- Nhà văn trẻ
- Dịch Ruồi - Truyện trinh thám của Võ Chí Nhất
Dịch Ruồi - Truyện trinh thám của Võ Chí Nhất
(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Sau đại dịch covid-19, Hà tự thưởng một chuyến du lịch tận Đà Lạt. Nếu không phải đích thân Hà thông tin trước thì những đồng nghiệp của chị đang công tác tại thành phố Ngàn hoa cứ tưởng đó là chuyện trên trời rồi. Khó lòng mà tin được.
Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất
Sau đại dịch covid-19, Hà tự thưởng một chuyến du lịch tận Đà Lạt. Nếu không phải đích thân Hà thông tin trước thì những đồng nghiệp của chị đang công tác tại thành phố Ngàn hoa cứ tưởng đó là chuyện trên trời rồi. Khó lòng mà tin được.
– Chà chà, cơn gió nào đưa rồng đến nhà tôm thế này?
Hà vừa nói vừa cười vừa liếc con ruồi đen bay phớt qua mặt mình nhẹ như cái lông ngỗng:
– Gì mà tỏ thái độ như thế? Lạ lắm sao? Lâu lâu cũng phải cho người ta xả hơi với chớ? Đến cả máy móc xài một thời gian cũng cần bảo trì nữa là… Tiền không mua được kỷ niệm đâu nhé. Bộ cậu muốn sau này tôi kể cho con mình toàn chuyện đánh đấm không à? Tôi còn mang cả váy nữa đây…
– Đà Lạt nhiều cảnh đẹp thật nhưng e là không thích hợp khi Hà “ớt” diện váy đâu – anh ta cười sảng khoái rồi nghiêng đầu qua trái ngó người thanh niên treo cái máy ảnh trên cổ, mặc áo ghi lê nhiều túi đang xách hai chiếc va li to tướng sau lưng Hà, hỏi nhỏ:
– Bạn trai Hà à? – Anh ta gật gù – Nhìn cũng được lắm đấy! Trong ngành luôn chứ hả?
– Cậu cứ vậy! Làm gì có bạn trai nào đâu? – Hà xoay về phía thanh niên sau lưng mình ăn mặc như một nhiếp ảnh gia chính hiệu – Này, giới thiệu với cậu đây là Thiên Minh, đồng nghiệp cùng cơ quan mình, còn đây là Duy Khánh, bạn cùng lớp với tôi hồi học ở Phước Sơn. Ôi sao tôi toàn quen biết những nhân vật đẹp trai thế này… – Rồi Hà cũng phá lên cười sảng khoái.
Họ bắt tay nhau trong khi Hà như nhún nhảy vì đám ruồi chết thành đống trên mặt đường. Xa xa, những người nhân công bước ra từ sương trắng đẩy bô rác đi khắp nẻo để gom cho bằng hết số ruồi trúng bả này trước khi trời sáng.
– Ủa? Ruồi ở đâu ra mà nhiều thế? Các cậu xem, nó chết đầy đường kìa…
– À, quên mách với Hà, Đà Lạt đang có dịch ruồi. Cũng độ tháng hơn rồi. Nhưng e là chúng ta không đứng ở đây nói chuyện chớ? Này, vào trong nhà hàng lai rai một chút rượu cần Tây Nguyên đi, để người ta còn gom ruồi nữa.
Họ di chuyển vào phía trong nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng một cách vội vã rồi chọn một bàn trống ngay cửa sổ. Mặc dù gió từ đồi chè Cầu Đất thổi hù hù làm Hà phải buộc tóc lại nhưng cũng không đủ sức khiến lũ ruồi bẩn thỉu đó thoái lui.
– Một sự đeo bám đáng khinh bỉ. – Hà đánh mắt một vòng quanh quán nhìn đám ruồi trúng bạ ken dày trên sàn mà nhân viên quán đang xử lý và kịp nhận ra câu nói của mình quá dư thừa vì hầu như ai cũng nhận ra điều đó từ lâu. Chung quanh quán được quay kính trong, tạo không gian mở nhìn ra rừng thông. Chị trông thấy một đôi tình nhân tay trong tay dưới làn sương đêm lãng đãng. Nếu Duy Khánh không chen vào thì e là chị đã bị sự lãng mạn đó cuốn mất rồi.
