TIN TỨC
  • Truyện
  • Đèo hun hút gió | Y Nguyên

Đèo hun hút gió | Y Nguyên

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1088 lượt xem

CUỘC THI TRUYỆN NGẮN HAY 2022

Y NGUYÊN

1.
Đèo vắt ngoằn ngoèo non 2 cây số, hết dốc lên lại dốc xuống. Những con dốc ngắn nhưng mà tức ngược. Xe lên – nhất là xe tải, xe khách chở nặng – chỉ có thể gài số 1 mà bò. Lên đèo, anh lơ nào biết ý cũng ôm khúc cây canh nhao ra đứng lăm lăm gần cửa. Thấy xe ì ạch là lập tức phóng đụi xuống đất, chạy bộ lúp xúp theo sau. Làm vậy để phòng xa lỡ máy, phanh gặp sự cố, tài xế hét “canh!” là lập tức lao người lấy cây canh chèn bánh kịp thời, không cho xe tụt dốc!

Đèo có cái tên kì lạ: đèo Bình Thảo! Chẳng hiểu danh xưng mỹ miều kia từ đâu ra, chỉ biết nó không ăn nhập chi với cái địa hình hiểm trở nói trên. “Bình” đương nhiên là không (dốc lên dốc xuống chập chùng, bình làm sao?), còn “thảo” cũng không nốt. Hai bên đường cây thấp cây cao lừng lững, rợp bóng mát rượi vệ đường. Dưới gốc cây là đệm lá khô, bước rất êm chân; có điều đốt đuốc cũng không tìm đâu ra bóng cỏ! Đi xe máy ngang đèo, dừng chân nghỉ dưới bóng cây, đốt điếu thuốc ngửa người ngắm cảnh rừng núi hoang sơ rất thú. Nhưng đó là ban ngày. Ban đêm, trong bóng tối mịt mùng, con đường đèo xuyên sơn hóa âm u, thập phần nguy hiểm! Địa hình khúc khuỷu dễ gây tai nạn là một chuyện, nhưng còn cả mối nguy từ những kẻ bất lương. Đã có nhiều vụ chặn xe qua đèo xin đểu, thậm chí cướp giật. Công an nhận tin, tăng cường truy quét kiểm soát tuần tra đỡ được vài tháng, nhưng hễ vắng bóng công an đâu lại hoàn đấy. Cũng phải, nguyên đoạn đường đèo dài dặc toàn rừng núi hoang vu; xe qua đèo lại chạy chậm nên bị đón đầu không mấy khó khăn. “Ngon ăn” vậy đám thảo khấu không lợi dụng thời cơ kiếm chác mới lạ!

Một thời, Bình Thảo khét tiếng với cái hỗn danh “đèo Lương Sơn Bạc”. Cánh lái xe qua đèo ban đêm – hoặc cả lúc chạng vạng, bình minh – đều phải dừng xe chờ nhập đoàn đông đúc mới dám vượt đèo. Đi lẻ là bị đòi tiền “mãi lộ” ngay. Lái xe nào chống đối sẽ bị chúng đập xe, còn cho ăn nhừ đòn. Cảnh cáo để lần sau biết luật. Đừng nghĩ chuyện báo công an nghe, tụi tao… lấy mạng luôn đó! Lấy mạng chúng chưa dám, nhưng ăn đòn nặng hơn có rồi. Tiền cơm thuốc, tiền sửa chữa xe cộ hư hao thôi đem nộp trước chúng cho xong. Coi như mua lấy đường làm ăn. Thời buổi kinh tế cạnh tranh, dừng xe cả buổi mà chờ để hàng bị trễ chuyến có khi còn thiệt hại gấp mấy. Người này truyền miệng người kia riết rồi đội ngũ tài xế xuyên sơn đều theo nhau “làm luật”. Nhiều ít tùy theo tải trọng, giá trị hàng hóa lưu thông. Cái trạm thu thuế không biên lai ngang “đèo Lương Sơn Bạc” cứ âm thầm, ngang nhiên tồn tại ngay trước mũi nhà chức trách hết sức trêu ngươi. Kể cũng khó, quan thì xa “thảo khấu” thì gần, làm căng chúng thù hằn, quấy nhiễu suốt sống sao yên. Còn nhà chức trách không thấy dân kêu nữa cứ tưởng đã yên. Vùng sâu dân thưa thớt, địa hình hoang vu không dễ mà quản lí, huống chi con đường đèo dài dặc hai bên suốt từ đầu đến cuối chỉ có rừng núi, rẫy nương, tịnh không một bóng nhà…

Vậy nhưng, mọi sự đã đổi thay kể từ lúc lưng đèo mọc lên cái quán nước.

