ làm lại từ đầu…". Chợt trong tiếng nức nở, Tâm nghe rõ câu nói: "Em… em không thể rời bỏ nơi đây. Vợ ông chủ đã bỏ đi. Em… em phải chăm sóc cho ông ấy". "Nhưng… còn anh và con?". "Em biết anh có thể chăm sóc con rồi hai cha con sẽ chăm sóc nhau".

Không để ký ức tiếp tục giày vò, ông Tâm gọi lại cho con gái. Sau nhiều hồi chuông, nó mới bắt máy: "Có người! Con đang bận…".

Có người, tức có khách, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hồi sinh sau gần 5 tháng đóng cửa. Có người, sự sống muôn loài, từ cây cỏ, chim muông, thú rừng, thú nuôi, kể cả những người làm công ăn lương như cha con ông, cũng sẽ khác hơn.

Sự khác hơn, là tín hiệu mà mọi người phập phồng chờ mong. Khu du lịch sinh thái sẽ xáo động, đàn cò trắng rảo bước tìm mồi trên khu cỏ lấp xấp nước kia, sẽ giật mình

bay đi khi nhác nghe tiếng chân người; đàn thú, có thể có cả gia đình con hươu lúc nãy, cũng sẽ trở lại chuồng trại… Công việc của ông, của con gái và nhiều người sẽ không còn nhàn nhã nữa, sẽ tất bật ngày hai buổi nhưng ông thấy vui.

Ông Tâm muốn gọi cho một ai đó, sau khi gọi cho con gái. Ông bấm máy. Tim ông gồng lên trong lồng ngực khi nghe tiếng nói quá đỗi quen thuộc: "Nghe tiếng anh, em mừng quá!". Ông không trả lời. Mẹ của con gái ông nói tiếp, nói một mạch, nói như không kịp thở, nói trong tâm trạng sợ người chồng cũ vẫn oán hận và không để cho bà được nói.

Lạ là ông Tâm vẫn để cho bà ấy nói và lắng nghe bà ấy nói. Bà ấy bảo là suốt thời gian sống trong tâm dịch ở Sài Gòn, không ngày nào là không nghĩ đến cha con ông. Người đàn bà bỏ quê, bỏ chồng, bỏ con ấy còn nói là đã viết di nguyện khi biết mình bị F0 và chuẩn bị nhập viện điều trị. Nếu không chữa trị khỏi, bà muốn hũ tro cốt được mang về nhà, ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất nhỏ mà bà với ông từng có những tháng ngày chồng vợ và cũng là nơi bà sinh đứa con gái đầu lòng… Bà ấy còn nói, nếu vẫn oán ghét và khinh miệt cả phần tro cốt người vợ tội lỗi thì bà cầu xin ông một đặc ân là chôn phần di cốt bà bên gốc cây mít mà đôi vợ chồng trẻ đã trồng trước sân, cạnh khóm hoa, thường vàng hực khi nắng lên.

Cảnh vật quanh ông vẫn như mọi ngày. Lối đi nép mình dưới tán cây vẫn nhiều lá đang rơi. Một chiếc lá vàng chạm vào vai ông trước khi đảo vài vòng và nằm im trên mặt đất. Ông Tâm thấy bất ngờ với chính mình. Cánh cửa lòng đóng chặt bao năm, bỗng với một sức mạnh vô hình nào đó làm cho nó hé mở. Chưa lúc nào ông nghe người đàn bà bội bạc nói nhiều như vậy. Giá như điện thoại không hết pin, có lẽ bà ấy bộc bạch hết ruột gan.