Cậu ta gân cổ lên, cứ như là Hà đã chọc đúng vào chỗ ngứa:
– Trời ạ! Lần đầu tiên trong lịch sử Đà Lạt có dịch ruồi. Cha mẹ ơi, khủng khiếp lắm! Vài tháng trở lại đây ruồi xuất hiện nhiều, tấn công hộ dân và du khách. Hà có tin không, chưa đầy chín giờ sáng là mỗi hộ có thể gom được ngót 2 kg ruồi đấy. – Anh ta chỉ vào cây đèn trên bàn, và cả sau lưng họ nữa – đấy, nhờ có ruồi mà hàng ngàn cây đèn diệt côn trùng được bán ra trong một tuần. Ở một số nơi ở Đà Lạt còn có lưới chắn côn trùng nữa cơ…
– Ừ, dịch ruồi nguy hại cũng chả kém gì covid. Tôi đọc sách thấy hồi thế kỷ 20, ông họa sĩ William Heath Robinson với trí tưởng tượng phi thường của mình đã họa ra bức Ngôi nhà lý tưởng (An ideal home) như một sự tiên đoán về đợt dịch covid vừa qua. Chả biết sắp tới có nghệ sĩ nào sáng tạo ra bức họa về “dịch ruồi” ghi dấu ấn với thời gian không nữa. Chắc sẽ thú vị lắm.
– Ý kiến hay đấy. Tôi sẽ nghiên cứu và công bố trong thời gian sớm nhất. Hà đợi nhé! – Khánh phá lên cười sằng sặc.
– Thảo nào lúc từ sân bay đến đây tôi thấy nhiều cửa hàng quảng cáo toàn là đèn diệt côn trùng, cả cái lồng bàn này nữa. Nó được khoét một lỗ trên đỉnh lồng để gắp thức ăn này. Doanh nhân ở đây nhạy bén thật. Mà ruồi ở đâu ra nhiều vậy?
Duy Khánh vùng vằng đặt ly bia xuống bàn.
– Nhắc tới vụ này tôi bực lắm. Ruồi xuất hiện nhiều là do cái công ty trà LANA chết tiệt chuyên sản xuất và kinh doanh trà D3 đóng trên địa bàn mà ra đấy. Họ mới học được cách bón phân hữu cơ hỗn hợp cho cây chè. Thứ quái quỷ đó gồm phân gà trộn lẫn trứng gà, bã mía, mật mía để tăng độ ẩm và chất dinh dưỡng cho cây. Từ khi bón loại phân này thì lũ ruồi đã kéo đến sinh sôi nảy nở nhiều lắm. Không sớm trừ được bằng hết lũ ruồi này thì e là công ty đó cũng không tồn tại được. Dân chúng ức chế lắm rồi!
– Nhưng cũng phải có giải pháp nào đó chứ? Tỉ dụ như rắc vôi bột để diệt trứng ruồi chẳng hạn.
Duy Khánh tằng hắng rồi nói:
– Cũng làm đủ cách rồi chớ. Nhưng thôi, việc đấy để cơ quan chức năng người ta lo vậy. Mình nói chuyện của mình thôi.
– Ừ. Làm tí rượu cần cho nóng.
– Trông mặt Hà đỏ vậy? Lạnh à?
Chị xuýt xoa hai gò má:
– Bộ đỏ lắm sao? Đã uống chút rượu nào đâu mà đỏ?
– Ha ha… thôi không giỡn nữa – Rồi cậu ta thay đổi thái độ – À, có vụ này bí quá, tôi kể Hà nghe thử…
– Chuyện gì mà ấp úng vậy?
– Địa bàn của tôi vừa mới xảy ra một chuyện thế này. Một giám đốc công ty may vừa mới bị hành hung đêm hôm qua, anh ta bị đa chấn thương, và nhập viện trong tình trạng nguy kịch… nhìn khiếp lắm nhưng vẫn chưa tìm ra nghi phạm. Anh em ca trực đang làm hồ sơ ban đầu đấy.
Hà đưa đũa vào lỗ nhỏ trên cái lồng bàn gắp một miếng da gà nướng mật ong vàng óng:
– Ra tay chuyên nghiệp như vậy thì chắc là giang hồ làm rồi. Tôi nghĩ là cũng có nguyên do chớ? Những công ty này nợ như chúa chổm, mà cũng có thể do ghen tuông hay thù oán gì chăng?
– Chưa khẳng định được. Nhưng theo tôi được biết, anh ấy là một người giỏi giang, hay xuất hiện trên tờ Doanh nhân với phương pháp kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ như thiết kế chiếc lồng bàn dùng trong mùa dịch (ruồi) này chẳng hạn. Anh ta mới ly dị vợ được hơn 4 tháng, báo chí cũng có nhắc tới vài kỳ, vụ việc cũng khá ồn ào nhưng cho đến hôm nay thì hình như đã chìm xuồng hẳn rồi.
Hà bình thản nhận xét:
– Thế sao. Tôi đồ là một người giỏi giang phong độ như vậy vừa ly dị vợ lại không có nổi một bóng hồng bên cạnh thì thật khó tin. Mà ai giành được quyền nuôi con thế?
Duy Khánh nói ngay:
– Đương nhiên là anh ta rồi!
Một ý nghĩ khủng khiếp đã đến với Hà. Mặt chị đỏ bừng khi nhận ra kẻ bị hành hung là một gã đàn bà. Hà nhấp một ngụm rượu cần nữa.
