TIN TỨC

TS Hoàng Thị Thu Thủy: Hành trình thơ của nữ thi sĩ yêu thơ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-09-15 07:48:17
mail facebook google pos stwis
921 lượt xem

TS HOÀNG THỊ THU THỦY

Chị tặng tôi 5 tập thơ, được đánh dấu thứ tự từ số 1 đến số 5, nhìn những tập thơ được trình bày trang nhã, đẹp, tôi cảm nhận hạnh phúc của chị cùng những “đứa con tinh thần” trên những chặng đường sáng tác cùng nàng thơ đỏng đảnh. Tôi biết chị qua trang Thi ca điểm hẹn (VOH), giọng miền Trung chân thật, nhẹ nhàng. Tôi gặp chị trên đất Huế (2019) trong ngày hè nóng bỏng (trên 38 độ C). Nhận thơ chị, tôi như người có lỗi nếu như chưa đọc và cảm nhận về nó.

Tôi xem bài thơ “Yêu thơ” của chị trong tập thơ “Dòng sông và nỗi nhớ” như là tuyên ngôn thơ của nữ thi sĩ Nguyễn Thị Phương Nam: “Tiếng đài khuya vọng ngân nga/ Thơ ơi vang mãi thiết tha mặn nồng/ Từng câu từng ý vào lòng/ Yêu thơ ta nguyện thủy chung trọn đời”; “Thơ, làm nhịp cầu nối hai tâm hồn/ Thơ, giúp em vượt qua ngàn cay đắng” (Để em thức cùng thơ – Gửi vào khoảng lặng). Thơ là cứu cánh cho nữ thi sĩ – nhà giáo, nữ thi sĩ – quân nhân trong những năm tháng vừa làm tròn nhiệm vụ của một công dân vừa làm tròn bổn phận của một người vợ thủy chung, một người mẹ đảm đang và cả khi lên chức bà hiền hậu, thân thương. Thủy chung cùng thơ, yêu thơ và sáng tác, cho đến nay chị đã lần lượt xuất bản các tập thơ: Dòng sông và nỗi nhớ (2006), Hương thiên lý (2013), Vọng mãi lời ru (Sưu tầm, 2014), Nơi đó có tình yêu (2016), Gửi vào khoảng lặng (2018). Chị từng là nhà giáo (1969 - 1981), rồi chuyển sang công tác tại Tổng công ty 28 thuộc Bộ quốc phòng và mang quân hàm Trung tá QNCN, chị là Hội viên Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Tôi khá ngạc nhiên trước dòng chảy thơ ca trong chị không đứt đoạn trong những năm tháng chiến tranh, những năm tháng đất nước trải qua thời kì kinh tế khó khăn, từ làm mẹ, chị đã làm bà và vẫn miệt mài viết. Đọc những trang thơ của chị như những trang đời “mãi mãi xanh tươi”. Nơi đó có kí ức mối tình đầu trong xa cách, nhớ thương: “Hẹn ngày về đón anh, em viết tiếp/ Những dòng thơ thêu dệt mối tình ta/ Cho tình đầu nồng cháy chẳng phôi pha” (Gửi anh – Dòng sông và nỗi nhớ). Tôi trân quý tình cảm chân thành, thương nhớ trong thơ chị trong những tháng năm xa người yêu, rồi xa chồng, thơ chị lúc này như là lời động viên, lời nhắn nhủ, lời an ủi cho những đôi lứa yêu nhau lúc xa ngái hãy giữ gìn sự thủy chung và niềm tin mãnh liệt: “Những cánh thư ơi hãy vượt núi băng ngàn/ Về với em giữa lòng đất mẹ/ Dù xa nhau nơi chân trời góc bể/ Hãy một lòng chung thủy sắt son/ Hãy yêu nhau dù núi lở non mòn” (Thời gian và xa cách - Dòng sông và nỗi nhớ). Những ai đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh, từng cảm nhận sự xa cách chia ly sẽ thấm thía cảm xúc yêu thương nồng cháy trong thơ chị, lúc này thơ ca không thể “mơ hồ và đa nghĩa” để người đọc phải đoán non đoán già, mà từng sợi tơ trời khi rót vào cảm hứng sáng tạo của thi nhân thì cảm xúc tuôn trào là chân thật, khắc khoải, dặn dò, thương mến…