2.
Quán được đặt tên Quán Ông Sáu. Kêu vậy bởi chủ nhân của quán là ông Sáu Gầm, thương binh. Nhẹ thôi, nhưng vẫn là thương binh. Tuổi cao, chân hơi khập khiễng nhưng được cái vóc vạc rắn rỏi, to con nên trông ông Sáu còn đầy phong độ. Nghe bảo dân dưới xuôi. Chẳng hiểu buồn tình chuyện gì lại bỏ quê kiểng, cửa nhà lên đây dựng quán. Buồn gì đâu, ông Sáu cãi, là tui thích sống… tự do thiên nhiên, yêu núi rừng! Nghe vậy biết vậy, cũng không ai tọc mạch gì thêm. Quán dựng dưới gốc cây cầy (kơ nia) cao to lừng lững bên đường chủ yếu bán các loại nước: nước chè, nước suối, nước ngọt đóng chai…; thêm dăm bì bánh kẹo, thuốc lá, bật lửa và vân vân. Quán cũng bán cả mì tôm cho dân làm rẫy ngại dỡ cơm trưa có thứ mà ăn qua bữa đợi làm chiều…

Coi đơn sơ vậy mà bán đắt.

Đường đèo quanh co vất vả, lái xe nào lên tới đỉnh cũng muốn dừng xe vào quán thư giãn, làm li nước mát, chuyện dăm câu ba sợi cùng chủ quán trước khi tiếp tục lộ trình. Ấy là khách vãng lai. Còn “bạn hàng” thường xuyên với ông Sáu là dân làm rẫy hai bên đường đèo: vào quán nghỉ trưa, ăn uống trước buổi làm chiều. Ông Sáu mua trăm mét ống nhựa, hì hục đặt, kéo từ con suối nhỏ trên núi xuống sau lưng quán thành cái vòi nước tự nhiên hầu “chư thượng đế” có nhu cầu rửa mặt mũi chân tay. Nước suối trong vắt, mát lạnh khiến người đi đường, người làm rẫy giữa trưa hè nắng lửa nghĩ tới không ai không thèm. Vậy nhưng, cái quyến rũ khách nhất vẫn là… chủ nhân. Vui tính xởi lởi, hàng bán giá cả phải chăng, sẵn sàng cho nợ với những khách hàng đã được “kiểm tra tư cách”. Và còn những câu chuyện của thời quân ngũ. Ông Sáu có biệt tài kể chuyện: ngay những khách hàng xuất thân mười mươi lính tráng nghe ông kể chuyện lính vẫn cứ mê như thường!

Ấy là nói ban ngày; chứ ban đêm, khi ai về nhà nấy, khi những chuyến xe qua đèo thưa thớt dần rồi vắng bặt lúc về khuya sẽ chỉ còn mình ông Sáu trong cái quán nước cô đơn giữa lưng đèo hun hút gió…


Nhật nguyệt – tranh sơn mài – Nguyễn Hoài Hương (Trích trong Sáng tác mới 2020 của Hội Mỹ thuật TP.HCM).

3.
- Chú Sáu…

- Gì mậy?

- Tụi nó bắn tin hăm chú…

- Tụi nào? Mà hăm cái gì?

- Thì tụi… thằng Lâm “mãi lộ”… Mà thôi, cháu không tiện nói nhiều. Tụi nó kêu cái quán chú trấn trên lưng đèo cản trở chuyện làm ăn. Kêu chú dỡ quán rời đi. Nếu không sẽ…

- “Sẽ” cái gì, mầy nói luôn đi. Gì ấp úng miết?

- Dạ, sẽ… sẽ… đốt!