– Tôi hiểu vì sao các cặp vợ chồng lại chia tay sớm như vậy. Bởi họ có hai cái miệng nhưng chả có đôi tai nào. Ngày mai Khánh nhận hồ sơ rồi sẽ đi gặp đương sự chớ? Tôi có thể đi cùng không?
– Chắc chắn rồi. Có Hà hợp tác thì vụ này chắc xong.
Hà nhác thấy một bóng hồng bước ra từ phòng cấp cứu và đoan chắc đó là người chị cần tìm. Trông mặt cô ta trắng như bôi phấn, cặp mắt vằn tia máu chẳng khác một người mới bước ra từ hầm mộ hoặc vừa trải qua một cơn sợ hãi tột độ nào đó. Cô ta đang tự trấn an mình bằng cách vuốt ngược mái tóc ra sau rồi thả người trên hàng ghế chờ trước cửa phòng. Rồi kể từ giây phút ấy, cô ta không ngừng vặn vẹo trên ghế rồi mở xắc tay, lấy ra một gói thuốc. Đương loay hoay tìm cái bật lửa thì Hà chìa hộp diêm ra mời. Với những biểu cảm đó, đích thị cô ta là tình nhân mới của tay giám đốc kia. Hà đặt mông xuống chiếc ghế cạnh cô ta.
– Chào cô! Chúng tôi là phóng viên. Tôi thấy cô có vẻ không khỏe lắm nhưng chúng tôi có thể gặp cô một lúc được không?
Cô gái sững sờ mất một lúc, đến nỗi quên cả việc châm điếu thuốc trên môi. Vốn dĩ tâm trạng đang khó ở mà gặp phải mấy tay phóng viên, chỉ biết moi tin thôi thì phiền bỏ mẹ.
– Tôi không rảnh!
Hà tự đấu dịu mình rồi thả ra cái giọng nhẹ như ru:
– Được thôi. Chúng tôi cũng muốn xéo đi ngay lắm nhưng chúng tôi đến gặp chị với điều thiện chí chứ không phải moi tin kiếm tiền như chị nghĩ đâu. Chúng tôi là bạn cũ của anh Mai, chúng tôi chịu ơn anh ấy nhiều, và chúng tôi đến đây để giúp chị đánh động dư luận một cách tốt nhất để trả ơn và cũng giúp cảnh sát sớm điều tra ra thủ phạm là ai mà thôi.
– Chị đây là… – Đôi mắt cô ta sáng lên vì điều Hà nói mà đó cũng là điều cô ta đang suy nghĩ. Cô ta kéo thêm một hơi nữa rồi đưa tay quệt một đường dưới mi mắt, kết thúc giai đoạn điên đảo rồi xuống giọng, chộp lấy tay Hà, vẻ thành khẩn.
Ai nói chỉ có đàn ông mới có thể quyết đoán đâu, Duy Khánh lầm bầm.
– Em tên Phương Thảo, vợ sắp cưới của anh Mai…
Cô ta liếc vào phòng nhìn người đàn ông đang bất động trên giường kia, cảm giác u buồn mạnh mẽ nhấn chìm trong nước mắt.
– Thôi, chuyện đã rồi. Việc của chúng tôi là an ủi chị và giúp cơ quan công lực vén màn bí mật. Rất mong chị phối hợp để tìm ra chân tướng sự việc. – Hà nhìn thấy được sự chân thành từ khuôn mặt ấy, liền hỏi – Chị gặp anh Mai lần cuối là khi nào? Tại đâu?
– Em cùng anh Mai đi ăn tối tại quán BBQ đường Thống Nhất và chia tay nhau lúc 22 giờ, lúc 23 giờ 30 em mới hay là anh ta bị hành hung và đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Người anh Mai bê bết máu… giờ em vẫn còn sợ…
– Bình tĩnh nhé, chuyện đã xảy ra rồi… Thế chị Thảo có nghĩ là ai gây ra vụ này không?
Chẳng nghĩ suy gì, Thảo đáp lời ngay. Tốc độ làm người nghe phải bất ngờ.
– Chính chị ta – Mai Kim Ngọc, người vợ trước của anh ấy đạo diễn. Em thề trên danh dự của mình. Chị ta hận anh Mai đến thấu xương. Ngoài chị ấy ra thì còn ai? Anh Mai chả bao giờ gây thù chuốc oán với ai cả.
– Vợ trước sao? Chị ta làm thế vì điều gì? – Hà thở dài làm ra vẻ ngạc nhiên, nét mặt thường thấy ở một kịch sĩ chuyên nghiệp.
– Chị ta hận anh Mai vì anh ấy giành quyền nuôi dưỡng cháu bé, vì anh ấy không quan tâm đến cảm xúc của chị ta, vì anh ấy chỉ để lại cho chị ta một căn hộ nhỏ. Em từng nghe anh Mai nói thế.