Cảm thức thơ trong chị bắt đầu từ cái nhìn thương mến cùng những người thân, người thương gần gũi với chị, rồi tứ thơ lan tỏa tình mến thương đến với mọi người.

 “Làn gió nhẹ lùa qua khung cửa sổ/ Nghe hương xuân ngan ngát cả gian phòng/ Những chậu hoa ngoài hành lang nở rộ/ Cành lá lắt lay xao động tâm hồn… Muốn gửi vào thơ những dòng tâm huyết/ Sao xuân sang lòng vẫn thấy u buồn…/ Chị có biết ngoài kia xuân vẫy gọi/ Hương xuân về tìm kiếm bóng người thân/ Giữa nẻo đường quen thuộc, xa gần/ Giờ thiếu vắng đôi bàn chân của chị…” (Hương xuân – Nơi đó có tình yêu). Nhạc sỹ Quốc Khanh thật hữu ý khi phổ nhạc bài thơ thành ca khúc “Hương xuân của chị”, bởi khi đọc bài thơ ta cảm nhận một tâm hồn đa cảm, thương mến, trắc ẩn; giữa niềm vui khi Tết đến xuân về, thi nhân thương nhớ và xót xa khi “thiếu vắng đôi bàn chân của chị”; giai điệu của ca khúc luyến thương, dìu dặt, thật vấn vương. Hình ảnh người chị trong bài thơ “Nhớ lời chị ru” là sự biết ơn của thi nhân: “Ngồi nhớ lại những lời ru chị hát/ Đưa các em vào giấc ngủ năm nào/ Em không sao ngăn được dòng nước mắt/ Hình ảnh chị hiền, ôi! Thương nhớ làm sao”.

Tội gặp chị chỉ vài tiếng đồng hồ, mà nhận ra nữ thi sĩ mang quân hàm Trung tá quân đội thật tận tình, chân thành và thương mến; nên khi tôi đọc những vần thơ của chị tôi nhận ra cảm xúc thơ được viết ra từ tấm lòng thương cảm của chị: “Ai cho con manh áo sợi bạc màu/ Con mặc nó cả mùa đông, mùa hạ/ Nhớ một chiều/ Nơi làng quê yên ả/ Con rùng mình/ Thấm thía một nỗi đau/ Cởi áo ra/ Con lại mặc vào/ Lại khoác lên mình/ Những tủi sầu cay đắng/ Đó là nỗi ám ảnh – tuổi thơ/ Suốt đời không quên được/ Ôi! Một chiều yên ả chốn làng quê” (Manh áo sợi bạc màu – Hương thiên lý). Một sự sẻ chia, đùm bọc “lá lành đùm lá rách” trong cảm xúc thi nhân thật xúc động; manh áo sợi bạc màu là sự cùng cực của nghèo đói, nhận manh áo nhận luôn sự tủi sầu cay đắng, mà lòng biết ơn thì “suốt đời không quên được”.