Thằng Tí “chuột”, dân làm rẫy, khó khăn lắm mới bật ra từ cuối. Nó nhìn lom lom, hình dung ông Sáu chắc phải xúc động dữ lắm khi nhận được “hung tin” kia. Chẳng ngờ ông Sáu tỉnh bơ:

- Vậy hả? Hung dữ dằn bây! Thôi, nó có đốt thì mình… cất lại thôi. Tao già, đi đâu được nữa mà đi?

Tí “chuột” thấy bất an trong ruột. Nó cố gắng thuyết phục ông Sáu:

- Chú Sáu, chú phải cẩn thận. Tụi nó côn đồ lắm, nói là làm. Dân quanh đây ai cũng sợ…

Ông Sáu bật cười:

- Thôi được rồi, chú Sáu cám ơn con. Để chú coi rồi liệu…

Thằng Tí về rồi, ông Sáu vẫn một mình ngồi yên, nhăn trán nghĩ ngợi. Vẻ cười cợt biến mất, thay vào đó bằng những nét lo âu. Cộng cả nỗi buồn…

4.
Tôi quyết định rời bỏ phố thị, lánh xa những náo hoạt ồn ào, đoạt lợi tranh danh để tìm một chốn bình yên. Chốn ấy có rừng hoang sơ, có mây ngàn gió núi, có những người bạn mưu sinh bằng công việc rẫy rừng lam lũ nhưng chân chất hiền hòa. Chốn ấy tôi có thể sẻ chia – hào hứng sẻ chia – cùng những người bạn mới quen mảng màu kí ức một thời lửa binh. Gian khổ thật, nhưng cũng đầy nhạc, đầy thơ, đầy hùng khí lãng mạn dệt nên bởi một thời trai trẻ. Chúng tôi, những chàng lính tuổi 20 bước chân vào cuộc chiến. Ra trận, cầm súng bắn vào kẻ thù như một lẽ đương nhiên không có nhiều tính toán, nghĩ suy. Làm trai phụng sự Tổ quốc là lẽ đương nhiên. Binh sĩ phục tùng mệnh lệnh chỉ huy là lẽ đương nhiên. Còn sống thì còn niềm vinh quang phụng sự. Chết đi sẽ được phong liệt sĩ, được Tổ quốc và nhân dân đời đời tưởng nhớ, ghi ơn. Giản đơn vô cùng. Chiến tranh giúp giản đơn hóa đến toàn triệt mọi vấn đề rắc rối của đời sống. Sức mạnh quân đội nằm ở tính giản đơn trong suy nghĩ mỗi người lính. Tư tưởng không nhất quán, lập trường không kiên định với lính (chiến) đồng nghĩa cùng tự sát…

Tôi từng là một người lính như vậy. Lính đúng nghĩa. Tôi tự hào về điều đó.

Chiến tranh chấm dứt. Tôi, người lính may mắn còn sống sót (cho dù đầy mình thương tật) được xuất ngũ về với gia đình. Vinh quang, nhưng cũng có cái gì đó hơi hụt hẫng. Thú thật, tôi yêu gia đình nhưng tôi không muốn rời quân đội. Tay tôi quen cầm súng hơn cầm cày. Trời sinh tôi ra để làm lính. Chỉ trong môi trường lính tráng tôi mới có thể phát huy hết các tố chất ưu việt của mình. Vậy nhưng, hội đồng giám định y khoa đã khám, kết luận, tôi không đủ sức khỏe để phục vụ dài lâu trong quân ngũ. Thương tật ư? Cũng có, nhưng trước đây (cũng cái hội đồng ấy) không ai bới móc gì chuyện tôi thương tật. Dễ hiểu: trong chiến tranh người ta cần, rất cần lính, còn đây là thời bình…