– Được rồi, chúng tôi xin ghi nhận những gì chị nói. Đến khi đủ thông tin chúng tôi sẽ cho lên bài. Hôm nay đến đây là đủ, chị cho xin thông tin liên hệ khi cần nào.
Sau khi ghi lại thông tin cá nhân của Thảo xong, Hà cùng Duy Khánh rời khỏi bệnh viện trong khi những suy đoán của riêng họ đang dần định hình.
– Chúng ta sẽ chạm vào nhân vật kế tiếp trong vụ này sau khi xử lý thông tin có được hôm nay và hiệu chỉnh chiến thuật.
– Chào, chị có phải là Mai Kim Ngọc không?
Một phụ nữ độc thân ở trong một căn hộ đẹp có lưới chắn côn trùng phủ quanh nhà và nhờ thế nên người phụ nữ này mới thảnh thơi bơi lội trong hồ mà không phải phàn nàn gì vì nạn dịch ruồi hoành hành. Hai người khách kịp nhận ra đây là một thiên đường chứ không phải một căn hộ nhỏ kém tiện nghi như người ta nói chút nào. Gia chủ đánh tầm mắt ra khỏi ô vuông bằng bàn tay trên cổng sắt đáp lời khi nghe thấy chuông gọi cửa:
– Phải, tôi là Ngọc đây. Anh chị đây là…
– Chúng tôi là cảnh sát hình sự, chúng tôi muốn trao đổi với chị một số việc. Đứng ngoài này trò chuyện thì bất tiện quá. Chị có thể cho chúng tôi vào nhà không?
Chị ta nhanh tay quơ cái khăn tắm trên chõng quấn quanh người lại một cách cẩn thận rồi mở cửa khi thấy tấm thẻ đỏ trên tay Duy Khánh. Chị ta tỏ ra niềm nở hơn sau khi biết những vị khách của mình là ai. Hai chung trà nóng đặt trên bàn ngay sau đó. Thật trúng ý khách. Hà nhìn chung trà nóng, xúc động lắm, vì hôm nay nhiệt độ bên ngoài hơi thấp. Hai vị khách vẫn chưa thôi trố mắt ngạc nhiên khi thấy chị ta ngâm mình trong hồ bơi trong thời tiết như thế này. Thật quái đản, ai cũng sẽ bình luận như thế. Căn nhà thoáng đãng, nội thất giản đơn. Trên tường treo lơ thơ vài bức tranh phong cảnh và một bức gia đình ba người treo ngược, ngoài ra chả còn gì khác, cứ như vừa mới dọn đến ở vậy.
– Trời hôm nay lạnh thật. Bây giờ được ngồi ở nhà đọc sách bên cái lò sưởi thì còn gì bằng. – Duy Khánh bình luận. Đến lượt Hà rút cuốn sổ tay ra, ghi tốc ký cuộc trò chuyện.
– Tôi có thể giúp được gì cho anh chị đây?
Duy Khánh vào thẳng vấn đề:
– Chúng tôi cũng đã tìm hiểu sơ qua hoàn cảnh gia đình chị, nhưng có một việc chúng tôi muốn xác nhận, đó là tình trạng hiện tại của chị với anh Đoàn Mai. Chị có thể chọn cách im lặng không trả lời câu hỏi này nếu nó quá khó với mình và chúng tôi sẽ tìm hướng khai thác khác.
Nghe đến cái tên đó thì chị ta xụ mặt xuống nhanh chóng. Đoàn Mai, một cái tên đã để lại cho chị ta khá nhiều kỷ niệm. Chị ta muốn nói gì đó rồi lại nuốt ngược trở vào, chỉ thở hắt ra, ra vẻ lực bất tòng tâm nhưng ánh mắt rân rấn nước vẫn lưu ý từng cử động của Hà, có vẻ như Ngọc không thích Hà để mắt đến bức gia đình treo ngược ở sảnh nhà chị. Rồi Hà bước đến chiếc ghế xa lông có để một tờ giấy ghi trích yếu mấy chữ viết tay loằng ngoằng.
– Không anh ạ. Chúng tôi đã cắt đứt quan hệ từ rất lâu rồi. Có việc gì sao?
– Tức là chị và anh Mai không hề gặp nhau hoặc liên lạc nhau trong khoảng 4 tháng trở lại đây?
– Phải. Tôi thuộc hội nữ trí thức thành phố, tôi có lòng tự trọng của mình và tôi biết mình nên làm gì. Nếu hôm nay anh chị đến hỏi tôi việc này vậy xin về cho. Tôi chả có gì để giãi bày với các người cả.
– Tôi cho chị hay là anh ta sắp chết rồi… – Duy Khánh thả một câu gọn lỏn làm chị ta đứng hình mất một lúc.