Những kỉ niệm thời chiến tranh dưới mái trường Sư phạm đi vào thơ chị như những câu chuyện kể, lời kể thân thương cùng thầy cô, bè bạn, đọc thơ chị như đọc cả một vùng kí ức, mà nơi đó chị cùng những người bạn “cùng một lứa bên trời lận đận”: “Lời tri ân”, “Kỉ niệm còn đây”… (Hương thiên lý). Tình cảm quê hương, gia đình đậm đặc trong thơ chị: “Có lúc cồn cào nỗi nhớ quê hương/ Nơi ngày xưa chôn rau cắt rốn/ Nhớ tuổi thiếu niên mỗi chiều mỗi sớm/ Men theo con mương nhỏ đến trường” (Nỗi nhớ - Hương thiên lý). Ký ức về mẹ, về gia đình là ký ức của thời đạn bom, nghèo khổ: “Trải qua bao năm tháng/ Mẹ tần tảo nuôi con/ Đôi vai mẹ gầy mòn/ Đôi bàn tay rám nắng… Tuổi thơ con chưa biết/ An ủi mẹ một lời…” (Ký ức về mẹ - Hương thiên lý). Đề tài về mẹ, về chị, về em trở đi trở lại trong thơ chị; khi thì nhớ về nhân ngày giỗ, khi thì nhớ về nhân ngày xuân, khi thì nhớ về nhân ngày vui, nghĩa là tình cảm gia đình thường trực trong chị khi chị rời quê hương, gia đình, công tác và lập nghiệp ở nơi mà “Người Sài Gòn thanh hậu”.

Người đọc cảm mến thơ chị bởi cái giọng thơ đằm thắm, dịu dàng, nữ tính, tình yêu và sự thủy chung là điểm tựa cho chị vượt lên tất cả; tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe chị đọc bài thơ anh viết tặng chị từ thời còn học sinh: “…Nói đi em cho dịu nhẹ lòng mình/ Cho hoa thắm vẫy chào trong gió lộng/ Để cho má em mỗi ngày thêm chín mọng/ Cho mắt huyền lấp lánh như sao/ Cho tình ta đẹp tựa cánh hoa đào…”. Có lẽ những câu thơ với phép tu từ so sánh liên tiếp đã rung động lòng chị, đã khiến tâm hồn chị bay bổng, để rồi cả hai đã theo nhau đến tận chân trời góc bể, và cùng với tháng năm, chị nhắc lại kỉ niệm xưa như vẫn rung động của mối tình đầu: “Em đọc đến thuộc lòng/ Bài thơ đầu anh viết/ Tờ giấy lằn nhiều nếp/ Màu thời gian khô cong/ Nhưng nét chữ vẫn còn/ In vào trong ký ức?/ Bài thơ đầu anh viết/ Có gì như men say/ Lời trong sáng thơ ngây/ Tựa hoa hồng hé nở/ Mà gói tròn thương nhớ/ Theo anh tháng năm dài” (Bài thơ đầu anh viết - Nơi đó có tình yêu). Yêu anh bắt đầu từ những rung động với bài thơ anh tặng. Thêm một lần lý giải vì sao nữ thi sĩ yêu thơ ca đến vậy.

Với hành trình thơ của chị ta nhận ra, khoảng thời gian chiến tranh, xa cách, thơ chị  nhớ nhung, chờ đợi; càng về sau giọng thơ lắng đọng cái nhìn từng trải, lắng đọng tình cảm mến thương cùng người thân, bạn bè, khi càng ngày chị càng nhận ra cái bi kịch giữa thời gian vũ trụ đến rồi lại đi vần vũ và nghiệt ngã, và thời gian đời người thì hữu hạn: “Nhìn từng cơn gió thoảng/ Lao xao lá vàng rơi/ Ngắm từng đêm trăng sáng/ Hồn mơ về xa xôi” (Gửi vào khoảng lặng); nỗi nhớ trong thơ chị dày lên cùng năm tháng với những kỉ niệm thân thương cùng bạn bè, quê hương: “Đêm Sài Gòn/ Lòng mênh mang nỗi nhớ/ Nơi hẹn hò ngày đó/ Kỉ niệm xưa/ Sâu lắng tâm hồn” (Nhớ về nơi hò hẹn - Gửi vào khoảng lặng); những năm gần đây chị được đi về nhiều hơn với những kỉ niệm và giọng thơ chị có gì đó vừa hoài niệm, vừa lắng sâu: “Về thăm bến đợi năm xưa/ Con đò vắng bóng người xưa vắng hình/ Chiếc cầu mấy nhịp đứng im/ Bao người qua lại biết tìm anh đâu?/ Bước đi thơ thẩn trên cầu/ Đâu đây vọng lại những câu tâm tình” (Về thăm bến đợi - Gửi vào khoảng lặng); quê hương vẫn là nỗi nhớ đau đáu trong lòng chị: “dù đi khắp nẻo phương trời/ Bến sông xưa vẫn là nơi thâm tình/ Lời người còn đó đinh ninh/ đến đâu cũng có bóng hình đi theo/ Con đò chở nặng tình yêu/ Dòng sông là cả sớm chiều quê hương” (Dòng sông thương nhớ - Gửi vào khoảng lặng)…