Thì về. Đương nhiên tôi cũng được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi, chế độ khi xuất ngũ, kể cả trợ cấp thương tật như ai. Nhưng cởi áo lính về làng, tôi cứ như con cá bị hất văng lên cạn. Công bình, địa phương cũng ưu tiên, sắp xếp cho tôi vào làm việc trong bộ máy chính quyền xã. Chuyển sắp lượt qua các phòng ban, ngồi đâu cũng gây, cũng đụng. Cuộc sống dân sự với những mặt trái đầy ngoắt ngoéo của nó khiến tôi không tương thích nổi. Đã bảo: lính quen minh bạch rõ ràng, ngang ngay sổ thẳng. Bí bách tù túng dẫn tới stress, bỏ việc. Làng quê không đủ đất cấy cày, lại phải bươn lên phố kiếm ăn. Bao năm như kẻ ở đậu ăn nhờ. Khói bụi, xe cộ, nhà tầng và những náo nhiệt chốn phồn hoa chưa bao giờ có trong danh mục chọn lựa cho cuộc đời tôi. Cứ nhắm mắt tôi lại mơ về tuổi thanh xuân. Tôi thấy nhớ núi rừng, nhớ cái màu xanh bạt ngàn từng nuôi nấng, vỗ về những giấc mộng thanh xuân. Màu xanh áo lính…

5.
Tiếng la hét. Tiếng đấm đá. Tiếng chạy huỳnh huỵch trước xa sau gần, hướng về phía quán. Tiếp đó tiếng dộng cửa bồm bộp. Chú Sáu, chú Sáu…. Ông Sáu Gầm bật dậy. Sắp nửa đêm rồi, chuyện gì đây?

Quờ tay chụp cây rựa bén dựng sẵn cạnh giường, ông Sáu thận trọng tiến ra, mở cửa. Thằng Thanh, tài xế xe tải đường dài cùng chú lơ xe ập vào như cơn lốc. Chú Sáu cứu con. Tụi… tụi nó… Bình tĩnh nói nghe coi, tụi nó làm gì mày? Dạ, tụi nó… dạ, tiền “mãi lộ” tháng này con đóng rồi mà tụi nó còn đòi thêm, con không chịu nên… nên… Hiểu rồi. Vụ này ông Sáu có nghe nhưng bữa nay mới lần đầu chứng kiến. Được, tụi mày trốn vô trong đi, để tao…

Ông Sáu giấu rựa sau cửa, vặn nhỏ ngọn đèn trên khám xong tay không bước ra ngoài. Trăng 16 vằng vặc, soi rõ đám “anh Hai” lố nhố trước quán. Con mắt nghề nghiệp của ông Sáu liếc nhanh, ước lượng. Một, hai, ba… Năm thằng cả thảy. Mã tấu loáng ánh thép.

- Chuyện gì vậy mấy chú?

- Nè, ông già, đừng có giả bộ. Hai cái thằng vừa chạy vào nhà ông đâu, giao ra đây!

- Thằng nào, mấy chú nhầm chăng, làm gì có ai?

Thằng “đại ca” nhất đám hất mặt, cười nhạt:

- Ông tưởng qua mắt được tụi này sao? Nè, cái quán của ông lù lù lâu nay ngứa mắt tụi này lắm rồi, bảo xéo đi không xéo giờ còn muốn phá bĩnh! Ông có tin tụi này… đốt quán ông ngay bây giờ không?

Ông Sáu vẫn một mực mềm mỏng:

- Tội nghiệp tui mà mấy chú. Tui cũng là cùng đường lên đây kiếm miếng cơm…

Thằng “đại ca” sốt ruột hất mạnh tay:

- Không nói lôi thôi, tụi bay đâu, lục soát nhà lão…

Hai thằng cảnh giới bên ngoài, hai thằng còn lại vác “mã” theo đại ca xồng xộc vào quán. Ông Sáu cũng theo sau, bén gót.