– Sao sao? – Chị ta đứng phắt dậy, hét lên – anh ta bị làm sao?
Thái độ đó của Kim Ngọc làm hai vị khách bất ngờ, bởi nó hoàn toàn trái ngược với những thông tin họ nắm được trong bệnh viện. Rằng chị ta chính là chủ mưu trong vụ trả thù tình này và hôm nay đến đây cũng chỉ xem qua một vở kịch đã được soạn sẵn mà thôi.
Duy Khánh xuống giọng rì rì nhưng đủ để chị ta nghe rõ:
– Anh ta bị hành hung vào hai đêm trước, giờ vẫn còn trong phòng cấp cứu. Cơn nguy kịch chưa qua… Tuy nhiên chúng tôi phải nói rõ để chị an tâm, hiện chúng tôi cũng đã mời bác sĩ giỏi từ thành phố Hồ Chí Minh đến hỗ trợ, đồng thời bố trí người âm thầm bảo vệ anh ta rồi.
Hà vuốt ve tấm lưng của Kim Ngọc một lúc. Điều đó làm chị ta bình tĩnh hơn, sáng trí hơn.
– Chết là tốt. Chết là tốt…
– Điều đó cũng không quan trọng, quan trọng là có người tố cáo chị chủ mưu trong vụ hành hung này, chị Ngọc à. – Duy Khánh nhấn giọng cũng chỉ muốn chị ta nhảy cẫng lên nhưng vì lý do nào đó đã ngồi im như pho tượng.
– Đúng là người ta sẽ nghĩ tôi sẽ làm như thế nhưng tôi có lý do để không làm việc đó, tôi thề là không bao giờ can dự đến con người đó trong bất kỳ việc gì, cho dù anh ta có chết đi chăng nữa.
Duy Khánh lặng người. Sau đó chỉ hỏi chị ta thêm một câu:
– Theo chị thì ai là đạo diễn trong vụ hành hung này?
– Tôi không biết, vậy nên tôi chẳng thể nói bừa. Có thể là từ những mối quan hệ lằng nhằng gây ra. Khi chưa chia tay tôi, anh ta đã cặp kè hàng tá chân dài rồi. Tôi nói cấm có sai.
– Tôi xin ghi nhận. Ngoài bơi lội ra, chị có thích chơi môn thể thao nào không? Bóng chày chẳng hạn?
Không suy nghĩ gì, chị ta đáp lời ngay:
– Không! Từ nhỏ tới giờ tôi chỉ thích bơi thôi. Tôi có một bộ sưu tập huy chương bơi lội ở các kỳ thi được lộng trong tủ kính đằng kia. Anh chị có thể kiểm tra – Rồi chị ta hất cằm về phía góc nhà, nơi chiếc gậy bóng chày nằm trơ trọi ở đó – Còn chiếc gậy bóng chày kia tôi chỉ để phòng thân thôi. Tôi ở nhà một mình kia mà, anh chị thông cảm cho.
– À, ra thế. Thôi được rồi, cảm ơn chị đã cung cấp cho tôi những thông tin hữu ích.
Xong việc, họ ra về. Trên đường về, Hà lật đi lật lại những thông tin tích lũy được mấy ngày nay làm Duy Khánh bồn chồn:
– Hà đang nghĩ gì có thể bật mí không?
– Mai Kim Ngọc thuận tay trái, mà hung thủ cũng thuận tay trái. Một cây gậy bóng chày thủ sẵn trong nhà, một bức tranh gia đình ba người treo ngược. Đã ly hôn rồi nhưng vẫn treo hình chụp chung trong nhà sao? Vẫn còn nhắc tới những kỷ niệm đã xảy ra sao? Đố cậu tôi đang nghĩ gì?
– Tôi hỏi Hà, Hà hỏi lại tôi? Hớ hớ…
– Nếu là tôi thì tôi sẽ khó chịu lắm. Mà cậu có để ý biểu cảm của chị ta khi nghe được tin Đoàn Mai sắp chết không?
– Hừ! Lẽ ra chị ta nên vui mới phải chứ? Nhưng sao lại có vẻ cứ muốn bưng mặt mà khóc như vậy? Phụ nữ thật khó hiểu. Một người mình hạc xương mai như thế cho dù có một cây gậy bóng chày trong tay lại có thể khiến Đoàn Mai nhừ như tương như vậy được sao? Không thể nào.
– Sai rồi nhé! Nên nhớ, trên đời chả có hận thù nào bằng đòn ghen đâu. Suy nghĩ lại đi.
4.