Ông Tâm cho cái điện thoại hết pin vào túi quần. Ông cảm nhận được trọng lượng 350 gram của chiếc điện thoại từ cái túi quần đang chạm vào đùi ông. Và ông cũng lờ mờ cảm nhận được cái khối sắt trĩu nặng đè lên ngực ông bấy lâu nay dường như vừa được nhấc lên hay xê dịch đâu đó.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Bạn cấp ba – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Phúc
Phòng đã tắt hết đèn, ánh sáng từ điện thoại chiếu vào mặt tôi, hắt sáng tạo thành cái bóng hình đầu người in trên tường. Đây! “Carl Jung” của tôi đây rồi, tôi cười như một thằng dở người giữa buổi tối tĩnh mịch, hiu hiu gió và tiếng ve hở chút lại réo lên.
Xem thêm
Những ngày nông nỗi - Truyện ngắn Thúy Dung
Con tàu to lớn cập bến Sầm Sơn, (nay là cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa), bước chân lên đất liền, Hiệp quá mệt mõi vì hành trình hơn một tuần lễ trên biển. Mặc dù chiếc tàu của Ba Lan rất to lớn nhưng lần đầu tiên ra biển quả là chới với, chưa hết hồi hộp. Cái cảnh tàu chồng chành, khi nó nghiêng bên phải, cả bạn con gái lăn qua, khi nghiêng bên trái, bọn con trai bị lăn lại thì say sóng là điều không tránh khỏi. Thậm chí, có vài em nhỏ sức yếu, không sống nổi khi lên được bờ.
Xem thêm
Đường vòng - Truyện ngắn
Nguồn: Để sống bình yên – tác giả Lê Thanh Huệ, Nhà xuất bản Phụ nữ
Xem thêm
Nơi Bão Đi Qua - VOV
Truyện Bích Ngân
Xem thêm
Miền gió - Truyện ngắn của Viên Kiều Nga
Từ trong góc khuất, một tên khủng bố nhắm bắn Ngạn vì cho rằng cô là “con mồi” đơn độc, yếu ớt nhất và không có khả năng phản kháng. Hắn giương họng súng hướng về phía cô và bắt đầu lên đạn. Dường như có một dự cảm không lành, Hoàng đột nhiên lao tới. Anh đứng chắn ở phía trước và ôm chầm lấy Ngạn. Bất chợt có tiếng súng nổ ở cự ly rất gần. Mọi thứ diễn ra chỉ trong vài tích tắc.
Xem thêm
Con trâu - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Con trâu đủng đỉnh bước. Bình minh Đồng Tháp Mười mát lạnh. Hương tràm, hương thảo mộc hòa với gió quyện hơi nước sông Vàm Cỏ Tây mát lạnh. Con Khỏe vơ vội mấy nhánh cỏ ven đường đẫm sương đêm.
Xem thêm
Lứa đôi - Truyện ngắn Lê Thanh Huệ
Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Xem thêm
“Bến nước” cơ quan | Truyện ngắn Lại Văn Long
Tôi đang đứng trước gương trong nhà tắm rộng rãi, ốp đá Italia cầu kỳ với la bô, bồn cầu, bồn tắm nhập từ Nhật Bản có bộ điều khiển điện tử và máy nghe nhạc cực chuẩn, để tự vấn.
Xem thêm
Đòi nợ - Truyện ngắn Kim Uyên
Phàm ngồi kiểm đi kiểm lại mấy lượt vẫn thấy thiếu tiền. Ngày hôm nay gã bán hết ba mươi ba con vịt nướng, mười bảy con vịt luộc, hai thúng bún, hai kí măng khô cùng nhiều đồ gia vị. Hết hàng là có lãi, vậy mà không một đồng lời, thậm chí còn hụt vốn.
Xem thêm
Chạy - Truyện ngắn Ngô Thị Thu An
“Chạy đi đâu đó một thời gian đi”. Anh bạn thân là bác sĩ khuyên tôi. “Em cần có thời gian để hồi phục nhiều thứ. Cuộc sống bào mòn em quá mức. Không ai có thể giúp em tốt hơn chính em”. Chạy đi đâu? Chạy như thế nào? Trong sự mệt mỏi và ngừng trệ của cả thể xác và tinh thần, những lời khuyên cứ trượt qua tôi, lùng nhùng như trong một mớ sương mù dày đặc vào một buổi sáng lập đông.
Xem thêm
Đêm của âm nhạc
Trích tiểu thuyết “My Antonia” của Willa CatherWilla Sibert Cather (1873 – 1947) là một nhà văn người Mĩ nổi tiếng rộng rãi với những tiểu thuyết viết về vùng biên giới cao nguyên rộng lớn ở miền trung Bắc Mĩ. Bà được coi là một trong những người chép sử biên niên tài năng nhất về cuộc sống của những người tiên phong khai hoang của thế kỉ 20. Tác phẩm hay nhất của bà là My Ántonia (1918). Nguồn: online-literature.com
Xem thêm
Lỗ thủng nhân cách
“Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”
Xem thêm
Nhạt - Truyện ngắn Phan Duy
Một xã hội ê chề hiện ra sờ sờ trước mặt như một thằng câm khát khao được nói dù biết chắc là không thể, biết bao cay tủi bổ vào cuộc đời này một cách vô cảm. Thật ra, bản thân nó cũng từng tự lọc mình ra khỏi cái nhiễu nhương sậm màu bi đát.
Xem thêm
Rừng chưa yên tĩnh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc
Phong cảnh rừng núi yên bình thoáng đãng như ăn sâu vào máu huyết người dân tộc rồi. Đi đâu, ở đâu, làm chức vụ gì, cuối cùng cũng quay về với núi rừng, sống với núi rừng, chết với núi rừng. Xa núi rừng một buổi cứ thấy nhớ!
Xem thêm
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chàng hoàng tử và cánh buồm nâu
Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Xem thêm
Con mèo đốm đen – Truyện ngắn Khuê Việt Trường
Chị gặp nó vào một buổi sáng, đêm hôm qua thành phố có cơn bão rớt, mưa suốt đêm, gió cứ gào qua phố làm chị không ngủ được.
Xem thêm
Hương Bánh Lọt Ngọt - Truyện ngắn Thúy Dung
Cho đến khi gần đất xa trời, ông Tám vẫn nhớ như in cái mùi của món bánh lọt ngọt. Màu xanh của lá dứa, màu nâu của đường mía, màu trắng của nước cốt dừa, khi ăn, nó ngọt thanh, hơi béo, trơn tuột vào đầu lưỡi, dai dai, nhai sơ sơ, nuốt một cái, ngon gì đâu. Đặc biệt là hoàn cảnh ông thưởng thức món ăn lúc đó, một kỷ niệm sâu dậm không bao giờ phai.
Xem thêm