Bên trong quán mờ tối. Ba anh “thảo khấu” còn đang nhướng mắt, cố nhận dạng địa hình đã nghe cửa quán sau lưng đóng sập. Thằng đi sau chưa kịp quay lại đã bị cánh tay lực lưỡng của ông Sáu kẹp cổ. Một cú vặn nghiêng khiến xương cổ kêu đánh “rắc”. Ngón đòn ruột của lính đặc công, ông Sáu chỉ dùng nửa phần sức – đủ để vô hiệu hóa đối phương mà không đến mức lấy mạng! Bất ngờ với cảnh tượng ấy, hai “chiến hữu” đờ người ra mất mấy giây, sau đó nhất tề xông vào cứu nguy. Hự, cú đá gót xoay người trúng mặt giúp ông Sáu loại thêm thằng đàn em thứ hai. Phần gã “đại ca” được ông quăng trọn tấm thân tên đàn em bị kẹp cổ – giờ đã rũ ra, mềm nhũn – vào người. “Đại ca” chửi thề, xô đống thịt mềm oặt sang bên, xoay người toan chạy. Chạy đâu? Cửa trước cửa sau đều đóng. Hắn luống cuống xô phải bàn thờ khiến ngọn đèn dầu đổ nghiêng, tắt ngấm. Giao tranh trong bóng tối đương nhiên ai thông thuộc địa hình người ấy thắng. Chỉ nghe thanh âm bàn ghế đổ, thanh âm bình bịch hừ hự, rồi tiếng “đại ca” nấc nghẹn:

- Tụi mày đâu, cứu tao…

Hai tên đồng bọn bên ngoài chắc đã nghe. Mở cửa, mở cửa… tiếng hét hò hăm dọa kèm theo tiếng dộng cửa rầm rầm, gấp gáp. Ông Sáu buông tên “đại ca” vừa bị đánh ngất, lạng lại gần cửa, bất thần giật chốt. Cửa bật mở. Thằng co chân đạp suýt chút nhào luôn vô trong, may gượng lại được. Giọng ông Sáu bình tĩnh, lạnh băng:

- Ba thằng trong này tao cho đi… chầu ông vải hết rồi. Tụi mày có muốn theo thì vào đây luôn, tao tiễn…

Hai ông “thảo khấu” khựng người như xe thắng gấp, nhìn nhau. Không ai bảo ai, 4 cái chân đồng loạt thụt lùi, thụt lùi, rồi nhất tề… quay lưng chạy! Liệu chừng chạy đã hơi xa chúng quay lại, buông một câu vớt vát: Ông đợi đấy, tụi này không cho qua đâu…. Chờ chúng khuất bóng ông Sáu mới quay người tập tễnh bước vào trong, mò mẫm châm lại ngọn đèn. Ánh sáng bùng lên soi rõ cảnh đổ bể ngổn ngang cùng một bên chân ông máu chảy loang từ vết chém bằng mã tấu. Nhăn nhó vì đau, ông ngồi thụp xuống, xé áo tự băng vết thương cho cầm máu. Xong đâu đó mới quay người gọi:

- Thằng Thanh đâu? Ra giúp tao trói mấy thằng ôn đây lại rồi đi báo công an. Mau lên, kẻo để lâu lỡ chúng nó chết thì phiền…

6.
Tòa xử tên Lâm “mãi lộ” cùng đám đàn em các tội danh: cướp đường có tổ chức, xâm nhập gia cư bất hợp pháp còn mang theo hung khí, cố ý gây thương tích và v.v… Nhân chứng vật chứng đầy đủ. Ông Sáu đã vận động được đám lái xe từng bị Lâm thu “mãi lộ” đồng ra tòa làm nhân chứng. Án chồng án. Kết cục cả đám chia nhau gần 30 năm tù ở, riêng “đại ca” Lâm lãnh phần 15 năm. Đám đàn em trốn thoát bị phát lệnh truy nã, chờ bắt được xử sau. Nghe bảo sau song sắt nhà tù, “đại ca” vẫn mạnh miệng hăm: chờ ra tù sẽ tìm ông Sáu “đòi nợ”! Ông Sáu Gầm nghe tin bật cười: Thằng lo xa dữ, nó ra được tù chắc gì… tao còn sống mà đòi?

Ai cũng nghĩ vậy. Nhưng mọi người đã lầm, kể cả ông Sáu.