– Đây là những tài liệu anh chị cần…
Người nhân viên công ty Đoàn Mai mang đến một chồng tài liệu theo ý của Duy Khánh: gồm những thông tin của cô thư ký tên Phương Thảo, và danh sách những nhân viên nữ của công ty. Một loạt những mối quan hệ cần chú ý mà những bà Tám trong công ty khoanh vùng theo một “sự thật” nào đó mà các bà cho đó là “sự thật” ai cũng sẽ dễ dàng thừa nhận dù không có sự thuyết minh của họ. Ngoài ra, còn có những hợp đồng được ký kết trong vòng 6 tháng trở lại đây, những hợp đồng ký trong hai mùa dịch. Tất cả được sắp xếp theo thứ tự từ trái sang phải, mỗi loại tài liệu cũng khá là dày. Anh ta đối chiếu lại với danh sách mà Hà cung cấp một cách tỉ mỉ đến hai lần.
Duy Khánh cầm lên xem một lượt rồi gác lại, thở dài:
– Tôi không biết là Hà cần những thông tin này để làm gì? Có phí sức khi xem những tài liệu này không chứ? Sao không thử khai thác từ một hướng khác xem sao?
– Không cần cực vậy đâu. Tôi làm vậy đương nhiên là có lý do rồi. Những thông tin trong cuốn sổ bìa đen vẫn chưa đủ. Tôi cần thêm tư liệu. Những gì tôi đang mường tượng vẫn là giả thiết thôi, phải tìm thêm chứng cứ chứng minh giả thiết đã. Cứ đợi đấy. Đây, đây này – Hà gọi người nhân viên – này, cô em, cho tôi thông tin của người nhân viên này nào.
Người nhân viên lục tìm dữ liệu trong máy tính rồi in ra, đưa cho Hà một tờ lý lịch trích ngang. Duy Khánh trố mắt nhìn, bởi ngay chính anh ta cũng chưa nhận ra được điều gì khác thường từ bảng lương của nữ nhân viên đó.
– Cô ta chỉ mới nghỉ hậu sản được 3 tháng đã đi làm lại rồi sao? – Hà hỏi.
– Dạ vâng, chị ấy chủ động đi làm lại được hai tuần nay rồi…
Duy Khánh nhét cuốn sổ bìa đen vào túi, nhanh tay chộp bảng lương đó xem kỹ:
– Thế à! Đưa tôi xem nào…
Duy Khánh đối chiếu lý lịch trích ngang và bảng lương của nhân viên tên Diễm Thúy đó rồi như là một ý tưởng vừa mới manh nha trong đầu, Duy Khánh rút điện thoại, a lô ngay cho cấp dưới. Sau cùng Hà gặp riêng người nhân viên văn phòng đã cung cấp lý lịch hỏi thêm số việc rồi đến người nhân viên kế toán để biết số tài khoản cá nhân của Diễm Thúy và cuối cùng là người lao công đang làm việc ở cuối hành lang xong mới yên tâm ra về.
5.
Kết quả của cú điện thoại mà Duy Khánh vừa thực hiện là thông tin của một nhân vật được cho là quan trọng trong vụ án này. Duy Khánh cầm điện thoại đọc to:
– Theo tài liệu mới thu thập được thì Diễm Thúy có một người chồng tên Hiếu Hiền, một con người khờ khạo kiếm sống bằng một chân tài xế tự do, hiện họ sống tại… anh ta 40 tuổi và là một người chồng mẫu mực. Xem ra thì đây là những công dân tốt rồi… như vậy nhân vật bị tình nghi nhiều nhất vẫn là người vợ trước của Đoàn Mai.
– Vào lúc xảy ra vụ gây thương tích, anh ta đang ở đâu? Làm gì? Có ai chứng không? – Hà hỏi Khánh một câu thuộc lòng. Một câu hỏi nhàm chán.
– Vào khoảng thời gian từ 17 đến 23, anh ta đang chạy xe ở Đồng Nai và tôi đã xác minh là anh ta có đến đó thăm một người họ hàng đang nhập viện ở bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đến hôm sau mới về Đà Lạt.
– Trùng hợp thế nhỉ? Anh ta đi bằng xe gì? Xe cá nhân hay thuê mượn?
– Xe cá nhân chớ? Anh ta chạy xe dịch vụ mà. Có vấn đề gì sao?
– Tôi lại không nghĩ thế. Nếu anh ta để xe của mình ở khách sạn, rồi thuê một chiếc xe khác tự lái quay lại thành phố Lâm Đồng hành hung thì sao? Đi một vòng xa như vậy để đánh lạc hướng điều tra cũng rất đáng và rất có khả năng nhé!
Khánh tựa lưng vào tường vỗ tay bôm bốp:
– Chà chà… Phụ nữ luôn có những suy nghĩ thật táo bạo. Tôi thích suy nghĩ này của Hà rồi đó. Đừng nói với tôi đây là giả thiết của Hà nhé? Và Hà đang tìm chứng cứ củng cố giả thiết này à?
Hà búng ngón tay cái rốp rồi lấy cuốn sổ bìa đen mà chị ghi chép được mở ra xem lấy xem để.