Với thi nhân Nguyễn Thị Phương Nam, thơ chị như là quyển “nhật kí cuộc đời” với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, nơi đó chị gửi gắm tình yêu, nỗi ước mong, hy vọng và  những cảm xúc thương cảm trước tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình… Xem thơ là cứu cánh, là nơi gửi gắm chững cảm xúc vui buồn, nên khi sáng tác thơ có vần, có điệu thì cảm xúc tuôn trào, do vậy đọc các tập thơ của chị ta nhận ra thi nhân thường viết bằng nhiều thể loại thơ khác nhau, câu thơ dài ngắn khác nhau, dường như chị chuộng câu thơ 7 chữ, 8 chữ để diễn tả hết ý tứ trong lòng. Thi pháp thể loại vì thế không có nhiều đột biến. Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình, ít biến đổi, chứng tỏ nữ thi sĩ đã vượt qua những cảm xúc thông thường để gửi vào thơ những gì lắng đọng, yêu thương, đó là điều khiến cho thơ chị có thật nhiều thương mến.  

Huế ngày 12/8/2019.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm
Bùi Việt Mỹ - Nhà thơ của bức họa ngoại thành thủ đô
Tôi nhớ đầu năm 1991, Bùi Việt Mỹ về làm Chánh văn phòng Hội Văn Nghệ Hà Nội. Lúc ấy nhà thơ Vũ Quần Phương làm Chủ tịch Hội. Sau đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển sang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài trở về làm Chủ tịch Hội, cho đến năm 1996, khi nhà thơ Bằng Việt đang công tác ở Ủy ban Thành phố được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Văn nghệ Hà Nội có 9 hội chuyên ngành tới hiện giờ.
Xem thêm
Đi tìm đôi mắt theo suốt đời người
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TPHCM
Xem thêm
Nguyên Hùng với nghệ thuật lắp ghép, sắp đặt - hai trong một
Nguồn: Văn nghệ Công an số thứ Năm, ngày 17/10/2024
Xem thêm
Một cây bút nhạy bén, giàu tình
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật
Xem thêm
Nhà thơ Nguyên Hùng với “Ký họa thơ” và “Trăm khúc hát một chữ duyên”
Phát biểu chia sẻ tại buổi ra mắt 2 tập sách Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa thơ của Nguyên Hùng
Xem thêm
“Nắng dậy thì” Rọi lòng sâu thẳm
Nắng dậy thì là tập thơ thứ 4 trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ở tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh thể hiện nỗi buồn thẳm sâu của một tâm hồn nhạy cảm, tha thiết yêu thương và đầy niềm trắc ẩn, như nhà thơ tâm sự: “Cho đến tập thơ này, nỗi buồn vẫn là nguồn mạch thơ tôi” (Thay lời mở). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh biểu hiện nỗi buồn gắn với một vùng quê cụ thể, với tình thân, bạn bè, người yêu, với dòng sông, bến nước, con đò, chợ quê hay cánh đồng làng. Những kỷ niệm thân thương và đau thương cứ “cằn cựa” trong tâm hồn người thơ để có những vần thơ độc đáo, đồng vọng trong lòng người đọc.
Xem thêm