*
Một buổi chiều tháng 5, gió Nam Cồ thổi qua đèo từng đợt khô rông rốc. Ông Sáu đóng cửa đi lấy hàng, về tới chân đã thấy lưng đèo khói cuộn tro bay mù mịt. Gì vậy? Ông Sáu lật bật vào số 2 chiếc xe máy cà tàng ép ga bươn nhanh lên dốc. Qua khúc cua ngoặt cuối cùng, trước mắt ông lù lù bày ra cảnh tượng không thể nào tin nổi: chỗ trước kia là cái quán bây giờ trống trơ, ngổn ngang một đống tro tàn. Đó đây vẫn còn những thanh rui dầm, cột kèo còn ngun ngún cháy. Đám bạn làm rẫy xung quanh – có cả thằng Tí “chuột” đang xúm đen xúm đỏ loay hoay, mặt mày ai cũng đen nhẻm vì chữa lửa. Ông Sáu đứng lặng.

Bất động hồi lâu, ông quay lại, gượng cười với những “người anh em” cũng đang lặng lẽ nhìn ông với vẻ cảm thông. Thôi, chúng đốt thì mình… chịu khó cất lại thôi. Biết sao bây giờ…

Đêm. Cột võng nằm giữa lưng đèo bên đống tro than từng là nhà vẫn còn âm ỉ cháy, ông Sáu căng đầu tính toán những chuyện ngày mai ngày mốt sẽ phải làm. Trước tiên nhờ người phụ dọn đống đổ nát, sau đó lên rừng đốn gỗ, cắt tranh… Lại bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Không sao, lính mà, nhọc nhằn chút rồi cũng qua thôi! Ông Sáu yên tâm nhắm mắt thiếp đi trong tiếng lá rừng xao xác, khi trên đầu từng đợt gió Nam khuya đang lũ lượt tràn về…

Nguốn: Tạp Chí Văn Nghệ TP.HCM số 19

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ – Truyện ngắn của Triệu Vẽ
Lâu lắm rồi đêm nay bà Sáu mới lại nghe một tiếng vạc sành đơn côi, trong cái hơi lạnh rờn rợn của mùa gió chướng. Không hiểu sao bà muốn lên bàn thờ đốt cho ông Sáu cây nhang. Con dâu bà nó cứ càm ràm mùi nhang giờ toàn hóa chất độc hại, hay má chuyển sang nhang điện. Bà không ưng. Bà thích hửi cái mùi nhang khói thiệt lẩn quẩn trong nhà, trong gian thờ vào lúc chạng vạng, nghe ấm cúng bình an không có tả được.
Xem thêm
Chợ phiên Mèo Vạc – Tạp văn của Nguyễn Duyên
 Ai đã từng đến chợ phiên vùng cao? Tôi chưa từng đến chợ phiên vùng cao nên tôi rất mong mỏi. Khi trên xe ô tô nhà thơ Trần Đăng Hào chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình thông báo với anh chị em: Ngày mai có chợ phiên Mèo Vạc đó. Lòng tôi dâng lên bao cảm xúc đợi chờ chợ phiên tới!
Xem thêm
Em sẽ gây tai nạn
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Cô gái có khuôn mặt trăng rằm Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Là người lính đã trải qua mấy cuộc kháng chiến, được đào tạo, học hành bài bản, ông Hữu không tin vào sự mù quáng, vô căn cứ. Nhưng thế giới tâm linh là điều ông đặc biệt quan tâm. Điều gì con người chưa có khả năng khám phá, lý giải thì đừng vội phủ nhận. Hãy nghiêm túc tìm hiểu nó với thái độ đúng đắn nhất. Ông Hữu thường nói với cấp dưới như thế.
Xem thêm
Gọi mãi tên nhau
Truyện cực ngắn của LÊ THANH HUỆ
Xem thêm
Chuyện ngày cuối năm - Truyện Ngắn Cát Huỳnh
Nhìn hắn bây giờ với dáng vẻ đường bệ. Nếu là người lạ chắc thế nào cũng lầm tưởng hắn là một cán bộ cấp cao ở tỉnh.
Xem thêm
Triết gia miệt vườn – Truyện ngắn của Vương Huy
 Lão Bần nâng ly trà lên miệng nuốt đánh ực một cái, lão gằn giọng nói: Tôi đọc triết từ thời trẻ và tôi rất mê Bùi Giáng. Nhưng sau nầy nghĩ lại, nếu Bùi Giáng viết ít lại sẽ hay hơn. Tôi thích triết Heidegger vì triết ổng sâu kín.
Xem thêm