– Đúng thế. Bây giờ cậu có thể giúp tôi xác minh gấp lai lịch và mối quan hệ xã hội của ba người: Kim Ngọc, Diễm Thúy và Hiếu Hiền không? Hai là tìm giúp tôi những người đã thuê và trả xe ô tô trong khoảng 16 giờ hôm 1/7 đến 6 giờ sáng ngày 2/7 ở các hãng xe cho thuê tự lái. Ở Đồng Nai chắc không nhiều đâu. Cậu làm được chớ?
– OK. Tôi có một người bạn làm ở hãng Toyon, với các mối quan hệ xã hội của anh ta, tôi cho là sẽ giúp được. Hà đợi chút nhé!
Cũng tại nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng mà Hà gặp Duy Khánh hôm trước, tại chiếc bàn gần cửa sổ, nơi có làn gió mát rượi từ đồi chè thổi tới. Hà đặt mấy tấm ảnh chụp cạnh những chiếc đèn diệt côn trùng âm thầm tỏa sáng rồi trông ra ngoài, nơi ánh trăng nhu hòa đổ xuống vai đôi tình nhân khoác tay nhau đi trong rừng thông.
– Sớm mai Thiên Minh quay lại đón tôi về thành phố rồi. Lẽ ra cậu ấy phải có mặt ở đây để chia tay Duy Khánh nhưng ngặt nỗi Thiên Minh và người yêu lâu ngày mới gặp, vậy nên…
– Không sao đâu, tôi hiểu mà. Tôi có gửi cho cậu ta một phần quà.
– Gì thế? Ăn được không?
– Đà Lạt thì có gì làm quà tốt hơn dâu tây chớ?
– Cảm ơn nhiều. Tôi cũng có quà cho cậu. Đó là phần kết án. Không biết đáp án của cậu có trùng khớp với đáp án của tôi không?
– Hà khoan nói đã, để tôi đoán… Bây giờ tôi có thể chỉ ra được kẻ đã hành hung giám đốc Mai là ai rồi. Chẳng phải cô vợ tên Ngọc tính tình kỳ quặc với cây gậy bóng chày ở nhà cô ta đâu, mà hắn chính là Hiếu Hiền, chồng Diễm Thúy. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình, người ra tay nhất định phải là người đàn ông, không thể là một phụ nữ được.
Hà cười nhẹ:
– Sao Khánh lại nghĩ là hắn ta mà không phải một phụ nữ?
Duy Khánh cười lớn rồi giải thích:
– Chính hắn chớ còn ai nữa. Ban đầu, hắn mượn cớ đến thăm người bạn ở Đồng Nai để tìm chứng cớ ngoại phạm cho mình và đó cũng là chứng cớ ngoại phạm hoàn hảo nhất. Được biết là hắn ta về khách sạn GoGo nghỉ, nhưng người nhân viên tiếp tân nói, lúc 17 giờ chiều hôm đó, hắn than đói, ra ngoài nhậu với bạn rồi đi thật lâu sau mới quay về. Khoảng thời gian đó, nếu không đi nhậu hắn sẽ tới những đâu?
– Suy luận này có vẻ logic nhỉ? Và sao nữa? – Hà hỏi tới.
– Và hắn đã thuê một chiếc xe tự lái, một mình một ngựa phi về thành phố Lâm Đồng để hành hung tình địch, rồi âm thầm quay lại khách sạn. Lúc đó hắn say mèm và bảo là nhậu. Tôi đã tạm giữ chiếc xe hắn thuê đêm hôm 1/7 để kiểm tra rồi.
– Có lý đấy. Vậy ra hắn ngồi trên xe suốt 18 giờ đồng hồ sao? Suy luận thì vậy, nhưng vấn đề nằm ở chỗ vật chứng đâu? Chúng ta vẫn chưa tìm ra được…
– Có nghĩa là hắn bắt đầu cuộc hành trình lúc 10 giờ sáng, tới Đồng Nai lúc 16 giờ chiều, quay lại Đà Lạt và hành hung Đoàn Mai vào khoảng 23 giờ hơn rồi từ Đà Lạt quay trở lại Đồng Nai khi trời gần sáng. Tôi đã cho người lấy dấu vân tay trên chiếc xe Hiếu Hiền thuê đi Đà Lạt rồi, sẽ có kết quả thôi. Tới đây thì hết đường chối nhé!
Hà hừ lạnh, kèm theo đó là cái lắc nhẹ:
– Nhưng nếu như hắn cải trang, đội tóc giả, đeo găng tay, găng chân thì sao? Lấy gì đảm bảo là chiếc xe đã quay lại Đà Lạt? – Hà đẩy Duy Khánh vào thế bí rồi đặt mấy tấm ảnh chụp một chiếc xe ra trước mặt cậu ta.
– Xem đi. Chúng ta có gì nào?
– Tôi chả nhận ra điều gì khác biệt cả.
– Để tôi giải thích luôn cho nhanh. Ngoài chuyện này ra chúng ta còn khối chuyện cũ cần ôn lại trong đêm nay. Này nhé, ban đầu Hiếu Hiền lái xe đi Đồng Nai để thăm một người họ hàng đang nằm viện, thực ra để tạo chứng cứ ngoại phạm. Từ Đà Lạt đi Đồng Nai khoảng 265 cây số, cần 6 giờ đồng hồ đi xe. Sau đó, anh ta âm thầm thuê xe quay trở lại Đà Lạt để thanh trừng tình địch của mình như cậu đã nói. Ban đầu tôi cũng đã đặt giả thiết như thế, nhưng sau khi tiếp xúc với chiếc xe mà Hiếu Hiền thuê để lái về Đà Lạt tôi đã phát hiện ra một tình tiết vô cùng quan trọng và đầy thuyết phục. Đó là số côn trùng trong bộ tản nhiệt và một số bộ phận khác của xe có thể tìm thấy ở Đà Lạt mà đặc trưng là loài ruồi cùng chủng loại với loài ruồi xuất hiện trong đợt dịch này. – Hà ngập ngừng, còn Duy Khánh thì cầm tấm ảnh lên soi thật kỹ lần nữa – Thường thì những tên tội phạm sẽ nhớ đến việc đội mũ trùm tóc, đeo găng tay nhưng họ sẽ không nghĩ đến việc rửa xe thật kỹ. Số côn trùng trong đó, mà cụ thể là loài ruồi đặc trưng, chỉ có ở Đà Lạt đã tố cáo hắn ta. Chúng cho biết thời tiết lúc đó thế nào, độ nóng của tản nhiệt khiến côn trùng chết hay không nữa.
Mặt Duy Khánh tươi rói, liền tiếp lời Hà:
– Trong trường hợp này thì thời tiết Đà Lạt nhiều sương, để nhận dạng được người lái xe rất khó, Hiếu Hiền khai là đi nhậu nhưng số côn trùng trong bộ tản nhiệt lại chết khô đi, chứng tỏ anh ta đã đi xa hơn thế nhiều. Phải vậy không?
– Đúng vậy. Tôi đã làm một thí nghiệm, cho số ruồi vào bộ tản nhiệt, rồi đi quãng đường như Hiếu Hiền khai, đến một quán nhậu rồi quay về khách sạn GoGo nhưng chúng vẫn chưa chết. Do đó, hắn ta đã nói dối, hắn đã đi quãng đường xa hơn thế.
– Chà chà… tôi bắt đầu phục Hà rồi đó. Chi tiết độc thế cơ chứ… đúng là điều tra viên thành phố lớn có khác. – Anh ta vừa nói vừa ghi tốc ký vào cuốn sổ bìa đen.
Hà sửa lại cổ áo, cười nhẹ:
– Hừ, có gì đâu. Vậy chớ tôi hỏi này, sách trong thư viện cơ quan các cậu có mó tới cuốn nào không? Sách nghiệp vụ phá án đấy, toàn những án kinh điển đấy nhé.
– Hừ, sách đưa về thư viện có khi nào anh em chúng tôi rảnh mà đọc đâu. Có lẽ từ nay chúng tôi phải thay đổi dần thói quen thôi. Như vậy là vụ án có thể khép lại được rồi. Ngay sáng mai, chúng tôi sẽ mời tay Hiếu Hiền đó lên đồn làm việc. Còn bây giờ, hãy để hắn an tâm tận hưởng cảm giác được tự do bên đứa con mới sinh và cô vợ phản trắc. Và chỉ một đêm nữa thôi.
– Thế còn động cơ gây án của Hiếu Hiền?
– Chẳng phải Hà có gợi ý rằng đòn ghen đáng sợ thế nào hay sao? – Duy Khánh nheo mắt – Và chẳng phải ngẫu nhiên mà Hà xin người kế toán chỗ công ty Đoàn Mai số tài khoản cá nhân của Diễm Thúy. Công ty ấy trả lương qua thẻ ATM mà. Chắc chắn Đoàn Mai không điên dại gì mà trả tiền thù lao ba cái vụ lăng nhăng này vào bảng lương thưởng của nhân viên công ty. Nếu tôi tìm ra được các khoản tiền “ngoài sổ sách” mà Đoàn Mai đã trả cho Diễm Thúy vào tài khoản cá nhân của cô ta thì chắc chắn Hiếu Hiền cũng đọc được trong phần tin nhắn báo có của ngân hàng trên điện thoại của vợ. Dịch ruồi gây ấn tượng cho Hà đến mức Hà tìm ra tình trạng “ngoại phạm giả” của hung thủ, còn với tôi thì phải tìm những chi tiết từ trước khi có dịch.
V.C.N